Thứ Ba, 21 tháng 12, 2010

Chữ Nôm Đang Biến Mất: Học Chữ Nôm Không Khó

GiadinhNet - Nhiều người cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến chữ Nôm biến mất là do học loại chữ này quá khó.
Thế nhưng, bài viết dưới đây của Tiến sỹ cổ học Cung Khắc Lược lại cho thấy, học chữ Nôm đối với người Việt thuận lợi hơn nhiều so với học chữ Hán.
Khi người Việt học chữ Nôm

Dù trong lịch sử, chữ Nôm chưa bao giờ được thể chế nào coi là văn tự chính thống, cũng chưa có văn bản cổ nào tôi đã may mắn được đọc qua coi chữ Nôm là quốc ngữ. Tuy nhiên, dù nó có được trân trọng bằng những văn tự chính thống hay không, có được giới cầm quyền công nhận hay không, nó vẫn sống mạnh mẽ với tư cách tự thân là một Quốc âm. Chỉ chữ Nôm mới có đầy đủ tính cách để ghi lại âm nói của người Việt.

Nếu bạn đọc nào vẫn tha thiết với cổ ngữ, xin cùng tôi làm một phép so sánh như sau. Có hai thứ chữ, một là Hán Việt, hai là Nôm Việt. Cả hai đều là chữ vuông, sử dụng những bộ, những phép viết giống nhau. Tuy nhiên, Hán Việt là loại chữ được mượn lại của người Trung Quốc, được phiên âm sang tiếng Việt. Để hiểu được Hán Việt, người ta nhất thiết phải đi một con đường vòng: Hiểu nghĩa tiếng Hán và rồi dịch sang tiếng Việt. Ví dụ, muốn hiểu chữ Đại Việt sử kí, người ta phải biết Đại là gì, Sử là gì, Kí là gì thì mới có thể biết được hợp âm đó có nghĩa thế nào. Về căn bản mà nói, học Hán Việt giống như học một ngoại ngữ vậy.

Bạn muốn hiểu "Nam quốc sơn hà Nam Đế cư" là gì, hẳn sẽ mất nhiều thời gian đấy!
Tiến sĩ Cung Khắc Lược (trái) trong một buổi triển lãm
thư pháp chữ Nôm.

“Ngay cả vua chúa khi ở triều đình đều nói Hán Việt, viết Hán Việt nhưng khi rời trướng chính trị về với hoàng hậu phi tần, họ lại dùng những âm Nôm giản dị để nói với nhau những lời yêu thương. Vua có thể sẽ dùng nhiều tiếng "em", "vợ" hơn là dùng "ái phi" để nói với hoàng hậu của mình rằng ông yêu bà biết mấy.

Quang Trung là đời vua duy nhất đưa những khẩu dụ phải đề cao chữ Nôm và bản thân ông cũng viết Nôm: "Đánh cho để dài tóc/Đánh cho để đen răng". Tiếc là triều đại của ông không kéo dài”.
Nôm Việt, vốn là chữ của ông bà ta làm ra, ghi lại âm tiếng Việt, chỉ cần đọc lên là ngay lập tức người Việt sẽ hiểu ngay. Ví dụ, Truyện Kiều, khi đọc lên, từ đứa trẻ cũng có thể hiểu đó là cuốn truyện viết về một người tên Kiều.

Và ngược lại, "Trăm năm trăm cõi người ta/Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau", bạn chẳng mất chút thời gian nào để hiểu hiểu nghĩa của những từ này cả. Đơn giản một điều, đó là tiếng mẹ đẻ của chúng ta.

Đây là lý do đầu tiên để tôi cam đoan với những người còn yêu cổ ngữ rằng, học chữ Nôm không hề khó. Với tư cách tiếng mẹ đẻ, Nôm gắn với toàn bộ hệ thống phát âm của chúng ta, của môi - răng -lưỡi- lợi, của buồng phổi, của đôi tai. Chẳng có lý do gì để cho rằng học tiếng mẹ đẻ tại chính quê hương lại khó hơn học ngoại ngữ.

Nhiều người nhầm tưởng rằng xưa kia chỉ có những bậc vô cùng tài hoa uyên bác mới học được chữ Nôm, rằng phải thành thạo chữ Hán thì mới học được chữ Nôm. Với kinh nghiệm của một người nhiều tuổi, cũng như vốn học thực tế của mình từ ngày còn nhỏ xíu, tôi muốn khẳng định với các bạn trẻ rằng điều đó không đúng.

Mặc dù trong quá khứ, người nào càng tài hoa, càng yêu nước, họ càng đặc biệt coi trọng chữ Nôm. Điều này khiến cho họ giỏi Nôm là lẽ thường. Tuy nhiên, ngay cả những người bình thường, họ đều có ý thức học chữ Nôm ngay ngắn, chỉ vì một lí do đơn giản thôi, nếu chỉ học chữ Hán, họ sẽ không ghi chép được hết những điều cần ghi. Hơn nữa, họ không làm được thơ Nôm, thứ thơ mà chỉ cần đọc lên đã nghe ngân nga trong lòng, đã nghe tha thiết, đã nghe chất chứa.

Tôi được sinh ra khi cụ bốn đời vẫn còn sống và cụ chính là người nghiêm khắc dạy tôi từng nét đầu tiên của chữ Nôm khi tôi vừa biết cầm cây bút lông mà không phải qua bất kỳ một nét Hán Việt nào. Cha tôi cũng từng quật vào tay tôi đau điếng mỗi khi tôi tập viết Nôm mà chểnh mảng.

Những tư liệu trong dân gian cũng sẽ giúp tôi chứng minh điều này, rằng không phải quá cao siêu để học Nôm. Nguyễn Du tài tình khi làm thơ Nôm, nhưng một đồ nhỏ cũng có thể thành thạo chữ Nôm vậy.

Chữ Nôm ghi âm tiếng Việt nên có thể tìm thấy mọi lớp lang văn hóa Việt trong đó. Do đó, nó gần gũi và thiết cốt với người Việt. Tiếng Hán, dù trong quá khứ được coi trọng là văn tự chính thống, được nhiều quan tâm hơn, nhưng đến giờ nó vẫn xa lạ như thể một người khách lầm lì và kiểu cách trong một căn nhà ấm cúng vậy. Ngay cả bản thân tôi, người được dạy cả Hán cả Nôm từ bé, vẫn thấy rằng Nôm mới là điều tôi gắn bó, như máu thịt tôi, như buồng phổi buồng tim tôi, như lời mẹ tôi vẫn ru tôi mỗi buổi chiều oi bức: "Cái cò cái vạc cái nông/Sao mày dẫm lúa nhà ông hỡi cò".

Một điều nữa khiến chữ Nôm dễ học hơn chữ Hán đó là chữ Nôm ghi được các dấu Hỏi, Ngã, Sắc, Bằng đặc trưng của tiếng Việt mà chữ Hán xa lạ rối rắm kia không làm được. Một con đường, theo tôi, quá thẳng để đi đến đích, không vòng vo và kiểu cách như chữ Hán.

Nỗi ám ảnh: Bây giờ đã không, ngày sau vẫn không...

Khi chúng ta chưa có quốc ngữ hiện nay, Nôm vẫn phát triển mạnh mẽ trong dân gian vì người dân, như một quy luật ở khắp nơi trên thế giới, họ thường giữ gìn cái gì là của họ, cho dù thể chế có coi trọng nó hay không. Tuy nhiên giờ đây, khi đã có phương tiện khác để ghi chép, người dân không còn thấy Nôm là điều thiết cốt nữa. Nó chỉ còn tồn tại đối với các nhà nghiên cứu và một số rất nhỏ những người yêu chữ cổ mà thôi.

Chúng ta đã có những năm tháng chiến tranh và bị nô lệ đằng đẵng trong quá khứ và hiểu hơn ai hết rằng tự do là quý giá. Khi đó, người ta lại được tự do coi trọng những gì là của mình, được yêu vợ mình trọn vẹn, được dạy con mình điều hay lẽ phải của ông cha, dạy cháu biết yêu lấy cái gì thuần Việt, dạy học trò hãy giữ lấy bản sắc của mình, giữ lấy cá tính của mình để mình luôn được nhận ra giữa đám đông bao nhiêu điều nổi bật.

Nhưng tiếc rằng chữ Nôm kể cả từ trước lẫn sau khi xuất hiện quốc ngữ, chẳng bao giờ được một thể chế nào coi trọng. Tôi đã từng cố tự đặt câu hỏi tại sao các thể chế phong kiến của chúng ta, ngay cả khi đã độc lập vẫn dùng Hán Việt làm văn tự chính thống.

Tôi đành tự trả lời với mình rằng đây là vấn đề phức tạp và phải sử dụng nhiều phương pháp, nhiều cách nhìn khác nhau, có thể nhìn về góc độ tâm lý, góc độ ngữ âm, kinh nghiệm giáo dục, văn hóa hoặc văn hóa chính trị, văn hóa đại văn hóa...

Và tôi nhận ra sức khỏe của Nôm tùy thuộc nhiều vào những người cầm quyền, những nhà hoạch định, nhất là trong điều kiện bây giờ, khi nó đã trở thành chữ cổ. Chữ Nôm hạnh phúc trong dân gian nhưng đau khổ trong triều đình phong kiến. Đến thời kỳ của người Pháp thì chữ Nôm đã trở thành chữ cũ, đến cách mạng ruộng đất thì chữ Nôm gần như bị xóa sổ. Nếu xét về một mặt nào đó, vẫn phải thốt lên rằng may thay, bây giờ tư liệu Nôm vẫn còn đôi chút.

Tuy nhiên, ngày xưa, khi tôi vẫn còn là một ông giáo chăm chỉ, tôi vẫn còn được dạy thơ Hồ Xuân Hương, truyện Kiều bằng chính văn bản Nôm, thì giờ đây những lớp học Nôm không còn nữa.

Và tôi cho rằng nếu người làm ngôn ngữ không tự mình đập phá đi cái thành quách quá ư kiên cố mà nghèo nàn của những ý nghĩ "Nôm na” thì sẽ chẳng có gì với Nôm hết, bây giờ đã không, ngày sau vẫn không.
"Tôi chủ trương dạy Nôm và tôi đã dạy nhiều lớp Nôm, đủ để kết luận rằng học trò của tôi, những người chưa biết gì Hán lại tiếp nhận Nôm rất tốt. Ngược lại, người đã biết đôi chút Hán rồi, lại tỏ ra băn khoăn trằn trọc với Nôm, cứ như thể một người đã bị một kinh nghiệm nào đó chi phối và rồi từ đó, trở nên bối rối, thậm chí bảo thủ khi tiếp xúc với một điều mới lạ" - TS Cung Khắc Lược.

T.S Cung Khắc Lược
Nguồn: http://giadinh.net.vn/20101203051657849p0c1003/chu-nom-dang-bien-mat-hoc-chu-nom-khong-kho.htm#

0 nhận xét: