Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

Phương Đông Có Thể Làm Gì Cho Một Xã Hội Đương Hồi Tục?

Để giải thích hiện tượng tôn giáo ngày nay, chúng tôi xin đưa ra hình ảnh một tu sĩ cởi đạo y trở về cuộc sống thường. Hình ảnh ấy không còn khêu gợi nhiều tò mò trong xã hội nữa. Thực ra, vấn đề hồi tục của một người không còn là vấn đề, bởi lý do cả xã hội ngày nay đã hồi tục rồi.

Tôi có ý nói, xã hội ngày nay không còn quan trọng hóa cái thiêng, và không ngăn cách đền chùa, tu viện với phố phường bằng những bức tường và cánh cổng gỗ lim nữa. Mà đã không còn tường cổng ngăn cách, thì hỏi còn chi phân biệt chùa với chợ! Như thế, một là chợ hóa thành chùa, hay, chắc ăn hơn, là chùa đã thành chợ. Và như thế, cái Đạo đã cởi bỏ nâu sồng, hay, nói cho đúng hơn, quan niệm về Đạo trong xã hội không còn tính chất phân ly đạo đời. Do đó, trong lòng của mỗi người đang có một đạo nhân cởi áo đi ra. Và bây giờ các bạn đã rõ tại sao tôi dùng tiếng Hồi tục để biểu thị ý thức về đạo của xã hội ngày nay, đồng thời để dịch chữ Sécularisation của Tây phương.


Ý NGHĨA VÀ DIỄN TIẾN CỦA SỰ HỒI TỤC BÊN ÂU CHÂU

Ngày nay, người Tây phương, hay nói cho đúng hơn, người Kitô giáo Tây phương nói rất nhiều đến vấn đề “sécularisation”. Thực ra “sécularisation” mà chúng ta dịch là Hồi tục, là một ý niệm phát sinh từ trong Kitô giáo Tây phương. Vậy, để hiểu nó, chúng ta cần phải đặt mình vào bối cảnh lịch sử của Kitô giáo Tây phương.

Trong thời khai nguyên Kitô giáo, lắm khi chính trị cũng được đưa vào các tôn giáo khi người ta nại đến Cựu ước (vốn không mấy phân biệt quyền đạo và quyền đời) để hợp thức hóa việc chính quyền dùng bạo lực đối phó với những phe ly giáo và lạc giáo. Càng ngày, đạo càng liên hệ mật thiết với quốc gia, và tôn giáo đã đi vào mọi lãnh vực giáo dục, kinh tế v.v… Nhưng rồi những sáng kiến về phía hàng giáo phẩm để phân biệt giáo sĩ với giáo dân (laic) đã kiến tạo nên một xã hội giáo dân riêng biệt, và phần nào giải thiêng nó. Xã hội giáo dân ấy là Siècle, có nghĩa là Thế tục.

Vào thời Trung cổ, dân chúng ý thức mạnh về một thứ trật tự do Thiên Chúa quan phòng và sắp đặt. Trật tự này là của thiên nhiên, và luật xã hội, cũng là phép vua, phải phù hợp với trật tự đó. Đây là một trật tự cứng nhắc, với vị trí và quyền lợi cố định cho mỗi người.

Trật tự đã là của thiên nhiên, thì lịch sử không còn nữa, do đó tất cả những thay đổi, nhất là đổi mới, trở thành xấu xa và nghịch với trật tự thần thánh.

Trong cái trật tự thần thánh này, Giáo hội chiếm một chỗ đứng tối cao, và Giáo hội ấy là Đức giáo hoàng, Hồng y và Giám mục. Thậm chí có người so sánh phẩm cấp trong Giáo hội với phẩm cấp trên trời, coi phẩm cấp Giáo hội là một với phẩm cấp trên trời đó.

Tuy thế, trong suốt lịch sử, luôn luôn vẫn có tranh chấp quyền hành giữa Giáo hoàng và vua chúa. Đức Grégoire VII (1015-1085) quyết bảo vệ một số quyền riêng cho hàng giáo phẩm, còn vua Henri IV (1050-1106) lại bênh vực tính cách thần thánh của chức vua, và quyền tối thượng do đó của nhà vua. Tiếp theo, có Giám mục Yvo de Ghartres (1116) đã giúp giải thiêng hoàn toàn cái ngai vua ấy khi minh chứng rằng nghi lễ phong vương chỉ có tính cách pháp lý, chứ không phải là nhiệm tích.

Sự tranh chấp hai quyền lắm phen gây sóng gió, để rồi cuối cùng, người ta phải tách biệt hẳn hai quyền. Và như thế, xã hội Kitô giáo Tây phương được xây dựng trên sự đối lập giữa giáo quyền và quốc quyền. Giáo quyền thuộc lãnh vực Đạo, còn quốc quyền thuộc lãnh vực Tục, hay Đời. Như đã nói trên, Đời được gọi là Siècle, và Sécularisation tỏ nghĩa là “đời hóa”, và ở giai đoạn đầu, đó là việc chính quyền tách biệt ra khỏi sự chi phối của quyền đạo.1

Vào thế kỷ X, giữa lúc Giáo hoàng và Hoàng đế tranh chấp nhau thì một khoảng trống chính trị được tạo ra bên Ý. Thừa dịp ấy, một tiểu quốc thuần tuý “đời” mọc lên tại phía Bắc (Ý) để tự cai quản lấy mình, mà không cần đến “dầu xức” phong vương. Tiếp theo, có nhiều tiểu quốc khác cũng noi gương, và họ không còn quan tâm đến tôn giáo trong việc trị nước nữa. Tất cả chỉ còn là lẽ phải và quyền lợi của tiểu vương (il principe).

Còn chung Âu châu, thì sự phân hóa thành nhiều quốc gia vào cuối thời Trung cổ đã làm lu mờ hình ảnh của “khối Kitô giáo” (la Chrétienté) làm nên do sự ràng buộc tinh thần giữa các nước chung quanh Đức giáo hoàng và Hoàng đế. Quyền hành của Hoàng đế đối với họ đã suy yếu rồi, và các nhà cầm quyền không còn để ý đến tôn giáo trong khi liệu việc nước. Thậm chí trong cuộc tranh chấp với Charles V, Francois I đã không ngần ngoại cầu viện với quân Thổ Nhĩ Kỳ là kẻ thù của khối Kitô giáo. Cùng trong chử trương độc lập chính trị ấy, vua đã chống lại ý kiến Giáo hoàng Alexandre VI trong việc phân định cương giới thuộc địa của các đề quốc Âu châu. Sự bất đồng ý kiến giữa ông “Rey Catolico” (vua Công giáo) của Tây Ban Nha và “le roi très chrétien” (ông vua rất Công giáo) của Pháp hồi thế kỷ XVII càng thúc đẩy cho sự giải thiêng “quyền đời” nhanh chóng hơn. Vua Tây Ban Nha thì kêu gọi một cuộc thánh chiến chống Thổ, còn người Pháp lại phản đối, cho rằng đây chỉ là việc riêng của Tây Ban Nha thôi. Hoàn cảnh đã khiến nước Pháp tách quyền lợi thực tiễn quốc gia ra khỏi những ý tưởng tôn giáo.

Sách luận bàn chính trị hồi ấy cũng “đời” nốt, nghĩa là coi chính trị như một lãnh vực biệt lập đối với tôn giáo. Ảnh hưởng của các tư tưởng gia Bacon, Harrington và Petty đã thiêu huỷ những liên hệ cuối cùng giữa hai địa hạt. Còn trong lãnh vực hành động, việc Hồng y nhiếp chính Richelieu kết liên với các vua chúa Tin lành đã thể hiện sự phân ly nói trên. Thêm vào đấy, chủ nghĩa duy lý của thế kỷ XVIII cũng thúc đẩy việc “hợp lý hóa” (rationalisation) quốc trị, tách nó ra khỏi những quan tâm tôn giáo.2

Tiếp theo việc hợp lý hóa chính trị, là việc hợp lý hóa thiên nhiên.

Thực ra, nói đến hợp lý hóa vũ trụ, thì ngay từ thời đế quốc La Mã, phần đóng góp của Kitô giáo không phải là nhỏ. Thời ấy, vũ trụ sống động. Kitô giáo đã trục xuất quỷ thần ra khỏi vũ trụ ấy, đồng thời đặt nó lệ thuộc vào một Thiên Chúa sáng tạo, nhìn xuống từ cao, chứ không nội tại. Nhờ đó ,tinh tú biến thàn những bộ máy được cai quản bởi thiên thần. Nhưng cũng chính do đó mà Kitô giáo bị vua quan La Mã gán cho tội “vô thần” (ateheismus).

Du sao, vũ trụ ấy vẫn còn được quan niệm trong tương quan với đức tin, và theo đức tin này, Thiên Chúa cùng với Chúa Kitô trở thành trung tâm cho tất cả. Chứ còn bây giờ, có sáng tạo hay không, người Tây phương chẳng thèm quan tam đến nữa. Vũ trụ của họ đã độc lập hoàn toàn, một vũ trụ thuần tuý vật lý và trần tục.

Sự giải thích vũ trụ bằng chính nó, “mo phú” cả kinh thánh và thần học, đã bắt đầu với Copernic và Galilée. Những khám phá khoa học ngày một nhiều đã phá đổ, không phải chính kinh thánh, nhưng các nền tảng văn hóa của kinh thánh mà người xưa đồng hóa với chính kinh thánh.

Ở mấy thế kỷ trước, những phản ứng của giới khoa học và tư tưởng trước chuyên chế của tôn giáo đã làm phát sinh một trào lưu vô thần chiến đấu, tích cực chống lại sự hiện diện đầy tính cách áp chế của một Thiên Chúa sáng tạo. Với Galilée và Descartes, vũ trụ chỉ còn là trương độ và then máy. Là máy, vũ trụ cần đến một cái chi bên ngoài để làm nó chuyển động. Cái ấy là Thiên Chúa, và vô tình Ngài bị quan niệm như một cái “Máy đệ nhất”, Premier moteur (primum movens).

Song song với việc tách khoa học ra khỏi sự chi phối của thần học và kinh thánh, còn có phong trào tự do tìm hiểu kinh thánh, nhằm đưa ra ánh sáng những yếu tố thuần tuý văn hóa.3

Như thế, hồi tục trước tiên là trả chính trị về cho chính quyền đời khiến phép vua không còn chịu tôn giáo chi phối nữa. Dần dà, cả khoa học cũng lấy lại quyền tự trị, không còn lệ thuộc vào khoa chú giải thánh kinh. Những tranh chấp đầu tiên đã gây nên phong trào duy tục (sécularism)và chống giáo sĩ (anticléricalisme). Nhưng rồi sự nóng nảy ấy cũng nguội dần. Và khoa học, đẻ ra kỹ thuật và kỹ nghệ, đã do vừa duy lý cải hóa xã hội này thành duy vật. Sang thế kỷ XX, xã hội không còn đếm xỉa đến tôn giáo nữa4, mà chỉ quan tâm đến kinh tế thôi. Từ xã hội Kitô giáo thời Trung cổ, Tây phương đã biến thành một xã hội tiêu thụ và thứ xã hội kiểu ấy đang trở thành hiện tượng phổ cập cho khắp năm châu.

Là xã hội tiêu thụ, con người ngày nay chỉ hướng về giáo dục để tìm hưởng lạc, hướng về nhân tạo mà xa dần tự nhiên và thiên mệnh, hướng về tiền tài nên chỉ nghĩ đến lợi thôi. Thoát ra khỏi chốn không tên tuổi là thiên nhiên và gia tộc, con người lại rơi vào một chốn không tên tuổi khác là đám đông, cái “đám đông cô đơn” theo tiếng gọi rất đúng của René Rémond5. Sự lớn mạnh ghê gớm của vai trò quảng cáo càng khiến tim óc con người mang đầy ý tưởng Lợi và khơi động đủ mọi thứ ham muốn.

Ngày nay, giới trẻ đương nổi loạn chống lại thứ xã hội phi nhân ấy. Họ muốn khỏi bị gò bó trong khuôn thước, khỏi bị đàn áp bởi những sức mạnh vật chất không linh hồn. Đó là sự nổi loạn của ngoại lý (irrationnel) chống duy lý (rationnel), của tự nhiên chống tổ chức, của sự sống theo bản năng chống việc kế hoạch hóa sắt thép, và tổng quát hơn, của con người thiêng liêng chống con người máy móc và thú vật.6

Chẳng những chống xã hội và trật tự xã hội, con người ngày nay còn muốn chống mọi cái gì là cố định, là thành hình rồi nữa. Thói quen phẩm bình và chỉ trích đã đi quá xa. Các trật tự và thể chế đều bị “xét lại”. Phong trào “xét lại” này, nếu làm lung lay chế độ Cộng sản và Tư bản, thì nó cũng đe dọa ngay cả luân lý và tôn giáo nữa. Thực ra, sự “hợp lý hóa” (rationalisation) vừa tốt lại vừa xấu. Nó cần thiết để thanh lọc tôn giáo khỏi những yếu tố ngoại tôn giáo, những hình thức cứng nhắc, những lạm dụng và sự ù lì. Nhưng nó cũng có thể bóc trần khỏi tôn giáo những gì là huyền bí, mầu nhiệm và thần thánh. Mà đã không còn những yếu tố này, thì hỏi còn chi để còn là tôn giáo nữa?



TIẾN TRÌNH HỒI TỤC BÊN PHƯƠNG ĐÔNG

Nói đến Phương Đông, chúng tôi muốn nói đến những quốc gia cùng chung một gia sản văn hóa với chúng tôi, các quốc gia Khổng Mạnh và các quốc gia Ấn Phật. Nhưng chúng tôi cũng không muốn gạt hẳn ra ngoài những quốc gia lân bang khác. Do đó, chúng tôi chọn làm tiêu biểu quốc gia Hồi giáo Nam Dương và quốc gia Công giáo Phi luật tân.

Xét về số lượng, Phi luật tân quả là một nước Công giáo. Theo thống kê 1960, thì 83.8% dân số thuộc công giáo La mã và 5.2% thuộc giáo hội độc lập Phi.7

Hầu hết Công giáo sống ở đồng bằng, còn người Thượng, tuy chịu phép Rửa để đồng hóa với người đồng bằng, nhưng vẫn tiếp tục các nghi lễ ngoài công giáo của một xã hội bán khai. Linh mục quá thiếu, nên theo thống kê 1964-1965, chỉ có 13% các cộng đoàn thôn quê là có linh mục tại sở, còn 67% được thăm viếng một đôi lần trở lên mỗi năm, và 20% không được thăm viếng bao giờ. Nên về giáo lý, tín hữu quá dốt, và hiện tượng đồng bóng của một xã hội sinh-hồn-tín (animiste) vẫn tiếp tục với một đôi biểu thức Công giáo được thêm vào trong nghi lễ. Dĩ nhiên một tín ngưỡng như thế không thể đứng vững trước tiến trình hợp lý hóa trên thế giới ngày nay. Đường xá mở mang dẫn người Thượng đến tiếp xúc với văn minh, và kỹ thuật tới biến đổi kết quả canh tác sẽ dần thay thế niềm tin vào quỷ thần.

Trước đây, dưới thời cách mạng, lòng ái quốc nổi lên như một sức mạnh thuần thế tục. Không được giáo quyền nâng đỡ, người cách mạng đã đồng hóa giáo hội với đế quốc Tây Ban Nha và đòi lật đổ cả hai.

Ngày nay, Phi đã độc lập về chính trị, nhưng về kinh tế lại lệ thụôc vào ngoại quốc. Thêm vào đấy, sự chênh lệch giàu nghèo rõ rệt quá, khiến nhiều vấn đề xã hội được đặt ra. Giáo quyền vì ù lì và thiếu hành động cách mạng, nên bị giới trẻ, kể cả tu sĩ và linh mục, chống đối gắt gao.8

Nam Dương cũng là một xã hội chìm đắm trong sinh-hồn-tín như Phi luật tân. Theo thống kê 1930, nếu Hồi giáo có 29.5 triệu, nghĩa là ngang hàng với Hồi giáo. Gần đây, tỉ lệ Hồi giáo gián tiếp (qua tuyển cử) đựơc ghi nhận là 43% nhưng trong thực tế, chỉ có 8% tổng số Hồi hữu theo danh xưng là có đến miếu Hồi vái Chúa vào giữa trưa các ngày thứ sáu trong tuần.

Cũng vì thế, tuy Nam Dương được coi như một quốc gia Hồi giáo nhưng phần đông những người mang danh Hồi hữu vẫn tiếp tục sống những tin tưởng và nghi lễ của một xã hội sinh-hồn-khí.

Trong một xã hội mà tôn giáo là mê hồn tín như thế, thì ý thức thần thiêng sao khỏi lung lay trước sức tấn công của khoa học? Để giải thoát mình khỏi những mê tín ấy, tự nhiên con người học thức phải nghĩ đến việc giải thiêng vũ trụ.

Nhất là một khi Hồi giáo, với những hình thức pháp định và cứng nhắc, với sự thiếu thốn tư tưởng gia, càng ngày càng xuất hiện như một trở lực cho tiến hóa, khiến kẻ thức giả cảm thấy cần phải đạp đổ đi để con người có thể tự cường.

Ngày nay, Nam Dương còn giữ nguyên cái vỏ của một xã hội Hồi giáo, nhưng từ bên trong đã manh nha dấu hiệu của một khủng hoảng trầm trọng. Chính quyền tuy bênh vực Islam, nhưng chính quyền lại tham nhũng. Thế rồi, biết bao kẻ nấp bóng tôn giáo và dưới chiêu bài tôn giáo đã tác oai tác quái, gây nên biết bao tội ác tầy đình, trong đó có vụ thảm sát 1968 với ức triệu người chết, và số chết oan không phải là hiếm vậy9. Thêm vào đấy, gương xấu nhan nhản trong giới lãnh đạo tôn giáo, còn giữa dân gian thì luân lý xuống thấp một cách đáng sợ, đến nỗi cứ 100 đám cưới thì có tới 53 vụ ly dị.10

Tại các nước thuộc văn minh Ấn Độ, tôn giáo vốn rất cao, nên còn sống tương đối khá mạnh.

Ở chính Ấn Độ, ngay mấy chục năm trước đây, theo nhận định của Lanza del Vasto trong tập phiêu lưu ký “Le pélerinage aux sources”, đám thanh niên thị thành, với đầu óc vọng Tây, đã bắt đầu khinh rẻ quá khứ và thờ ơ với tôn giáo. Nhưng dù cho đến nay, du khách vẫn không thấy Ấn Độ biến đổi là bao. Các khu thương mại, kỹ nghệ và hành chánh quả đúng là Tây rồi. Nhưng chiều đến, trở về nhà trong những khu dân cư đông đúc, nhà cửa chen chúc quanh mấy ngôi đền cũ kỹ, dù thư ký hay giám đốc, bác sĩ hay kỹ sư, ai nấy đều cởi bỏ Âu phục trở về lối ăn mặc truyền thống, cởi giầy để ngồi đất tất cả. Các đền thờ thì vẫn đông nghẹt những người. trên sông Ganga tại Varanasi (Bénarès) vẫn đều đều có hành hương và thiêu xác. Bên các ngôi đền vắng ở Mathura không thiếu những tu sĩ cởi truồng, và trong nơi hoang dã còn ẩn cư những sadhu tu tĩnh.

Nhưng nếu hình thức tôn giáo và cơ bản xã hội đã bảo trì được nếp sống và văn hóa, thì những chiếc vỏ cứng như sắc chủng (varua, castes) cũng cản trở tiến hóa, khiến cho văn minh ngày càng tách xa tôn giáo và giới trẻ dần mất ý thức thần thiêng.

Ngày nay, rất nhiều giáo phái tân thời đã mọc lên, mạnh nhất là Ramakrishna Mission, để tìm một đường tu mới và một hình thức Đạo nhập thế. Nhưng đó chỉ là “muối bỏ bể” trước một dân tộc mấy trăm triệu người còn chìm đắm trong giấc điệp của Visnu và điệu nhảy vòng tròn của Siva.

Ấn Độ đã xuất cảng tôn giáo, và đó là Phật giáo. Ta hãy lấy làm tiêu chứng một trong bốn quốc gia toàn Phật là Thái Lan. Với dân số 35 triệu năm 1969, Thái Lan đếm được 93.6% Phật hữu, 25.292 chùa Theravada và 300.000 người đi tu.

Trước kia, các chùa chiền cũng là trường học và đình làng. Các sư sãi vừa dạy học vừa cố vấn và tham gia các công cuộc phát triển thôn ấp. Ngày nay, người đời lắm người học thức, trong khi phương pháp huấn luyện tỳ khưu từ ngàn xưa không thay đổi, nên các sư trở thành lạc hậu, dốt nát và mất dần ảnh hưởng. Riêng ở Vọng Các, 70% người đi tu là người miền Bắc quê mùa và nghèo túng tới nương thân cửa chùa, nên do dốt nát mà nhà sư càng bị rẻ rúng hơn.

Năm 1969, Hội bác học Siam society cộng tác với Phật hội Thái Lan, đã tổ chức một khóa hội thảo về Phật giáo. Đây là dịp để người ta nhận ra rằng Phật giáo đã không theo kịp đà tiến của thời đại, và tu sĩ cần phải được đào tạo bằng phương pháp mới.

Trở lực lớn lao nhất cho việc cải cách là tính cách tự trị của mỗi chùa, khiến không ai đủ quyền thực hiện một công cuộc gì chung cho tất cả. Ngay trước đó, hai đại học đã được thành lập để đào tạo các sư, nhưng phải chờ đến năm 1969, Sangha Thái mới cho chúng được chính thức mang nhãn hiệu Đại học Phật giáo và hiện nay trong Sangha, vẫn còn khá nhiều người chống đối việc cho các sư trau dồi cái học thế tục.11

Văn minh Ấn Độ là văn minh tôn giáo, và thần thánh chi phối toàn bộ sinh hoạt xã hội cũng như cá nhân. Chỗ mà Ấn Độ dành cho thần thánh, thì Trung Hoa lại dành cho con người. Con người là đối tượng tìm kiếm của hiền triết, và đây là con người lý tưởng: NHÂN, tột đỉnh của sự phát triển thiện lý tiềm tàng nơi mỗi người. Trung Hoa là một văn minh nhân bản và luân lý, chứ không phải tôn giáo. Dân ngu tuy vẫn nhiều mê tín, thờ ma xó và đốt vàng xuống âm ty cho ông bà xài chơi, nhưng nho sĩ thì lại khinh thị những trò tin tưởng như thế. Phong trào “hợp lý hóa” (Rationalisation) chỉ mới đến với Tây phương từ vài thế kỷ nay, nhưng sự Hợp lý vẫn có từ xa xưa nơi các dân tộc thuộc văn minh Chú khách. Nhất là khi người Trung Hoa lại bản chất thực tiễn, rất khéo léo trong các công việc trần tục. Cũng vì thế nên Trung Hoa không có huyền nghiệm sĩ (mystique) và về tôn giáo thì phải nhập cảng, chứ không sản xuất nổi.

Tôn giáo đóng thuế nhập nội đầu tiên là Phật giáo. Tuy đặt chân hầu như đồng thời cả bên các quốc gia Đông Nam Á lẫn bên Trung Hoa, nhưng tại đây Phật giáo chỉ thịnh đạt dưới các triều đại ngoại nhập, và do kém ý thức thần thiêng, người Tàu đã biến chế nó thành một thứ huyền nghiệm ít mùi vị tôn giáo huyền nghiệm của Thiền Tông.

(...)
Bên Đài Loan, nước mới của Trung Hoa quốc gia, kinh tế gần đây đã phát triển rất mạnh, và với đà phát triển kinh tế, tôn giáo và luân lý cũng xuống dốc theo. Chính phủ Đài Loan gắng bảo trì truyền thống đạo đức Nho giáo, và đây là tường luỹ khả dĩ chống lại phần nào sự đầu độc của văn minh vật chất từ xa mang tới. Tại các trường học, giáo sư còn nặng đầu óc chống giáo sĩ và tôn giáo của Tây phương hồi đầu thế kỷ, lại theo chủ nghĩa duy vật và duy khoa học của một thế giới không còn thần thánh và mầu nhiệm nữa.13

Cao Ly cũng là một nước thuộc văn minh Trung Hoa. Dưới các triều họ Koryo (918-1392) Phật giáo có một thế đứng vững mạnh. Nhưng từ khi Nhà Yi (1392-1610) lên thay, thì Phật giáo bị gạt ra ngoài và Tân Nho giáo cùng với tục thờ cúng tổ tiên được nhà nước đưa vô và bảo trợ.

Ngày nay, Đại Hàn là một trong những quốc gia phát triển nhất Đông Á. Theo với phát triển kinh tế, lẽ dĩ nhiên trào lưu “hợp lý hóa” và vật chất hóa cũng mạnh mẽ xâm nhập.

Nếu nói tới phát triển, nước đầu tiên phải kể đến bên Á châu là Nhật Bổn. Một đằng thì người Nhật có một bản ngã vững vàng, mặt khác sự tiến bộ kinh tế, khoa học và kỹ nghệ lại quá nhanh, nên xã hội Nhật tuy duy vật hóa, mà vẫn duy vật một cách khác với mỗi nước.

Lẽ tất nhiên, trong một cuộc sống quá động và giữa “chợ trời” của đô thị, khó tìm đâu ra chỗ đứng cho một thứ tôn giáo suy chiêm và cầu nguyện. Tuy nhiên, tôn giáo thì vẫn còn đấy, dù bộ mặt tôn giáo hoàn toàn biến đổi. Nói một cách chung, người Nhật ngày nay sinh ra trong Shintô, chết trong Phật giáo, và càng này càng có phong trào kết hôn trong một nhà thờ Kitô giáo.

Gần đây, rất nhiều tân tôn giáo mọc lên và họ hoàn toàn “vào đời”, nhất là bằng cửa ngõ chính trị. Cầu nguyện, họ cầu một cách rầm rộ. Nghi thức của họ là nhữgn tiếng hô, tòa giảng trở thành diễn đàn chính trị. Các tân tôn giáo như thế thành công rất nhiều, nhất là phái Soka Gakkai có tới 10 triệu tín đồ theo ước lượng của chính họ.

Đây hãy còn là tôn giáo, nhưng đây hết còn Siêu việt, Siêu thế hay Hậu thế gì ráo trọi, mà chỉ có Lời Hứa về một thứ Thiên đường hạ thấp vừa bằng mặt đất.

Sau thế chiến thứ hai, Phật giáo Nhật ngày càng cảm thấy thúc bách sứ mạng xã hội đồng thời ý thức vai trò quan trọng của tín đồ. Những người này nghĩ rằng đạo phải thấm nhiễm và chỉ hướng cho đời sống thường nhật của mình. Còn các sư thì phần đông đã để tóc, vận dân phục lúc ra ngoài. Rất nhiều đã lập gia đình và thuyết pháp chỉ còn tối thiểu.

Soka Gakkai, một hình thức đổi mới của tông phái Phật giáo Nichiren14, quan niệm theo Nichiren rằng, trong thời đại hậu chót, Nhật Bản sẽ là Kaidan, hay Thọ pháp đài15 của thế giới, và khi ấy, “Đường vua” (odo) sẽ trùng với “Đường Phật” (Butsudo). Theo giải thích của Soka Gakkai, đó là khi chính trị trở thành một với đạo16, nghĩa là không còn phân biệt đạo đời.17

Bên Việt Nam, hiện tượng nhập thế ấy không phải là không có. Từ 1925 đến nay, mọc lên không thiếu những tôn giáo chính trị. Đó là Cao Đài và Hòa Hảo, và họ đã thành công một thời trong lãnh vực chính trị và cách mạng. Đồng thời, hai đạo ấy bành trướng rất mau, nhất là ở các vùng thôn quê còn vắng bóng những tôn giáo lớn.

Riêng Phật giáo, từ thời chính quyền bảo hộ Pháp sụp đổ đến giờ, đã tổ chức lại, bắt đầu từ Bắc, Trung, rồi vô tới Nam cùng với các làn sóng di cư. Năm 1963, họ đã biểu dương lực lượng khi tranh đấu chống chính quyền. Từ đấy, Giáo hội Phật giáo thống nhất, dù một mà đã thành hai, không thôi đưa đạo vào sinh hoạt xã hội cũng như giáo dục. Nhờ đó, rất nhiều trường học và cô nhi viện Phật giáo đã mọc lên, cùng với các đoàn thể thanh niên hướng đạo và chính đảng. Các thiền sư, thâm nho thời Lý, lạc hậu thời Pháp, nay đã ra học ở các trường Trung, Đại học, hoạt động trong ngành Tuyên uý quân đội và trong nhiều lãnh vực khác.

Nhưng rồi chiến tranh bùng lớn đã gây nhiều xáo trộn, và người Mỹ đưa tiền bạc và tiện nghi sang đã khiến lòng người – dù đây là lòng ông cha hay thầy chùa – cũng xích gần vật chất hơn là hướng về thiêng liêng. Ý thức luân lý và tôn giáo đã xuống rất thấp nơi các người lớn, dù mê tín vẫn còn nhiều. Giới trẻ thì một số tham gia các hoạt động tôn giáo, xã hội và được huấn luyện hơn xưa, nên sinh khí tôn giáo dồi dào lên và không còn thụ động nữa, nhưng phần lớn lại sút kém về đạo đức và dửng dưng với những gì không thuộc thế trần này.

Một bằng chứng về sa sút tôn giáo có thể tìm thấy khá rõ nơi các vùng Thượng. Ngày nay ở đấy, ít khi người ta còn giết trâu để tế. Thay vì trâu, người ta dùng gà, đỡ tốn hơn. Dân Chàm ở Phan rang còn giữ những kho tàng “rất linh” của vua chúa họ. Tại các vùng khó đến, người Chàm cẩn thận thỉnh ý quỷ thần trước khi di những kho tàng ấy đến các công trình xây cất bê tông do một uỷ ban bảo trì di tích lịch sử làm cho. Nhưng tại các vùng có đường giao thông dễ dàng, thì họ không mấy quan tâm khi làm việc đó. Năm 105, họ còn giết trâu tế trước khi mở nắp kho tàng. Năm 1930, họ lấy gà thế trâu. Và năm 1957, họ chỉ niệm mấy câu chú là đủ.

Xem như thế, Tây phương đã quá tục hóa, và phong trào “hồi tục” từ Tây phương đương lan rộng khắp hoàn cầu.

Trước hết, phong trào ấy cũng là phong trào “hợp lý hóa” (rationalisation) đời sống, tác địa hạt trần thế ra khỏi phạm vi thần thiêng, trả những gì của César lại cho César. Tục hóa như thế là điều tối cần thiết để giải thoát con người khỏi những kìm kẹp vô lý do ngộ nhận. Đây là ngộ nhận rằng nguyên do của bệnh tật và thời tiết là ở quỷ thần, chứ không phải tuỳ thuộc vào các định luật thiên nhiên. Đây cũng là lẫn lộn hai địa hạt văn hóa và tôn giáo…

Bỏ những sai lầm ấy là thoát ra khỏi tối tăm và thanh lọc tôn giáo cho tinh tuyền hơn, thanh cao và sáng sủa hơn. Có như vậy, tôn giáo mới phụng sự con người thay vì kiềm chế nó: “Ngày sabbat được làm nên vì con người, chứ không phải con người vì ngày sabbat”, Chúa Giêsu nói thế. Có như vậy, trước mắt người học thức, tôn giáo mới khỏi bị coi là “đạo của đàn bà, con nít và những người mán mọi”.

Hồi tục cũng là đưa tôn giáo ra khỏi cung thánh bưng bít của người Do Thái và garbha-grha cách biệt của người Ấn Độ, sự phân ly thiêng với tục như thế sẽ khiến cho đường phố, nhà máy và bàn giấy trở nên độc lập đối với Trời Phật. Hồi tục là đưa Trời Phật vào hết mọi lãnh vực đời sống, khiến cho đâu đâu con người cũng tìm ra sự hiện diện thân mật của thần thánh, một hiện diện tối ư cần thiết để thúc đẩy và hướng dẫn con người làm lành lánh ác trong tất cả: “Anh em sờ sờ ra đấy hắn còn không yêu nổi, thì Chúa vô hình hắn yêu làm sao được” (1.Gioan IV.20). Yêu Chúa, theo Phật, không phải chỉ trong đền chùa, mà còn là phục vụ loài người trong các công cuộc phát triển kinh tế và xã hội, trong các trường học và viện cô nhi, trên diễn đành chính trị cũng như ở giữa chợ búa và gia đình.

Nhưng ở đời này, dao nào mà chả có lưỡi. Đưa Chúa ra khỏi nhà thờ có khi rồi đánh mất Chúa luôn, và hợp lý hóa đời sống có thể huỷ diệt ý thức thần thiêng, và đó là thực trạng rõ rệt hơn cả của thế giới ngày nay. Thế giới đang trở thành duy vật, thay vì thờ Chúa, người ta mang cái bụng đặt ngồi chễm chệ trên ngai của tâm hồn.

Một khi thu hẹp lại và khép kín nơi mình, vũ trụ sẽ thành chiếc nhà ngục khó thở, và con người hết ham sống trong đó. Và đấy là thực trạng của các nước giàu có bây giờ. Sống đã là cái bụng, thì con người sẽ ngoi ngóp giữa bùn lầy truỵ lạc, không thể ngóc đầu lên và vượt mình để thành Nhân thành Thánh. Sống đã là trục lợi, thì đời sẽ hết tình thương và con người sẽ thành “chó sói lẫn cho nhau” (homo homini lupus).

Làm thế nào để cứu Chúa và Phật bây giờ! Hay, nói cho đúng hơn làm thế nào để cứu vớt con người, vì nó không sống hạnh phúc và sống cho ra người mà không có Trời Phật!

Biết bao nhiêu thanh niên thiếu nữ Tây phương, chán cảnh sống đầy đủ và bảo đảm, đã quay sang các Guru Ấn Độ, mong chờ ở họ một cái gì khác thế. Dù họ có tìm thấy gì hay không, thì đó cũng là tìm và một thúc bách để tìm, chứng tỏ con người không thỏa mãn hoàn toàn bằng trần thế.

Đông phương có thể làm gì cho thế giới, khi mà thức giả Tây phương nghĩ rằng Ánh Sáng (cứu độ) mọc lên từ phương Đông (lux en Oriente): Nhưng Đông phương có thể làm gì khi mà chính mình cũng đang ngoi ngóp, dù chưa nguy đến độ khám phá thấy mình lâm nguy, để từ đó ra đi tìm ánh sáng cứu độ, giới trẻ và thức giả Tây phương hiện đang làm?

Thực ra, Đông phương có ánh sáng thật, nhưng Đông phương đã bỏ quên ánh sáng của mình khi bị đánh lừa bởi Maya của Tân văn minh. Ánh sáng ấy là gì và ở đâu? Làm cách nào để tìm lại nó đây?



ÁNH SÁNG CỨU ĐỘ LÀ Ở MỘT PHƯƠNG ĐÔNG TỔNG HỢP VÀ ĐỔI MỚI

Sự cứu độ nếu có phải đến từ Phương Đông. Đó không phải vì phương Đông chưa phát triển mấy, nên cũng chưa duy vật đủ; mà vì phương Đông tuy đã đánh mất mình rồi, vẫn còn le lói bên trong một ánh sáng, tôi có ý nói đến cái văn minh tinh thần nó là sản nghiệp của ngàn vạn thế hệ góp gom.

TRUNG HOA

Về phía Trung Hoa, văn minh tinh thần nói trên là luân lý Khổng Mạnh, một nền luân lý tuy thiêng liêng, nhưng cũng rất nhân bản. Nó lấy tinh thần nhiệm vụ làm nền móng, lấy nghĩa khí làm linh hồn, và lấy chữ Nhân làm lý tưởng chiêm soi. Nhân, đó là con người toàn bích tinh thần, gồm thu nơi mình mọi đức tính ở chỗ hoàn hảo của chúng, khi mà những đức tính ấy đã trở thành tự nhiên, thành một với tâm tình và đời sống của con người.

Ngày nay, những yếu tố tuỳ phụ của “con người mẫu” ấy phải thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh mới, nhưng trong căn bản, thì Con người tinh thần kia quả là đẹp cho hết mọi thời và mọi nơi.

Văn minh Trung Hoa, đó cũng là văn minh được xây dựng trên lẽ phải và lý trí. Một nho gia đúng nghĩa, tuy tôn kính thần, nhưng “kính nhi viễn chi”, chỉ lấy việc người ở nhân gian làm làm trọng, chứ không màng đến những chuyện rắc rối ở trên Trời. Cũng vì thế, nho gia không dễ sùng đạo, lại càng xa mê tín.18

Thêm vào đấy, tinh thần Lão Trang là một tinh thần phá chấp, không vụ vào hình thức cứng nhắc bên ngoài, mà chỉ cốt sống tự nhiên sao cho hợp với cái Đạo nằm sẵn trong con người “nhân chi sơ tính bổn thiện”. Tinh thần Khổng Mạnh tổng hợp với tinh thần vừa nói sẽ khiến người ta biết quan tâm đến xã hội, biết hợp lý hóa đời sống và tránh sự gò bó của hình thức. Những yếu tố ấy cần thiết để tôn giáo được thanh lọc cho đến hạt sạn cuối cùng, nhờ đó trở nên tinh tấn, thiêng liêng, vừa không cản trở tiến bộ và phát triển thế trần, vừa giữ cho con người khỏi bị vật chất quyến dũ và sa lầy trong vũng bùn nhơ.

ẤN ĐỘ

Nhưng dù sao, Trung Hoa quá thực tế vẫn không thể bay cao lắm. Ở điểm này, chúng ta cần đến Ấn Độ.

Khắp thế giới đều công nhận Ấn Độ là một dân tộc có ý thức tôn giáo sâu xa nhất. Chả thế mà nó đã sản xuất nổi những đại tôn giáo, thứ thì để xài ở nhà, cho một Ấn Độ rộng và đông gần bằng Âu châu, thứ thì dành xuất cảng, và đó là Phật giáo bành trướng khắp Đông Á. Ngoài ra, còn những phong trào Huyền học (như Thông thiên học) phát sinh từ Ấn, những tân giáo (như Ramakrishna Mission) có mặt cả bên Tây phương, những lớp Yoga, những phong trào tĩnh tâm bằng phương pháp Ấn, v.v…

Thế giới đương sa lầy trong vật chất. Sa lầy trong vật chất, nó cảm thấy ngột ngạt và chán chường. Biết bao tâm hồn đang hướng về đất Ấn để tìm một ánh sáng giải thoát. Chính Hoa Kỳ, nước văn minh hơn cả bằng thứ văn minh của ngày nay, lại giàu có, tự do cũng nhất, chính nước ấy lại có nhiều người say mê Ấn Độ hơn các nước khác và phần đông những người này thuộc các gia đình khá giả.

Tuy nhiên rất đông người đến tìm hiểu Ấn đã ra về thất vọng. Vì sao thế? Số là Ấn giáo không phải một mặt, mà muôn mặt. Ngoài Ấn giáo của huyền nghiệm, còn có cả trăm thứ Ấn giáo bình dân thấp kém và pha đầy những mê tín, lạm dụng. Có điều dù mê tín, cũng phải có ý thức tôn giáo đã, rồi mới mê tín được. Mà nói về ý thức tôn giáo, thì không thể chê Ấn vào đâu cả.

Tôn giáo bình dân thì nhìn đâu cũng thấy, còn tôn giáo cao siêu lại là của ẩn sĩ nên khuất ẩn đối với những cặp mắt phàm phu, nhất là mắt du khách. Quả thế, ẩn sĩ vừa hiếm, lại vừa sống ở rừng núi và các khu hoang vu, thì mấy ai đến được.

Tuy hai bộ mặt tôn giáo huyền nhiệm và bình dân đối lập nhau, nhưng trong thực tế, chúng không hề sát phạt nhau. Đó là vì người Ấn chấp nhận cả hai, và chấp nhận tương đối: đạo tầm thường vô minh cho người tầm thường tăm tối, và đạo lý tưởng chân thực cho những ai sống thoát tục.

Tuy coi đạo này là lý tưởng, người dân thường vẫn không tham, mà bằng lòng với hạ đạo khi thấy mình còn hạ trọc, chưa thể với cao hơn. Và tuy sống hạ đạo, họ không có ý dừng mãi ở đó, nghĩ rằng sau đây, ở kiếp này hay những kiếp sau, thế nào cũng có ngày thành công quả, và đủ lông cánh, họ sẽ tung mình bay cao được. Đó là cái khôn ngoan của Đông phương, biết người biết mình, biết cao biết thấp, và đó là Biết vậy! Cũng vì biết như thế, nên không có ghen tị vô ích và tranh giành giữa hai thứ đạo.

Sẵn hai thứ đạo của sáng và tối rồi, nên khi văn minh đến, người dân Ấn cũng sẵn nhiều công thức, để thay thế không còn thích hợp nữa.

Có điều ánh sáng văn minh chưa phải ánh sáng của Huệ trí, mà chỉ mới là của Lý trí. Lý trí này cũng chưa định hướng về cái Thiện, mà chỉ mới là lý trí để biết khách vật và biến chế, điều khiển nó. Lý trí này vừa thức tỉnh con người hạ đạo, khiến nó từ bỏ thứ đạo bán khai đang sống, vừa cản trở người thức tỉnh ấy để họ từ bỏ tham vật mà quay sang Thượng đạo. Phải, Thượng đạo là thiêng liêng, còn văn minh ngày nay lại là thứ văn minh duy vật và nó từ chối mầu nhiệm.

Huyền nhiệm Ấn là cái đỉnh cao để soi sáng cho người đời và thu hút họ về phía thiêng liêng. Và hiện tượng này đương diễn ra ở một vài nơi trên thế giới. Giáo lý của Ramakrishna, Vevekananda, Krishnamurti, v.v… đương là “sứ điệp” cho nhiều giới, và rất nhiều sách đã được viết để loan “Tin Mừng” này. Những sách đó, tại Tây phương thường bán khá chạy, chứng tỏ lòng khao khát thiêng liêng của con người duy vật ngày nay. Giáo lý nói trên hướng con người về huyền nghiệm. Đoạn đường này, đã có xe đi bằng các phương pháp riêng của Ấn. Bên Tây phương, nhiều cuộc tĩnh tâm bằng Yoga được khá đông thanh niên thiếu nữ tham dự. Hai trung tâm Thiền của linh mục Lassalle bên Nhật luôn luôn có sinh viên và cả thương gia đến sống một đôi tuần. Còn tại Việt Nam chúng ta, số người tu tịnh trong nhà, vườn và ở sơn cốc vẫn không phải là hiếm.

Cũng ngày nay, nhiều đạo gia Ấn đương gắng thôi phân ly huyền nghiệm và triết lý với đời sống và xã hội. Họ muốn tìm một hướng đi cho thế giới. Họ đã thành công một phần, nhưng khó khăn còn quá nhiều, nhấtlà khi trong nền tảng, Ấn Độ vẫn thiếu một triết lý Nhập thế kiểu Kitô giáo, hầu có thể xây dựng một lý thuyết Nhập thế vững chắc.

Kitô giáo có một lý thuyết Nhập thế, nhưng thứ triết lý Platon và Aristote làm nền cho nó lại duy lý, nhị nguyên và khinh rẻ vật chất, nên cản trở Nhập thế nhiều hơn là thúc đẩy nó. Ngoài ra, Kitô giáo còn thiếu một phương pháp tu luyện hoàn hảo, để có thể dễ dàng nhập thế với một tâm hồn vượt thế. Phương pháp này và triết lý ấy, Ấn Độ có thể cung cấp cho Kitô giáo, và sự tương trợ giữa hai bên sẽ là ánh sáng cứu độ cho thế giới ngày nay. Một trong những tổng hợp như thế, chúng ta có thể tìm thấy nơi con người Đại đức (Mahàtma) Gandhi. Trong suốt đời, Gandhi dã say mê BÀI GIẢNG TRÊN NÚI của Chúa Giêsu, một giáo lý cách mạng hết sức thích hợp với tâm hồn Ấn của ông. Bằng tâm hồn Ấn và các phạm trù triết lý Ấn, ông đã chiêm tư giáo lý ấy; và bằng phương pháp Ấn, ông đã tu luyện nên con người kiểu mẫu sống theo “Tám mối phúc thật”19. Đồng thời, ông đã nhập thế để tranh đầu cho lý tưởng nhân đạo hàm chứa trong đó, tranh đầu bằng phương pháp Bất bạo động cũng là của học thuyết nói trên:

- Tha cho anh em mình không phải bảy, mà bảy mươi lần bảy!

- Hãy làm ơn cho kẻ ghét mình, cầu nguyện cho kẻ bắt bớ, vu oan cho mình!

Con đường Bát phúc và Bất bạo động nói trên, Gandhi đã đi đến cùng và đã soi ngược lại cho các thế hệ sau ông, ngay ở chính các nước Kitô giáo Tây phương. Suy tư về con đường của Gandhi, tín đồ Chúa Giêsu bỗng phát hiện thấy rằng chính con đường ấy mới là tột đỉnh con đường Phúc Âm Kitô giáo.

Bằng tâm hồn mềm mại xứ Ấn và nhào luyện trong tôn giáo Ấn, Gandhi đã thấu triệt lý tưởng Kitô giáo và chiêm ngưỡng lý tưởng ấy ông đã biết sống ở đạo giữa đời. Tuy hành động giữa đời như một Kitô hữu hăng say, nhưng nhờ ở lý tưởng diệt tham sân si của Ấn, Phật giáo, Gandhi đã yêu đời mà không nhiễm độc của đời, tiến lên giữa bạc tiền danh vọng và thủ đoạn của đời, mà lòng vẫn trong trắng, tâm hồn vẫn ngay thẳng, và lý tưởng vẫn sáng cao. Có thể nói rằng ông đã hòa hợp được Trời Đất, Đời với Đạo, và Thiêng với Tục một cách hoàn hảo nhất.

Ngày nay, thường đức bác ái không cho phép con người trốn nợ đời như Lão tử và Trang tử, như thánh Antoine và thánh Phaolô xưa. Sự khám phá ra Đời khiến người ta biết nhìn nhận giá trị của ăn no mặc đẹp, của truyền thông để cảm thông, của học hỏi và giải trí, của con người và thiên nhiên, của lịch sử và xã hội. Vì thế, vào đời để tạo đời là một hành động rất người và rất thánh. Cho nên, nhân và thánh ngày nay thường không phải là kẻ rút lui ra khỏi lịch sử và xã hội nữa, nhưng là người làm lịch sử và đổi mới xã hội trong nhà máy, phòng nghiệm, cũng như ở nghị viện và trong gia đình.

Vấn đề chỉ là hành động như mọi người, nhưng với tâm hồn và phong độ khác người của thánh nhân. Đạo phải vào đời để cải đời thành đạo, chứ không phải để tan mất giữa đời. Chúng ta có thể làm như thế với ơn Trời và phương pháp tu tâm của Ấn. Chúng ta có thể giữ như thế với lý tưởng nhập thế Kitô giáo và truyền thống diệt dục của Ấn, Phật giáo. Mà có giữ như thế, con người mới bình an và hạnh phúc, mới thể hiện được lý tưởng vượt thế, tức Bất tử, mà lòng họ hằng mơ ước và căng thẳng về.

Chú thích

(1) Xem thêm Yves Congar, Two factors in the sacralisation of western society during the Middle ages, Coacilium 9/1969.

(2) Xem Hans Bornewasser, State and politics from the Renaissance to the French Revolution, Conciltum, 9-1969.

(3) Xem E.Dussel, From secularisation to secularism… Concilium 9-1969.

(4) Tín ngưỡng trở thành việc riêng các nhân, không còn là mối quan tâm của xã hội.

(5) The spiritual crisis at the heart of the “Consumer society”, Concilium 11-1969.

(6) idbidem, Concilium 11-1969.

(7) Xem Census of the Philippines 1960, “population an Housing”, vol II. Summary Report, table 19.

(8) Xem thêm San Juan SJ, Secularisation in the Philippines , ronéo ấn hành do Asia Conference of the Secretariate for non-believers (ACSNB), và The Philippines: The Church in an unfinished society, Pro mundi vita, N.30

(9) Cố nhiên nếu hồi ấy Công sản thắng, ắt họ cũng làm như vậy, như trước đây ở Trung Hoa và Nga Sô. Nhưng làm như thế, dù ai làm cũng là điều đại á.

(10) Xem J.W.H.Bakker, The appearance of atheism in Indonesia (ACSNB).

(11) Paul O’Brien, Buddhist revival in Thailand? (Asia Report 15-8-1970).

(12) Chính phủ Trung Hoa đỏ thành lập Công giáo cứu quốc năm 1957.

(13) Các báo cáo của John Leieuvre, The process of secularisation in Taiwan – Guilbert Guérin, Religions in Taiwan: present situation and tendencies.

(14) Một cựu tông phái Phật giáo, quốc gia chủ nghĩa như Phật giáo Nhật nói chung, và còn hơn thế, bởi nghĩ rằng mình là “giường cột, cặp mắt và con thuyền của nước Nhật”.

(15) Kaidan, là lễ thọ pháp hay thọ giới để thành sư.

(16) Soka Gakkai bắt đầu thành công lớn trong các cuộc tuyển cử 1955, 1956; và năm 1964, chủ tịch Ikeda tuyên bố quyết định thành lập đảng Komeito.

(17) Xem H.Dumoulin, Secularisation in Japanese buddhism, ACSNB; Francis F. Uyttendaele, The impact of Secularisation on Non-christian religions in Japan ACSNB.

(18) Đạo của nho gia rất hợp lý, cốt lấy tinh thần làm trọng, như Đức Khổng nói: “Kinh và Chú vốn từ bi, nhưng không cứu độ được người làm xằng”.

(19) “Les huit béatitudes”, một tên gọi khác của Bài giảng trên núi (Sermoa sur la montange).

Lm. Hoàng Sỹ Quý, SJ

0 nhận xét: