Thứ Năm, 25 tháng 1, 2024

Bậc cầu nguyện thứ hai (Tiếp theo)

 


CHƯƠNG 15

Người tiếp tục đề tài và khuyên linh hồn phải xử sự thế nào trong bậc cầu nguyện Yên Tĩnh này. Người phàn nàn vì có nhiều linh hồn đạt tới bậc cầu nguyện này nhưng có ít người tiến xa hơn được. Những vấn đề nói đến ở chương này rất cần thiết và hữu ích.

***

Bây giờ trở lại đề tài. Sự yên tĩnh và hồi tâm này là điều mà linh hồn cảm thấy một cách sâu đậm do sự thoả mãn và sự bình an nó vui hưởng. Đồng thời nó cũng cảm thấy rất hài lòng, thấy được sự an nghỉ của các quan năng và một niềm vui thoả ngọt ngào. Vì chưa bao giờ linh hồn được hưởng ơn siêu vời hơn, nên nghĩ rằng không còn gì để mong ước nữa và như Thánh Phêrô, linh hồn ước được dựng lều ở đây (Mt 17.4). Nó không dám nhúc nhích động cựa gì, đôi khi còn như không dám thở nữa, vì sợ làm như vậy ơn trọng này có thể bay biến mất. Linh hồn đáng thương này không hiểu rằng tự mình, nó không thể làm được gì để chiếm hữu, thì lại càng không thể cầm giữ ơn ấy lâu hơn khoảng thời gian Chúa cho nếm hưởng. Tôi đã nói trong trình độ hồi tâm và yên tĩnh thứ nhất này, các quan năng của linh hồn không mất. Nhưng linh hồn được phỉ lòng trong Chúa đến nỗi dầu hai quan năng kia (trí nhớ và trí hiểu) có thể hướng ngoại; nhưng bao lâu ý chí còn trầm mặc kết hợp với Thiên Chúa, thì chẳng những linh hồn không mất sự yên tĩnh và nghỉ ngơi mà lần lần ý chí còn làm cho trí hiểu và trí nhớ hồi tâm lại nữa. Vì mặc dầu ý chí vẫn chưa hoàn toàn bị thu hút trong Chúa, nhưng nó vẫn bị lôi cuốn, không biết làm sao, đến nỗi trí hiểu và trí nhớ có cố gắng đến thế nào cũng không thể tước đoạt sự phỉ lòng và hoan hưởng của nó. Thực sự linh hồn chẳng phải vất vả gì để giữ cho tia lửa mến nhỏ bé này khỏi bị giập tắt.

2. Nguyện xin Chúa ban cho con ơn để diễn tả sự kiện này một cách rõ ràng. Vì có nhiều linh hồn đạt tới trình độ này mà có ít người tiến xa hơn được, và tôi không biết lỗi tại ai. Chắc chắn không phải tại Thiên Chúa; vì khi Chúa đã cho chúng ta ơn để tiến tới mức này rồi, thì tôi tin rằng Người sẽ không từ khước ban cho chúng ta nhiều ơn hơn nữa, trừ phi là tại lỗi chúng ta. Vậy điều rất quan trọng đối với linh hồn đã đạt tới trình độ này là phải nhận biết giá trị cao trọng của bậc này và nhận biết sự cao cả của những hồng ân Chúa đã ban cho mình. Vậy theo đúng lý, nó không còn thuộc về trái đất nữa, nhưng dường như lòng Nhân Hậu của Người đã nhận nó từ nay làm công dân của thiên đàng, trừ phi là lỗi tại nó. Nếu một linh hồn diễm phúc như vậy lại quay gót trở lại, thì thật khốn nạn biết bao. Nếu nó quay trở lại, tôi nghĩ nó sẽ theo triền núi mà lao xuống vực thẳm như lẽ ra tôi đã lao xuống, nếu lòng Thương Xót Chúa đã không cứu tôi. Vì tôi nghĩ cứ sự thường, đó phải do những lỗi nặng. Không thể mất đi ơn trọng đại như thế nếu không tại sự mù quáng kinh khủng do sự dữ nặng nề gây nên. 

3. Bởi thế, vì mến Chúa, tôi khấn xin những linh hồn đã được Chúa ban cho đặc ân đạt tới trình độ này, hãy học biết chính mình, hãy biết tự trọng dựa vào lòng tự hào khiêm tốn và thánh thiện, để không còn trở lại với những nồi thịt của nước Ai cập nữa. Và nếu vì yếu đuối, quen thói hư hỏng và vì cái bản chất cùng khốn của mình mà họ sa ngã như tôi đã sa ngã, thì hãy luôn hối tiếc sự lành đã mất, hãy giữ mình cho khỏi phạm tội và hãy sống trong niềm âu lo và kính sợ, vì họ rất có lý để sợ. Lại nếu không cầu nguyện trở lại, họ sẽ đi từ chỗ xấu đến chỗ tồi tệ. Điều gì làm chúng ta ghét con đường đã dẫn đưa chúng ta tới chỗ được ơn trọng đại này thì tôi cho đó là sự sa ngã thực sự. Khi nói về các linh hồn này, tôi không nói là họ sẽ không còn xúc phạm đến Thiên Chúa và không còn sa phạm tội nữa. Ai đã bắt đầu nhận những hồng ân này phải giữ mình cẩn thận để khỏi sa ngã, vì chúng ta là những tội nhân khốn nạn. Điều tôi tha thiết khuyên họ làm là đừng bỏ cầu nguyện, vì cầu nguyện sẽ soi sáng cho họ biết việc mình đang làm. Chúa sẽ ban cho họ lòng thống hối và sức mạnh để lại chỗi dậy. Họ phải tin, phải cứ tin rằng nếu họ không cầu nguyện họ sẽ lao vào nguy hiểm (tôi nghĩ như vậy). Tôi không chắc tôi có hiểu điều tôi nói hay không, vì như tôi đã nói, tôi phán đoán theo kinh nghiệm riêng của tôi thôi. 

4. Vậy bậc cầu nguyện này là một tia nhỏ của tình mến Thiên Chúa mà Người bắt đầu nhóm lên trong linh hồn, vì ý Người muốn là linh hồn phải hiểu bản chất của tình yêu đầy khoái cảm này. Sự hồi tâm và yên tĩnh này – tia nhỏ này – nếu là do Thần Linh Thiên Chúa nhóm lên chứ không phải là vui thú do ma quỉ hay do chúng ta tạo ra, thì không phải là một cái gì có thể chiếm hữu được, ai đã có kinh nghiệm sẽ nhận ra ngay. Nhưng vì bản tính của chúng ta rất mong mỏi được cảm nghiệm khoái lạc, nên nó cố gắng nắm giữ tất cả những vui thú nó có thể nắm lấy được. Nhưng không bao lâu nó lại trở nên rất lạnh lẽo. Vì dầu có cố gắng vất vả đến thế nào để đốt lửa lên mà nếm hưởng niềm vui này, thì dường như chúng ta cũng chỉ đổ nước vào giập tắt lửa đi thôi. Còn khi tia lửa nhỏ này – dù nhỏ đến thế nào – là do Thiên Chúa nhóm lên trong chúng ta, thì nó sẽ gây một tiếng vang lớn; và nếu chúng ta không giập tắt nó đi vì lỗi lầm, thì chính tia lửa này bắt thành đám cháy lớn (khi nào thích hợp tôi sẽ nói), sẽ tung ra những ngọn lửa mến Chúa nồng nàn mà Chúa dùng để đốt những linh hồn hoàn thiện. 

5. Thiên Chúa ban tia lửa này cho linh hồn như một dấu hiệu hay một bảo chứng rằng Người đã chọn nó cho những công cuộc trọng đại nếu nó sẵn lòng lãnh nhận. Đó là một ân huệ cao siêu, cao siêu hơn tôi có thể nói lên nhiều. Nói đến đây tôi rất buồn, vì như tôi đã nói, tôi biết có nhiều linh hồn đã đạt tới cao độ này và tôi cũng biết có rất ít người, tiến xa hơn như họ phải tiến, tôi phải xấu hổ mà nói lên điều đó. Tôi không có ý nói là thực sự có ít người vượt qua trình độ này, chắc hẳn là cũng phải có nhiều, vì Thiên Chúa nâng đỡ chúng ta thì Người cũng nhằm mục đích nào đó. Tôi chỉ nói những gì tôi đã chứng kiến. Tôi tha thiết khuyên những người như vậy hãy cẩn thận, đừng chôn vùi nén bạc đã lãnh nhận. Vì dường như Thiên Chúa đã muốn chọn họ để làm ích cho nhiều người, nhất là những thời buổi này, Người cần các bạn hữu của Người phải mạnh mẽ để họ có thể nâng đỡ những người yếu đuối. Những ai nhận thấy mình có ơn này hãy coi mình như bạn hữu của Người, nếu họ có thể chu toàn được những nghĩa vụ mà ngay trần gian cũng đòi hỏi nơi bạn hữu chân thành. Nếu không thì như tôi vừa nói, họ hãy run sợ kẻo họ làm hại chính mình – và xin Thiên Chúa để cho sự ấy chỉ xảy ra cho chính mình họ thôi. 

6. Điều linh hồn phải làm vào thời gian ở bậc Yên Tĩnh này là bước đi cách dịu dàng, không khua động. Tiếng động ở đây có nghĩa là lý trí lo tìm ra lời lẽ và suy tư để cảm tạ về ơn huệ này, và cố tìm ra từng đống tội lỗi và khuyết điểm của mình, dường như để làm cho mình nhận ra mình bất xứng với ơn huệ ấy. Chính đây là lúc mọi náo động diễn ra: lý trí trưng ra những suy luận và trí nhớ trở nên hoạt động – đôi khi chính tôi thấy những quan năng này thực sự làm tôi mỏi mệt. Vì dầu trí nhớ của tôi rất yếu, tôi cũng không có thể chế ngự được nó. Ý chí phải trầm tĩnh và khôn ngoan. Phải nhận thức rằng chúng ta không thể dùng cố gắng riêng để thương lượng hữu hiệu với Thiên Chúa và rằng những xáo động này giống như những khúc gỗ khổng lồ người ta chất đống lên một cách bất cẩn sẽ chỉ giập tắt tia lửa này thôi. Linh hồn hãy nhận biết như thế và với tất cả lòng khiêm tốn hãy thân thưa với Chúa: Lạy Chúa, con có thể làm gì ở đây? Có tương quan gì giữa tớ và Chủ, giữa đất với Trời? Hãy thốt lên những lời yêu mến xuất hiện trong trí với sự ý thức chắc chắn điều mình nói là đúng là đừng quan tâm tới lý trí lúc này chỉ phá rối thôi. Có lẽ ý chí muốn thông đạt niềm vui cho lý trí và lôi cuốn nó hồi tâm lại (vì ý chí thường kết hiệp trong trạng thái yên tĩnh). Còn lý trí lại quá bị rối loạn, thì cứ để kệ nó lại tốt hơn là cố gắng cầm giữ nó. Ý chí hãy cứ tiếp tục nếm hưởng hồng ân, và hãy trầm tĩnh như con ong nhỏ khôn ngoan, vì nếu không có ong vào tổ, mà tất cả đều bay ra thì có rất ít hy vọng làm nên mật. 

7. Nếu không cẩn thận về điểm này linh hồn sẽ thiệt hại rất nhiều, nhất là nếu lý trí lại lanh lợi, thì kết quả sẽ là: khi tự nói với mình và tìm ra những tư tưởng, thì tức khắc nó sẽ tự tưởng tượng là mình đã làm được chút chi có giá trị nhất là khi mà những diễn từ và lý lẽ lại có vẻ hào nhoáng. Tất cả những gì mà lý trí phải làm trong tình trạng này là hãy biết rằng ngoài lòng nhân hậu của Chúa, thì không vì lý do nào khác mà Thiên Chúa ban cho chúng ta hồng ân trọng đại như vậy cả. Hãy ý thức rằng chúng ta rất gần gũi Chúa, hãy khẩn xin Người ban các ơn, hãy cầu nguyện cho Hội Thánh, cho những người xin ta cầu nguyện, và cầu xin cho các linh hồn nơi luyện ngục. Nhưng không cần nhiều lời, chỉ thành tâm ước muốn Chúa nhận lời chúng ta. Đó là lời cầu nguyện bao gồm rất nhiều ý nguyện và hữu hiệu hơn những mớ suy tư của lý trí. Để thúc đẩy tình yêu, ý chí hãy khơi động trong tâm tư một vài tư tưởng, nó sẽ hiển hiện khi linh hồn thấy minh được ở trong tình trạng tiến triển như thế. Cũng hãy làm một vài tác động yêu mến tương quan với điều nó muốn làm vì Đấng và cho Đấng mà nó mang ơn biết bao, nhưng không để cho lý trí làm gì ồn ào, như tôi đã nói, để tìm kiếm những suy tư hào nhoáng. Ở đây, với lòng khiêm nhường, chúng ta tiếp vào ít cọng rơm nhỏ là thích hợp (nhưng gì chúng ta tiếp vào thì còn kém giá trị hơn cả rơm rạ nữa), và hữu hiệu để đốt lửa hơn là một đống gỗ - nghĩa là những lý luận uyên thâm nhất – theo thiển ý chúng tôi, đống gỗ này sẽ làm tắt lửa (thần linh) trong khoảnh khắc. Nhận xét này sẽ hữu ích cho những người thông thái, là những vị truyền cho tôi viết đây. Vì nhờ lòng nhân hậu của Thiên Chúa, tất cả các ngài đều sẽ đạt tới trình độ này, và có thể là các ngài sẽ mất thời giờ đem Thánh Kinh áp dụng vào đây. Mặc dầu họ không gặp khó khăn gì trong việc sử dụng kiến thức của mình trước và sau khi cầu nguyện, nhưng theo ý tôi, trong chính quãng thời gian cầu nguyện, họ sẽ chẳng cần bao nhiêu đến những kiến thức đó, khi mà nó chỉ làm cho ý chí ra nguội lạnh. Vì vào những lúc đó, được gần ánh sáng, lý trí sẽ rất sáng suốt, nên chính tôi, dù tối tăm, thì dường như cũng hoàn toàn ra khác hẳn. 

8. Bởi vậy, mặc dầu tôi hiểu rất ít kinh nguyện bằng tiếng Latinh, nhất là các Thánh vịnh; nhưng khi ở bậc cầu nguyện Yên Tĩnh này, thì không những tôi hiểu được đoạn văn như hiểu tiếng bản địa mà còn sung sướng thấy rằng tôi có thể đi sâu vào ý nghĩa trong bản văn của bản kinh nữa. Đây tôi không có ý nói đến những hoàn cảnh các nhà thông thái phải thuyết giảng hay dạy dỗ, vì khi ấy họ cần lợi dụng kiến thức để dạy dỗ những người dốt nát đáng thương như tôi, vì đức ái là quan trọng và sự luôn lo cho các linh hồn cũng vậy, khi mà đảm nhiệm việc ấy chỉ đơn thuần là hoàn toàn vì Chúa. Vậy trong thời kỳ cầu nguyện Yên Tĩnh này, hãy để cho linh hồn nghỉ ngơi. Các ngài hãy để kiến thức qua một bên, sẽ đến lúc các ngài phải sử dụng kiến thức để phục vụ Thiên Chúa và khi ấy hãy hết sức quí chuộng nó, đến nỗi dù phải tốn hao những kho tàng lớn lao để chiếm hữu nó, chỉ vì các ngài có thể sử dụng nó để phục vụ Chúa và vì thấy nó rất hữu ích cho mục đích này. Nhưng hãy tin tôi, trước tôn nhan Đấng Khôn ngoan vô cùng thì học được một chút khiêm tốn và chỉ một tác động khiêm tốn còn có giá trị hơn tất cả mọi hiểu biết ở trần gian này. Vì thế trong bậc này không có chỗ cho biện luận, mà chỉ chân thành nhận biết thực trạng của chúng ta trước nhan Thiên Chúa. Người muốn linh hồn trở nên khờ dại, vì thực sự chúng ta là kẻ khờ dại trước mặt Người. Chỉ vì sự khiêm nhường vô biên của Người, Người chịu đựng cho chúng ta, với tất cả thực chất của chúng ta, ở gần Người. 

9. Lý trí bây giờ cũng linh hoạt và không ngừng cảm tạ bằng những tư tưởng, ngôn ngữ cao đẹp. Còn ý chí lại trầm ngâm như người thu thuế không dám ngước mắt lên, nhưng vẫn cảm tạ có lẽ còn nồng nàn hơn cả khi lý trí sử dụng hết tài lợi khẩu. Tóm lại, không được bỏ hẳn tâm nguyện và cả khẩu nguyện nữa, nếu chúng ta muốn trở lại với khẩu nguyện và khi có thể. Vì nếu tình trạng cầu nguyện Yên Tĩnh sâu đậm, thì rất khó nói ra tiếng, trừ khi là phải hết sức gắng gượng. Theo tôi nghĩ, có thể nói được là tâm trạng này do Thần Linh Thiên Chúa điều động hay là chỉ do lòng sốt sắng Chúa ban lúc đầu, rồi chúng ta gắng đạt tới bậc này do sức riêng của chúng ta. Trong trường hợp thứ hai này chúng ta cố gắng đạt tới trình độ ý chí yên tĩnh do sức riêng, như tôi đã nói, thì không đi đến hậu quả nào cả. Mọi sự mau chóng qua đi và chúng ta lại rơi vào tình trạng khô khan như trước. Còn nếu là do ma quỉ, thì tôi nghĩ một linh hồn có kinh nghiệm sẽ nhận ra được, vì nó để lại sự bối rối, rất ít khiêm nhường và linh hồn không ngoan ngoãn tương xứng với những hậu quả của bậc cầu nguyện như vậy do Chúa ban. Nó không soi sáng trí khôn, cũng không làm vững mạnh ý chí. 

10. Trong trường hợp như vậy, nếu linh hồn qui hướng niềm vui, sự ngọt ngào mình cảm nghiệm về Thiên Chúa, và hướng hết tư tưởng, ước muốn vào Thiên Chúa, vì đã được khuyên làm như vậy, thì ma quỉ có thể chỉ làm hại chút ít hay không làm hại được gì, quỉ không kiếm được chút lợi lộc nào; mà kỳ thực, bởi Chúa cho phép, thì chính khoái lạc ma quỉ gây nên trong linh hồn sẽ góp phần làm nó thất bại. Niềm vui này sẽ hỗ trợ linh hồn vì nghĩ rằng niềm vui đó là của Thiên Chúa, linh hồn sẽ, vì khao khát niềm vui mà thường xuyên cầu nguyện hơn. Nếu linh hồn khiêm tốn, không tò mò, cũng không háo hức niềm vui, dù là niềm vui thiêng liêng nhưng gắn bó vào Thánh giá, thì sẽ ít quan tâm đến thú vui ma quỉ gợi lên nhưng lại không thể khinh khi niềm vui do Thần Linh Thiên Chúa ban, mà sẽ rất quí chuộng niềm vui này. Khi ma quỉ vẫn là tên dối trá, gợi cho linh hồn bất cứ thú vui hay khoái cảm nào, mà thấy vì niềm vui này, linh hồn lại tự hạ (linh hồn cố gắng khiêm tốn trong tất cả những gì liên quan đến cầu nguyện và niềm an ủi) và thường xuyên thấy mình bị thất bại như thế, nó sẽ không còn cố gắng cám dỗ nữa. Chính vì lý do này và nhiều lý do khác nữa, mà khi viết về bậc cầu nguyện thứ nhất, và cách tưới thứ nhất, tôi đã nêu lên điều quan trọng nhất đối với các linh hồn mới bước vào đường cầu nguyện là phải bắt đầu bằng việc khước từ mọi thú vui, và bước vào đường cầu nguyện với một quyết định duy nhất và vác đỡ thánh giá Chúa Kitô. Như những hiệp sĩ can trường, họ chỉ lo phục vụ Hoàng Đế, không trông lương bổng, vì họ hoàn toàn nắm chắc phần thưởng tối hậu. Họ sẽ luôn nhắm vào Vương Quốc vĩnh cữu và đích thật mà chúng ta đang cố gắng đạt tới. 

11. Luôn tâm niệm điều này là việc rất quan trọng, nhất là ở bước đầu. Còn về sau, nhận thức quá rõ điều đó, chúng ta lại cần quên nó đi để có thể sống cuộc sống này, hơn là cố gắng nhớ lại rằng mọi sự đều chóng qua biết bao, không có chi đáng giá, và nghỉ ngơi ở thế gian này phải được coi như chẳng nghỉ ngơi chút nào. Điều này xem ra như một lý tưởng quá thấp hèn, và thực sự là thế. Vì nếu lý do khiến ta từ bỏ thế gian này chỉ vì những của này sẽ qua đi, thì những ai đã đạt tới trình độ cao hơn, đã tới bậc hoàn thiện hơn sẽ coi lý do đó là cái gì đáng trách và phải xấu hổ. Bởi vì cả khi những của ấy tồn tại đời đời, họ vẫn hoan hỉ từ bỏ chúng vì Thiên Chúa. Những linh hồn càng tới gần mức hoàn hảo, niềm vui của họ càng mãnh liệt hơn và còn mãnh liệt hơn nữa, nếu những ơn lành thuộc phạm vi trần thế này, mà họ từ bỏ, tồn tại lâu hơn. 

12. Tình yêu trong những linh hồn như thế đã tới mức độ cao và đó là tình yêu hoạt động trong họ. Còn đối với những người mới bắt đầu, thì việc nhận định sự thế mau qua là quan trọng nhất, và không được coi đó là ý nghĩ thấp kém, vì nhận định đó làm ích cho họ rất nhiều. Vì lý do này, tôi tha thiết nài xin họ hãy tâm niệm chân lý đó. Cả những người đã tiến xa trên đường cầu nguyện mà đôi khi Chúa muốn thử họ và dường như họ cảm thấy Chúa bỏ rơi, cũng sẽ thấy nhận định đó là cần thiết. Vì như tôi đã nói rồi – và tôi mong đừng bao giờ quên điều này – là trong cuộc đời trần thế của chúng ta, linh hồn không phát triển theo cùng cách thức như thể xác phát triển, dầu chúng ta nói là như thế, và thực sự nó phát triển. (Về phương diện thể lý), một đứa trẻ, sau khi phát triển tới tầm vóc một người lớn, thì không còn thể giảm thu tầm vóc lại để thân xác lại nhỏ đi như trước nữa. Còn trong những vấn đề thiêng liêng, Chúa muốn có những bước thăng trầm – ít ra theo nhận xét của tôi, vì tôi không được học, cũng không có phương thế nào để biết, ngoài sự nhận xét. Chúa muốn chúng ta khiêm tốn để được lợi ích nhiều hơn, và để chúng ta không lơ là bao lâu còn ở chốn lưu đày này. Một người càng tiến lên cao thì càng phải lo sợ và càng phải ít tin vào mình. Những người mà ý chí hoàn toàn tùng phục Thánh ý Chúa, họ sẵn sàng chịu hành khổ hơn là phạm bất cứ lỗi nhỏ nào, và thà chết ngàn lần hơn là phạm tội. Vậy mà có những lúc để tránh xúc phạm đến Chúa, khi bị cám dỗ và bách hại dày vò, họ thấy cần tìm đến thứ khí giới sơ khởi – là cầu nguyện – và cầu nguyện sẽ gợi lại cho họ nhớ rằng mọi sự đều có cùng, có thiên đàng, hoả ngục và các chân lý (vĩnh cửu) khác. 

13. Bây giờ xin trở lại đề tài đang nói là nếu chúng ta muốn được giải thoát khỏi những cạm bẫy và vui thú của ma quỉ thì nền tảng chúng ta phải thiết đặt ngay từ đầu là quyết định không mơ ước hưởng thú vui, nhưng bước ngay vào đường thánh giá. Chính Chúa đã tỏ cho chúng ta con đường hoàn thiện này khi Người phán: “Hãy vác thập giá của con và theo Ta “ (Mt 16,24). Người là gương mẫu của chúng ta và những ai nghe theo Lời Người nhắn nhủ với mục đích duy nhất là làm hài lòng Người thì không phải lo sợ gì cả. 

14. Nhận thấy mỗi ngày mình càng tiến hơn, họ sẽ biết đây không phải là công việc của ma quỉ. Vì dầu còn sa ngã, thì cũng là một dấu chứng tỏ rằng Chúa ở với họ - tức là họ lại mau mắn chỗi dậy. Còn có những dấu hiệu khác nữa tôi sẽ trình bày bây giờ. Khi Thần Linh Thiên Chúa hoạt động, thì không cần chúng ta phải kiếm tìm phương thế để tự hạ và xấu hổ. Vì chính Chúa sẽ biểu lộ cho chúng ta phương thế đó một cách khác xa bất cứ cách nào chúng ta có thể tìm được qua những suy tư vụn vặt của chúng ta. Chúng chẳng là gì so với sự tự hạ thật phát sinh từ ánh sáng Thiên Chúa ban cho chúng ta trong bậc cầu nguyện này. Sự khiêm nhường này gây nên một nỗi ngượng ngùng bao trùm hết cả con người chúng ta. Thiên Chúa ban cho sự hiểu biết này để chúng ta kinh nghiệm thấm thía rằng tự mình, chúng ta chẳng có sự gì là tốt cả và ơn trọng Người ban cho chúng ta ước muốn mãnh liệt được tiến tới trên đường cầu nguyện, và không bao giờ bỏ, dầu nó gây nên thử thách khó khăn lớn lao đến thế nào. Chúng ta tự hiến hoàn toàn cho Người thì chúng ta sẽ cảm nghiệm thấy, cùng với lòng khiêm tốn, kính sợ, sự bảo đảm về phần rỗi của chúng ta. Tâm tình này loại trừ khỏi tâm hồn mọi sợ hãi nô lệ và gây dựng cho linh hồn niềm kính sợ trưởng thành hơn rất nhiều, bắt nguồn từ đức tin (đó là niềm kính sợ của con thảo). Chúng ta nhận ra một tình mến Chúa hoàn toàn vô vị lợi đang bắt đầu triển nở trong chúng ta và chúng ta ước muốn có những giờ phút tĩnh mạc để hưởng thụ đầy đủ ơn trọng đó. 

15. Để khỏi mệt mỏi, tôi xin kết luận rằng bậc cầu nguyện này là khởi đầu của mọi ơn lành. Bây giờ các nụ hoa đã tới lúc sẵn sàng nở. Linh hồn ý thức rõ như thế và đến lúc này linh hồn không thể nghi ngờ rằng Chúa không ở với mình. Chỉ khi nào nó lại ý thức về những sa ngã của nó, và những bất toàn làm cho linh hồn lại sợ hãi hết mọi sự, và cũng nên sợ hãi như thế. Tuy nhiên nơi nhiều linh hồn, sự tin tưởng Thiên Chúa ở với mình sẽ làm ích cho họ hơn tất cả mọi sợ hãi có thể ám ảnh. Nếu một linh hồn tự bản tính hướng về yêu thương và biết ơn, thì hễ nhớ đến hồng ân Chúa đã ban, là tức khắc nó hướng về Thiên Chúa hơn là tất cả hình phạt hoả ngục nó có thể tưởng tượng ra được. Dẫu sao, đó là điều xảy ra cho tôi, vì tôi là người hư xấu. 

16. Vì tôi sẽ tiếp tục nói sau về những dấu hiệu của đường hướng thiêng liêng chân thật – và tôi đã phải vất vả lắm mới hiểu rõ được những dấu hiệu ấy – nên tôi không nói đến ở đây nữa. Tôi tin tưởng nhờ ơn Chúa giúp, tôi sẽ có thể nói khá đúng – vì ngoài kinh nghiệm bản thân đã làm ích cho tôi rất nhiều, tôi còn được một số người thông thái và những người rất thánh thiện chỉ bảo, và họ là những người rất đáng tin cậy, nên tôi hy vọng các linh hồn nhờ lòng nhân hậu của Chúa đạt tới trình độ này, đỡ phải vất vả như tôi.

(Còn tiếp)
- Trích trong tác phẩm “Tiểu Sử Tự Thuật Thánh Teresa thành Avila”

0 nhận xét: