Thứ Hai, 1 tháng 8, 2011

Tìm Về Nguồn Gốc Việt Hoa Theo Sử Truyền


Con người xuất hiện vào lối 500.000 năm trước đây rồi lần lượt bị tiêu diệt qua bốn đợt băng tuyết, những người còn sống sót kéo nhau lên các miền núi cao nguyên sống trong hang hóc. Sang đến Tân thạch (tương đương với sung tích kỳ: holocène, lối hơn mười ngàn năm trước đây) sau khi làn băng giá thứ tư tan rã, khí hậu trở nên ấm áp, loài người lục tục đời bỏ những hang động trong dẫy Thiên Sơn (Tây Bắc Tibet và Tây Tân Cương) để thiên di xuống các vùng bình nguyên. Theo Vương Đồng Linh trong quyển “Trung Quốc dân tộc sử” thì một nhóm sang phía Tây làm thuỷ tổ giống da trắng. Trong những người tiến về phía Đông làm thuỷ tổ giống da vàng có hai chi gọi là Bắc tam hệ và Nam tam hệ.

Bắc tam hệ là ba phái đi theo Thiên Sơn Bắc lộ gồm có:

-            Phái Mãn tộc chiếm lĩnh vùng cực Đông Bắc Trung Hoa ngày nay (cũng gọi là Thông cổ tự - Tongouses).
-            Phái Mông Cổ chiếm lĩnh chính Bắc Trung Hoa.
-           Phái Đột Quyết (Turcs) chiếm lĩnh Tây Bắc Trung Hoa và Đông Nam Tây Bá Lợi Á, vì theo đạo Hồi nên gọi chung là Hồi tộc.

Nam tam hệ gồm có ba tộc là Miêu, Hoa, Tạng. Theo Mộng Văn Thông trong quyển “Cổ sử nhân vi” ba phái này nguyên tên là Viêm, Hoàng, Tần.

-            Về sau Hoàng tộc tự xưng là Hoa tộc. Hoặc có thể nói ngược lại là Hoa tộc là tên chính sau mới đổi ra Hoàng tộc rồi cuối cùng lại đổi ra Hán tộc. Tuy nhiên Hán chỉ là tên của một vương triều y như Đường, Tống, Minh, Thanh vậy. Còn chính tên là Hoa tộc.
-            Về Viêm tộc cũng gọi là Miêu tộc, và Việt tộc.
-           Tạng tộc (Tibétains) thì đi lần theo Thiên Sơn Nam lộ tới định cư ở vùng Hy Mã Lạp Sơn rồi sau lan ra vùng Thanh Hải, Tây Khương. Rất có thế Anhđônê là một nhóm trong ngành này tiến vào vùng A Xam của Aân Độ, sau bị người Aryen đuổi nên thiên di qua Việt Nam và Borneo…

Riêng về lịch sử của hai dân tộc Viêm Hoa liên hệ gần tới ta nhất lại rất nhiêu khê, đại để có thể như sau. Thoạt kỳ thuỷ Viêm tộc theo dòng sông Dương tử vào khai thác vùng Trường Giang thất tỉnh tức là bảy tỉnh thuộc Dương Tử Giang là Tứ Xuyên, Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tây, Giang Tô, An Huy, Chiết Giang, rồi lần lần một mặt theo bình nguyên Hoa Bắc lên khai thác vùng Hoàng Hà lục tỉnh là Hà Nam, Hà Bắc, Sơn Tây, Sơn Đông, Thiểm Tây, Cam Túc. Còn phía nam thì lan tới lưu vực thứ ba gọi là Việt giang ngũ tỉnh gồm Vân Nam, Quy Châu, Quảng Tây, Quảng Đông, Phúc Kiến. Cả năm tỉnh này từ đầu đều có người Viêm tộc cư ngụ. Theo Chu Cốc Thành trong quyển “Trung Quốc thông sử” và một số sử gia nữa thì Viêm tộc đã có mặt ở khắp nước Trung Hoa cổ đại trước khia các dòng tộc khác tràn vào, nên Viêm tộc kể là chủ đầu tiên.

Khi Viêm tộc đã định cư rồi Hoa tộc tuy theo Thiên Sơn Nam lộ như Viêm tộc nhưng còn sống đợt săn hái vùng Tân Cương, Thanh Hải, hồi đó còn là Phúc Địa vì cát chưa lấn được những đất phì nhiêu, để biến thành sa mạc như ta thấy ngày nay, về sau họ theo khuỷu sông Hoàng Hà tiến vào Bắc Trung Hoa chiếm lại đất của Viêm tộc ở vùng này, và bị Si Vưu lãnh tụ Viêm tộc chống cự. Lãnh tụ Hoa tộc là Hiên Viên tập hợp lại các bộ lạc Hoa tộc để cùng với Viêm tộc ba lần đại chiến trong đó có trận Trác Lộc. Trong quyển “Kỳ môn độn giáp đại toàn thư” còn câu hát “ngày xưa Hoàng Đế đánh Si Vưu, cuộc chiến ở Trác Lộc đến nay tưởng như chưa dứt, tích nhật Hoàng Đế chiến Si Vưu: Trác Lộc kinh kim vị nhược hưu”. Từ khi Si Vưu bị tử trận thì Hoa tộc bá chiếm 6 tỉnh lưu vực Hoàng Hà để lập quốc. Hiên Viên nhờ vậy được công kênh lên làm tông tù trưởng và xưng hiệu là Hoàng Đế. Tại sao Viêm tộc đông hơn lại chịu lùi bước trước Hoa tộc vừa tới sau vừa ít người hơn? Có thể giải nghĩa theo những lý do sau đây:

- Viêm tộc ở rải rách khắp 18 tỉnh nước Tàu nên dân cư rất thưa thớt không thể chống cự đoàn người du mục kết thành một đạo quân hùng mạnh.
- Viêm tộc lúc đó còn ở trong tình trạng thị tộc hay bộ lạc chưa đạt ý thức quốc gia, nên thường xung đột nhau, bởi vậy cháy nhà hàng xóm bình chân như vại.
- Vì Viêm tộc đã đạt định cư nông nghiệp sớm hơn nên văn hóa cao mà võ kém. Đó là luật chung. Con người tiến bộ nhiều ít về văn hóa là tuỳ theo cái nhìn rộng hay hẹp. Vậy cái nhìn của người làm ruộng phải kéo dài ra cả năm để biết tứ thời bát tiết đặng định thời gieo, thời gặt v.v… Ngược lại người đi săn chỉ cần rình con mồi trong vòng 1, 2 ngày, vì thế cái nhìn hẹp hơn cái nhìn của nhà nông. Nhà nông phải nhìn rộng nên bước lên bậc văn hóa cao hơn. Khi đạt văn hóa cao thì tất nhiên có lễ nghĩa và mở rộng mối giao tiếp… Khác với những giai đoạn săn hái hoặc du mục nay đây mai đó không có địa chỉ nhất định, nên chưa dùng đến ước lệ, lễ tục, mà chuyên dùng võ lực. Chu Cốc Thành trong quyển “Trung Quốc thông sử” dẫn sách “The State” của Franz Oppenheimer chứng rằng: tự cổ chí kim chiến đấu lực của những dân tộc du mục bao giờ cũng vẫn cao hơn dân tộc nông nghiệp. Hồi đó Hoa tộc còn sống đời du mục, những năm đồng khô cỏ héo họ thường lấy sự cướp bóc làm sinh hoạt; còn Viêm tộc đã định cư có của tư hữu nên tất cả những lý do trên mà Hoa tộc du mục đã thắng Viêm tộc nông nghiệp, một việc sẽ còn lập lại nhiều lần về sau trong lịch sử.

Sau khi đã thắng Viêm tộc, Hiên Viên liền phỏng theo sinh hoạt của dân tộc này mà tổ chức Hoa tộc. Ông chia 6 tỉnh Hoàng Hà ra làm 9 khu vực: “phân cửu châu” y như Cửu Lê của Si Vưu, chọn 4 bộ lạc hùng mạnh đồng tộc với ông gọi là “tứ nhạc” để giữ gìn bạn thân. (Theo Lữu Tư Miễn trong “Trung Quốc dân tộc chí). Và do đó nhận tất cả các phát minh của Si Vưu (tức Viêm tộc) làm của mình. Chính vì thế mà sử sách chính thông thường gọi Hoàng Đế là người đã phát minh ra thiên văn, âm nhạc, quần áo, nhà cửa, giao thông, hôn lễ, y thuật, nuôi tằm, điền thổ, hôn thú, võ bị, chính trị v.v… tóm lại các sử gia quy công phát minh tất cả cho Hoàng Đế, và chính với Hoàng Đế lịch sử Trung Hoa mở đầu là như vậy.

Hoàng Đế truyền 7 đời tới vua Thuấn 2697-2205.
Nhà Hạ: vua Đại Vũ truyền 17 đời tới vua Kiệt 2205-1783.
Nhà Thương: vua Thành Thang truyền 28 đời tới vua Trụ 1783-1134.
Nhà Chu: Văn Võ truyền 37 đời tới Đông Chu 1134-247.

Tất cả bấy nhiêu đời có thể gọi là thuộc Hoa tộc về mặt chính trị, nhưng về văn hóa thì chính ra phần lớn thuộc Viêm tộc, nhưng chính sử đã vùi đi vì Viêm tộc một phần bị giết, hoặc bắt làm nô lệ, còn phần đông thì sống dưới quyền giám thị của Hoa tộc (trí tả hữu đại giám) ở ngay trong nội địa hoặc bị phân sáp ra khai thác các miền chung quanh và gọi là

  Di (phía đông)
  Địch (phía bắc)
  Nhung (phía tây)
  Man (phía nam)

Cũng có thói quen gọi 4 đại diện của Di, Địch, Nhung, Man là tứ hung. Sau này Viêm tộc sẽ quật lại và sự quật khởi đó sẽ kết tinh vào câu “tứ hải giai huynh đệ” (xem hình tứ hung, Need II.116). Còn Viêm tộc bên ngoài 6 tỉnh Hoàng Hà thì vẫn sống thản nhiên trước sự đau lòng mất nước của họ hàng trên phía Bắc.

Những người này lâu lâu nhờ lúc nội bộ Hoa tộc có biến thì nổi lên để vãn hồi độc lập, như cuối đời Thiếu Hạo, mãi tới Chuyên Húc mới dẹp yên được. Cuối đời Đế Cốc họ lại vùng dậy và Đế Chí mất 9 năm không thu phục nổi phải nhờ đến vua Nghiêu mới thắng trận Đan Thuỷ. Khi vua Nghiêu nhường ngôi cho vua Thuấn, nhiều bộ lạc Hoa tộc không phục vì Thuấn là người Nam Man, Viêm tộc lại thừa cơ nổi lên trong số đó có ông Cổn bị kể là một trong tứ hung. Có thể ông Cổn thuộc Viêm tộc (nên gọi là Hung) hay ít ra đã bị cảm hóa theo Viêm tộc, nên sách Ngô Việt Xuân Thu (chương 6) chép có lần ông Cổn gieo mình xuống sông hóa ra con gấu vàng (hùng) nhưng lại chỉ có ba chân nên chữ Hùng viết có ba chấm thay vì bốn chấm và trở nên thần của vực thẳm gọi là Vũ “Nhân vi vũ uyên chi thần, chữ hán”( Danses 247). Viết ba chấm vì ba đi với tam miêu, còn vũ là lông đi với vật tổ của tam miêu có cánh mà không bay. Thêm một lý chứng nữa là con ông Cổn tên là Vũ quên ở Cối Kê kinh đô nước Việt Chiết Giang (Danses 610). Vì thế lần này vua Thuấn phả dùng giải pháp mạnh, đầy số lớn Viêm tộc ra phía tây huyện Đôn Hoàng, cửa ải địa đầu của Trung Hoa với Tân Cương ngày nay (thoán tam miêu ư tam nguy) (Trần An Nhân trong Trung Quốc thượng cổ văn hóa sử). Phần bị phân tán ra từng bộ lạc nhỏ, phần bị đồng hóa, từ đấy trở đi Viêm tộc không còn là mối họa cho Hoa tộc nữa. Sau này Đông Di (Sơn Đông) bị nước Tề đồng hóa. Bắc Địch (Sơn Tây, Hà Bắc) bị các nước Tấn, Yên đồng hóa, chỉ còn lại trở nên hung hãn. Khi U Vương vì mê Bao Tự, bỏ vợ lớn và con trưởng nên bị Thân Hầu rước Khuyển Nhung của Tạng tộc về giết đi ở Li Sơn và đặt cháu ngoại vào ngôi con rể. Bình Vương đã bị kinh tế nông nghiệp thuần hóa nên khi thấy sắc diện hung hãn của Khuyển Nhung lúc và cướp phá thì rất kinh sợ, nên tính việc thiên đô sang Lạc Aáp. Đường từ Cảo kinh ra Lạc Aáp đầy những bộ lạc ăn cướp, Bình Vương lại không có binh quyền gì cả, phải nhờ Tây Nhung hộ tống. Để tạ ơn ông cho bộ lạc này những đất đai của tổ tiên khai phá xưa, đó là Quan Trung mà ông không dám ở nữa. Nhờ vậy Viêm tộc có một khoảng đất để dựng lên nước Tàu, sau này sẽ tóm thâu thiên hạ. Vì tính tình đã trở nên hung hãn theo đời sống du mục, nhưng chính gốc là Viêm tộc (Danses 572).

Còn Nam Man ở Trường giang, khi vào Tứ Xuyên đã chia 2 ngành: một theo châng gia súc xuống Vân Nam, tới phía Tây Nam tỉnh này thì định cư và đi vào nông nghiệp. Vì dân ngày một đông lại thêm bị áp lực của Hoa tộc từ năm 866 thua Cao Biền, nên vào đầu thế kỷ thứ X, noi theo triền sông Salouen và Mékong xuống thực dân dân miền Đông bắc Miến Điện (dân Shan), Tây bắc Việt Nam (miền Sơn La, Lai Châu, Hà Giang) mở ra nước Lào, nước Xiêm. Ngày xưa Hoa tộc gọi là Tây Nam Man, ngày nay ta gọi là dân tộc Thái có thể là tên lúc còn ở núi Thái Sơn, giai đoạn mở đầu của Viêm tộc.

Sang đầu kỷ nguyên họ phân ra 6 bộ lạc là Lang Khung, Thi Lăng, Đằng Đạm, Việt Tích, Mông Tuấn, Mông Xá, vì ở phía Nam (huyện Sở Hùng). Mông Xá lại có tên là Nam Chiếu. Những khi Trung Hoa có biến, họ thường vào quấy phá như hồi Hán mạt, Ngũ hồ, tàn Đường v.v… Vua Đường Huyền Tôn phải cắt đất để mua lòng họ. Năm Khai Nguyên thứ 26 (738) vua phong cho Bì La Cáp (Trung Hoa kêu là Mông Quý Nghĩa) làm Vân Nam Vương đóng đô ở Côn Minh, từ đấy trở đi đến năm 866, họ dọc ngang 5 tỉnh Việt Giang, nước ta cũng chịu phần cướp phá cho đến năm 866 Cao Biền mới dẹp yên. Năm 1380 quân Nguyên vào diệt Hoàng tộc bắt vua đưa về Nam kinh xử tử. Tuy vậy thỉnh thoảng vùng Tây Nam Vân Nam lại dấy động. Lần chót cách đây mấy chục năm và thành Đại Lý hoàn toàn bị thiêu rụi.

Còn những Viêm tộc ở các tỉnh lưu vực Trường Giang mà Hoa tộc kêu chung là Đông Nam Man thì khai thác vùng hồ Động Đình, Bành Lãi trên sông Dương Tử. Hoa tộc trên vùng Hoàng Hà gọi vùng này là Kinh cức tức là rừng rú, nhân đó có tên là Kinh man (sau sẽ thành nước Sở đời Xuân Thu). Trước đây lối 2897 tù trưởng các bộ lạc Viêm tộc ở đây xưng là Kinh Duơng Vương vì nghề nông nên thờ Thần Nông làm tiên tổ. Và có lẽ vì đó nên chữ Việt với bộ Mễ mà họ Mễ mà nay ta quen gọi là họ Mị như Mị nương, Mị châu thì cũng có thể đọc là Mễ nương, Mễ châu. Đây là một họ rất lớn của nước Việt cũng như nước Sở sau này, nên hai nước có những liên lạc chặt chẽ, và do lẽ đó mà vua nước Sở sau này gọi là Hùng Vương và nước Văn Lang cũng có 18 đời Hùng Vương. Có lẽ Hùng Vương của Văn Lang cũng như của nước Sở đều là gợi hứng từ một gốc chung. Gốc đấy có thể là Hồng Bàng hay là hùng dũng.

Riêng vì nước Sở thì ở đời Chu Sở (1134) lãnh tụ của Viêm tộc là Hùng Dịch vì có công giúp khai sáng nhà Chu nên được phong chức Tử Nam, lập nên nước Sở gồm 6 tỉnh Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tây, Giang Tô, An Huy, Chiết Giang. Những dân tộc ở ba tỉnh Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tây vì giao thiệp với Hoa tộc nên dần dần văn hóa in rập văn hóa của Hoa tộc. Còn ba tỉnh An Huy, Giang Tô, Chiết Giang (Giang Đông) vì bế quan tỏa cảng nên giữ nguyên vẹn ngôn ngữ, phong tục tập quán xưa.

Đến đời Chu Hoàn Vương (717-696), Hùng Thông tự lập làm Sở Võ Vương nên sau đó ít lâu những dân Viêm tộc ở ba tỉnh Giang Tô, An Huy, Chiết Giang cũng tách ra lập nên nước Ngô, nước Việt. Cả ba nước này Sở, Ngô, Việt đều một gốc của tổ tiên ta xưa, nhưng không may vì ý thức quốc gia chưa đủ mạnh nên ba nước họ hàng liên miên đánh phá nhau: năm 508 quân Ngô vào kinh đô Sở là Dĩnh đô diệt hoàng tộc họ Hùng.

Năm 473 Việt diệt Ngô.
Năm 334 Sở diệt Việt.

Mỗi lần một nước bị diệt là có một nhóm di cư xuống Bắc Việt, như vào lúc Ngô phá Sở diệt họ Hùng Vương thì một chi nhánh của họ này chạy xuống Bắc Việt cùng với những nhóm Viêm tộc đến đây trước lập nên nước Văn Lang truyền 18 đời đến năm 258 bị nhà Thục thôn tính. Trên đây là tóm lược một số giả thuyết đã quen (và một phần mượn trong bài Nguồn gốc dân tộc Việt Nam của ông Hoàng Xuân Nội đăng trong tạp chí “Văn Hóa Á Châu” tháng 8/1960). Theo một vài tài liệu khác thì tiền sử nước ta đại khái có thể chia ra ba giai đoạn sau:

Thời đại Thái Sơn thuộc rẫy Thân Lĩnh. Đây là giai đoạn Tam Hoàng mà vua cuối cùng là của Việt tộc tên Thần Nông cũng có hiệu là Liệt Sơn cùng với Thái Sơn một nghĩa. Thần Nông dạy dân cày bừa, nên gọi là Địa hoàng. Trước đó có Toại Nhân phát minh ra lửa nên gọi là Thiên hoàng, rồi tới Phục Hy dạy cách chăn nuôi làm ra bát quái nên gọi là Nhân hoàng. Còn Nữ Oa hoặc là vợ Phục Hy hay như bóng dáng Nghi Mẫu của thời Nam Nữ phân quyền.

Thòi đại Ngũ Lĩnh: Đời Viêm Đế thứ ba vì sức bành trướng của Hoa tộc Đế Minh truyền ngôi cho con là Đế Nghi rồi đem một số bộ lạc Miêu và Thái đi xuống vùng năm hồ năm núi. đấy là cuộc Nam tiến thứ nhất lập ra nước Xích Quỷ gồm ba hệ:

-            Hệ Âu Việt (Thái) ở Tứ Xuyên, Quý Châu, Vân Nam, Miến Điện.
-            Hệ Miêu Việt ở giữa thuộc các tỉnh Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tây.
-            Hệ Lạc Việt ở Chiết Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây, Bắc Việt, Trung Việt (1).

Thời đại Phong Châu: lập ra Văn Lang… tiếp đến là Hán thuộc.

(1) về ít điểm sử địa khác luật Trung Hoa cổ đại vẽ theo khung Lạc Thư.

Ngoài ra còn có nhiều thuyết như của ông Aurousseau (Befeo XXIII) cho rằng nguồn gốc Việt Nam do Chiết Giang tản cư xuống thì cũng chỉ đúng có một phần rất nhỏ. Ta có thể nói từ tất cả các vùng nước Tàu đều có người đến định cư ở Việt Nam, xa như nước Lỗ mà còn có Sĩ Nhiếp, Triệu Đà v.v… thì nhất định trong nhiều ngàn năm trước đã có những cuộc di cư như thế. Những câu chuyện đi lại của Đế Lai, Đế Nghi, Âu Cơ v.v… hẳn là chỉ những cuộc di cư này đã có ít ra lối năm ngàn năm, vì người ta đã tìm thấy dấu tích người Mông Cổ ở thời Thạch khí Hòa Bình và Bắc Sơn. Trong hang gọi là Tam hang bà Colani tìm thấy 7 cái sọ thì đã có 2 sọ thuộc Anhđônê lai Mông Cổ, một sọ lại ba giống Anhđônê, Mông Cổ, Tam Pong, thì phải kết luận là họ đến cư ngụ đã lâu đời để có thể sống chung thân cận như vậy. Vì thế khi huyền sử đặt Hồng Bàng trước Hoàng Đế 182 năm thì nước Văn Lang cũng đã bao hàm cả Bắc Việt, tuy rằng Văn Lang còn nằm trong vùng Kinh Sở, nên 18 đời Hùng Vương là thuộc nước Sở, tuy rằng đã trở thành linh tượng (tức vượt không thời gian). Dấu hiệu đã hiện ra rõ rệt với những con số 18. 18 là hai lần 9 mà 9 căn 3 tức là con số của Tam Miêu cũng là Viêm tộc. Con số 18 là con số huyền niệm làm liên tưởng đến 18 ngàn năm tiến hóa của Bàn Cổ. Truyền thuyết Tây Tạng nói vũ trụ sinh ra do một cái trứng lớn, trứng lớn sinh ra 18 trứng nhỏ. Phù Đổng Thiên Vương xin vua Hùng Vương đúc cho con ngựa sắt cao 18 thước… Vì thế nếu thật nước Sở đã có 18 đời Hùng Vương thì đó là sự tình cờ gặp gỡ với số huyền niệm, hoặc rất có thể sử gia nước Sở đã đẽo gọt cho các đời vua ăn khớp với số 18. Ngoài con số 18 còn nhiều dấu khác, theo sách Việt sử lược (viết vào thế kỷ 15) thì Hùng Vương là con người khác thường có tài dùng huyền thuật nên cai trị được các bộ lạc… (hữu di nhơn yên dĩ huyền thuật phục chư bộ lạc, tự xưng Hùng Vương, đô ư Văn Lang, hiệu Văn Lang quốc). Theo truyền thuyết này ta thấy rõ Hùng Vương đã trở thành linh tượng của huyền sử mà những chữ dị nhân chỉ hiền triết, còn huyền thuật chỉ Lạc thư, tức là sách bao gồm nền Minh triết dạy trị nước theo Trí nhân, mà cho được như vậy phải có đức hùng dũng (trí, nhân, dũng). Còn nước được cai trị theo lối đó gọi là Văn trị, tất nhiên phải gọi là Văn Lang để đối đầu với lối trị bằng pháp hình phát xuất từ du mục. Các con số Lạc thư cộng chiều nào cũng ra 15, nên Hùng Vương chia nước ra làm 15 bộ, vậy thì 15 bộ ở đây cũng chỉ là những tên huyền sử, người sau có đem đặt cho những miền ở Bắc Việt đi nữa thì đó cũng chỉ là một lối dùng tên xưa đặt cho địa vực mới, y như trường hợp đem các tên mạn bắc thí dụ “Hành Sơn” ở tỉnh Hồ Nam bên Tàu đặt cho dãy núi ở nước ta. Nếu người nay không tìm ra địa vực của những tên đó như Văn Lang, Việt Thường, Bình Văn… bên Trung Hoa cổ đại, thì không nên vội kết luận ngay rằng xưa đã không có đâu gọi như thế. Hoặc không có đâu gọi thế càng hay vì càng rõ tính chất huyền sử của danh hiệu. Sau này có những người không hiểu rồi làm sai lạc ý nghĩa đi thì đó là chuyện thường. Vậy những chủ trương loại Maspéro nói Hùng Vương chính là Lạc Vương viết sai… đều không lưu ý tới huyền sử. Giả có sự sai đó thì cũng chỉ là một sự sai của người xưa điều đó không xóa bỏ nổi truyền thuyết 18 đời Hùng Vương được. Nên nhớ rằng ngay từ xưa đã có nhiều dòng lưu truyền và nhân đó cũng đã có nhiều lối giải thích, những lối giải thích nào phù hợp với văn hóa nông nghiệp chống văn hóa du mục là lối giải thích hợp đồng văn lịch sử Viễn Đông nhất, và đó là trường hợp những trang huyền sử của Việt Nam cũng là những trang sử của văn hóa, một nền văn hóa đã mở rộng tự Bắc tới Nam và được trình bày trong những sách mang danh hiệu huyền sử cách công khai như Việt điện u linh hay Lĩnh Nam trích quái, thì những chữ U linh hoặc trích quái nói lên rõ tính chất huyền sử. Nói là huyền sử vì nó chỉ thị một nền văn hóa lớn lao đã có từ lâu đời và gắn liền với nước Việt Nam như một sử mệnh. Nói khác theo huyền sử thì nước Việt Nam được nhìn dưới hai khía cạnh, một là sử với bờ cõi nhỏ hẹp của vài ba chân ở mạn Nam nước Tàu và mới khai quốc từ Triệu Đà, nhưng ngoài ra còn một khía cạnh khác nữa là huyền sử với bờ cõi rộng bằng với nền văn hóa nông nghiệp được biểu thị bằng hai chữ Văn Lang với 18 đời Hùng Vương đã xuất hiện trước lịch sử lối 3 ngàn năm. Vậy khía cạnh này không được sử gia kể tới là chuyện dễ hiểu: sử ký Tư Mã Thiên chỉ nói Lạc Vương mà không nói Hùng Vương vì ông là người quá lý trí (như Chavannes đã nhận xét) nên gảy bỏ các chuyện huyền thoại, vả ông là sử gia nhà Hán thì đời nào ông chịu nhận Hùng Vương của Việt Nam vì như thế là gián tiếp truy nhận lãnh thổ cũ Việt Nam nằm sâu trong nước Tàu. Đến như sách “Giao Châu ngoại vực ký” thế kỷ 3-4 cũng chỉ có thể nói Lạc hầu mà không thể nói Hùng Vương vì nếu nói là vượt địa vực “Giao Châu” cũng như vuợt mục đích là ký (tức ký sự về một miền: monographie). Còn truyện Thẩm Hoài Viễn (thế kỷ thứ 5) đã thay Lạc vương bằng Hùng Vương trong quyển “Nam Việt chí” cũa ông ta thì đó là điều tỏ ra ông là người duy lý nên đã dùng chữ Hùng Vương mà giải nghĩa Lạc Vương một cách duy vật bằng mùi đất “đất có mùi hùng nên gọi là Hùng Vương!” Thế là cũng như các duy sử khác chọn bỏ một: chọn Hùng Vương bỏ Lạc Vương. Đó là một sai lầm trái với truyền thống có tính cách tâm linh tức giải nghĩa bằng những yếu tố theo người, người lạ thường có tài dùng huyền thuật… như lối giải nghĩa của “Việt sử lược” (lối thế kỷ 14). Lối giải này thuộc dân gian vẫn được duy trì và cuối cùng được ghi lại trong sách “Lĩnh Nam trích quái” (thế kỷ 14-15) trong đó trưởng nam cai trị xưng là Hùng Vương, các em chia nhau người làm Lạc hầu, người làm Lạc tướng (Hùng trưởng vi vương, hiệu viết Hùng Vương thứ vi Lạc hầu Lạc tướng…). Trưởng nam đây phải hiểu vào thời hơn hai ngàn năm trước, còn các em là vùng Âu Lạc ở Bắc Việt thuộc đời sau đã đi hẳn vào lịch sử. Hùng Vương thuộc vòng trong = văn hóa tâm linh, Lạc hầu thuộc vòng ngoài chính trị là phạm vi sử ký. Ngô Sĩ Liên tiếp nhận cả hai khía cạnh vào quyển “Đại Việt Sử ký toàn thư” là đi đúng với sự thực toàn diện, chỉ không may mắn ở chỗ ông muốn dùng lý lẽ để biện hộ cho những sự việc thuộc huyền sử, vì làm như vậy là ông cũng đã ghé sang duy sử tức chọn một bỏ một bằng cách giản lược huyền sử vào lịch sử. Nếu ông chỉ kể lại huyền sử và đặt ở phần ngoại kỷ được tần cùng trước Triệu Đà rồi đừng giải nghĩa chi hết, thì không ai bẻ ông được. Tuy nhiên dù ông có lầm lẫn cũng như giả sử có sự lẫn Lạc Vương ra Hùng Vương đi nữa thì đó là sự lầm lẫn của một vài sử gia, không thể vì đó mà chối tuột đi được mối liên hệ giữa Việt Nam với những dân gọi là Viêm tộc, Tam Miêu, Bách Việt xưa kia đã sống từ mạn bắc nước Tàu và thiên di xuống phía nam, vì đã để lại quá nhiều chứng tích trong sách vở, thể chế thói tục như sẽ bàn trong sách này. Ở đây chỉ xin nêu ra một số điểm lấy ngay từ những di tích khảo cổ tìm được ở Bắc Sơn, Đông Sơn mà các nhà tân học thường mần ngơ, hay có lẽ đúng hơn là không nhìn ra vì tôi chưa thấy một học giả nào trong nhóm tân học đã nắm vững cơ cấu nền văn hóa Văn Lang, thì tất nhiên là không nhìn ra. Sau đây là một số điểm.

Trước nhất là khu vực của trống đồng Đông Sơn rất rộng nó gồm ít nhất là Hoa Nam, miền sông Hoài, Chiết Giang và lan sang đến Đài Loan, Nhật Bản… như vậy là nó rộng tương đương với bờ cõi nước Văn Lang. Các nhà duy sử hình như quên đi rằng những sọ người Mông Cổ đã gặp được ở cổ Việt ít ra lối hai ba ngàn năm trước kỷ nguyên nghĩa là suýt xoát thời “khai quốc” của  họ Hồng Bàng, và hầu chắc đã đóng vai trò văn hóa quyết liệt, bởi vì những yếu tố nổi nhất trong trống đồng đều có thể giải nghĩa liên hệ đến nền văn hóa Viêm tộc. Sau đây là ít thí dụ: trước hết là hình vẽ vòng tròn có chấm, hình trôn ốc kép bởi chữ S thì theo ông Bernhard Kargren bắt nguồn từ những miền thuộc Mông Cổ như Ordos, Tagar rồi đi qua Trung Hoa để đến Đông Sơn (Bulletin of the Museum of Far Eastern Antiquities 1942 p.390) (1)

Thứ đến là ngôi sao ở giữa trống đồng thường được các nhà khảo cổ giải nghĩa về sự thờ mặt trời… thì điều đó rất có thể liên hệ với Viêm tộc cũng gắn liền với mặt trời như sẽ bàn sau (Xích Quỷ, Nhất Nam)

(1) Ý kiến ông B.Kargren đi ngược hai ý kiến của ba ông Olov Jansé, Geldern, Victer Goloubew cho các kiểu vòng tròn có chấm và có tiếp tuyến, kiểu xoắn hình chữ S bắt nguồn từ Âu Châu (Hellstatt) đi qua Caucase qua Mông Cổ để truyền xuống Đông Sơn. Chúng tôi cho ý kiến trên rất đuối lý vì có những dữ kiện khác như lối vườn gọi là của Trung Hoa gặp thấy bên Ba Tư. Trong vườn có một hồ nước, giữa hồ có một đảo hình thần Kim Quy mệnh danh là “Vạn Phúc Sơn” trên đó có trồng nhiều hàng thông theo các số của Lạc Thư

4  ------  9          2
3  ------- 5 ------   7
8          1 ------   6

(Xem René Grousset- Henri Massé. L’âme de l’Iran p96-97)           

Tuy hình ma phương có số 5 ở giữa này gặp thấy cả ở Ba Tư, Hồi Giáo và Trung Hoa, nên không rõ nó khởi đầu phát xuất từ xứ nào. Nhưng nếu ta theo sự đâm rễ sâu và do đó sự ngự trị của nó trên nền văn minh liên hệ thì phải nói nó phát xuất từ văn hóa Nho Việt một nền văn hóa y cứ trọn vẹn trên Lạc Thư (như sẽ bàn trong quyển Lạc Thư Minh triết). Cái vườn Trung Hoa nói trên chỉ là sự rập khuôn của cái Hàm Trì hay là “hồ Động Đình” trong hồ nước tròn có cái nhà (đình) vuông. Và không là chi khác hơn là Hà Đồ Lạc Thư hay mẹ tròn con vuông tức là nền móng văn hóa. Còn cái vườn Trung Hoa bên Ba Tư có thể mới chỉ là một biểu tượng mới được sáp nhập, chưa đâm rễ sâu vào nền văn hóa Ba Tư được như Lạc Thư đối với nền văn hóa Nho Việt, trờ thành Nguyệt lệnh, Linh đài, Linh chiểu, Bích ung. Có thể kết luận như thế về hình tròn có chấm v.v… nhất là ý kiến của các ông Jansé, Geldern. Goloubew nằm trong chủ trương mọi yếu tố văn minh đều phát xuất do Âu Châu. Một ý kiến hỗ trương cho óc đế quốc thực dân, nên rất đáng nghi ngờ.

Yếu tố quan trọng thứ ba là giống chim cao cẳng dài cổ quả là có liên hệ với giống chim nước được ghi lại trong hai chữ Hồng Bàng (như sẽ bàn sau trong danh hiệu Xích Quỷ), chim hay đi kèm vật tổ tiên, nên chim với tiên vẫn đi đôi. Có người muốn thay Hùng Bàng vào Hồng Bàng, điều đó không cần: Hồng Bàng sửa soạn cho Tiên Rồng, cho Hùng Vương, chữ Hùng viết với bộ chuy bao hàm hồng đều là chim Việt điểu.

Thứ tư là ngôi sao tám cánh có thể là hình Lạc Thư biến thái (8 trù với vòng tròn chỉ Hoàng cực) vị chi cửu trù.

Năm là 4 con chim chung quanh có thể là ngũ hành (vòng giữa là hành thổ).

Sáu là cái trống và chiêng do người đàn bà đánh nhịp làm liên tưởng tới cái cồng (thay cho trống) đi với bà khác với lệnh của ông (xem bài VIII “khi văn minh cồng gặp văn minh lệnh). Trong đó các bà gõ nhịp là giai đoạn mẫu hệ mà Lĩnh Nam trích quái nói “Âu Cơ cùng với bộ chúng thị thiếp ở lại hành tại”. Hành tại là có ý chỉ giai đoạn các bà làm chủ, con chưa biết cha, vì chưa có phép cưới nên chồng bà Âu Cơ có thể là Đế Lai rồi sau là Lạc Long Quân. Mấy ông thanh giáo cho đó là chuyện trái phép là vì không hiểu truyện huyền sử đó chỉ thời kỳ săn câu, đàn ông chuyên môn ở dưới biển hay trong rừng. Lĩnh Nam nói “Đế Lai chu lưu khắp thiên hạ trông thấy kỳ hoa dị thảo (rừng) quên cả ngày về”, “Long Quân ở lâu dưới thuỷ phủ”. Đó là giai đoạn bắt cá (của Lạc Long Quân) và săn thú rừng (của Đế Lai)… Đàn bà ở lại nhà một mình làm chủ tịch và tiếp các đàn ông đi qua. Giai đoạn này dân nào cũng trải qua trước khi bước vào nông nghiệp. Vì Viêm tộc đi vào nông nghiệp trước Hoa tộc nên có dị biệt giữa hai nền văn hóa. Điều đó được ghi lại trong sách Lĩnh Nam như sau: “Lạc Long Quân nói với Âu Cơ ta thuộc thuỷ tộc, nàng là giống tiên, phương viên bất đồng, thuỷ hỏa tương khắc, khó mà ở với nhau lâu được. Bây giờ phải li biệt: ta đem 50 trai về thủy phủ, còn 50 trai khác theo mẹ về Phong Châu (bây giờ là huyện Bạch Hạc) v.v… Đọc trang huyền sử này ta thấy rõ hai nền văn hóa Bắc Nam, thuỷ Bắc hỏa Nam, vuông Bắc tròn Nam, bánh dầy để trên bánh chưng tức là lúc bà còn trên ông, cồng còn hơn lệnh vuông hoặc dài. Bạch Hạc là nhắc lại vật biểu chim, nói “bây giờ là huyện Bạch Hạc” thì đã gây mầm lẫn lộn huyền sử với lịch sử. Chữ Bạch Hạc phải hiểu như các chữ Cửu Châu (cửu lê) Nhật Nam, Bình Văn (= dùng văn mà bình trị) nếu gán cho một nơi thì chỉ là đem việc lớn áp dụng cho việc nhỏ, rất nên ý tứ kẻo làm hại ý nghĩa của huyền sử tức cũng là nghèo nàn hóa di sản văn hóa của dân tộc.

Đó là vài ba “sự kiện” đưa ra để nói lên rằng huyền sử cũng có nền móng của nó và gắn liền ngay với những nền móng của lịch sử, nhưng lại tỏa ra rộng hơn, nên muốn hiểu rõ hơn cần phải vận dụng nhiều tài liệu khác để đáp ứng cho những vấn đề khác thí dụ giống người Anhđônê tìm được ở Bắc Sơn có cùng một họ hàng với Tây Man thiên di xuống Thái Lan, Miến Điện, hay với giống Tây Tạng… hay họ là một giống khác hẳn với Hoa, Viêm, Tạng v.v… Để trả lời điều đó cần phải có những đóng góp của các khoa địa chất, dân tộc học, thổ tục học và ngôn ngữ học được thực hiện trong những miền Tây Khương, Thanh Hải, Vân Nam, Thái, Miến, A Xam là những dữ kiện hiện chưa có. Nhưng giả sử một ngày kia sẽ có thì đó cũng chỉ là những dữ kiện của khảo cổ không biết nói, nên kém lịch sử, cũng như lịch sử có nói nhưng không sống nên hẹp hơn văn hóa. Văn hóa mới sống thực và chính vì sống nên uyển chuyển linh động và vì thế phải nói bằng huyền thoại để có thể hợp cho nhiều thời đại xưa cũng như nay. Và vì thế khi bước vào lãnh vực văn hóa là chúng ta bước vào lãnh vực sống, nền tảng của nó sống hơn nền móng của lịch sử và khảo cổ, do đó cũng thích thú và di dưỡng tâm hồn rất nhiều. Còn tất cả những dữ kiện thuộc tiền sử, khảo cổ, nhân chủng học nhắc đến trên đây đều chỉ có một giá trị hoàn toàn tương đối và giả thuyết. Tuy nhiên trong mớ những giá thuyết những dữ kiện bấp bênh ta thấy nổi lên một thực thể lớn lao là nền văn hóa chung cho các hệ tộc tuy đầy tính cách tiểu dị nhưng vẫn hàm chứa một nét đại đồng lớn lao mà có người gọi là nền văn hóa Môn, còn tôi kêu là Việt Nho. Lẽ ra phải chú ý đặc biệt điểm này, nhưng cho tới nay chỉ có các tiểu tiết được lưu tâm còn phần đại đồng lại bỏ dở. Vì thế vẫn không vượt qua được vòng giả thuyết để tiến đến miền nền móng. Đó là điều chúng tối thử khởi công từ các chương sau trong sách này cũng như vài ba tập sau.

 Chú thích về ít điểm sử địa khái quát thuộc Trung Hoa cổ đại
vẽ theo khung Lạc Thư

Hình vẽ

Ung Châu:       Thiểm Tây và Cam Túc có Hắc thuỷ, Nhược thuỷ…
Kí Châu:           Sơn Tây kinh đô Đường, Ngu, Hạ
Duyện Châu:   Sơn Đông, nước Lỗ, Tề, Thái Sơn
Lương Châu:  Tứ Xuyên phía Tây Nam Thiểm Tây
Dự Châu:         tỉnh Hồ Quảng giữa Kinh Sơn và Hoàng Hà có sông Y, Chiền, Lạc.
Thanh Châu:    Sơn Đông
Kinh Châu:       Hồ Quảng giữa núi Hành Sơn và Kinh Sơn
Dương Châu:  Giang Nam gồm cả Thái Hồ
Từ Châu:         giữa núi Đại và sông Hoài

Bản đồ gồm có 6 tỉnh Hoàng Hà và 7 tỉnh Trường Giang bên dưới còn 5 tỉnh Việt Giang nữa vị chi là 18 tỉnh. Trong 18 tỉnh đó Viêm tộc chiếm 16 còn Hoa tộc chỉ chiếm được có Cam Túc và Thiểm Tây (lãnh vực của Hoa nhạc) sau lan tỏa ra dần đến Kí Châu rồi Duyện Châu, đẩy lui khối người lớn lao gọi chung là Viêm Việt tiến dần xuống phía nam. Khối người đó ta có thể quy ra theo lược đồ đại để như sau

Viêm Việt
Anhđônê          Mon-Khmer                Âu Việt           Miêu Việt                   Lạc Việt
(Mán, Thổ           (Cao-Miên                     (Miến Điện         (Mèo, Mán)                    (Việt Nam
Nam Dương)       Chàm)                           Thái Lào)                                               Mường)           

Xem La Chine Antique H. Maspéro từ trang 4-23 có rất nhiều yếu tố gặp ý kiến trên đây. Thí dụ trang 4 nhấn mạnh về sự nước Tàu sơ khai bé xíu so với khối dân phía Nam…

Trang 15 tác giả cho ngôn ngữ Tàu khác hẳn với các dân phía Bắc: Mãn, Hồi, Mông, nhưng có nhiều yếu tố giống với các dân mạn Nam như độc âm, hệ thống lên giọng, danh từ với động từ như nhau… (xin nhường cho các nhà ngôn ngữ học). Trang 16 sự giống với các dân miền Nam hơn hết là về văn hóa, tôn giáo nên tác giả nhấn mạnh đến mối liên hệ văn hóa giữa Hoa và Viêm. Do đó sau này khi Hoa tộc chiếm các tỉnh phía Nam thì chỉ là chiếm về đàng chính trị, còn văn hóa vẫn là một, khác nhau ở tiểu tiết. Vậy thì có thể đưa ra ba kết luận:

-            Viêm Hoa cùng phát xuất từ một gốc văn hóa
-            Viêm tộc mượn văn hóa của Hoa tộc
-            Hoa tộc mượn văn hóa của Viêm tộc.

Xem ra cả ba đều có một phần sự thật. Kết luận đầu tiên có một phần xa xôi. Kết luận 2 đúng về tiểu tiết vòng ngoài. Kết luận 3 mới đúng đại đồng vòng trong vàchỉ có kết luận 3 mới giải nghĩa được một số khó khăn chưa được giải quyết thí dụ phận dã nước Việt, và giúp tìm ra ý thâm sâu của vô số truyện truyền kỳ, và nhân đó thiết lập được nền quốc học có căn bản vững chắc như sẽ bàn dịp khác.

                       Ngũ Nhạc

                          Hằng
  Hoa                 Tung                Thái
                          Hành

Ngũ hành là 5 ngọn núi xếp theo cung ngũ hành.

Hoa Sơn nằm trong tỉnh Thiểm Tây thuộc Hoa tộc
Thái Sơn trong tỉnh Sơn Đông địa vực của Việt và Thái cũng gọi là Đại tông
Hằng Sơn trong phía Bắc tỉnh Sơn Tây
Hành Sơn phía Nam tỉnh Hà Nham
Tung Sơn hay Trung Nhạc tỉnh Hà Nam.

Tam Hà là:       Hoàng Hà lựu vực miền Hà Nội
                        Hoài Hà lưu vực miền Hà Đông
                        Lạc Hà lưu vực miền Hà Nam

Lạc Hà đóng vai quan trọng vì nằm ở Trung cung (Dự Châu), nên cũng như Tung Sơn, làm nên Thái Thất, Văn Tổ, Nghệ Tổ v.v…

Kim Định
Nguồn:  http://www.anviettoancau.net/anviettc/index.php?option=com_content&task=view&id=3009

0 nhận xét: