Thứ Ba, 14 tháng 12, 2010

Việt Nhân Ca - Bài ca Việt nữ cổ

Việt nhân ca - Bài ca Việt nữ cổ


TTCT - Bài hát Việt nhân ca ra đời trên văn đàn Trung Hoa trong một bối cảnh hết sức đặc biệt. Thời Xuân Thu, Tử Tích (thế kỷ 6 trước Công nguyên) là vương tử nước Sở, em trai Sở Linh Vương, được phong chức lệnh quân vùng Ngạc Ấp nên được người dân gọi là Ngạc Quân Tử Tích.
Một ngày nọ, Ngạc Quân Tử Tích cùng đoàn tùy tùng đi du ngoạn Phán Hồ (nay là hồ Lượng Tử thuộc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) để thăm thú lãnh địa của mình. Vị vương gia đi trên một con thuyền lớn do một thiếu nữ Dương Việt (một nhóm trong Bách Việt) cầm chèo. Được diện kiến Ngạc Vương Tử Tích, cô thiếu nữ cảm thấy rất hãnh diện, vừa nhịp tay chèo vừa cất cao giọng hát trong cái lãng mạn của xuân cảnh hữu tình và âm thanh rộn ràng của tiếng trống:
Bài Việt nhân ca ghi bằng âm Việt cổ và chữ viết nước Sở cổ:
Dịch thơ (dựa theo lời dịch của tác giả Lâm Hà, dân tộc Đồng):

Hôm nay là ngày gì ấy nhỉ?

Thuyền xuân đón khách, khách là ai?

Thì ra thuyền khách là người vương tử!

Triệu kiến người trên chiếc thuyền xuân

Việt nữ tôi - lòng cảm tạ vô ngần

Hôm nay là ngày gì ấy nhỉ?

Vương tử cùng lướt sóng ngao du

Tâm can tôi nghe hớn hở vô cùng.
Ngạc Quân Tử Tích nghe giai điệu thánh thót rất hay nhưng không hiểu Việt ngữ nên yêu cầu người thông ngôn (cũng là người nước Việt) dịch cho nghe. Nghe xong, Ngạc Quân Tử Tích lấy làm thích thú, cho triệu kiến cô gái chèo thuyền. Gặp mặt cô gái, Tử Tích không chút do dự “xắn ống tay áo, ôm chầm lấy cô gái Việt”, còn “lấy một chiếc đai gấm quấn quanh eo cô gái” nhằm bày tỏ lòng biết ơn.
Ngạc Quân Tử Tích liền hạ lệnh cho tùy tùng ghi lại bài hát và lưu truyền trong dân gian. Bài Việt nhân ca ra đời từ đó. Cố sự này được Lưu Hướng (79-8 trước CN) ghi lại tỉ mỉ trong cuốn Thuyết Uyển (bài Việt nhân ca) vào thời Tây Hán. Người đời sau dịch lại bài hát này bằng tiếng Hán (có thêm bớt), song cốt cách, tình cảm và cái hồn của bài hát bản tiếng Hán đã vơi đi ít nhiều.
Việt nhân ca là một bài tình ca độc đáo của dân gian Dương Việt, đặc biệt là đối với người dân Bách Việt di chuyển bằng thuyền độc mộc khắp vùng phía nam Dương Tử đầy sông nước. Nó độc đáo vì chỉ là lời tâm sự của một cô gái Dương Việt tuổi xuân thì song lại chứa đựng nhiều đặc trưng văn hóa Bách Việt phương Nam: quen với sông nước và thạo chèo thuyền; thích lãng mạn, phóng khoáng nhưng cũng rất tinh tế; không ưa giáo điều hay các qui tắc phân biệt tầng lớp xã hội.
Cho đến hôm nay, nhiều dị bản của bài Việt nhân ca vẫn còn lưu truyền trong dân gian một số dân tộc Nam Trung Hoa như Choang, Đồng..., nơi dòng chảy của văn hóa Bách Việt cổ còn tồn tại và lưu truyền.

Th.s NGUYỄN NGỌC THƠ (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM)

0 nhận xét: