Thứ Hai, 8 tháng 7, 2024

Đời sống thần bí Kitô giáo (Phần 2)



2. Tiến bước trong thần bí bằng thanh luyện

Trong hành trình Lên Đỉnh Cát-minh, Thánh Gioan Thánh Giá mô tả cuộc thanh tẩy chủ động của con người, còn Đêm Tối là công cuộc thanh luyện thụ động đến từ Thiên Chúa. Trong tác phẩm Đêm Tối,[135] cùng một bài thơ thần bí, được thánh Gioan Thánh Giá dùng để minh giải hai cuộc thanh luyện. Đêm tối giác quan thanh luyện phần cảm giác và đêm tối tâm linh tôi luyện linh hồn, để linh hồn trở nên tinh tuyền xứng đáng hợp nhất với Thiên Chúa. Theo thánh nhân, đêm giác quan là kinh nghiệm chung xẩy đến cho nhiều người, còn đêm tâm linh chỉ xẩy đến cho rất ít người.[136]

2.1. Đêm tối giác quan

Cuộc thanh tẩy giác quan liên quan đến các nết xấu chính yếu của con người. Dựa theo bảy mối tội đầu, thánh Gioan Thánh Giá mô tả các tật xấu tâm linh, khiến linh hồn không thể tiến xa trên con đường thánh thiện, nếu không được thanh tẩy.

Mối tội đầu tiên là sự kiêu ngạo tâm linh. Đôi khi một số tiến bộ bước đầu làm cho người ta kiêu ngạo cách thầm kín[137]. Thứ hai là tật hà tiện tâm linh.[138] Đây là sự ham mê của cải thiêng liêng. Thực ra, lòng sùng mộ đích thực phải xuất phát từ tâm hồn, người ra chỉ nhìn vào chân lý và bản chất sâu xa của thực tại. Thứ ba là tật mê tà dâm tâm linh.[139] Biểu hiện của bất toàn này nhiều khi xẩy ra vượt khỏi tầm kiểm soát của đương sự. Nó dấy lên nơi phần nhục cảm, phát sinh những rung động và hành vi ô uế. Vì bản tính con người yếu đuối và mỏng dòn, khiến chút biến chuyển cũng làm rối loạn, nên rất cần thanh luyện. Thứ tư là tật nóng giận.[140] Có thể do người ta cảm thấy hụt hẫng, dẫn đến cáu giận vì chuyện không đâu. Có người chưa thấy mình hoàn thiện lại cáu giận với chính bản thân. Nóng nẩy muốn nên thánh trong một ngày, họ chẳng khiêm nhường và cũng không nhẫn nại. Tật mê ăn tâm linh[141] là nết xấu thứ năm. Do bị quyến rũ bởi các hương vị và thích thú đạt được khi thực hành tâm linh, làm cho người ta cứ mải mê tìm kiếm hương vị đó hơn là sự tinh tuyền trong kết hợp với Thiên Chúa. Chính những mê thích này khiến cho người ta nhu nhược và ươn hèn khi bước vào con đường cam go của thập giá, cũng khó chấp nhận được cái xót xa của việc bỏ mình. Ghen tị và lười biếng tâm linh[142] là nết xấu thứ sáu và thứ bảy, cần được đêm dày thanh luyện. Người ghen tị cảm thấy khó chịu trước những điều tốt lành của người khác. Họ buồn khi thấy người khác tiến bộ hơn mình trên đường hoàn thiện. Điều này trái với đức ái trọn hảo.[143] Cũng thế, tật lười biếng tâm linh khiến người ta chán ngán những việc tâm linh vì chúng đi ngược với những thích thú khả giác. Cầu nguyện mà không có an ủi tâm linh là họ chán nản, bỏ cuộc, nghĩa là người ta muốn bước đi trên con đường tâm linh cách dễ dãi, họ khó chấp nhận gian khó của thập giá.

Những tật xấu này cần phải có sự khô khan thuần túy và bóng tối nội tâm của đêm dày thanh tẩy. Có ba dấu hiệu chứng tỏ sự khô khan thuần túy kéo dài ấy là cách Thiên Chúa thanh luyện linh hồn trong đêm tối giác quan.

Thứ nhất, linh hồn không thấy được thú vị và an ủi nào từ Thiên Chúa và các thụ tạo. Vì khi Thiên Chúa đưa linh hồn vào đêm tối này, Ngài dập tắt các mê thích khả giác khiến linh hồn không còn tìm được hương vị vui sướng nào. Điều ấy chứng tỏ sự khô khan vô vị này không phát sinh từ tội lỗi hay bất toàn của con người.[144] Thứ hai, linh hồn sẽ biết chắc mình đang trải qua cuộc thanh luyện này nếu trong khô khan mà linh hồn vẫn tưởng nhớ đến Thiên Chúa. Vì sự khô khan khác với tật nguội lạnh. Ở đây Thiên Chúa đang chuyển đổi các điều tốt linh hồn từ giác quan sang tâm linh. Dấu hiệu thứ ba, dù linh hồn có cố gắng hết sức cũng không sao cầu nguyện bằng suy niệm hay suy luận hoặc tưởng tượng được. Vì từ đây, Thiên Chúa bắt đầu thông truyền chính Ngài cho linh hồn không theo ngả giác quan mà bằng con đường thuần túy tâm linh. Điều mà các nhà tu đức gọi là từ suy niệm tới chiêm niệm. Ai được dẫn vào tình trạng này, thánh Gioan Thánh Giá khuyên họ hãy kiên trì nhẫn nại, đừng dằn vặt mình, hãy tin tưởng vào Thiên Chúa.[145]

Cuộc thanh luyện khô khan tăm tối này đem lại cho linh hồn bao nhiêu lợi ích. Ơn trọng yếu là linh hồn hiểu chính mình và nỗi khốn cùng của mình.[146] Cũng nhờ biết sự cao cả của Thiên Chúa, linh hồn biết xử sự với Ngài cách lịch thiệp và trọng kính hơn. Từ những khô khan và trống vắng của đêm tối, linh hồn được thanh tẩy khỏi mọi thói xấu tâm linh như kể trên. Được rèn luyện cùng lúc toàn bộ các nhân đức, linh hồn trở nên tinh tuyền, trong trắng.

Cũng trong đêm thanh luyện này, vào những lúc bất ngờ nhất, Thiên Chúa thông ban cho linh hồn sự dịu ngọt tâm linh và một tình yêu rất tinh tuyền. Để cuối cùng, linh hồn đạt được tự do tâm linh, lãnh nhận được mười hai hoa trái của Chúa Thánh Thần. Đồng thời, linh hồn được giải thoát cách kỳ diệu khỏi bàn tay của ma quỉ, thế gian và xác thịt.[147] Sự khô khan của đêm dày cũng dập tắt các dục vọng thân xác, giải thoát linh hồn khỏi sự trói buộc và khống chế của mê thích. Đó là niềm hạnh phúc mà đêm dày mang lại, khiến linh hồn reo lên “Ôi! vận may diễm phúc” vì giờ đây:“Mái nhà tôi thật yên hàn”.

Đêm tối giác quan chỉ để chuẩn bị cho đêm tối tâm linh, điều không phải dành cho mọi người.[148] Thời gian mà linh hồn phải thanh tẩy trong đêm giác quan kéo dài bao lâu thì hoàn toàn theo ý Thiên Chúa và mức độ bất toàn cần thanh tẩy của mỗi người, cũng như cấp độ hiệp nhất trong tình yêu với Ngài. Hơn nữa, sự thanh luyện không xẩy ra cùng một cách nơi mọi người.

2.2. Đêm tối linh hồn

Đêm tối tâm linh được hiểu là cuộc thanh luyện thụ động đúng nghĩa nhất mà Thiên Chúa dành cho những linh hồn Ngài muốn đưa họ tiến xa trên con đường hoàn thiện. Lẽ dĩ nhiên đây là những linh hồn đã trải qua cuộc thanh luyện của đêm giác quan. Đêm tâm linh được coi là tâm điểm của học thuyết Gioan Thánh Giá.[149] Bước theo thánh nhân trong đêm này, người ta sẽ được khám phá nét vĩ đại của cảm nghiệm thần bí, qua cách thức ngài mô tả những cặp đối lập.

Theo thánh Gioan Thánh Giá, cuộc thanh tẩy giác quan chỉ là cửa ngõ và bước đầu của ơn chiêm niệm để dẫn vào cuộc thanh tẩy tâm linh. Hơn nữa, vì những người đã qua cuộc thanh luyện giác quan vẫn còn những bất toàn cố hữu và mới nhiễm nên cần đêm thanh luyện tâm linh.[150]

Trong đêm tâm linh, cách thầm kín Thiên Chúa dạy dỗ và giáo hóa linh hồn về sự hoàn thiện của tình yêu. Đó là ơn chiêm niệm thần phú, tạo nên hai hiệu quả chính nơi linh hồn: vừa thanh tẩy vừa soi sáng, chuẩn bị cho sự hiệp nhất trong tình yêu đối với Thiên Chúa. Nhưng vì sao ân sủng thanh tẩy và soi sáng lại được linh hồn gọi là đêm tối tăm ? Theo thánh Gioan Thánh Giá, ơn thần linh này với linh hồn không chỉ tối tăm mà còn đớn đau và cực hình, vì hai lý do. Thứ nhất, đây là sự cao vời của ơn Khôn Ngoan thần linh, vượt quá khả năng của con người, nên là tối tăm với linh hồn. Thứ hai, vì sự thấp hèn và nhơ nhớp của con người, nên sự khôn ngoan ấy lại trở thành đau đớn, phiền muộn và cũng là tối tăm với linh hồn.[151]

Ơn chiêm niệm này được gọi là đêm, đó là thần học thần bí, là sự khôn ngoan bí mật và ẩn giấu của Thiên Chúa. Trong chiêm niệm, Thiên Chúa dạy bảo linh hồn cách lặng lẽ và thầm kín, chính linh hồn cũng chẳng biết bằng cách nào, vì chẳng có một chút động tịch của ngôn từ, chẳng có sự hỗ trợ của bất kỳ giác quan thể xác hoặc tâm linh nào, hoàn toàn tối tăm đối với khả giác tự nhiên. Thần học tâm linh gọi sự chiêm niệm này là “hiểu bằng cách không hiểu”[152]. Bằng cách thụ động linh hồn nhận lấy điều được ban cho. Có đêm tối là để Chúa đưa ta ra ánh sáng.

Đây là cách Thiên Chúa tỏ lòng thương xót với linh hồn để thanh tẩy nó. Ngài khiến các quan năng nội tại của linh hồn thành tối tăm, làm chúng trống rỗng hết mọi chuyện trần gian. Ngài chế ngự và dập tắt những nghiêng chiều khả giác và tâm linh. Ngài làm suy yếu những năng lực tự nhiên của linh hồn, khiến linh hồn chết đi với tất cả những gì không phải là Thiên Chúa. Linh hồn trở nên trần trụi, trút bỏ mọi y phục và đồ trang điểm trần gian, để được Thiên Chúa vận cho nó y phục mới, là ân sủng và tình yêu để sống vĩnh cửu. Vì nhờ cuộc thanh luyện này, trí hiểu con người trở nên thần linh nhờ hiệp nhất với Thượng Trí; lòng muốn được đổi mới và hiệp nhất với lòng muốn và tình yêu Thiên Chúa; cả kí ức, nghiêng chiều và mê thích được biến đổi theo ý Thiên Chúa cách thần kỳ.[153] Từ đây linh hồn thuộc về trời cao hơn là trần gian và chỉ còn Chúa là niềm vui tuyệt đỉnh của mình.

Làm thế nào linh hồn có thể vượt qua được đêm này? Theo thánh Têrêsa Avila, linh hồn phải khiêm nhường, tin cậy tuyệt đối lòng thương xót của Chúa, biết ngoan ngùy đón nhận điều Chúa ban và cả điều Ngài không ban, đón nhận sự thanh luyện như một ân ban từ tình yêu của Thiên Chúa.

3.3. Đau khổ và thần bí

Có mối liên hệ sâu xa giữa đau khổ và thần bí. Dường như đau khổ là điều kiện để được ơn cảm nghiệm thần bí. Lời mời gọi bỏ mình, vác thập giá theo Thày Giêsu cho thấy ai muốn nên một với Ngài trong tình yêu thì phải nên một với Ngài trong đau khổ. Những đau khổ trong cuộc đời của Têrêsa Avila và Gioan Thánh Giá chứng thực cho cảm nghiệm thần bí của các ngài.

Với thánh Gioan Thánh Giá, đau khổ là phương tiện giúp linh hồn tiến sâu hơn vào trong sự khôn ngoan đầy hoan lạc của Thiên Chúa. Đau khổ càng tinh tuyền thì sự hiểu biết càng thâm thúy và tinh ròng hơn.[154] Kinh nghiệm “tử nạn và phục sinh” trong biến cố đau thương của “cuộc chiến huynh đệ” giữa anh em Gốc và anh em Về Nguồn[155] không chỉ in dấu ấn trên cuộc đời, các tác phẩm mà còn làm nên kinh nghiệm thần hiệp của thánh nhân. Quả vậy, bị giam trong phòng chỉ dài ba mét, rộng hai mét, với một cái lỗ nhỏ xíu đủ để cho ánh sáng lọt vào. Ngài bị hoàn toàn cách li, căn phòng giam khắc nghiệt ấy chỉ có Chúa mới vào được.[156] Chính trong những giờ cô tịch, chiêm niệm và đau thương ấy, tất cả sự hiểu biết, kinh nghiệm của thánh nhân tập trung vào Thiên Chúa, Đấng trở nên tất cả cho đời ngài. Từ sự trần trụi của con tim, ngài đã kinh qua đêm tối giác quan và tâm linh, để hoàn toàn thụ động phó thác tuyệt đối định mệnh đời mình trong tay Thiên Chúa. Đối với thánh nhân, đau khổ ở tù là quà tặng của Thiên Chúa. Qua đau khổ, Thiên Chúa có thể thực hiện nơi người ta những điều kỳ diệu.

Từ kinh nghiệm bản thân, thánh Gioan Thánh Giá nêu bài học sống tình trạng đau khổ, chịu đựng nó trong kiên nhẫn với lòng tin.[157] Linh hồn nào thật sự khát khao sự khôn ngoan của Thiên Chúa, phải đón nhận đau khổ, bước vào sự thẳm sâu của thập giá.

Nếu đau khổ đến với thánh Gioan Thánh Giá bởi tù đày, bị anh em coi như kẻ phản loạn, thì nó lại đến với thánh Têrêsa qua bệnh tật. Trong Tiểu sử Tự thuật, thánh nữ đã ghi lại những cơn đau dữ dội đến độ ngất đi và cứ bất tỉnh như thế gần bốn ngày. Một tình trạng mà chỉ có Chúa mới biết thánh nhân đau đớn thế nào:

Trong tình trạng ấy người ta tưởng tôi đã chết. Họ đã đọc đi đọc lại kinh Tin Kính bên tai tôi, đốt nến để rơi sáp trên mí mắt tôi. Trong tu viện Nhập Thể các nữ tu đã đào huyệt chôn xác tôi, ở các tu viện nam cùng dòng đã cử hành lễ cầu cho kẻ qua đời. Nhưng Chúa cho tôi hồi sinh từ cõi chết.[158]

Bệnh tật đã làm cho cuộc đời Têrêsa thành dạng hết sức đặc biệt của sự trọn lành, trong đó, đau khổ trở thành chìa khóa của sự vĩ đại; bệnh tật thành chìa khóa sự thánh thiện. Những cơn đau xé nát da thịt, đã không cho thánh nhân hưởng thụ cuộc sống trần tục mà hướng tư tưởng ngài vào niềm hoan lạc vĩnh cửu. Ý chí bị mất đi trong cơn bất tỉnh, trở nên sẵn sàng cho ý muốn siêu việt của Thiên Chúa hướng dẫn.[159] Cơn bất tỉnh bốn ngày đã “thanh tẩy” thể xác, làm cho giác quan nhậy cảm, dễ tiếp thu những kinh nghiêm siêu giác quan trong những lần xuất thần, ngất trí. Chính từ những đau khổ hằng ngày mà nữ tu Têrêsa Giêsu đã trở thành vị thánh của những cơn xuất thần.[160]

Như vậy, đau khổ có giá trị thanh luyện ý chí và con tim, để biến đổi cái tự nhiên của con người thành siêu nhiên trong sự kết hợp với Chúa. Có đau thương thập giá mới có niềm hoan lạc phục sinh. Vì thế, không có con đường nên thánh cho ai chối bỏ đau khổ.

(Còn tiếp)
- Trích trong tác phẩm "Đời sống thần bí Ki-tô giáo qua cảm nghiệm của thánh Têrêsa Avila và thánh Gioan Thánh Giá" của Phêrô Tạ Văn Tuân.

0 nhận xét: