Thứ Hai, 8 tháng 8, 2011

Ba Đợt Văn Minh



Có người cho rằng các cụ xưa thêu thùa khi móc nối tổ tiên Việt vào họ Thần Nông! Đó không phải là thêu thùa mà tất nhiên phải như thế, bởi vì Bách Việt với Tam Miêu là hai ngành lớn của Viêm tộc cũng có thể nói Viêm tộc là tên đầu tiên của Bách Việt thuộc dòng dõi Thần Nông. Chữ Thần Nông đây không nên hiểu là một nhân vật nhưng là một đợt văn minh đã đi vào nghề nông. Thần Nông lấy hiệu là Viêm Đế (chữ hán). Chữ Viêm kép bởi hai chữ hỏa nên Thần Nông cũng là Thần Lửa, vì có thể do hai lý do sau: một là để duy trì kỷ niệm phát minh ra lửa (Toại Nhơn), hai nữa là dùng lửa đốt rẫy phá hoang để cấy lúa. Vì một hoặc cả hai lý do đó mà từ hậu nông nghiệp và lửa gắn liền với Viêm tộc trong rất nhiều danh hiệu như Xích Quỷ (quẻ li), Thái Hạo, Đế Minh, Nhật Nam v.v… Vì thế con cháu Thần Nông hay những người làm nghề nông đầu tiên gọi là Viêm tộc. Và khi sử viết rằng cháu ba đời vua Thần Nông là Đế Minh thì chỉ có ý nói tới mối liên hệ nông nghiệp đó. Có lẽ người xưa đã muốn ghi mối liên hệ này vào dạng tự, vì chữ Việt (chữ hán) ban đầu viết với bộ Mễ là gạo, còn chữ Miêu viết với bộ thảo và chữ điền nói lên rõ tính chất nông nghiệp, nên trong Kinh Thư gọi họ là “Hữu Miêu” (hán) nghĩa là dân có ruộng. Vì mối liên hệ văn minh nông nghiệp này nên việc gì xảy tới cho Thần Nông cho Hữu Miêu thì cũng âm vang sang Bách Việt. Bởi cả hai đều là con cháu Thần Nông cùng là Viêm tộc tức cùng chung một nền văn hóa nông nghiệp và sự kiện lịch sử lớn lao hơn hết trong nền văn hóa này là việc chống lại nền văn minh du mục của Hoa tộc tuy đến sau nhưng lại mạnh hơn. Nhưng mạnh hơn về võ lục mà lại yếu hơn về tinh thần nên cuối cùng mỗi bên đóng góp một khía cạnh để tạo ra nên Nho giáo nguyên thuỷ. Vậy hỏi Viêm tộc đã đóng góp được những gì trong quãng thời gian không thể hạn định mà người sau quen chỉ thị bằng tam hoàng:

Phục Hy: hiệu Thái Hạo

Thần Nông: hiệu Viêm Đế

Nữ Oa: mẫu nghi thiên hạ của Viễn Đông (hoặc đặt Toại Nhơn vào thì rút Nữ Oa ra làm vợ Phục Hy. Nữ Oa chỉ có ý nói lên tính chất Mẹ của giai đoạn này).

Trước hết có Toại Nhơn chỉ giai đoạn phát minh ra lửa (thiên hoàng) trong thời du mục của Viêm tộc. Rồi tới Phục Hy chỉ giai đoạn bước từ săn hái đi vào du mục và có thể là canh mục thuộc nhân hoàng, sau đến Thần Nông là giai đoạn bước hẳn vào nông nghiệp, địa hoàng. Còn Nữ Oa nói lên tính chất thị tộc “âm thịnh” của giai đoạn này. Những sự việc đó xảy ra vào quãng thời đại nào hiện nay các nhà khoa học đang cố thiết lập một hệ thống niên kỷ mới thay cho niên kỷ cũ bị coi là có nhiều sai lầm. Niên kỷ mới thường có khuynh hướng rút vắn thời gian lại: thí dụ Phục Hy theo niên kỷ cũ là 4482 còn nay các học giả hạ xuống năm 2852; chúng ta có thể nhận định mấy điểm như sau:

Hệ thống niên kỷ mới xác định cách khoa học thì thực ra chưa có, nên những niên kỷ đưa ra mới là giả thuyết làm việc dựa vào những niên kỷ vững chắc các thời sau mà tính ngược lên, nhưng ngược lên đến đâu thì khó mà quy định. Vì thế ta cần tuỳ nghi phán đoán và có thể nói như Granet rằng: “niên kỷ” cũ vẫn có thể dùng như dữ kiện của huyền sử, có sai chạy mấy thế kỷ cũng hại đến nền văn hóa. Vì văn hóa bao gồm cả thời kỳ khuyết sử, nhất là khuyết sử khi phải tìm lại bản gốc. Bởi vậy về phương diện huyền sử thì niên kỷ cũ có ý nghĩa hơn. Vì đây không là nhân vật lịch sử mà là những giai đoạn tiến hóa như ba chữ: thiên địa nhân đi với Tam Hoàng nói rõ điều đó. Nhịp tiến của người thái cổ rấtlâu và chậm so với nhịp tiến thời nay. Nó chỉ thị những giai đoạn từ cổ thạch sang tân thạch, từ săn hái sang du mục (Phục Hy) để rồi tiến tới nông nghiệp (Thần Nông) đoạn tiến sang đồ đồng (Si Vưu, Hoàng Đế). Bởi đó giai đoạn trước Hoàng Đế tất phải kéo dài hàng bao ngàn năm, rút lại vắn quá chắc không hợp, vì cổ thạch kéo dài tới 500.000 năm, còn tân thạch cũng đã xuất hiện có cả từng chục ngàn năm. Homo sapiens gọi là Cro-magnon xuất hiện trước đây trên ba chục ngàn năm. Homo sinanthropes lối 500.000 năm. Vì thế trong việc đi tìm nguồn nên ghi cả hai hệ thống niên kỷ cả lưu truyền cũng như “khoa học”.

Theo lưu truyền thì Phục Hy xuất hiện vào lối năm 4480-4369, Thần Nông từ 3320 đến 3080. Huyền sử nước ta cũng đặt họ Hồng Bàng vào giai đoạn đầu này tức là năm 2879, so với Hoàng Đế năm 2697 thì kể là có trước 182 năm, tức ba con giáp (3*60=180). Nội con số đó khiến chúng ta không được hiểu cách xác thiết kiểu lịch sử, nhưng phải hiểu theo lối huyền sử, kiểu 18 đời Hùng Vương. Bởi chưng con số 3 là con số tròn tiên thiên. Có lẽ vì đó mà nói Đế Minh là cháu ba đời vua Thần Nông không hiểu con số ba này liên hệ tới đồ gốm tam biên, cũng như tam hoàng, tam tài đến đâu. Dầu sao thì niên kỷ Hồng Bàng 2879 muốn nói lên rằng nước Việt đã được khai quốc trước đời Hoàng Đế, tức trước khi Hoa tộc tràn vào lối ba con giáp, tức là đã hiện diện ngay tự đời Tam Hoàng, và đặt nền móng cho văn hóa, rồi mãi sau Hoa tộc mới lếch thếch kéo tới.

Vậy giai đoạn Tam Hoàng đã đóng góp được những gì? Câu thưa có thể tìm ở một đoạn kinh Dịch mà các học giả quen gọi là bản tóm lịch sử lâu nhất về tiến trình văn hóa của Trung Hoa cổ đại, đó là tiết hai trong hệ từ hạ truyện. Theo bản văn này thì Phục Hy làm được ba việc nền tảng như sau:

- Thứ nhất là đặt ra bát quái, tức móng nền kinh Dịch.

- Thứ đến là phát minh ra phép “kết thằng” để làm chài lưới và cũng là đặt viên đá đầu tiên cho việc thành lập văn tự sau này.

- Thứ ba là phát minh ra cày bừa. “Cổ giả Bào Hy thị chi vương thiên hạ dã:

Ngưỡng tắc quan trong ư thiên.

Phủ tắc pháp ư địa

Quan điểu thú chi văn

Dữ địa chi nghi

Cận thủ chư thân

Viễn thủ chư vật

U thị thuỷ tác bát quái,

Dĩ thông thần minh chi đức.

Dị loại vạn vật chi tình

Tắc, kết thằng nhi vi võng cổ, dĩ điều dĩ ngư,

Cái thủ chư Li.

Bào Hy thị một. Thần Nông thị tác.

Trác mộc vi tị, nhũ mộc vi lỗi.

Lỗi lậu chi lợi dĩ giáo thiên hạ. Cái thủ chư Ích”

“ Cổ thời thị tộc Bào Hy trị thiên hạ: ngẫng lên xem tượng trời, cúi xuống xét hình đất. quan sát từng dáng điệu của thú (đất) và chim (trời) để thích nghi vào mọi miền. Gần thì suy trực tiếp nơi mình; xa thì gián tiếp từ sự vật đặng thông với linh đức của thần minh, hầu có thể phân loại tính tình của vạn vật đặng mà điều lý. Kết nút dây để làm lưới làm giỏ đặng đi săn và đánh cá. Khi Bào Hy thị qua thì đến Thần Nông thị lên thay đẽo gỗ làm lưỡi (cày) uốn gỗ làm cày: dạy cho thiên hạ biết nguồn lợi của sự cày bừa. Tất cả đều lấy hứng từ quẻ Ích”.

Sau Phục Hy và Thần Nông thì Dịch kinh chép về Hoàng Đế và Nghiêu Thuấn rằng: nhờ ở việc chú tâm vào đà tiến hóa biến thông nên không làm cho dân phải chán ghét. Buông xóng áo quần (không xăn lên để đi lao tác) mà thiên hạ trị. Tất cả đều lấy hứng từ hai quẻ Kiền và Khôn.

“Hoàng Đế, Nghiêu, Thuấn thông kỳ biến, sử dân bất quyện: Thuỳ y thường nhi thiên hạ trị, cái thủ chư Kiền Khôn”. Sau đó hệ từ kể ra các phát minh của Hoàng Đế, Nghiêu, Thuấn như sau:



- Thuyền chèo

- Phục trâu, cưỡi ngựa,

- Làm cửa nặng và đánh hiệu canh để phòng trộm đạo (trọng môn kích tích)

- Làm chày và cối (xử cữu)

- Cung tên (hồ thỉ)

- Thay hang hốc bằng nhà (cung thất)

- Lập ra quan quách để chôn táng thay lối chôn lấp bằng que củi ở ngoài đồng.

- Lập ra chữ thay phép kết thằng.

Đó là đại để đoạn văn gọi là văn minh sử. Cần chú ý mấy điểm sau: trước hết là nền tảng văn minh nông nghiệp đã được đặt móng ở thời Tam Hoàng: Thần Nông cày bừa, Phục Hy đặt ra bát quái và phép kết thằng, kết thằng để làm lưới, mà cũng là để làm văn tự, vì thế nên nói tất cả lấy hứng từ quẻ Li. Li là lửa chỉ văn minh. Nói lấy từ quẻ Li cũng là nói đã đặt viên đá đầu tiên cho nền văn minh nông nghiệp, hay là lấy của Viêm tộc. Nước ta chú ý đến quẻ Li là vì họ hàng từ đấy.

Sau Phục Hy thì nói đến Hoàng Đế mà không nhắc tới Nữ Oa. Và đây là một chỗ tế nhị cần lưu ý rất nhiều. Hoàng Đế có hai biểu hiệu là Hữu Hùng (thuộc săn bắn) hai là Hiên Viên (thuộc nơi sinh). Ông vừa là tù trưởng của Hoa tộc đã vào chiếm đóng đất đai của Viêm tộc để mở đầu cho giai đoạn hai là Ngũ Đế, sau là Hoa tộc đã tôn phong Hiên Viên lên bậc Hoàng kiêm luôn chức đế và gọi là Hoàng Đế. Xưa rầy các nhà sử không chú ý mấy tới chữ Hoàng và Đế nhưng nó có sự quan trọng giúp chúng ta chứng kiến một sự gặp gỡ giữa hai nền văn minh: Hoàng thuộc văn minh mẹ (Nữ Oa) của Viêm tộc ưa văn, Đế thuộc văn minh cha của Hoa tộc ưa võ. Và như thế thì ban đầu Hiên Viên chỉ là Đế thuộc Hoa tộc. Đế có nghĩa là chinh phục. Đây là chinh phục văn minh Viêm tộc. Và vì thế khi tự xưng là Hoàng Đế thì Hiên Viên đã muốn mở đầu một nền văn minh tổng hợp cả Hoàng lẫn Đế. Trong nên văn minh mới này quyền bính chuyển từ mẹ sang cha. Một lưu truyền nói bà Nữ Oa lập ra phép hôn phối và chế ra một thứ đàn gọi là sinh (sênh). Ta có thể hiểu là thời ấy đã khởi đâu có ước định sơ sài về hôn phối và âm nhạc… một thứ văn minh đầy ắp tình người rất gần với bản năng và tiềm thức nên gọi là Nữ Oa để chỉ cái gì còn oa trữ oa tàng, chưa minh nhiên như về sau. Từ Nữ Oa sang Thần Nông rồi đến Hoàng Đế là cả một khúc quanh lịch sử: từ giai đoạn Tân Thạch chuyển sang giai đoạn đồ đồng; từ quyền mẹ chuyển sang quyền cha. Tuy nhiên sự chuyển mình này không rõ rệt dứt khoát vì hai khuynh hướng còn giằng co lâu dài và thay đổi nhau lên xuống. Nhưng nói chung thì mẹ nhường dần cho cha, tức Viêm tộc nhường bước cho Hoa tộc vì thế nhiều sách không kể đến Nữ Oa nữa, mà chỉ kể đến Hoàng Đế liền sau Phục Hy và phong Hiên Viên lên bậc Hoàng, tức được dự phần nào văn minh của Viêm Việt, Hoàng Việt. Tác giả thiên Hệ từ cũng tham dự tinh thần tổng hợp này nên đã nói cho “ai có tai” thì hiểu rằng: Hiên Viên đã ăn tự nền văn hóa Viêm tộc mà biến đổi đời sống, đó là lấy biến thông làm đầu tức từ võ biền biến thông sang lối ngồi vô vi (Thuỳ y thường) mà thiên hạ tri và đó là nhờ hai quẻ Kiền Khôn tức là hai trụ cột nền văn minh dịch lý của Viêm tộc. Đấy là sáng chế quan trọng bậc nhất của Hiên Viên nó ở tại biết thâu nhận văn minh Dịch Lý của Viêm Việt để làm cách mạng xã hội, từ võ trị chuyển sang văn trị nên nói “thần nhi hóa chi sử dân nghi chi, chữ hán”. Có lẽ đó là điều Viêm tộc đã gởi vào những truyền thuyết nói rằng Hoàng Đế phải đánh Thần Nông bằng khí giới mới được lên làm vua (S.M, t1.13). Nhưng đối với Tam Miêu con cháu Thần Nông thì phải dùng nhạc và vũ, nhất là những bài vũ của Si Vưu của Tam Miêu (Danses 262,214). Có lẽ tinh thần thích nghi với văn minh Việt tộc này được gởi trong những chữ nghi (sử dân nghi chi).

Vậy sáng kiến lớn nhất của Hoàng Đế là thích nghi tức là thâu hóa văn minh Viêm tộc, còn 8 sáng chế nói sau (thuyền chèo…) chỉ là tuỳ phụ có tính cách văn minh hơn là văn hóa, trừ có việc lập ra văn tự. Tuy nhiên ngay trong việc này cũng có thể gọi được là chỉ nối tiếp xây đắp nền văn hóa đức trị đã khởi đầu từ Phục Hy và Thần Nông vì có lưu truyền cho rằng chữ viết khởi đầu do ngắm vết chân chim: nếu vậy thì đời Phục Hy chữ viết đã manh nha vì đã biết “quan điểu thú chi giao” (Civ 47, 48). Và Hoàng Đế cũng chỉ là đứng đầu trong việc hoàn thành. Còn chính người hoàn thành thì huyền sử nói là Thương Hiệt (chữ hán). Rất có thể đây là một Việt nho vì chữ Thương có nghĩa kho lúa hay là xanh (phương đông), còn Hiệt là chim (phương nam) cùng nghĩa với việc ngắm vết chân chim có nghĩa là ngắm nền văn minh Việt đi với chim (Hồng Bàng). Cương vị của kinh Dịch là cương vị văn hóa, chúng ta nên theo vì chỉ có phương diện đó là ơn ích cũng như có nền móng vững chắc hơn rất xa phương diện chủng tộc và chính trị. Tuy nhiên ở đây ta đang tìm hiểu nguồn gốc từng yếu tố văn minh nên đôi khi ta tạm đứng sang cương vị chính trị hay cả chủng tộc để làm sáng tỏ vấn đề. Trong ý hướng đó chúng ta nhìn trở lại giai đoạn giao thời từ Thần Nông sang Hoàng Đế để tìm hiểu thêm. Kinh Dịch chỉ nói “Thần Nông thị một, Hoàng Đế thị tác”… Câu nói quá bao quát đủ cho Văn hóa nhưng chưa đủ cho chính trị và chủng tộc học. Ở trên hai bình diện này ta phải hỏi Thần Nông mệnh một vì bênh hay vì Hoàng Đế sát hại, và tại sao Si Vưu con cháu Thần Nông lại chống đối Hoàng Đế? Lúc đó chúng ta sẽ nhận ra rằng theo Tư Mã Thiên thì Hoàng Đế đã giết Thần Nông để đoạt chính quyền (xem S.M t1.13). Một lưu truyền ghi lại trong tự điển Từ Nguyên nói họ Thần Nông đời thứ 8 là Du Võng bạo ngược bị Hoàng Đế đánh bại ở Bản Tuyền. Rồi vì đó mà Si Vưu là dòng dõi Thần Nông huy động các bộ lạc (cửu lê) đứng lên chống Hiên Viên xâm lăng. Chính sử quen gọi Si Vưu là rợ, chúng ta nên hiểu chữ rợ theo luật “được làm vua thua làm rợ”, và như thế chúng ta sẽ tìm ra được ý nghĩa nhiều câu khác. Thí dụ việc nhiều sách qui công sáng chế mọi ngành kỹ thuyệt như đúc đồng… cho Hoàng Đế thì thực ra là Hoàng Đế đã ăn tự của “rợ” Si Vưu. Vì Hoàng Đế chiến thắng nên làm vua chiếm đất đai cũng như chiếm luôn công khởi sáng của kẻ bại. Tuy nhiên Hoàng Đế có công ở chỗ đã thêm vào gia sản của kẻ bại bằng cách đưa đến độ hoàn bị hơn. Thí dụ Si Vưu mới phát minh ra việc đúc đồng và làm khí giới (Maspéro 26) thì Hoàng Đế ăn tự hai việc đó và tiếp tục cho ngày thêm tinh xảo. Cả về văn hóa cũng phải hiểu theo lối đó mới rọi được ít tia sáng vào những câu nói hàm hồ thí dụ trong sách Quản Tử chương 16 rằng “tích giả Hoàng Đế đắc Si Vưu nhi minh ư thiên đạo, chữ hán”, câu nói hàm hồ vì chữ đắc không có nghĩa là thắng nhưng là được, và chữ “minh ư thiên đạo” có nghĩa là sáng lên về đạo trời, hay là hiểu được đạo trời, cắt nghĩa đàng nào cũng được. Tuy nhiên theo cái nhìn trên kia thì phải hiểu rằng Hoàng Đế vì được tiếp cận với nền văn minh của Si Vưu nên đã hiểu rõ thêm được đạo trời. Bởi vì có truyền thuyết coi Si Vưu như phụ trách lịch, mà lịch thuộc thời gian nên nói Si Vưu coi về trời, Công Công coi về đất. Bởi thế mới nói “đắc Si Vưu nhi minh ư thiên đạo” và nếu Hoàng Đế có công nào đó thì là công đổ khuôn, tức là nhờ thắng về quân sự nên nắm quyển hành, nắm được các phương tiện để đổ khuôn cho nội dung văn hóa nông nghiệp tức là làm cho ý thức được mở thêm về giá trị của văn hóa Viêm tộc mà phần lớn còn nằm trong vùng tiềm thức. Nói khác Viêm tộc mới là đợt sống nhiều chưa ý thức đủ vì quá quen thuộc. Nay nhờ có Hoàng Đế thuộc văn minh du mục nhìn lại nền văn minh nông nghiệp với con mắt lạ lẫm tra xét nên nhận ra được nhiều khía cạnh mới cách rõ hơn và do đấy phát kiến ra dạng thức để lên khuôn cái nội dung lúc trước còn lờ mờ; nhờ đó có thể nâng văn hóa Viêm tộc lên đợt ý thứ cao hơn trước.

Đấy là một diễn biến theo luật tổng quát. Xét về văn hóa người Aryen kém dân bản thổ Dravidien (được chứng tỏ trong di tích đào được ở Mohenzo Daro) nhưng lại hơn về sức mạnh, về văn minh, nên đã đổ khuôn cho văn hóa Dravidien. Nếu chỉ có văn minh Aryen thì tôn giáo Veda chắc đã chết lịm trong mớ dị đoan thần thoại; nhưng nhờ văn hóa Dravidien mà Veda đã đủ sức từ tôn giáo chuyển sang triết lý Vedanta nhờ những khuôn là các kinh Upanisades. Cũng thế phải có văn minh lý trí giàu tình cách xoi mói của Hoàng Đế đại diện văn minh du mục y cứ trên vũ lực, thì văn minh tình cảm nhân trị của nông nghiệp mới nhô thêm lên chân trời ý thức và mặc những hình thái rõ rệt, thí dụ các thể chế mới mở rộng hơn: từ bộ lạc đi lên quốc gia. Xưa nay phần lý vì là minh bạch nên hay thắng phần tình vì quá âm u: đó là văn thắng chất. Hoàng Đế thắng Si Vưu trong hiệp đầu. Đó là giai đoạn lý thắng tình, gọi là văn minh tức có tổ chức chu đáo hơn. Nhưng vì tình mạnh hơn lý nên tình thua để rồi tẩm nhuận lại văn minh Hoa tộc. Hoàng Đế thắng Si Vưu nhưng thắng để rồi bị thua, hay đúng hơn để được tẩm nhuận bởi tinh thần Si Vưu: thắng ở chỗ làm chủ tình hình, ở chỗ đổ khuôn, đưa ra dạng thức nhưng thua ở chỗ phải nhận nội dung của kẻ chiến bại. Nói trúng hơn thì không phải thắng với bại nhưng là hai chủng tộc Hoa Viêm cùng chung sức xây đắp một nền văn hóa mới, trong đó nội dung phần lớn của Viêm tộc nông nghiệp mà ta có thể gọi là giai đoạn “tại thiên thành tượng”. Tượng thì lờ mờ thấp thoáng nên cần tiến một bước nữa là “tại địa thành hình”. Hình là hiện lên hình tích rõ rệt trong những dạng thức công cộng và đó là công của Hoàng Đế, của Hoa tộc du mục, rồi cả hai dân tộc được tô tạo trong nền văn hóa tổng hợp ấy nên lâu ngày trở thành đồng hóa mà đồng hóa có nghĩa là Viêm hóa vì tuy danh xưng thì kêu là Hoa và sau này là Hán đi nữa, nhưng về nội dung thì đã thành Viêm tộc tức thấm nhuần văn hóa nông nghiệp và do lẽ đó sẽ bị những làn sóng Hoa tộc mới chính cống hiệu du mục tràn vào để mở đợt chính phục mới khác. Sau Hoàng Đế du mục thì đến Nghiêu, Thuấn, Hạ, Thương đều nông nghiệp, chính vì thế sẽ bị nhà Chu du mục diệt.

Nhà Chu được nhắc nhở tới nhiều vì hai lý do, trước hết là nhờ đã thấm nhuần được văn minh nhà Thương nông nghiệp nên mang dòng máu cả hai nên văn minh du mục lẫn nông nghiệp. Nhờ đó đã lật đổ được nhà Thương để kiến tạo nên đợt khác của văn minh mới cao hơn nhà Thương. Nhà Thương tuy đã nông nghiệp nhưng tính chất tôn giáo (yếu tố Tây Bắc) còn rất sâu đậm. Đến nhà Chu thì đã tiến dần sang lễ nghĩa quy chiếu vào con người. Nhờ đó văn hóa nhà Chu cao hơn nhà Thương. Thế rồi vì định cư lâu ngày nhà Chu dần dần hết sinh khí đâm ra sa đọa ở thời Xuân Thu và tan rã ở thời Chiến Quốc để chấm dứt giai đoạn tam đại. Tam đại gồm nhà Hạ, Thương, Chu là giai đoạn thứ hai mà tính chất là liên bang (chư hầu) đã ổn định: nó khởi đâu từ Hoàng Đế, và thịnh đạt ở thời Hạ, Thương và nhất là Chu. Vì thế nhà Chu được nhắc nhở tới nhiều như lý tưởng của một sự dồn đúc hai nền văn minh Tình Viêm tộc với Lý Hoa tộc, và cũng là nhu tận cùng của giai đoạn Vương phải nhường lại cho nhà Tần du mục danh dự khai mạc đợt văn hóa thứ ba là Đế.

Khi Tần Thuỷ Hoàng tóm thâu được cả 6 nước mạn Đông mà lập thành đế quốc, thì muốn tìm một danh hiệu kiêm được cả tính chất Tam Hoàng lẫn Ngũ Đế và vì thế đã nhận danh hiệu Hoàng Đế (Civ 41) gọi là Tần Thuỷ Hoàng Đế. Chữ Thuỷ là mở đầu nó bao hàm sự chối bỏ tước hiệu Hoàng Đế của Hiên Viên. Sự thực Hiên Viên chưa xứng là Hoàng mà mới là Đế để mở đầu Ngũ Đế. Tần Hoàng rồi cũng chỉ là Tần Đế, nhưng đấy là chuyện về sau, chứ lúc ban đầu khi lựa chọn danh hiệu là vô tình mà Tần Hoàng đã chọn một danh hiệu hay nhất nói lên ý hướng muốn chung đúc hai nền văn minh của Viêm tộc (tam hoàng) và Hoa tộc (ngũ đế). Tôi nói vô tình theo nghĩa từ tiềm thức vì như trên đã nói nước Tần dựng nên do Viêm tộc, nên thuộc văn minh Tam Hoàng, tuy nhiên vì sống trong môi trường du mục nên mang nặng tính chất du mục: thiên về uy lực và hình luật, do đó mà gọi là Đế, và Đế đã thắng Hoàng. Nếu Tần Hoàng đã lấy và theo đúng danh hiệu Hoàng Vương thì có lẽ đã không bị nhà Hán chiếm mất ngôi để sử lại chỗ quá đáng của Tần Hoàng Đế. Tần Hoàng tuy thuộc Viêm tôc nhưng đã đồng hóa với vương triều nên đã đế hóa trọn vẹn, vì thế lại bị Lưu Bang cũng chiêu mộ quân lính từ vùng Giang Tô, Chiết Giang (Cối Kê) khởi lên chống lại xâm lăng lập ra nhà Hán. Nhà Hán gốc từ áo vải mà lên nên nếu không thuộc dòng máu Viêm tộc thì ít ra cũng đại diện cho tiếng nói của Viêm tộc, đáng lẽ phải như thế. Nhưng cho tới đây thì không còn vấn đề chủng tộc giữa Viêm tộc và Hoa tộc nữa mà trái lại nó đã chuyển sang địa hạt khác là giữa vương triều và bàn dân, rồi sau giữa thị dân và thôn dân. Bởi vì quý tộc kế tập dính liền với Hoa tộc đã bị Tần Hoàng phá vỡ bằng đưa các vương công hầu tước về sống ở các thành phố và nhất là kinh đô để coi chừng; còn công chức thì ban trải ra toàn dân nghĩa là được tuyển tuỳ theo công, của, tài, đức. Xét về mặt này Tần Hoàng đã có công hiện thực điều mà Viêm tộc đã cổ võ được thấy rõ nhất qua lời Khổng Tử. Nhưng Tần Hoàng đã phản bội Viêm tộc khi giữ nguyên tính chất Đế của Hoa tộc trước, khác chăng là chuyển sang cho Vương triều, cho thị dân. Vì thế vẫn là phản bội Viêm tộc xét như là dân tộc và do đó đã bị nhà Hán lật đổ.

Nhà Hán lật đổ Tần Hoàng mặc nhiên nhân danh Viêm tộc lúc này đã trở thành dân tộc, nhưng rồi nhà Hán lại phản bội dân tộc bằng cách duy trì tính cách đối chọi giữa thị dân và thôn dân mà không hiện thực được lý tưởng cho toàn dân, và do đó chúng ta gọi giai đoạn mới này là Hán Nho trong đó chất Đế thắng chất Hoàng, nói khác là chất pháp trị nổi trượt vượt hơn chất nhơn trị và từ đây đã thiết lập xong cặp đôi chính trị là pháp trị với nhân trị thay cho cặp đôi chủng tộc là Hoa tộc và Viêm tộc. Vì Tân Hoàng cũng như nhà Hán đã từ Viêm tộc nhảy sang phe Vương triều (từ nay thay hẳn cho ý thức Hoa tộc) sau này chỉ còn ý thức Viêm tộc và Hoa tộc ở các đợt chiếm cứ về sau như đợt Dương Tử rồi tới đợt Việt Giang nhưng không bao giờ trở thành chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc như bên Âu hay Ấn vì yếu tố Viêm tộc quá mạnh cả về văn hóa (đã đặt nền móng) và về nhân số. Một học giả Trung Hoa nói với ông Hoàng Văn Nội rằng người Trung Hoa nay đến quá phân nửa là Viêm tộc, còn Hồi tộc (gồm cả Mãn, Mông, Tạng) lối 30 phần trăm. Tôi cho lời đó rất trúng vì nếu căn cứ trên màu tóc đen (lê dân) mà Hoa tộc gọi Viêm tộc lúc đầu, thì nay “lê dân” đã trán ngập hầu hết. Sở dĩ Viêm tộc đã không quật khởi giành lại quyền độc lập là vì trận tuyến đã chuyển từ chủng tộc sang địa hạt vua và dân nên mỗi lần có cuộc lật đổ một Vương triều là mỗi lần đều do Viêm tộc khởi xướng. Nhà Tần cũng như nhà Hán và sau này nhà Minh v.v… thảy đều do Viêm tộc nhưng đã không còn vấn đề chủng tộc mà chỉ còn là vấn đề hữu đạo với vô đạo. Hữu đạo là đi với dân mà hiểu về xa xưa là đi với Viêm tộc, ngược lại là vô đạo. Cần chú trọng điểm này để tránh sự đồng hóa Nho giáo với Hoa tộc mà quên rằng Nho giáo là công đầu lớn của cả Viêm tộc tức Việt tộc nữa, mà công đầu là căn bản hơn hết. Vì không chú ý điểm này nên nhiều người đã vô ý chuyển lòng oán hận thuộc chính trị sang bình diện văn hóa hay nói đúng hơn chuyển lòng căm phẫn vương triều sang bên Hoa tộc, mà quên rằng Hoa tộc hiện nay phần lớn thuộc dòng máu Viêm tộc. Cho nên khi lẫn lộn cương vị chính trị với văn hóa là chúng ta hờn oán chính nền văn hóa của chúng ta và anh em Viêm tộc chúng ta còn ở lại trong dải đất Trung Hoa. Tuy nhiên đó là điều ít được chú tâm vì lớp sóng Hoa tộ (hiểu là óc đế quốc) lại cứ lâu lâu được canh tân nối tiếp trong các đời sau từ Tây Bắc tràn vào như Hung Nô đời Hán, rợ Tiên Ti, rợ Chi, rợ Khương đời Tần, rợ Đột Quyết đời Tuỳ, rợ Khiết Đan, Hồi Hột, Sa Đà đời Đường, rồi Kim, Nguyên, Thanh…

Đó là bấy nhiêu đợt sóng Bá đạo tràn vào uy hiếp nền Vương Đạo của Viêm tộc. Điều đáng ngạc nhiên là nền Vương đạo đó đã không bị tiêu trầm nhưng vẫn trường tồn cho tới tận nay để đem lại cho nền văn hóa Viễn Đông một nét đặc trưng mà chúng ta sẽ tìm hiểu thêm trong các chương sau.

Bây giờ để tóm tắt ta hãy xác định phần nào khuôn mặt của các đợt sóng văn minh tràn lên rồi để lắng xuống những lớp phù sa ảnh hưởng. Người xưa đã muốn phân bệt bằng những chữ Tam Hoàng, Ngũ Đế, Tam Vương, Ngũ Bá v.v… thì đó chỉ là cách nói co dãn theo huyền sử, nếu hiểu theo lịch sử thì không trúng. Thí dụ: Tam Hoàng có thể là 5 khi kể cả Toại Nhơn, Hữu Sào, Nữ Oa, Ngũ Đế có thể là thất đế khi kể cả Hoàng Đế, Chuyên Húc, Đế Chí… Tam Vương cũng không hẳn là tam mà có thể bao gồm Nghiêu Thuấn vào giai đoạn này mới đúng và lúc ấy gọi là thời vương đạo gồm Nghiêu Thuấn là thời lập đức, nhà Hạ nhà Thương là thói lập công, còn nhà Châu là thời lập ngôn ở tại việc giàn hòa hai chiều văn hóa Hoàng trời (tam hoàng) với Đế đất (ngũ đế) làm thành Vương đạo là thời quân bình nhất; rồi sau đó Vương đạo suy dần ở những đời sau mà khởi đầu là ngũ bá. Ngũ bá cũng không hẳn là ngũ vì sau Tề, Tấn, Tống, Tần, Sở còn có Ngô rồi Việt. Vậy những đợt Tam Hoàng, Ngũ Đế, Tam đại… chỉ nên hiểu là những đợt văn hóa mà ta có thể xác định hơn kém bằng thời gian và khu vực như sau. Giai đoạn trước hết là Viêm tộc xuất hiện đầu tiên trên toàn lãnh thổ Trung Hoa lập ra một nền văn minh mà ta có thể gọi là Hoàng Đạo, với thể chế thị tộc (Mẹ làm chủ nên gọi là Thị), rồi bộ lạc và một đôi nơi đã khởi sự bước vào thể chế quốc gia. Thí dụ họ Hồng Bàng lập ra nước Xích Quỷ, Văn Lang.

Giai đoạn thứ hai Hoa tộc từ Tây Bắc vào chiếm 6 tỉnh mạn Bắc thuộc Hoàng Hà rồi nương theo thế liên bang của Viêm tộc mới manh nha để hoàn thành dưới hình thức chư hầu và phong kiến tức một thứ liên bang nhưng kém phần dân chủ và công thể của Viêm tộc chính tông. Bởi đó về triết lý thì giai đoạn này kêu được là Vương đạo, một thứ triết lý mà chất Viêm Việt nổi hơn chất Hoa tộc, và tôi gọi là Việt Nho.

Giai đoạn ba mở rộng ảnh hưởng Hoa tộc xuống mạn nam thuộc vùng Dương Tử giang lập thành nước Kinh Sở. Thời này về triết không có gì đặc sắc mà chỉ là tiếp nốiVương đạo. Nhưng vì đất của Viêm tộc bị rút hẹp thì ảnh hưởng trong triết cũng suy yếu theo.

Giai đoạn thứ ba có thêm đợt hai là Hoa tộc chiếm thêm ba tỉnh cửa sông Dương Tử thuộc hai nước Ngô Việt và cuối cùng chiếm luôn cả Lưỡng Việt (Quảng Đông Quảng Tây), cả Bắc Việt từ đấy trở thành mảnh đất trú chân cuối cùng của Viêm tộc đại diện cho toàn thể gia đình Viêm Việt. Theo đà ấy triết bước vào giai đoạn Đế Đạo cũng gọi được là Bá Đạo hay Hán Nho và truyền lại cho tới nay.

Riêng về nước Việt Nam xét như là mảnh đất nương thân cuối cùng của tinh thần Viêm tộc đã trải qua một quá trình tranh đấu để cuối cùng dành lại được nền độc lập trên một dải đất nhỏ hầu duy trì những đại diện chính thức cho Viêm tộc cũng như cho Bách Việt, nói khác là đại diện nền văn hóa nông nghiệp khi mới manh nha cũng như cho giai đoạn Kinh điển tựu thành tức giai đoạn nòng cốt của nền văn hóa Việt Hoa. Vì thế trong chương sau chúng ta sẽ tìm xem Viêm tộc đã đóng góp những gì vào việc hình thành Kinh điển.

Phụ chú


Có truyền thuyết cho rằng tên hiệu Si Vưu chính trước là Trung Quang nhưng Hiên Viên đã đổi đi bằng thêm chữ Sơn lên đầu và còng chân lại nên Trung hóa ra Si (ngốc) còn Quang bớt nét đi cho ra Vưu là oán hờn. Theo thuyết đó thì vua Nguyễn Huệ đã lấy hiệu là Quang Trung để nhớ lại một tị tổ xưa và lấy cờ của Si Vưu nền đỏ có miếng tròn màu vàng ở giữa. Đó cũng là một giả thuyết có thể ghi để hướng dẫn nghiên cứu. Bởi vì Si Vưu cũng là một là cờ. Ta thấy trong huyền sử cha đẻ ra Tân Lang trong truyện trầu cau tên là Quang Lang cũng như con trai của Lạc hầu gọi là Quang Lang.

Vậy có thể vua Quang Trung cũng đã làm như thế, nhưng cách tích cực hơn. Quang Trung cũng là một người tự dân mà lên, nên đại diện cho Viêm tộc. Vì thế mới có ý đòi lại một ít đất của Viêm tộc là hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây gọi là Lưỡng Quảng mà chính ra là Lưỡng Việt. Cũng như Tây Giang chính ra là Việt Giang.

Tên Si Vưu là Trung Quang cũng có lý. Chúng ta biết lửa được phát minh ra thời kỳ gọi là Toại Nhơn. Đây là một bước tiến vĩ đại nên các vua sau toàn lấy danh hiệu liên hệ với lửa: Phục Hy lấy hiệu là Thái Hạo= sáng lắm. Cháu ba đời kêu là Đế Minh có nghĩa là chúa sáng. Tất cả dòng tộc kêu là Viêm tộc, chữ Viêm là hai lửa chồng lên nhau sáng lắm= Thái Hạo, và Quang Minh. Còn Trung là nói lên di sản của tổ tiên là kinh Dịch. Kinh Dịch thành bởi âm và dương mà lý tưởng là hòa hợp âm dương tức hai yếu tố trái ngược gọi là Trung. Chính chữ Trung trong Trung Dung phải hiểu là nguyên lý hòa giải hai yếu tố trái ngược và nhờ đấy phải dọi tia sáng minh triết (trung) ra tất cả chung quanh. Lá cờ có miếng tròn vàng chỉ Trung (Hoàng cực màu vàng), tia sáng ra chung quanh là màu đỏ chỉ quẻ Li là phương Nam, là văn minh. Vậy nếu quả thật Hoa tộc đã đổi tên Trung Quang ra Si Vưu thì đó là một lối ăn cắp xe về tháo số cũ, gắn bảng số mới cho phi tang bằng cách chài chủ cũ tức làm cho Trung Quang trở nên Si Vưu để con cháu không nhìn nhận ra ông tổ nữa. Phép chài đó như sau: đặt trên đầu chữ Trung một tấm ngang rồi đè bằng trái núi còn chân thì xõ gông. Tôn Ngộ Không cũng bị đè dưới núi Ngũ hành kiểu này 500 năm không dậy nổi, thì con cháu Trung Quang cũng trải qua 5000 năm lịch sử không nhận ra tổ gốc của mình nữa, các cụ xưa viết:

Đọc Ngu thư ghét đảng tứ hung.

Coi Tống sử ghét bày ngũ quỷ.

Còn tân học nay không ai nghiên cứu về Việt Nho mà chỉ còn dăm ba người chú ý tới chữ Hán. Vì thế những suy tư trên tuy mới là giả thuyết nhưng cũng cần ghi lại vì hậu quả có thực

Kim Định

0 nhận xét: