Thứ Tư, 22 tháng 8, 2012

Cơ cấu Việt Nho


PHẦN I: Cơ Cấu

I. TẠI SAO CƠ CẤU VIỆT NHO 

1. Tại sao không việt lại nho?

Thưa vì nho với việt là một. Nói nho hay việt, việt hay nho cũng thế. Đấy là một lời quyết đoán khó có thể chấp nhận vì chữ Nho tuân theo một cú pháp ngược với cú pháp Việt, và nó xuất phát tự nước Tàu chứ có phải là của vô thừa nhận đâu để cho ai muốn kéo về với mình cũng được.

Thế nhưng lại có thể trả lời rằng: phải, nho xuất phát tự nước Tàu, nhưng nước Tàu ở thời đại nào mới được chứ. Có phải là tự đời Hán trở đi hay trước nữa. Và không một học giả nào dám chối rằng nó đã phát xuất từ thời trước, thời còn khuyết sử, thời mà Bách Việt còn làm chủ hầu khắp nước Tàu. Điểm này chúng tôi đã bàn khá dài trong hai quyển Việt Lý và Triết Lý Cái Đình nên xin thông qua, để được rảnh mà chú trọng tới việc then chốt là cú pháp của văn nho, nó khác với văn Việt. Cố Cadière cho là Việt Nam nói xuôi (chủ từ động từ túc từ) còn Tàu nói ngược. Vậy tại sao chúng tôi dám quả quyết nho là Việt? Thưa vì có một sự kiện rất lớn lao giải nghĩa điều đó, nó thuộc chính trị và xảy ra ở khắp nơi tức là ngôn ngữ ở nơi nào có kinh đô nhà vua thì bao giờ cũng thắng thế và dần dần trở nên “quốc ngữ”. Sự kiện ấy hiện đang xảy ra ở thời đại này bên Trung cộng là thổ âm chung quanh Bác Kinh đang được trợ lực để lấn át các địa phương khác, như đã xảy đến cho các thổ ngữ miền Nam của Bách Việt tự lúc Hoàng Đế chiến thắng Si Vưu ở Trác Lộc. Điều đó nằm trong luật chung là những tiêu chuẩn văn hóa sinh hoạt, nhân chủng, thời trang tất tất đều lấy nơi kẻ chiến thắng. Vì thế mà khi thiết định Kinh điển thì tiếng phương Bắc đã được chễm chệ ngồi trên ghế chủ tịch. Đó chẳng qua là sự may mắn thuộc chính trị gây nên do võ lực chứ chưa đạt nền móng vì thế mà lưu truyền lại nói: “Trác lộc kinh kim vị nhược hưu: trận ở Trác Lộc chưa có hưu. Nghĩa là tuy chữ nho với cú pháp phương Bắc có thắng nhưng còn tất cả tinh thần văn hóa phương Nam thì sao? Ta nên biết tinh thần không lệ thuộc cú pháp, hay cả ngôn từ. Muốn nhận diện “khuôn mặt” của nó thì phải tìm trong toàn bộ cơ sở tinh thần gồm có dụng, từ, ý, cơ, tức là tự thể chế qua từ ngữ đến tư tưởng và nhất là cơ cấu. Có xét toàn bộ như thế mới nhận ra được nơi xuất phát của tác giả. Nói khác tác giả sơ thủy của một nền chủ đạo không nên tìm trong cú pháp, vì đó chỉ là một sự may rủi thuộc lịch sử, mà phải tìm trong cơ cấu hay là toàn bộ gồm dụng, từ, ý, cơ. Chúng tôi đã bàn nhiều về dụng (thể chế) ở hai quyển Việt Lý và Cái Đình. Ở đây sẽ bàn lướt qua từ và ý rồi nhấn mạnh đến cơ hầu minh chứng sự đồng nhất giữa nho và Việt.

2. Từ

Ai đã để tâm nghiên cứu tiếng Việt cũng sẽ nhận ngay ra rằng giữa từ nho và từ Việt không có biên cương xác định. Theo sự ước lượng của cụ Ngô Tất Tố thì trong 10.000 từ có đến 6000  Hán Việt, 3000 gốc Hán, 1000 là Việt thuần túy: theo nghĩa không mượn của Hán nhưng chung gốc với Mã Lai, Chàm, Indônê. Theo sự ước lượng của cố Cadière thì đại cương cũng thấy nho vượt hơn Việt, tức lối 8000 từ nho trong số 13000 từ. Như thế thì đâu là biên cương giữa từ nho và từ Việt? Nhất là hãy nhớ đến sự kiện hay bị quên này chữ nho không có một lối đọc chung nhưng mỗi miền đọc mỗi khác. Sở dĩ người ta quen đồng hóa nho với Hán là vì thói quen chính trị mà thôi chứ ban đầu Hán chỉ là một lối đọc của một thiểu số trong các lối đọc khác của Miêu, Mán, Thái, Lạc Việt v.v… nhưng về sau vì may mắn chính trị mà thiểu số đó lấn lướt nên mặc nhiên được coi như chủ nhân của Nho.

3. Ý

Cũng vì sự lấn lướt của từ mà Hán tộc đã có thể xuyên tạc ý của Nho khiến người sau không nhận ra được nữa đâu là đạo lý trung thực của nho giáo. Điều đó gây nên nhiều lầm tưởng, thí dụ sự nhận xét rằng văn hóa Việt Nam hơn nho giáo ở chỗ tính chất dân chủ, ưa chuộng tự do, có sự phóng khoáng trong vấn đề nam nữ, quân bình giữa cha và mẹ… Nhưng người nghiên cứu sâu rộng về nho sẽ nhận ngay ra rằng tất cả bấy nhiêu đức tính đều đã nằm sẵn trong Nho giáo rồi, thí dụ tinh thần dân chủ đầy trong Kinh thư, nam nữ tự do có ngập trong Kinh Thi, còn tính chất nhân chính lại là bản cốt của nho. Tuy nhiên phải công nhận rằng bấy nhiêu đức tính nằm chen lộn với các yếu tố trái ngược như óc tai dị, chuyên chế, khắc nghị, đán áp đàn bà, đàn áp dân gian… Tóm lại Nho giáo là một thực thể phức tạp gồm cả cái hay cái dở, cả tranh đấu cho tự do con người lẫn đàn áp con người v.v… không thể nhận cả như các cụ xưa, mà cũng không thể chối hết như phần lớn tân học ngày nay. Vậy chỉ có cách phân ra Việt Nho và Hán Nho là ổn nhất: nó vừa giải nghĩa được biết bao sự kiện lịch sử như vụ đốt sách chôn nho đời Tần, xuyên tạc Nho do vụ thư viện Thạch Cừ đời Hán, cũng như giải nghĩa được biết bao trang huyền sử của Tàu cũng như của ta. Và khi đã phân tích chắt lọc một cách nghiêm chỉnh như thế rồi thì có thể quả quyết rằng tinh hoa của Nho giáo chính là của Việt giáo hay nói khác Nho là Việt, Việt là Nho. Và nếu thế thì vấn đề khẩn thiết lúc này phải là tìm ra phương sách khai quật lên cho kỳ được đạo lý của Việt Nho. Theo chúng tôi thì phương sách đó sẽ là cơ cấu tức là phần sâu thẳm nhất của nho và lúc đó sẽ nhận ra sự thật hiển nhiên này là cơ cấu Việt văn với cơ cấu Nho giáo là một.

4. Cơ

Nói đến cơ hay là cơ cấu là nói đến những nguyên lý nền tảng chi phối toàn bộ một nền văn hóa, nó còn sâu hơn cả ý nên nếu không nắm được thì không thể nhìn ra toàn bộ. Mà thiếu toàn bộ là thiếu sống động, hãy đưa ra một vài thí dụ cụ thể.

-        Trong bài Bình Ngô Đại Cáo có câu “mấy thưở đợi chờ, luống đằng đẵng cỗ xe hư tả”. Hỏi cô xe hư tả là chi.
-        Câu khác: con sông Lục Đẩu sáu khúc nước chảy một chiều anh ơi. Sông Lục Đầu là gì? Tại sao sáu khúc, tại sao nước chảy một chiều, tại sao anh ơi mà không em ơi?
-        Tại sao lu rượu được 5 người khiêng 3 người đõ (truyện Mường)?
-        Tại sao 9 cái đỉnh 3 chân 2 tai lại có sức tự nấu chín đồ ăn mà không cần lửa?
-        Tại sao thuyền làm bằng gỗ cây Cam Xe tự chạy không cần chèo buồm?
-        Tại sao lại có 3 vĩ tích của Lạc Long Quân mà không 4.
-        Tại sao đặt tên là Lang Đa Cần?
-        Tại sao sách ước?
-        Tại sao gậy thần?
-        Tại sao lại một lọat chim, chim phụng, chim loan?
-        Tại sao bà Nữ Oa phát minh ra cái sênh?
-        Tại sao kinh đô cổ Việt lại ở xứ nghệ?

Và một trăm cái tại sao nữa trong 14 truyện đầu quyển Lĩnh Nam Trích Quái. Xưa nay chưa ai đặt ra câu hỏi, nên cũng chưa ai tìm ra ý nghĩa, chưa ai giải nghĩa một cách có nền tảng. Thế rồi tự chống chế rằng đó chỉ là những điển tích biết thì hay không cũng chẳng sao; hoặc cho rằng đấy chỉ là những truyện cổ tích hoang đường không cần chú ý tới. Sự thực thì có chú ý tới cũng chẳng giải nghĩa nổi vì không tìm ra chìa khóa. Bởi chìa khóa giấu ở trong Nho, mà Nho đã bị khinh khi. Vì thế cái phần quan trọng nhất của Việt văn chính là cổ văn thì lại trở nên buồn tẻ và ít người chịu nhận dậy, mà có bắt buộc thì cũng lại là giờ tán nhảm còn làm học trò mất tự tín đối với nền văn học nước nhà là khác.

Cứ thông thường mà nói thì không hiểu mấy điển chẳng có chi quan trọng, hơn thế nữa viết văn không nên dùng điển tích vì chỉ làm cho việc hiểu trở nên rắc rối. Nhưng đó là nói về những điển tích của lịch sử, những truyện tích thuộc cổ điển. Ngược lại không thể nói vậy nếu những điển đó thuộc thời sơ nguyên là thời hàm chứa những nét căn bổn hơn hết, nếu không hiểu được thì là nông cạn. Vì thế không nên đồng hóa những điển tích sơ nguyên với những điển tích về sau, hai đàng khác nhau cả một trời một vực.
Tóm lại, muốn hiểu thấu văn học Việt Nam thì cần phải tìm đến tận cơ cấu. Nếu chỉ chú ý cú pháp thì Nho với Việt khác nhau, nhưng xét đến đợt Từ và ý thì cả hai đã giống nhau đến quá nửa. Cuối cùng đến đợt cơ cấu thì cả hai là một nên không hiểu cơ cấu Nho cũng là không hiểu cơ cấu Việt, mà cơ cấu đã không hiểu thì văn chương chỉ còn là mớ chữ rời rạc vô hồn.

5. Sự cần thiết của cơ cấu nói chung

Xem thế thì lẽ ra cơ cấu phải là một bầu khí dễ thở cho đạo lý Đông phương vì nó gắng công bắt liên lạc với tiềm thức, mà tiềm thức chính là tiền đường của tâm linh, mà tâm linh là xương sống của triết Nho. Nói cho cùng thì Việt Nho chính là cơ cấu hay Việt Nho là một nền triết đi theo lối cơ cấu trước khi cơ cấu được bàn đến cách hệ thống. Thế nhưng không may trên bước tiến nó đã vấp phải hai ụ cản đường trước là Hán Nho sau là duy lý TâÂu.

Hán Nho không đi lối cơ cấu mà lại đi lối tai dị. Nên tất cả những thuyết cột trụ bị hiểu sai như tam tài bị bỏ bê trễ, còn ngũ hành lại hiểu theo lối ma thuật vu nghiễn. Những con số trong cửu trù không được dùng để “công thức hóa” cõi u linh nữa, mà chỉ còn dùng nuôi dưỡng dị đoan kiểu nam thất nữ cửu trong y học. Vì thế Hán Nho đã không nhìn ra giá trị cơ cấu trong đó. Rồi tới khi tiếp cận với văn hóa Tây  Âu  thì giới tân học lại bước hẳn sang phía duy lý đến nỗi đoạn tuyệt với bầu khí tâm linh, nhất là nền tư duy một chiều của Pháp, mà cột trụ là câu “tôi suy tư” của Descartes, một thứ suy tư duy lý hạn hẹp nên cắt đứt mọi tương quan giữa con người với vũ trụ. Vì thế Levi Strauss đã có lý để gọi Cogito của Descartes là kẻ thù bí nhiệm chống phá mọi khoa học nhân văn (130 Simonis), nó bít lối thông sang với vô thức tức là ngãng đường tiến vào đất đứng chung rất thuận lợi cho sự hiểu nhau giữa loài người. Chính cái lối suy tư làm héo hắt tâm can đó đã đẩy thêm sự hư hỏng của tâm trí người Việt trong 80 năm qua. Vì thế nay nói đến cơ cấu của Việt Nho thì cả là một việc rất xa lạ. Nhưng đó là điều cần thiết.

6. Sứ mạng hiện tại của văn hóa Việt Nam

Cũng như bao giờ là phải làm cho nước nhà thêm mạnh. Muốn chu toàn điều đó, văn hóa phải có một lý tưởng dựa trên một chủ đạo vững chắc. Vì theo sự nhận xét tinh mật của các nhà triết sử cũng như văn hóa xã hội thì sự yếu hay mạnh của một xã hội là tùy thuộc vào cái chủ đảo của nó yếu hay mạnh. Như thế chủ đạo mới là nguyên động lực: nó còn quan trọng hơn cả dân số, vì đa số thụ động không bằng một thiểu số thống nhất hăng say. Một trong những yếu tố quan trọng giúp cho toàn thể trở thành thống nhất hăng say là chủ đạo. Chủ đạo càng mạnh thì đoàn thể càng vững, khi nó suy yếu thì đoàn thể sẽ quy yếu theo đà. Chủ đạo của một dân bị suy yếu là khi nó bị những yếu tố ngoại lai uy hiếp rồi phân hóa. Nếu không có chi cản lại thì sự phân hóa đó sẽ đưa xã hội nọ đến chỗ sụp đổ y như đối với cá nhân dễ lâm vào bệnh thống kinh, một chứng bệnh từng phát xuất nhiều ở những nơi có sự kình chống của những nhân tố thuộc ý hệ khác nhau. Và như thế sự chữa chạy phải là giúp cho lý tưởng cố hữu nắm lại được vị trí ưu thắng.

Ai cũng công nhận rằng văn hóa giáo dục nước ta đang bị uy hiếp nặng nề đến độ phải nói thẳng ra là nước nhà không còn chủ đạo nữa, hay là đã mất lý tưởng của mình rồi. Và đấy là mối nguy cơ sâu xa nhất và trầm trọng nhất. Trầm trọng vì không mấy ai nhận thức ra, hay có nhưng là thiểu số, đã vậy thiểu số còn chia ra nhiều khuynh hướng, ngay trong việc trở về nguồn; như viết về nếp cũ, viết về văn minh Việt Nam. Rất nhiều người đi tìm hồn nước trong ca dao rồi cả trong thần thoại truyền kỳ. Nhưng phải nói rằng đó mới là những sửa soạn bên ngoài. Tất cả phải đi thêm một bước nữa, nếu không thì chẳng bao giờ làm nên được cái gì vững chắc. Vậy bước đó phải là cơ cấu của Việt Nho. Có đạt cơ cấu mới tìm ra hệ thống thì văn chương bình dân mới có chỗ đứng vững, tất cả mới quy hướng vào một điểm làm nên được toàn bộ có sinh khí và chỉ lúc ấy nền chủ đạo dân tộc mới hiện lên như một cái gì lẫm liệt uy nghi đủ gây nên lòng sùng mộ, óc hiên ngang, tinh thần say sưa là những đức tính thiết yếu cho một lý tưởng có đủ khả năng đối diện với các tư trào ngoại lai. Lúc ấy nó sẽ thâu hóa cái hay của người mà không để tiêu trầm bản ngã của mình, cũng như sẽ liệu biện được những lời đáp chính xác và có lý giải cho những đức tính của dân tộc, cho những câu hỏi chẳng hạn tại sao ca dao ta lại hay, lại có giá trị. Và rất nhiều vấn đề khác sẽ được giải thích ổn thỏa. Vì giải thích là gì nếu không là đặt nổi mối liên hệ giữa những hiện tượng khác nhau. Với khoa học vật lý thì đó sẽ là liên hệ từ nguyên nhân đến hệ quả, còn ở đây là liên hệ giữa những yếu tố lẻ tẻ rời rạc với nguyên lý nền móng làm thành cái mạch lạc nội tại. Chính sự mạch lạc nội tại sẽ thay thế cho sự minh hiển khách quan của khoa vật lý. Vậy mà cái mạch lạc nội tại đó lại chỉ tìm thấy được bên dưới những câu ca dao, bên dưới văn chương hoa mỹ. Bám sát văn chương bình dân không thể tìm được cái toàn bộ. Mà thiếu cái đó thì không thể lý giải.

7. Cá nhân sáng tạo

Đứng ngay về phía sáng tạo của cá nhân thì có tìm ra cái toàn bộ mới giúp sáng tạo nổi những công trình văn hóa đặc biệt có sức mãnh liệt lay động ý thức tập thể, nhờ đó mới có ảnh hưởng lâu bền. Điều đó sẽ nổi bật khi ta nhìn các công trình của các nhà xã hội hay nhân chủng tiếng tăm lừng lẫy trong thế kỷ trước như một Durkheim, một Fraser, một Taylor… Thế nhưng tất cả nay đã bị vượt qua chỉ vì họ còn theo tâm lý cổ điển, bám sát lý trí mảnh vụn, chưa tìm ra chỗ đứng cho tình cảm mà họ cho là cái gì vô dạng, bất khả ngôn (informes-ineffable) là vì chưa mở rộng tới miền tiềm thức, vô thức, nói tóm là chưa nhìn ra được toàn bộ, nên công trình của họ sẽ sụp đổ theo.

Vì thế đang lúc văn học cũng như văn hóa nước nhà bị uy hiếp nặng nề thì nghiên cứu cơ cấu Việt Nho là một trong những lối tốt nhất để khôi phục lại tinh thần đất nước cũng như cho từng cá nhân. Đứng riêng về cá nhân mà nói thì cơ cấu có thể giúp cho sự đạt nhân cách. Nhìn cách của một người cao hay thấp là tùy thuộc vào đường hướng chung của người đó. Thế mà cơ cấu giúp khá nhiều vào việc nhìn ra đường hướng chung nọ. Thí dụ thuyết Tam tài khi hiểu sâu xa sẽ giúp cho con người có một nhân cách cao hẳn lên. Đấy là những lý do  thôi thúc chúng tôi viết quyển này.

Lm. Kim Định
(Trích trong tác phẩm "Cơ cấu Việt Nho")

0 nhận xét: