Thứ Bảy, 29 tháng 11, 2008

Chuyện Người Chèo Thuyền (6)

6.

Mặt trời đã lên rất cao. Dòng sông như cũng đang hâm hấp nóng. Nhân cột thuyền vào gốc cây. Đã đến giờ lo chuyện cơm nước rồi.

Nhân nhen cái bếp lò ở sau khoang thuyền nan, trong lúc đợi củi cháy đượm, Nhân đong mấy chén gạo thơm của thím Ba mới cho hôm trước vào nồi, vò gạo và đặt lên bếp. Nồi cơm dùng để ăn cả ngày, như thế đỡ công nấu nướng. Nhân làm sạch mấy con cá mới câu được, ướp gia vị, rồi quay sang nhặt mớ rau mua sẵn để trong mui. Vậy là đủ cho ngày hôm nay. Nhân nghĩ bụng mà tức cười. Con người ta cứ phải ăn mới sống được. Mà ăn xong thì tiêu hoá, tiêu hoá hết thì lại đói. Đói lại phải ăn. Đôi lúc Nhân nghĩ cái ăn nó như một chiếc thòng lọng mắc sẵn nơi cổ con người. Lắm người vì cái ăn mà sinh ra đủ điều tệ hại. Giá như con người không ăn mà sống thì có tốt hơn không? Nhưng nghĩ lại Nhân thấy mình suy nghĩ như thế không ổn, vì cái gì có sự sống thì cũng phải ăn cả, ngay cái cây kia muốn sống cũng phải hút chất dinh dưỡng cơ mà. Như vậy ăn đâu phải là điều tệ hại, chỉ có ăn ra sao để đừng trở nên tệ hại thôi.

Nồi cơm đã cạn. Mùi gạo thơm bốc lên thật quyến rũ. Cái chuyện ăn cơm cũng lạ nữa. Hễ cứ ăn thịt ăn cá liên tục mấy bữa đã thấy ngán, vậy mà ăn cơm hết tháng này qua năm nọ vẫn cứ thấy ngon. Nhất là cái nồi cơm gạo thơm kia, chỉ ngửi mùi thôi mà đã thấy ngon miệng rồi. Nếu ăn cơm mà cũng ngán như ăn cá ăn thịt thì Nhân nghĩ không biết phải xoay xở ra sao nữa. Khi ấy có lẽ việc ăn uống sẽ trở thành một tai hoạ thật sự. Cho nên cuộc đời có lý lẽ của nó, nếu mình nghĩ đời vô lý là bởi mình chưa tìm ra cái lý của nó đó thôi.

Đang mãi mê suy nghĩ vòng vo thì có tiếng ca cải lương lẫn tiếng máy ghe từ xa vọng lại. Dân Nam bộ rất khoái cải lương, nhất là những người ngày đêm lênh đênh trên sông nước. Lát sau, một chiếc ghe lớn chở đầy cây tràm nước từ miệt dưới chạy lên. Đây là ghe buôn cừ tràm từ miền Tây chở về thị trấn bỏ mối. Thân cây tràm chặt khoảng ba, bốn thước làm cừ, nghe đâu đóng sâu xuống mặt đất, nếu có nước ngập hoài thì bao nhiêu năm cũng không mục. Nhân nghe nói cừ bằng gốc tre già còn tốt hơn cừ tràm nữa. Có những gốc tre tươi đóng xuống đất hằng mấy chục năm mà vẫn y nguyên không hề hấn gì. Nghĩ tới tre, Nhân đâm ra nhớ thôn làng xưa với lũy tre xanh rợp bóng bao quanh. Bước chân tới cổng làng, thấy lũy tre xanh là thấy lòng mình dịu lại. Nhân thấy lũy tre xanh bao quanh làng sao mà giống mái tóc thề của các cô thôn nữ quá. Mái tóc thề của cô thôn nữ làm chàng nhớ lại mái tóc của bà mẹ quê. Bà mẹ quê nào cũng có một thời từng là thôn nữ, cũng đã tung tăng xoã mái tóc thề vờn bay trong gió nội hương đồng. Bây giờ thôn làng vắng dần bóng dáng lũy tre xanh, các cô thôn nữ cũng dần cắt ngắn mái tóc thề. Thôn làng chuyển mình trở thành thị tứ. Các cô thôn nữ tập tành lối sống của thị dân. Thành thị cũng tốt thôi. Nhưng Nhân vẫn cảm thấy buồn buồn, nhất là khi nghe Quang Linh hát bài Chân Quê phổ thơ Nguyễn Bính: "... Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều.". Nhân buột miệng lẩm bẩm: "Bay đi quá nhiều chứ ít ỏi gì nữa!".

***

0 nhận xét: