Thứ Ba, 28 tháng 12, 2010

Giáo sư Balaban có thể nghiên cứu chữ Nôm đến cuối đời


Cập nhật lúc :9:34 AM, 14/12/2008

Giáo sư (GS) John Balaban vừa được Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch Việt Nam trao kỷ niệm chương nhờ việc số hóa các tác phẩm chữ Nôm cùng giáo sư John Dean. Ông nói sẽ gắn bó với chữ Nôm suốt đời.

- Thưa giáo sư, lý do ông gắn bó với chữ Nôm là gì?
- Chữ Nôm là một loại hình văn hóa, thể hiện văn hóa truyền thống Việt Nam từ một nghìn năm trước. Tôi muốn bảo tồn di sản văn hóa dân tộc ấy. Một số tác phẩm chữ Nôm nổi tiếng của Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du đã được dịch sang chữ quốc ngữ và tôi đang tiến hành chuyển ngữ sang tiếng Anh. Tuy nhiên, tôi lo ngại nhiều tác phẩm khác chưa được dịch, thậm chí chưa được chú ý, sẽ bị mai một.

Với vợ tôi, nghiên cứu về loại chữ viết chỉ có khoảng 100 người trên toàn thế giới đọc được là một điều xa vời. Tuy nhiên, tôi không nghĩ như vậy, bằng chứng là tôi vẫn tiếp tục công việc này và có thể tiếp tục làm việc với chữ Nôm đến cuối đời. Ngày càng có nhiều học giả trên khắp thế giới muốn nghiên cứu chữ Nôm và bảo tồn nền văn hóa cổ này.

- Nếu chữ Nôm không được biết đến nữa, điều đó sẽ gây tổn thất như thế nào đối với văn hóa Việt Nam?
- Trên các phương tiện thông tin đại chúng, văn hóa phương Tây đang lan tràn vào đời sống người Việt Nam. Nếu không làm sớm và nhanh việc số hóa các tác phẩm chữ Nôm, tôi lo ngại nó sẽ biến mất. Cội rễ văn hóa, bằng chứng văn hóa không giữ được thì việc hội nhập sẽ mang lại nhiều bất lợi cho Việt Nam.

Để bảo tồn chữ Nôm, theo tôi đầu tiên là phải ủng hộ việc số hóa chữ Nôm. Năm 2009, Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm dự định số hóa khoảng 1.000 cuốn sách. Hiện, có trên 400 đầu sách được số hóa và đưa lên trang http://nomfoundation.org. Bên cạnh đó, ngành giáo dục Việt Nam phải có chương trình giảng dạy chữ Nôm ở trường học.
- Từng đọc cả Hồ Xuân Hương và Kiều, ông thích ai hơn trong hai người phụ nữ trên?
- Tôi không phải là người Việt, chưa am hiểu nhiều văn hóa của người Việt nhưng khi đọc Truyện Kiều, tôi cũng cảm nhận được số phận của một người phụ nữ bị ảnh hưởng, chi phối giữa tình yêu nam nữ và các mối quan hệ gia đình. Tôi cũng nhìn thấy cái cách mà một cô gái như Kiều phản ứng với những trớ trêu mà số phận mang đến.
Tôi cũng thích cách Hồ Xuân Hương hài hước và nhân cách hóa các sự vật trong thơ của bà. So ra thì Hồ Xuân Hương vẫn hơn, vì Thúy Kiều yếu đuối và không tự đấu tranh giải phóng cho mình. Còn Hồ Xuân Hương không những tự đấu tranh cho mình mà còn đấu tranh cho sự bình đẳng giữa nam và nữ. Đó là một người phụ nữ mạnh mẽ.
- Theo ông, tại sao thơ Hồ Xuân Hương khi dịch ra tiếng Anh đã bán được 20.000 bản tại Mỹ mà vẫn tiếp tục được chờ đón?
- Người Mỹ biết đến Việt Nam chỉ qua khái niệm một đất nước toàn chiến tranh, nhưng khi đọc thơ Hồ Xuân Hương, nhiều người đã có cái nhìn toàn diện về văn hóa Việt với chiều sâu nhân bản. Tôi nghĩ, thơ Hồ Xuân Hương không chỉ gây nên sự ngạc nhiên mới của người Mỹ về Việt Nam mà họ còn tìm thấy một Việt Nam với những tầng sâu văn hóa khác.
- Ông có nói về kế hoạch tiếp tục dịch Truyện Kiều ra tiếng Anh. Công việc này đã được tiến hành đến bước nào?
- Tôi đã mất 10 năm để dịch 50 bài thơ Hồ Xuân Hương. Tôi cũng bắt đầu dịch Truyện Kiều từ 4 năm trước, nhưng do bị ốm nên đã tạm ngừng một thời gian. Tôi đã xác định được bản Kiều tốt nhất theo gợi ý của các học giả Việt Nam, đó là bản Kiều năm 1902. Tôi không biết bao giờ công việc dịch tác phẩm này hoàn tất. Tuy nhiên, tôi tin dịch Truyện Kiều sẽ không có nhiều khó khăn như khi dịch Hồ Xuân Hương, vì tôi đã giải mã được nhiều vấn đề văn hóa của người Việt thông qua thơ Hồ Xuân Hương.

Kim Sen
Nguồn: http://www.baodatviet.vn/Home/Giao-su-Balaban-co-the-nghien-cuu-chu-Nom-den-cuoi-doi/200812/24234.datviet

0 nhận xét: