Thứ Tư, 19 tháng 9, 2012

Cơ cấu Việt Nho - 3


III. CƠ CẤU CỦA LEVI STRAUSS

1. Bản tính đồng nhiên con người

Levi Strauss được chọn để học riêng vì ông có tính cách tổng quát nhất. Oâng đã nghiên cứu rất tỉ mỉ về thần thoại của nhiều dân, nhờ đó bên ngoài những cái dị biệt ông tìm ra được những nét giống nhau giữa các thần thoại, tất cả như được múc lấy tự một nguồn vô tận mà Jung kêu là tiềm thức cộng thông. Căn cứ vào đó ông đi đến kết luận là có một bản tính đồng nhiên cho mọi con người không phân biệt màu da, dòng máu… và do đó đi đến kết luận là có những luật bất biến chi phối mọi hoạt động con người, cổ cũng như kim, đông cũng như tây, nhưng đều nằm dưới vùng vô thức. Chính tác động vô thức đưa ra những dạng thức bắt buộc mọi người phải tuân theo. Vì thế chỉ cần tìm ra được cái cơ cấu vô thức nằm ngầm trong mỗi định chế, thói tục, thần thoại… là tìm ra nguyên lý giải nghĩa được tất cả mọi thể chế, thói tục, thần thoại khác… Muốn tìm ra thì cần đẩy phân tích thật sâu xa đến trung độ (A.S 28) bởi cái lý trí bất biến của bản tính con người là một hệ thống những niệm thức nằm chen kẽ giữa hạ tầng và thượng tầng kiến trúc. Nhờ vị trí trung gian đó chúng trở nên lưỡng diện vừa có tính cách thường nghiệm mà lại khả tri (empirique et intelligible). Với thường nghiệm là biến đổi, còn khả tri thì bất biến theo nghĩa là chúng vâng theo một số mẫu mực trở đi trở lại, vì chúng phát xuất từ một lý trí luôn luôn đồng nhất với mình. Bởi thế mà nó vượt trên quan điểm xã hội hay biến đổi. Đó là những cơ cấu thường trực của tâm thức con người không hay biến đổi nhưng lại chi phối mọi hình thái lộ diễn ra bên ngoài đầy phức tạp. Hễ nắm được những luật thường trực đó thì như vượt được những lớp phủ ngoài để đạt đến những nguyên nhân sâu xa nhất tiềm ẩn nhất để có thể giải nghĩa mọi phong tục kỳ lạ, tức là tìm ra được cái sâu xa để giải nghĩa những cái nông cạn. Nắm được những luật sâu xa đó rồi thì cả đến lịch sử bao gồm mọi biến cố phức tạp tuy vẫn bất khả tiên liệu, nhưng không còn tính chất tình cờ ngẫu nhĩ (arbitraire) mà có thể giải nghĩa bằng sử hàng dọc. Điều quan trọng là tìm ra được những cơ cấu đó. Chúng không có nhiều, tuy nhiên rất khỏ tìm ra vì chúng bị chôn vùi dưới những phạm trù lý trí, những dạng thức do trí óc con người bày ra, hoặc những tổ chức đủ thứ trong xã hội. Làm thế nào để tìm ra những luật cơ bản đó, đấy là việc của cơ cấu.

2. Kiến tạo dạng thức

Levi Strauss đề nghị một phương thức là kiến tạo ra những dạng thức để làm dụng cụ quan sát và xếp lọai những dữ kiện thâu lượm được trong vùng tiềm thức, vì tiềm thức là miền âm u mờ mịt như biển đại dương không thể y cứ vào cái gì để làm tiêu điểm. Bởi vậy mà phải kiến tạo ra dạng thức. Đại để như hình sau:

     D       

C

Trục ngang Th chỉ Thực thể hiện hình, các mũi tên hướng lên điểm D là dạng thức, còn trục D đến C là sự phản chiếu của cơ cấu (phỏng theo hình mượn của Simonis p.171). Xem hình trên sẽ nhận ra rằng những dạng thức không phải là hình ảnh sao lại y nguyên thực tại, vì thực tại mờ mịt phi hình, vậy dạng thức chỉ là những khí dụng có mạch lạc nên khả niệm vì do lý trí tạo ra để “chụp” lên trên thực tại mơ hồ đặng có thể phân chia. Chẳng khác gì trái đất có hình tròn không lấy gì làm tiêu điểm, nhà khoa học tự đặt ra các hệ thống kinh tuyến vĩ tuyến rồi chụp lên quả địa cầu đặng có thể phân chi độ số. Cũng vậy nhà cơ cấu đặt ra những dạng thức không cần mấy xác thực là cốt để nắm được thực tại. Như thế những dạng thức đó không có phần cụ thể (phần sensible) nhưng lại tạo ra được phần khả niệm (intelligible. Simonis 316). Nói khác dạng thức làm cho ta lùi xa thực tại (vì đánh mất sensible) là cốt để nắm vững hơn được thực tại (bằng intelligible) kiểu như khoa học vật lý cũng cắt xén sự vật bằng những phương pháp trừu tượng hầu chế ngự thực tại. Cũng thế những mô hình kiến tạo có thể giúp ta khám phá những hệ thống hữu lý tiềm ẩn dưới bộ mặt phức tạp mơ hồ của thực tại. Là vì nhờ đó ta có thể chọn lọc trong thực tại đa tạp mơ hồ một số chủ đề nào đó đặng đề cao, phóng đại, giúp thực tại được diễn ra trong mốc giới, bớt được sự mung lung. Vì vậy không nên chê những dạng thức kiến tạo (modeles construits) là giả thiết, không tưởng vì đó chỉ là những phương tiện bày ra giúp cho đi đến một mục tiêu khác như để có lý tưởng (dù chỉ là giả định) đặng mà đối chiếu thực tại. Trong lịch sử khoa học đã có nhiều gương như thế chẳng hạn toán học dùng đồ biểu để giản lược thực tại cho dễ quan sát. Hoặc là những điển loại (types) của Weber cũng có tính cách giả định vì chỉ cốt dùng làm tiêu điểm đặng kiểm kê thực tại nhân văn. Thực tại vốn hàm hồ, vậy cần thiết lập ra một hệ thống đo lường các giá trị đó gọi là điển loại. Điển loại có ích cho việc học hỏi bớt đi tính chất mung lung. Trong triết học ta cũng có thể kể đến những phạm trù của Kant. Đó cũng là những tương quan tất yếu được lý trí suy diễn ra dùng để liên kết và thâu dồn vạn vật đa tạp vào với nhau. Ở giữa phạm trù lý trí phân minh và sự vật hỗn tạp Kant đặt ra một thứ trung gian vừa có tính chất cảm giác cụ thể để sắp xếp sự vật, lại thêm tính chất lý luận trừu tượng để sắp xếp các sự vật, đó là niệm thức (schématisme) một sản phẩm của trí tưởng tượng tiên nghiệm. Cơ cấu phần nào giống với niệm thức, còn dạng thức giống với phạm trù. Như vậy dạng thức được kiến tạo có lý do tồn tại của nó, nên đã xuất hiện nhiều lần, nhưng với Levi Strauss thì được thi hành cách triệt để và hệ thống.

Thế là đã tạm bàn xong phương pháp. Bây giờ đến chuyện dùng phương pháp. Và câu hỏi trước nhất sẽ là áp dụng vào điểm nào? Thưa đó sẽ là những điểm nối.

3. Điểm nối

Đây là điều tối quan trọng nhưng không được chú ý đủ trong các khoa học xưa vì tất cả chỉ chú ý có một bên: triết thì chú ý lý trí, sử thì duy kiện, ngôn ngữ thì ngữ luật… Hầu không khoa nào chú trọng đến điểm nối ý thức với tiềm thức, nối cảm xúc với khả niệm, nối văn hóa với thiên nhiên và vì vậy tất cả bị lên án là một chiều hay là độc khối: đánh mất chữ Tương. Levi Strauss đã muốn bù đắp chỗ đó bằng nghiên cứu về những điểm nối đã hiện hình, thí dụ việc nam nữ kết hôn là một, trao đổi hóa vật là hai và trao đổi văn hóa là ba.

Trong việc hôn nhân cũng gọi là trao đổi đàn bà Levi Strauss chú ý nhiều nhất đến tục lệ cấm loạn luân. Đó là điều có tính cách phổ quát vì không đâu không có, mà lại do con người (nhân vi hay văn hóa) nhưng đặt trên một điều thiên nhiên là sự nam nữ giao hợp. Nam nữ giao hợp là luật thiên nhiên phổ quát, không đâu không có, nó còn quan trọng hơn việc ăn uống vì thuộc cá nhân: ăn để cho cá nhân sống, còn nam nữ giao hợp là để cho chủng lọai trường tồn nên có tính cách nền tảng hơn, sâu xa hơn việc ăn. Và xem ra thiên nhiên không có đặt một sự hạn chế nào cả. Cha nằm với con gái như các vua Pharaon quen làm thì con cái sinh ra cũng không thấy yếu ớt như một số nhà luân lý nghĩ tưởng. Vậy mà phải công nhận một điều là khắp nơi trên thế giới đâu đâu cũng có sự cấm loạn luân, thì rõ rệt đó là một sự can thiệp của con người vào thiên nhiên và chính sự can thiệp đó làm nền tảng cho văn hóa. Con vật thiếu văn hóa vì không biết can thiệp vào thiên nhiên, không biết “sang ngang” tức bước tự thiên nhiên tới nhân vị. Trong sự sang ngang đó Levi Strauss coi việc cấm loạn luân là rõ nhất, ông viết: l’inceste est le passage de la nature à la culture (Simonis 38). Vì thế Yvan Simonis đã gọi cơ cấu của Levi Strauss là sự đam mê loạn luân: coi loạn luân như cửa dẫn vào cơ cấu luận của Levi Strauss (Levi Strauss ou la passion de l’inceste, introduction au structuralisme). Nói khác con người chỉ bước lên đợt đầu của văn hóa và từ lúc có luật lệ cấm loạn luân, vì đó là bước đầu có tổ chức thay vào cho sự tình cờ gặp đâu hay đấy. Từ lúc cấm loạn luân thì người ta mở rộng giao liên đến cha nhường mẹ, chị cho gia đình khác, thị tộc khác; và do đó mở rộng phạm vi trao đổi. Trao đổi đàn bà được chú trọng vì nó là bản gốc của thân tộc, tức là lối xếp loại con người theo dòng máu, theo mức độ thân hay sơ. Như thế sự cấm loạn luân là cột trụ của thân tộc, mà thân tộc cũng là một trụ cột khác trong công trình của Levi Strauss. Thân tộc cũng vừa là cái gì thiên nhiên vừa là văn hóa (nhân vị tự ngoài chụp vào) nên có rất nhiều mối liên hệ họ hàng khác nhau do sự can thiệp khác nhau của mỗi nơi mỗi thời. Có thể nói như thế về các kiểu kiến trúc, sắp đặt nhà cửa trong một thôn ấp ở nhiều sắc dân cổ sơ. Tất cả đều hàm tàng những mối tương quan giàu tình chất cơ cấu tức là trong việc ăn mặc cũng như cư trú vừa là thiên nhiên vừa lại do con người tạo tác thì có nhiều lối xếp lọai khác nhau làm nên những sắc thái văn minh khác nhau, mỗi cái có giá trị riêng của nó khi đặt đúng vào toàn bộ của nó.

4. Giá trị của những cái khởi đầu

Chính vì thế mà Levi Strauss đứng vào phe chống lại thuyết tiến hóa về văn minh, vì là thuyết mưu toan xóa bỏ các nền văn hóa khác để chỉ lấy Aâu Châu làm điểm tối hậu, làm tiêu chuẩn duy nhất, và như vậy thì các dân khác phải từ bỏ tiêu chuẩn của mình để theo tiêu chuẩn của Tây Aâu. Có thế mới gọi là tiến bộ văn minh. Vì theo chủ trương tiến hóa thì những sự khác biệt là giả tạo mà không còn là tố chất của các nền văn hóa. Thế mà sự tiến hóa xưa nay không luôn luôn đi theo một chiều hướng nhất định và càng ngày càng xa hơn theo chiều hướng ấy, trái lại chiều hướng có thể thay đổi bất ngờ, ngẫu biến gần như một con cờ tướng có sẵn nhiều lối đi nhưng không bao giờ theo một chiếu hướng duy nhất. Tây phương có tiến xa hơn trong kỹ thuật nhưng trong các ngành khác như tôn giáo mỹ thuật lại kém v.v… Chứng cớ là nhiều dân cổ sơ biết tổ chức đời sống đem lại hạnh phúc cho nhiều người hơn bên Tây Aâu. Có thể nói họ “người” hơn những dân Tây Aâu văn minh. Vì thế ông phản đối thuyết biến hóa (được hầu hết người Pháp theo, trừ hai ông Balandier và Roger Bastide chuyên nghiên cứu về đề tài văn hóa Tây Aâu ăn hiếp các văn hóa bổn quốc phi châu. Còn Roger Bastide khảo về sự va chạm các tôn giáo ở Ba Tây). Tất cả những người đó giống với óc đế quốc của Cộng sản: cố công đem học thuyết Tây Aâu trùm lên con người khắp nơi, mà không kể chi tới những sắc thái dị biệt. Vì thế một nhà nhân chủng học nổi tiếng ở Anh ông Radcliffe Brown đã gọi quan niệm tiến hóa trên kia là ngụy sử.

Còn ông Malinowski đưa ra thuyết chức năng (fonctionnalisme) để chống lại. Oâng cho thuyết tiến hóa quá trừu tượng vì xem xã hội sơ khai như lệ thuộc vào lịch sử Tây phương. Đó là lối nhìn cũ kỹ cắm mắt vào những yếu tố lẻ tẻ vụn mảnh mà không chú ý đến toàn bộ làm thành bởi những yếu tố ấy. Vậy cần lập ra Chức năng thuyết để nghiên cứu về tác hành của xã hội. Cái đó nằm ngay trong hiện tại của nó, vì xã hội ấy chỉ có thể tồn tại và điều hành được là nhờ những yếu tố hiện tại có trong xã hội chứ không phải những yếu tố đã khuất dạng trong quá khứ. Và vì thề mà quan niệm chức năng đi đến chỗ phủ nhận lịch sử nghĩa là phủ nhận biến động. Đó là một điều quá đáng khác mà Levi Strauss đã muốn tránh. Vì thế tuy ông rất chú ý đến cơ cấu đồng thời nhưng cũng công nhận rằng nhờ có sự biến chuyển hiện đang xảy ra trong các xã hội cổ sơ mà ta mới có thể khám phá ra những cơ cấu nằm ngầm trong các xã hội ấy. Những cơ cấu ấy thường hình thành ngay từ những bước sơ khai của mỗi dân tộc, vì thế Levi Strauss đề cao giá trị của những cái khởi đầu coi đó như những gạch nối giữa hai nền sử hàng ngang và hàng dọc: là vì lúc đó tiềm thức còn tác động mạnh hơn các đời về sau. Oâng cho rằng trong bất cứ phương diện nào chỉ có những bước đầu mới là lớn lao, những sáng tạo ban đầu mới là vĩ đại. Trong Tristes topiques (p. 422) ông có viết rằng “trong phạm vi nào bất cứ con người chỉ sáng tạo được những cái cao cả trong lúc đầu: chỉ có bước khởi sự mới lớn lao toàn triệt! L’homme ne crée vraiment grand qu’au début dans quelque domaine que ce soit, seule la première dèmarche soit intégralement grandes. Vì thế ông coi những truyện thần thoại như những cơ cấu nổi lờ phờ trên mặt ý thức, nên dễ khai quật, để giúp tìm ra được những dạng thức căn cơ cho một xã hội. Muốn tìm hiểu một xã hội mà lại bỏ bê những trang đầu lịch sử là chỉ biết có sử hàng ngang, đó là sa đọa, không thể đạt được cấu thứ của các định chế (Race 120). Quyển “La Pensée Sauvage” của ông có thể coi như tiếng chuông sầu chôn táng sự sai lầm của Levy Bruhl cho rằng tâm trạng các dân cổ sơ là lạc hậu, là “chưa tới đợt khoa học lý luận nên gọi là tiền luận lý”. Đó cũng là thành kiến của hầu hết mọi người trong thế hệ vừa rồi. Tự nay với cơ cấu phải nghĩ khác. Cơ cấu sẽ nói với mọi người rằng: đừng lấy mày làm thy, hãy để người khác tiếp tục là họ. Họ còn gần thiên nhiên nên cũng gần căn cơ hơn mày.

Lm. Kim Định

0 nhận xét: