Thứ Ba, 23 tháng 11, 2010

Cánh Chim Dũng Lạc


Lm. Andy Dũng Lạc Trần Cao Tường
(Ảnh: dunglac.org)

CÁNH CHIM DŨNG LẠC

(Thành kính thương nhớ Lm. Dũng Lạc Cao Tường)
15.08.1946 - 21.11.2010

Con chim cất cánh bay lên
Tìm về tổ ấm nơi miền Quê Cha.
Thái dương rực rỡ chói lòa.

*
***
*

BÀI VIẾT CỦA LM. TRẦN CAO TƯỜNG:

THỜI ĐIỂM CHỜ ĐÓN MÙA HOA

"Hope For the Flowers" tạm dịch là Chờ Đón Mùa Hoa. Đó là tên một cuốn sách tâm linh khá nổi tiếng, bán chạy nhất trong nhiều năm liền của tác giả Trina Paulus. Cái đặc biệt của cuốn sách này là rất ít chữ mà chỉ có hình vẽ thôi. Mà lại toàn là hình sâu róm, sợ quá!

Con sâu róm sinh ra trên một cành cây trong một ”gia đình êm ấm”. Một hôm nó nhận ra mình đã trưởng thành, cần ”đi xuống cuộc đời”. Và nó đã bò xuống. Nó lấy làm lạ là tại sao nó toàn gặp những con sâu đang đi hối hả về phía trước. Nó hỏi đi đâu, thì những chú sâu không có giờ trả lời, chỉ ngoắc đầu thật nghiêm trọng. Nó cũng sinh tò mò đi theo. Một lúc lâu thì nó thấy một cái cột thật cao, ngọn chạm tới trời. Nhìn kỹ hơn, nó nhận ra đó là một cái cột toàn sâu lúc nhúc đang chen nhau bò lên. Nó hỏi trên đó có gì thì không đứa nào trả lời. Thấy đông đứa hăm hở như thế chắc là phải có gì hồ hởi lắm. Vậy là nó cũng hòa mình vào đám đông ”ai sao tôi dzậy” mà cố sức leo lên, đạp văng nhiều thằng khác mà đạt mục tiêu. Lên đến lưng chừng thì nó ”thấm mệt cuộc đời”, ”ngựa nản chân bon”, bèn nghĩ chuyện bỏ cuộc. Chắc là chả có gì đâu. Và nó bò được xuống đất. Hú hồn.

Nhưng rồi nó đâm hồ nghi chính nó. Hay là mình chẳng giống ai. Nó quan sát thấy ”người ta” miệt mài tranh nhau bò lên thế kia, ắt là phải có cái gì chứ. Thế là nó lại ra sức trèo lên một lần nữa. Lần này nó hung hãn hơn trước. Đấm đá kỹ hơn. La hét kỹ hơn. Tỏ ra ta đây lắm. Và cuối cùng nó đã leo lên được đỉnh cao chót vót. Nhưng cũng chính là lúc nó thất vọng nhất. Chẳng có gì cả. Thì ra cái cột giầu sang cuộc đời này chỉ là một ảo tưởng được tạo bằng chính những con sâu bon chen đặt ra tiêu chuẩn giá trị. Nhìn sang rừng cây bên cạnh, nó thấy một đàn bướm đủ màu tung tăng vỗ cánh thảnh thơi. Nó có dịp lắng đọng nhìn kỹ để phát giác một điều lạ là ở cành cây đang đeo lủng lẳng những cái tổ kén. Đó là những cái mồ chôn để sâu có thể chui vào mà lột xác thành bướm. Con đường thật là kham khổ đầu tắt mặt tối "chân lấm tay bùn", ai mà chẳng sợ! Nhưng có con đường nào khác nữa đâu?!

TIN VUI TÌM ĐỘNG HOA VÀNG

Mặc dù đang thấy hiện trạng là con sâu, nhưng con sâu biết bản chất của nó là có thể mọc cánh thành bướm bay lên được. Này nhé: Sâu có thể trở thành bướm, những mô đất đá cằn cỗi hai bên đường bỗng bật lên những mầm nụ mới vào buổi sang xuân, chẳng phải là sửng sốt lắm sao?!

Động Hoa Vàng Avondale, Louisiana

Cao điểm của năm phụng vụ trong Đạo Chúa là Lễ Phục Sinh. Kể cũng lạ đấy, Tuần Thánh bao giờ cũng trùng vào đầu mùa xuân hoa nở. Hằng ngày đi đến nhà thờ, tôi thật may mắn được lái xe qua con đường quê thật đẹp vùng Avondale ngoại ô thành phố New Orleans, bang Louisiana. Nhưng đẹp nhất phải kể là những ngày đầu xuân. Bãi cỏ xơ xác hai bên đường mùa đông nay bỗng trải dài một thảm hoa vàng mênh mông. "Động hoa vàng" là đây rồi chứ sao phải mất công mơ tưởng mãi đâu đâu để phải hát nghêu ngao theo kiểu Phạm Thiên Thư với nhạc Phạm Duy:

Rằng xưa có gã từ quan,

lên non tìm động hoa vàng ngủ say.

Mình như đang đi giữa vùng đất thần tiên thơ mộng quá chừng, mà cũng thật gần tầm tay với. Con đường này chắc cũng nhiều người qua lại mỗi ngày. Không biết được mấy người lái xe chậm lại một chút để chiêm ngưỡng vẻ hút hồn của đất trời hòa nhập, nhất là vào những lúc mặt trời đang lăm le đòi đi ngủ, nhoẻn miệng cười toát ra một sắc đẹp quyến rũ vô cùng. Mình bỗng bật lên lời thơ của Tô Thùy Yên:

Ta về cúi mái đầu sương điểm

Nghe nặng từ tâm lượng đất trời.

Cảm ơn hoa đã vì ta nở,

Thế giới vui từ mỗi lẻ loi.

Tim mình bỗng đánh nhịp bản hoan ca mùa xuân sau những ngày lạnh thu mình lại ẩn dưới những cành trơ trụi tiêu sơ. Mình đọc tiếp lời thơ trên:

Ta về một bóng trên đường lớn

Thơ chẳng ai đề vạt áo phai

Sao bỗng nghe đâu mềm phế phủ

Mười năm đá cũng ngậm ngùi thay.

Vĩnh biệt ta mười năm chết dấp

Chốn rừng thiêng im tiếng nghìn thu

Mười năm mặt sạm soi khe nước

Ta hóa thân thành vượn cổ sơ.

NHỊP ĐIỆU LUÂN VŨ

Chắc là Tô Thùy Yên đã bị đầy đọa vùi dập mười năm chứ gì. Đời như đã bỏ. Lỡ vận. Lỡ thời. Nỗi buồn dài dệt bằng những tiếng thở dài, mênh mang, mênh mang. U uất thâm gan tím mật. Mười năm coi như mình đã chết dấp.

Vậy mà mình bỗng bắt lại được nhịp đời bật nụ non khi nhìn hoa nở. Nó nở thì nở chứ có mắc mớ gì mà dám bảo là đã vì ta nở? Nhưng mình thấy rõ là nó vì mình mà nở. Ai muốn nói sao, kệ. Nó nở để cho hoa mình nở. Mọi phiền muộn bỗng dưng thành hòa khúc dịu êm. Mặt trời đang rạng lên trong tâm ta. Một bình minh mới như bình minh đầu tiên thuở hoang sơ nổ ra từ tiếng “big bang”.

Thiên nhiên quả là người mẹ hiền có phép mầu hóa giải những oan khiên, những phiền muộn. Mẹ có điệu ru của mẹ, qua bốn mùa đong đưa nhịp đời trong nôi đại dương dòng sinh lực vẫn tuôn chảy. Nhìn nụ hoa vừa nở, mọi tàn lụi đời mình bỗng mở lối thênh thang. Một nhịp mới bắt đầu. Tự nhiên lắm. Tự nhiên như dòng nước chảy, như tia nắng vừa lên, như dòng hơi thở bơm sinh khí mỗi khoảnh khắc. Thì ra vạn vật đều đi theo một vũ khúc bao la đất trời, gồm ba giai đoạn, tức là nhịp ba, nhịp luân vũ. Đây cũng là tiến trình chết đi và phục sinh, niềm tin gốc của đạo Chúa, nơi Đức Giêsu, và nơi mỗi người.

Nhận ra hiện trạng mình là một hạt cây hay con sâu với hướng vọng thành lá hoa với đàn bướm tung tăng.

Dám chấp nhận bị vùi giập thối rữa hay chui vào tổ kén, chấp nhận được những trở ngại, những khổ đau. Mình đâu có dễ tự mình lột xác được. Thì đây mình được gửi đến những thập giá giúp mình lột xác biến thể. Hạt lúa nếu không rơi xuống đất và chịu thối mục, sẽ vẫn trơ trọi một mình (Gioan 12:24). Ai cố giữ mạng sống mình thì sẽ mất, ai vui chết đi sẽ được sống tròn đầy (Gioan 12:25).

Mọc cánh thành bướm vươn lên một cuộc sống mới thênh thang thảnh thơi, không còn gì có thể chế ngự kềm tỏa ràng buộc được nữa.

PHÚT TỊNH TÂM

Nhưng con người nhiều khi lại không khôn ngoan được như thế, mà cứ cố bám lấy lớp vỏ dầy cứng khiến đời sống mỗi ngày mỗi tàn tạ?! Nhà thơ Luân Hoán thấy cảnh đáng thương như vậy liền cất lời tự tình:

Cảm ơn đất đá trổ thơ

Lòng ta hạt bụi vu vơ bám hoài.

Ta không tự mình buông xả dễ dàng đâu. Thì đây thập tự như “ỷ thiên kiếm” được gửi đến để chém chặt khai quang cho lòng ta phải trống trơn. Cảm ơn những khổ đau đã làm ta nên người. Cảm ơn hạt cây chịu thối mục để hoa bỗng nở tràn. Ngày lễ Phục sinh thể hiện đúng tiết nhịp hoa nở. Hoa trong vườn. Hoa trong tâm ta.

Mồ Trống và Phục Sinh: sức đột biến từ cơn giẫy giụa.

Một hôm tôi chợt thấy một con ve sầu đang đong đưa trên một cành cây ở vườn sau nhà, nhưng đến gần thì nhận ra đó chỉ là một cái xác, có một kẽ nứt phía sau lưng. Đúng là mồ trống rồi. “Nó” đi đâu mất? Bên cạnh là một nụ hoa chớm nở đầy sức sống. Không thấy “nó”, nhưng trông thấy biểu hiện của “nó” nơi một nụ hoa mới thì chẳng phải mất công tìm ở đâu nữa. Nó đã lột xác và đã phục sinh mang một dạng hình khác đầy hoạt lực tươi trẻ. Với cảm hứng này, tôi đã lấy máy chụp ra mà chộp được cái nét hồn của chính mình đang chuyển biến qua biểu tượng đời sống, và đặt tên là "Xác Ve Sầu và Nụ Hoa Mới: Mồ trống và Phục Sinh."

Hạt cây không phục sinh trở lại hạt cây, nhưng đã là hoa lá mới. Con sâu không rụng lông sống lại với kiếp sâu róm, nhưng đã lột xác thành con bướm bay. Đó mới là cảm nghiệm phục sinh cho tôi lúc này như thánh Phaolô tuyên sấm một cuộc tạo dựng mới:

“Ai ở trong Đức Ki-tô đều là tạo vật mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi.” (2Cor 5:17)

Liệu tôi đã bắt đầu dám lột xác vươn mình lên hay vẫn tiếp tục bám vào lớp bụi bặm phù du, tự đầy đọa mình và làm khổ nhiều người? Những gì tôi đang cần xả bỏ để bắt đầu sống thảnh thơi hơn? Và lời thơ vang vọng trở thành lời phản tỉnh:

Cảm ơn đất đá trổ hoa

U mê hạt bụi lòng ta bám hoài

***

Nguồn: dunglac.org



0 nhận xét: