Thứ Tư, 7 tháng 8, 2024

Đời sống thần bí Kitô giáo (Phần 3)




II. NHẬN BIẾT VÀ SỐNG THẦN BÍ

“Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người”. [8] Làm con Thiên Chúa, thuộc về dòng giống thần linh là ơn cao trọng được ban cho người ki-tô hữu, và họ cần phải nhận ra ơn cao trọng ấy. Việc nhận biết và sống sự sống thần linh trong mình được kể là mục tiêu quan trọng và có ý nghĩa nhất đối với người ki-tô hữu. Đó là không ngừng sống giao ước Phép Rửa bằng một đời sống cầu nguyện và khát khao kết hợp với Thiên Chúa.

1. Giao ước qua Phép Rửa

Giao ước Thập giá, Thiên Chúa đã thực hiện một lần thay cho tất cả khi dùng chính Máu và Nước từ cạnh sườn của Đấng bị đâm thấu mà tuôn đổ ân sủng Ngài cho con người qua bí tích Thánh Tẩy. Giao ước đó đã khai mở sự thánh thiêng thần bí cho con người.

Người ki-tô hữu có trách nhiệm không ngừng sống giao ước thánh thiêng đó, làm cho nó triển nở trong đời sống thánh thiện tròn đầy. Trong Thiên Chúa người ta được gọi là ki-tô hữu, với sự tự do chọn lựa, ngày qua ngày họ tiến bước trên con đường tình yêu, theo khuôn mẫu của Đức Ki-tô.[9] Niềm vui thánh thiện của ơn làm con phải được công bố cho mọi người, đó là sứ mạng của một ki-tô hữu. Chức vụ làm con Thiên Chúa cao quí hơn tất cả địa vị xã hội người ta có được. Chính khi sống giao ước Thánh Tẩy, người ki-tô hữu nghe được lời Thiên Chúa Cha công bố về Chúa Giêsu“Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (Mc 1, 11).

Với thánh Gioan Thánh Giá, sống ơn làm nghĩa tử của Thiên Chúa là nhận ra vẻ đẹp của Ngài ở trong mình, nhờ đó thực sự thưa được với Thiên Chúa Cha những lời Chúa Giêsu đã thưa trong lời nguyện hiến tế:“Tất cả những gì của con đều là của Cha, tất cả những gì của Cha đều là của con” (Ga 17, 10), bởi chính Người Cha đã công bố:“Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con” (Lc 15, 31). Đó là gia sản lớn hơn tất cả những gì lòng người ước mong.

2. Đời sống cầu nguyện

Chúa Giêsu đã mặc khải sự vĩ đại của cầu nguyện:“Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban” (Ga 4, 10). Cầu nguyện là một ân huệ Thiên Chúa ban, cho nên thái độ tốt nhất của tâm hồn cầu nguyện là sự khó nghèo trần trụi nội tâm, điều được thánh Gioan Thánh Giá nhấn mạnh. Quả thật, tâm tình khiêm nhường và việc dâng lễ vật lên Thiên Chúa là hai bàn tay trắng mới diễn tả đúng thân phận con người. Bởi nếu người ta đã đầy tràn thì Thiên Chúa chẳng thể đổ thêm được gì nữa.[10]

Cầu nguyện theo thánh Têrêsa Avila không hệ tại ở các ý tưởng nhưng hệ tại ở yêu mến,[11] vì bằng trái tim người ta chiếm ngay được Chúa. Có điều, người ta cần nhớ: “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta”.[12] Cho nên, điều quan trọng và hữu ích cho người cầu nguyện là ý thức rằng mình được Thiên Chúa yêu thương cách sâu xa nhất, và tình yêu của mình chỉ là phản chiếu ánh sáng từ tình yêu và quyền năng vô bờ của Thiên Chúa.[13] Như thế, cầu nguyện là đào tạo đích thực thái độ làm con, và việc luôn ý thức mình đang ở với Đấng là Cha để thưa chuyện với Ngài là điều cốt yếu khi cầu nguyện.[14]

Lời cầu nguyện của người ki-tô hữu gắn liền với cuộc sống. Vũ trụ được tạo dựng để phản chiếu vinh quang và tình yêu Thiên Chúa, ai ở trong vũ trụ người đó ở trong Thiên Chúa. Như cá sống trong đại dương, con người không thể sống ngoài Thiên Chúa. Nên dù ở đâu, làm việc gì con người cũng sống trong Thiên Chúa và làm việc với Ngài. Như thế, đối với người ki-tô hữu cầu nguyện và cuộc sống chỉ là một. Sống là cầu nguyện và cầu nguyện là sống. Tất nhiên, trong mỗi ngày sống vẫn có những “thì mạnh” của cầu nguyện, ấy là khi tham dự thánh lễ, cử hành bí tích, suy niệm Lời Chúa…, những “thì mạnh” đó thống nhất đời sống, nối kết mọi công việc, làm nên ý nghĩa mỗi ngày dâng hiến. Phần khác, chính những lo toan vất vả giãi nắng dầm mưa, những lao tác để làm ra manh áo hạt cơm lại làm nên chất liệu cho lời cầu nguyện, và trở nên hy lễ dâng tiến trong sương chiều.

Như vậy, cầu nguyện là thể hiện phẩm giá cao cả của người ki-tô hữu, là chìa khóa để kết hợp với Thiên Chúa, là cửa dẫn vào Lâu đài nội tâm,[15] là điều thiết yếu để thăng tiến trên đường trọn lành, dù vẫn biết rằng ơn kết hợp tiên vàn là ân huệ Thiên Chúa ban.

3. Khát khao hợp nhất

Con người được tạo dựng trong tình yêu và sống cho yêu thương, bởi thế người ta sẽ chẳng bao giờ dập tắt được nỗi khát khao được hội ngộ và kết hiệp với Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa đã đặt trong con người khát vọng chân lý và điều thiện mà chỉ có Ngài mới có thể thỏa mãn.[16]

Khát khao hợp nhất với Thiên Chúa là hoài niệm về với Cội Nguồn của con người, là khát khao sự thánh thiện phát xuất từ Thiên Chúa. Khát vọng của con người trở thành viên mãn khi Thiên Chúa trao ban chính Ngài cho con người như một quà tặng tự do. Vì thế, tự bản chất con người có khả năng khai mở ra với vô biên như là cùng đích tối hậu. Thiên Chúa đã khơi dậy nơi con người khát vọng tự nhiên đối với Người, một khát vọng bất khả kháng, muốn hiểu biết và yêu mến. Cho nên tất cả hiện hữu của con người tự bản chất được chia sẻ vào tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa. Thực chất là sự khắc khoải của tình yêu trong Trái Tim Thiên Chúa luôn tìm kiếm trái tim con người, để dẫn đưa con người vào trong Trái Tim Thiên Chúa. Trong nỗi tha thiết khôn cùng đó, Thiên Chúa đã tuôn tràn ân sủng để thăng hoa cuộc sống tự nhiên của con người, để như một năng lực vô biên, cuốn hút và khai mở con người hướng về Chân Thiện Mỹ.[17]

Thánh Têrêsa Avila đã tâm sự rằng ngài khao khát hạnh phúc vĩnh cửu và quyết chiếm lấy hạnh phúc ấy bằng bất cứ phương tiện nào.[18] Đó là khát khao tìm kiếm và chỉ thỏa mãn khi đã gặp được Đấng Tình Quân. Điều mà linh hồn khát khao tìm kiếm ngay từ rạng đông, và mòn mỏi đợi trông đến ốm mệt vì yêu, và chỉ mong được gắn bó với Ngài trót cả cuộc đời.[19]

Để nhận biết và sống đời thần bí, người ki-tô hữu phải không ngừng khơi lên nỗi khát vọng thánh thiện này, và luôn đặt mục tiêu nên thánh làm trung tâm đời sống mình. Vì chỉ có Thiên Chúa mới thỏa mãn được khát vọng của đời người. Và mỗi khi khát khao dâng trào họ có thể nghe lời Đức Giêsu :“Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống” (Ga 7, 37), có thế người ta mới xoa dịu “cơn khát” của Ngài trên thập giá, vì “Ai đến với tôi không hề phải đói, ai tin vào tôi chẳng khát bao giờ” (Ga 6, 35).

(Còn tiếp)
- Trích trong tác phẩm "Đời sống thần bí Ki-tô giáo qua cảm nghiệm của thánh Têrêsa Avila và thánh Gioan Thánh Giá" của Phêrô Tạ Văn Tuân.


0 nhận xét: