Thứ Bảy, 15 tháng 9, 2012

Tiến sĩ giấy ngày nay đã khác nhiều

15/9/2012 06:35

Hàng chục năm tâm huyết với nghề làm tiến sĩ giấy - chị Nguyễn Thị Tuyến (xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) tin rằng việc mình làm vừa là gìn giữ nét văn hóa truyền thống gia đình, vừa là một cách làm gương, dạy dỗ các con nên người.

“Tiến sỹ giấy” chuẩn bị cho mùa Trung thu năm nay

Nghề không nỡ dứt

Gian phòng bày chật cứng những ông “tiến sĩ giấy”, chị Nguyễn Thị Tuyến (xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) đang cặm cụi vẽ mặt, vót nan, cắt giấy. Chị tỉ mỉ chọn từng màu sắc của mũ, áo, thắt lưng… để tạo nên những tiến sĩ sao cho thật sống động. Cô cháu gái 4 tuổi quanh quẩn bên bà nội, hồn nhiên chơi giữa những “ông” tiến sĩ nhiều màu sắc.

Gia đình chị là gia đình duy nhất còn duy trì nghề làm tiến sĩ giấy trên đất Hà thành.

Trong ngôi nhà này, hồn vía của món đồ chơi dân gian truyền thống, thật may mắn vẫn được giữ gìn nguyên vẹn: Tiến sĩ giấy có mặt trong mâm cỗ Trung Thu của mỗi lứa trẻ con trong gia đình; Dù chỉ là đồ chơi, song người lớn, trẻ nhỏ đều kính cẩn gọi là “Ông” chứ không bao giờ dùng cách gọi thô tục nào khác; Trên bàn học, trong tủ, “Ông” luôn được bày ở vị trí trang trọng.

“Ngày xưa cuộc sống nghèo khó, không có nhiều đồ chơi như bây giờ. Tiến sĩ giấy, đèn ông sao, đèn con thỏ… là những món đồ chơi không thể thiếu của trẻ con, nhất là vào dịp Tết Trung thu. Bây giờ, người ta dần quên lãng chúng vì đồ chơi nhiều, nhất là hàng Tàu bắt mắt, trẻ con, người lớn đều” – chị Tuyến chia sẻ.

Chị bảo, vì là con “nhà nghề” nên từ nhỏ chị đã gắn bó với tiến sĩ giấy đến mức không nỡ dứt. Nghề cho thu nhập eo hẹp, tuy không tốn sức, nhưng mất rất nhiều thời gian. Có giai đoạn anh chị chỉ dám làm cầm chừng vì còn bận ruộng nương, lo đi làm nuôi 4 con nhỏ (2 trai, 2 gái).

“Tôi chỉ nghĩ đây là nghề tổ thiêng liêng, là nghề gìn giữ những nét văn hóa lành mạnh mà ông bà, cha mẹ đã tin tưởng gửi gắm cho nên vợ chồng tôi nhất quyết không bỏ” – chị bộc bạch.

Đó là lý do vợ chồng chị kiên định bám trụ lấy nghề suốt mấy chục năm trời.

Niềm vui ánh lên trong khóe mắt, chị cho biết: “Sau này được nhà nước quan tâm nên nghề cũng bớt long đong, lận đận. Khoảng chục năm nay, chúng tôi không còn phải lặn lội gồng gánh, chở hàng đi rong ruổi ở các chợ quê nữa. Tôi được mời đi trình diễn cách làm, truyền đạt ý nghĩa của món đồ chơi dân gian cho các du khách, bán sản phẩm trong những gian hàng ở các triển lãm, lễ hội. Nhiều khách hàng cũng tìm đến tận nhà để đặt hàng”

“Tiến sĩ ngày nay đã khác nhiều”

Chỉ vào một "ông tiến sĩ" đang làm dở trên tay, chị Tuyến giảng giải: Tiến sĩ giấy gồm 2 loại: “Ông” to tượng trưng cho ông Cống, ông Nghè, chỉ những nhà giàu có mới mua về bày cho sang. Còn “Ông” nhỏ tượng trưng cho những tiến sĩ đỗ đạt, nhà nghèo thường chuộng hơn vì phù hợp với hoàn cảnh, lại vừa túi tiền. Đi kèm với mỗi “Ông”còn có 2 ông đánh gậy, tượng trưng cho quân, tướng đi theo.

“Tiến sĩ giấy là món đồ chơi gắn với tinh thần hiếu học của cha ông ta. Sau đêm phá cỗ, ông to để trong tủ uy nghi, ông nhỏ bày ở bàn học nhắc nhở các con cháu chăm chỉ học hành, phấn đấu thành tài. Hai ông đánh gậy treo trước gió, tay chân huơ lên rất vui mắt, là món đồ chơi thích thú của trẻ con” – chị nói.

Trong trí nhớ của chị Tuyến, xưa kia tiến sĩ giấy do nhà chị làm ra bao giờ cũng rất đắt hàng. Có những phiên chợ, chị gánh cả bồ ra chợ, bán hàng trăm “Ông” một buổi.

“Tiến sĩ giấy ngoài là đồ chơi, còn thể hiện giấc mơ của người dân, nhất là dân nghèo là học để thoát nghèo, học để vươn lên rạng danh với làng xóm. Ngày nay, tiến sĩ giấy ít nhiều bị lạnh nhạt và mất đi ý nghĩa gốc. Người ta thờ ơ, hoặc chỉ đơn thuần coi đây là món đồ chơi của “quá khứ”, nhiều người hoàn toàn không hiểu gì về tiến sĩ giấy” – chị Tuyến nhận xét.

Nhìn những ông Nghè, ông Cống, những "tiến sĩ" uy nghi xếp trên sập, dưới sàn nhà, chị trâm ngâm bảo: “Tiến sĩ giấy này là tiến sĩ của ngày xưa. Xưa kia tiến sĩ đỗ đạt là để ra làm quan, giúp dân, giúp nước. Họ học hành chân chính và đỗ đạt, trở thành niềm vinh dự của làng xóm, quê hương. Còn ngày nay, tiến sĩ đã khác nhiều. Nhiều ông “tiến sĩ tiền”, làm quan thì nhũng nhiễu dân... Thành ra cũng chẳng trách được người đời”.

Nói là nói vậy, còn trong gia đình, chị vẫn dùng ông Tiến sỹ giấy để răn dạy các con trọng việc học, giữ gìn đạo đức. Các con chị ngoan ngoãn, trưởng thành đều có công ăn việc làm. Cuộc sống có thể còn nhiều khó khăn, nhưng tất cả đều hiếu thuận với cha mẹ, trân quý cái nghề của gia đình.

Chị Tuyến tin rằng, riêng việc chị thành tâm theo nghề cũng là một cách để làm gương, dạy dỗ các con nên người.
Chị Tuyến miệt mài làm những tiến sĩ giấy phục vụ mùa trung thu năm nay
“Tiến sĩ ngày nay đã khác nhiều” – lời chị Tuyến

0 nhận xét: