4 — Vậy, để giúp cho những người mới bắt đầu và những người đã tiến khá xa biết phó mình cho Chúa dẫn đưa khi uy linh Ngài muốn đưa họ tiến tới thì, với ơn Chúa giúp, chúng tôi sẽ cung cấp cho họ một học thuyết và những lời khuyên để họ hiểu điều ấy, hoặc ít ra, để họ phó mình cho Thiên Chúa dẫn đưa. Bởi vì, có một số cha giải tội và linh hướng, do không có ánh sáng và kinh nghiệm về những nẻo đường này, đã thường làm hại và ngăn cản các linh hồn ấy, thay vì giúp đỡ họ trên con đường đó.
Tựa như những người xây tháp Babel, do không hiểu nhau, thay vì cung cấp một chất liệu phù hợp lại trao một thứ gì đó hoàn toàn khác, nên chẳng làm gì được cả. Thế mới hiểu tại sao trong những tình cảnh ấy, khi một linh hồn không hiểu được mình và không tìm được ai hiểu cho, sẽ bị thử thách khắc nghiệt và đau đớn biết bao. Bởi lẽ đã đến lúc Thiên Chúa dẫn đưa linh hồn qua con đường cao vượt nhất, con đường của chiêm niệm tăm tối và khô khan, ở đó linh hồn dường như thấy mình bị lạc mất. Rồi giữa lúc linh hồn đang bị phủ ngập những tăm tối, âu lo, buồn nản và cám dỗ, thì lại gặp phải những kẻ đã an ủi ông Gióp, bảo rằng đó là chứng u sầu, phiền muộn hoặc một tính khí nào đó, thậm chí còn có thể là một khía cạnh của lòng xấu khéo che đậy nên linh hồn mới bị Thiên Chúa bỏ rơi. Và họ quyết đoán ngay rằng linh hồn ấy hẳn đã trở nên xấu xa lắm mới gặp phải những chuyện như vậy.
5 — Người khác lại bảo linh hồn ấy đang thụt lùi, vì nó không còn tìm thấy thích thú hoặc an ủi như trước kia trong những gì thuộc về Thiên Chúa. Nói thế, họ khiến linh hồn đáng thương ấy bị khốn khổ gấp đôi, bởi vì do nhận ra tình trạng khốn khổ riêng của mình, linh hồn ấy hết sức khổ tâm khi thấy rõ hơn ban ngày rằng mình đầy xấu xa tội lỗi. Thật vậy, trong đêm tối chiêm niệm này, Thiên Chúa có soi sáng cho linh hồn hiểu ra được như thế. Vậy, khi linh hồn thấy có kẻ vừa ý với mình bảo rằng đó là do lỗi của nó, thì sự đau đớn và cô đơn tuyệt vọng của nó sẽ tăng lên vô hạn, thường có thể đi tới mức mà cái chết chỉ còn là một nỗi đau nhỏ mọn. Thế nhưng các cha giải tội ấy vẫn chưa bằng lòng, vì nghĩ rằng tình trạng ấy là do tội lỗi nên đòi các linh hồn ấy lục lọi lại quá khứ và xưng tội chung hết lần này tới lần khác và như thế là lại đóng đinh họ thêm nữa. Các vị ấy không biết rằng đây không phải là lúc bắt xét mình hoặc xưng tội, nhưng là lúc cần để yên các linh hồn ấy như thế trong cuộc thanh luyện Thiên Chúa đang thực hiện cho họ, chỉ an ủi và khích lệ để bao lâu Thiên Chúa còn muốn điều ấy thì họ cũng muốn như thế. Bởi lẽ, đến nước này, dù các linh hồn ấy có làm gì và các vị linh hướng có nói gì cũng chẳng có phương cách nào chữa trị.
6 — Nhờ ơn Chúa, về sau chúng tôi sẽ bàn đến và sẽ nói rõ lúc ấy linh hồn phải xử sự ra sao, cũng như cha giải tội phải làm gì cho linh hồn ấy, và đâu là những dấu chỉ cho biết đây có phải là một cuộc thanh luyện linh hồn không, và trong trường hợp đúng là thanh luyện, thì đó là thanh luyện giác quan hay tâm linh (tức là đêm dày sẽ bàn đến sau này), và làm thế nào có thể biết được đấy có phải là chứng u sầu hay một sự bất toàn nào khác về giác quan hoặc tâm linh. Bởi lẽ, có thể có những linh hồn, hoặc cha giải tội của họ, nghĩ rằng Thiên Chúa đang đưa họ qua nẻo đường đêm dày của việc thanh luyện tâm linh mà trong thực tế lại chỉ là một sự bất toàn của các linh hồn ấy. Cũng có nhiều linh hồn nghĩ rằng mình chẳng có cầu nguyện gì cả mà thật ra lại đã cầu nguyện thật nhiều, và ngược lại, có những người khác tưởng mình đã cầu nguyện rất nhiều mà thực ra lại chỉ cầu nguyện quá ít.
7 — Có những linh hồn khác đáng thương hại, họ vất vả và mệt mỏi nhiều nhưng lại đi giật lùi, vì họ đặt kết quả bước tiến của họ nơi điều chẳng giúp họ nhúc nhích thêm được chút nào mà còn cản bước tiến; cũng có những linh hồn khác, chỉ nghỉ ngơi trong yên tĩnh nhưng lại tiến bộ rất nhiều. Có những người khác nữa, dù được Thiên Chúa ưu ái ban ơn để tiến bước, nhưng lại lúng túng và rơi vào chướng ngại nên không thẳng tiến được. Tóm lại, trên một nẻo đường như thế, những ai muốn theo sẽ trải qua nhiều cảm nghiệm khác nhau: Có thể là vui thỏa và khó nhọc, hy vọng và đau khổ, tùy theo tâm linh họ còn bất toàn hay đã hoàn thiện. Về tất cả những chuyện ấy, nhờ Thiên Chúa giúp, chúng tôi sẽ cố gắng nói đôi điều để mỗi linh hồn khi đọc đến sẽ phần nào đó thấy được con đường họ đang theo và con đường họ nên theo nếu muốn đạt tới đỉnh ngọn núi này.
8 — Học thuyết này bàn về đêm dày linh hồn phải trải qua để đến với Thiên Chúa, nên xin độc giả đừng ngạc nhiên nếu thấy nó có vẻ hơi tối tăm. Tôi muốn nói là lúc độc giả bắt đầu đọc. Nhưng cứ đọc thẳng tới rồi sẽ hiểu hơn về phần đầu, vì điều sau sẽ giải thích và làm sáng tỏ điều trước. Nếu đọc toàn bộ thêm lần nữa thì sẽ thấy điều ấy sáng sủa hơn và cả học thuyết cũng “ổn” hơn. Nếu có người không thấy thỏa mãn với học thuyết này, thì ấy là do kiến thức của tôi ít ỏi và bút pháp của tôi thấp kém, chứ tự bản thân chúng thì những điều nói đây rất tốt và rất cần thiết. Tuy nhiên tôi cũng nghĩ rằng dù người ta có viết về đề tài này hoàn chỉnh và hoàn hảo hơn cách tôi viết ở đây, thì cũng chỉ một số ít có thể thưởng thức được, vì rằng ở đây không bàn đến những điều nặng về luân lý và thú vị đối với những người vừa theo đường tâm linh vừa thích đạt đến Thiên Chúa bằng những sự êm đềm thú vị, nhưng là bàn đến một học thuyết cốt yếu súc tích và vững chắc cho hai nhóm người nói trên, nếu họ muốn đi qua trạng thái trần trụi tâm linh mà tôi đang nói đây.
9 — Mà mục đích chính của tôi cũng không phải nói với hết mọi người, nhưng chỉ nhắm đến một số người trong hội dòng của chúng tôi đang dõi theo dấu chân các vị khai sáng ở núi Cát Minh, cả tu sĩ và nữ tu, là những người đã yêu cầu tôi viết - và là những người đã được Thiên Chúa ưu ái đặt lên triền dốc của ngọn núi này; những người này sau khi đã lột bỏ hẳn những điều thế tục của đời này, sẽ hiểu rõ hơn học thuyết về sự trần trụi tâm linh.
- Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét