Từ ga Huế, men theo hữu ngạn sông Hương theo đường Bùi Thị Xuân, ngang qua Phường Ðúc, đến ngã ba chợ Long Thọ rồi rẽ trái ở kiệt 373 chừng 200m sẽ thấy Hổ Quyền sừng sững hiện ra. Không đồ sộ và nổi tiếng như đấu trường giác đấu Coloseum thời La Mã cổ đại, nhưng Hổ Quyền – đấu trường của voi và hổ xưa kia được xây dựng tại Huế thời kỳ nhà Nguyễn cũng là một công trình kiến trúc độc đáo không chỉ ở Việt Nam mà cả Ðông Nam Á.
Lòng chảo của Hổ quyền
Từ thời các chúa Nguyễn, các cuộc đấu giữa voi và hổ đã được tổ chức thường xuyên, ban đầu có mục đích rèn luyện tính chiến đấu cho voi, rồi dần dần về sau như là một loại hình giải trí tiêu khiển cho vua, hoàng tộc, các quan lại và thần dân xem nhân những ngày lễ lớn như Tết Nguyên Đán hay Đại khánh thọ của Vua.
Tuy được coi là đấu trường giữa voi và hổ, nhưng thực tế không bình đẳng như người ta tưởng. Thực chất xem trận đấu giữa voi và hổ là xem voi giết hổ, vì theo quan điểm của các vua chúa Nguyễn voi tượng trưng cho sức mạnh đế chế, cho lẽ phải, lẽ thiện. Còn hổ tượng trưng cho cái ác, cho lực lượng đối địch nên kết cục các cuộc đấu voi bao giờ cũng giành chiến thắng. Vì thế voi được các quản tượng chăm sóc huấn luyện rất kỹ càng, còn hổ được giao cho các địa phương săn bắt dâng nạp. Trong sâu xa, tổ chức một cuộc tử chiến giữa voi và hổ là triều đình có ngầm ý răn dạy về sức mạnh vương quyền, là bài học về cái thiện thắng cái ác. Lẽ đương nhiên, cái “thiện” bao giờ cũng luôn chiến thắng cái “ác”, vì vậy trong các cuộc đấu, hổ luôn bị dồn vào thế yếu, khi vào trận thường bị bỏ đói lâu ngày, răng nanh bị bẻ, móng vuốt bị cắt, cổ bị lồng xích sắt buộc vào cọc cố định giữa đấu trường và tất yếu cuối cùng cũng sẽ bị voi xé nát.
Voi chuẩn bị cho trận đấu
Trước khi xây dựng Hổ Quyền thì các trận đấu giữa voi và hổ ở thời kỳ các chúa Nguyễn thường diễn ra ở Cồn Dã Viên trên sông Hương. Một học giả người Pháp là Pierre Poivre kể lại trong một bài viết của mình cho biết: "Vào năm 1750, có một lần chúa Nguyễn Phúc Khoát cùng với triều thần đi trên 12 chiếc thuyền đến cồn Dã Viên để xem một cuộc đấu không tiền khoáng hậu giữa voi và hổ. Đây có lẽ là trận đấu khủng khiếp và đẫm máu nhất trong lịch sử. Các khán giả đã chứng kiến từ lúc bắt đầu cho đến kết thúc, khi mà 40 con voi đã tàn sát đến con hổ cuối cùng trong số 18 con được thả ra làm vật tế thần trong ngày hội".
Sau này khi Gia Long lập ra nhà Nguyễn và xây dựng Kinh đô Phú Xuân thì các trận đấu này lại được tổ chức trên trên khoảnh đất bên bờ sông Hương trước Kinh Thành. Đấu trường được trang trí bởi nghi trượng, cờ, lọng. Có một đội lính mặc áo đỏ đội nón sơn, cầm khí giới nghiêm trang cung kính đứng hai bên đường từ đấu trường đến bến sông. Không giống với Cồn Dã Viên nằm giữa sông, việc tổ chức trận đấu voi và hổ trên đất liền đã xảy ra nhiều trường hợp thiếu an toàn cho cả chính nhà vua.
Đưa voi đến đấu trường
Trong tác phẩm Souvenirs de Hué (Những kỷ niệm về Huế) xuất bản tại Paris năm 1867, Michel Đức Chaigneau - con trai của Jean Baptiste Chaigneau (làm quan triều Gia Long, với tên Việt là Nguyễn Văn Thắng) và bà Benoit Hồ Thị Huề - đã kể lại một trường hợp điển hình dưới thời Gia Long mà ông ta tận mắt chứng kiến. Lần đó, cửa chuồng vừa mở, con hổ to lớn nhảy vọt ra, gầm gào, cố gắng kéo đứt sợi dây buộc cổ nó, nhưng không được nên tạm nép mình sát đất. Khi quản tượng thúc voi tiến lại gần thì nhanh như tên bắn, hổ phóng lên đầu voi, tát mạnh vào thái dương quản tượng khiến ông ta ngã nhào xuống đất, ngất xỉu. Voi sợ hãi quay đầu chạy, dẫm cả lên quản tượng. Mọi người la rú kinh hoàng. Binh sĩ chạy vào đấu trường, đưa xác quản tượng đi và chuẩn bị cuộc đấu mới. Con voi thứ hai tiến vào với một số lính cầm giáo dài ngồi trên bảo vệ, thận trọng dừng trước giới hạn mà hổ có thể nhảy tới. Chúa sơn lâm lại lao lên tấn công nhưng bị sợi dây buộc cổ ghìm giữ. Nó lồng lộn và - bằng sức mạnh khủng khiếp - giật đứt tung sợi dây! Khán giả hoảng loạn xô nhau chạy trốn. Con hổ để mặc đối thủ đứng đó, tìm cách vượt khỏi đấu trường. Sau phút tan tác, bối rối, quân lính đã kịp củng cố hàng ngũ, vây kín và chĩa vũ khí về phía hổ. Không hề run sợ, nó xông tới mở đường máu, làm nhiều người bị thương và hàng rào binh sỹ buộc phải dãn ra. Viên quan chỉ huy buổi đấu hô lệnh cho quân lính phải bắt sống bằng được hổ, nhưng vô hiệu - chúa sơn lâm tiếp tục làm bị thương vài người nữa và sắp sửa tẩu thoát. Viên quan chỉ huy đành cho phép giết hổ. Lập tức mấy chục ngọn giáo sắc bay tới... Xác chúa sơn lâm bị mang ra giữa đấu trường cho voi giày xéo đến nát nhừ.
Tuy nhiên, trận đấu gây nguy hiểm trực tiếp nhất cho tính mạng của vua là vào năm 1829. Hôm đó là Lễ Tứ tuần Đại Khánh của vua Minh Mạng. Trận đấu được tổ chức bên bờ sông Hương trước Kinh thành. Nhà vua ngự xem trên chiếc thuyền Rồng đậu sát bờ. Thị lang Hồ Hữu Thẩm ở Võ Khố có nhiệm vụ điều khiển các lính tượng dịch buộc chặt hổ vào cọc trước một cuộc đấu nhưng trong khi đấu, con vật đã giật đứt dây, lao xuống nước và bơi về phía thuyền rồng của vua Minh Mạng đang đậu gần đó. Khán giả nhốn nháo, kinh hãi. Không sẵn vũ khí trong tay, chính vua phải dùng sào đẩy lui hổ! Cuối cùng, mấy người lính nhảy xuống một chiếc thuyền nhỏ, tiến lại gần con vật rồi giết chết nó trên sông. Sau vụ việc này, Minh Mạng nghiêm trách ông Thẩm và phạt ông phải tội cách lưu.
Do những sự cố này, năm Minh Mạng thứ 11 (1830), vua đã chọn vùng đất ở thôn Trường Đá, làng Nguyệt Biều, nằm về phía Tây Kinh Thành để xây dựng một đấu trường kiên cố nhằm tổ chức những cuộc đấu nói trên được an toàn và đặt tên là Hổ Quyền.
Hổ Quyền là một đấu trường lộ thiên có dáng hình vành khăn gồm gồm 2 vòng tường thành hình tròn đồng tâm xây bằng gạch vồ, đất nén, đá và vôi trộn mật có chiều dày ở đáy thành là 1,1 mét và ở đỉnh là 0,5 mét. Vòng thành trong có đường kính 35m, chu vi 110m, cao 5,85m. Thành ngoài nghiêng tạo kiểu chân đế, có chu vi tường ngoài là 140m, đường kính lòng chảo là 44m, cao 4,75m. Khoảnh cách từ tường trong đến tường ngoài là 5m ở đáy và 4m ở đỉnh, khoản giữa hai vòng thành được đổ bằng đất sét nện, tạo nên vòng tường kiến trúc đồ sộ, đồng thời là khán đài để người xem đi lại thưởng lãm trận đấu.
5 cửa chuồng hổ: 3 cửa nhỏ là hầm nuôi hổ, 2 cửa lớn là hầm nhốt hổ trước khi thả ra đấu trường.
Mặt trong đấu trường tức là vòng tường trong có một ngấn tròn cách mặt đất 3,9m và cách đỉnh tường trong 1,95m. Phần cao 1,95m là phần tường được xây thêm dưới thời vua Thành Thái. Trước đó, trong lúc đấu với voi, một con cọp đã nhảy lên trên vòng thành cũ cao 3,9m. Vì vậy, nhà vua cho xây cao thêm để bảo toàn tính mạng cho người xem.
Các cửa chuồng nhốt hổ trước khi đấu. Vành tường thành phía trên là được xây thêm sau này, nhìn trong hình sẽ thấy rất rõ sự khác nhau giữa lớp xây cũ và mới.
Khu khán đài vua ngự rộng 96 mét vuông, được xây dựng ở mặt bắc của đấu trường và theo nguyên tắc của Dịch học quay mặt về hướng Nam, cao hơn khán đài xung quanh 1,5m. Bên trái khán đài là hệ thống bậc cấp đi lên gồm 24 cấp dành cho vua và triều thần. Bên phải là tam cấp 15 bậc dành cho quan, quân, và dân chúng. Dưới khán đài vua ngự, khoảng giữa hai cầu thang được trổ một cửa rộng 2m, cao 3,9m là lối dẫn voi vào. Dưới đó là một bộ phận cửa gỗ lớn có hai cánh mà các bảng lề bằng đá hiện nay còn nguyên vẹn.
Cửa vào của voi và những bậc cấp dẫn lên khán đài
Cửa vào đấu trường của Voi
Đối diện với khán đài và cửa voi vào là 5 cửa chuồng hổ được lợi dụng khoảng trống giữa hai vòng tường của đấu trường để làm chuồng, 3 cửa giữa có kích thước bằng nhau, hai cửa bên lớn hơn: 3 cửa nhỏ là hầm nuôi hổ, 2 cửa lớn là hầm nhốt hổ trước khi thả ra đấu trường. Hiện nay, cả 5 chuồng đều để lộ thiên, nghĩa là để trống ở bên trên, nhưng có dấu vết cho thấy ngày xưa đã làm mái nhà để che mưa nắng. Mỗi chuồng có một cửa trổ ở phía tường trong và một cửa ở phía tường ngoài Hổ Quyền. Trong mỗi chuồng đều có xây máng để bỏ thức ăn cho hổ. Các cửa chuồng hổ được làm bằng gỗ lim, đóng mở bằng dây kéo từ trên xuống, hiện tại các khung cửa bằng đá hiện vẫn còn thấy. Phía trên cái chuồng ở chính giữa có một tấm biển bằng đá chạm hai chữ hán: “Hổ quyền”. Bên trái bảng đá, còn có một dòng chữ nhỏ khắc lõm chạy dọc như sau: "Minh Mạng thập nhất niên chính nguyệt cát nhật tạo" (Làm vào một ngày tốt lành thuộc tháng giêng năm thứ 11 đời vua Minh Mạng, tức năm 1830).
Hai chữ Hổ quyền trên bảng đá vẫn còn
Có người cho rằng, vua Minh Mạng chọn xây dựng Hổ Quyền ở đây, là nơi xưa kia người Chàm đã xây dựng một cái thành của họ là Thành Lồi (di tích này nay vẫn còn), với ý muốn biểu thị quyền lực của triều đại mình lên trên thành cổ điêu tàn của vương quốc từng vang bóng một thời. Tuy nhiên, cũng có thể là do ở gần đó có Long Châu miếu được xây dười thời Gia Long, thường gọi là điện Voi Ré, nơi thờ các vị thần bảo vệ cho voi và miếu thờ 4 con voi anh hùng, từng chiến đấu có công trên trận mạc. Xây dựng Hổ Quyền ở đây, ngoài việc giải trí và biểu dương sức mạnh của vương quyền còn là một lễ tế, mà hổ là vật cúng tế cho những tượng binh oai hùng này.
Một chuồng nhốt hổ
Lối vào đấu trường của hổ
Trận đấu cuối cùng được ghi nhận dưới triều Nguyễn, được tổ chức vào năm 1904 dưới triều vua Thành Thái. Đây cũng là một trận đấu hấp dẫn, đầy kịch tính được nhiều người đương thời chứng kiến và mô tả kỹ. Theo bài Hổ Quyền trong cuốn "Quần thể di tích Huế", tác giả Phan Thuận An đề cập: Voi cái bước vào đấu trường có vẻ hiên ngang, đi qua đi lại trước mặt cọp không một chút sợ hãi, vua Thành Thái khen: "con này can đảm lắm”. Nhưng bỗng chốc, cọp nhảy lên trán voi, voi hất mạnh, cọp rơi xuống. Cọp lại nhảy lên bấu vào chỗ cũ. Voi tức giận, rống lên, vụt chạy đến dùng đầu đẩy mạnh cọp vào thành đấu trường, dùng sức mạnh ngàn cân vừa húc, vừa ép thật sát. Khi voi ngẩng đầu lên, cọp té xuống đất, voi dùng chân chà cọp đến chết...
Đã 107 năm trôi qua, những trận đấu thư hùng năm xưa giờ đây chỉ còn trong dĩ vãng, đấu trường vang bóng một thời xưa kia bây giờ đã dần dần điêu tàn theo thời gian. Cũng chính vì thế nên dù chỉ cách trung tâm thành phố vài km nhưng ngay cả những người sống nơi đây vẫn rất ít người biết đến. Thi thoảng một vài du khách ghé thăm để tận mắt chứng kiến những gì còn lại của đấu trường có một không hai này.
Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Liêm
Nguồn tin: hue.blogsite.org
Đăng lại từ: http://cuucshuehn.net/index.php?language=vi&nv=news&op=que-huong-ky-niem/Dau-truong-cua-cac-manh-thu-tai-Hue-990Nguồn tin: hue.blogsite.org
0 nhận xét:
Đăng nhận xét