Thứ Tư, 21 tháng 3, 2012

Vấn Đề Chiêu mục


Chiêu là tay chiêu (bên mặt trời mọc). Mục là tay mục (bên mặt trời lặn) cũng đọc là tay mặt. Tôi hỏi anh tay nào phải tay nào trái. Nếu anh giàu lương tri nghĩa là suy nghĩ như mọi người thì anh không ngần ngại thưa rằng tay phải là tay phải, tay trái là tay trái, có ai nghĩ khác đâu mà hỏi. Này nhé tiếng Pháp cũng gọi tay mục là tay phải lẽ, tay thẳng thắn droite, còn tay chiêu là tay trái, tay ngượng ngịu gauche. Người Anh cũng đồng ý mà cho tay chiêu là đồ bỏ:left, chỉ có tay mục mới là tay phải lẽ: right. Đấy là công lý việc chi phải đặt vấn đề: ngay các thiên thần cũng theo phạm trù đó trong ngày thẩm phán mà xếp kẻ lành thì ở bên hữu (hữu lý) kẻ dữ thì ở bên tả (để bị tả oán) cho nên không lạ chi khi phải tránh đường thì ta giữ cho mình bên phải, để đối nhân bên trái, muốn nhường cũng không xong với cảnh sát công lộ, trừ cảnh sát nước Anh, Mỹ bắt phải nhường bên phải cho đối nhân. Và việc tránh đó còn ghi dấu lại trong lối chào của hướng đạo: chào bằng tay “trái” vì đó là bên có trái tim với ý chỉ rằng tâm tình phải nhuộm cái chào bằng một trào máu nóng. Nhưng đó là những suy luận lan man trong bàn giấy chứ thực tế chẳng ma nào lẩm cẩm suy nghĩ như vậy. Nhưng đã suy thì phải suy tới và ta hỏi nước Anh là một nước Tây Âu chịu ảnh hưởng Viễn Đông trong nhiều việc như trong phép lập vườn, phép điều lý công thức cũng như Anh quốc là nước đầu tiên bên Âu Châu mở cửa đón nhận lối tuyển nhân tài cách bình đẳng bằng phép thi cử của Viễn Đông. Ta có thể hỏi vậy bên phải bên trái có nằm trong mớ những liên hệ Đông Tây như trên chăng? Đó là mấy câu hỏi có vẻ lẩn thẩn. Bởi vì người đời ai cũng bảo tay phải phải, tay trái trái nhưng cơ khổ! Đã làm nên tội vạ chi đâu mà phân định phải với trái như vậy? Có việc chi là không làm chung cả hai tay đâu nào? Khác nhau chăng là tay phải quen làm thì khoẻ hơn, mạnh hơn, tay trái thì yếu hơn, ngượng hơn. Nhưng nếu chỉ vì khoẻ hơn hay là yếu hơn mà gọi là phải với trái thì té ra lẽ phải ở đời chỉ là truyện lấy thịt đè người hay sao, nếu thế thì trâu, hùm, beo phải lẽ hơn người vì chúng khoẻ hơn. Tất nhiên đó là truyện thường: mạnh được yếu thua; nhưng ngoài sức mạnh có còn cái chi khác nữa cũng có giá trị chăng.

Và như thế là từ một câu hỏi lẩn thẩn chúng ta chạm đến một câu hỏi khác sâu xa hơn, và tôi thêm rằng nó còn thiết yếu đến nền văn hóa của chúng ta nữa, vì bên Viễn Đông không chỉ có thứ tự tay trên tay trái, nhưng còn một thứ tự khác là chiêu trên mục, hay nói đúng hơn chiêu hay mục đều có giá trị trong phạm vi riêng biệt, nên chữ chiêu viết với bộ nhật chỉ sự tỏa chiếu sáng soi chứ không còn là tay trái lẽ nữa. Còn tay mục chỉ sự phồn thịnh mạnh mẽ, nó có thể đi đôi với sáng soi và lúc đó nó vừa sáng vừa mạnh. Đó có thể là một lối “chính danh định phận” đặc trưng của Đông phương vì chiêu đi với phương Đông, đàn bà, số lẻ, văn học, nghệ thuật, dân chúng v.v… Còn mục đi với phương Tây, số chẵn, đàn ông, võ lực, nhà cai trị v.v… cho nên khi hỏi chiêu trước hay mục trước thì chính là hỏi về địa vực, về biên cương của một trận tuyến giữa hai nền văn hóa của Viêm tộc và Hoa tộc. Viêm tộc trọng đức, trọng dân nên nói “dân vi quý, quân vi khinh” (Mạnh Tử). Hoa tộc trọng lực với chủ trương “Minh quân vu lực” (Hàn Phi Tử). Hai chủ trương này liên hệ với chiêu và mục, vì thế chiêu hay mục trở thành một trong những lược đồ nền móng (un des schèmes fondamentaux. Etudes Sociologiques de Granet p.XVIII) nhưng cũng là một lược đồ rất phiền toái vì có lúc đức trị thắng pháp trị và ngược lại nên thứ tự chiêu mục lại đổi thay mỗi thời mỗi khác. Vì không nhìn ra liên hệ giữa chiêu mục và đức lực, văn võ, nên các nhà nghiên cứu cho là điên đầu và thường bỏ qua vì không hiểu sao có đời thì trọng chiêu đời khác lại trọng mục. Nhưng bệnh điên đầu sẽ hết khi học biết rằng sự thăng trầm của chiêu hay mục là những pha vật lộn giữa hai hướng văn hóa: đôi co, níu kéo… làm nên một thế quân bình động đích sống động với nhiều pha thăng trầm, và có thể dùng làm tiêu điểm giúp ta phác họa lại bản đồ thế trận địa của sự tranh giành ảnh hưởng cũng như thành tich về sự hơn thua giữa chiêu và mục nghĩa là giữa hai nền văn hóa của Viêm tộc và Hoa tộc, giữa nhu đạo và cường đạo giữa sức mạnh tinh thần và sức mạnh vật chất, và sẽ hiểu ra đó là vấn đề thích thú nhất, vì không phải trên thế giới này đâu cũng có thể tìm ra thứ tự chiêu rồi mục. Bởi thế chúng ta cần đi sâu vào vấn đề.

Theo dạng tự thì chữ hữu kép với bộ khẩu chỉ miệng tức việc ăn và nói, còn tả kép với bộ công chỉ việc làm, nghệ thuật, văn học, tôn giáo. Vì chữ công hiểu theo nghĩa rộng cũng bao hàm cả tôn giáo (nhớ chữ Vu Viết với bộ công). Vì thế nhạc trưởng (nghệ thuật) ngồi bên tả nhà vua, còn đầu bếp ngồi bên hữu. Những sự việc của vua thì do quan sử bên tả ghi chép (tả truyện) còn lời nói do quan sử ngồi bên hữu. “Động tả sử thư chi, ngôn tắc hữu sử thư chi, chữ hán” (Lễ ký XI, 5). Như vậy tả chỉ những gì tinh thần khéo léo, hữu chỉ sức mạnh hữu dụng… Từ ý tưởng nền móng đó ta hiểu ý nghĩa tại sao khi cho thì dùng tay tả, khi nhận của cho thì dùng tay hữu (P.C. 365). Ra đường các bà đi bên tả (lúc còn ảnh hưởng văn hóa Viêm tộc trọng đàn bà) đàn ông đi bên hữu (P.C. 369). Thế tử thì ở Đông cung, còn Hoàng hậu thì ở Tây cung, nhưng Tây đi với tay hữu thì có phần kém đối với con mắt Viêm tộc nên có thời tránh tiếng Tây cung và gọi bằng danh từ “thiên thu” (dấu vết Viêm tộc). Biết thế khi ta thấy thái tử ở Đông cung (Maspéro 127) thì ta hiểu nhà vua đã chấp nhận coi trọng bên chiêu rồi. Hay khi vua ngồi quay mặt hướng Nam, bên tả xếp “Cửu đỉnh” thì ta lại có thêm hai tích chứng một là cửu số lẻ số trời, hai là đỉnh chỉ sự dồn đúc. Thế là văn minh Đông Nam của Viêm tộc đã lấn trên văn minh Tây Bắc của Hoa tộc. Hoặc nữa khi ta đọc thấy các quan đại phu đứng chầu vua ở bên chiêu còn các chư hầu ở bên mục (Maspéro 124, 125) thì cũng phải hiểu thế, hoặc trong thái miếu xếp con bên chiêu, cháu bên mục, quan văn bên chiêu, quan võ bên mục (Maspéro 209) thì ta đo được trình độ bị dị đồng hóa của nhà cầm quyền xâm lăng lên đến đâu ít ravề hình thức. Bởi vì ta biết rằng không phải bao giờ chiêu cũng được coi trọng như thế. Ta hãy lấy thí dụ của nhà Tần đại diện nổi nhất của kẻ xâm lăng từ phía Tây ỷ sức mạnh vẫn coi khinh phía Đông, vì thế những người hèn hạ nghèo nàn bị thu lại cho ở trong những làng lập ra bên tay tả gọi là Lư tả (chữhán) (Need II, 101) cái lệ cắt tai tả (quặc) của những tù binh không hiểu có tự lúc nào. Nhưng chắc cũng bao hàm ý khinh bên tả, bên dân. Khi Lão tử nói cầm tờ khế bên tả (thành nhân chấp tả thế ĐĐK 49) là có ý nói phải ở với dân, y như nhà Nho nó “thân dân” vậy. Do đó bên tả vì chỉ dân nên ban đầu bị khinh nhưng lần lần nhờ có văn hóa của Viêm tộc đề cao nên cuối cùng trở nên trọng, và có những thứ tự chiêu trên mục, văn trên võ như ta vừa kể lại vài thí dụ. Quyển kinh tranh đấu cho điểm này là Xuân Thu tả truyện. Thuyết nói tác giả là Tả Khâu Minh ngày nay bị bác bỏ (Danses 68) như là của Hán nho. Chính ra thì tên sách đề cao bên tả, tức là ý dân, mà người nói lên ý dân là các hiền triết. Vì thế Tả truyện đề cao hiền triết. Tất cả ngũ bá đều phải nhờ hiền triết mà đạt danh vọng. Tề Hoàn Công nhờ Quản Trọng, Tần Mục Công nhờ Bá Lý Hề, Tấn Văn Công nhờ Giới Tử Thôi và Hồ Yển v.v…

Đặc trưng nhất có lẽ là chỗ Trùng Nhĩ muốn ở lại với vợ là Khương Thị, nhưng Khương Thị khuyên những lời xứng đáng là một người đại diện minh triết, và cùng với Hồ Yền phục rượu say cho chồng rồi chở đi bắt phải theo con đường công danh sự nghiệp v.v… Tóm lại là bên tả (đàn bà và hiền triết) được đề cao rất mực trong Tả truyện. Chính vì thế cũng như vì thế giá kinh Xuân Thu nên cuối cùng nhà vua nhận con rồng tức là chấp nhận nền văn hóa của dân bản thổ Đông Nam biểu hiệu bằng thanh long, Tây bằng bạch hổ. Hổ dữ phải phục rồng hiền. Vì thế lăng tẩm của đức vua thường cho chạm rồng bên tả, hổ bên hữu, hoặc cùng lắm khi sống thì bên tả còn có thời bị khinh nhưng khi chết rồi thì bên tả tuyệt nhiên phải được tôn trọng. Khi Khổng nói nước Tề tiến lên một bước thì bằng nước Lỗ, Lỗ tiến lên một bước thì đạt Đạo, là ông tuyên dương văn hóa của Đông Nam: vì đưa một nước mạn Đông (nước Lỗ trong tỉnh Sơn Đông) lên làm tiêu chuẩn, hoặc khi ông nói “quân tử chi đạo tạo đoan hồ phu phụ”, mà không chịu nói tạo đoan hồ pháp độ hoặc Hoàng đế hay Thiên tử… thì ta hiểu tại sao nhà Tần từ phía Tây sẽ đốt sách chôn Nho (đại diện phía Đông). Khi người xâm lăng bị văn minh Đông Nam cảm hóa thì lần lần đổi tư tưởng coi trọng bên Đông. Khi Tần Thuỷ Hoàng chịu lên núi Thái Sơn trong tỉnh Sơn Đông để làm lễ tế trời (Religion, Granet 111) thì dưới con mắt thức giả đó là một cuộc chinh phục của văn hóa Đông Nam. Và Viêm tộc sẽ khoan khoái đọc lại câu “khoan nhu dĩ giáo, bất báo vô đạo, nam phương chi cường dã” T.D.10. Kẻ xâm lăng từ Tây Bắc tràn vào Đông Nam, làm nhiều việc tàn ác vô đạo, nhưng phương Nam không lấy ác để báo vô đạo mà chỉ khoan nhu dĩ giáo cho tới lúc Tần Thuỷ Hoàng phải trèo lên núi Thái Sơn ở Sơn Đông mà tế trời, và khi ra triều thì phải ngồi quay phía Nam để đón lấy ánh sáng minh triết từ phía Nam. Đây là một sự thực lịch sử nhưng nằm tản mát nên không mấy người nhìn ra, nhưng có nhìn ra thì chúng ta mới hiểu được nét độc đáo trung thực của triết Việt. Nét đặc trưng đó được biểu thị cách thú vị nhất trong câu truyện hai cái cầu Ô Kiều và Quy Kiều. Mục Vương khởi sự bắt rùa làm cầu sang sông. Đó là Mục Vương coi trọng tay mục (mặt = vũ lực) nhưng một khi sang sông rồi nghĩa là một khi đã bỏ Bắc phương y cứ trên vũ lực để vào ở miền Nam sông coi trọng tình người thì mới khám phá ra Thịnh Cơ, cháu của Âu Cơ, chắt của Chúc Nữ, chít của Nữ Oa tất cả đều biểu thị những giá trị khác với sức mạnh mà lại vượt xa sức mạnh. Đủ biết trong gầm trời này có nhiều thứ mạnh cứ gì phải tay mục, cứ gì phải bắp thịt mớ mạnh còn nhiều bắp khác mạnh vô kể và đã đem lại cho nền văn minh Đông Nam của Viêm tộc sự thắng thế ít ra trong một số trường hợp đặc trưng để tạo nên một nền văn minh đề huề giữa chiêu mục

Kim Định

0 nhận xét: