Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2011

Khi Văn Minh Cồng Gặp Văn Minh Lệnh

Thì ai cũng tưởng là lệnh ông sẽ được cồng bà nhưng té ra không, là vì cồng bà đã có lâu đời lắm, trước cả từng nhiều ngàn năm, mãi sau này lệnh ông cùng với Hoàng Đế mới tràn vào, thì bề ngoài lấn át bằng võ lực nhưng bề trong lại dần dần bị chinh phục do văn minh cồng. Và ngày nay khi chúng ta nói lại câu tục ngữ “lệnh ông không bằng cồng bà” thì có ai ngờ rằng câu ấy biểu lộ một sự gặp gỡ xa xăm giữa hai nền văn minh lệnh của du mục và cồng của nông nghiệp. Và một sự kiện duy nhất trong lịch sử văn hóa nhân loại đã xảy ra là “lệnh ông không bằng cồng bà”, ngược hẳn với thường tình trên thế giới là lệnh lấn át hẳn cồng: đâu đâu phụ hệ cũng đã đánh bật mẫu hệ. Trừ có bên Viễn Đông.

Ngày nay ai cũng cho rằng địa vị đàn bà Đông phương kém địa vị chị em Tây phương quá xa. Nhiều học giả cũng quyết như thế nhưng dù có bao nhiêu học giả phụ họa đi nữa thì câu nói trên cũng chỉ là đại chúng nghĩa chỉ thấy có cái trước mắt mà không xét toàn toàn bộ và theo hoàn cảnh thời gian. Nếu làm thế sẽ thấy câu trên chỉ thật có lớp vỏ ngoài còn phải vươn lên hai đợt nữa mới tìm ra nét đặc trưng chân thực. Vậy lớp vỏ ngoài cùng là sự giàu sang. Chúng ta nên nhận xét cho kỹ bất cứ ở đâu hễ kinh tế lên thì đàn bà cũng lên. Thực ra không cứ đàn bà mà nhiều cái khác cũng lên, xin được phép kể đến chó. Chó Tây cũng lên theo đà cao hơn nhiều người bên ta vì chúng cũng xe hơi nhà lầu và khi chết cũng có mộ được xây cất mỹ thuật trong một nghĩa địa dành riêng cho chúng. Khi còn ở Paris tôi hay vào đấy để suy nghĩ về số phận các nước kém mở mang, trong đó không những đàn bà mà cả đàn ông, cả thứ đang đi học triết cũng chưa với tới nếp chết của chó Tây, còn phải nhờ đến nghĩa địa chó để hút một mớ không khí trong lành dễ làm vốn cho những lúc phải ở căn nhà chật hẹp.

Lớp vỏ thứ hai phải vượt qua là Hán nho. Hán nho đề cao quyền cha lấn át quyền mẹ, vì thế địa vị đàn bà Đông phương có nhiều chỗ thấp kém thiệt thòi. Nhưng văn hóa Viễn Đông là một nền văn hóa vừa lâu đời vừa phiền toái nên không phải chỉ có Hán nho mà còn Việt nho. Vậy cần phải vượt qua lớp vỏ Hán nho nữa thì mới nhìn ra được sự thật. Nhưng thường thì học giả không đi tới đấy, nên thường so sánh một cách thiếu phương pháp… Nếu làm thế họ sẽ thấy thí dụ các bà góa bên Viễn Đông có quyền làm chủ cơ nghiệp thay cho chồng (bên Tây lúc đó chưa được). Và sẽ thấy không đâu các bà thái hậu lớn quyền bằng bên Viễn Đông… là vì các bà ăn tự được lòng kính nể mà văn minh Viêm tộc đã dành cho các bà xưa lúc còn sống trong tình trạng thị tộc (Civ. 151).

Và cuối cùng nếu có học giả nào biết đi lên tới nấc siêu hình thì còn bỡ ngỡ hơn nữa vì sẽ nhận ra địa vị đàn bà Tây phương còn kém xa chị em Viễn Đông. Bởi vì trong cái khúc quanh lịch sử vĩ đại tranh giành ảnh hưỡng giữa ông và bà, thì các bà Viễn Đông đã không để cho các ông lấn át và đã thành công vẫn chung tay nắm chính quyền chứ không bị đánh bật ra như các chị em bên Tây phương. Đây là một châ lý thuộc huyền sử, nên chúng ta phải dùng đến thần thoại, theo đó ta thấy đang khi các bà Pandore hay Eva phải mang hết trách nhiệm gây nên mọi tội lỗi trong thế gian, thì bà Nữ Oa đàng hoàng cần cái quy tròn (cồng cũng hình tròn) còn Phục Hy chỉ được cầm cái lệnh (dài hay vuông). Cần nói ngay rằng đây không phải là một huyền thoại rỗng, nhưng biểu thị giai đoạn mà ta phải gọi là giai đoạn “Bố Cái đại vương” cả bố lẫn cái (mẹ) đều làm vua trong địa hạt của mình: “bố ngoại cái nội”. Bố tiến quân thì đánh trống, mẹ hô lùi thì khua chiêng (Quốc phong bài 184 Thái khỉ). Về sau có những thời người ta dùng lệnh thay trống, dùng cồng thay chiêng, và câu “lệnh ông không bằng cồng bà” được đổ khuôn vào lúc cồng lệnh thay cho chiêng trống (có lẽ xảy ra cùng giai đoạn đồ đồng thay cho đồ đá mà cũng đã có chiêng. Nhưng xem ra quyền đánh còn nằm trong tay các bà). Chữ “không bằng” có lẽ chỉ lệnh vua thuộc văn minh Viêm tộc đã có lâu trước. Đã có tổ tiên họ mẹ (ancêtres maternels) của Viêm tộc lâu trước khi có tục nhận tổ tiên theo cha (ancêtres mâles) của Hoa tộc (Civ. 373). Văn minh cha này sẽ vào đàn áp văn minh mẹ. Cho đến nay chúng ta không còn nắm được nhiều xử liệu để phác họa lại guồng máy cai trị của một thị tộc hoặc bộ lạc của Viêm tộc lúc đó như thế nào, chỉ biết rằng địa vị đàn bà lúc ấy vượt địa vị đàn ông trong nhiều điểm. Thí dụ lớn nhất là mẹ của một dòng tộc được tôn trọng hơn cả nhà sáng lập ra nước, bởi đó con cái tính theo họ mẹ, chữ tính viết với bộ nữ là bắt nguồn tự thời này. Thời ấy các vua kế nghiệp vẫn tính theo họ mẹ. Hoàng Đế là Hiên Viên thị đến đời Thiếu Hạo kế vị lại thuộc Kim thiên thị, rồi Chuyên Húc thuộc họ Cao Dương thị… Đó gọi là quyền họ mẹ (le droit utérin) thắng quyền họ cha (droit agnatique). Về sau khi họ cha của Hoa tộc thắng thế với thể chế tông pháp nhất là tự đời Chu, thì cũng vẫn phải nhượng bộ nhiều cho họ mẹ có tính cách công thể (le droit communautaire se révèle plus puissant que le droit patriarcal. Danses 13-14). Quyền họ mẹ là quyền công thể: nói là mẹ mà thực ra là một đàn mẹ, nên cólẽ thành ngữ đàn bà, đànông là dấu vết giai đoạn công thể tối sơ này (la maternité est collective. Danses 15) và khi nói bà Âu Cơ đẻ ra trăm con thì có thể hiểu theo nghĩa đen là rất nhiều con được sinh ra do một đàn bà gồm ít nhất là ba bà vì phải có ba nhà mới làm nên một tộc. Chính đó là giai đoạn của đàn bà, chứ đàn ông không đáng kể, ít ra về cách tính họ. Đây là thời có nhiều truyện các bà không khiến đến đàn ông, mà vẫn đẻ đái lu bù. Đây cũng là một yếu tố giúp chóng xóa nhòa bờ cõi chủng tộc, rất nhiều ông Hoa tộc lấy bà Viêm tộc, có khi lấy cả một đàn bà gồm nhiều chị em một trật, và thế là quyền bính bị các bà san sẻ. Ngày nay khi ta chỉ tổ quốc bằng danh từ Đất Mẹ, Quê Mẹ là dùng những danh từ mãi từ đời Viêm Việt vậy.

Cũng phải kể vào thời này tục cưới rể (chữ Nho trước kêu là chuế lễ (chữ hán) sau gọi là nhập chuế (chữ hán) (Danses 17 Socio 201). Theo tục đó thì khi lấy nhau trai phải về ở với gái. Có một lưu truyền cho rằng ông Thuấn đã theo lệ cưới rể là về ở với hai gái của vua Nghiêu ngoài ý muốn của bố đẻ là ông Cổ Tẩu (Danses 276) nên ông Tẩu cho Thuấn là bất hiếu và xử cách nghiêm ngặt. Tư Mã Thiên cho là ông Thuấn không đi ở rể. Dầu sao thì đã có vấn đề và thể chế cưới rể đã ghi dấu lại trong những câu truyện như Đế Minh tuần thú phương Nam lấy được Vụ Tiên. Đi tuần phương Nam là về ở với vợ theo lề lối văn minh phương Nam của Bách Việt, cũng như sau này Trọng Thuỷ về ở với Mỵ Nương và Nhã Lang về ở với Cảo Cương (Việt điện truyện Triệu Việt Vương). Chử Đồng Tử thảm nhất, đang khi vợ là Tiên Dung Mỵ Nương sang trọng như tiên mà Tử không có lấy nổi một cái khố thì biết đàn ông bị hạ quá xá! Ngược hẳn với phong tục Hoa tộc nơi con gái phải về ở nhà con trai “phụ phải tòng phu” vì phần nào phụ là của phu theo quan niệm văn minh Tây Bắc. Cũng vì lý do dó mà Tần Thuỷ Hoàng đã đưa quyền cha lên cùng cực và đẩy địa vị mẹ xuống thấp hẳn (Civ. 489) và do đấy cấm đàn bà góa không được tái giá. Cũng chính Tần Hoàng đã phát đóa trước lệ tục cưới rể nên bát phải cưới dâu (S.M.T II p.168). Tuy nhiên tục cưới rể vẫn cố sống ở nhiều nơi tới tận ngày nay (xem Le Mariage Chinois p. Hoàng). Nhất là phương Nam miền Lưỡng Việt, nên luật nhà Lê còn phải cấm đoán (Socio 201). Trước thời Việt Minh ngoài Bắc Việt nhiều nơi còn dấu tích “cưới rể” bằng tục “làm rể”: cưới rể là về ở hẳn với vợ, “tòng phụ” = theo vợ. Còn làm rể là chỉ về giúp bên vợ một hai năm kể như “đi thử”, để cuối cùng nếu không trượt viết thì được vào vấn đáp là cưới vợ về nhà mình. Đó là tục phương Nam tòng phụ = “chồng theo vợ” đã thích nghi với tục phương Bắc “tòng phu” vợ theo chồng. Hầu chắc câu “tam tòng” phát xuất từ đời Tần Hán tức là hai đời mà yếu tố Tây Bắc của Hoa tộc khởi đầu lấn át Viêm tộc tức cũng là “lệnh ông át cồng bà” và đó là Hán nho. Tuy nhiên Việt nho sẽ phản đối lại và đi tới giải pháp dung hòa được biểu lộ trong nghi thức “Đồng tế” tức lúc tế gia tiên phải có hai ông bà cùng tế với nhau thì lễ mới thành. Đây là thành công duy nhất, vì trên thế giới đâu đâu các bà cũng bị tước mất quyền tế tự. Tiếng Việt quen gọi vợ các ông lớn là phu nhân mà không phụ nhân thì có lẽ đó là dấu vết còn sót lại thuộc thời các ông phải Theo các bà. hai tinh thần Cồng của Viêm Việt và Lệnh của Hoa Hán được biểu lộ qua câu chuyện chinh Nam của Châu Mục Vương (lối thế kỷ 10  tr.d.l) người đầu tiên đã tuyên bố luật hình (xem kinh Thư thiên Lã hình và Tả truyện III. 208).

Sách Trúc thư kỷ niên (quyển 5) có kể lại câu truyện huyền thoại của Mục Vương nhà Chu cất quân xuống chinh phục các miền nước Việt, khi đến bờ sông Dương tử vì không có thuyền nên vua truyền bắt rất nhiều rùa chất lại làm cầu cho quân đội sang sông (giá ngoan đà dĩ vi lương)… Khi sang rồi nhân cuộc đi săn vua gặp người đẹp phương Nam tên là Thịnh Cơ liền cưới về làm vợ, và khi nàng chết vua làm ma rất long trọng… Đây chỉ là câu truyện huyền thoại cùng loại Đế Minh đi tuần phương Nam gặp Vụ Tiên, nói lên hai yếu tố Bắc Nam giao hội trong đó chất mẹ (cơ) hãy còn thịnh nghĩa là nổi vượt. Đó có thể coi là câu truyện thiên hạ đối với câu truyện thiên thượng nơi mà tất cả các con chim ô thước đã tự nguyện đứng sắp hàng làm thành chiếc cầu (ô kiều) cho Chức Nữ sang sông gặp Ngưu Lang trong đêm thất tịch. Câu chuyện cầu ô này sống dai dẳng lạ lùng trong dân gian và gợi hứng cho vô số văn gia thi sĩ. Tại sao câu chuyện cổ tích Việt tộc (1) đó lại có được cái mãnh lực truyền cảm thâm sâu như vậy? Thưa là vì nó nhắc lại cách huy hoàng tục lệ hội mùa xuân của Viêm tộc được tổ chức một năm một lần. Dân Viêm Việt càng khoái câu chuyện đó hơn nữa khi người xâm lăng dựa vào tiêu chuẩn phương Bắc để lên án là dâm loạn, nên tìm cách cấm đoán chê bai, bôi nhọ. Nhưng phương Nam đã chống trả cách thơ mộng. Ta biết rằng tinh thần phương Nam được đại diện bằng các loại chim, trong đó có chim thước không lông đầu, người ta truyền đời cho nhau rằng tội nghiệp lắm là những con chim thước, con nào cũng hỉ xả để giúp một tay bằng đưa đầu ra đứng sát vào nhau bắc thành ô cầu cho Ngưu Lang Chức Nữ gặp nhau. Tội tình chi đến nỗi mà Tây Vương mẫu phải rẽ thuý chia tơ! “Đò dọc quan cấm hả?” thì đã có đò ngang các em chèo hộ! Thưa xếp khốn chưa tìm ra chèo thì sao? Thì còn sao nữa. Tất cả tụi bay hãy sắp thành hang ngang hãy đứng khít lại với nhau. Mau kẻo sáng. Rồi! Xin hai anh chị tự nhiên cho vì việc ái ân rất ư là linh thiêng và khẩn cấp, xin cứ bước đại qua đầu chúng em mà đến gặp nhau. Có trọc hết mọi cái lông cũng hỏa mãn miễn chừng ta cứu vãn được hồn dân tộc là đủ rồi! Ôi hai chiếc cầu! Ôi hai nên triết lý. Cầu rùa của Mục Vương biểu thị cho nền triết dựa trên lý sự tự ngoài, tròng lên đầu lên cổ rùa người ta, còn cầu chim biểu thị sự tự nội tự tình, hòa hợp thống nhất. Chẳng ai phải bắt ép, để đến nỗi giẫm lên nhân phẩm nhân cách, thế mà cũng vẫn thiết tha tận tình, làm việc nhân đức đến sói cả đầu! Câu chuyện diễn tả một trong những bước thăng trầm khi hai luồng văn hóa giao thoa. Văn hóa bố và văn hóa cái. Bố là nền văn hóa Tây Bắc đi chinh phục phương Nam bắc cầu rùa cho bố sang sông, nhưng sang sông rồi thì Mục Vương lại gặp Thịnh Cơ, Đế Minh gặp Tiên Nữ cả hai đều bị nhu đạo đánh quỵ nghĩa là đến lượt nàng lại bắc cầu chim sang sông: không phải chàng sang nhưng chính nàng sang, cũng như cầu không bắc bằng rùa nhưng bằng chim: nhẹ nhàng hơn biết bao. Cao hơn biết mấy!

Hai câu chuyện trên gói ghém cách đầy thi vị nội dung hai nền văn minh phương Bắc và phương Nam, cả hai đã phối hiệp để cấu tạo ra nền văn minh Đông Á có cả Cồng lẫn Lệnh. Vua Mục đại diện cho Lệnh phương Bắc bắt rùa làm cầu rõ ràng nặng về lý, nặng về bạo lực; Chức Nữ biểu thị cho Cồng phương Nam nặng về tình, nên không bắt ép ai cả nhưng ô thước tự tình nguyện đến bắc cầu. Nhờ thế tình lý hết chống đối nhưng khởi đầu “âm dương tương thôi” gái làm chủ các lễ mùa xuân, mùa thu xin nhường quyền chủ tịch cho trai (về sau ngược lại). Việc chia quyền này sẽ trở thành việc “song thân đồng tế” trước bàn thờ tổ tiên: vua và hoàng hậu đồng tế trước bàn thờ tông miếu.

Nhiều học giả đời mới đề cao tình người, tình trai gái, coi như nét đặc trưng của Việt Nam để chống lại Nho giáo bị họ cho là đàn áp nữ giới bằng cái gông “tam tòng” mà không thấy rằng đó không phải là Nho giáo chống đối Việt giáo mà chính là Việt nho cùng chống đối văn hóa xâm lăng, chống đối văn minh thanh giáo của Tây Bắc. Như thế thì thực ra không phải Việt Nam hay Tàu chống Nho, nhưng sâu xa hơn là hai nền văn minh chống đối nhau: xã hội lý Bắc chống lại xã hội tình Nam, chống bằng cách xâm lăng đàn áp. Nhưng Cồng lại phục hưng được quyền ăn nói: “thưa ba má đời nay cái chi cũng phải chuyên môn mới làm nên chuyện, hai chữ hiếu trung phiền toái quá xin đề nghị: “chữ trung thì để phần cha, chữ hiếu phần mẹ, đôi con xin chuyên môn chữ tình”. Thế là với câu “đôi con chữ tình” nàng đã hạ bút ký thỏa hiệp chấm dứt việc văn minh tình chống văn minh lý. Và từ đấy văn hóa xây trên tình người theo lượng số “tham thiên lưỡng địa” trời ba mà đất có hai: văn minh Viêm tộc chiếm ba, còn Hoa tộc chiếm hai. Tuy sau này hai thành bốn để bóp cho ba ra một. Bốn đánh một không chột cũng què chân là khóc thương cho văn minh Viêm tộc “dịu dàng như tình mẹ mà bị các đợt văn minh lý bố áp đảo”. Đó là sa đọa. Còn ban đầu là mẹ đi trước. Aân đi trước Dương. Bà nổi lên trước ông. Vì tình cờ hay do sử mệnh mà việc đứng lên tranh thủ độc lập cho nước nhà lại cũng do các bà Trưng Triệu khai mạc lâu trước rồi mãi mấy trăm năm sau các ông mới lóp ngóp bò ra. Và sau này những bài thơ lãng mạn phóng khoáng nhất cũng lại do nữ giới. Phải chăng Hồ Xuân Hương là đại biểu của văn minh Cồng. Nền văn minh này còn nhiều đặc điểm khác thí dụ coi trọng kinh nghiệm (do đó kính lão) không kể dòng tộc: vì thế quyền bính quen trao vào tay những người lớn tuổi được tiếng là khôn không kể sang hèn, còn văn minh bố thì coi trọng dòng tộc quyền tước nên quyền bính thường được cha truyền con nối, về sau văn minh bố thắng trong những việc quan, nhất là ở cấp tối hậu tức nhà vua thì truyền tử thay cho truyền hiền của văn minh mẹ.

(1) Tôi gọi câu truyện Ngưu Lang Chức Nữ là của Việt tộc vì nó liên hệ với hai chòm sao Khiên Ngưu và Vụ Nữ vẫn được dùng để chỉ mốc giới nước Việt cổ đại. Sách “Hán thư địa lý chí” chép rằng: “Đất Việt thuộc về phận dã sao Khiên Ngưu Vụ Nữ Đế Minh lấy Vụ Tiên là lấy gái Việt. Ngày nay Thương Ngô, Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nam Hải và Nhật Nam đều thuộc về địa phận nước Việt, vua nước ấy thuộc dòng họ Vũ con thứ vua Thiếu Khang, phong ở đất Cối Kê.
Chỗ này đã có sự lẫn lộn mà các học giả không phanh phui ra được chẳng hạn tại sao “Tấn thư thiên văn chí lại cho hai sao Ngưu Nữ (Bắc phương) mà sách “Hán thư thiên văn chi” lại cho hai sao “Dực Chẩn”. Lê Quý Đôn đã không giải quyết được. Nếu ta nhận xét theo quá trình thiên di của nước Việt thì thấy không khó gì. Tấn thư (thuộc thời Xuân thu) nói theo lưu truyền xưa còn Hán thư nói theo hiện tại lúc ấy.

Kim Định

0 nhận xét: