Thứ Hai, 19 tháng 6, 2017

Hành Trình Tâm Linh - Những nơi Cư trú Thứ Ba: một trạng thái quân bình tương đối


3. Những nơi Cư trú Thứ Ba: một trạng thái quân bình tương đối

3.1. Những nơi Cư trú Thứ Ba là gì?

- Dần dần, ta vượt qua được các trở ngại đầu tiên trong cuộc sống với Chúa và đạt được một trạng thái ổn định hơn. Bây giờ ta đã chọn Chúa. Chúa là số một trong cuộc đời.

- Linh hồn đạt được tự chủ, cầu nguyện đều đặn, sắp xếp đời sống Kitô hữu theo nhiều phương cách khác nhau, thường tham gia vào một nhóm trong Hội thánh, không nằm bên lề xã hội, chủ động và trách nhiệm về cuộc đời mình.

- Ta là một người trưởng thành đã sắp xếp đời sống cho có trật tự lớp lang.

- Đời sống này dựa trên mối liên lạc đều đặn với Chúa trong kinh nguyện. Ta đọc sách, suy gẫm, chuyển cầu, nói chuyện với Chúa. Có khi, ta dùng một phương pháp nguyện ngắm, có khi ta tự đặt ra phương pháp của mình. Ta nhận ra tầm quan trọng của Lời Chúa và các bí tích.

- Vì đã ta tạo được nề nếp nên việc cầu nguyện trở nên dễ dàng hơn. Ta hăng hái dấn thân vào mối quan hệ bằng kinh nguyện này, và ta thấy hạnh phúc về việc này. Đôi khi ta cảm thấy thật sự sốt sắng. Như thế, kinh nguyện thấm sâu hơn trong ta.

- Cũng thế, ta biết tội lỗi là như thế nào. Lương tâm trở nên tinh tế hơn. Ta không muốn sống trong một cuộc sống cứ phạm tội đi phạm tội lại, và ta áp dụng những phương thế để khỏi sa vào tội lỗi nữa. Ma quỷ ít có tác động hơn. Ta có khả năng nhận dạng ít ra là những tấn công trực diện của nó.

- Ta không ngần ngại tự đào tạo để hiểu biết và phục vụ tốt hơn. Ta sắp đặt một hệ thống suy nghĩ tương tự như một loại thần học mặc nhiên. Ta nhận định cuộc sống căn cứ theo đức tin Kitô giáo. Ta giữ khoảng cách với “sự đúng đắn về mặt văn hóa” của thời đại.

- Ta cũng biết tầm quan trọng của Hội thánh và muốn phục vụ Chúa thông qua Hội thánh.

- Thánh Teresa Avila nói: “Chắn chắn đây là một tình trạng đáng mơ ước. Xem ra không có lý do gì để từ chối họ tiến vào những nơi Cư trú Cuối cùng, Chúa sẽ không từ chối họ điều gì nếu họ muốn; đó là một vị thế rất đẹp để đón nhận mọi ân sủng từ nơi Ngài.”

3.2. Các đặc sủng, đoàn sủng

- “Đặc sủng” là một ơn Chúa ban cho một người để phục vụ và xây dựng Hội thánh.

- Đặc sủng không phụ thuộc vào đức hạnh của người nhận lãnh. Nhưng nếu ta có thiện chí sống đặc sủng ấy, thì đặc sủng cũng xây dựng ta là người được ký thác ơn Chúa.

- Một vài đặc sủng có dạng “thần bí”. Các đặc sủng khác thì đơn sơ hơn và thường được ban cho từ những nơi Cư trú Thứ Hai và nhất là Thứ Ba.

- Khi quan sát một nhóm Kitô hữu, ta nhận ra nhiều dạng đặc sủng, cho dù các đặc sủng này không phải lúc nào cũng ngoạn mục. Việc xây dựng Hội thánh phải được thực hiện rất nhiều từ các đặc sủng được những vị có thẩm quyền nhận định và khuyến khích.

3.3. Các giới hạn của một tình trạng thiên về lý trí

- Cha Marie-Eugène Chúa Giêsu Hài Đồng đã gọi rất đúng tên của các nơi Cư trú Thứ Ba là “chiến thắng của hoạt động thiên về lý trí”. Đó là một tình trạng vừa mạnh lại vừa yếu.

- Mạnh vì ta cảm thấy tốt đẹp vững vàng. Giờ đây ta tin rằng mình biết được các khả năng và các giới hạn của bản thân. Ta đã chiến đấu nhiều để đi đến một kết quả, và ta nghĩ rằng mình đã đạt được. Vùng thể xác hầu như đã ở đúng chỗ, vùng tình cảm cũng thế, hay ít ra là ta tin như thế. Trí khôn biết vì sao ta sống và ta phải làm gì. Con người tôi được huy động trong một phạm vi rộng lớn, và nó đáp lại điều mà tôi mong chờ nơi nó trong lãnh vực đời sống tôn giáo và xã hội.

- Yếu vì đôi khi ta quá thiên về lý trí. Ở đây thường xảy ra tính kiêu ngạo từ ý nghĩ bám chặt vào những điều mình cho là chắc chắn và tưởng là mình biết được điều cốt yếu của cuộc đời. Ta có thể tưởng rằng mình “đạt đạo” và mau chóng xét đoán thế giới và tha nhân theo kiểu “suy bụng ta ra bụng người”.

- Ta giảm thiểu sức phản kháng đối với các thử thách, đặc biệt là đối với các khó khăn trong việc cầu nguyện. Nếu việc này trở nên khó khăn, nếu ta khó tập trung tư tưởng, ta bị cám dỗ giảm thiểu hoặc bỏ luôn thời gian đã dâng hiến cho việc cầu nguyện. Nếu ta chịu đựng các khó khăn như chúng vẫn thường luôn xảy ra, ta không có khả năng sống các khó khăn đó cùng với Chúa. Chúng ta bị bối rối. Trật tự bên ngoài có thể đánh lừa về phẩm chất của các đức hạnh và độ bén rễ của chúng, vốn chưa đạt tới nơi thâm sâu của linh hồn. Mối ràng buộc của ta với Chúa là có thật, nhưng mối ràng buộc của ta với chính mình còn thật hơn nữa.

- Vả lại, có nguyên những phần trong ta mà ta không biết và thậm chí là ta chạy trốn nữa. Ta sợ các điều khốn cùng của mình. Một vài điều sẽ nổi lên cùng với tuổi tác hoặc khi ta tiếp xúc với một vài hoàn cảnh nào đó. Có những vùng bệnh hoạn hoặc mong mang dễ vỡ nhưng được che dấu đi.

- Dụ ngôn người thanh niên giàu có (Mc 10,17-22) diễn tả khá rõ tình trạng này của các linh hồn. Ta vẫn còn ở lại sâu xa trong lãnh vực nhân bản. Ta thán phục các thánh, nhưng ta không tin rằng mình cũng được gọi nên thánh.

- Cần vượt qua lý lẽ trong tim và chấp nhận một chút điên rồ vốn hàm chứa một hình thức mới của việc nghèo đi để trở nên giàu sang một cách mới mẻ.

- Ta có thể tự nhủ rằng khi tiến về với Chúa như thế thì mình có nguy cơ mất hết. Ta mất đi một phần các điểm mốc mà xã hội ban tặng, ta từ bỏ cái lôgic của “thế gian”, và ta đặt mình vào tay của một nhân vật vô hình luôn đòi hỏi.

- Một lần nữa, chúng ta có thể làm được điều này vì Ngài  tốt lành và Ngài là Cha chúng ta. Chúng ta có thể làm được điều này vì chúng ta được tình yêu thúc đẩy. Ngài đã chẳng chứng tỏ điều đó cho chúng ta sao? Vậy thì chúng ta có thể liều mạng vì Chúa. Phần thưởng của chúng ta sẽ ngang tầm với sự liều mạng này.

CHÚNG TA ĐÃ LIỀU GÌ CHO CHÚA?

Chúng ta đã liều gì cho Chúa? Chúng ta đã dâng tặng Ngài điều gì khi tin vào lời Ngài hứa? Thánh Tông đồ đã nói rằng ngài và các anh em của ngài sẽ là những kẻ bất hạnh nhất nếu những người chết không sống lại. Một cách nào đó, chúng ta có thể áp dụng lời này cho chính mình không?

Hồng y John Henry Newman (1801-1890)

(còn tiếp)

0 nhận xét: