Thứ Ba, 11 tháng 1, 2011

"Như nghe thấy tiếng cười của Hồ Xuân Hương..."

Thứ bảy, 13 Tháng mười một 2004, 18:16 GMT+7


Giáo sư Mỹ John Balaban
Nhu nghe thay tieng cuoi cua Ho Xuan Huong
Giáo sư Balaban
TTCN - Từ ngày 12 đến 14-11, hội nghị chữ Nôm quốc tế 2004 diễn ra tại Hà Nội với sự tham gia của các học giả nghiên cứu chữ Nôm tại VN và các nước trên thế giới.
TTCN trao đổi với GS John Balaban, chủ tịch Hội bảo tồn di sản Nôm (Vietnamese Nôm Preservation Foundation), có trụ sở tại Mỹ, đồng tổ chức sự kiện này cùng Viện Hán Nôm VN tại Hà Nội.
+ Ý tưởng tổ chức một hội nghị về chữ Nôm được hình thành từ khi nào, thưa GS?
- Trong khoảng năm 2000, cùng lúc với việc chuẩn bị cho ra đời tuyển tập thơ Hồ Xuân Hương, tôi cùng tiến sĩ Đỗ Bá Phước và Đỗ Thanh Nhàn thành lập Hội Bảo tồn di sản Nôm. Trước đó nhiều năm tiến sĩ Phước, tiến sĩ Nhàn (tại Mỹ) đã cùng tiến sĩ Đỗ Trung Việt và giáo sư Nguyễn Quang Hồng tại VN, các chuyên gia ngành máy tính tại Bỉ và Thụy Sĩ nghiên cứu số hóa font chữ Nôm vào hệ thống chữ quốc tế theo chuẩn ISO để đọc được trên máy tính. Hiện nay Huesoft và Hanoisoft tại VN, Viện Việt học tại California, Viện Mojikyo tại Nhật, học giả Alexander Lê tại Pháp, Nguyễn Bá Triệu tại Canada, Lê Văn Đặng tại Mỹ... đều đang quan tâm đến việc thể hiện chữ Nôm thành ngôn ngữ sử dụng được trên máy tính.
Hội nghị chữ Nôm là một phần của những nỗ lực nói trên. Trọng tâm của hội nghị tại Hà Nội lần này sẽ là trao đổi về những khả năng mới trong việc thể hiện, trao đổi và in ấn chữ Nôm cùng với những thành quả trong hoạt động bảo tồn và sưu tầm chữ Nôm trong thời gian qua của Viện Hán - Nôm tại Hà Nội dưới sự chỉ đạo của tiến sĩ Trịnh Khắc Mạnh. Đây là hội nghị quốc tế về chữ Nôm đầu tiên kể từ 25 năm qua.
+ GS nhận định gì về tầm quan trọng của hội nghị về chữ Nôm vào thời điểm này?
- Khi máy tính có thể nhận dạng và trao đổi được font chữ Nôm, chúng ta sẽ tìm hiểu được những tài liệu, văn bản chữ Nôm hiện đang được lưu trữ tại các thư viện và các bộ sưu tập cá nhân tại VN, châu Á, châu Âu và Mỹ. Đây cũng là một vấn đề được đưa vào lịch trình làm việc của hội nghị năm nay. Tôi cho rằng hội nghị có tầm quan trọng rất cao, nhất là khi chúng ta hình dung ra 1.000 năm tồn tại của chữ Nôm mà hiện nay ngoài một số rất nhỏ các học giả đang nắm giữ các bộ sưu tập cá nhân, hầu như chúng ta không chạm đến được. Lịch sử một nền văn hóa, một kho tàng lớn lao của VN gần như bị chìm khuất. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương nghịch ngợm của nền văn học VN lẽ ra đã có thể đóng vai trò lớn trong nỗ lực làm sống lại kho tàng này. Tôi gần như có thể nghe thấy được tiếng cười của bà vọng lại từ kho tàng tiếng Nôm VN...
Nhu nghe thay tieng cuoi cua Ho Xuan Huong
Ca dao Việt Nam (bìa cuốn sách mới nhất của GS John Balaban)
+ Mối quan tâm mà GS dành cho chữ Nôm đã bắt đầu từ cách đây hơn ba thập niên...
- Trước hết, phải thành thật mà nói rằng tôi không đọc được chữ Nôm. Tôi dịch lại các tài liệu tiếng Nôm từ chữ quốc ngữ. Khi bắt đầu dịch thơ Hồ Xuân Hương, tôi thậm chí không biết bà đã từng làm thơ bằng chữ Nôm. Tôi cũng không hề ý thức được nghệ thuật nói lái trong thơ của bà. Khi đi sâu hơn vào quá trình chuyển ngữ thơ Hồ Xuân Hương, tôi bắt đầu đặt ra những câu hỏi. Một trong những người bạn của tôi, giáo sư Ngô Thanh Nhàn, giới thiệu tôi với giáo sư Nguyễn Quang Hồng và một chuyên gia về thơ Hồ Xuân Hương, ông Đào Thái Tôn...
Trao đổi với các học giả VN, tôi cảm thấy rất rõ ràng rằng quá khứ văn hóa được thể hiện qua chữ Nôm – từ những vần thơ đến những ghi chép từ các ngôi làng Tây Sơn ngày xưa – có một nội lực văn hóa độc đáo tương tự như những nền văn học cổ phương Tây mà tôi từng nghiên cứu, đặc biệt là tính chất cổ điển kết hợp với đương đại mà tôi rất say mê. Tôi nhận ra mình có thể làm một điều gì đó để bảo tồn kho tàng văn hóa này. Gần đây, tôi tìm được những bài thơ của Nguyễn Trãi được viết bằng chữ Nôm, được Virginia Jing Yi Shih chuyển ngữ đầy tinh tế. Làm sao chúng ta có thể để mất những điều quí giá như thế được?
+ Có lẽ nhiều người không khỏi ngạc nhiên về niềm say mê của GS. Điều gì khiến một người nước ngoài mong muốn bảo tồn một kho tàng văn hóa của VN?
- Vâng, quả là tôi đã được nghe câu hỏi này nhiều lần, và đây vẫn là câu hỏi làm tôi bị sốc dù tôi hiểu vì sao nhiều người lại ngạc nhiên. Làm sao một nhà thơ, dù là làm thơ bằng ngôn ngữ nào, có thể quay lưng lại trước một nhà thơ như nữ sĩ Hồ Xuân Hương? Làm sao lại có thể yêu mến những tài sản quá khứ và tầm vóc của chúng đối với hiện tại mà lại không hỗ trợ các học giả khác bảo tồn một kho tàng quí giá như chữ Nôm? Tôi là một nhà thơ, từng hai lần được đề cử giải thưởng Sách quốc gia (tại Mỹ) và từng là chủ tịch Hội Biên dịch văn chương nước Mỹ. Làm sao tôi lại không quan tâm đến Nôm được? Trong thời kỳ chiến tranh, năm 1971 và 1972, tôi đi dọc miền quê phía Nam với một cái máy ghi âm, sưu tầm những bài ca dao từ người dân những vùng này. “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” (Balaban nói bằng tiếng Việt câu này).
+ Cách đây vài năm, trong một cuộc phỏng vấn về Hồ Xuân Hương và chữ Nôm, GS có nhắc đến việc hiện trên toàn thế giới chỉ còn vài chục người đọc được chữ Nôm... Chữ Nôm đã được vực dậy như thế nào, thưa GS?
Nhu nghe thay tieng cuoi cua Ho Xuan Huong
- Năm 1919, triều đại phong kiến cuối cùng của VN bị loại bỏ. Năm 1920, chính quyền Pháp cấm việc sử dụng chữ Nôm tại VN. Gần như ngay sau đó không ai còn học chữ Nôm theo cách truyền thống nữa. Hiện không ai thật sự biết rõ còn bao nhiêu học giả biết về chữ Nôm đủ trôi chảy và thấu đáo để làm việc bằng chữ Nôm. Có lẽ trên toàn cầu chỉ còn khoảng 50 học giả chữ Nôm. Đó chính là lý do vì sao chúng tôi mong muốn số hóa chữ Nôm - để bất kỳ ai biết chữ quốc ngữ và biết sử dụng máy tính có thể tìm học chữ Nôm. Chúng tôi cũng tin rằng nên đưa chữ Nôm vào trường phổ thông và đại học. Chúng tôi cũng mong muốn các học giả nước ngoài có thể sử dụng chữ Nôm trong quá trình nghiên cứu. Không lâu nữa chúng ta sẽ có từ điển Nôm - quốc ngữ lưu hành trên Internet để tra cứu, và nhờ vậy sẽ đọc được truyện Kiều nguyên bản, sẽ đọc được thơ Thiền của các triều đại thế kỷ 12 và 13...
+ Hội Bảo tồn chữ Nôm hoạt động ra sao và dựa trên nguồn tài trợ nào, thưa GS?
- Một trong những trọng tâm hoạt động của chúng tôi là thành lập một thư viện điện tử các văn bản chữ Nôm và cấp học bổng cho các sinh viên học và nghiên cứu chữ Nôm. Chúng tôi cũng tham gia làm từ điển chữ Nôm và tài trợ việc in các tài liệu chữ Nôm, cung cấp dịch vụ biên dịch các văn bản chữ Nôm hiện đang được lưu trữ tại thư viện các nước Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Hà Lan và cả ở Vatican. Từ năm 2002 chúng tôi cũng đặt một văn phòng tại Hà Nội để hỗ trợ các hoạt động liên quan đến tìm kiếm và xuất bản các tài liệu chữ Nôm. Chúng tôi nhận tài trợ từ các cá nhân và một số tổ chức nhỏ. Một số người đóng góp tài chính với ý nguyện góp phần bảo tồn văn hóa VN. Một số khác đóng góp cho hoạt động của chúng tôi vì họ yêu mến vẻ đẹp của những vần thơ của Hồ Xuân Hương và mong đợi những tác phẩm Nôm khác được chuyển ngữ.
Với tôi, khó nhất là làm sao có thể tìm được nguồn tài chính cho việc số hóa chữ Nôm. Dạo này những bạn bè giàu có của tôi đều chạy mất khi thấy tôi xuất hiện. Tuy nhiên, công việc số hóa chữ Nôm thật sự thì phải kể đến nỗ lực của giáo sư Nhàn và các cộng sự của ông. Còn về phần bảo tồn văn bản, từ lâu Viện Hán - Nôm tại Hà Nội đã tiến hành việc lưu giữ các văn bản Nôm cổ và mua lại các bộ sưu tập Nôm từ các gia đình VN. Đây là những hoạt động quan trọng cần được đánh giá cao.
+ Công việc hằng ngày của GS có liên quan nhiều đến chữ Nôm?
- Hiện tôi dạy tiếng Anh và là nhà thơ tại Đại học công North Carolina. Tôi dạy các khóa về thơ trong trường. Các đồng nghiệp của tôi vẫn nghĩ những hoạt động về chữ Nôm của tôi là thú vị, nhưng họ không hiểu lắm thật sự tôi đang làm gì. Gần đây tôi đưa cho họ xem một bản của cuốn Giúp đọc Nôm và Hán - Việt, họ ngạc nhiên lắm. Họ cũng đã từng ngạc nhiên như thế về sự táo bạo và tuyệt diệu của những vần thơ Hồ Xuân Hương...
+ Cuối cùng, xin GS chia sẻ cùng độc giả TTCN một đôi điều bằng tiếng Việt...
- Đây là một bài ca dao bằng tiếng Việt tôi viết, xin gửi đến các bạn:
Ở bên trời Mỹ vẫn mơ.
Nguồn sông còn chảy, tình lờ lai rai.
Trăm năm, tiếng khéo ngân dài:
Trên sông, cổ nguyệt nhớ hoài Xuân Hương.
+ Xin cảm ơn GS về cuộc trao đổi thú vị này.
CAM LY thực hiện
Nguồn: http://vietbao.vn/Van-hoa/Nhu-nghe-thay-tieng-cuoi-cua-Ho-Xuan-Huong/40055623/181/

0 nhận xét: