Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2024

Đời sống thần bí Kitô giáo (Phần 2)




1. Mô tả qua các hình ảnh

Bằng các hình ảnh đối lập như bóng tối và ánh sáng, ngọn lửa và củi khô, nhất là hình ảnh vết thương tình ái, thực tại thần bí được thánh Têrêsa Avila và Gioan Thánh Giá mô tả hết sức sinh động. Những hình ảnh hữu hình này sẽ giúp nhận hiểu thực tại vô hình là ân sủng và tình yêu Thiên Chúa.

1.1. Bóng tối và ánh sáng

Bóng tối và ánh sáng là hình ảnh đối lập sắc nét nhất giúp nhận hiểu ân sủng Thiên Chúa tác động trên thân phận con người trong thực tại thần bí. Từ bóng tối của giác quan cần được ánh sáng chiếu tỏa, đến bóng tối tâm linh phải được chiếu rọi bằng ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa. Để qua đó con người nhận ra sự thật là họ không chỉ cần ánh sáng mà còn phải học biết yêu bóng tối.

Có bóng tối của tội lỗi, kiêu ngạo cần ánh sáng của ân sủng tình yêu chiếu rọi. Có bóng tối giác quan, bóng tối tâm linh ước mong ánh sáng của an ủi, khát khao kết hợp. Có bóng tối của đau khổ bệnh tật, ganh tị, bỏ rơi, phải được rọi sáng bởi bình an, quảng đại, chữa lành. Có bóng tối trong thanh tẩy khô khan, ánh sáng làm thanh khiết, bừng cháy. Bóng tối bởi ẩn khuất che giấu, ánh sáng trong gặp gỡ, kết hợp. Tuy nhiên, bóng tối lớn nhất, đau khổ lớn nhất khi linh hồn khắc khoải lo mình đã đánh mất Thiên Chúa, hoặc bị đã Thiên Chúa bỏ rơi. Tựa tâm trạng của Đức Giêsu trên thập giá:“Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27,46). Bóng tối bởi quá yêu mà không thể ngay lập tức lấp đầy khát vọng hợp nhất của con tim. Có đau khổ là bởi đau khổ ấy đến từ tình yêu.

Một thực tế khá nghiệt ngã, hễ ai muốn cuộc đời mình trở thành ánh sáng cho người khác, thì người ấy phải chấp nhận đi trong bóng tối. Bóng tối khủng khiếp nhất không phải là đau khổ vì vắng bóng Chúa, nhưng là sự khát khao gặp Chúa mà không gặp được. Và đau đớn hơn cả bóng tối chính là cơn khát về Người. Đó cũng là cảm nghiệm của vị thánh thành Calcutta của thế kỉ 20 :

Chính cái cảm giác mất mát khủng khiếp này, bóng tối khôn cùng này, nỗi cô đơn này, sự khao khát Chúa vô tận này đã khiến lòng con đau đớn vô cùng. Bóng tối đến nỗi con không thấy được, cả bằng con tim lẫn lý trí. Vị trí của Chúa trong con tim con bị bỏ trống. Khi nỗi đau quá lớn, con chỉ biết mong mỏi, mong mỏi Chúa.[34]

Có bóng tối để giúp người ta nhận ra ánh sáng. Chúa dùng chính kinh nghiệm bóng tối nơi người này để chiếu sáng cuộc sống cho người kia. Khi nhận ra cách Thiên Chúa hành động trên cuộc đời mình, Mẹ Têrêsa Calcutta đã khiêm nhường bày tỏ ước nguyện :“Nếu tôi được trở thành một vị thánh, chắc chắn tôi sẽ là vị thánh của ‘bóng tối’. Tôi sẽ tiếp tục ở xa Thiên đàng để thắp sáng cho những con người đang phải sống trong bóng tối trên trái đất này”.[35]

Khi bóng tối tạo nên do nỗi đau trong con tim bởi khát khao tìm kiếm mà Người Yêu Dấu cứ như vắng mặt. Khi sự nhớ nhung tưởng chừng như không gì thỏa lấp được khát vọng của con tim, thì bất ngờ Chúa lại đến, tuôn đổ ân sủng tình yêu của Ngài cho linh hồn. Cuộc gặp gỡ trong tình yêu không ai có thể thay thế được :“Ai mà trong giây lát có thể đổ chan hòa ánh sáng vào tâm hồn tăm tối dày đặc như thế. Người làm mềm một trái tim coi như bằng đá, và đổ tràn nước mắt dịu dàng vào một nơi mà từ lâu sự khô khan đã tàn phá”.[36] Trong ánh sáng ân sủng ấy, linh hồn ước ao được nhìn thấy Chúa bằng chính đôi mắt của mình :

“Và ước gì đôi mắt em được thấy Người

Vì Người là ánh sáng của đôi mắt ấy” (khúc ca 10).

Hẳn nhiên, Thiên Chúa là ánh sáng siêu nhiên của đôi mắt linh hồn. Thiếu ánh sáng ấy, linh hồn sẽ rơi vào tối tăm. Vì thế, linh hồn ước mong được trông thấy Người, vì chỉ mỗi mình Người là ánh sáng để đôi mắt ấy nhìn vào. Nó không muốn sử dụng đôi mắt ấy vào chuyện gì khác ngoài việc ngắm nhìn Người.

[37] Bởi vì:“Ngài quả là nguồn sống, nhờ ánh sáng của Ngài chúng con được nhìn thấy ánh sáng” (Tv 36, 10).

Điều lạ lùng đối với con người là Thiên Chúa đã dùng bóng tối để chiếu sáng, và biến ánh sáng thành đêm tối để thanh luyện họ trong đau khổ. Cảm nghiệm điều ấy, tác giả thánh vịnh tự nhủ: “Ước gì bóng tối bao phủ tôi và ánh sáng quanh tôi thành đêm tối! Nhưng đối với Ngài, tối tăm chẳng có chi mù mịt, và đêm đen sáng tỏ như ban ngày, bóng tối và ánh sáng cũng như nhau” (Tv 138, 11-12). Đêm đen là đêm tối tâm linh, đêm chiêm niệm sẽ bùng lên thành ban ngày, trở thành ánh sáng chiếu soi trí hiểu và thanh tẩy lòng muốn con người, để họ xứng đáng kết hợp nên một với Thiên Chúa.

Như vậy, trong cuộc hành trình thiêng liêng con người không chỉ yêu ánh sáng mà còn phải “thích” bóng tối. Chỉ khi biết đón nhận bóng tối mới có hy vọng được chiếu sáng.

1.2. Ngọn lửa và củi khô

Thánh Gioan Thánh Giá đã dùng hình ảnh ngọn lửa và củi khô để mô tả cách thức Thiên Chúa thanh tẩy linh hồn để biến đổi nó nên một với Ngài. Như ngọn lửa tác động lên củi, đốt cháy và biến củi thành lửa, Thiên Chúa ban ân sủng trên linh hồn, thanh luyện và biến đổi nó thành chính Chúa.

Hành trình biến củi thành lửa được thánh nhân mô tả : khi lửa táp vào củi thì trước hết nó làm cho củi phải khô đi, rồi tống khứ thứ ẩm ướt trong củi ra ngoài, củi phải trào ra số nước còn tồn đọng bên trong. Tiếp đến, lửa thui cho củi thành đen đủi, xấu xí, thậm chí còn bốc mùi khó chịu. Càng làm cho củi khô dần, lửa càng lôi củi về phía ánh sáng, loại bỏ hết mọi thứ linh tinh xấu xa và tăm tối nghịch với lửa. Cuối cùng, lửa bén vào củi đốt cháy, biến củi thành lửa và làm cho nó xinh đẹp như lửa.[38] Cũng vậy, trước khi cho linh hồn được hiệp nhất với Thiên Chúa, lửa thần linh của tình yêu Thiên Chúa phải thanh tẩy nó khỏi mọi xấu xa đối nghịch. Lửa làm cho những điều xấu xa của linh hồn bật ra ngoài, khiến linh hồn đen đủi, tối tăm đến nỗi có vẻ như tồi tệ, thậm chí đáng tởm hơn trước. Thiên Chúa dùng “ánh sáng tối tăm” của ơn chiêm niệm thần linh chiếu rọi, giúp linh hồn thấy rõ mình quá xấu xa, đến nỗi không những chẳng đáng Thiên Chúa đoái thương, mà còn đáng Thiên Chúa ghê tởm. Linh hồn nhờ đó trở nên dịu hiền, khiêm nhường vì nhận biết sự thật nơi mình. “Ánh sáng tối tăm” chính là đêm tối giác quan và tâm linh. Bằng khô khan, trống rỗng, Thiên Chúa thanh tẩy hết những gì nhơ bẩn và cảm giác nơi linh hồn, Ngài biến đổi nó nên giống Ngài, xứng đáng đón nhận và nên một trong tình yêu.

Ở đời này ngọn lửa thanh luyện linh hồn đạt sự hoàn hảo của tình yêu gây đau đớn, vì còn mang tính thiêu đốt và tàn phá. Giống như lửa thiêu cháy củi và làm cho củi thành lửa rồi thành than. Mặc dù than được biến đổi thành đồng dạng với lửa, nhưng khi thiêu đốt than, lửa cũng hủy diệt và biến than thành ra tro. Trong Khúc linh ca 39, thánh Gioan Thánh Giá còn nói về “ngọn lửa thiêu đốt mà không gây đau đớn”, đó là lửa tình yêu Chúa Thánh Thần. Lửa thiêu đốt để đưa đến kết thúc và hoàn tất mỹ mãn trong tình yêu mà không gây đau đớn. Vì muốn cho hoàn hảo, tình yêu phải có hai đặc tính : vừa thiêu đốt linh hồn; vừa biến đổi linh hồn thành Thiên Chúa.[39] Điều này chỉ có được khi đã đạt tới tình trạng toàn phúc, khi ngọn lửa kia chỉ còn là tình yêu hoan lạc. Vì khi linh hồn đã được biến đổi trong ngọn lửa Thánh Thần thì được trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô, cùng mãn nguyện trong hạnh phúc với Thiên Chúa. Không còn đau đớn, khổ tâm do bên hơn bên kém, như khi linh hồn chưa được thanh luyện đạt tới tình yêu hoàn hảo. Bởi tình yêu hoàn hảo mang đặc tính ngang hàng. Ở tình trạng này, Thiên Chúa đã biến đổi và đặt linh hồn ngang hàng với Ngài để yêu nó. Đó là cảm nghiệm được thánh Gioan reo lên trong tác phẩm “Ngọn lửa tình nồng”:

Ôi ngọn lửa tình yêu hằng sống! 
Thiêu hủy tôi, Ngài làm tôi biến đổi 
Từ cái chết Ngài làm nên sự sống 
Ôi những ngọn đèn cháy sáng!
Chiếu huy hoàng vào hang hốc giác quan, 
Nơi trước đây tăm tối mù lòa,
Nay chuyển hóa thành những điều tuyệt hảo, 
Thành sức nóng và thành ánh sáng
Cho Đấng Chí Ái tôi yêu.[40]

Mượn hình ảnh ngọn lửa đốt cháy củi khô, thánh Gioan Thánh Giá mời gọi chúng ta chiêm ngắm ngọn lửa tình yêu thanh luyện và biến đổi linh hồn. Qua đó, một hành trình thần bí được hé mở : từ tăm tối thành sức nóng và ánh sáng; từ thanh tẩy đến chiếu sáng, từ chiếu sáng đến hợp nhất nên một với Thiên Chúa.

1.3. Vết thương tình ái

Vết thương tình ái là hình ảnh thần bí thể hiện rõ nét sự kết hợp hoàn hảo về giáo thuyết giữa Têrêsa Avila và Gioan Thánh Giá. Quả thật, thị kiến vết thương tình ái được Têrêsa mô tả trong Tiểu sử Tự thuật và Lâu đài nội tâm sẽ dễ hiểu khi được chiếu rọi qua cảm nhận của Khúc linh ca. Têrêsa thuật lại thị kiến ấy như sau:

Con thấy có một thiên thần lấy hình người, ở bên tay trái con … Chắc đây là vị người ta vẫn thường gọi là Thần Sốt Mến, tay cầm một cây giáo bằng vàng, nơi đầu mũi giáo bằng sắt, con trông thấy hình như có lửa. Ngài đâm mũi sắt này vào tim con mấy lần, thấu tận tạng phủ con. Khi Ngài rút ra, con cảm thấy như ngài rút cả tâm can con ra theo, bấy giờ con bừng cháy lửa yêu mến Chúa.[41]

Lẽ thường khi cơ thể người ta trúng thương, vết thương càng sâu thì càng đau và khó chữa. Trái lại, vết thương tình Têrêsa đã trúng thì nỗi đau đớn mãnh liệt đó lại gây nên sự ngọt ngào lớn lao :“nó gây cho con phúc lạc lớn lao hơn bất cứ niềm hoan lạc nào mà toàn thể vụ trụ này có thể tạo nên”.[42] Tại sao vậy? Theo thánh Gioan Thánh Giá, vết thương tình chính là nỗi nhớ Người Yêu Dấu say đắm, bởi đã được Ngài đón nhận và hé mở cho biết tình yêu vô tận và vẻ đẹp tuyệt hảo của bản thể Ngài. Nỗi nhớ ấy làm cho người bị trúng thương không thể được chữa lành nếu không được gặp mặt chính người đả thương. Tuy nhiên, vết thương đó càng sâu bao nhiêu thì người bị trúng thương càng sướng khoái bấy nhiêu và lại ước mong nó không lành lại.[43]

Vết thương ấy xuất hiện sau một lần xuất thần : khi Người Yêu Dấu đem người mình yêu đến một nơi mà chẳng ai khác có thể đến được để thổ lộ tâm tình,[44] hé mở cho nó một chút vẻ đẹp đích thực của Bản Thể Ngài, thông truyền cho linh hồn chính Ngài, tựa như trong một cuộc đính hôn nhiệm lạ. Dù chỉ xẩy ra trong khoảnh khắc nhưng cả ngàn năm sau linh hồn cũng chẳng thể nào quên. Chân lý về chính bản thể Ngài được mặc khải cho linh hồn lớn lao đến nỗi trí khôn con người có học biết cả ngàn năm cũng không thể bằng một chút mặc khải ấy. Vì thế, linh hồn mong ước vết thương ấy không lành cho tới khi nó được hợp nhất nên một với Người Yêu Dấu trong cuộc kết hôn thần bí. Điều mà thánh nhân gọi là “vết phỏng êm ái”.

Thánh Gioan Thánh Giá cho rằng có sự bình đẳng trong tình yêu giữa Người Yêu Dấu và linh hồn.[45] Trong sự bình đẳng ấy, chính Người Yêu Dấu cũng trúng thương, bởi chính Người nhớ thương và khát khao hợp nhất nên một với linh hồn. Sự đau đớn vì vết thương của người yêu cũng chính là nỗi khát khao chịu khổ của người được yêu. Vì khi đó cả hai đã thuộc về nhau, là của nhau rồi. Còn linh hồn, vì đã hoàn toàn dứt khoát không nhận một bạn tình nào khác, nhưng Đấng Lang Quân lại không màng đến những ước muốn mãnh liệt lễ đính
hôn sớm được hoàn thành của họ,[46] nên đau khổ khôn nguôi. Có điều tại sao cả hai đều khát khao yêu thương mà lại không thể thỏa mãn tình yêu? Chính sự khác biệt về hữu thể khiến cho Người Yêu Dấu không thể hiệp nhất nên một với người mình yêu, khi chưa được thanh luyện.

Theo thánh Gioan Thánh Giá, cần phải có tia sáng của đêm tối thanh luyện tâm hồn người yêu nên trong sạch, tinh tuyền mới có thể xứng đáng hợp nhất. Chính vì thế, vết thương tình làm cho người được yêu đau khổ mà chẳng có nguồn an ủi nào có thể thỏa lấp, nếu không có sự hiện diện của Người Yêu Dấu. Cho nên, vết thương tình chính là quà tặng mà Người Yêu Dấu trao ban cho người yêu trước khi có cuộc hợp nhất trọn vẹn. Người chưa “yêu và được yêu” khó mà cảm nghiệm được nỗi khổ của kẻ yêu mà không thể gặp gỡ, cũng không thể ngay lập tức lấp đầy khát vọng của con tim. Cũng chẳng có thày thuốc nào chữa lành được vết thương tình, chẳng gì có thể làm cho người yêu được thỏa mãn ngoài chính người mình yêu. Chỉ trên Thiên đàng vết thương ấy mới được chữa lành.

Vết thương tình là một ân huệ, nên chẳng ai có thể đòi hỏi hay ước mong được trúng vết thương ấy. Người Yêu Dấu hoàn toàn tự do trao ban cho ai, vào lúc nào Ngài muốn, và luôn trao ban cách nhiệm lạ. Vì thế, có người bị trúng thương mà không biết ai đã làm và vết thương đó như thế nào. Có điều chắc chắn là Người Yêu Dấu chỉ trao ban cho ai đã hoàn toàn trao hiến trọn vẹn trái tim cho Người.

(Còn tiếp)
- Trích trong tác phẩm "Đời sống thần bí Ki-tô giáo qua cảm nghiệm của thánh Têrêsa Avila và thánh Gioan Thánh Giá" của Phêrô Tạ Văn Tuân.

0 nhận xét: