Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2012


 - “Đầu rồng đá vừa được phát hiện và đưa vào trưng bày mới đây là do sưu tầm được, không phải là của một trong hai rồng đá bị mất đầu ở thành nhà Hồ”, Tiến sĩ Đỗ Quang Trọng, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản thành nhà Hồ khẳng định.
TIN LIÊN QUAN

Về quá trình sưu tầm chiếc đầu rồng đá nói trên, TS Đỗ Quang Trọng cho biết: “Trong quá trình sưu tầm hiện vật, chúng tôi có nhận được thông tin ông Vũ Văn Bằng ở thôn Đồng Minh, xã Vĩnh Phúc (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) hiện đang giữ một chiếc đầu rồng đá. Chiếc đầu rồng đá này được ông Bằng tìm thấy trong quá trình sản xuất nông nghiệp thuộc khu vực Di sản thành nhà Hồ trước kia.

Sau khi xác minh nguồn tin trên là có thực, chúng tôi đã mời các nhà khảo cổ học đến giám định chiếc đầu rồng đá nói trên. Các nhà khảo cổ học kết luận chiếc đầu rồng đá mà ông Bằng đang giữ có niên đại khoảng cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV (vào thời Trần – Hồ). Và đây là rồng thềm bậc”.

Theo quan sát, đầu rồng đá sưu tầm đang trưng bày cao khoảng 0,6m, dài 0,55m, trang trí một mặt, mặt ngoài có phần đã bị vỡ.

Đầu rồng đá vừa được sưu tầm và hiện đang trưng bày tại Phòng trưng bày Di sản thành nhà Hồ.
Đầu rồng đá vừa được sưu tầm và hiện đang trưng bày tại Phòng trưng bày Di sản thành nhà Hồ.

Trước một số nguồn tin cho rằng chiếc đầu rồng đá vừa được phát hiện và trưng bày mới đây ở Phòng trưng bày di sản thành nhà Hồ có thể là của hai rồng đá bị mất đầu ở thành nhà Hồ, TS Đỗ Quang Trọng khẳng định:
 
“Đầu rồng đá vừa được phát hiện và đưa vào trưng bày mới đây là do sưu tầm được, không phải là của một trong hai rồng đá bị mất đầu ở thành nhà Hồ. So với hai rồng đá bị mất đầu ở thành nhà Hồ hiện nay thì đầu rồng đá này bé hơn rất nhiều”.

Về vị trí cụ thể mà ông Vũ Văn Bằng đã phát hiện ra đầu rồng đá trước kia, TS Đỗ Quang Trọng cho biết: “Không thể xác định được vị trí cụ thể là ở đâu vì ngay chính người dân giờ cũng không còn nhớ là phát hiện được đầu rồng đá ở chỗ nào”.
 
Đôi rồng mất đầu ở thành nhà Hồ (đầu rồng, ảnh nhỏ).

Cũng theo TS Đỗ Quang Trọng, việc phát hiện ra đầu rồng bằng đá nói trên là cơ sở để các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu và có thể phục dựng lại đầu đôi rồng đá trong khu vực nội thành.

Hiện nay ở trung tâm của Thành nhà Hồ vẫn còn đôi rồng đá bị mất đầu được phát hiện từ năm 1938 trong quá trình thi công làm đường xuyên từ cửa Nam lên cửa Bắc.
 
Các nhà khoa học cho rằng đôi rồng này có thể là một cặp thành bậc cửa của một kiến trúc quan trọng trong Hoàng thành trước kia. Tuy nhiên, nguyên nhân vì sao đôi rồng đá này bị mất đầu đến nay vẫn còn là điều bí ẩn.

Hoàng Sơn

0 nhận xét: