Thứ Ba, 3 tháng 7, 2012

Âu Cơ Tuý


Chừng hơn bốn ngàn năm trước đây nhân loại đi vào một khúc quanh lịch sử. Khúc quanh đó đựơc các nhà khảo cổ ghi dấu bằng sự xuất hiện của đồ đồng, còn sử gia thì bằng những cuộc xâm lăng của các đoàn người từ phía Tây Bắc tràn xuống. Về phía triết lý chúng ta sẽ ghi bằng sự lấn át quyền cha trên quyền mẹ, nôm na ta gọi lệnh lấn át cồng, hoặc nói theo kiểu chữ nghĩa là Dương lấn át Âm. Sở dĩ chúng ta ghi nhận bằng sự lấn át bố trên mẹ, vì nó nói lên chiều kích thâm sâu hơn hết trong nền triết lý nhân sinh, một nền triết khởi đầu trong việc vợ chồng: “quân tử chi đạo tạo đoan hồ phu phụ”: phu phụ lẽ ra phải hòa hợp nhưn gkhông may đã có sự kiện là phu lấn át phụ. Sự lấn át nà đã trở thành quyết liệt đến nỗi bên Tây Âu có thể gọi là phụ hệ đánh bạt hẳn mẫu hệ. Còn bên Viễn Đông không hẳn nên dùng hai cặp danh từ đó vì sự thực không có lúc nào duy âm hay duy dương, mà chính ngay thời văn minh Viêm tộc chưa bị sức tấn công của Hoa tộc thì các bà mặc dầu chiếm giữ những vị trí quan trọng đến nỗi có thể gọi xã hội là theo nền mẹ: Âu Cơ thị (Âu là mẹ Cơ là nền) nhưng cũng không nắm quyền cai trị mà thường để vào tay những người có tuổi tác kinh nghiệm. Và do đó có được sự hòa hợp Âu cơ và Phụ cơ ngay từ đầu. Nét đặc trưng của nền văn hóa Viễn Đông là sự hòa hợp phụ và mẫu ấy vẫn còn duy trì được xuyên qua bao đợt uy hiếp của quyền cha từ phương Bắc xuất hiện cùng với sự thiết lập vương chế và chư hầu. Như vậy vương chế và chư hầu là dấu hiệu của dương thịnh và đã trở thành màng lưới lần lượt phủ lên mảnh đất của Viêm tộc vốn mang sắc thái âm dương tương thôi. Cái nét đặc trưng bền bỉ là ở đây âm đã không tuyệt trước sức lấn át của dương như các nơi khác ít ra bên Âu Châu, nhưng đã trường tồn để cùng với dương song song tiến triển (évolution symétrique).

Đây là nét đặc trưng trong nền văn hóa của chúng ta, nó không phải chỉ có tính cách trang trí nhưng chính là hồn linh, là nền móng thiết yếu cho sự sống còn của một nền văn minh. Muốn thấy sự cần thiết đó ta hãy xem vào những nền văn minh duy dương thì liền nhận ra. Văn minh Tây phương gọi là duy dương vì nó là duy trí (intellectuel pur). Ta quen nói độc âm bất sinh, duy dương bất thành, thì câu đó áp dụng cho nền văn minh Tây Âu cũng vẫn đúng. Câu ấy mới nghe qua tưởng là bâng qươ vì ai mà chối đước sự rực rỡ huy hoàng của văn minh cơ khí khoa học Tây Âu. Tuy nhiên chính vì chỗ rực rỡ đó mà chúng ta nhận ra là nó thiếu chiều sâu, nó có sáng mà thiếu tối, có ngày mà không có đêm, nói theo tâm phân là có ý thức mà thiếu vô thức; phần này mới được khám phá nhưng chưa khai thác đủ để trở nên nét văn minh như yếu tố tâm linh Viễn Đông. Nói theo tiếng của Otto thì Tây Âu mới có lumen (ánh sáng) mà chưa có numen (sự nhảy cảm thấy cái u linh man mác) và do đó nó là một nền văn hóa thiếu đường hướng lý tưởng nằm ngầm để nối kết tất cả lại, cho nên những người thở hút bầu khí đó dễ bị bệnh thần kinh hay ít ra thì số lớn lâm vào tình trạng tâm lý tán loạn. Đó là hậu quả xa xôi do một cuộc li dị sơ nguyên giữa hai yếu tố âm dương cũng đã xảy ra ở khúc quanh lịch sử đầu tiên được ghi nhận. Vì là sơ nguyên nên nó để ẩn tích sâu đậm lại trên nền văn hóa Tây Âu như một tội tổ truyền, và thường xuất hiện trong triết dưới hình thức nhị nguyên tức bắt chọn một bỏ một: chọn lý bỏ tình… để thành ra các thứ duy. Chính những duy này đã là nguyên uỷ sâu xa nhất cho cuộc khủng hoảng hiện nay đang lay tận gốc rễ hết mọi giá trị cũ.

Nhiều người cho rằng hiện nay nền văn minh nào cũng đang bị khủng hoảng. Cái đó đúng nhưng cần phải phân biệt giữa khủng hoảng về dạng thức, hay điều hành và về gốc rễ. Nếu là từ gốc rễ thì bệnh trạng trầm trọng nhiều hơn, và đó là trường hợp của văn hóa Tây Âu, vì thế các phần tử ý thức hơn hết của họ hiện đang phải nghĩ đến thiết lập một nền móng khác bằng sự từ bỏ duy lý để thêm tình cảm, thêm tiềm thức vào, đang cố bỏ ý hệ để đi sang đợt tình lý tương tham… tóm lại là đang có một cuộc xô đổ toàn bộ những nguyên lý đã chống đỡ tòa nhà của họ. Tại đâu? Phải chăng đó là một quả báo của hồn bà Pandore đang chỗi dậy để báo thù cho sự đẩy lui đàn bà ra khỏi cơ cấu văn minh con người, vì sự đẩy lui ấy chính là sự bỏ ruột để ôm vỏ.

Ngược lại bên Viễn Đông những phần tử sáng suốt hơn hết lại đang cố vận động làm phục hoạt lại những nguyên lý cổ truyền. Lý do của sự đi ngược chiều ấy ở đâu? Phần nhất ta đã định luận rằng cần phải gần thiên nhiên mới đạt chân lý. Thế mà nền minh triết của vạn dân đều công nhận đàn bà gần thiên nhiên hơn đàn ông và vì lý do đó trong nhân loại vẫn dùng đàn bà để biểu thị minh triết. Trong Kitô giáo, đức nữ Maria cùng với minh triết là một. Đức Avalokitesvara ở bên Ấn Độ là một thần ông đến khi sang Viễn Đông đã mặc xác đàn bà để trở thành “Quan Thế Âm Bồ Tát” và được sùng bái hơn vô cùng vì tính chất thân dân, được biểu thị bằng ngàn tai để nghe những lời câu, ngàn tay để giơ ra cứu chữa… Khi Nietzsche nói chân lý là đàn bà = Vérite est femme, thì chính là quảng diễn sự thật trên. Điều đáng nói là cái chân lý có tầm phổ biến đó tuy được mọi nơi truy nhận, nhưng không được mọi nơi nắm giữ và vì thế triết hầu hết chỉ là triết học để mà nói, tức là duy lý mà không sao ngoi qua sông tình để đạt bờ minh triết.

Minh triết là gì nếu không là sự chăm lo cho con người, cho những nhu yếu nền tảng của con người. Triết lý phải là “Quan Thế Âm bồ tát” với “thiên nhĩ thiên thủ, thiên túc” để chăm lo cho con người. Chẳng thế thì không phải là triết lý chân thực. Nói khác bao lâu chưa đạt tới nền minh triết thì con người cứ sống trong trạng huống li tình, triết học cứ mải bàn về những ý niệm đủ loại bên ngoài đời sống, còn chính bản thân gia đình, quốc gia mình thì quên bặt. Nói khác con người bị xoay như chong chóng trong các thứ lốc của vu tưởng, của ý tượng mà không sao nhìn ra hướng tiến vào “nhà”, tiến vào nhân tính cho được. Bởi chưng con người là vật lưỡng thê có hai đời sống: một là sinh lý hạn hẹp trong xác thân, một nữa là tâm linh tỏa ra rộng như vũ trụ. Bao lâu con người còn bị cầm tù trong các thứ cũi duy thì bấy lâu chưa đạt được giai đoạn lưỡng nghi mà chỉ có một chiều đực rựa là duy dương mà duy dương thì bất thành. Sở dĩ nền văn hóa Viễn Đông đã có lần thành công vì đã duy trì được yếu tố âm, yếu tố mẹ mà tôi gọi là Âu Cơ Tuý, nhơ đó tiên tổ chúng ta đã đọc thấy lưỡng nghi tính của con người và đã thể hiện vào mọi phạm vi sinh hoạt mà trước hết phải kể đến cặp uyên ương nguyên thuỷ là Nữ Oa và Phục Hy. Oa là một thứ ốc có hai ngà, tức chỉ thị hai cực của cùng một thực thể, một thực thể vô hình biểu lộ ra bằng hai cực như:

giữa quy với củ
giữa vuông với tròn
giữa bố với cái
giữa lệnh với cồng
giữa làng với nước
giữa hiếu với trung
giữa non với nước v.v…

Hai cực ấy phải liên hệ với một thực thể vượt tầm giác quan nên có khả năng hòa hợp hai cực đối chọi. Tinh hoa triết Đông nằm ở đó. Học giả Needham (II 276-277) đã có con mắt tinh đời để nhận ra rằng trong văn hóa Viễn Đông không có ý niệm tội lỗi mà chỉ có sự cố gắng đạt đến hòa hợp, bình quân thái hòa. Bởi thế cái tết cao cả hơn hết của Viễn Đông xưa là ngày mồng năm tháng năm cũng gọi là trùng ngũ, đoan ngũ, đoan ngọ, nhưng ngày nay con cháu đã mất hết ý thức về ý nghĩa uyên nguyên nên bảo đó là để kỷ niệm sự trầm mình của Khuất Nguyên, hoặc Ngô Tử Tư hoặc những suy luận tai dị như ăn nuớc sáo ngọc thỏ, một vật ở cung trăng nên rất âm để chữa cái quá dương là hai lần năm. Thực ra thì những chuyện đó (Danses 82, 528) cũng có thể có một phần nào nghĩa lý, miền biết móc nối vào ý uyên nguyên của nó là “Thái Hòa”. Thái Hòa là hòa thời với không, trời với đất, mà theo vị trí Viêm tộc thì trời ba đất hai (tham thiên lưỡng địa), ba với hai vị chi ngũ, do đó số 5 trở thành con số lý tưởng của nền văn minh Viêm Việt, và nó phải là chìa khóa mở vào ý nghĩa của nhiều huyền thoại chẳng hạn khi nói Thần Nông hay Nữ Oa chế ra đàn huyền 5 dây thì phải hiểu về đó chứ không thiết yếu là chế ra đàn thực. Lấy một thí dụ khác là số 5 thường đi với chim; chúng ta biết chim vốn đi với vật tổ tiên của họ Hồng Bàng thì ta phải dùng biểu tượng đó để hiểu nhiều trang huyền sử. Thí dụ khi sách Trúc Thư Kỷ Niên viết rằng Hoàng Đế đã bị Viêm tộc đồng hóa, nói bóng là theo số 5. Vì thế nên ngày trùng ngũ được đón tiếp như một cái tết để ăn mừng, để chào đón phút uy linh cao cả của một buổi trưa Sơ nguyên Đoan ngọ mà cũng là cùng cực. Lịch nhà Hạ cũng chính là Việt lịch khởi đầu nằm ở cung dần nên tháng năm nhằm vào cung ngọ. Ngọ là lửa đối với tí là thuỷ làm nên cái trục tiên thiên cao cả, cho nên khi mặt trời đạt đến cung ngọ thì những dân có liên hệ thâm sâu với lửa như Viêm tộc phải ăn mừng phải chào đón phút uy linh trọng đại của Đoan ngọ. Đó cũng chính là cái midi originel mà Nietzsche đã mơ ước trong quyển Zarathoustra và đã không tìm ra tăm dạng. Phải chi Nietzsche đã được ăn một cái tết Đoan ngọ có lẽ ông đã tìm ra đuợc buổi trưa có ánh dương nguyên thuỷ khi chưa lìa âm.

Có lẽ trong buổi tết lý tưởng đó người xưa đã nhân tiện kỷ niệm những nhân sĩ của nền văn hóa Viêm Việt: nên không những Khuất Nguyên, Ngũ Tử Tư mà cả Phục Phi, Trưng Vương, Ngọc Hân công chúa… là những đại diện khác nhau cho muôn thế hệ chiến sĩ đã dốc trọn một đời tinh anh ra để phục vụ nền văn hóa Viêm Việt cũng là nền minh triết phụng sự con người. Nhờ các tiên tổ đó mà văn hóa Viễn Đông đã không phải chứng kiến cái cảnh ly dị đầy bi thảm giữa lệnh và cồng, giữa pháp và lễ… Và lễ trị đã nhiều lần nổi lên được là dấu tỏ minh triết đã lớn mạnh. Vì phải có minh triết mới đủ uyển chuyển theo được lễ. Thiếu triết tức thiếu óc tế vi thì chỉ có thể theo pháp trị, ngang bằng sổ ngay mà thôi. Trong dĩ vãng ta thấy nhà Thương Aân đã theo được lễ, nên đề cao số 5: và các vua nhà Aân lấy hiệu theo thiên căn (P.C 157) 5 cặp: giáp ất, bính đinh, mậu kỷ, canh tân, nhâm quý… Trái lại nhà Tần vì trọng pháp nên chỉ có thể trọng số 6, thí dụ chia dân ra 6 bậc riêng biệt thành 6 giai cấp. Ngược lại vua Thuấn chia quan tước ra 5 phẩm. Khi ta quen với nội dung các số thì mỗi con số đã có thể là một chìa khóa giúp ta ước đoán ra tính chất của một triều đại hay có thể dùng được như chìa khóa để đi tìm về với những nguyên tố của nền văn hóa tổ tiên. Tuy nhiên đó là một việc làm cần rất nhiều óc tế nhị, bởi vì đây là một cuộc giao thoa rất uyển chuyển, trong âm có dương, trong dương có âm… Lại còn trải qua nhiều đời nên rất dễ lầm lẫn có khi ngoài ý muốn người xưa, hoặc cũng có thể đi với hậu ý xuyên tạc thí dụ những lời lên án tục kết hôn không mai mối (gọi là Bôn) được đặt vào miệng Nữ Oa (Cordier 65) thì phải kể là do cây bút đực rựa hoặc thêu thùa xuyên tạc hoặc chẳng hiểu gì ý nghĩa của huyền sử rồi viết bậy. Huyền sử nói rằng bà Nữ Oa lập ra phép hôn phối thì không cần hiểu vào thể chế xã hội, nhưng trước hết phải nghĩ đến việc linh phối giữa âm với dương, giữa quy với củ, là móng gốc cho một nền minh triết thâm sâu tròn trịa.

Bởi vậy thiết yếu phải tra hòi tinh vi môi khi đi vào rừng rậm của huyền sử cổ học. Trong mỗi trường hợp cần phải bám sát vào những mấu chốt to lớn đại để như sau. Trước hết trong nền văn hóa Viêm Việt đàn bà đã đóng một vai trò tối quan trọng. Thứ đến vì đã không có cuộc li dị mà trái lại chỗ nào cũng thấy đi đôi: cồng với lệnh, bố với cái, nước với làng… Thứ ba cho nên đã đào tạo ra được những “Hà Lạc chi anh” tức những người đã vượt qua được gọng kìm nhị nguyên của Vu tưởng hoặc ý hệ để nhìn ra và lo cho những nhu yếu thâm sâu của con người. Đó là mấy nét lớn lao không nên quên lãng trong việc suy tầm lý luận, thì dẫu tiểu tiết có không đi sát nhưng đại cương cũng hầu nắm vững. Những nét chính đó giúp cho nền quốc học nước ta trở thành một đạo làm người đáng cho hết thảy phải học hỏi tu luyện. Đấy là một nền minh triết rất cân đối luôn luôn nấp dưới bóng mẹ hiền và được nảy mầm ở vùng cư ngụ đầu tiên của giống Lạc Việt, nhưng đã biết bao lần bị chèn ép có khi đốn tỏa lâu ngày, cần con cháu phải vun tưới. Có lẽ tác giả bài thơ “khải phong tự nam” trong Kinh Thi đã kêu gọi như thế khi viết:

Từ phương Nam… gió hòa đưa lại…
Đàn con có đến bảy người
Bảy con mà để mẹ thời nhọc thân
Đàn con có đến bảy người
Chẳng làm cho mẹ yên vui tấm lòng
Véo von kia cái chim vàng
Nó kêu những tiếng dịp dàng êm tai
Đàn con có đến bảy người
Chẳng làm cho mẹ yên vui tấm lòng.

“Khải phong tự Nam
Hữu tử thất nhơn
Mẫu thị lao khổ
Hữu tử thất nhơn
Mạc uý mẫu tâm
Chữ hán”
(Bội phong bài số 7)

Phải chăng thất tử là “Trường giang thất tỉnh” hay là “tam thiên tứ địa” đã bao đời phải chiến đấu cho “Nam Phong” tức cho nền minh triết của hiền mẫu phương Nam. Rồi bỗng hôm và đã chưa bao giờ dành lại cho mẹ địa vị xứng đáng nay luồng gió đầy chất ôn dịch từ Tây Bắc thổi vào đốn tỏa làn gió dịu hiền phương Nam. Và lũ con lại ngơ ngác nhìn nhau trước luồng gió nhẹ từ phương Nam thổi vào tiềm thức mấy câu:

“hữu tử thất nhơn
mẫu thị lao khổ”.

Chẳng biết có còn tìm ra được những tâm hồn biết rung động trước tiếng thở dài của Âu Cơ nghi mẫu nữa chăng?

Lm. Kim Định 

0 nhận xét: