“Này là Mình Thầy !”. Câu nói của Chúa Giê-su trong bữa Tiệc Ly vẫn được các linh mục thay mặt Ngài tuyên đọc trong giờ cao điểm của các thánh lễ hàng ngày đã trở nên quá quen thuộc đến nỗi có khi nó chỉ còn là một phần phải có trong một “công thức truyền phép” và ít khi làm cho linh hồn tôi phải lay động, trí óc tôi phải nghiệm suy. Ấy thế mà, có một lần, câu nói này đã khiến cho tôi giật nẩy mình bối rối và chết trân đi, y như khi đang ngon trớn “bày binh bố trận” trong một trận cờ tướng thì bị chiếu bí !
Chuyện xảy ra thế này :
Hồi chúng tôi còn “lang thang phiêu bạt” ở thành phố Sài Gòn, tôi và các anh em “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” vẫn thường tụ họp lại để nâng đỡ nhau trong đời sống chứng nhân. Trong nhóm có một vài anh em là linh mục, cho nên trong những lần họp mặt ấy chúng tôi thường dâng lễ “nội bộ” trong những căn phòng nhỏ xíu, anh em đứng sát vào nhau và sát vào bàn dâng lễ. Hôm ấy là ngày lễ tạ ơn của một anh em vừa nhận tác vụ linh mục ở một giáo phận khác trở về. Anh làm chủ tế, hai anh nữa đồng tế. Trong bầu khí vui mừng và ấm áp tình huynh đệ, tôi thấy mình lâng lâng khi tham gia dâng lễ… Tâm tình tạ ơn dần dần dâng cao. Thế rồi đột nhiên, lúc các anh đọc lời truyền phép, một anh đồng tế giơ tay lên, và tôi hoảng hốt chết lặng người khi cảm thấy anh chỉ thẳng vào mặt tôi mà đọc “Này là Mình Thầy !” Trời đất ơi ! Tôi không thể tránh vào đâu được vì căn phòng dâng lễ nhỏ quá, tôi thấy cánh tay của anh “chiếu tướng” ngay mặt mình. Thật bí quá ! Không có “sĩ, tượng” nào che chắn cho mình, cũng không còn khoảng trống nào để mình có thể chuyển dịch “con tướng” đi nơi khác. Trong tích tắc đồng hồ đó, tôi cảm nhận được một điều mà trước đây tôi chỉ cảm nhận một cách khá lý thuyết và hơi mơ hồ : lễ vật dâng lên bàn thánh không chỉ là bánh rượu tượng trưng cho con người và cuộc-đời-của-con-người-nói-chung, mà là chính mỗi một con người cụ thể đang tham gia cử hành thánh lễ trong hiện tại. Câu nói “Này là Mình Thầy !” không chỉ tác động đến bánh rượu dâng trên bàn thờ, mà còn tác động đến tất cả mọi người đang tham gia dâng lễ. Bánh rượu được hoá nên Mình và Máu Chúa Kitô. Mọi người dâng lễ cũng được hoá nên Mình và Máu Ngài. Nhiệm Thể Chúa Kitô được thể hiện một cách trọn vẹn trong thánh lễ, với Ngài là Đầu và tất cả mọi người dâng lễ là các chi thể. Và như thế thì lời “Hãy nhận lấy mà ăn. Hãy nhận lấy mà uống.” mang một ý nghĩa kép : tôi hãy nhận lấy Mình Máu Thánh Chúa Giê-su mà ăn mà uống, nhưng đồng thời tôi cũng hãy nhận lấy anh chị em mình mà ăn mà uống, và cũng hãy trao ban chính bản thân cho anh chị em để họ cùng ăn cùng uống. Như vậy mọi người cùng ăn cùng uống Chúa Kitô và cùng ăn cùng uống chính bản thân nhau. Thật là “rối” quá và cũng thật là ngán quá !
Trước tiên là “rối” nơi bản thân : Tôi có dám cho anh chị em “nhai nuốt” mình không, có dám chấp nhận cho mọi loại “hàm răng” cắn ngập vào cuộc đời của mình và “tiêu hoá” nó theo “khẩu vị” của họ không ? Tôi là thứ lương thực gì cho anh chị em : là “thực phẩm an toàn” - chứ chưa nói là thực phẩm giàu chất dinh dưỡng - hay là thứ thực phẩm bị ô nhiễm trầm trọng mà anh chị em tôi ăn uống vào liền bị “ngộ độc” ? … Kế đến là “rối” nơi người khác : Tôi có dám vui vẻ “ăn uống” tất cả anh chị em mình, ngay cả những người trông thật khó mà “nhai nuốt” nổi hay không ? … Chỉ ngần ấy câu hỏi thôi cũng đủ làm cho tôi thấy “ngán” rồi !
“Này là Mình Máu Thầy, hãy nhận lấy mà ăn uống.” Nếu chỉ nghe các linh mục tuyên đọc như thế rồi lên rước lễ thì khá là dễ thở vì ít thấy lời đó đụng chạm tới mình. Đàng này, cú “chiếu tướng” xảy ra làm cho việc tham gia dâng lễ của tôi trở nên “khó thở” hơn vì nó chạm ngay cái “nọc” trong “thâm cung bí sử” của tôi !
Kể từ sau thánh lễ đó, tôi trở nên thích nhìn anh chị em mình đi rước lễ. Tôi thích nhìn để tập đón nhận họ trong mọi nét riêng biệt của họ, ít nữa là ở dáng vẻ bên ngoài. Họ đó : kẻ lớn người bé, kẻ cao người lùn, kẻ đẹp người xấu, kẻ “dễ thương” người “khó ưa”… Hết thảy họ đều là anh chị em của tôi. Hết thảy họ đều đã được Lời quyền năng của Chúa Giê-su làm cho trở nên Thân Thể của Ngài. Tôi đến rước Chúa Giê-su, cũng là rước tất thảy họ vào lòng mình để nên Một với họ nhờ việc nên Một với Chúa Giê-su. Nên Một một cách khá vô hình nhưng rất thật, thật hơn tất cả mọi sự “đoàn kết nhất trí” kề vai sát cánh khác ngoài xã hội. “Này là Mình Thầy, này là Máu Thầy.” Họ là Mình, là Máu của Chúa Giê-su và cũng là mình và máu của tôi. Làm sao tôi có thể không đón nhận họ. Làm sao tôi có thể không thương yêu họ cơ chứ ? Họ là “Mình ơi !” của tôi, thì tôi phải đối xử với họ sao đây ? Thiệt là “rối”, vì việc rước lễ bắt tôi phải đặt lại vấn đề cho cung cách ứng xử của tôi đối với các anh chị em đồng đạo, rồi từ đó mở rộng ra với tất cả mọi con người trong tư cách là anh chị em của một Cha chung trên trời. Thiệt là “rối”, nhưng cũng thiệt là đáng bõ công để gỡ cho hết mọi cái “rối rắm” mà hoà chung vào nhau thành Một nơi Chúa Giê-su để nhờ Ngài mà nên Một với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Cú “chiếu bí” tưởng là gây rắc rối thì lại mở ra cho tôi một chân trời thoáng đãng và hoan lạc hơn nhiều so với trước đây, khi tôi còn nại vào “sĩ, tượng…” để che chắn cho mình !
04-05-2006
04-05-2006
0 nhận xét:
Đăng nhận xét