Thứ Năm, 31 tháng 1, 2008

Trẻ Con

Ảnh chụp với Thầy Thế Tâm - Nguyễn Khắc Dương
tại Bình Triệu, cuối thập niên 90

Gần già lại hóa trẻ con,
Thích chơi đất đá, thích dòm cỏ cây.
Thích vơ thích vẩn cả ngày!

Thứ Tư, 30 tháng 1, 2008

Chiếc Chìa Khoá Vạn Năng - GNĐT4

Chị bạn tôi mới xây một căn nhà ở Long Thành, có nhã ý mời chúng tôi đến thăm và góp ý cho cách bài trí nhà cửa của chị. Hôm ấy hai chị em tôi cùng với chị và con người bạn từ Sàigòn ghé về thăm nhà mới. Căn nhà ở miền quê, nhỏ gọn xinh xinh, có mảnh vườn khá rộng bao quanh, nhưng chị bạn tôi không ở đó, nên nhà suốt ngày cửa đóng then cài.

Vì cửa trước được khóa từ bên trong, nên chúng tôi phải vào nhà bằng lối cửa sau. Chị người bạn mở được cái cửa sắt ở phòng để xe, rồi loay hoay mãi với chùm chìa khóa - gồm rất nhiều cái có đánh mã số cẩn thận – mà vẫn chưa mở được cửa vào phòng trên. Tìm trên cánh cửa thì không thấy ghi mã số gì cả. Tôi bắt đầu sốt ruột, vì nếu cứ loay hoay mãi như thế này thì không biết có vào được nhà không hay lại phải ra về luống công! Đứng nhìn chị người bạn cứ thử hết chìa khoá này đến chìa khoá khác, tôi thầm nghĩ: Giá mà có một cái chìa khoá vạn năng, đút vào đâu mở ra đến đó, khỏi phải mất công mò mẫm, thì thật là tiện lợi biết bao…

Sau bao nhiêu lần thay qua đổi lại, cuối cùng chúng tôi cũng vượt qua được mấy lần cửa để vào căn phòng khách sát cửa chính. Thiệt là hú hồn! Nhìn ngược lại, tôi mới thấy các mã số ghi ở mỗi cánh cửa, theo hướng từ cửa chính đi xuống cửa nhà xe. Hoá ra chị bạn tôi, tuy có đầu óc rất khoa học, nhưng chưa dự phòng được tình huống tréo ngheo mà chúng tôi đang gặp, nghĩa là phải vào nhà theo lối cửa sau, nên chỉ ghi mã số ở phía trước cánh cửa mà thôi. Nhìn chùm chìa khoá với rất nhiều cái có đánh mã số cẩn thận, tôi cảm thấy hơi lấn cấn làm sao ấy!

***

Tối hôm đó, khi trở về Sàigòn, tôi cứ suy nghĩ hoài về chiếc chìa khóa vạn năng mà tôi đã thầm ước khi đứng trước “mê hồn trận” của các cánh cửa nhà chị bạn. Phải rồi! Trong cuộc sống, có lắm lúc tôi đã rơi vào những tình thế oái ăm theo cái kiểu “vào nhà từ cửa sau” như thế. Những lúc đó, đầu óc tôi cứ rối tung lên. Nó loay hoay tìm cái “chìa khoá” này, rồi cái “chìa khóa” kia để mong gỡ được mớ “bòng bong” đang ràng rịt lấy đời mình. Nhưng làm như càng gỡ thì càng rối, mà càng rối thì càng mất bình tĩnh, nên có nhiều lúc tưởng như không thể nào thoát ra được!

May thay, tôi vẫn giữ được thói quen nhìn lên Thánh Giá mỗi khi thấy đời mình rơi vào ngõ bí. Tôi luôn nhớ lời thầy Thế Tâm Nguyễn Khắc Dương đã chia sẻ với anh em chúng tôi: “Chiếc ‘Chìa-Khoá-Giêsu’ trông xù xì chẳng ra gì nhưng lại mở được tất cả mọi loại ổ khoá.” Quả thật, cho đến nay, với cuộc sống “ba chìm bảy nổi sáu lênh đênh” của tôi, tôi chưa hề thất vọng vì đã dùng ‘Chìa-Khoá-Giêsu’ để khai thông các ngõ bí của đời mình, dù đôi lúc tôi đã có cảm tưởng rằng mình sẽ không thể nào thoát ra được.

***

Lạy Chúa Giêsu là Chìa-Khoá-Vạn-Năng của đời con, con cám ơn Chúa vì Chúa đã đến giữa trần gian này, đã sống trọn kiếp làm người vui buồn sướng khổ như chúng con. Chúa đã kinh qua mọi hương vị ngọt bùi cay đắng của cuộc đời để chia sẻ, để cảm thông, và nhất là để thánh hoá cuộc sống trần gian của chúng con. Nhờ mầu nhiệm Nhập Thể cùng với mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa, cuộc sống chúng con mang lấy một sắc thái mới, một ý nghĩa mới vượt lên mọi ý nghĩa thường tình của kiếp nhân sinh. Nhờ có Chúa, cuộc đời chúng con luôn chan hoà một màu hồng vui tươi ngay cả trong những lúc truân chuyên khổ não nhất. Nhờ có Chúa, chúng con luôn lạc quan hy vọng ngay cả trong những lúc tưởng chừng như không còn gì để hy vọng nữa. Nhờ có Chúa, mọi cánh cửa cuộc đời sẽ dần dần mở ra theo bước chúng con đi, cho đến ngày chúng con vào được cánh cửa Nước Trời.

Lạy Chúa Giêsu là Chìa-Khóa-Vạn-Năng của đời con, xin Chúa giúp con trung thành bước đi theo Chúa cho đến cùng. Amen ./.

Hình Như

Hình như càng lớn càng buồn.
Hình như thêm tuổi, thêm luôn lặng thầm.
Hình như, đâu đó, tri âm ?

Thay Cuốn Lịch Tường

Treo lên rồi lại gỡ ra,
Bụi chưa kịp bám đã qua hết rồi.
Mới, nhưng sẽ cũ ngay thôi !

Mưa Gió Trái Mùa

Ngày xưa mưa gió thuận hoà.
Ngày nay mưa gió trở qua trăn về.
Trái đất đau đớn ủ ê !

Văn Dĩ Tải Đạo

Thơ tôi chẳng biết tải gì,
Chữ đầu chữ cuối li ti chuyện đời.
Chữ còn, chữ rớt, chữ rơi !

Một Trăm Năm Trước

(22.5.1857 - 22.5.1957)
Kính dâng “Bố” Mỹ-căn Hồ Đình Hy

Một trăm năm trước lìa cha,
Trăm năm sau đó con ra chào đời.
Xin cha nhận đứa con côi ./.

Ngũ Thập Nhi Tri - (Khổng Tử)

Năm mươi năm, biết mệnh trời.
Rồi bao năm nữa, biết Trời gần xa ?
Mỗi ngày, thêm một món quà ./.

Quậy Chút Chơi!

Tiểu chủng viện Hoan Thiện, Huế 1972

Thứ Năm, 17 tháng 1, 2008

Các Thánh

CON CHÓ CỦA THÁNH ĐA-MINH
Kính dâng Sư phụ Đa-minh

Con là con cún long nhong,
Con là con chó lòng vòng lang thang.
Đốm, khoang, hay mực, hay vàng ?



BẦU DA MỚI
(Mc 2,22)

Rắn già, rắn lột thay da.
Còn tôi sao vẫn cứ là thế thôi !
Làm sao đổi mới cuộc đời ?



THÈM NGỦ
(Mt 26,40-41)

Thầy ơi, con ngủ chưa bưa.
Thầy ơi, con ngủ chưa vừa lòng con.
Năm canh mộng mị chưa tròn !



CHÚA HIỂN DUNG
(Mc 9,2-8)

Đưa con lên ngọn núi cao,
Cho con hiểu được thế nào là yêu :
Xuống đất rồi hãy “cắm lều” !



VƯỜN HOA MÁU
“Máu các thánh tử đạo trổ sinh người có đạo”
Kính dâng các thánh Tử đạo Việt Nam

Máu rơi, máu trổ thành hoa.
Hoa trong bão táp lại hoà máu tươi.
Một Vườn Hoa Máu sáng ngời ./.


ANH TÔ-MA THIỆN
Kính dâng thánh chủng sinh Tô-ma Trần Văn Thiện
tử đạo tại làng Nhan Biều, tỉnh Quảng Trị
( 1820 – 21-9-1838)

Ai ưa dây trói cổ mình ?
Tôi cho dây trói để tình tôi bay.
Đời tôi đã quyết theo Thầy ./.



SƯ PHỤ ĐA-MINH

Tôi đi lên ngược về xuôi.
Tôi đi loan báo cho đời Tin Vui :
Giê-su, Chân Lý rạng ngời ./.



SƯ PHỤ TÔ-MA TÔNG ĐỒ

Dấu đinh để xỏ ngón tay,
Dấu đời để tỏ lòng ngay với Thầy :
“Lạy Thiên Chúa của con đây !”



THÁNH PHAN-SINH NGHÈO

Gấm nào phủ đẹp thân tôi
Bằng bông hoa huệ giữa trời bao la ?
Giàu chi bằng giàu Tình Cha ./.



CHỊ TIÊN-SA NHỎ

Chị ơi, em nói chị nghe :
Hoa hồng nở khuất bên hè đã thơm,
Huống chi nở giữa thiên đường !


MẸ TIÊN-SA AVILA

Mẹ cho con một tấm hình
Kèm theo chữ ký báo tin mẹ về.
Mẹ con chung sống cận kề ./.



MẸ TIÊN-SA CALCUTTA

Con mê mẹ ở đôi tay :
Tay gầy guộc thế mà đầy yêu thương
Như cò lặn lội bờ mương !



THÁNH I-NHÃ

Để danh Chúa rạng sáng hơn,
Giấc mơ hiệp sỹ chẳng còn vấn vương.
Ý Cha, cờ hiệu con nương ./.



THÁNH GIO-AN MA-RI-A VI-A-NÊ

Sam-son chỉ một hàm lừa,
Tôi nguyên một bộ, chẳng chừa chút chi.
Lẽ nào không được việc gì ?



THÁNH LÔ-REN-XÔ PHÓ TẾ
Mến tặng Lm. Bùi Công Huy OP

Người ta tự nướng cuộc đời.
Tôi xin bị nướng thân tôi vì Ngài.
Nướng luôn của cải trần ai ./.


Vườn An Hạ, tháng 8-2006

Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2008

Chiếu Bí - GNĐT2

“Này là Mình Thầy !”. Câu nói của Chúa Giê-su trong bữa Tiệc Ly vẫn được các linh mục thay mặt Ngài tuyên đọc trong giờ cao điểm của các thánh lễ hàng ngày đã trở nên quá quen thuộc đến nỗi có khi nó chỉ còn là một phần phải có trong một “công thức truyền phép” và ít khi làm cho linh hồn tôi phải lay động, trí óc tôi phải nghiệm suy. Ấy thế mà, có một lần, câu nói này đã khiến cho tôi giật nẩy mình bối rối và chết trân đi, y như khi đang ngon trớn “bày binh bố trận” trong một trận cờ tướng thì bị chiếu bí !

Chuyện xảy ra thế này :

Hồi chúng tôi còn “lang thang phiêu bạt” ở thành phố Sài Gòn, tôi và các anh em “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” vẫn thường tụ họp lại để nâng đỡ nhau trong đời sống chứng nhân. Trong nhóm có một vài anh em là linh mục, cho nên trong những lần họp mặt ấy chúng tôi thường dâng lễ “nội bộ” trong những căn phòng nhỏ xíu, anh em đứng sát vào nhau và sát vào bàn dâng lễ. Hôm ấy là ngày lễ tạ ơn của một anh em vừa nhận tác vụ linh mục ở một giáo phận khác trở về. Anh làm chủ tế, hai anh nữa đồng tế. Trong bầu khí vui mừng và ấm áp tình huynh đệ, tôi thấy mình lâng lâng khi tham gia dâng lễ… Tâm tình tạ ơn dần dần dâng cao. Thế rồi đột nhiên, lúc các anh đọc lời truyền phép, một anh đồng tế giơ tay lên, và tôi hoảng hốt chết lặng người khi cảm thấy anh chỉ thẳng vào mặt tôi mà đọc “Này là Mình Thầy !” Trời đất ơi ! Tôi không thể tránh vào đâu được vì căn phòng dâng lễ nhỏ quá, tôi thấy cánh tay của anh “chiếu tướng” ngay mặt mình. Thật bí quá ! Không có “sĩ, tượng” nào che chắn cho mình, cũng không còn khoảng trống nào để mình có thể chuyển dịch “con tướng” đi nơi khác. Trong tích tắc đồng hồ đó, tôi cảm nhận được một điều mà trước đây tôi chỉ cảm nhận một cách khá lý thuyết và hơi mơ hồ : lễ vật dâng lên bàn thánh không chỉ là bánh rượu tượng trưng cho con người và cuộc-đời-của-con-người-nói-chung, mà là chính mỗi một con người cụ thể đang tham gia cử hành thánh lễ trong hiện tại. Câu nói “Này là Mình Thầy !” không chỉ tác động đến bánh rượu dâng trên bàn thờ, mà còn tác động đến tất cả mọi người đang tham gia dâng lễ. Bánh rượu được hoá nên Mình và Máu Chúa Kitô. Mọi người dâng lễ cũng được hoá nên Mình và Máu Ngài. Nhiệm Thể Chúa Kitô được thể hiện một cách trọn vẹn trong thánh lễ, với Ngài là Đầu và tất cả mọi người dâng lễ là các chi thể. Và như thế thì lời “Hãy nhận lấy mà ăn. Hãy nhận lấy mà uống.” mang một ý nghĩa kép : tôi hãy nhận lấy Mình Máu Thánh Chúa Giê-su mà ăn mà uống, nhưng đồng thời tôi cũng hãy nhận lấy anh chị em mình mà ăn mà uống, và cũng hãy trao ban chính bản thân cho anh chị em để họ cùng ăn cùng uống. Như vậy mọi người cùng ăn cùng uống Chúa Kitô và cùng ăn cùng uống chính bản thân nhau. Thật là “rối” quá và cũng thật là ngán quá !

Trước tiên là “rối” nơi bản thân : Tôi có dám cho anh chị em “nhai nuốt” mình không, có dám chấp nhận cho mọi loại “hàm răng” cắn ngập vào cuộc đời của mình và “tiêu hoá” nó theo “khẩu vị” của họ không ? Tôi là thứ lương thực gì cho anh chị em : là “thực phẩm an toàn” - chứ chưa nói là thực phẩm giàu chất dinh dưỡng - hay là thứ thực phẩm bị ô nhiễm trầm trọng mà anh chị em tôi ăn uống vào liền bị “ngộ độc” ? … Kế đến là “rối” nơi người khác : Tôi có dám vui vẻ “ăn uống” tất cả anh chị em mình, ngay cả những người trông thật khó mà “nhai nuốt” nổi hay không ? … Chỉ ngần ấy câu hỏi thôi cũng đủ làm cho tôi thấy “ngán” rồi !

“Này là Mình Máu Thầy, hãy nhận lấy mà ăn uống.” Nếu chỉ nghe các linh mục tuyên đọc như thế rồi lên rước lễ thì khá là dễ thở vì ít thấy lời đó đụng chạm tới mình. Đàng này, cú “chiếu tướng” xảy ra làm cho việc tham gia dâng lễ của tôi trở nên “khó thở” hơn vì nó chạm ngay cái “nọc” trong “thâm cung bí sử” của tôi !

Kể từ sau thánh lễ đó, tôi trở nên thích nhìn anh chị em mình đi rước lễ. Tôi thích nhìn để tập đón nhận họ trong mọi nét riêng biệt của họ, ít nữa là ở dáng vẻ bên ngoài. Họ đó : kẻ lớn người bé, kẻ cao người lùn, kẻ đẹp người xấu, kẻ “dễ thương” người “khó ưa”… Hết thảy họ đều là anh chị em của tôi. Hết thảy họ đều đã được Lời quyền năng của Chúa Giê-su làm cho trở nên Thân Thể của Ngài. Tôi đến rước Chúa Giê-su, cũng là rước tất thảy họ vào lòng mình để nên Một với họ nhờ việc nên Một với Chúa Giê-su. Nên Một một cách khá vô hình nhưng rất thật, thật hơn tất cả mọi sự “đoàn kết nhất trí” kề vai sát cánh khác ngoài xã hội. “Này là Mình Thầy, này là Máu Thầy.” Họ là Mình, là Máu của Chúa Giê-su và cũng là mình và máu của tôi. Làm sao tôi có thể không đón nhận họ. Làm sao tôi có thể không thương yêu họ cơ chứ ? Họ là “Mình ơi !” của tôi, thì tôi phải đối xử với họ sao đây ? Thiệt là “rối”, vì việc rước lễ bắt tôi phải đặt lại vấn đề cho cung cách ứng xử của tôi đối với các anh chị em đồng đạo, rồi từ đó mở rộng ra với tất cả mọi con người trong tư cách là anh chị em của một Cha chung trên trời. Thiệt là “rối”, nhưng cũng thiệt là đáng bõ công để gỡ cho hết mọi cái “rối rắm” mà hoà chung vào nhau thành Một nơi Chúa Giê-su để nhờ Ngài mà nên Một với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Cú “chiếu bí” tưởng là gây rắc rối thì lại mở ra cho tôi một chân trời thoáng đãng và hoan lạc hơn nhiều so với trước đây, khi tôi còn nại vào “sĩ, tượng…” để che chắn cho mình !

04-05-2006

Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2008

Thời Niên Thiếu

Trên sân thượng Tiểu chủng viện Huế, 1972

Đinh Dậu 1957 - Ất Dậu 2005

Con Gà lại gặp Con Gà.
Bao giờ ta được gặp ta trong đời?
Ta tìm ta mãi ta ơi!

Tri Kỷ

Tặng bạn uống trà

Với nhau những ấm trà xanh.
Với nhau những chuyện quẩn quanh cuộc đời.
Chung nhau những tiếng không lời ./.

Lạy Mẹ Thiên Nhiên

Cùng với nỗi đau Tsunami

Mẹ ơi đừng đánh con đau,
Anh em con phải âu sầu theo con.
Chúng con đều đáng ăn đòn!

Tsunami 26.12.04

Sóng ơi, sóng vốn dịu dàng
Mà sao sóng nỡ ngang tàng nổi lên
Mang theo bao nỗi ưu phiền!

Trẻ Con


Gần già lại hoá trẻ con, 
Thích chơi đất đá, thích dòm cỏ cây. 
Thích vơ thích vẩn cả ngày!

Giáp Thân 2004

Thân này ví xẻ làm đôi,
Nửa chìm xuống vực, nửa ngoi lên nguồn.
Xuân này khỉ dạo tứ phương ./,

Giao mùa Quý Mùi 2003- Giáp Thân 2004