Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2013

Giải mã mộ cổ khổng lồ bằng đá 2000 năm tuổi

Cập nhật lúc 09h08' ngày 23/10/2012

Các nhà nghiên cứu lao vào lý giải sự uy quyền thể hiện trong kiến trúc độc đáo của ngôi cổ mộ nhưng những bí ẩn của nó vẫn chưa thể khám phá.

Di tích khảo cổ học Hàng Gòn (Long Khánh, Đồng Nai) được nhà khảo cổ học người Pháp J. Bouchot phát hiện năm 1927, trong quá trình khai phá xây dựng con đường nối liền Long Khánh, Đồng Nai với Bà Rịa - Vũng Tàu, người Pháp đã vô tình phát hiện ra ngôi mộ cổ bị chôn vùi dưới lòng đất qua nhiều phát tích của thời gian.


Cổ mộ Hàng Gòn không chỉ là mộ cổ

Nhà khảo cổ học J. Bouchot cho biết, ông đã tiến hành khai quật và đi sâu vào nghiên cứu Cự Thạch Bi để bắt đầu đưa ra những lý giải đầu tiên về sự hoành tráng và uy quyền thể hiện qua cấu trúc.

Cự Thạch Bi nằm trong đất của đồn điền ông W. Baze tại Hàng Gòn (Long Khánh), được khai quật dưới sự chứng kiến của nhà khảo cổ học Blanchard de la Brosse.

Kết luận tại thời điểm đó, các nhà khảo cổ học người Pháp nhận định đây là ngôi mộ cổ ghép bằng những phiến đá khổng lồ giữa hai hàng có 12 trụ đá cao lớn. Trong quá trình khai quật, chỉ thấy bên trong cổ mộ toàn đất sét đỏ rắn chắc, do đó, giới khảo cổ suy luận đây là thi hài tồn tại qua nhiều thế kỷ, đã tiêu tan nhiều nên đất bên ngoài thông qua kẽ hở rút vào đầy mộ.

Ông Phạm Văn Bình, một chuyên gia khảo cổ học tại TP.HCM cho biết, di tích mộ Hàng Gòn nằm trên một vùng đất đỏ bazan tương đối bằng phẳng, có độ cao 250m so với mực nước biển. Vùng Hàng Gòn có những ngọn núi đá hay đồi cao nguyên là miệng núi lửa. Những vùng lân cận cũng là các địa điểm khảo cổ học, đã phát hiện nhiều công cụ thời đại đá cũ, cách đây 600 - 300 ngàn năm.

Ghi nhận tại hiện trường khu mộ cổ, PV nhận thấy những điểm khác biệt so với những tài liệu nghiên cứu về di tích đã được công bố trước đây. Theo đó, những trụ đá có kích thước lên đến 11cm, cao hơn 7m được xếp thành 2 hàng dọc cách thành áo quan bằng đá tảng nay đã được hạ xuống, xếp quanh áo quan.

Ngoài ra, còn có những đá tảng có kích thước lớn, nhiều mảnh vỡ từ các trụ, đá tảng. Trung tâm khu di tích vừa được tôn tạo là chiếc áo quan bằng đá có hình hộp chữ nhật được ghép bằng 5 tấm đá hoa cương, kích thước 4,2 x 2,7 x 1,6m.

Mộ Cự Thạch
Mộ Cự Thạch

Tuy nhiên, các nghiên cứu của J.Bouchot, người đầu tiên tiến hành nghiên cứu cổ mộ cho thấy: Mộ Cự Thạch có kiến trúc gồm 2 hàng trụ bao quanh hầm mộ. Tổng số có 10 trụ, 8 trụ được làm từ sa thạch hay đá cát (grès) hoặc bazan (basalte), cao 2,5 - 3m, mặt cắt ngang hình bầu dục, một đầu có vết lõm hình yên ngựa.

Hai trụ còn lại làm bằng đá hoa cương (granite), dài 7,2m, mặt cắt hình chữ nhật, rộng 1,1m và dày 0,35m. Đầu dưới có một đoạn phình ra hai bên. Đầu trên cũng có vết lõm. Kiến trúc trung tâm là hầm mộ hình khối hộp chữ nhật, được ghép bằng 6 tấm đá hoa cương, kích thước 4,2 x 2,7 x1,6m.

Hầm mộ có kích thước 4,5 x 2,0 x 1,5m, nằm theo hướng Đông - Tây. Các trụ bằng đá trên cũng có những kích thước, độ dài khác nhau. Theo đó, các trụ đá trung bình cao từ 0,25m đến 5m. Cột cao nhất lên đến 7,5m.
PGS.TS. Nguyễn Lân Cường, chủ tịch Hội Cựu viên chức Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, cho hay những nghiên cứu và ghi nhận của những nhà nghiên cứu về số lượng, vị trí các trụ đá trong khu hầm mộ cũng có điểm khác nhau.

Theo ghi nhận của nhà khảo cổ J.Bouchot thì Mộ Cự Thạch có kiến trúc gồm 2 hàng trụ bao quanh hầm mộ và số lượng trụ đá được nhận định là 10 trụ. Tuy nhiên, trong những ghi chép của Parmentier H. lại cho rằng hầm mộ bao gồm 12 trụ đá.

Trong khi đó, các đợt khảo sát trong hai năm 2006 - 2007 lại chỉ ra rằng trên miệng hố, cách hầm mộ về phía Nam khoảng 11m còn có 10 trụ đá khác. Tổng cộng, theo thống kê của nhà khảo cổ Lưu Anh Tuyết, có tất cả 27 trụ đá còn lại trên hiện trường.


Bí ẩn chưa lời giải

Ông Phạm Văn Bình, một chuyên gia khảo cổ học tại TP.HCM cho biết: "Việc phát hiện khu mộ bằng đá tảng khổng lồ có diện tích lớn đã thu hút hàng trăm các nhà khảo cổ học trong và ngoài nước với nhiều công trình khám phá khác nhau".

Theo đó, trước năm 1975, các công trình nghiên cứu quy mô đã được các nhà khảo cổ học người Pháp như: Parmentier H., Gaspardone E., Malleret L., Saurin Ed., Fontaine H. tiến hành. Từ năm 1975 đến nay, nhiều nhà nghiên cứu từ Liên Xô cũ, Đức, Bulgari, Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc cũng đã đến tham quan nghiên cứu với khát khao giải mã được những bí ẩn chưa có lời giải tại khu mộ cổ này.

Theo ông Phạm Văn Bình, các câu hỏi như: Khu mộ bằng đá kỳ vĩ này thuộc về ai? Bằng cách nào người thời xưa với sức lao động chân tay có thể xây dựng khu mộ bằng những phiến đá? Trụ đá nặng hàng chục tấn, chức năng của những trụ đá xếp thành hàng dọc hai bên áo quan là gì? Tất cả những câu hỏi đó cho tới nay vẫn chưa được lý giải thỏa đáng.

Một trong những lý giải đầu tiên về chức năng của ngôi mộ bằng đá khổng lồ trên được nhà khảo cổ học Parmentier H. giới thiệu sau quá trình nghiên cứu của mình.


Theo đó, Parmentier H. nhận định khu hầm mộ là một ngôi mộ tập thể. Nắp mộ có thể mở được để tiếp nhận thêm nhiều người quá cố hoặc tro cốt hỏa táng. Các trụ đá xung quanh áo quan cũng được nhà nghiên cứu này cho rằng được sử dụng làm trụ đỡ cho hệ thống ròng rọc hay những dây kéo để nâng nắp mộ.

Ban Quản lý di tích danh thắng tỉnh Đồng Nai và Trung tâm Khảo cổ học trực thuộc Viện Khoa học Xã hội tại TP.HCM cho biết, sau quá trình nghiên cứu, đơn vị này phát hiện, thu thập nhiều hiện vật mới. Một trong số đó là gốm.

Kết quả phân tích thạch học với 5 mẫu gốm thu được tại đây, đơn vị trên kết luận: Hầu hết đồ gốm thu thập bên trong khuôn viên, xung quanh khu mộ Cự Thạch có thể là đồ gốm mang chức năng nghi lễ, là đồ thờ cúng, bị vỡ hoặc bị đập vỡ. Chúng gồm các loại bình vò loại nhỏ, hũ nhỏ, bát, chén có chân đế và thường rất mỏng.
Theo đó, những nghiên cứu đồ gốm đợt khai quật năm 2007 đã cho phép hình dung được phần nào bức tranh chung của khu mộ Cự Thạch. Trong khuôn viên là khu mộ chính, đồ gốm tìm thấy trong khu vực này liên quan với việc tổ chức nghi lễ, thờ cúng tại đây.

Khu vực bên ngoài khuôn viên hầm mộ, các nhà nghiên cứu cũng thu được các loại hình đồ dùng sinh hoạt được chôn theo người chết. Hầu hết đồ gốm được làm bằng tay, khá đẹp, đạt trình độ khá cao, chất liệu phù hợp với chức năng sử dụng của từng loại hình đồ đựng.

Cũng theo ghi nhận của Ban Quản lý di tich danh thắng Đồng Nai, việc thu được hai hiện vật tù và bằng đồng trong đợt thám sát năm 2006 cho thấy chúng có quan hệ với phát hiện vũ khí qua đồng Long Giao, cách Hàng Gòn khoảng 5km trong ý nghĩa là một phần tổ hợp vũ khí của những chiến binh.

Như vậy, chủ nhân của mộ Cự Thạch là một thủ lĩnh đầy quyền uy của một cộng đồng người (bộ lạc hoặc liên minh các bộ lạc) không những hùng mạnh về kinh tế, có đủ sức người sức của để xây dựng nên mộ Cự Thạch hoành tráng, mà còn rất thông thạo binh nghiệp.

Tuy nhiên, câu hỏi bằng cách nào mà con người được khẳng định sống cách đây hơn 150 trước Công nguyên đến 240 năm sau Công nguyên có thể chế tác thành công những trụ đá, tấm đan bằng đá hoa cương khổng lồ và chức năng của những trụ đá trên là gì vẫn nằm trong vòng bí ẩn.

Lý giải nghi vấn trên, các chuyên gia của Bảo tàng Nhân chủng học tại khu vực phía Nam cho biết: Trong đợt khai quật năm 1996, Phạm Đức Mạnh đã đề cập đến một công xưởng chế tác đá bên cạnh mộ Cự Thạch. Trong khu vực xưởng chế tác đá, ngoài những tấm đan, cột dường như chưa qua sử dụng đã được phát hiện trước đây, nay còn thấy vương vãi những phế vật, mảnh tước đá cùng những công cụ lao động.

Tuy nhiên, số lượng đá phế liệu không nhiều cho thấy người xưa đã sơ chế các tấm đan đá tại các mỏ xa và vận chuyển về Hàng Gòn để tiếp tục gia công, tạo ra những tấm đan, cột đá phù hợp cho kiến trúc Mộ. Theo đó, bằng cách vận chuyển nào đó với những công đoạn thủ công bí ẩn, người tiền sử đã tạo nên những tấm đan, trụ bằng đá nặng hàng chục tấn và hình thành một khu mộ kỳ vĩ trơ gan cùng tuế nguyệt cho đến hôm nay.
PGS. TS Nguyễn Lân Cường, cho biết: "Việc khai quật một di tích khảo cổ học mộ cổ là hết sức khó khăn và phức tạp. Những khó khăn đó đến từ rào cản tín ngưỡng, nhiều người dân địa phương nơi cổ mộ tồn tại thường có thái độ e dè và phản đối việc khai quật mộ. Họ tin tưởng rằng, việc làm đó sẽ khuấy động đến thần linh và cuộc sống của dân địa phương gặp nhiều sóng gió. Thời chiến tranh, chúng tôi đi khai quật mộ suýt chết vì trúng phải bom đạn.

Thời nay, nỗi lo sợ ấy không còn nhiều nhưng vẫn vướng phải những rào cản khác, nhất là đụng chạm đến niềm tin của người dân. Khi thuê người dân đào di tích khai quật, đang đào nhân công phát hiện ra cổ mộ liền bỏ dụng cụ không đào nữa. Mướn xe cộ, ghe thuyền chuyên chở hiện vật thì nửa chừng bị quăng xuống, còn bị ăn vạ bắt đền".

Các chuyên gia khảo cổ của Trung tâm Khảo cổ học thuộc Viện Khoa học Xã hội tại TP.HCM cho biết: "Mộ cổ Hàng Gòn với kiến trúc lạ lẫm, cách bày trí và xây dựng riêng biệt, thể hiện một phần không nhỏ cuộc sống của người Việt cổ, đặc biệt có thể đó là nơi an nghỉ của một vị thủ lĩnh có uy thế trong những bộ tộc xa xưa.
Với niên đại được xác định vào khoảng 150 năm trước Công nguyên đến 240 sau Công nguyên, di tích khảo cổ học mộ Cự Thạch Hàng Gòn thật sự là một kho tàng mang nhiều yếu tố văn hóa lịch sử của người xưa.
Trong văn hóa các dân tộc trên đất nước ta, khi chết đi con người mới thật sự đoàn tụ với tổ tiên ông bà, nơi an nghỉ được chú trọng và đầu tư kỹ lưỡng thể hiện sự trân trọng nguồn cội. Những ngôi cổ mộ được khai quật mang nhiều kiến trúc khác nhau, mỗi mộ một vẻ nhưng chung quy lại vẫn chứng minh tập tục lâu đời của các dân tộc cùng chung sống trên mảnh đất hình chữ S".

Theo Ban Quản lý di tích danh thắng tỉnh Đồng Nai việc tìm mộ cổ không chỉ đào bới, tách rời di chỉ khảo cổ ra khỏi lòng đất mà thông qua đó con người giải mã văn hóa lịch sử từ những phiến đá, mảnh gỗ. Từ những phiến đá khổng lồ được tìm thấy tại mộ cổ Hàng Gòn, các nhà khảo học chứng minh được sự đoàn kết cao độ của người Việt cổ, tinh thần trách nhiệm cũng như sự sáng tạo khôn cùng của con người.

Bài toán các nhà khảo cổ học tìm ra số nhân công, ngày công để xây dựng nên Cự Thạch Bi vẫn chưa có kết quả. Nhưng giá trị của mộ Cự Thạch Hàng Gòn thể hiện rất nhiều ở quy mô, óc sáng tạo và sự lao động không ngừng của những người đã xây dựng. Cự Thạch Bi là di vật góp phần làm sáng tỏ nhiều điều về nền văn minh lưu vực sông Đồng Nai.

Hiện nay, di tích khảo cổ học mộ Cự Thạch Hàng Gòn đang được trùng tu tôn tạo trên diện tích rộng khoảng 4ha dựa theo cơ sở sẵn có của các đợt khai quật.

Theo VTC


***
*
Thứ hai, 07 Tháng ba 2005, 22:37 GMT+7
Ngôi mộ cổ bằng đá đồ sộ nhất Việt Nam

Ngoi mo co bang da do so nhat Viet Nam
Mộ cổ Cự Thạch - ảnh: Hoàng Quân.
Đó là mộ cổ Cự Thạch nằm trên địa bàn Nông trường Hàng Gòn thuộc Công ty Cao su Đồng Nai (cách ngã ba Tân Phong về hướng Bà Rịa - Vũng Tàu 3 km). Ngôi mộ do ông Jean Bouchot, một kỹ sư cầu đường người Pháp phát hiện vào năm 1927 khi ông chủ trì công trình mở con đường số 2 từ Long Khánh đi Bà Rịa.

Mộ cổ Cự Thạch có chiều dài 4,20m, ngang 2,70m, cao 1,60m, hình hộp chữ nhật được ghép bởi 6 tấm đá hoa cương nguyên khối (như một quan tài bằng đá khổng lồ). Bốn tấm đá dùng làm vách, hai tấm nằm ngang làm đáy và nắp đậy. Tấm nắp đậy dày khoảng 30 cm, hơi cong, phủ ra khỏi mép các tấm vách (dày và to hơn các tấm đá khác), người ta ước lượng chỉ riêng tấm nắp đậy đã nặng hơn 10 tấn ! "Chiếc hộp bằng 6 tấm đá" này được ghép chặt với nhau bằng hệ thống rãnh đục dưới nắp mộ và tấm đáy. Chỉ bằng những mộng ghép đơn giản như thế nhưng ngôi mộ đã bền vững qua hàng thiên niên kỷ. Hai bên mộ còn có hai hàng trụ bằng đá hoa cương và sa thạch (2 trụ đá hoa cương có tiết diện hình chữ nhật cao 7,50m và 10 cột sa thạch có tiết diện hình chóp cao từ 3m đến 10m), trên đầu các trụ đá đều được khoét lõm hình yên ngựa. Tuy nhiên, do khai quật thiếu chuyên nghiệp nên hầu hết các trụ đá này bị gãy đổ nằm ngổn ngang quanh mộ. Ông H.Parmentier - Chủ sự Sở Khảo cổ sau 3 lần khảo sát hiện trường đã phác thảo một bản vẽ dựng lại hai hàng trụ đá và cho rằng đó là một hệ thống ròng rọc để nâng và hạ nắp mộ... Ngay sau khi được phát hiện, mộ cổ Cự Thạch đã thu hút sự quan tâm đặc biệt và trở thành đề tài hấp dẫn của các nhà khoa học, các nhà khảo cổ nổi tiếng trên thế giới như E.Gaspardone (viết trên báo Ấn Độ năm 1955), H.Locfs (1961), Malleret (1963), E.Saurin (1963)... người ta bàn thảo sôi nổi về niên đại (hiện tạm bằng lòng với niên đại khoảng 2.000 năm), về chủ nhân của ngôi mộ được xem là lớn nhất của loại hình mộ dolmen ở châu Á (so với những ngôi mộ dolmen tìm thấy ở bán đảo Deckken Trans Jordanie, ở Bắc Miến Điện, Java...). Cũng cần nói thêm, theo các nhà địa chất thì loại đá hoa cương làm mộ này chỉ có ở Đà Lạt hoặc Phan Rang, vậy không biết bằng sức mạnh phi thường nào mà người xưa lại có thể vận chuyển những "nguyên liệu" tầm cỡ như thế vượt qua hàng trăm cây số trong điều kiện không có đường thủy lẫn đường bộ! Năm 1928, trường Viễn Đông bác cổ đã xếp hạng mộ cổ Cự Thạch, ghi vào danh mục các di tích lịch sử "mộ Đông Dương": mộ dolmen Hàng Gòn - Xuân Lộc - Biên Hòa và đứng thứ 38 ở bảng danh sách di tích ở Nam Kỳ (1930).

Hiện nay, ngoài những tấm đá nhuộm màu sương gió, trong lòng ngôi mộ cổ chẳng chứa đựng mẫu vật gì nhưng trong những báo cáo của J.Bouchot (từ năm 1927 đến 1930) gửi Trường Viễn Đông bác cổ thì có nói đến "những bình nhỏ bằng đất nung có những lớp đất lẫn tro than màu xám đựng trong đó" và nhiều mảnh vòng đá, mảnh gốm... Dù sao những thông tin hạn chế ấy cũng hé lộ cho chúng ta biết đây là một ngôi mộ chung cho một cộng đồng dân cư (bộ lạc) lớn thuộc nhân chủng Polynesien có mặt trên khắp Nam Á và là tổ tiên trực tiếp của các dân tộc Mạ, Ch"ro, S"tiêng... ở Đông Nam Bộ và Tây Nguyên ngày nay. So với lịch sử kiến trúc thời Mégalithique ở Đông Nam Á thì mộ Cự Thạch là một công trình kỳ diệu, độc đáo về nghệ thuật cũng như kỹ thuật của các tộc người vùng Nam Á. Mộ cổ Cự Thạch còn là di vật góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề về "nền văn minh lưu vực sông Đồng Nai".

Hà Đình Nguyên
Việt Báo (Theo_Thanh_Nien)

0 nhận xét: