Trangđài Glassey-Trầnguyễn phỏng vấn Linh mục Trăng Thập Tự
Lời Giới Thiệu: Chào mừng kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ HÀN MẠC TỬ, 22/9/1912-2012, một nhóm tác giả, với sự chủ biên của linh mục Trăng Thập Tự, đã hoàn tất biên soạn và phát hành bộ sưu tập thơ Công giáo mang tên CÓ MỘT VƯỜN THƠ ĐẠO (Nxb Phương Đông, Sài Gòn, 2012), gồm 4 tập, dày 2000 trang. TẬP 1: THI SĨ CỦA THÁNH GIÁ, giới thiệu nhà thơ Hàn Mạc Tử – cách riêng là về thơ đạo của ông. TẬP 2: NHƯ SONG LỘC TRIỀU NGUYÊN, giới thiệu 45 tác giả có năm sinh từ 1912 đến hết 1940. TẬP 3: ƠN PHƯỚC CẢ, giới thiệu 51 tác giả có năm sinh từ 1941 đến hết 1955. TẬP 4: THẦN NHẠC SÁNG HƠN TRĂNG, giới thiệu 44 tác giả có năm sinh từ 1956 đến thập niên 1990. Chính ngày 22/9/2012, nhóm các tác giả tổ chức về Quy Nhơn thực hiện một ngày hành hương mừng kỷ niệm sinh nhật thứ một trăm của nhà thơ tài hoa Hàn Mạc Tử. Nhân dịp này Trangđài Glassey-Trầnguyễn đã có cuộc phỏng vấn sau đây với Linh mục Trăng Thập Tự, 66 tuổi, đang phục vụ tại Tòa Giám Mục Quy Nhơn, Việt Nam. Bên cạnh những nổ lực sưu tầm thơ Công Giáo, Linh mục, Thi sĩ Trăng Thập Tự còn là một dòng thơ hiếm hoi, sung mãn, tinh tuyền, thấm đẫm linh đạo Cát Minh, hài hòa Đức Tin và văn hóa dân tộc. Những mạch thơ của Ngài khởi đi từ những trăn trở mỗi ngày của một tâm hồn khao khát nên một với Tạo Hóa, thắt chặt Tình Chúa và Tình Người trong từng tứ thơ.
TGT: Kính chào Linh mục Trăng Thập Tự. Xin cám ơn Cha đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này. Trước hết, xin Cha chia sẻ đôi điều về kỷ niệm cá nhân của Cha với dòng thơ toàn bích Hàn Mạc Tử. Thi sĩ đã có ảnh hưởng như thế nào đến lòng đạo và sáng tác của Cha?
Lm TTT: Tôi biết đến thơ đạo từ năm lớp Đệ Thất (nay là lớp Sáu) qua tập Thơ Kinh của cha Xuân Ly Băng nhưng chỉ mê thơ khi biết Hàn Mạc Tử vào cuối năm lớp Đệ Lục, 14 tuổi. Tôi thuộc lòng bài Thánh Nữ Đồng Trinh Maria và bắt đầu làm thơ học theo nhịp thơ, lời thơ, hình ảnh và cả tứ thơ của anh. Tôi tiếp tục như thế đến hết lớp Đệ Tứ, rồi bỏ làm thơ, mấy năm sau làm lại thì về cả hình thức lẫn nội dung có khác đi nhưng cái chí nguyện dùng thơ ca để chúc tụng Thiên Chúa và loan báo Tin mừng đã học được nơi anh thì tôi vẫn giữ mãi đến nay.
TGT: Cha đã khởi xướng việc sưu tầm thơ Công Giáo từ nhiều năm qua. Đây là một công việc đòi hỏi nhiều thời gian, công sức, và cũng đầy thử thách vì trước nay chưa ai làm, mà lại không dễ dàng tìm được sự hỗ trợ về nhân sự lẫn tài chánh cho “một đền thờ tinh thần.” Thế nhưng, cho đến tháng 9/2012, Cha đã hoàn tất nhiều công trình và bộ sưu tập thơ Công Giáo, nhất là Tuyển Tập kỷ niệm 100 Năm Ngày sinh Hàn Mạc Tử. Thưa Cha, Cha đã kiên trì theo đuổi những dự án này như thế nào? Và đâu là những hoa quả đã đạt được kể đến ngày hôm nay?
Lm TTT: Khoảng năm 1980, một vài anh chị em mới tin Chúa ở Đà Lạt chép cho tôi những bài thơ họ viết diễn tả cuộc sống mới trong Chúa, một vài anh chị em đã chịu thánh tẩy lâu năm cũng tặng tôi những bài thơ của họ. Sau đó có mấy người ở những nơi khác. Tới năm 1990, tôi đã có được hơn mười tác giả. Tôi nẩy ra ý định tìm xin bài của những anh chị em trước kia có làm thơ về Chúa để giữ lại cho mai sau, vì lý do hồi ấy chẳng ai có điều kiện để in thơ. Tôi nhờ một bạn trẻ chép tay vào một quyển sổ thật đẹp rồi về sau nhờ đánh máy lại. Năm 1995 thấy có thể xin phép in chính thức được, tôi chọn ra 40 tác giả và lặn lội đi tìm đủ tiểu sử và hình ảnh, nhưng tới lúc có giấy phép xuất bản thì chỉ được in thơ suông thôi, không có tiểu sử và hình ảnh. Đó là tuyển tập đầu tiên, “Góp nhặt thơ Công giáo,” Nxb Thuận Hóa 1998.
Cũng thời gian ấy anh Lê Đình Bảng đã gom được những bài anh viết về 22 tác giả xưa. Chúng tôi phân công: anh Bảng tìm tòi những tác giả xưa, tôi tìm liên lạc với những anh chị em mới. Mấy năm sau có thêm Cao Huy Hoàng và Phanxicô Nguyễn Đình Diễn. Chúng tôi họp nhau định kỳ làm việc ở Sài Gòn và đã thực hiện được quyển Kinh Trong Sương. Lúc ấy anh Bảng ước tính phần của anh sẽ in thành 3 quyển, cho nên chúng tôi đánh số quyển Kinh Trong Sương là quyển 4. Tới lúc anh Đình Bảng làm xong Ở Thượng Nguồn Thi Ca Công Giáo, thì đến những 6 tập, quyển Kinh Trong Sương rơi vào thế việt vị. Cuối năm 2007 tôi về sống ở Qui Nhơn, dần dần gặp được mấy anh em cùng tâm huyết, rủ nhau tiếp tục công việc, dự tính lấy tên Kinh Trong Sương cho một bộ nhiều tập, mỗi tập 15 tác giả. Bộ sưu tập Có Một Vườn Thơ Đạo chỉ là tiếp nối công việc này.
TGT: Trong tư cách Chủ Biên, xin Cha nói thêm về Bộ Sưu Tập kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hàn Mạc Tử: ý tưởng ban đầu, tìm người đứng vào Ban Biên Soạn, việc thảo ra nội dung của Tuyển Tập, sưu tầm những bài viết về Hàn Mạc Tử, chọn thơ Hàn Mạc Tử, chọn thơ của các tác giả khác.
Lm TTT: Nhóm bạn ở Quy Nhơn có anh Nguyễn Thanh Xuân, Mạc Tường và Thiện Chân. Về sau có thêm anh Trần Như Luận. Giữa năm 2011, chúng tôi hoàn thành được hai tập bản thảo Kinh Trong Sương 1 và 2, tính làm xong tập 3 sẽ in cùng một lúc. Chợt nhớ ra ngày kỷ niệm Hàn Mạc Tử đã gần kề, chúng tôi đổi hướng, dự tính giới thiệu 100 tác giả để mừng kỷ niệm 100 năm. Thế nhưng khi xong bộ Có Một Vườn Thơ Đạo thì không chỉ 100 mà là 140 tác giả. Để thực hiện bộ sách này, ngoài nhóm chủ chốt họp mặt định kỳ hàng tháng tại Quy Nhơn, chúng tôi còn làm việc qua email và điện thoại với các anh Trần Vạn Giã (Nha Trang), Lê Hồng Bảo (Ninh Thuận), Cao Huy Hoàng (Bình Thuận), Lê Đình Bảng (Sài Gòn) và chị Vũ Thủy (Sài Gòn). Theo sự góp ý của bạn hữu từ xa, chúng tôi thực hiện một tập riêng cho Hàn Mạc Tử, còn các tập sau giới thiệu những tác giả sau Hàn Mạc Tử, nghĩa là có cùng năm sinh với Hàn Mạc Tử (1912) trở đi và xếp theo thứ tự năm sinh. Hy vọng sự sắp xếp này sẽ tạo thuận lợi để về sau người ta dễ nghiên cứu và đánh giá sự phát triển thơ Công giáo Việt Nam theo dòng thời gian.
Việc sưu tầm những bài viết về Hàn Mạc Tử có hai phần: Những bài của các tác giả ngoài Kitô giáo, phần lớn giáo sư Phan Cự Đệ đã đưa vào hai quyển sách dày của ông. Chúng tôi đã trao đổi với gia đình giáo sư để xin sử dụng nguồn tài liệu này. Còn phần thứ hai là chân dung Kitô hữu của Hàn Mạc Tử, gồm những bài của giới Công giáo viết về nhà thơ thì tôi đã gom dần từ trước và đã lưu giữ trong máy vi tính. Về các tác giả khác thì tôi nhờ các anh em trong nhóm bình chọn, rồi tôi chịu trách nhiệm chọn lọc lần cuối.
TGT: Còn về chi phí cho việc in ấn và kế hoạch phát hành (cả bản in lẫn bản điện tử trên mạng sau này) thì thế nào? Theo Cha, đâu là khó khăn lớn nhất cho công trình này?
Lm TTT: Khi bộ sách dần dần hình thành, chúng tôi thấy đây không chỉ là một tài liệu để giới thiệu với người ngoài và người đồng đạo về một dòng thơ Công giáo lặng thầm mà có thật, nhưng có thể sẽ còn là một lợi khí giúp các bạn trẻ Công giáo ý thức hơn về những đóng góp của cha anh và đầu tư thời giờ trau dồi tiếng Việt để loan báo Lời Chúa. Việc đào tạo tiếng Việt cho thế hệ trẻ, nhất là những tông đồ tương lai của Chúa là vấn đề khẩn cấp. Dù sách vở có bị thay thế bằng màn hình và văn hóa viết suy thoái thành ngôn ngữ nhắn tin điện thoại, thì Tin mừng vẫn phải được rao giảng bằng thứ ngôn ngữ thật trong sáng, rõ nghĩa và lưu loát trong lớp giáo lý, trên tòa giảng, trên trang mạng… Vẫn cần những người viết các văn bản định hướng… Vì thế chúng tôi ước mong làm sao phổ biến bộ sách thật rộng rãi, với giá thật thấp để sinh viên học sinh đâu cũng có thể mua được.
Bài toán lúc đầu của chúng tôi giản dị là làm sao để đẩy tới mỗi giáo phận ít là 1.000 bộ sách, những giáo phận lớn 2.000 bộ. Được vậy, nhiều hay ít, các bạn trẻ sẽ có lúc tiếp cận và kết quả rồi sẽ đến. Với 26 giáo phận, con số sẽ là 30.000 bộ. Mỗi bộ sách cả tiền in và tiền thuế phí tổn lên đến 110.000 đồng, ghi giá bìa 80.000 đồng, khi giao cho người phát hành chỉ nhận lại được 60.000 đồng, phải bù lỗ cho mỗi bộ 50.000 đồng. Để bù lỗ 30.000 bộ, sẽ cần đến 1 tỷ rưỡi. So với những ngôi nhà thờ đang đua nhau làm lại, đây chỉ là một con số khiêm tốn, nhưng liệu mấy ai hưởng ứng giúp đỡ? Không dám ảo tưởng, chúng tôi lên kế hoạch từng phần, thực hiện 1/3 chương trình, tức 10.000 bộ, rồi sẽ đẩy bản văn lên mạng cho độc giả khắp nơi dễ truy cập. Người nhận giúp phát hành cho rằng 10.000 bộ là nhiều quá, sợ không tiêu thụ hết, cần thăm dò nhu cầu trước xem sao đã. Thật bất ngờ, chỉ sau mười ngày, đã có bốn giám mục đăng ký tổng cộng 2.800 bộ. Anh em nhóm biên soạn lạc quan tập trung lo hoàn thành bản thảo. Người ta giới thiệu một số đại ân nhân thường giúp các nhà thờ. Tôi gõ cửa và hầu hết đều bị từ chối, hình như họ có cảm tưởng sách vở là chuyện xa thực tế. Thế nhưng rồi đã có 19 anh chị em trong nước, kể cả thân nhân, bạn hữu, giáo và lương đã ủng hộ được 202 triệu, người nhiều nhất là 100 triệu và người ít nhất là 200.000 đồng. Một nữ độc giả chưa quen biết tại Úc đã vận động quyên góp từ 38 người được 2.300 Úc kim. Một bệnh nhân bại liệt từ Mỹ giúp 1.000 Mỹ kim. Một cộng đồng Việt Nam tại Mỹ giúp 1.000 Mỹ kim. Một linh mục đang làm việc tại nước ngoài đã dốc hết số tiền thưởng hậu đại học để giúp 20 triệu đồng. Có 7 cựu chủng sinh hải ngoại giúp được gần 20 triệu. Một linh mục trong gia tộc thường cho tôi những đồng tiền dành dụm của ngài, tôi cũng góp vào đây. Quay lại Việt Nam, một cựu chủng sinh giúp 100 Mỹ kim, một cha Tổng đại diện đã giúp 30 triệu đồng, một cha xứ giúp 100 Mỹ kim, một cha hưu dưỡng giúp 400 ngàn đồng. 11 dòng nữ đã giúp tổng cộng 63 triệu. Ngoài ra một số đáng kể tác giả đã quảng đại đóng góp, kẻ ít người nhiều, tổng cộng lên đến 139 triệu. Tất cả, cộng với sự giúp đỡ lớn lao của các Đức Giám Mục, chúng tôi đã vững dạ ấn hành 7.000 bộ sách, và sau cuộc kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hàn Mạc Tử, chúng tôi sẽ xúc tiến ấn hành thêm 3.000 bộ. Ước mong các tổ chức và đoàn thể tại các giáo phận tiếp tay để sách đến được với đông đảo sinh viên học sinh. Nếu số lượng đăng ký gia tăng, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm nguồn hỗ trợ và xin giấy phép tái bản để đáp ứng nhu cầu.
Lúc đầu tôi tưởng khó khăn lớn nhất là tiền bạc nhưng sau khi làm mới thấy khó khăn nằm ở chỗ chưa có sự quan tâm của các cha xứ và các nhà đào tạo. Phải có các cha quan tâm giới thiệu, sinh viên học sinh mới biết để mua, nếu không, sẽ chẳng thể nào phát hành tới 30.000 bộ sách. Khó khăn thứ hai là hiện nay phía Công giáo không có một hệ thống phát hành sách. Chúng tôi phải nhờ qua các văn phòng Tòa giám mục. Các vị phụ trách rất nhiệt tình nhưng không phải là việc chuyên môn của các vị cho nên lắm khi rất vất vả mà vẫn bất cập.
TGT: Thưa Cha, các Đức Giám Mục đã hỗ trợ như thế nào cho công trình này?
Lm TTT: Cách đây hơn 20 năm, khi tôi lặn lội tìm gặp những anh chị em thơ văn cũ thì đa số đã xếp bút nghiên kiếm sống qua ngày. Thế rồi thấy vẫn còn một linh mục hỏi thăm đến, một số người đã lại cầm bút. Cuộc phấn đấu dai dẳng khá mệt mỏi nhưng rồi chúng tôi đã in được 5.000 bản Kinh Trong Sương để tặng đến tất cả các giáo xứ và dòng tu Việt Nam và thanh thỏa được nợ nần. Đó là một tín hiệu hy vọng. Bộ sách “Những bài thơ hay lạ xưa nay” của Long Biên Trương Quang Nguyên (Nxb Văn Nghệ, 2009) đã chọn giới thiệu 10 trong số 15 tác giả Kinh Trong Sương, giúp độc giả ngoài Kitô giáo biết thêm một vài tác giả Công giáo nào đó ngoài Hàn Mạc Tử. Đó là niềm khích lệ lớn. Dù vậy, lúc ấy vẫn còn là hành trình đi trong sương và có phần lẻ loi. Còn nay thì sự ủng hộ của các Đức Giám mục đã rất rõ.
Bộ sưu tập Có Một Vườn Thơ Đạo lần này không những đã được xuất bản dưới logo của Ban Văn Hóa HĐGMVN mà còn nhận được sự giúp đỡ cụ thể của các Đức giám mục. Trong số 42 vị giám mục đương nhiệm và hưu dưỡng có 5 vị đã viết thư khích lệ. Có 7 vị, chưa kể hai ĐGM tác giả, đã nâng đỡ về tài chánh bằng cách mua sách tặng và ủng hộ tiền bạc. Ngoài số sách mua để tặng lên đến 4.500 bộ, tổng cộng 270 triệu đồng, còn có số tiền giúp bù lỗ lên đến 212 triệu VNĐ = cộng lại là 482 triệu đồng. Nói rõ hơn: Hơn 1/5 số các giám mục quan tâm ủng hộ công việc này bằng tiền bạc với một số tiền xấp xỉ số giúp đỡ của mọi thành phần khác trong Dân Chúa cộng lại (482 triệu so với 497 triệu).
Đó là thông điệp bằng con số để những anh chị em đang mệt mỏi khi làm mục vụ văn hóa đừng nản lòng. Tận thâm tâm, các mục tử vẫn ưu tư khắc khoải về việc truyền tải Tin mừng bằng văn thơ nghệ thuật. Hơn nữa, chính vị Mục Tử tối cao là Chúa Cứu Thế Giêsu Kitô sẽ ban Thánh Thần Ngài cho ta (x. Lc 11,9-13) và cũng bảo đảm cả phương tiện cho ta làm việc: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33).
Chúng tôi muốn công khai hóa sự giúp đỡ của quý Đức Cha để nhắn gởi tới mọi thành phần Dân Chúa một lời mời gọi. Bao lâu người tông đồ chưa thành thạo tiếng Việt thì chúng ta chưa thể thật sự thành công trong việc loan báo Tin Mừng cho người Việt. Ước gì mọi người chúng ta biết chia sẻ cùng một bận tâm với các mục tử để đầu tư nhiều hơn cho nhu cầu mục vụ văn hóa, cho việc đào tạo tiếng mẹ đẻ cho lớp trẻ nhất là lớp trẻ đang muốn dấn thân làm việc tông đồ. Xin hãy quảng đại đóng góp để các cơ sở đào tạo linh mục và tu sĩ có thể đầu tư tìm ra những phương thế hữu hiệu cho việc đào tạo này. Xin hãy quảng đại đóng góp cho Ban Mục vụ Văn hóa tại giáo phận mình để ban này có thể xây dựng một đại lý phát hành sách quy mô và làm việc đúng phương pháp, có thể hỗ trợ các giáo xứ xây dựng tủ sách và phòng đọc sách, có thể tổ chức thi văn thơ cho các em học sinh ở độ tuổi học giáo lý, có thể xây dựng các câu lạc bộ sáng tác thơ văn hầu phát hiện và vun trồng những tài năng văn chương cho Giáo Hội, và nhiều việc khác tương tự. Việc xây dựng đền thờ tinh thần cấp bách hơn đền thờ vật chất nhiều nhưng chưa được quan tâm đủ. Theo tôi, giữa sự quảng đại của các nhà hảo tâm, những đồng tiền giúp đỡ cho các ban mục vụ Văn hóa các giáo phận nằm trong số những đồng tiền khiêm tốn lặng lẽ nhưng lại rất ý nghĩa và có hiệu năng rất lớn trong việc xây dựng Giáo Hội.
Với các anh chị em phải đảm đương công tác Mục vụ Văn hóa, kinh nghiệm nhỏ chúng tôi mong được chia sẻ là kinh nghiệm bắt chước cách người ta làm nhà thờ. Nếu đợi gây quỹ đầy đủ đâu vào đấy rồi mới khai móng làm nhà, chắc sẽ ít nhà thờ thành hình nổi. Người ta lên chương trình, khởi công, rồi vừa làm vừa tìm sự giúp đỡ, nếu cần thì vay mượn, làm xong sẽ trả. Mục vụ Văn hóa cũng phải như vậy. Cứ lên chương trình rồi khởi động. Đã đặt được viên đá đầu tiên thì rồi sẽ đặt được viên ngói hay tấm tôn cuối cùng. Bộ sưu tập Có Một Vườn Thơ Đạo cũng như những cuộc thi văn thơ chúng tôi đã hoàn thành đều được thực hiện theo cách ấy. Lòng sẽ gọi lòng, dần dần sẽ có những người cảm thông, nâng đỡ, tạo nên bầu khí ủi an và ấm cúng cho mục vụ Văn hóa.
TGT: Tháng 9/2012 này đánh dấu 100 năm ngày sinh “Thi sĩ của Thánh giá.” Cha và các bạn thực hiện một ngày hành hương đặc biệt theo chân Hàn Mạc Tử tại Quy Nhơn, kết hợp nhiều chiều kích: thơ ca, lịch sử và tâm linh của thi sĩ. 100 năm chỉ đến một lần, và cuộc hành hương đặc biệt cũng thế. Mời Cha trình bày về sinh hoạt khá hy hữu này.
Lm TTT: Việc tưởng niệm được thực hiện khá “văn nghệ,” chủ yếu là một cuộc hành hương bỏ túi vào đúng ngày 22-9, giản dị, ngắn ngủi, chỉ trong 10 giờ nhưng với một nội dung hiếm có. Lộ trình đưa chúng tôi tới nơi Hàn Mạc Tử đã lãnh bí tích Thêm Sức (nhà thờ Quy Nhơn xưa), nơi gia đình nhà thơ đã sống (20 Khải Định), những nơi anh đã lánh bệnh và chữa bệnh (Xóm Tấn, xóm Động, Ghềnh Ráng, Gò Bồi và Quy Hòa), chiếc giường anh từ giã cõi đời và những nơi anh đã an nghỉ (Quy Hòa và Ghềnh Ráng). Chúng tôi cũng ghé thăm Gò Thị, quê hương Thánh Anrê Kim Thông, đền Vĩnh Thạnh kính Thánh Giám Mục Stêphanô Thể và đài kỷ niệm Nước Mặn, cái nôi của chữ Quốc ngữ. Tại ngôi nhà xưa ở Gò Bồi, một chứng nhân trên 80 tuổi sẽ kể lại kỷ niệm về Hàn Mạc Tử. Một vài thân nhân của nhà thơ sẽ chia sẻ về hình ảnh của anh trong gia đình ruột thịt. Nói tắt là một cuộc hành hương tinh thần, bày tỏ tấm lòng chúng tôi với Hàn Mạc Tử.
Chỉ một số các tác giả của bộ sưu tập có thể về dự, hầu hết chưa bao giờ có dịp gặp nhau. Chúng tôi gặp nhau từ chiều hôm trước để hàn huyên tâm sự, kẻ từ Bắc vào, người từ Nam ra: Hải Phòng, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Qui Nhơn, Nha Trang, Phan Thiết, Xuân Lộc, Phú Cường, Sài Gòn… cùng ngâm thơ Hàn Mạc Tử với nhau và hát cho nhau nghe những bài hát về Hàn Mạc Tử hoặc những bài dệt nhạc từ thơ Hàn Mạc Tử. Sáng 22, chúng tôi lên đường lúc 7 giờ, ăn trưa tại nhà các chị Phan Sinh ở Quy Hòa, rồi thăm mộ nhà thơ và kết thúc bằng thánh lễ tại nhà nguyện Trung Tâm Thánh Thể Thánh Mẫu Ghềnh Ráng, đối diện với con dốc lên mộ Hàn Mạc Tử.
TGT: Trong Tuyển Tập, Cha đã viết một loạt bài về dòng thơ và người thơ Hàn Mạc Tử từ góc nhìn huyền học Cát Minh. Qua những đối chiếu với “Lâu Đài Nội Tâm” của Thánh nữ Têrêsa Avila, Cha đã phân tích hành trình trở nên một với Thiên Chúa của Hàn Mạc Tử. Cái kinh nghiệm được biến đổi ấy khởi đi từ một tiền đề thật đơn giản: sự từ bỏ giữa cuộc sống hằng ngày. Mời Cha dẫn giải thêm về góc nhìn này cho những độc giả chưa được thưởng thức Tuyển Tập. Có phải Cha đã đến với nhận định này từ chính hành trình tu đức của mình không?
Lm TTT: Từ năm lớp Đệ Ngũ (lớp Tám), tôi đã chọn bút hiệu Trăng Thập Tự, với ý nghĩa sẽ theo đuổi cả hai: Trăng là nghệ thuật và Thập Tự là đời tu. Lớn lên tôi mới nhận ra mình đã vô tình nhận lấy tên của một vị thánh nhà thơ Kitô giáo: Thánh Gioan Thánh Giá. Bởi lẽ anh em Tin Lành phiên âm Gioan thành Giăng, tức là Trăng, hóa ra Trăng Thập Tự là Gioan Thánh Giá. Thế nhưng mãi 12 năm sau khi làm linh mục, đến năm 1987, tôi mới bắt đầu đọc Thánh Gioan Thánh Giá, vị đồng sáng lập Dòng Cát Minh Cải Tổ với Thánh nữ Têrêxa Avila, và nhận ra học thuyết của ngài hết sức phù hợp và hữu ích cho Giáo Hội thời đại này. Rồi nhờ đó, do ơn Chúa Quan Phòng, chính trong năm ngân khánh linh mục, tôi được vào nhà tập dòng Cát Minh tại Tây Ban Nha để học và cảm nhận kinh nghiệm của hai vị thánh sáng lập. Tới năm 2007, tôi bị đau nặng phải rời khỏi Dòng về lại giáo phận Quy Nhơn. Chính sau khi đã rời khỏi Dòng rồi tôi mới càng thấm thía con đường tâm linh của hai vị thánh tiến sĩ ấy, cộng thêm kinh nghiệm của vị thánh tiến sĩ Cát Minh thứ ba là Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Năm 2010, kỷ niệm 70 năm Hàn Mạc Tử qua đời, tôi đã viết bài minh giải kinh nghiệm được biến đổi của Hàn Mạc Tử theo những điều tôi hiểu về linh hạnh Cát Minh.
TGT: Tuy Tuyển Tập đã hoàn tất, nhưng Ban Biên Tập vẫn chú tâm vào việc tiếp tục sưu tầm những tác giả chưa có mặt trong lần xuất bản này để bổ sung trong đợt II, vào dịp 75 năm lễ giỗ của Hàn Mạc Tử trong năm 2015. Xin Cha cho biết các tác giả nên gửi bài về đâu, và cách chọn thơ để đóng góp, cũng như cách để đóng góp tài chánh cho các công trình thơ rất quý giá và cần thiết này.
Lm TTT: Năm năm về lại giáo phận Quy Nhơn, tôi đã tổ chức hai cuộc thi xướng họa thơ trên mạng và ba cuộc thi văn thơ khác dành riêng cho học sinh ở tuổi học giáo lý tại Giáo phận. Tạ ơn Chúa, qua những cuộc thi ấy tôi đã thoáng thấy xuất hiện một đội ngũ mới những tác giả trẻ. Hy vọng ba năm nữa, con số này sẽ không ít. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều tác giả đứng tuổi và cao niên đã làm thơ về Chúa mà cho tới lúc này chúng tôi chưa gặp được. Cuối những quyển Có Một Vườn Thơ Đạo, chúng tôi đã ghi một địa chỉ nhận bài để những vị nào muốn tham gia bộ sưu tập lần tới, có thể gởi bài về. Chúng ta có lý để hy vọng rằng trong bộ sưu tập sắp tới, Vườn Thơ Đạo Nở Hoa, dự kiến phát hành nhân kỷ niệm 75 năm qua đời của Hàn Mạc Tử, 2015, sẽ có thêm hàng trăm tác giả khác, già cũng như trẻ, với những bài thơ đặc sắc ca tụng Tình yêu Thiên Chúa. Ước mong mọi người tiếp tay tìm tòi, nâng đỡ và giới thiệu họ cho nhóm biên soạn chúng tôi. Điện chỉ nhận bài là thoconggiao@gmail.com hoặcgopnhattho@yahoo.com. Trước hết chính tác giả tự chọn một số bài gởi đến. Chúng tôi sẽ dựa vào loạt bài đầu tiên ấy để lượng giá rồi trao đổi để có kết quả cuối cùng. Những ai muốn ủng hộ cũng xin liên lạc về hai điện chỉ nói trên.
TGT: Cha có những dự tính gì khác trong việc sưu tầm và phát huy thơ Công Giáo trong tương lai?
Lm TTT: Với kinh nghiệm thực hiện bộ sưu tập Có Một Vườn Thơ Đạo thì bộ thứ hai, Vườn Thơ Đạo Nở Hoa, hy vọng là không khó mấy. Nếu Chúa cho có sức khỏe thì tôi sẽ tập trung vào việc phát hiện các tác giả văn xuôi và giúp họ thăng tiến để phục vụ Giáo Hội Việt Nam. Chính trong đêm thơ 100 năm ngày sinh Hàn Mạc Tử, chúng tôi công bố bản thể lệ cuộc thi viết văn đường trường, kéo dài 6 năm, từ đây tới 2018, kỷ niệm 400 năm Tin mừng đến với Giáo phận Quy Nhơn.
TGT: Xin chân thành cảm ơn Linh mục Trăng Thập Tự đã giúp chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn này. Kính chúc Cha nhiều ơn lành và sức khỏe.
Trangđài Glassey-Trầnguyễn
Nguồn: Tác giả gửi bài và ảnh bìa sách