Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012

Cơ cấu Việt Nho - 4


IV CƠ CẤU VIỆT NHO

1. Nho là tổ của cơ cấu

Đọc xong hai chương trên rồi bây giờ nghe nói đến cơ cấu của Việt Nho thì không còn là cái chi xa lạ, hơn thế nếu có nghe nói chính Việt Nho mới là cơ cấu theo nghĩa trung thực nhất, thì cũng chỉ là một câu nói đương nhiên. Vì cơ cấu là gì nếu không là một cố gắng tổng hợp. Mà tổng hợp đến cùng cực chính là đưa chữ Tương vào cõi học độc khối im lìm của văn hóa cổ điển. Mà đã nói đến Tương là phải có những hạn từ đối đáp, đã đối đáp là có thể vẽ ra đồ thị và số độ v.v… Đó là những nét căn bổn của Nho giáo với câu “âm dương tương thôi” cũng như là đạo Trung Dung của Thái hòa. Có Tương quan tất phải có hai hạn từ, và hai hạn từ đó gọi là âm dương, hay trời đất, nam nữ, lý tình v.v… Và đạt đạo là đạt thế bình quân giữa hai hạn từ đó. Do lẽ đấy mà riêng chúng tôi đã đi theo lối cơ cấu trước khi nghe nói về cơ cấu luận. Sau khi đã đọc Levi Strauss nhất là về sự kiến tạo mô thức chúng tôi có cảm tưởng là tiên Nho thời rất xa xưa đã kiến tạo ra các mô thức: đó là tam tài, ngũ hành và các hệ quả theo sau (âm dương, tứ tượng, bát quái, cửu trù v.v…). Và vì thế nếu phải tìm ra ông tổ của cơ cấu thì chính là các vua của huyền sử Việt Nho: Phục Hy, Nữ Oa, Đại Vũ… chúng tôi thấy càng có lý để viết như thế khi đọc biết rằng Levi Strauss đã được khởi hứng lập ra cơ cấu luận là do một học giả về Nho giáo tức ông Granet, còn những tài liệu cũng như các cuộc điều tra của nhân chủng học người Mỹ chỉ là tùy phụ (1). Với những ai đọc quyển Pensée Chinoise của Granet thì câu trên không thể làm ngạc nhiên là vì những đồ thị, số độ của đại toán… đã có tràn ngập trong sách đó rồi. Hỏi rằng vậy tại sao cơ cấu lại xuất hiện như một khoa mới lạ. Thưa trước hết vì Levi Strauss có nhờ nhiều vào công trình của các khoa mới như ngữ lý học, tâm toán học và uyên tâm, nhân chủng v.v… Nhưng nhất là vì phần cơ cấu của Việt Nho đã bị Hán Nho vùi giập: âm dương, ngũ hành bị hiểu cách tai dị phù pháp, còn tam tài thì không ai nhận ra ý sâu xa của nó nữa. Vì thế khi chùng tôi khai quật lên thì nó chiếu ra những tia sáng thực mới lạ như đã trình bày trong quyển Chữ Thời. Còn riêng trong quyển này mà chúng tôi đã muốn để tên là Cơ Cấu Việt Nho thì đó chẳng qua là muốn “hòa nhi” với thị hiếu của thời đại đang mải mốt đi tìm những gì mới lạ. Đàng khác cũng là để tân thời hóa môn học cổ truyền của Việt Nho. Vì thế mà chúng tôi trình bày về cơ cấu hiện đại, bởi cách này giúp phần lớn vào việc minh nhiên hóa những khả năng tàng ẩn trong cơ cấu Việt Nho. Những khả thể đó sẽ hiện lên chói chang khi đặt bên cạnh những “khám phá” của thời mới. Nhờ đó chúng ta sẽ dễ nhận thức hơn những dị biệt giữa cơ cấu của người nay và người xưa.

(1) Trong quyển Clefs pour le Structuralisme, ed. Seghers, Jean Marie Aujias có viết: “Levi Strauss reprend les enquétes et matériauz avec une méthode qui doit plus à un sinologue Granet qu’a bien d’autres américains.” p.88

2. Từ kiến tạo đến chọn lựa mô thức

Ta hãy khởi đầu bàn về những nét dị biệt thuộc phương pháp. Với Levi Strauss thì đó là kiến tạo ra mô thức (modèles construits) tức là ông tìm cách thay thế các mô hình của thổ dân bằng những mô hình lý trí để có thể thành công thức đại số nhờ đó có khả năng giải thích rộng rãi hơn, dễ điều động hơn là mô dạng của thổ dân hầu hết còn nằm chìm trong tiềm thức. Đàng này những mô hình của Việt Nho đã có rồi kèm theo cả số cũng như đã nhô lên bình diện ý thức nên cũng rất dễ điều động, khỏi cần đặt ra mô thức khác, nhất là không một mô thức kiến tạo nào về sau có thể sánh được về khả năng biến thái vô biên (như đã trình bày trong quyển Tinh hoa ngũ điển, bài Kinh Dịch) nên cũng uyển chuyển linh động lạ lùng, dễ điều động. Bởi vậy thay vì kiến tạo mô thức như Levi Strauss thì chúng ta chỉ việc lựa chọn môo thức đã sẵn có. Nói khác Levi Strauss lấy mô thức ngoài chụp vào văn hóa các thổ dân, còn với Việt Nho thì chúng ta chỉ việc múc ngay trong Nho. Cái khó là chỉ còn làm sao tìm ra được ý nghĩa trung thực của những mô thức ấy. Mô thức có rồi đó: nào là âm dương, tam tài, ngũ hành, nào là tứ tượng, bát quái, cửu trù. Chỉ cần tước bỏ những ý nghĩa pháp môn đi là ý nghĩa minh triết của các mô thức kia sáng lên. Và đó là điều chúng ta thử làm bây giờ.

3. Âm dương

Trước hết hãy bàn về âm dương vì là nên tảng của chữ Tương nên cũng là nét căn bổn của cơ cấu đầy sức tổng hợp. Vì thế được Khổng Tử gọi là “hợp ngoại nội chi đạo dã”

Ngọai là ý thức
Nội là tiềm thức
Ngoại là lý trí
Nội là tình thâm
Ngoại là sự kiện biến cố của sử, ký
Nội là những nguyên sơ nguyên tượng của huyền sử.

Đó là biện chứng mà Levi Strauss gọi là lưỡng hành (A.S 258) và ông cho là biện chứng nền tảng nhất và rất hiệu nghiệm vì đặt căn cứ ngay trên những vật khả giác. C’est un logique binaire basée sur des objets sensibles (Simonis 156): một luận lý hàng hai căn cứ trên những vật khả giác như tả hữu, trên dưới, trong ngoài, nam nữ, sáng tối… Đó là những bước đi của cơ cấu và càng đi càng thấy nhịp hai hiện lên rõ và nếu đi đến cùng đường, đến miền “lân hư” thì sẽ gặp bước lưỡng hành căn cơ hơn hết giữa “Hữu Vô”. Khỏi nói thì ai cũng nhận ra Kinh Dịch đã triển khai biện chứng hàng hai một cách huy hoàng giữa:

Càn và Khôn

Vòng Sinh và Vòng Thành với những công thức như “tại thiên thành tượng, tại địa thành hìn”.
Rồi nói về Tượng tiên Nho quảng diễn “hữu thực nhi vô hồ xứ giả” và khi áp dụng vào xã hội học thì Tượng là những tác động kiểu mẫu để thể hiện những nguyên lý hướng đạo, còn hình là những cá nhân được giả thiết hiện thực những tác động lý tưởng kia… Một công thức diễn tả biện chứng lưỡng hành cách u linh man mác, xứng đáng làm đại biểu để nói lên mối bình quân trổi vượt nhất với những danh từ đi đôi như kiền khôn, trời đất, hoặc những cặp số 3-2, 4-1 v.v… Tất cả hợp lực đưa lại cho Việt Nho một nét đặc trưng nổi vượt được trình bày trong thập tự nhai với nét ngang nét dọc, ai đã làm quen với cơ cấu liền nhận ra hai nét ngang dọc này là nền móng, thí dụ sử hàng ngang với sử hàng dọc. Bây giờ bàn đến một điểm khác không những căn bản như trên mà còn đi sát lại con người cách thấm thía đó là thuyết tam tài.

4. Tam tài

Ai cũng biết rằng tam tài là thiên, địa, nhơn.

Thiên đây phải hiểu là cái gì u linh thuộc cơ cấu còn nằm trong tiềm thức, nó mới là tượng.

Địa trái lại đã là hinh thuộc phạm vi lý trí có hiện hình cụ thể kiểm điểm được.

Nhơn là nét nối cả hai hạn từ thiên địa với tình người, quyền người gọi là nhơn chủ, tức con người vẫn là chủ trong tam tài theo nghĩa không để lòng bị nô lệ cho tôn giáo (thiên) hay kinh tế (địa) nhưng cố đem lại cho con người một nền triết lý nhân chủ đầy hoạt lực, không nô lệ bái vật hay ý hệ, nhưng vượt đến tâm linh là căn để của con người. Nhờ đó mà Việt Nho đã thiết lập được nền nhơn chủ sớm hơn đâu hết và đã gây nên một lối hành xử an nhiên hòa hợp không lép vế mà cũng không kiêu thái. Tuy vẫn nhận trời làm vua đất làm vua và như vậy tuy đầy lòng kinh trời đất nhưng vẫn giữ được cung kỉ tự trọng, không đến nỗi quá khúm núm, đôi khi thì cũng có hơi ngông như câu: “bắc thang lên hỏi ông trời bắt bà Nguyệt lão đánh mười cảng tay”. Đó là chuyện bất đắc dĩ chứ nếu nhân viên của trời biết điều thì vẫn được kính nể như thường. Tuy nhiên vẫn giữ độc lập trong cõi người ta nơi mà chính con người làm chủ, tự quyết định về thân phận mình. Được như thế là nhờ chỗ con người có địa vị trên cấp tối hậu là tam tài. Nhờ có chân trong bộ ba cao cấp đó mà con người có thể đi thêm bước thứ hai quan trọng hơn nhiều, đó là ngũ hành.

5. Ngũ hành

Ngũ hành tối quan trọng vì nó nói lên tầm hoạt động bao la của con người. Khi không đạt ngũ hành con người chỉ có thể làm việc hạn hẹp, còn với ngũ hành thì không đâu không có mặt. Vì thế ngũ hành ở đây phải hiểu là chấp nhận tất cả 4 góc: cả ki, mộc, thủy, hỏa. Nếu áp dụng vào xã hội là tất cả tu, tề, trị, bình không phủ nhận hiên nào trong 4. Trái lại được chấp nhận tất cả những đặt dưới quyền trung ương là con người, nên nói “bàng hành nhi bất lưu”: đi ra cả 4 góc mà không lưu lại góc nào. Hễ lưu lại thì gọi là ứ trệ hay là duy. Ngũ hành là không duy không làm nô lệ cho bất cứ hành nào nhưng vẫn là nhân chủ đầy sức hành động để biến dịch đặng bao trùm cả toàn diện. Không duy tu, duy tề, duy trì, duy bình nhưng bao trùm tất cả: tu, tề, trị, bình. Nhờ đó mà có “tinh thần” theo đúng nghĩa là “thần vô phương” tức không đặc chú vào có một hiên để chối bỏ các hiên kia, nhưng hiện diện ở cùng khắp (bàng hành). Đấy là căn để ngũ hành. Bước cuối cùng để thi hàn triệt để đạo ngũ hành là cửu trù.

6. Cửu trù

Cửu trù là Hồng phạm tức là mô thức lơn lao bao trùm khắp hết không gảy cái chi ra bên ngoài (một lối quảng diễn thuyết bàng hành trên). Do đó không phải đi tìm Đạo ở đâu xa: kiêu như duy tu thì đi tìm trên rừng hay trong các cộng đồng nối dài tu rừng, duy trị thì đi tìm trong chánh trị… Với thuyết Hồng Phạm thì lại không đi tìm đạo ở xa như thế mà tìm ngay ở gần trong bất cứ việc gì, sự gì vì tất cả được bao trùm trong cái Hồng Phạm. Đi tìm Đạo xa là vì thiếu Hồng Phạm mà chỉ có những mô phạm bé nhỏ cho một hiên hoặc tu hay tề hoặc trị hay bình. Đây thì tất cả tức làm bất cứ cái chi dù thuộc tu hay tề trị hay bình miễn làm đến cùng cực sẽ gặp vô biên. Nều hiểu đúng chữ cửu trù thì một câu văn nào cũng phải hiểu thấu triệt: cả triệt thượng lẫn triệt hạ. Triệt thượng là đạt tới nguồn suối uyên nguyên, thí dụ như tam tài vừa nói trên. Triệt hạ là lần xuống tận thể chế xã hội. Thí dụ tại sao lại có lễ gia tiên thì lý cuối cùng là thuyết tam tài tức con người cũng là vua là hoàng như thiên hay địa nên cũng đáng tôn thờ. Hoặc nói ngược lại thì thuyết tam tài không chỉ là một nguyên lý suông nhưng ăn sâu vào các thể chế xã hội như lễ gia tiên, sự vắng bóng của tăng lữ. Nhờ sự đi thông qua tự cơ đến dụng (dụng từ ý cơ) nên Việt Nho trở thành một nền văn hóa nào cụ thể bất địch. Nhờ đó mà không một thể chế hay phong tục nào lại không được thấm nhuần minh triết, và vì vậy khi muốn học về triết Việt Nho thì chỉ cần tự một điểm nào đó, một câu truyện trầu cau, thằng bờm, ông trụ trời, bọc trăm con v.v… sẽ lần ra mối hội thông với nền triết lý sâu xa, chứ khỏi cần đi tìm xa. Vì với Việt Nho ta có thể nói đâu đâu cũng có triết, miễn là có một triết gia để nhìn ra. Vì triết gia là người đi xuyên qua tất cả mọi chặng: cơ, ý, từ, dụng hoặc nói tự dưới trở lên là dụng, từ, ý, cơ (đã bàn dài trong quyển Vấn đề quốc học). Khó nhất là hai đợt cùng cực cơ và dụng. Dụng cũng gọi là mạt (ngọn). Cái khó khăn nhất ở tại biết nhìn thấy cơ ngay trong cái mạt “mạt nhi nan hĩ” là thế. Bởi chưng nó đòi một sự quán triệt dẫn tự ngọn nguồn ra tới tất cả ngành nhỏ, tự nguyên lý xuống đến các câu kết luận thực tiễn, dù chi tiết mấy cũng móc nối vào với nguyên lý cùng cực được, như vừa xem trên về tam tài, ngũ hành và lúc ấy sẽ thấy phi thường trong cái thường thường, khỏi đi xa. Đi xa biểu lộ cái Đạo còn hẹp quá chưa trùm được khắp mới phải đi tìm chỗ này mà không chỗ kia, như thế tỏ ra chưa đạt cơ cấu chân thực. Khi đạt thì sẽ tìm ra đạo bất kì ở đâu trong bất cứ việc chi. Đó gọi là bàng hành nhị bất lưu và đấy mới là nét đặc trưng của một cơ cấu luận chân thực: nó ở tại sự thấu nhập cùng khắp cho nên khi đạt cơo cấu thì nhà ở và xã hội mọi cái đều xếp đặt y như nhau về cơ cấu. Cũng phải nói như thế về tôn giáo, luật lệ nghi lễ đủ loại cho người sống cũng như cho người chết. Vì thế có cơ cấu là khi có sự thống nhất hiện diện khắp hết để không còn mâu thuẫn nào ở đợt căn cơ. Người ta thường thấy mâu thuẫn trong các triết học lý niệm là tại chỉ loanh quanh giữa ý và từ, trên không đạt Cơ dưới không đạt Dụng. Levi Strauss đã khen Phật tổ đưa được siêu hình vào đời sống là ý ông muốn nói đã đạt Cơ. Oâng cũng ca ngợi Karl Marx biết lấy sinh hoạt thực sự của dân, của những tập thể làm đối tượng cho xã hội học thì cũng là một kiểu khen đã đạt dụng. Thế nhưng đó là công đầu đối với Aâu Châu mà thôi. Chỉ có Aâu Tây lâu ngày bị nhuộm trong cái triết học lý niệm làm toàn bằng ý và từ nên triết học đào ngũ cuộc đời thực tại và bị những người như Karl Marx phản đối om sòm cho là mơ mộng. Nhưng chính vì om sòm (phản động) mà Marx lại cắt hoạn con người mất tâm linh, tức chưa đạt cơ nên học thuyết của Marx vẫn xa lìa thực tại, khiến cho những cán bộ Cộng sản trở thành cuồng tín đui mù vì ý hệ, không thể nhìn ra thực tại hiện hành, vì thế mà luôn luôn phải xét lại.

Trên đây là thử lên sổ mấy nét lớn của Việt Nho để minh chứng rằng nó mang trong mình đầy đủ những đức tính của cơ cấu như thế quân bình giữa âm dương, thứ lớp như trong ngũ hành, và đi tới cùng cực như trong Hồng phạm. Tất cả chứng tỏ rằng Nho giáo đã đi vào cơ cấu trước nhất, từ trước tới nay (1).

(1) Độc giả muốn nhìn rõ hơn khuôn mặt cơ cấu đó nên đọc Chữ Thời với biện chứng giữa thời không. Nhân Bản giữa thiên địa. Tâm Tư giữa tình lý. Trong cả ba quyển đều thấy con người giữ ghế chủ tịch để tung cánh bay trong vũ trụ.

7. Nét đặc trưng của cơ cấu Việt Nho

Đó là sự bình quân giữa hai yếu tố căn bản tạo thành cơ cấu. Sự quân bình này rất cao độ vì nó hiện thực mãi ở đợt Thiên Địa gọi là thời không hay vũ trụ. Đó là vấn đề thời gian rất quan trọng như đã bàn trong quyển Chữ Thời. Ở đây xin chỉ nói đến một khía cạnh cụ thể đó là sử để làm thí dụ quảng diễn và kiện chứng cho câu nói trên.

Sử là sự hiển hiện của nhân chủ. Nói khác chỉ có sử khi con người là chủ. Con vật không có sử. Vì không là chủ, con ngươi thái cổ chưa có sử vì chưa đạt nhân chủ. Người La Hy chưa đưa sử vào chương trình giáo dục, vì chưa thiết định xong nền Nhân Bản, và chính vì thế kỷ 18 nói đến Nhân bản nhiều nên cũng vội vàng đưa sử vào chương trình. Và cũng từ đấy mới nhận ra thiếu sử không chỉ là thiếu sử mà còn hàm chứa nhiều cái hại cho con người. Bởi vậy từ đó mới tôn thờ sử và đẩy đến độ duy sử để lại gây ra một sự quá đáng khác là chạy theo biến cố hàng ngang với nhịp độ càng ngày càng điên loạn để đuổi theo một sự hội nhập càng ngày càng trở nên diệu vợi, khó lòng lập lại được thế quân bình cần thiết giữa cơ cấu và biến cố (giữa cơ và dụng).

Que notre société ait choisi l’histoire c’est à ses rispues et périls… parce qu’elle a choisi la course aux événements est entrainé à un tythme toujours plus fou à des intégrations toujours plus difficiles: elle court le risque d’échouer en ne réusissant plus l’équilibre nécessaire des structures et des événements (Simonis 200).

Đó cũng là điểm mà nhà xã hội học danh tiếng Pitirin Sorokin đã cực lực tố cáo và ông gọi là cái bệnh “sinh lượng” (quantophrénie) tức biến đo lường thành cứu cánh. Bất kể cái chi miễn có thể minh chứng cách xác thiết là được. Tâm trạng đó dẫn đến chỗ làm cho học giả cố chứng minh càng ngày càng xác đáng thêm những mệnh đề càng ngày càng ít quan trọng.

Vì thế mà Levi Strauss đã cảnh cáo đừng để thời gian (duy sử) tiêu diệt mình: “ne laissons pas le temps nous détruire” (Simonis 309). Và đó là một trong những lý do của sự xuất hiện cơ cấu. Nhưng rồi nhiều tay cơ cấu lại đi đến chỗ chối sử, rồi chối luôn cả con người, biến triết thành phi nhân, phi sử, phi chính trị.

Trong quyển Les mots et les choses p.359 Foucault tỏ ra quý khoa học hơn con người, lấy cớ rằng sự hiện diện của người sẽ làm cho khoa học cũng như suy tư triết học bị nguy cơ chủ quan nên cần gẩy con người ra để bảo toàn tích khách quan cho khoa học. Sự chối bỏ con người này đưa đến chối bỏ lịch sử. Althusser một cơ cấu gia thiên cộng đề nghị một lối đọc lại quyển Capital của K.Marx theo cơ cấu, cũng cho là phải phủ nhận con người, kể cả người kinh tế (homo economicus) mới trông bảo toàn được tính chất xác đáng của khoa học. Vì thế ông ta từ chối con người với tất cả những gì nó xem, nghe, cảm, nghĩ: tất cả đều bị cho là ý hệ nên rất nguy hiểm cho khoa học, khiến cho khoa học trở thành ngụy tạo, vì thế mà cần thải bỏ con người với sử của nó. Trong số những triết gia coi thường sử ký cũng phải kể cả Heidegger. Oâng này thoạt tiên muốn chú trọng rất nhiều đến con người sống trong lịch sử đến độ cho rằng quan niệm hữu thể xưa kia hư hỏng vì đã gảy bỏ thời gian, bởi vậy Heid cố gắng lập lại vị trí cho thời gian. Thế mà cuối cùng sử tính của con người quay lại là tiêu tán mất lịch sử, do đó mà Heidegger bị tố cáo về tội hoạn con người như Dufenne nhận xét: “Chez Heidegger qui semble d’abord faire la part belle à l’homme comme historique. C’est paradoxalement l’histoire de l’homme qui revient à subtiliser l’histoire et du coup à émasculer l’homme” (Por L’homme, M.Dufrnne, Seuil 1968 p.102). Thế là luẩn quẩn, khiến cơ cấu quay lại lối cũ của người xưa, của Hegel chẳng hạn, cho rằng chỉ toàn thể mới có, còn thành phần là những con người cá thể chỉ gần như có. Chỉ hệ thống mới có chứ tôi, mộto cá thể trong xương trong thịt hầu không có. Đó lại là cái hữu tham dự bất tất (esse participatum contingens) của con người trung cổ không nơi cư trú ở đợt uyên nguyên hay là cái phù ảnh của Platon một triết gia phi nhân nên cũng phi lịch sử: chỉ biết ngắm nhìn lý giới bất biến bên ngoài thời gian vắng bóng người nên cũng vắng bóng sử. Các trào lưu triết minh thế kỷ 18 phải tranh đấu cam go lắm mới đưa đựơc lịch sử vào chương trình giáo dục, mới giành chỗ được cho con người. Nhưng con người vừa sinh ra thì đã lại dọn mình chết lành dưới bàn tay của những nhà cơ cấu phi nhân nên cũng phi sử.

Triết học phi nhân thì văn hóa cũng phi nhân. Phi nhân thì lấy ai giữ thế quân bình giữa hai đối cực Thiên Địa đây? Chưa một triết gia nào hay một trào lưu tư tưởng nào đặt nổi một nền tảng vững chãi cân đối cho một quan niệm lịch sử. Có nghĩa là triết vẫn còn đong đưa giữa hai thái cực: hoặc chối sử với câu dưới ánh mặt trời không xảy ra cái chi mới hết; hoặc duy sử với câu không thể tắm hai lần trong cùng một dòng sông; vì không một biến cố nào giống biến cố nào cả. Sự thật không có với những người ôm câu này hoặc câu kia mà nó nằm trong quan niệm sử hai chiều: chiều huyền sử gần như bất biến (nihil novi) với chiều ngang vẫn biến. có như vây mới “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Liệu cơ cấu có đạt cùng chăng? Levi Strauss đã nghiêng sang bên bất biến (xem Race et histoire cuối sách). Tuy vậy ông cũng đã ý thức được phần nào sự quan trọng của chữ hòa là then chốt cho sự bình quân uyên nguyên, chứng cớ được biểu lộ trong ít lời đề cao nhạc, nên chúng ta bàn thêm về nhạc như là biểu hiểu cân đối của cơ cấu Việt Nho.

8. Hòa ư nhạc

Ai cũng biết nhạc được Việt Nho tôn trọng như bà chúa mọi sự hòa hợp: hòa trời với đất, hòa nam với nữ, hòa sử ký với huyền sử.

Một trong những lý do khiến chúng tôi chú ý tới Levi Strauss là vì ông cũng biết quan tâm tới nhạc, coi “nhạc như mầu nhiệm tối hậu cho các khoa học về con người, một mầu nhiệm mà các khoa nhân văn đều vấp phải, nhưng chính nó là kẻ giữ chìa khóa mở vào mọi tiến bộ “La musique represente le suprême mystère des science de l’homme, celui contre lequel elles buttent et qui garde la clé de leur progrès (Simonis 294). Trên những thanh âm và tiết điệu nhạc tác động trong một khoảng đất trống là thời gian sinh lý của thính giả dùng để nghe nhạc, đó là thứ thời gian chạy dài cách tuyệt vọng vì bất khả phục hồi, nhưng nhạc lại biến đổi nó thành một toàn thể hàng dọc có đủ lý do tồn tại khép kín trên mình. Đến nỗi đang lúc nghe nhạc chúng ta như bước vào cõi bất tử, khiến cho tâm thức thấy mình thông hội với cơ cấu thiên nhiên vô thức. Một khi đã đạt đến cõi cơ cấu vô thức của tinh thần đó rồi, nhà cơ cấu van xin người ta bãi bỏ mọi công trình đi trước để hiến trọn thân tâm cho nền thẩm mỹ thầm lặng đặng thíêt lập mối tương quan thầm lặng với vũ trụ. “Arrivé à la structure inconscience de l’esprit, le structuraliste demande qu’on supprime toute l’oeuvre qui précédait et qu’on se consacre à l’esthétique silencieuse: la musique pour établir le lien silencieux avec le cosmos” (Simonis 12).

Thế là bước cuối cùng trên con đường tìm lại Mình, tìm lại toàn thể thì sự thành tựu không ở đợt lời, đớt ý, đợt lý luận nhưng là ở đợt nhạc.

Thành  bất ư Ý
bất ư Từ
bất ư Lý
Nhưng là thành ư Nhạc.


 Lm. Kim Định
Nguồn: http://www.dunglac.org/index.php?m=module2&v=chapter&id=71&ib=324&ict=3582

0 nhận xét: