Thứ Ba, 2 tháng 8, 2011

Chú trọng khảo cổ và bảo vệ nguyên vẹn dấu vết Thành Nhà Hồ

Cập nhật lúc 17:24, Thứ ba, 02/08/2011 (GMT+7)               





Cổng thành phía bắc.  

NDĐT - Dường như nhìn thấy trước những nguy cơ phục dựng sai lệch hoặc làm giảm đi giá trị như đã xảy ra với một số di tích khác, trong khi tư liệu về kỹ thuật chế tác đá và xây thành hãy còn là bí ẩn, lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá cũng như các nhà khoa học và những người làm quản lý ở di tích Thành Nhà Hồ đều đang đưa ra quan điểm tránh phục dựng ở di tích Thành Nhà Hồ.

Trường tồn cùng những bí ẩn
cong phia nam
Cổng thành phía nam.

Truyền thuyết dân gian ở Vĩnh Lộc (Thanh Hoá) kể rằng, có một ông thầy phù thuỷ, buổi chiều cắt những mảnh cót to bằng cái chiếu, xếp chồng lên nhau như một trò chơi cho con trẻ. Đến đêm thì phù phép biến thành những phiến đá phẳng lì, chồng khít lên nhau, sáng ra mọc lên trước mắt ngôi toà thành độc đáo kỳ vĩ.

Sáu thế kỷ trôi qua, ngôi toà thành độc nhất vô nhị của khắp cả vùng Đông Á ấy đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vì những giá trị nổi bật toàn cầu. Hồ sơ khoa học và những cứ liệu lịch sử khẳng định đó là một công trình mang chứa nhiều giá trị lịch sử, kiến trúc, văn hóa, xã hội. Thế nhưng, kỹ thuật chế tác và xây dựng toà thành này, với những phiến đá rộng 1,5m, có phiến đến 6m, phẳng lì và nặng hàng trăm tấn, chồng khít lên nhau mà không chất kết dính nào, làm nên một toà thành đồ sộ với bốn cổng nguy nga và bức tường thành chạy dài hàng kilomet thì vẫn đang là một điều bí ẩn.

Cuối tháng 7-2011, theo chân đoàn khảo sát thực tế của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chúng tôi đến Vĩnh Lộc (Thanh Hoá). Có lẽ ít có kinh đô cổ còn giữ nguyên địa thế, cấu trúc như Thành Nhà Hồ. Nằm giữa hai dòng sông, sông Mã và sông Bưởi, toàn bộ khu thành vuông vắn, bốn cổng thành theo trục nam bắc tây đông, phía bắc là ngọn núi Thổ Tượng (núi Voi), phía đông có núi Hắc Khuyển, phía tây có núi Ngưu Ngoạ, phía nam là vùng đất phì nhiêu màu mỡ nằm giữa hai con sông.

Theo đánh giá của các chuyên gia, điểm khác biệt và cũng chính là giá trị đặc biệt của kinh thành này chính là dưới tầng phong hoá từ 60 đến 80cm- có nơi đến 1m, vẫn còn nguyên cấu trúc và dấu tích của một kinh đô ở lúc khởi điểm, nghĩa là chưa có lớp kiến trúc nào chồng lên.

Dấu vết đền đài, cung điện được cho là vẫn còn nguyên vẹn ấy, nằm sâu trong lòng đất, bên dưới những cánh đồng màu mỡ xanh tươi. Toàn bộ trục nam bắc hiện tồn nguyên, và con đường Hoàng gia chỉ mới phát lộ một phần cho thấy phần nào hình dung về toà thành.
15726.jpg
Tường thành với những phiến đá to phẳng lì, nặng hàng trăm 
tấn chồng khít lên nhau.

Con đường xuyên thành theo trục nam bắc, kể từ khi di tích được công nhận là Di sản thế giới, đã trở nên bình yên khi chỉ có vài người nông dân hoặc từng tốp các em học sinh đi xe đạp qua. Ban quản lý đã cho dựng rào chắn cấm hoàn toàn xe cơ giới.

Buổi chiều nắng vàng rực trải trên triền cỏ chạy xuôi theo tường thành dệt nên khung cảnh thật bình yên. Lũ trẻ chăn trâu và những người nông dân đang mải miết làm cỏ dưới chân ruộng lúa hồ hởi nở nụ cười tươi khi có khách đến thăm thành. Đối với họ, việc toà thành này trở thành di sản thế giới thật là đặc biệt.

“Nhà tôi trồng lúa ở dưới bức tường thành đá từ mấy đời, mỗi hôm đi làm đồng nhìn thành đá vẫn thấy kỳ lạ lắm. Không hiểu làm cách nào mà người xưa lại “bưng” được cả những tảng đá khổng lồ thế mà chồng lên trên vòm cổng. Chắc phải có thầy phù thuỷ thật. Cứ tưởng chỉ mình mình thấy lạ, gần đây thấy nhiều người đi ô tô vào xem, hoá ra thế giới người ta cũng công nhận là quý giá…”- bà Trần Thị Hiền ở làng Xuân Giai, giáp cổng phía nam Thành Nhà Hồ nói.

Tương truyền, toà thành được xây dựng trong vòng ba tháng. Gắn liền với một triều đại chỉ tồn tại trong bảy năm (1400-1407), cùng Hồ Quý Ly, một nhân vật lịch sử hãy còn nhiều bí ẩn, thì sự tồn tại của Thành Nhà Hồ cho đến nay, vẫn là câu chuyện nằm trong trầm tích chưa được phát lộ.

Tránh phục dựng đền đài cung điện

15727.jpg
Những hòn đá lăn tương truyền được dùng để vận chuyển 
các phiến đá khi xây thành.

Viết về Thành Nhà Hồ trong Đại Việt Sử ký toàn thư chỉ có trên dưới mười trang, nhưng ghi chép khá đầy đủ về những kiến trúc hoàng cung bên trong toà thành. Điện Hoàng Nguyên, cung Nhân Thọ, Tây Thái miếu, Đông Thái miếu…nguy nga chẳng khác gì với kinh thành Thăng Long. Năm 2004, Đại học Nữ Chiêu Hoà (Nhật Bản) cùng với khoa Lịch sử Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã tiến hành khai quật 32m, phát lộ các lớp nền và chân tảng, dấu vết của các kiến trúc hoàng cung đang được bảo tồn nguyên vẹn.

Tuy nhiên, dường như nhìn thấy trước những nguy cơ phục dựng sai lệch hoặc làm giảm đi giá trị như đã xảy ra với một số di tích khác, trong khi tư liệu về kỹ thuật chế tác đá và xây thành hãy còn là bí ẩn, lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá cũng như các nhà khoa học và những người làm quản lý ở di tích Thành Nhà Hồ đều đang đưa ra quan điểm tránh phục dựng ở di tích Thành Nhà Hồ.

TS. Đỗ Quang Trọng, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ cho biết: “Cả một cung điện toà thành còn nhiều bí ẩn như thế, việc phục dựng là rất khó khăn thậm chí nguy hiểm. Ứng xử mỗi di tích cần sự lựa chọn khác nhau. Tôi cho rằng không nên phục dựng cái gì ở Thành Nhà Hồ. Chưa kể, khi làm hồ sơ trình UNESCO công nhận di sản thế giới, chúng tôi cũng phải tuân theo những yêu cầu và cam kết đối với họ. Công nhận không phải là họ cho mình tiền để xây dựng, mà là để họ cho mình kinh nghiệm bảo tồn, giữ lại cho đời sau như nó vốn có”.
15728.jpg
Dấu vết Đàn tế Nam Giao.

Hướng bảo tồn mà lãnh đạo và các nhà quản lý chuyên môn ở Thanh Hoá đưa ra là nên khai quật khảo cổ học và trưng bày theo kiểu công viên khảo cổ. Ông Trọng khẳng định, về lâu dài, Thành Nhà Hồ có thể học tập kinh nghiệm của kinh đô cổ Nara ở Nhật Bản. Toàn bộ khu thành sẽ trở thành một công viên khảo cổ, vừa khai quật, vừa nghiên cứu, vừa tham quan. Kể cả việc phát lộ cũng cẩn trọng, chỉ phát lộ đến đâu mà có thể bảo tồn được chứ không làm ồ ạt.

Ông Nguyễn Hữu Nhẫn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa cũng nhấn mạnh, hướng bảo tồn và khai thác Thành Nhà Hồ sẽ là chú trọng khảo cổ và bảo tồn nguyên vẹn dấu vết mà tránh phục dựng không cần thiết. Một chiến lược khảo cổ cũng đang được xác lập, trước mắt là tiếp tục khảo cổ đường Hoa Nhai (đường Hoàng Gia), đàn tế Nam Giao. Ông cho biết, tỉnh đang xây dựng đề án quy hoạch bảo tồn và phát huy di sản Thành Nhà Hồ, trong đó quan trọng nhất là triển khai thực hiện 10 cam kết của tỉnh với UNESCO. Theo bản quy hoạch này, khu vực bảo vệ Thành Nhà Hồ bao gồm cả toàn bộ địa thế của tám xã nằm trong quy hoạch. Theo ông, di tích phải sống trong lòng dân, việc quy hoạch dân cư, kinh tế toàn bộ khu vực này đều chú trọng đến lợi ích của dân trong việc bảo vệ thành. Đối với người dân quanh khu vực di sản cũng như với du khách, những bí ẩn của Thành Nhà Hồ luôn hấp dẫn… như câu chuyện truyền thuyết về ông thầy phù thuỷ, mãi mãi là bí ẩn để tiếp tục nghiên cứu và khám phá.

* Dự kiến, lễ đón bằng Di sản thế giới Thành Nhà Hồ sẽ được tổ chức vào ngày 5-4-2012. Cùng theo đó, tỉnh Thanh Hoá đang tính đến chiến lược phát triển du lịch gắn liền di tích, với điểm nhấn là hai kinh đô cổ (Lam Kinh và Thành Nhà Hồ) kết nối bãi biển Sầm Sơn, suối cá Cẩm Lương... 


HỒNG MINH     

Nguồn: http://www.nhandan.com.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/van-hoa/di-san/chu-tr-ng-kh-o-c-va-b-o-v-nguyen-v-n-d-u-v-t-thanh-nha-h-1.306153#hmJOfzoBlPWi                                                                      

0 nhận xét: