Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2012

Nhịp Thiền Ngày Tết


NH
ỊP THIỀN NGÀY TẾT

Vụ sắm quà Giáng Sinh và Tết Tây chưa xong đã tới Tết Ta. Lại quà cáp đi tết và phong thư đỏ lì xì, hao tổn hầu bao quá! Sang đây người Việt mình phải ăn hai cái tết, nên buồn hay nên vui? 

Tết Tây thì tưng bừng hoa lá cành, được nghỉ dài dài, có lễ nghi tiễn đưa năm cũ đốt pháo inh ỏi với bài hát 'tò te con ve đánh đu tạc dăng nhảy dù" đàng hoàng. Còn Tết Ta thì lạnh lẽo giá rét, nắng xuân không mơn man tà áo mà giật cho run bắn người lên cầm cập. Năm nào may mắn ngày Tết Ta rơi được vào cuối tuần thì còn đỡ, chứ nhằm vào ngày thường thì cứ lo mà đi cầy "lao động không vinh quang" một tí nào cả. Đầu năm mà phải làm việc thì xui xẻo cả năm cũng đành chịu vậy. Nếu không thì bị đuổi sở, nhà băng kéo xe, thu nhà… Vậy có nên lờ quách đi cho gọn? Còn nếu cứ phải bày vẽ ra thì cũng chỉ là một thủ tục phải làm cho đỡ tủi? Không làm thì ra như là dân mình thiếu văn hóa. Mà làm thì có cái gì ra hồn không hay cũng chỉ là dịp cho mấy sòng bạc thử thời vận đỏ đen, mấy màn hội chợ có thuê ca sĩ thời trang về hát nhạc giật giật kích động cho xôm tụ để thu hút đông người đến những gian hàng cho việc gây quĩ thêm phần hồ hởi. 

Ngày Tết có nhiều thứ để mua vui lắm. Nhưng không ý tứ thì dễ vặn vò làm lệch hỏng ý nghĩa ngày Tết, khiến các sắc dân khác tìm vào cộng đồng Việt khó mà tìm ra được nét cao đẹp của văn hóa mình! 

TÌM NHỊP THĂNG BẰNG 

Cuộc sống bây giờ nhiều chao đảo lắm, dễ làm bấn loạn tim gan phèo phổi, dễ phát sinh bệnh thần kinh. Bởi nhiều thứ nhịp loạn quá, loạn như loại nhạc giật thời mới. Con người như mất thăng bằng mà có được ngày Tết để bắt lại nhịp thì quả là phúc bảy mươi đời. Vì thế mà ngày Tết cũng gọi là ngày Nhất. Ăn Tết Tây cháy túi hao tổn chân khí rồi thì phải lo ăn Tết Ta để làm sung mãn lại cuộc sống chứ. 

Nhà chụp hình người Mỹ trắng là Mark Sindler ở vùng New Orleans rất mê lối sống người Việt. Một trong những bức nổi tiếng là cảnh “Dọn Tết”. Tuyệt lắm. Anh ta đã chụp được cái hồn của người Việt sau nhiều năm lặn lội tìm tòi, tập húp nước mắm và ăn chả giò. Chắc là phải tốn nhiều công sức thời giờ lắm. 

Kìa, cả nhà đang cùng tham gia một “công tác” lớn: Bà mẹ đang cặm cụi gói bánh chưng, mấy đứa nhỏ đứa thì đưa lá, đứa đưa lạt buộc. Cứ như là cảnh bác sĩ giải phẫu có mấy cô y tá đưa dao đưa kéo. Đứa bé nhất đang bò thì có bà coi, cảnh bà cháu ríu rít sao mà thân thương thế. Mấy đứa lớn thì lăng xăng chạy tới chạy lui đưa bánh cho bố bỏ vào nồi lớn để nấu. 

Nhìn kỹ này, đây mới là điểm chú tâm của tấm hình: Ông bố đang nấu bánh với dáng điệu trang trọng như đang cử hành nghi lễ. Ánh sáng từ bếp lửa làm rạng lên khóe mắt long lanh hay từ một sức gì bên trong toát ra, khó mà phân biệt được. Hay là cả hai. Ông bố như đang mở tâm ra nhận lấy dòng sức sống từ bao đời qua mấy ngàn năm lịch sử với đầy vinh quang mà cũng nhiều tủi nhục của dân tộc. Bây giờ đến lượt ông là người dẫn đầu gia phong có trách nhiệm chuyển dòng sức sống này chảy tới cho đàn con cháu đã đưa sang Mỹ. Khói từ nồi bánh chưng tỏa lên nghi ngút tưởng chừng như khói hương rước hồn thiêng tiên tổ từ những mồ cao mả dài hằng bao thế hệ về hiện diện nơi đây, một Việt Nam thu hẹp. 

Nấu bánh chưng thì cũng phải nấu bánh dầy. Vuông phải hòa nhập với tròn, đất phải hòa hợp với trời. Ông bảo chỉ nấu bánh chưng không, là nghe dại mấy đứa duy vật vô thần nghỉ chơi với Trời, cho ông Trời thất nghiệp “lây óp” là láo xà. Nên ăn tết phải có đủ nghi lễ bánh chưng bánh dầy. Người miền Nam mình còn đơn giản hơn nữa, nét vuông nét tròn được cô đọng lại nơi đồng bánh téc. Trời cao đất thấp gặp nhau. Xa cách mấy rồi cũng nối liền được. Đối nghịch mấy rồi cũng dung hóa được. Mà có dung hóa như vậy được thì mới phát sinh điện lực, như cực âm cực dương nối kết. Người Việt lì lắm, gặp khốn khổ mấy cũng biết vậy đã. Rồi đâu cũng vào đó. Cũng có cách giải quyết chứ không điên mát như người Âu Mỹ đâu. 

Dù ai nói ngược nói xuôi

Ta đây cứ vững đạo Trời khăng khăng. 

Cảnh nấu bánh dầy bánh chưng mà linh thiêng vậy đấy, có nghi thức hẳn hòi chứ chả thường đâu. Cả nhà tham dự. Cả dòng họ tiên tổ tham dự. Cả trời đất tạo dựng, chuyển dòng sức sống cho từng người, cho từng công việc, cho cả năm. Đạo Trời và Đạo Người đó chứ còn tìm ở đâu. Mark Sindler không mê sao được. 

NHỚN NHÁC TÌM LUYỆN NHÂN ĐIỆN 

Quả thực, người Âu Mỹ cũng đang nhớn nhác đi tìm một giải pháp cho cuộc sống quá căng. Không thì điên mất. Nhưng chỉ thích tìm cái mới lạ thôi, chán cái đang có. Họ đi học món yoga của Ấn, luyện nhân điện cho sức rắn lửa bò lên đủ bẩy huyệt đạo; sang Nhật học ngồi thiền hít vào thở ra cho cân bằng tâm sinh lý; đi Tàu học vũ thái cực theo nhịp trời đất cho bớt cái nhịp náo loạn của xã hội quay cuồng. Thậm chí sách viết về mật tông Tây Tạng như Hoa Sen Trên Tuyết, Hành Trình Về Đông Phương, Tử Thư, bán chạy hơn tôm tươi. 

Có người tìm vào làng của dân Amish để học lối sống giản đơn, đi Do thái để sống theo lối liên hệ cộng đồng của những Kibbutz. Tìm cho ra một cái xã hội nào thuận lợi, lối sống nào hợp nhịp cho con người để giữ được thăng bằng chứ. 

Thiền là một thứ thời trang bây giờ, đánh đúng thị hiếu người Âu Mỹ đang quá thừa mứa mệt mỏi. Nhiều người chịu chi cả 75 tiền Mỹ một ngày để được dạy cho cách thiền ăn táo, mà táo mỗi người phải mang theo sẵn: 

Chậm lại, đừng hối hả. Tỉnh thức. Hít vào. Thở ra. Dõi theo hơi thở trở về nhất tâm. Biết mình đang hít vào, đang thở ra. Ý thức mình đang ăn, và hưởng cái thú đang ăn táo, từng miếng nhai, từng vị ngọt, ý thức mình đang nuốt... 

Thế là ăn xong một trái táo, ra về thơ thới hân hoan vì đã biết ... thiền ăn táo, mà chỉ mất có 75 đồng. 

TIẾT LIỆU DẠY THIỀN 

Thực ra thì Thiền không phải là của riêng Nhật hay Phật Giáo. Thiền đã có từ lâu trong truyền thống Ấn Độ trước cả Phật Giáo cũng như đã có trong truyền thống nhiều tôn giáo. Thiền là một phương cách tịnh niệm, là nhìn kỹ để bỗng mở mắt thấy một điều gì mà mọi khi vẫn nhìn mà không thấy: sức sống đang hiển hiện. Trời đất chỉ có một hơi thở, một Thần Khí, một dòng sức sống. Chỉ cần bắt lại được vào nhịp sống đó, thì tìm lại an lạc, lấy lại được thăng bằng. Thi hào Tagore và linh mục dòng Tên người Ấn là Anthony de Mello gọi là Sadhana. Truyền thống Công Giáo thì gọi là chiêm niệm. Thánh I-Nhã gọi là Linh Thao. Thế thôi. Điều khác biệt căn bản là người Công Giáo thấy được dòng sức sống là chính Thánh Thần Tình Yêu đang hiển hiện, chứ không phải là một lực vô vi. Không vững được niềm tin này mà đi thiền tam toạng thì bị "tẩu hỏa nhập ma" tức khắc. 

Nếu nói như vậy thì văn hóa Việt đã biết linh thao hay thiền từ lâu rồi. Đúng là dân mình là dân có Đạo. Hoàng Tử Tiết Liệu trong truyện thiêng bánh dầy bánh chưng, đã có thể lên ngôi sống đời hoàng vương giàu có nhờ biết linh thao: hòa nhịp vuông góc cạnh cuộc sống nhốt hộp của đất với dòng sinh khí của Trời tròn đầy vô biên. Tiết Liệu đã biết cách liệu cho hòa nhịp được tiết điệu trời đất. Thiền đúng điệu rồi còn gì. 

Sau khi đã đánh thắng phá được giặc Ân bên Tầu sang xâm chiếm nước ta, trong nước được thái bình, vua Hùng muốn truyền ngôi cho con, liền họp tất cả các hoàng tử lại mà tuyên bố rằng: 

“Ta muốn truyền ngôi cho đứa nào làm vừa lòng ta, là đến cuối năm, tìm được thức ăn vừa ngon vừa quí, để dâng cúng tổ tiên cho tròn đạo Hiếu”. 

Thế là các công tử lên đường đi khắp mọi nơi. Người thì đi lên rừng, người thì đi xuống biển, ra sức tìm cho được thức ăn gì lạ nhất, quí nhất, ngon nhất, mong sẽ được truyền ngôi làm vua. 

Duy chỉ có người con thứ chín là Lang Liêu, vừa nghèo kém vừa cô thế, không biết xoay xở làm sao được. Nhưng chàng lại rất có hiếu, muốn làm vừa lòng vua cha. Vì vậy chàng suy nghĩ ngày đêm ăn ngủ không yên. 

Bỗng một hôm nằm ngủ, trong giấc mơ chàng thấy một vị thần linh đến mách bảo: 

“Trong trời đất không có gì quí hơn gạo, vì gạo nuôi sống con người, mà ăn mãi vẫn không chán. Như thế còn gì quí hơn được nữa. Vậy con hãy lấy gạo nếp làm bánh hình tròn tượng trưng cho trời, và làm bánh hình vuông tượng trưng cho đất, ở trong làm nhân cho thật ngon, bắt chước hình trạng trời đất bao hàm vạn vật, có ý nói ơn trời đất sinh dưỡng muôn loài. Như thế thì lòng vua sẽ vui, và chắc thế nào cũng được truyền ngôi làm vua”. 

Lang Liêu thức dậy mừng lắm, tự nhủ:

“Đã có thần linh giúp ta, vậy ta cứ theo đó mà làm”. 

Lang Liêu mới lựa hột nếp nào trắng tinh, hoàn toàn không sứt mẻ, đem vo cho sạch, rồi lấy lá xanh gói thành hình vuông tượng trưng cho đất, bỏ nhân vào giữa, đem nấu đi cho chín, gọi là bánh chưng. Lại làm một cái bánh hình tròn để tượng trưng cho trời, gọi là bánh dầy. 

Đúng kỳ hạn, các công tử đều đến trưng bày phẩm vật, dâng vua không thiếu một thức gì. Duy chỉ có Lang Liêu đem bánh tròn và bánh vuông đến dâng. Vua Hùng lấy làm lạ mới hỏi cho biết, thì Lang Liêu trình bày như lời vị thần linh chỉ bảo. Nhà vua liền nếm thử thì thấy vị ngon vừa miệng ăn không chán, mà lại thật ý nghĩa, phẩm vật của các công tử khác không sao hơn được. Nhà vua khen ngợi rồi chấm cho Lang Liêu giải nhất và được nối ngôi làm vua. 

Năm hết, nhà vua dùng bánh ấy dâng lên tổ tiên. Thiên hạ bắt chước truyền đến bây giờ, và lấy tên của Lang Liêu để gọi là Tiết Liệu. 

KHÁM PHÁ CỦA LEONARDO DA VINCI 

Con trăng có nhịp, con nước có nhịp, con người cũng có nhịp. Cứ đóng kín ích kỷ cố giữ lấy nhịp riêng của cái tôi mà không đi được vào tiết điệu trời đất của cái Ta nhịp nhàng toàn mãn là loạn ngay, mát dây, chạm điện tứ tung. Leonardo da Vinci là một trong những người tiên phong cho nền khoa học và y học hiện đại, đã có lần vẽ lên hình ảnh một người sống lành mạnh cân bằng khi chân tay chạm được với hình vuông và tròn. Đúng với câu giáo khoa thư ngày xưa: “Người ta... đầu đội Trời, chân đạp đất, chẳng ngang như súc vật, chẳng ngược như loài cây”. 

Ngày Tết là ngày người Việt tìm bắt lại nhịp trời đất. Đó là Ngày Nhất, lúc hòa sức nhân điện vào thần điện. Một năm với bao đợt sóng nhồi xuống tung lên dễ làm cho lòng người chao động và say sóng. Thì đây là lúc linh thao, dừng chân nhìn kỹ để nhận ra đạo trời, để hòa nhập vào sức sống đất trời đang cựa mình đổi mới sang xuân. Dòng sinh lực ơn thánh đang tuôn chảy từng giây phút đây này qua mọi sự. Từng động tác, từng cảm giác, từng ngụm khí thở, quí báu chừng nào. Và bỗng thấy phép lạ của cuộc hiện hữu, đang được sống, đang giang rộng tay để lãnh nhận. Vui như thế mới là vui thật. Vui như Tết là vậy. Ngày Tết là Ngày Nhất đúng nghĩa, là ngày cảm nhận được ơn Trời như tâm tình Tagore: 

Ân sủng Người ban thì vô biên vô tận

Để lãnh nhận tôi chỉ có hai bàn tay nhỏ bé vô cùng.

Ngày ngày lớp lớp qua đi Người vẫn không ngừng đổ rót.

Song hồn tôi vẫn trống, và tay tôi thì hãy còn vơi. 

TRI ÂN VÀ THỂ HIỆN NGÀY NHẤT 

Trời đã sẵn có đạo, có đường lối, có tiết nhịp như thế rồi, cứ việc hòa theo thôi là an vui hạnh phúc. Những gì cũ đang qua đi, mình thở ra một hơi thật dài, xả buông mọi sự theo mây gió. Và hít một hơi cho đẫy, nhận lấy cả sinh lực đất trời. Giờ đây tất cả đều trở thành mới, từ trong ra ngoài. Hòa mình vào từng cây xanh bãi cỏ trong hội đạp thanh hái lộc. Hòa nhập vào thiên nhiên, vạn vật, vào những gì đang thấy trước mặt. Tất cả đều lạ lùng. Gạo và đậu làm nhân có ngay trong nhà. Lá gói có ngay trong vườn. Hạnh phúc vuông tròn toàn mãn ở ngay trong tầm tay chứ có phải chạy tìm mãi nơi xa tắp nào như những hoàng tử khác, giống người Âu Mỹ nhớn nhác bây giờ. 

Niềm vui chỉ toàn mãn khi đất vuông hòa nhập được vào với trời tròn. Đức Maria cũng linh thao khi dâng con vào đền thờ. Như linh mục linh thao khi pha chút nước vào chén rượu trong thánh lễ với tâm tình: 

“Cũng như giọt nước này hòa chung với rượu, xin cho chúng con được thông phần bản tính Thiên Chúa của Đấng đã đoái thương chia sẻ thân phận làm người với chúng con”.

Đúng rồi. Từng bổn phận nhỏ bé thường ngày như việc dâng con theo phong tục, nuôi nấng dạy dỗ con được lớn lên trong mạnh khỏe hiền ngoan, từng việc nấu cơm dọn nhà, tất cả đều trở thành những tác động linh thao, biến đổi từ vuông cạnh ra tròn đầy sung mãn. Cuộc sống đầy những phép lạ kinh ngạc. 

Tổ tiên mình cũng sống tinh thần linh thao hay thiền từ lâu. Cấy lúa, tát nước, làm mùa, dệt chiếu là linh thao. Giã gạo, rửa chén là linh thao. Đi làm đâu chỉ nhắm trông vào đồng lương. Vừa làm vừa ca hát vừa thiền đấy. Ăn Tết là linh thao. Bưng bát cơm đầy, ăn táo cũng là linh thao: 

Người ta đi cấy lấy công,

Tôi đây đi cấy còn trông nhiều bề.

Nhìn gió, ngắm trăng sao là linh thao. Mục đích của linh thao là để thấy Chúa trong mọi sự mà. Tổ tiên thì thấy ông Trời bao trùm vạn vật. Như vậy đời sống là một chuỗi cầu nguyện chứ không chỉ giới hạn trong nhà thờ hay phòng nguyện nào cả. Thi sĩ Hàn Mặc Tử đã cảm nghiệm thấy như vậy: 

Hãy cầu nguyện bằng trăm kinh mây gió

Hãy dâng cho một tràng chuỗi trăng sao. 

Một khi đã bắt lại được vào nhịp trời đất như hoàng tử Tiết Liệu rồi, thì dù mọi thăng trầm có xô đẩy tới trong năm, người Việt vẫn cảm thấy an nhiên bình thản. Như bánh dầy bánh chưng hòa nhập làm nên đạo sống, việc chấp nhận được cả các đối nghịch, dung hóa được hai cực âm dương thành điện lực, biến chế mọi sự thành vuông tròn tốt đẹp. 

Nếu cảm nhận được như vậy, thì ăn Tết Tây rồi thì càng cần phải ăn Tết Ta, để lấy lại thăng bằng, bắt lại được nhịp Sinh Khí. Dân có văn hóa mà chả lẽ cứ để cho nhịp đời loạn và sức ép xã hội quay cho đến lúc xây xẩm mặt mày!

Lm. Trần Cao Tường

0 nhận xét: