ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 2
CHƯƠNG 10
ĐÔI ĐIỀU CẦN PHÂN BIỆT *
Đôi điều cần phân biệt trong các nhận thức và hiểu biết mà trí hiểu tiếp nhận.
1 - Trước khi bàn chi tiết về những ích lợi và tác hại mà các ghi nhận và nhận thức của trí hiểu có thể gây ra cho linh hồn về mặt đức tin, là phương thế để nên một với Thiên Chúa, chúng tôi xin dừng lại đây một chút để phân biệt rõ những nhận thức tự nhiên và siêu nhiên mà trí hiểu có thể tiếp nhận. Có phân biệt như thế, chúng ta mới có thể trình bày cách thứ tự, mạch lạc, hướng dẫn cho trí hiểu phần nào trong đêm và trong bóng tối của đức tin. Phần này rất ngắn.
2 - Trước hết, cần biết rằng trí hiểu có thể tiếp nhận thông tin và hiểu biết bằng hai con đường tự nhiên và siêu nhiên. Đường tự nhiên là tất cả những gì trí hiểu có thể nhận biết hoặc nhờ các giác quan thể chất hoặc nhờ chính nó (trí hiểu). Đường siêu nhiên là tất cả những gì được cung cấp cho trí hiểu, vượt ngoài khả năng và sự khéo léo tự nhiên của nó.
3 - Trong những điều tiếp nhận qua đường siêu nhiên, một số có tính cách thể chất và một số có tính cách tâm linh. Những điều có tính cách thể chất lại do hai cách: Một số được tiếp nhận qua con đường giác quan thể chất bên ngoài; số còn lại qua con đường giác quan thể chất bên trong, gồm tất cả những gì trí tưởng tượng có thể tiếp thu, bịa đặt hoặc chế tạo ra.
4 - Những nhận thức mang tính tâm linh cũng do hai cách: Có những điều nổi bật và độc đáo, có những điều mờ nhạt và tăm tối, chỉ là chuyện chung chung. Trong những điều nổi bật và độc đáo, có bốn cách nhận thức đặc biệt được truyền đạt thẳng cho tâm trí không cần một giác quan thể chất nào làm trung gian. Đó là: thị kiến, mặc khải, nhãn giới tâm linh và những tình cảm tâm linh. Còn về hiểu biết tăm tối và chung chung thì chỉ có một cách, tức là chiêm niệm nhờ đức tin. Đây là cách ta phải đề ra cho linh hồn, ta sẽ giúp linh hồn vượt qua tất cả những cách khác để hướng thẳng tới đó. Chúng ta hãy khởi sự bàn về những điều hiểu biết qua con đường thứ nhất trên đây (qua giác quan thể chất bên ngoài) và giúp linh hồn lột bỏ chúng.
Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét