Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2024

Đời sống thần bí Kitô giáo (Phần 2)



3.2. Qua nhân tính và cuộc tử nạn

Một truyền thống phổ biến của linh đạo Trung cổ coi sự kết hợp với Thiên Chúa nơi Đức Giêsu chỉ thực hiện được trong Thiên Tính của Ngôi Lời Nhập Thể, chứ không thể đạt được bằng chiêm ngắm Nhân Tính. Quan điểm tu đức này khiến cho nhiều tâm hồn khát khao thánh thiện không thể thăng tiến trên đường trọn lành vì không được suy niệm, chiêm ngắm Nhân Tính Cực Thánh. Cảm nghiệm thần bí của thánh Têrêsa Avila và Gioan Thánh Giá mở ra cách hiểu khác về sự kết hợp này.

Thánh Têrêsa không chịu nổi việc người ta cho rằng phải hoàn toàn tách mình khỏi Đức Ki-tô, và coi thân xác Thần Linh của Người cũng ngang hàng với thân xác của các tạo vật.[95] Từ đó những ai muốn tiến sâu trong đường thiêng liêng phải từ bỏ những gì liên quan đến thể xác. Bởi Thiên Chúa là Đấng thiêng liêng, nên điều gì trái ngược với siêu nhiên sẽ đưa người ta xa Chúa. Bằng kinh nghiệm đau thương của mình, khi trong cầu nguyện thánh nhân đã từng cố gắng bỏ qua những gì thuộc về thể xác, cũng đã từng coi Nhân Tính là chướng ngại cho việc siêu thăng tâm trí. Tuy nhiên, khi được cha giải tội cho biết đó là một sai lầm, thánh nhân đã thú nhận : không khi nào nhớ lại ý nghĩ đó mà ngài không đau đớn, và tin là mình đã phản bội Chúa cách nặng nề, dù chỉ vì không biết.[96] Từ đó, thánh nhân đề cao việc suy ngắm cuộc thương khó, và coi đó như là phương thế thăng tiến trên đường tâm linh, ngay cả khi đã tiến xa trên hành trình này.

Thánh nhân khuyên rằng trong bất cứ trường hợp nào người ta cũng phải ôm lấy thập giá. Trong thời kỳ khô khan của cuộc thanh tẩy, hãy chiêm ngắm Đức Ki-tô như một con người.[97] Với các nữ tu, ngài khuyên họ, mỗi khi vất vả, khó nhọc hay phiền muộn, hãy ngắm nhìn Chúa Giêsu trên đường đến vườn Dầu. Hãy cảm nghiệm sự đau khổ cực độ đang chiếm đoạt tâm hồn Người, hãy ngắm nhìn Người vác thập giá. Chúa đã quên những đau khổ của Người để an ủi chị em mỗi khi chị em tìm đến an ủi Người.[98] Nhờ việc suy niệm, chiêm ngắm cuộc khổ nạn Chúa, người ta kín múc được sức mạnh cho cuộc đời vất vả của mình. Vì Thiên Chúa mặc khải chính mình qua Nhân Tính cực thánh Đức Giêsu.[99]

Với thánh Gioan Thánh Giá, Nhập Thể là công trình kỳ diệu của tình yêu Thiên Chúa, được coi như là hôn lễ giữa Đức Ki-tô và nhân loại sa ngã.[100] Ngôi Lời Thiên Chúa xuống thế làm người, trải qua cuộc thương khó, cái chết và phục sinh, rồi trở về với Chúa Cha mang theo mình nhân loại đã được cứu chuộc và thần hóa. Ngôi Lời làm người trong Nhân Tính Đức Giêsu để tìm kiếm linh hồn, là hiền thê của Ngài, biến đổi nó, cho được dự phần vào sự sống của Thiên Chúa. Quả thật, Thiên Chúa thần hóa con người trong nhân tính của Chúa Giêsu.

Thập giá Đức Giêsu đích thực là đường, là chiếc thang để nơi đó các thiên thần và con người lên lên xuống xuống trên Con Người mà đến cùng Chúa Cha.[101] Khi phục sinh, thân xác được vinh quang, Nhân tính trở nên ngang hàng với thần tính có thể sai Chúa Thánh Thần đến với nhân loại. Nhân tính Đức Giêsu giờ đây đời đời là Thiên Chúa. Bởi thế, mỗi người đều có chỗ trong gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi, vì Ngôi Lời làm người đã đảm nhận nhân tính. Vì vậy, việc chiêm ngắm nhân tính, cuộc khổ nạn của Đức Giêsu không chỉ giúp người ta đến gần Chúa Giêsu mà còn đi vào trong lòng Thiên Chúa Ba Ngôi.

Ngày nay, trong khi thần học hiện đại tìm mọi cách để dung hòa giữa Đức Giêsu lịch sử và Đức Ki-tô siêu việt, thì người ta lại quên rằng trong cảm nghiệm thần bí, thánh Têrêsa Avila đã nhận được ơn kết hợp với Thiên Chúa nơi Nhân Tính Đức Giêsu. Chính từ việc say mê Nhân Tính cực thánh cách mãnh liệt mà thánh nhân hợp nhất nên một với Ngôi Lời. Vì chẳng thể nào phân chia được Đức Giêsu thành Na-gia-rét và Ngôi Hai Thiên Chúa. Hơn nữa, theo Têrêsa, Thiên Chúa chỉ ban những ơn trọng đại qua Nhân Tính rất thánh thiện của Chúa Ki-tô.[102]

3.3. Thiên Chúa nơi Đức Giêsu

Bản chất của thần bí Ki-tô giáo là kết hợp nên một với Thiên Chúa nơi Đức Giêsu. Vì nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa đã làm người để yêu con người bằng tình yêu con người. Để thực hiện điều ấy Thiên Chúa một đằng đã tự hạ mình, đằng khác nâng con người lên ngang hàng với Ngài để yêu thương. Cảm nghiệm thần bí của thánh Gioan Thánh Giá và Têrêsa Avila cho thấy cuộc gặp gỡ Vị Thiên Chúa của giao ước tình yêu hôn nhân, trong Đấng Tình Quân Giêsu.

Thánh Gioan Thánh Giá đã chiêm ngắm và tôn thờ Đức Giêsu bằng một trái tim trần trụi, như chính trái tim của Đấng treo trên thập giá. Chúa Giêsu trên thập giá biểu lộ cho ta sức mạnh của Thiên Chúa trong sự trần trụi của trái tim yêu thương. Mượn hình ảnh chú bé chăn cừu, thánh nhân mô tả Đấng chấp nhận khổ đau, lẻ loi, dù bị “cô bé chăn cừu xinh đẹp” quên lãng, nhưng vẫn miệt mài tìm kiếm, thậm chí bị đánh tả tơi, tất cả chỉ vì yêu, cho đến ngày Chàng dang đôi tay trên một thân cây, hiến cho đời trái tim tan nát vì yêu.[103]

Nơi Đức Giêsu, người ta được chiêm ngắm tuyệt mỹ Thần Linh trong thảm kịch Thập Giá. Nơi Ngài, người ta thấy một Thiên Chúa đau khổ vì yêu con người.

Với thánh Têrêsa Avila, Thiên Chúa nơi Đức Giêsu được cảm nghiệm như Đấng Tình Quân, Bạn Tình Trăm Năm của linh hồn. Người Bạn này quả là “khó chơi” nhưng lại không thể tách ra khỏi, bởi Ngài quá đáng yêu. Cho nên:“chúng ta hãy nên điên dại vì mến Đấng đã bị người ta gọi là điên dại vì yêu chúng ta”.[104] Têrêsa đã tôn thờ và yêu mến Đấng Tình Quân của mình và thuộc trọn về Ngài cả xác hồn. Tình yêu mãnh liệt được cam kết bởi cuộc hôn phối thần linh, Chúa và linh hồn thuộc về nhau. Như dấu chỉ tình yêu lớn lao Chúa dành cho vị hôn thê, Ngài thường xuyên nói với Têrêsa:“Từ nay con là của Cha và Cha là của con”.[105] Khi ấy Têrêsa thường đáp lại:“Lạy Chúa, con có quan tâm gì đến con hay sự gì khác ngoài Chúa đâu”.[106] Quả là nơi Đấng Tình Quân Giêsu, Thiên Chúa đã yêu con người và muốn họ đáp lại tình yêu Ngài bằng tình yêu của con người. Tình yêu làm cho con người chỉ còn tìm danh dự và vinh quang cho Đấng mình yêu mến, tôn thờ.

Cảm nghiệm thần bí thánh Têrêsa Avila và Gioan Thánh Giá đã khắc họa dung nhan Thiên Chúa Tình Yêu, biểu lộ nơi Đấng Tình Quân Giêsu. Mối tình có hương vị ngọt ngào của hôn lễ thần linh, cũng có vị cay đắng của lãng quên, bỏ rơi. Mối tình đó mời gọi con người trung thành với giao ước tình yêu, bởi trái tim Đấng Thánh đã tan nát cũng vì yêu.

(Còn tiếp)
- Trích trong tác phẩm "Đời sống thần bí Ki-tô giáo qua cảm nghiệm của thánh Têrêsa Avila và thánh Gioan Thánh Giá" của Phêrô Tạ Văn Tuân.


0 nhận xét: