Thứ Hai, 6 tháng 6, 2011

Người đem kinh thành Huế vào... Sài Gòn!

Cập nhật lúc 01:38 | 19/02/2008 (GMT+7)
Với tấm lòng yêu Huế da diết, Nguyễn Thanh Tùng đã cho ra đời một “Huế thu nhỏ” trong khu đất của gia đình ở phường Long Bình, quận 9 - TPHCM nhằm tri ân ơn sinh thành của cha mẹ và cho cả những người con Huế ở phương Nam.


Thạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng bên cạnh khu Ngự Lãm Viên.

Trong những ngày đầu Xuân Mậu Tý, khi biết tôi có ý định đưa gia đình về thăm các di tích của quê nội ở kinh đô Huế xưa, ba tôi - một người con của xứ Huế nói nửa đùa, nửa thật: Đi làm gì cho cực, chỉ cần đến Ngự Lãm Viên (ở số 502 - 504 - 506 Hoàng Hữu Nam, phường Long Bình, quận 9 – TPHCM), là coi như đã... đi hết Huế rồi! Quả đúng như lời ba tôi nói, khi đặt chân đến đây, tôi như bị hút hồn bởi quần thể di tích cố đô Huế thu nhỏ mang đậm nét độc đáo, đặc sắc của văn hóa Huế - một thứ văn hóa mà tôi đã nỡ “xa lánh” từ thuở bé thơ nay lại có một sức hấp dẫn đến lạ kỳ.
Huế thu nhỏ
Điều gây ấn tượng đối với mọi du khách khi đến đây là tổng thể kiến trúc của cố đô Huế được xây dựng trên một mặt bằng diện tích hơn 500 ha đã được thu nhỏ và nằm gọn trong một khu vườn rộng hơn 1.000 m2. Lấy sông Hương làm trục chính, tất cả các kiến trúc của kinh thành Huế được bố trí dọc hai bờ sông này. Điểm nhấn của “Huế thu nhỏ” là kinh thành Huế được giới hạn bởi ba vòng thành theo thứ tự ngoài lớn, trong nhỏ: kinh thành, hoàng thành và tử cấm thành.
Trên mặt thành, có nhiều pháo đài với những khẩu thần công oai vệ. Kinh thành liên lạc với bên ngoài qua 8 cửa trổ theo 8 hướng: chính Đông, chính Tây, chính Nam, chính Bắc, Tây Bắc, Tây Nam, Đông Bắc, Đông Nam. Cũng như mô hình thực, kinh thành Huế thu nhỏ quay mặt về hướng Nam, dùng núi Ngự Bình làm tiền án và dùng 2 hòn đảo nhỏ trên sông Hương (cồn Hến - cồn Dã Viên) làm “rồng chầu - hổ phục” (tả Thanh Long - hữu Bạch Hổ) để bảo vệ đô, trước mặt là dòng sông Hương chảy vắt ngang. Ở trong lòng kinh thành, hoàng thành và tử cấm thành gọi chung là đại nội được tái hiện nguyên mẫu thực các công trình kiến trúc, như: Ngọ Môn, điện Thái Hòa (nơi cử hành các lễ lớn của triều đình); Triệu Miếu, Thái Miếu, Hưng Miếu, Thế Miếu (nơi thờ các vua chúa nhà Nguyễn); cung Diên Thọ và cung Trường Sanh (nơi ở của hoàng thái hậu và thái hoàng thái hậu); phủ Nội vụ (kho tàng trữ binh khí, nơi ở ngự lâm quân, xưởng chế tạo đồ dùng hoàng gia...); vườn Cơ Hạ; Duyệt Thị Đường; Thái Bình Ngự Lãm Thư Lâu...
Tất cả các công trình nằm trong Ngự Lãm Viên đều thuộc hàng kiến trúc đặc trưng của cố đô Huế, như: chùa Thiên Mụ, cầu Trường Tiền, điện Hòn Chén, đình Thương Bạc, phu Văn Lâu... Rồi đến lăng tẩm của các vị vua triều Nguyễn: Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức, Khải Định...
Nằm cạnh kinh thành Huế thu nhỏ là căn nhà rường lớn “ba gian, hai chái” thể hiện những tinh hoa và nghệ thuật chạm trổ, kiến trúc cũng như văn hóa đặc trưng riêng của Huế, được đặt giữa khu vườn để du khách dừng chân thưởng trà, ngắm cảnh “Huế thu nhỏ”.
“Cha đẻ” của Huế thu nhỏ
Tất cả các công trình trong khu vườn Huế thu nhỏ được thực hiện do bàn tay của các nghệ nhân và thợ đến từ đất Huế. Nhưng “cha đẻ” - “công trình sư” - của công trình này lại là một người Sài Gòn gốc Huế – thạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng (SN 1971), Giám đốc dự án & chương trình - Tập đoàn GDS - Mỹ (Khu Chế xuất Linh Trung, Thủ Đức – TPHCM) kiêm hướng dẫn viên về Huế tại Ngự Lãm Viên.

Một góc Hoàng thành trong “Huế thu nhỏ”.

Dù không được sinh ra ở đất mẹ Huế, nhưng anh lại có may mắn trải tuổi thơ của mình và được lớn lên trên đất Huế thân yêu, trước khi theo chân cha mẹ trở lại vùng đất phương Nam để tha phương cầu thực. “Vào học ở Sài Gòn, tôi như trốn chạy cái giọng Huế của mình chỉ vì chúng bạn cứ chọc ghẹo khi nghe giọng nói lạ. Và thế là tôi như cố quên đi cội nguồn Huế của mình. Giờ nghĩ lại, tôi cứ ray rứt về lỗi lầm này” - anh Tùng tâm sự. Thời gian cứ thế dần trôi, cho đến một ngày anh tự vấn mình: Tại sao ta được như ngày hôm nay? Như có điều gì thôi thúc, anh tự đi tìm lại cội nguồn của mình và bắt đầu cất công tìm hiểu, nghiên cứu về Huế. Khi dần nhận ra những nét đặc sắc của văn hóa Huế cũng là lúc anh đã bị vẻ đẹp riêng của Huế lôi cuốn. Anh Tùng bộc bạch: “Kiến trúc Huế là một trong những dạng kiến trúc có nét đặc trưng riêng. Những công trình không cong vút lên như những kiến trúc mang đậm dấu ấn phương Bắc, không thẳng đuột, ngang bằng mang chất hiện đại của phương Tây, mà kiến trúc Huế nhẹ nhàng, thanh thoát với những đường cong uốn lượn vừa phải, với những góc nghiêng đạt “tỉ lệ vàng” để cân đối toàn thể kiến trúc đi cùng”. Những đường nét chạm trổ tinh tế, cách bố trí hài hòa về thi - họa với góc độ thẩm mỹ độc đáo... tất cả như thể hiện tâm hồn của con người Huế: hợp lý, kín đáo, không phô trương mà rất đỗi cuốn hút mọi người.
Với tấm lòng yêu Huế da diết, Nguyễn Thanh Tùng đã cho ra đời một “Huế thu nhỏ” trong khu đất của gia đình nhằm tri ân công sinh thành của cha mẹ và cho cả những người con Huế ở phương Nam.
Sau khi dành dụm được một số tiền cần thiết, anh Tùng cùng với sự giúp đỡ của người cậu ruột Nguyễn Ngọc Lộc, đã lặn lội trở về Huế tìm thầy, chọn thợ với tiêu chí: giỏi nghề và có một tâm hồn yêu Huế. Khi đã có thầy, thợ ưng ý, anh tiếp tục lao vào công việc yêu thích của mình là truyền nhiệt huyết, lòng yêu Huế của mình vào từng công trình, kiến trúc trong “Huế thu nhỏ”. Riêng căn nhà rường được thực hiện khá công phu. Hoa văn chạm trổ trong căn nhà này được chủ nhân chọn lựa cẩn thận từ thực tế và tài liệu “L’art à Hue” (một nghiên cứu về các hoa văn chạm trổ kiến trúc Huế do triều Khải Định và Pháp thực hiện). Khó khăn nhất là khâu nguyên vật liệu. Gỗ để làm nhà được anh Tùng chọn lựa rất kỹ, có khi mất vài năm trời để không bị xé thớ, mối mọt... Gõ đỏ và kiền kiền trồng ở rừng Nam Đông - Huế là hai loại gỗ chính (thường cho những vân gỗ đẹp và bảo đảm chất lượng tuổi thọ kiến trúc) để xây dựng công trình này.
Sau nhiều năm tìm hiểu, nghiên cứu sâu về Huế, thiết kế và thi công theo kiểu cuốn chiếu từ năm 2002 (vì gặp khó khăn kinh phí), đến đầu năm 2007, “Huế thu nhỏ” hoàn thành và đến nay đã đón tiếp hàng chục ngàn du khách đến tham quan.
Chưa dừng lại ở đây, anh Nguyễn Thanh Tùng cho biết sẽ lồng vào “Huế thu nhỏ” những đặc sản xứ Huế, như: bún bò Huế, các loại bánh Huế (bánh bèo, nậm, lọc, lọc trần, ram, ít...), nem Huế, chả Huế...; đồng thời giới thiệu về nghệ thuật ca Huế, hò Huế, nhã nhạc cung đình... cho du khách ở phương Nam, đúng với mong muốn của “cha đẻ” “Huế thu nhỏ”: “Đây thực sự là nơi thu hút tình cảm của những người con hướng về cội nguồn, để mọi người con của Huế luôn nhớ và tự hào về Huế.”
Bài và ảnh: MINH NAM (NLĐ)
Nguồn: http://www.hue.vnn.vn/hueophuongxa/2008/02/264337/

Hình ảnh kinh thành Huế thu nhỏ:


0 nhận xét: