Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2024

Đời sống thần bí Kitô giáo (Phần 2)



III. NÉT ĐẶC SẮC TRONG CẢM NGHIỆM THẦN BÍ CỦA THÁNH TÊRÊSA AVILA VÀ GIOAN THÁNH GIÁ

Ân sủng Thiên Chúa tác động trên mỗi người mỗi khác, cho nên cảm nghiệm thần bí cũng có nét riêng. Nét đặc sắc trong cảm nghiệm thần bí của thánh Têrêsa Avila và Gioan Thánh Giá minh chứng sự kết hợp nên một với Thiên Chúa là một ân ban. Vì nếu Thiên Chúa không tự ban chính mình, con người chẳng có được cuộc kết hợp này. Linh hồn muốn tiến bước, phải trải qua cuộc thanh luyện “chí tử” được Thiên Chúa dọn sẵn cho người Ngài yêu. Điều thánh Gioan Thánh Giá gọi là đêm tối. Và một nét đặc biệt nữa của cảm nghiệm thần bí, đó là dù nó đến trong cầu nguyện, chiêm niệm, xuất thần, nhưng hiệu quả của nó là nhiệt tâm tông đồ.

1. Kết hiệp thần bí là một ân ban

Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI đã khẳng định đức tin Ki-tô giáo tự nền tảng là điều được nhận lãnh. Và con người không thể đạt tới ý nghĩa làm người sâu xa nhất bằng những gì mình làm được cho bằng những gì mình nhận lãnh.[107] Quả vậy, muôn vàn hồng ân ta lãnh nhận đều do lòng nhân hậu Chúa ban. Tất cả được ban trong Đức Ki-tô, bởi:“Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác”(Ga 1,16).Cảm nghiệm thần bí của hai vị thánh cải tổ Cát-minh cũng cho thấy xác quyết này.

1.1. Thiên Chúa Ba Ngôi tự thông ban chính mình cho linh hồn

Cuộc tự thông ban được diễn ra trong tình trạng kết hôn tâm linh. Theo thánh Gioan Thánh Giá, nó diễn ra ở“giường hợp cẩn”, là chính Đức Lang Quân, Ngôi Lời Thiên Chúa trong“nơi hầm rượu bên trong”. Khi đó :“Chính Thiên Chúa tự thông truyền chính mình cho linh hồn bằng cách biến đổi linh hồn thành Ngài trong vinh quang tuyệt vời”.[108] Với thánh Têrêsa, sự thông truyền này chỉ diễn ra trong cư sở thứ bảy. Ở đó, Thiên Chúa Ba Ngôi tự mặc khải chính mình và nên một với linh hồn trong Nhân Tính Cực Thánh.[109]

Cách thức Thiên Chúa thực hiện cuộc kết hợp là tự ban chính mình cho linh hồn, không qua bất kỳ trung gian nào, thậm chí là các thiên thần. Các giác quan bên ngoài cũng như nội quan đều vô phương cảm thấu, vì chỉ “một mình với một mình”.[110] Nơi ấy ma quỷ cũng không vào được, chỉ có Chúa và linh hồn vui hưởng nhau trong thinh lặng thẳm sâu.

Theo thánh Gioan Thánh Giá, nét táo bạo thuộc về bản chất của tình yêu giữa Thiên Chúa và linh hồn là sự bình đẳng, ngang hàng. Xét về bản tính, muôn đời con người là thụ tạo, không thể ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng vì “Thiên Chúa là Tình yêu”(1Ga 4,8.16) nên Ngài chẳng thể yêu cái gì ngoài tình yêu Ngài. Ngài yêu tất cả đều vì Ngài là tình yêu. Bởi vậy, Ngài cũng chẳng thể yêu thứ gì kém hơn yêu chính Ngài. Cho nên, đối với Thiên Chúa, yêu một linh hồn là đặt linh hồn ấy vào trong chính Ngài, làm cho nó ngang hàng với Ngài.[111]

Về hiệu quả cuộc thông truyền này : thứ nhất, linh hồn nhận biết cách chắc chắn và chân thật Ba Ngôi cùng một bản thể, một quyền năng, một sự thông suốt và là một Thiên Chúa duy nhất. Điều người ta nhận biết nhờ đức tin, giờ đây linh hồn nhận biết bằng trông thấy, dù cả con mắt giác quan và tâm linh không thấy gì. Đó là sự thông truyền siêu giác quan, vì ở đây cả Ba Ngôi đều thông hiệp với linh hồn.[112]

Hiệu quả thứ hai, Chúa Cha thông truyền cho linh hồn tình yêu Ngài đã thông truyền cho Chúa Con, dù không theo bản tính, nhưng bằng tình yêu, vì sự nên một được biến đổi trong tình yêu. Như thế, những điều Chúa Con có được theo bản tính thì linh hồn có được nhờ dự phần. Do đó, con người thật sự là thần linh do được dự phần với Con Thiên Chúa.[113] Đó là ước mong của Đức Giêsu trong lời nguyện hiến tế:“Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con.” (Ga 17, 22-23).

Thứ ba, linh hồn được dự phần vào chính Thiên Chúa, nghĩa là sẽ cùng với Thiên Chúa thực hiện nơi Ngài công việc của chính Ba Ngôi. Dù sự nên một tận bản thể giữa linh hồn và Thiên Chúa chỉ thực hiện được ở đời sau, thì trong đời này, ở tình trạng đang đề cập, linh hồn nhận được bảo chứng và được nếm trước hương vị của ơn nên một đó.[114] Cảm nghiệm của thánh Phê-rô xác nhận điều này:“nhờ vinh quang và sức mạnh của Đấng chịu đóng đinh, Thiên Chúa đã tặng ban tặng cho chúng ta những gì rất quí báu và trọng đại Ngài đã hứa, để nhờ đó, anh em được thông phần vào bản tính Thiên Chúa” (2 Pr 1, 2-4).

Ơn ban thứ tư: nhờ “hơi thở thần linh” Chúa Thánh Thần nâng linh hồn lên cách cao vời, làm cho nó có khả năng yêu Chúa Cha và Chúa Con bằng tình yêu thương của chính Thánh Thần. Thiên Chúa đã dùng hơi thở Thánh Thần nơi linh hồn để biến đổi nó nên chính Ngài. Đây thực sự là một hoan lạc cao vời, tinh tế và sâu xa đến nỗi trí hiểu con người không thể nắm bắt tí gì. Bởi khi đã được nên một với Thiên Chúa và được biến đổi thành Thiên Chúa trong tình yêu, linh hồn có thể thở ra trong Thiên Chúa và cho Thiên Chúa chính hơi thở thần linh mà Thiên Chúa thở ra từ chính Ngài, cho linh hồn được biến đổi nên như Ngài. [115] Cần phải biết rằng trong cuộc biến đổi này, linh hồn hoàn toàn thụ động bởi vì Chúa Thánh Thần thực hiện tất cả và hướng linh hồn tới những hoạt động đó. Theo đó tất cả hoạt động của linh hồn đều thiêng liêng, đó là hoạt động của Thiên Chúa trong Thiên Chúa.[116]

Với cuộc tự trao ban Thiên Chúa biến đổi linh hồn thành chính Ngài, đến nỗi tất cả cơ năng của linh hồn đều là của Thiên Chúa :

Trí năng của linh hồn là trí năng của Thiên Chúa; ý chí của nó là ý chí của Thiên Chúa; ký ức của nó là kí ức về Thiên Chúa; và niềm hoan lạc của nó là hoan lạc của Thiên Chúa. Mặc dù bản thể của linh hồn không phải là bản thể của Thiên Chúa, vì nó không thể trải qua cuộc biến đổi bản thể vào Thiên Chúa được. Linh hồn đã trở thành Thiên Chúa thông qua việc tham dự vào Thiên Chúa, được kết hợp với Ngài và được hấp thụ trong Ngài. Ở trong tình trạng này, linh hồn có thể nói được như thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi (Gl 2, 20)”.[117]

(Còn tiếp)
- Trích trong tác phẩm "Đời sống thần bí Ki-tô giáo qua cảm nghiệm của thánh Têrêsa Avila và thánh Gioan Thánh Giá" của Phêrô Tạ Văn Tuân.

Thứ Hai, 24 tháng 6, 2024

Neo nơi Chúa



"Chúa Giêsu thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: “Im đi! Câm đi!”
Gió liền tắt, và biển lặng như tờ." Mc 4,39.

NEO NƠI CHÚA

Con neo vào ở trong Ngài.
Gian nan khốn khó mỗi ngày, ngại chi.
Mưa to gió lớn, sợ gì!


Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2024

Đời sống thần bí Kitô giáo (Phần 2)



3.2. Qua nhân tính và cuộc tử nạn

Một truyền thống phổ biến của linh đạo Trung cổ coi sự kết hợp với Thiên Chúa nơi Đức Giêsu chỉ thực hiện được trong Thiên Tính của Ngôi Lời Nhập Thể, chứ không thể đạt được bằng chiêm ngắm Nhân Tính. Quan điểm tu đức này khiến cho nhiều tâm hồn khát khao thánh thiện không thể thăng tiến trên đường trọn lành vì không được suy niệm, chiêm ngắm Nhân Tính Cực Thánh. Cảm nghiệm thần bí của thánh Têrêsa Avila và Gioan Thánh Giá mở ra cách hiểu khác về sự kết hợp này.

Thánh Têrêsa không chịu nổi việc người ta cho rằng phải hoàn toàn tách mình khỏi Đức Ki-tô, và coi thân xác Thần Linh của Người cũng ngang hàng với thân xác của các tạo vật.[95] Từ đó những ai muốn tiến sâu trong đường thiêng liêng phải từ bỏ những gì liên quan đến thể xác. Bởi Thiên Chúa là Đấng thiêng liêng, nên điều gì trái ngược với siêu nhiên sẽ đưa người ta xa Chúa. Bằng kinh nghiệm đau thương của mình, khi trong cầu nguyện thánh nhân đã từng cố gắng bỏ qua những gì thuộc về thể xác, cũng đã từng coi Nhân Tính là chướng ngại cho việc siêu thăng tâm trí. Tuy nhiên, khi được cha giải tội cho biết đó là một sai lầm, thánh nhân đã thú nhận : không khi nào nhớ lại ý nghĩ đó mà ngài không đau đớn, và tin là mình đã phản bội Chúa cách nặng nề, dù chỉ vì không biết.[96] Từ đó, thánh nhân đề cao việc suy ngắm cuộc thương khó, và coi đó như là phương thế thăng tiến trên đường tâm linh, ngay cả khi đã tiến xa trên hành trình này.

Thánh nhân khuyên rằng trong bất cứ trường hợp nào người ta cũng phải ôm lấy thập giá. Trong thời kỳ khô khan của cuộc thanh tẩy, hãy chiêm ngắm Đức Ki-tô như một con người.[97] Với các nữ tu, ngài khuyên họ, mỗi khi vất vả, khó nhọc hay phiền muộn, hãy ngắm nhìn Chúa Giêsu trên đường đến vườn Dầu. Hãy cảm nghiệm sự đau khổ cực độ đang chiếm đoạt tâm hồn Người, hãy ngắm nhìn Người vác thập giá. Chúa đã quên những đau khổ của Người để an ủi chị em mỗi khi chị em tìm đến an ủi Người.[98] Nhờ việc suy niệm, chiêm ngắm cuộc khổ nạn Chúa, người ta kín múc được sức mạnh cho cuộc đời vất vả của mình. Vì Thiên Chúa mặc khải chính mình qua Nhân Tính cực thánh Đức Giêsu.[99]

Với thánh Gioan Thánh Giá, Nhập Thể là công trình kỳ diệu của tình yêu Thiên Chúa, được coi như là hôn lễ giữa Đức Ki-tô và nhân loại sa ngã.[100] Ngôi Lời Thiên Chúa xuống thế làm người, trải qua cuộc thương khó, cái chết và phục sinh, rồi trở về với Chúa Cha mang theo mình nhân loại đã được cứu chuộc và thần hóa. Ngôi Lời làm người trong Nhân Tính Đức Giêsu để tìm kiếm linh hồn, là hiền thê của Ngài, biến đổi nó, cho được dự phần vào sự sống của Thiên Chúa. Quả thật, Thiên Chúa thần hóa con người trong nhân tính của Chúa Giêsu.

Thập giá Đức Giêsu đích thực là đường, là chiếc thang để nơi đó các thiên thần và con người lên lên xuống xuống trên Con Người mà đến cùng Chúa Cha.[101] Khi phục sinh, thân xác được vinh quang, Nhân tính trở nên ngang hàng với thần tính có thể sai Chúa Thánh Thần đến với nhân loại. Nhân tính Đức Giêsu giờ đây đời đời là Thiên Chúa. Bởi thế, mỗi người đều có chỗ trong gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi, vì Ngôi Lời làm người đã đảm nhận nhân tính. Vì vậy, việc chiêm ngắm nhân tính, cuộc khổ nạn của Đức Giêsu không chỉ giúp người ta đến gần Chúa Giêsu mà còn đi vào trong lòng Thiên Chúa Ba Ngôi.

Ngày nay, trong khi thần học hiện đại tìm mọi cách để dung hòa giữa Đức Giêsu lịch sử và Đức Ki-tô siêu việt, thì người ta lại quên rằng trong cảm nghiệm thần bí, thánh Têrêsa Avila đã nhận được ơn kết hợp với Thiên Chúa nơi Nhân Tính Đức Giêsu. Chính từ việc say mê Nhân Tính cực thánh cách mãnh liệt mà thánh nhân hợp nhất nên một với Ngôi Lời. Vì chẳng thể nào phân chia được Đức Giêsu thành Na-gia-rét và Ngôi Hai Thiên Chúa. Hơn nữa, theo Têrêsa, Thiên Chúa chỉ ban những ơn trọng đại qua Nhân Tính rất thánh thiện của Chúa Ki-tô.[102]

3.3. Thiên Chúa nơi Đức Giêsu

Bản chất của thần bí Ki-tô giáo là kết hợp nên một với Thiên Chúa nơi Đức Giêsu. Vì nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa đã làm người để yêu con người bằng tình yêu con người. Để thực hiện điều ấy Thiên Chúa một đằng đã tự hạ mình, đằng khác nâng con người lên ngang hàng với Ngài để yêu thương. Cảm nghiệm thần bí của thánh Gioan Thánh Giá và Têrêsa Avila cho thấy cuộc gặp gỡ Vị Thiên Chúa của giao ước tình yêu hôn nhân, trong Đấng Tình Quân Giêsu.

Thánh Gioan Thánh Giá đã chiêm ngắm và tôn thờ Đức Giêsu bằng một trái tim trần trụi, như chính trái tim của Đấng treo trên thập giá. Chúa Giêsu trên thập giá biểu lộ cho ta sức mạnh của Thiên Chúa trong sự trần trụi của trái tim yêu thương. Mượn hình ảnh chú bé chăn cừu, thánh nhân mô tả Đấng chấp nhận khổ đau, lẻ loi, dù bị “cô bé chăn cừu xinh đẹp” quên lãng, nhưng vẫn miệt mài tìm kiếm, thậm chí bị đánh tả tơi, tất cả chỉ vì yêu, cho đến ngày Chàng dang đôi tay trên một thân cây, hiến cho đời trái tim tan nát vì yêu.[103]

Nơi Đức Giêsu, người ta được chiêm ngắm tuyệt mỹ Thần Linh trong thảm kịch Thập Giá. Nơi Ngài, người ta thấy một Thiên Chúa đau khổ vì yêu con người.

Với thánh Têrêsa Avila, Thiên Chúa nơi Đức Giêsu được cảm nghiệm như Đấng Tình Quân, Bạn Tình Trăm Năm của linh hồn. Người Bạn này quả là “khó chơi” nhưng lại không thể tách ra khỏi, bởi Ngài quá đáng yêu. Cho nên:“chúng ta hãy nên điên dại vì mến Đấng đã bị người ta gọi là điên dại vì yêu chúng ta”.[104] Têrêsa đã tôn thờ và yêu mến Đấng Tình Quân của mình và thuộc trọn về Ngài cả xác hồn. Tình yêu mãnh liệt được cam kết bởi cuộc hôn phối thần linh, Chúa và linh hồn thuộc về nhau. Như dấu chỉ tình yêu lớn lao Chúa dành cho vị hôn thê, Ngài thường xuyên nói với Têrêsa:“Từ nay con là của Cha và Cha là của con”.[105] Khi ấy Têrêsa thường đáp lại:“Lạy Chúa, con có quan tâm gì đến con hay sự gì khác ngoài Chúa đâu”.[106] Quả là nơi Đấng Tình Quân Giêsu, Thiên Chúa đã yêu con người và muốn họ đáp lại tình yêu Ngài bằng tình yêu của con người. Tình yêu làm cho con người chỉ còn tìm danh dự và vinh quang cho Đấng mình yêu mến, tôn thờ.

Cảm nghiệm thần bí thánh Têrêsa Avila và Gioan Thánh Giá đã khắc họa dung nhan Thiên Chúa Tình Yêu, biểu lộ nơi Đấng Tình Quân Giêsu. Mối tình có hương vị ngọt ngào của hôn lễ thần linh, cũng có vị cay đắng của lãng quên, bỏ rơi. Mối tình đó mời gọi con người trung thành với giao ước tình yêu, bởi trái tim Đấng Thánh đã tan nát cũng vì yêu.

(Còn tiếp)
- Trích trong tác phẩm "Đời sống thần bí Ki-tô giáo qua cảm nghiệm của thánh Têrêsa Avila và thánh Gioan Thánh Giá" của Phêrô Tạ Văn Tuân.


Thứ Ba, 11 tháng 6, 2024

Đời sống thần bí Kitô giáo (Phần 2)




3. Tập trung vào Đức Giêsu Ki-tô

Bản chất của thần bí Ki-tô giáo là kết hợp với Thiên Chúa nơi Đức Giêsu. Trong cảm nghiệm thần bí, thánh Têrêsa Avila và Gioan Thánh Giá cho thấy sự kết hợp cao sâu này nơi Đức Giêsu Ki-tô như một Tình Quân – Người Yêu Dấu. Cảm nghiệm ấy được chiêm ngắm trong nhân tính và cuộc tử nạn của Ngài. Qua đó, dung nhan Vị Thiên Chúa Tình Yêu được khắc họa rõ nét và thuần khiết nơi Đức Giêsu.

3.1. Đức Giêsu được cảm nghiệm như một Tình Quân – Người Yêu Dấu.

Cùng thuộc trường phái thần bí hôn phối thiêng liêng, hai vị thánh của nền linh đạo Cát-minh có chung cảm nghiệm về Đức Giêsu như một Tình Quân – Người Yêu Dấu, là đối tượng kết hợp nên một trong tình yêu của linh hồn. Tình yêu hoàn hảo có đặc tính làm cho người yêu ngang hàng với đối tượng được yêu và tình yêu như tình bạn.

Ngay ca khúc đầu tiên của Khúc linh ca, thánh Gioan Thánh Giá đã say đắm Lang Quân của mình là Ngôi Lời, Con Thiên Chúa, và khát khao kết hợp nên một với Người.[90] Linh hồn đã lên đường tìm kiếm, và chỉ nghỉ yên khi đã gặp được Người Yêu Dấu. Sau khi đã trải qua bao vất vả trong cuộc tiến sâu vào trong Thiên Chúa, khi khát khao của linh hồn được hòa hợp với khát khao của Thiên Chúa. Linh hồn yêu Chúa với tình yêu thanh khiết, nó nói :

“ Hỡi Người Yêu Dấu, ta hãy cùng hân hoan
Hãy ra đi mà nhìn ngắm trong vẻ đẹp của Người” (Khúc ca 36).

Sự êm ái ngọt ngào của tình yêu không chỉ có được khi đôi bên tâm đầu ý hợp, mà còn tuôn trào ra từ bên trong qua những hành vi trìu mến của lòng muốn, và qua những công việc phụng sự Người Yêu Dấu ở bên ngoài. Để làm sao nhờ việc thể hiện tình yêu nói trên linh hồn đạt tới chỗ nhìn thấy chính mình trong vẻ đẹp của Người, trong cuộc sống đời đời. Khi đó :

Em được biến đổi trong vẻ đẹp của Người, để khi đã được nên giống Người trong vẻ đẹp, cả hai sẽ thấy nhau nơi vẻ đẹp của Người, có được chính vẻ đẹp của Người; đến nỗi, khi ngắm nhìn nhau, mỗi bên đều thấy bên kia vẻ đẹp của mình, bởi thật ra, cả hai bên cũng là một vẻ đẹp duy nhất, vẻ đẹp của Người, vì em bị mất hút trong vẻ đẹp của Người. Do đó, em sẽ thấy Người nơi vẻ đẹp của Người và Người cũng thấy em nơi vẻ đẹp của Người. Rồi em sẽ thấy chính em nơi Người trong vẻ đẹp của Người. Và như thế, em được nên giống Người trong vẻ đẹp của Người và Người cũng nên giống em nơi vẻ đẹp của Người. Và, vẻ đẹp của em hãy là vẻ đẹp của Người, và ngược lại, vẻ đẹp của Người cũng hãy là vẻ đẹp của em. Như thế, em sẽ là chính Người nơi vẻ đẹp của Người và Người sẽ chính là em cũng nơi vẻ đẹp của Người; bởi chính vẻ đẹp của Người sẽ là vẻ đẹp của em. Và như thế, chúng ta sẽ nhìn thấy nhau trong vẻ đẹp của Người.[91]

Tình yêu kết hợp hai người khác biệt nên một, bởi chỉ còn một vẻ đẹp, vẻ đẹp của Người. Vì yêu chúng ta Chúa đã tự hạ mình ngang hàng với chúng ta. Ngài cũng biến đổi chúng ta nên giống Ngài. Tình yêu đích thực xóa bỏ mọi khoảng cách, và làm cho hai người yêu trở nên như bạn, bạn tình, bạn trăm năm. Thánh Têrêsa Avila cảm nghiệm được yêu và sống tình yêu với Đấng Tình Quân của mình như bạn.

Đặc tính của tình bạn là sự trung thành. Thánh Têrêsa đã ước ao có ai đó công bố cho khắp hoàn vũ biết sự trung thành của Chúa đối với các bạn hữu Ngài.[92] Chính thánh nhân đã làm công việc ấy bằng sống tình bạn trung thành với Chúa. Tình bạn giúp cho hai người hiểu nhau như hai linh hồn ở trên Thiên đàng. Trong mặc khải lúc xuất thần, Têrêsa cũng cảm nghiệm được sự hiểu nhau giữa Thiên Chúa và linh hồn, đến độ không cần dùng phương tiện nào để diễn tả, vì tình bạn được hiểu trong tình yêu :“nên dù Ngài là Chúa của con, con vẫn muốn tâm sự với Ngài như với một người bạn”.[93]

Trong Tân Ước, thánh Gioan Tẩy Giả đã sống niềm vui người bạn của Chàng Rể, khi Chàng cưới Cô Dâu:“Ai cưới cô dâu, người ấy là chú rể. Còn người bạn của chú rể đứng đó nghe chàng, thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng” (Ga 3,29). Chính tác giả Tin Mừng thứ tư đã sống cảm nghiệm của người yêu tựa đầu vào lòng Chúa, như tình bạn. Đó là tâm tình Thày Chí Thánh muốn các môn đệ mình sống khi công bố:“Thày gọi anh em là bạn hữu” (Ga 15,15). Hai người nam nữ khi yêu, họ gọi nhau cách thân mật : chàng, nàng; anh, em. Tình yêu của anh trao hiến cho em; tình yêu của em dâng tặng anh được gọi là tình yêu của chúng ta. Tuy nhiên, khi đã kết hôn thành vợ chồng, nên một trong đời sống hôn nhân, họ gọi nhau là mình, là bạn trăm năm. Tình yêu muôn thủa ấy giờ đây được gọi bằng tình bạn trăm năm. Cũng thế, trong hồng ân của hôn phối thiêng liêng, thánh Têrêsa đã ước ao sống cho xứng đáng với Bạn Tình, Đấng Phu Quân, Bạn Trăm Năm của mình.[94]

Trong nền văn hóa Á Đông, tình bạn trung thành của Trung thần và tình yêu thủy chung của Ái phi với đức Vua phản ánh phần nào cảm nghiệm này. Một vị vua muốn thành công trong việc trị nước, luôn cần cả tình bạn của Trung thần và tình yêu của Ái phi. Đức Giêsu là Đức Vua, ngài “cần” cả trung thần và ái phi, trong cuộc chinh phục các linh hồn cho vương quốc của Ngài. Thánh Gioan Thánh Giá và Têrêsa Avila quả đã tôn thờ Chúa Ki-tô như Đức Vua của lòng mình, cũng yêu mến Ngài như là Bạn Tình.

(Còn tiếp)
- Trích trong tác phẩm "Đời sống thần bí Ki-tô giáo qua cảm nghiệm của thánh Têrêsa Avila và thánh Gioan Thánh Giá" của Phêrô Tạ Văn Tuân.

Thứ Tư, 5 tháng 6, 2024

Ăn Chúa

 


Con ăn Mình Chúa lâu nay
Mà sao cứ ốm, cứ gầy khẳng khiu.
Ăn nhiều, chẳng lớn bao nhiêu!


Thứ Hai, 3 tháng 6, 2024

Rước lễ lần đầu tiên trong đời Thomas Merton



Giờ đây cha đang đứng nơi bàn thờ trong chiếc áo lễ màu trắng và đang mở sách Lễ. Tôi quỳ ở phía phải bàn thờ. Gian cung thánh sáng trưng chỉ dành cho một mình tôi. Tôi có thể nghe được giọng nói thì thầm của vị linh mục và câu đáp của người giúp lễ. Thật chẳng quan trọng gì khi chẳng có ai quỳ đó bên cạnh, để tôi có thể đưa mắt nhìn mà biết khi nào tôi phải đứng, hay quỳ xuống lại, bởi vì tôi chưa biết được rõ ràng những nghi thức thông thường này. Nhưng khi những chiếc chuông nhỏ bắt đầu vang lên thì tôi đã biết điều gì sắp xảy ra. Và tôi thấy Mình Thánh Chúa được đưa lên cao. Lại một lần nữa, với bầu khí thinh lặng và vẻ đơn giản, Chúa Kitô lại khải hoàn, lại được đưa lên cao, lại kéo mọi sự lên với Người và kéo cả tôi lên với Người.

Giờ đây giọng của vị linh mục trở nên to hơn. Ngài đang đọc kinh Pater Noster [kinh Lạy Cha]. Và rồi, người giúp lễ đọc thầm thật nhanh kinh Confiteor [kinh Cáo mình]. Bây giờ đến phần của tôi. Cha Moore dùng tay vẽ một hình thánh giá lớn để tha tội, đoạn ngài đưa Bánh Thánh nhỏ lên cao.

«Đây Chiên Thiên Chúa: đây Đấng xóa tội trần gian.»

Và tôi quỳ dưới bậc cấp cuối cùng bắt đầu rước lễ lần đầu tiên trong đời. Chỉ có mình tôi là người duy nhất ở phía dưới bàn thờ. Bầu trời hoàn toàn là của tôi, trên bầu trời đó, hành động chia sẻ sẽ không bị phân chia, sẽ không hề suy giảm. Nhưng sự cô đơn này được xem như cách nhắc tôi nhớ lại đặc tính độc nhất vô nhị của Chúa Kitô đang ẩn mình trong Bánh Thánh bé nhỏ, Người đã trao hiến bản thân Người vì tôi và cho tôi, và cùng với Người, là chính Thượng Đế, là Thiên Chúa Ba Ngôi, ta thấy sức mạnh và quyền năng của bản tính Thiên Chúa được bắt đầu vài phút trước đó tại giếng rửa tội giờ đây lại được gia tăng thêm nữa. Tôi rời lan can bàn thờ và đi về phía hàng ghế dài nơi những người bạn của tôi đang quỳ đó trông tựa bốn cái bóng, bốn điều huyền hoặc, và tôi lấy hai tay che mặt.

Tôi vừa mới trở thành đền thờ của Thiên Chúa, và trong đền thờ này, Hy tế duy nhất vĩnh cửu và tinh tuyền đã được dâng lên Thiên Chúa, Đấng đang cư ngụ trong lòng tôi. Hy tế của Thiên Chúa dâng lên cho Thiên Chúa, và tôi cũng được hiến tế cùng với Thiên Chúa, đã được tháp nhập vào sự Nhập thể của Người. Chúa Kitô đã sinh ra trong lòng tôi như trong một hang đá Bêlem mới, và Người đã hiến tế trong tôi như đồi Canvariô mới của Người, và Người đã sống lại trong tôi. Chúa Kitô dâng tôi cho Chúa Cha. Và trong Người là Chúa Kitô, Người xin Chúa Cha, là Cha của tôi và là Cha của Người, đón nhận tôi vào trong tình yêu vô biên và cá biệt của Chúa Cha: không phải tình yêu mà Chúa Cha dành cho tất cả mọi loài đang hiện hữu. Bởi vì chỉ sự hiện hữu mà thôi cũng đã là một dấu hiệu nói lên tình yêu của Thiên Chúa, nhưng tình yêu của những loài thụ tạo này được lôi kéo đến với Chúa Cha trong sức mạnh và nhờ sức mạnh tình yêu của Thiên Chúa dành cho chính Thiên Chúa.

Bởi vì từ nay tôi đã bước vào trong chuyển động không ngừng của lực hấp dẫn là chính sự sống và Thần Khí của Thiên Chúa: lực hấp dẫn của chính Thiên Chúa hướng về bản tính vô biên và sâu xa của Người, hướng về lòng tốt lành vô biên của Người. Và Thiên Chúa là tâm điểm đang hiện diện khắp nơi, nhưng chu vi của tâm điểm đó lại không hiện diện ở một nơi nào cả. Thiên Chúa đã tìm thấy tôi, bởi vì tôi được tháp nhập vào Chúa Kitô, nên tôi cũng được tháp nhập vào trong chuyển động hấp dẫn thật vô biên và tuyệt vời không bút nào tả xiết này. Chuyển động đó chính là tình yêu. Chuyển động đó chính là Thánh Thần. Thiên Chúa là tâm điểm đã yêu tôi.

Và từ chiều sâu vô biên của Người, Người đã gọi tôi.

- Trích trong tác phẩm “Ngọn Núi Bảy Tầng” của Thomas Merton, Nhóm Biên dịch Sept-Fons thực hiện năm 2020, trang 406- 408.

+++++

Thomas Merton sinh ra ở Prades, Pyrénées-Orientales , Pháp, vào ngày 31 tháng 1 năm 1915, với cha mẹ là người gốc Wales: Owen Merton , một họa sĩ người New Zealand hoạt động ở Châu Âu và Hoa Kỳ, và Ruth Jenkins Merton, một nghệ sĩ và tín đồ Quaker người Mỹ. . Họ gặp nhau tại một trường dạy vẽ ở Paris. [7] Ông được rửa tội tại Nhà thờ Anh quốc , theo nguyện vọng của cha mình.
...
Vào tháng 1 năm 1938, Merton tốt nghiệp trường Columbia với bằng Cử nhân tiếng Anh. Vào tháng 6, người bạn Seymour Freedgood của anh đã sắp xếp một cuộc gặp với Mahanambrata Brahmachari , một tu sĩ Hindu đến thăm New York từ Đại học Chicago . Merton rất ấn tượng về ông, tin rằng vị tu sĩ này tập trung sâu sắc vào Chúa. Trong khi Merton mong đợi Brahmachari sẽ giới thiệu Ấn Độ giáo, thay vào đó, ông khuyên Merton nên kết nối lại với nguồn gốc tinh thần của nền văn hóa của chính mình. Ông đề nghị Merton đọc Lời thú tội của Augustine và Gương Chúa Kitô. Merton đọc cả hai. [17]

Merton quyết định khám phá Công giáo sâu hơn. Cuối cùng, vào tháng 8 năm 1938, ông quyết định tham dự Thánh lễ và đến Nhà thờ Corpus Christi , nằm gần khuôn viên trường Columbia trên đường West 121st ở Morningside Heights . Nghi thức Thánh Lễ là xa lạ đối với anh, nhưng anh chăm chú lắng nghe. Sau đó, Merton bắt đầu đọc nhiều hơn về Công giáo.

Ngày 16 tháng 11 năm 1938, Thomas Merton chịu lễ rửa tội tại Nhà thờ Corpus Christi và được rước lễ .

- Trích Wikipedia