Thứ Ba, 23 tháng 7, 2024

Đời sống thần bí Kitô giáo (Phần 2)



3.3. Sự khác biệt trong cảm nghiệm thần bí giữa Têrêsa Avila và Gioan Thánh Giá

Mặc dù có sự kết hợp hoàn hảo trong đời sống, công việc và giáo thuyết giữa Têrêsa Avila và Gioan Thánh Giá. Tuy nhiên, trong cảm nghiệm thần bí nơi hai vị vẫn có những khác biệt. Những khác biệt ấy chứng tỏ Thiên Chúa hoàn toàn tự do ban ơn và con người cũng hoàn toàn tự do đón nhận, mỗi người mỗi cách.

Trước hết, thánh Têrêsa Avila dành vị trí quan trọng cho Đức Giêsu, cả khía cạnh nhân tính và thiên tính. Đức Giêsu trở nên người bạn thân tình để hàn huyên trò chuyện, và là trung gian dẫn đến Thiên Chúa.[166] Điều này có lẽ phát xuất từ bản chất nữ tính của ngài. Với bản chất này, người ta không ngạc nhiên khi ngài gọi Đức Giêsu là Bạn Tình, Người Chồng, Bạn Trăm Năm, Đức Lang Quân, Đức Vua của lòng em. Còn thánh Gioan Thánh Giá lại giải thích bản chất sự kết hợp thần bí bằng ngôn từ của tình yêu. Linh hồn mặc lấy tâm tình của Tình Nương trong sách Diễm Ca để giãi bày nỗi khát mong nhớ nhung, miệt mài tìm kiếm và chỉ thỏa mãn khi gặp Người Yêu Dấu. Và hợp nhất nên một trong cuộc kết hôn với Ngôi Lời, Con Thiên Chúa, được biến đổi nên giống Thiên Chúa.[167]

Thứ đến, tuy cả hai vị đều lấy tình yêu làm mối dây kết hợp con người với Thiên Chúa nhưng nẻo đường trọn lành đối với thánh Têrêsa là đức khiêm nhường còn với thánh Gioan Thánh Giá là sự khó nghèo trần trụi của tâm linh.

Cuối cùng, nếu cảm nghiệm thần bí được thánh Têrêsa Avila ghi lại qua những lần xuất thần, ngất trí, thì ta lại ít tìm thấy hiện tượng thần bí ấy nơi thánh Gioan Thánh Giá. Thậm chí thánh nhân còn cảnh giác chúng ta bao lâu còn sống ở trần gian này, hãy tìm kiếm Thiên Chúa bằng “đêm tối đức tin”, chứ đừng nắm bắt Ngài qua những hiện tượng khả giác. Với thánh nhân cảm nghiệm thần bí không gì khác là sự bước đi trong đêm tối của thanh luyện. Đây có thể là sự khác biệt lớn nhất trong cảm nghiệm thần bí của hai vị thánh cải tổ dòng Cát- minh.

Kết luận

Bằng những cảm nghiệm của mình thánh Têrêsa Avila và thánh Gioan Thánh Giá đã trao lại cho Hội Thánh cách thức hợp nhất với Thiên Chúa. Kết hợp là một ân ban, con người chỉ cần khiêm nhường đón nhận. Thiên Chúa Ba Ngôi tự thông ban chính mình cho linh hồn trong tình trạng của những người dám tiến xa trên đường hoàn thiện. Cuộc thông ban này thường diễn ra trong cuộc kết hôn nhiệm lạ. Khi đó linh hồn nên một với Thiên Chúa, thuộc trọn vẹn về Ngài.

Nét đặc sắc thuộc về bản chất táo bạo của tình yêu hoàn hảo giữa Thiên Chúa và con người là sự ngang hàng. Để yêu con người Thiên Chúa đã đặt con người ngang hàng với mình. Lẽ dĩ nhiên con người phải trải qua cuộc thanh luyện được gọi là đêm tối giác quan và đêm tối tâm linh. Qua đêm tối này, Thiên Chúa thanh luyện con người để nó trở nên tinh tuyền xứng đáng nên một và nên giống Ngài trong tình yêu. Kết quả cuộc kết hợp là linh hồn được biến đổi thành chính Thiên Chúa. Dù ở trần gian số linh hồn được ơn trọng đại này thật ít ỏi, nhưng đây là bảo chứng chắc chắn hạnh phúc Thiên đàng mai sau.

Cảm nghiệm thần bí một lần nữa khẳng định cái nghịch lý của Tin Mừng: sự sống phát sinh từ sự chết. Trên con đường tu đức luôn diễn ra cái nghịch lý của một sự sống do sự chết mang đến. Đó là thử thách của đêm tối; là cái giá phải trả cho một công trình mài giũa rất tốt đẹp; là tiếng nổ lốp đốp mù mịt khói và khét lẹt của khúc gỗ, ứa rịn những dòng nhựa đen đủi để bắt đầu biến thành lửa; là nỗi đau ứa đọng không gì hàn gắn của trái tim bị trúng vết thương tình, khao khát tìm kiếm chữa lành; là cái chạm nhẹ mà đã nếm được cõi đời đời. Trong thử thách tiến xa nhất của đời thần bí, nó chiếu rõ cái khổ mà các linh hồn phải đón chịu vì tình yêu, đau đớn như một cuộc trở dạ mới đem lại sự khai hoa nở nhụy là sự sống, hợp nhất thần linh.[168]

Những cung bậc vi tế của bản giao hưởng kết hợp Thiên Chúa và linh hồn trong cảm nghiệm thần bí không chỉ minh chứng sự kết hợp hoàn hảo giữa hai vị thánh cải tổ Cát-minh, mà còn khẳng định giáo thuyết vô song các ngài để lại cho Hội Thánh về cầu nguyện, tu đức và kinh nghiệm thần hiệp. Đó là sản nghiệp cao quí của người biết buông mình theo sự hướng dẫn “khủng khiếp” của Thiên Chúa.

(Còn tiếp)
- Trích trong tác phẩm "Đời sống thần bí Ki-tô giáo qua cảm nghiệm của thánh Têrêsa Avila và thánh Gioan Thánh Giá" của Phêrô Tạ Văn Tuân.


0 nhận xét: