2. Nhân Tâm - Đây là điểm trọng yếu trong triết lý nhân bản nói
chung, và trong tư tưởng Nguyễn Du nói riêng. Con người là tâm vũ trụ, mà nhân
tâm lại là căn cơ của con người. Thế nên nhân tâm cũng là căn bản của vũ trụ.
Do vậy mà có tâm học, là môn học căn bản của Nho gia.
Trong bài tựa sách Tập lục của Lục Tượng Sơn, Vương Dương Minh viết :
"Cái học của Thánh Nhân chính là tâm học".
(Thánh nhân chi học tâm học dã)[1].
Thực ra Vương Dương Minh cũng chỉ
xác định lại ý nghĩa của sách Đại Học
mà thôi. Nói nhân tâm đây cũng chỉ là nói cái Đạo của nhân tính. Nho gia khi
nói tính thường nói tâm. Tuy có vài sự phân biệt nhỏ trong
kiểu nói, tựu trung vẫn thuộc bản thể con người.
Chẳng hạn Mạnh Tử cũng chủ trương
theo tiên nho :
"Mọi điều nhân nghĩa lễ trí
đều tại tâm cả"
(Nhân nghĩa lễ trí căn ư tâm)[2].
Chỗ khác ông nói :
"Ai hiểu được tâm thì sẽ hiểu
được tính"
(Tận kỳ tâm giả tri kỳ tính dã)[3].
Sau này Trình Minh Đạo cho rằng chữ
Nhân 仁 hay "trắc ẩn chi tâm", mà
Mạnh Tử nói, lại chính là Lý. Vì thế
Tâm lại là Lý[4] 理 .
Chu Tử cho rằng :
“Nhân là tính, trắc ẩn là tình,
thuận theo tâm mà phát xuất, tâm bao quát cả tính và tình" (Nhân thị tính,
trắc ẩn chi tâm thị tình, tu tùng tâm thượng phát xuất lai, tâm thống tính tình
giả dã)[5].
Ông còn nói rõ thêm :
"Tính thiêng của con người do
tâm chứ không do tính".
(Linh xứ chỉ thị tâm, bất thị tính)[6].
Lục Tượng Sơn lại cho rằng : Tâm
mới là Lý, chứ không phải Tính : "Tâm tức lý dã"[7].
Vương Dương Minh giải thích rõ hơn
:
"Tâm là thể của tính, mà tính
là thiên lý"
(Tâm chi thể tính dã, tính tức lý dã)[8].
Gần đây La Chỉnh Am giải thích thêm
rằng :
"Tâm là phần linh thiêng của
con người. Tính là lý bản nhiên của con người. Chỗ sở tại của Lý tức là tâm, mà
chỗ sở hữu của Tâm là tính" (Phù tâm giả nhân chi thần minh, tính giả nhân
chi sinh lý. Lý chi sở tại vị chi tâm, tâm chi sở hữu vị chi tính)[9].
Tất cả những lý thuyết đắp đổi ấy
càng được sáng tỏ hơn dưới ngòi bút của Nguyễn Du. Ông không trình bày lý
thuyết, nhưng đã trình bày một con người sống : sống bằng tâm bằng tính và cả
bằng tình bằng tài, vẫn quy về một chữ Tâm.
Theo ông, con người sở dĩ cao quý là do Nhân đạo, Thiên đạo và Địa đạo cùng lấy
căn bản ở Tâm Đạo, mà chúng tôi sẽ minh chứng dưới đây.
a
- Nhân tâm vi quý - Đúng theo quan niệm cổ truyền, con người là sức mạnh
của Trời, là sự điều hoà của âm dương và là thanh khí của vạn vật, cho nên con
người là cao quý nhất trong muôn vật: "Linh ư vạn vật"[10].
Chính trong quan niệm vững chắc
này, Nguyễn Du luôn luôn giữ tâm hồn an tại. Đời sống vật chất nhiều gian truân
khổ não : nào nghèo nàn, bệnh tật, nào bất trắc nguy nan với đủ thứ lo âu, lao
tâm lao lực, coi như một kẻ sinh lầm thời không : "Thiên giáng kỳ tài vô dụng
xứ" (Trời sinh có tài mà vô dụng)[11].
Nhưng may con người còn cõi tâm linh để tìm lối thoát : tự an tự độ; nếu không
thế, con người sẽ chìm sâu trong khổ thống. Thế nên cuộc đời Nguyễn Du vẫn còn
một niềm vui tự tại ở bản tâm.
Các vai trò trong thơ văn ông cũng
toàn là những mảnh thành tâm thiện ý trong sáng giữa cuộc nhân sinh vẩn đục.
Tất cả cuộc sống tâm linh tự tại được ghi nhận trong bài Đạo ý :
"Trăng
sáng chiếu giếng xưa :
Nước trong
không nổi sóng.
Không bị người
khuấy đục,
Lòng này không
lắt lay,
Dù bị người
khuấy động.
Động chăng
trong phút giây,
Tấm lòng lại
trong vắt
Dường trăng
sáng nước trong".
(Minh nguyệt
chiếu cổ tỉnh,
Tỉnh thủy vô ba
đào.
Bất bị nhân
khiên xả,
Thử tâm chung
bất dao.
Túng bị nhân
khiên xả,
Nhất dao hoàn
phục chỉ.
Trạm trạm nhất
phiến tâm
Minh nguyệt cổ
tỉnh thủy)[12]
Tâm chính là nguồn sống và nguồn
sáng của đời người. Trong cảnh dâu bể dễ tàn tạ, con người hãy còn cõi tâm
phong phú để sống và để vươn lên. Vì thế niềm vui tự tại của nhà Nho là cõi tâm
linh bát ngát an bình.
Trước cảnh đời ly loạn, Nguyễn Du
vẫn an tâm trong niềm vui phong phú ấy. Ông viết :
Lá rơi hoa nở việc trước mắt,
Tâm trạng quanh năm vẫn sáng
trong".
(Diệp lạc hoa khai nhãn tiền sự,
Tứ thời tâm kính tự như như)[13].
Mấy câu thơ khác cũng cùng một ý
:
"Ở ẩn lòng buồn bỗng thấy
vui,
Cõi lòng thanh thản như trăng
sáng".
(U cư sầu cực hốt tri hoan,
Đạt nhân tâm cảnh quang như
nguyệt)[14].
Nghèo như ông mà vẫn giữ được cất
khí thanh cao. Đi săn bắn cũng không hẳn để cầu thực, mà chỉ cốt cho tâm thần được
sảng khoái :
"Ta vui tìm bạn với hươu
nai,
Cốt thoả tâm tình, không hám
lợi".
(Ngô diệc lạc ngô mi lộc quần,
Giải thích nhàn tình an tại
hoạch)[15].
Nếu đời sống thể xác bên ngoài có
dư dặt, mà tâm hồn u uất, thì kiếp sống cũng vẫn đoạn trường. Mọi cảnh vật
thiếu nhân tâm cũng trở thành vô vị.
Trong bài Đào hoa đàm Lý Thanh Liêm cựu tích ông viết :
"Cảnh nhờ người nghìn thu
truyền mãi,
Đâu phải vì hồ nước đẹp mênh
mông".
(Thiên niên thắng tích dĩ nhân
truyền,
Bất tại du du nhất đàm thủy)[16].
Tất cả tập trường thi Đoạn trường tân thanh cũng chỉ là những
tình tiết diễn biến do chữ Tâm mà thôi. Đây là một cõi tâm linh động. Cần lưu ý
tới sự quan trọng của Tâm. Cũng chỉ vì tâm, mà có Tình cao cả. Cho nên mối tình
của Kim Trọng và Thúy Kiều ngay từ đầu, đã đi vào Tâm.
Thúy Kiều bản tính đầy tâm huyết
: “lòng đâu sẵn món thương tâm" (ĐTTT
câu 81). Kim Trọng cũng "lại càng mê mẩn tâm thần" (ĐTTT câu 101). Trước khi chung đụng thể
xác, họ đã đi sâu vào tâm hồn của nhau :
”Đã nguyền hai chữ đồng tâm,
Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền
ai".
(ĐTTT câu 555-56)
Thế rồi trong suốt cuộc phân ly
xa cách, họ vẫn gần nhau bằng tâm hồn tương cảm : Thúy Kiều thì "lỡ làng
nước đục bụi trong, trăm năm để một tấm lòng từ đây" (ĐTTT câu 879-80). Có khi "bên trời góc bể bơ vơ, tấm son gột
rửa bao giờ cho phai" (ĐTTT câu
1041-42). Kim Trọng cũng giống thế, chàng đinh ninh "chưa chăn gối cũng
vợ chồng, lòng nào mà nỡ dứt lòng cho đang" (ĐTTT câu 2815-16). Cho dù sau này chàng đã chung sống với Thúy
Vân, mà mối thâm tình với Thúy Kiều vẫn không nguôi :
"Khi ăn ở, lúc ra vào,
Càng sâu duyên mới càng dào tình
xưa.
Nỗi lòng nhờ đến bao giờ,
Tuôn châu đòi trận, vò tơ trăm
vòng".
(ĐTTT câu 2845-48)
Chính nhờ vậy mà hai người đã có
ngày tái ngộ trong một mối tình đúng nghĩa chung tình :
“Tình nhân lại gặp tình nhân,
Hoa xưa ong cũ mấy phen chung
tình".
(ĐTTT câu 3143-44)
Đặc biệt hơn nữa : cả hai cùng đi
thêm một bước tình có vẻ siêu tâm, mà người thường không hiểu được. Nó thuộc
loại tình tôn giáo hay tình siêu luân lý (sẽ bàn kỹ trong chương VI phần III
dưới đây). Tác giả đã cố ý diễn tả mối tình siêu tâm lý đó một cách hợp lý :
"Bấy lâu đáy bể mò kim,
Là nhiều vàng đá, phải tìm trăng
hoa ?
Ai ngờ lại hợp một nhà,
Lọ là chăn gối mới ra sắt
cầm".
(ĐTTT câu 3175-78)
Cũng không phải vô tình mà Nguyễn
Du đặt câu sau đây vào miệng Thúy Kiều :
"Nghe lời sửa áo cài trâm,
Khấu đầu lạy tạ cao thâm nghìn
trùng.
Thân tàn gạn đục khơi trong,
Là nhờ quân tử khác lòng người
ta.
Mấy lời tâm phúc ruột rà,
Tương tri dường ấy mới là tương
tri".
(ĐTTT câu 3179-3184)
Do vậy ta có thể mệnh danh mối
tình Vương Kim là mối tình thuần tâm hay siêu tâm, để trở thành phi thường cao
quý.
b - Nhân tâm vi bản - Theo đúng quan niệm của Mạnh Tử vừa trưng
trên kia (Nhân nghĩa lễ trí căn ư tâm), Nguyễn Du cũng nhìn rõ mọi nhân đức cũng
như đau khổ và khoái lạc đều do Tâm. Cho đến cả thiên đàng địa ngục cũng đều do
Tâm cả. Hơn nữa Thiên đạo và Địa đạo cũng căn cứ ở Tâm đạo.
Có thể nói : tất cả đạo lý dẫn
khởi trong Đoạn trường tân thanh gồm
tóm ở một chữ Tâm. Vạn vật tồn ư
tâm, thiên lý cũng ở Tâm, mà Đạo cũng tại tâm.
Tâm là một hữu thể linh động
trong Trời Đất, đúng với quan niệm "Nhân giả thiên địa chi tâm dã"
(con người là tâm của Trời Đất)[17].
Vì thẽ vũ trụ này thiếu Tâm cũng như thiếu hồn, sẽ im lìm, không biến động
được. Cảnh vật mà thiếu người cũng không còn ý vị, cũng như cảnh vui cảnh buồn đều
do con người cả.
Khi Thúy Kiều sống tại thanh lâu,
thân thể hình hài được nâng niu trân trọng, đôi khi đến được tôn thờ, nhưng tâm
hồn nàng không thể chìm đắm trong những hương vị vật chất, nên không bao giờ
nàng an vui trong cảnh huống đó, khiến cảnh vật nào cũng như nhuốm màu tang
tóc.
Nguyễn Du ghi nhận :
"Cảnh nào cảnh chẳng đeo
sầu,
Người buồn cảnh có vui đâu bao
giờ".
(ĐTTT câu 1243-44)
Cũng một cung đàn do cũng một bàn
tay nắn nót, mà lúc buồn lúc vui, cũng là tùy do Tâm. Khi Vương Kim tái hợp trong
cảnh tình cao đẹp, Thúy Kiều vâng ý chàng nảy lại ngón đàn ngày xưa, trong một
tâm trạng lâng lâng vừa sạch nợ đoạn trường, Kim Trọng cũng dâng tràn niềm vui
:
"Chàng rằng : phổ ấy tay nào
?
Xưa sao sầu thảm, nay sao vui
vầy".
(ĐTTT câu 3207-08)
Thúy Kiều đã để lộ tất cả tâm
trạng sáng trong vừa được thanh tẩy qua câu nói chân tình : "tẻ vui bởi
tại lòng này" (ĐTTT câu 3209) .
Thiết tưởng Thúy Kiều đã chứng
minh thành thực theo đúng thực tại của đời nàng. Đây cũng là Tâm học của Phật
gia và Đạo gia. Ta hãy nghe hai vị tu hành : một ni cô một đạo cô đối đáp nhau
về thực tại hiện sinh của Thúy Kiều.
Ni cô Giác Duyên hỏi đạo cô Tam
Hợp :
"Người sao hiếu nghĩa đủ
đường,
Kiếp sao rặt những đoạn trường
thế thôi ?"
(ĐTTT câu 2653-54)
Đạo Cô Tam Hợp trả lời :
"Sư rằng phúc họa đạo Trời,
Cõi nguồn cũng bởi lòng người mà
ra.
Có Trời mà cũng tại ta".
(ĐTTT câu 2655-57)
Chính cõi Tâm là một nguyên tắc
đem lại giá trị cho con người, tức giá trị nhân bản; nhưng cũng tại Tâm mà con
người mang hết trách nhiệm về đời mình. Tất cả cuộc đời nổi trôi đầy đọa của
Thúy Kiều, dưới mắt Nguyễn Du, thực rất đáng thương đáng ngại, nhưng tất cả đều
do bàn tay nàng tự tác tạo nên. Nguyễn Du kết thúc tất cả câu truyện dài của
ông bằng một lý thuyết về Tâm đạo :
”Đã mang lấy nghiệp vào thân,
Cũng đừng trách lẫn Trời gần Trời
xa.
Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ
Tài".
(ĐTTT câu 3249-52)
Một lần nữa, ta đủ minh xác rằng
: Nhân đạo hay Tâm đạo mới là quan trọng, vì nó mở mối cho Thiên đạo và Địa
đạo. Đây cũng là quan niệm nhân bản đầy vẻ cách mạng của Nguyễn Du. Giọng điệu
cách mạng đó biểu lộ đầy đủ trong bài Lương
Chiêu Minh thái tử phân kinh thạch đài.
Ông viết :
”Cõi tâm thâm hiểu là tự độ,
Linh sơn cũng chỉ tại lòng người.
Không có đài minh kính,
Không có cây bồ đề.
Kim cương đọc nghìn lượt,
Tối tăm vẫn tối tăm.
Khi tới phân kinh đài mới biết :
Kinh không lời mới thật là
kinh".
(Nhân liễu thử tâm nhân tự độ,
Linh sơn chỉ tại nhữ tâm đầu.
Minh kính diệc phi đài,
Bồ đề bản vô thụ.
Ngã đọc Kim Cương thiên biến
linh,
Kỳ trung áo chỉ đa bất minh.
Cập đáo phân kinh thạch đài hạ,
Tài tri vô tự thị chân kinh)[18].
Nói theo danh từ cách mạng, thì
Nguyễn Du đã đạp đổ hết tất cả núi thiêng Phật đài, đã xoá bỏ cả cây lành và
kinh điển. Như thế thì còn gì nữa ? - Thực ra không phải thế. Ông chỉ có ý bảo
rằng : Linh sơn, Kính đài, Bồ Đề, Kim Cương chỉ là những hình thức và phương tiện
bên ngoài, giúp ta giác ngộ. Có đầy đủ những thứ đó, mà không giác ngộ, nghĩa
là không nhập tâm và phát tâm, thì cũng vô ích hoàn toàn. Điều quan trọng là giác
ngộ tận bản tâm, tức là minh đức hay tri tâm quán tính. Một khi đã giác ngộ rồi,
thì những hình thức và phương thế tu luyện kia cũng không còn cần thiết.
Câu sau cùng "Kinh không lời
mới thật là kinh" nói lên tận nghĩa sự ngộ đạo tâm giác : Kinh không lời
tức là kinh đã nhập tâm. Vì thế căn bản của Đạo chính là ngộ đạo giác tâm.
Thiếu điều căn bản này tu hành cũng chỉ thành ma. Bởi vậy, cũng trong bài ấy,
trong đoạn trên ông viết :
"Phật vốn là không, không
nhờ vật,
Kinh vốn cũng không, không cần
chia.
Văn thiêng không ở tại ngôn ngữ,
Kim cương là chi ? Pháp hoa là gì
?
Giữa giác ngộ đôi bờ không sắc,
U mê theo Phật, Phật thành
ma".
(Phật bản thị không, bất trước
vật,
Hà hữu hồ Kinh, an dụng phân.
Linh văn bất tại ngôn ngữ khoa,
Thục vi Kim cương, vi Pháp hoa ?
Sắc không cảnh giới mang bất ngộ,
Si tâm quy Phật, Phật sinh ma.
Nhất môn phụ tử đa giao tế,
Nhất niệm chi trung, ma tự chí”[19].
Trong ý nghĩa đó, nếu bảo Nguyễn Du cách mạng, thì quả thực ông cách mạng hơn ai hết. Nhưng đây tôi cho rằng : Nguyễn Du chỉ làm công việc trả lại thực tại cho con người. Hay nói cho đúng, ông chỉ muốn tô điểm lại vai trò của con người trong trời đất : con người là động lực trong thế gian, con người cho thế gian một sức sống động, đúng với ý nghĩa "nhân giả thiên địa chi tâm dã". Và nhân tâm không còn trở thành vô vi bất động, mà lại giao thoa với vạn vật và trời đất, bởi vì trời đất phát sinh cũng ở đó, mà hành động cũng ở đó. Đây chính là điểm đặc sắc của Nguyễn Du. Ông đã trả lại cho nhân tâm chính thực tại linh động của nó. Như thế triết lý và con người cũng nhờ đó mà có căn bản vững chắc. Vậy nói ông cách mạng, thì đây chính là một cuộc cách mạng nhân bản vậy.
[1] Lục Tượng Sơn Toàn Tập, Lời Tựa Vương Dương Minh : 聖人之學心學也.
[2] Mạnh tử : “Tận tâm thượng” : 仁義禮智根於心.
[3] Mạnh Tử : Như trên : 盡其心者知其性也.
[4] Nhị Trình di thư : Quyển 14, trg 2 : 聖人致公心盡天理萬物之理.
[5]
[6]
[7] Lục Tượng Sơn Toàn tập, Quyển 12 : 心即理也.
[8] Vương Dương Minh Toàn tập, Quyển 2, trg 5 : 心之体性也性即理也.
[9] La Chỉnh Am Toàn tập, Quyển 2, trg 2 : 夫心者人之神明性者人之生兣理理之所在謂之心心之所有謂之性.
[10] Lục Tượng Sơn Toàn Tập, Quyển 2, trg 2 : 灵於萬物貴於萬物.
[11] Bắc Hành tạp lục : Bài 57 "Trường
Sa giả Thái phó" : 天降奇才無用處.
[13] Thanh Hiên thi tập : Bài 50 "Tạp
thi 2" :
葉落花開眼前事
四時心鏡自如如.
[14] Thanh Hiên thi tập : Bài 5 "Tạp
ngâm 2" :
幽居愁極忽知獾
達人心境光如月.
[15] Thanh Hiên thi tập : Bài 60 "Lạp” :
吾亦樂吾麋轆群
解釋閒情安在擭.
[16] Bắc hành tạp lục : Bài 123 “Đào hoa đàm
Lý Thanh Liên cựu tích" :
千年滕蹟以人傳
不在悠悠一潭水.
[17] Lễ Ký : "Lễ vận thiên” : 人者天地之心也.
[18] Bắc Hành tạp lục : Bài 126 "Lương
Chiêu Minh Thái Tổ phân kinh thạch đài” :
人了此心人自渡
灵山只在汝心頭
明鏡亦非臺
菩提本無樹
我讀金剛千遍零
其中奧旨多不明
及到分經石台下
纔知無字是真經.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét