Thứ Hai, 17 tháng 6, 2013

Chuyện ăn cắp vặt có khi lại bắt nguồn từ “sốc văn hóa”


     - Chuyện người Việt (ý tôi muốn nhấn mạnh là người Việt làm điều xấu) bị kỳ thị ở Nhật, thì đúng là sự thực không thể chối cãi.
    Về chuyện đối phó với người Việt ăn cắp hay phạm các tội khác tại Nhật Bản, không chỉ có việc lắp mấy biển cảnh cáo trong bài báo dẫn facebook trên VietNamNet, mà hàng chục năm nay, chính phủ Nhật đã có hẳn một kế hoạch xử lí cụ thể hơn. Đó là việc Tổng cục cảnh sát Nhật Bản (National Police Agency - 警察庁 Keisatsu-chou) hàng năm cử hàng chục cảnh sát của các tỉnh, nhất là những tỉnh có nhiều người Việt hoặc tu nghiệp sinh Việt cư trú, tập trung về trường Đại học Cảnh sát Nhật Bản tại quận Fuchuu, Thủ đô Tokyo để học tiếng Việt cấp tốc, liên tục cả sáng cả chiều trong thời gian một năm.
    Người Việt ăn cắp vặt, Nhật bản, kỳ thị
    Tấm biển cảnh báo người Việt ở Nhật Bản.
    Mục đích của những khóa học tiếng Việt này là để giúp các cảnh sát có kỹ năng về ngôn ngữ và văn hóa Việt, trực tiếp xử lí các vụ việc liên quan đến chuyện hình sự (keiji) mà người Việt gây ra. Tất nhiên là không chỉ tiếng Việt mà còn có các thứ tiếng khác nữa như tiếng Trung để đối phó với người Trung Quốc, tiếng Ba tư để đối phó với người Iran…
    Tôi có cơ hội quen nhiều cảnh sát trong những nhóm này. Trong nhiều chuyện mà họ kể về tình trạng ăn cắp vặt của tu nghiệp sinh người Việt tại siêu thị thì có một chuyện do một cảnh sát kể lại làm tôi suy nghĩ mãi về “sốc văn hóa” hay là “kỹ năng sống”. 
    Viên cảnh sát này kể là anh không nhịn được cười khi xem lại băng hình từ camera của siêu thị. Cảnh sát này kể, hai ba tu nghiệp sinh lấy xe đẩy của siêu thị, lấy đồ chất đầy rồi vô tư đẩy ra khỏi siêu thị một cách ngang nhiên, không có chút gì sợ hãi. Tất nhiên, họ đã bị bắt ngay sau đó. 
    Viên cảnh sát cười mãi và nói: Tôi không hiểu nổi vì sao họ chẳng có chút gì sợ hãi, lén lút khi lấy đồ, cứ thế, chất đồ lên rồi đẩy ra cửa siêu thị. Tôi trao đổi với viên cảnh sát này, có thể đây là câu chuyện “sốc văn hóa” hay là “kỹ năng sống”.
    Những tu nghiệp sinh này, từ vùng quê xa xôi của Việt Nam trực tiếp bay sang Nhật luôn, có thể chưa hiểu được cách quản lí an ninh hiện đại của siêu thị, nhất là siêu thị Nhật, khi thấy siêu thị không có ai trông hàng như mấy cửa hàng ở thị trấn quê mình, bèn nổi lòng tham, rủ nhau làm một chuyến, ai ngờ có camera và bộ phận phụ trách camera phát hiện. Vì vậy, nếu những tu nghiệp sinh này được cảnh báo trước nhiều lần về chuyện này, chắc là những chuyện “buồn cười” mà cảnh sát kia phải xử lí có thể sẽ giảm.
    Mong rằng, các công ty tuyển tu nghiệp sinh sang Nhật Bản cần dành thêm thời gian hướng dẫn tu nghiệp sinh về Văn hóa Nhật nhằm giảm bớt những sự “hiểu nhầm” đáng tiếc.
    Anh Anh

    0 nhận xét: