Để xây dựng một văn hóa đọc tốt, và xa hơn nữa là để chấn hưng nền giáo dục, thì còn cần nhiều lắm sự hỗ trợ của gia đình, của xã hội, của các ngành quản lý văn hóa phẩm. Nếu chỉ hô hào cục bộ, chỉ "áo thụng vái nhau" thôi thì... chưa đủ.
Người viết bài này tán đồng quan điểm của nhà giáo Phạm Toàn về việc xây dựng văn hóa đọc từ thuở nhỏ (Bài: Văn hóa đọc ngay từ lớp Một? Tuần Việt Nam- 07/05/2012 ). Tuy nhiên, nếu chỉ trông chờ vào nhà trường thì không thể hoàn thành được mục tiêu ấy, bởi xã hội mới là nơi thực hành và gia đình mới là cái nôi tiên quyết.
Mưa dầm ngấm lâu...
Tôi còn nhớ những ngày đầu làm quen với con chữ cũng là lúc chuyển giao từ thời bao cấp sang nền kinh tế thị trường. Cứ chập tối cho tới khi ngủ, chỉ có chiếc đài "ve sầu" văng vẳng câu chuyện cảnh giác, sân khấu truyền thanh, đọc truyện đêm khuya.
Sáng ra, bố mẹ đi làm, anh đi học, mình tôi ở nhà với đám trẻ con "đổ dế", búng bi, đánh đáo... . Mãi cũng chán. Thế là chỉ còn cách làm bạn với kệ sách gia đình- có "Tam quốc", "Đông Chu liệt quốc", "Chiếc bật lửa" (Andersen), "Tú Xương - tác phẩm và giai thoại" (Nguyễn Văn Huyền chủ biên), "Hồ Chí Minh toàn tập"...
Cứ như vậy, một phần vì tò mò và muốn giết thời gian, tôi lần từng bước từ nghe, đọc lõm bõm, từ "o tròn như quả trứng gà, ô thời đội mũ, ơ là thêm râu" đến những cuốn sách dày cộp.
Ngày đó chắc chắn một đứa bé, ngoài việc cố đọc thông viết thạo, thì chẳng thể hiểu nổi ý nghĩa sâu xa đằng sau trang giấy. Song ít ra nó cũng đã có được một sức đề kháng để không bỡ ngỡ, ngán ngẩm trước những tác phẩm lớn. Và, mưa dầm ắt phải ngấm lâu!
Thế mà, khi cắp sách tới trường, tôi cũng truyện tranh "Doraemon", "Teppi"... Rồi tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung, Cổ Long... như ai! Đành rằng thầy cô cũng dạy Tấm- Cám, Thạch Sanh, Truyện Kiều, Chiếc lá cuối cùng, Ông lão đánh cá và con cá vàng..., nhưng là với giáo án cứng nhắc, đáp án dập khuôn và cách truyền đạt khô khan theo kiểu: Tôi nói các em nghe rõ chưa!?.
Rất may, nhờ sức đề kháng hình thành một cách "tự nhiên" kể trên nên giờ này trên con đường lập nghiệp, ngoài hàng trăm trang tài liệu chuyên môn bắt buộc đọc mỗi tuần, tranh thủ thời gian, tôi vẫn "luộc" được hàng trăm trang sách khác.
Ngày hội Sách và Văn hóa Đọc năm 2012 diễn ra tại Văn Miếu, Quốc Tử Giám, Hà Nội. Ảnh: GD&TĐ
|
Không phải môi trường duy nhất
Nói vậy để thấy rằng nhà trường không phải môi trường duy nhất có thể định hình một văn hóa đọc. Muốn một bộ ngành - không được cấp vốn nhiều, không có quyền hành nhiều, không phải "nắm đấm thép" - phải hoàn thành nhiệm vụ cao cả, nặng nề đến vậy thì thật quá sức đến mức phi lý.
Đấy là chưa kể, nhìn vào bất cứ lĩnh vực nào cũng thấy những vấn nạn, chứ không riêng lĩnh vực giảng dạy, đào tạo. Một cơ thể khỏe mạnh hay suy yếu, bao giờ cũng bắt đầu từ những tế bào. Bố mẹ bệnh tật thì con cái khó mà khỏe mạnh (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng).
Cho nên, muốn bắt bệnh và chữa bệnh cho thế hệ trẻ của một quốc gia, thì đầu tiên phải xét tới gia đình - tế bào của xã hội.
Nếu không được nuông chiều, buông lỏng giám sát thì các em lấy đâu ra tiền mua truyện tranh, chơi điện tử!?
Nếu cơ quan thẩm định, quản lý văn hóa phẩm làm việc nghiêm túc thì sách báo, phim ảnh "mì ăn liền" sao có thể nhan nhản các quầy, sạp, phương tiện truyền thông. Thậm chí phim ảnh khiêu dâm, đồi trụy vẫn có cách len lỏi đến tận trước đôi mắt bé thơ của đứa trẻ!?
Cứ lạc quan mà tin tưởng rằng trên lớp các em được rèn luyện ngồi đúng tư thế, đặt đúng sách vở, cầm bút đúng cách. Nhưng ra khỏi cổng trường, có biết đâu, trẻ em chúng ta lại lập tức vùi đầu vào hoạt hình, vào các trò game bạo lực... Như vậy giáo dục của nhà trường phỏng có ích gì!?
Văn hay chữ tốt không bằng anh dốt lắm tiền?!
Đây không phải khẩu hiệu cổ động của... tác giả bài viết, mà là lối suy nghĩ chủ đạo, nhiều phần mỉa mai, đang cản trở một nền văn hóa đọc lành mạnh.
Cứ lạc quan mà tin tưởng rằng trên lớp các em được rèn luyện ngồi đúng tư thế, đặt đúng sách vở, cầm bút đúng cách. Nhưng ra khỏi cổng trường, có biết đâu, trẻ em chúng ta lại lập tức vùi đầu vào hoạt hình, vào các trò game bạo lực... Như vậy giáo dục của nhà trường phỏng có ích gì!?
|
Xếp hạng đất nước bằng GDP, thu nhập bình quân, quảng cáo siêu xe, rượu mạnh, điện thoại sành điệu, thời trang hàng hiệu; ca ngợi triệu phú, tỷ phú, doanh nhân, người mẫu sáng giá..., tất cả những điều ấy được "phủ sóng toàn quốc", vào "giờ vàng", dù không sai nhưng phiến diện vì chúng chỉ cho một ngôn ngữ duy nhất lên tiếng, đó là... tiền! (Chuyện thở rặt hơi đồng - "Đất Vị Hoàng" - Tú Xương). Ngôn ngữ văn chương, ngôn ngữ sách vở bị phủ bóng đen!
Không rõ do cố tình hay vô ý, do khách quan hay chủ quan mà trong những câu chuyện về các tấm gương thành đạt ở Việt Nam cũng như trên thế giới, tìm đỏ mắt người ta chẳng thấy thông tin họ có hay đọc sách chăng. Nếu có thì là thể loại nào, vào giờ nào, theo phương cách gì... Cứ như thể họ không cần cái gọi là "văn hóa đọc"!
Đồng thời, khi "hiến kế" cho ngành giáo dục, nhiều người một mực đổ lỗi cho sự "học vẹt, lý thuyết suông, nhồi nhét, học nhiều nhưng thất nghiệp, không làm được việc..." - vô hình trung càng làm giới trẻ thờ ơ, chán ghét sách vở.
Để xây dựng một văn hóa đọc tốt, và xa hơn nữa là để chấn hưng nền giáo dục, thì còn cần nhiều lắm sự hỗ trợ của gia đình, của xã hội, của các ngành quản lý văn hóa phẩm. Nếu chỉ hô hào cục bộ, chỉ "áo thụng vái nhau" thôi thì... chưa đủ.
Đào Anh Dũng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét