Thứ Ba, 27 tháng 11, 2012

Định Hướng Văn Học


Chương 1: Chung Quanh Việc Định Hướng

1.Cần phải định hướng
 
Tất cả chúng ta đều là một thế hệ đã trốc gốc. Hơn thế nữa trốc gốc nói đây không chỉ là trốc gốc đối với nước non, nhưng thật ra còn xa hơn nhiều đó là trốc hết mọi gốc: gốc xã hội, gốc tiên tổ, gốc dòng tộc, gốc thiên địa. Không riêng gì một ai mà tất cả mọi người khai sáng ra nền văn minh hiện đại đều là trốc gốc. “Bởi vì một trong những nét đặc trưng của con người văn minh khi nói cách tổng quát thì chính là sự tan rã giữa lòng nó: bệnh cân não thần kinh chỉ là một trường hợp đặc biệt của người văn minh đang bất hòa với chính mình ngay trong việc nó phải giàn hòa với thiên nhiên với văn hóa ở chính nơi lòng nó”. (Jung, Psychologie de l'Insconcient p.47)

Mấy li trên có thể coi như nhân chứng, như một tiếng thét vang dậy để nhắc nhở con người phải tìm ra hướng đi, hướng học, hướng sống. Bởi vì: “không có một ngọn gió nào giúp ta được, nếu ta không có một bến nào để đến. (Montaigne)” “Nhân tâm như thuyền, Đạo tâm như lái. Ngồi thuyền mà không lái, thì chẳng biết đi ngả nào. Nhưng cầm vững lái thì hay lại là ở mình” (nhược chấp định đà tắc khứ vãng tại ngã, Chu Hy). Tìm ra cho việc học một hướng đi đó là vấn đề tối yếu. 

Thiếu hướng đi đó có học già đời cũng vẫn là học quẩn, cũng vẫn vong thân, cũng vẫn quay cuồng trước các luồng gió lốc và nếu không mắc tâm não bệnh (névrosé) thì ít nhất cũng bị tản mát nhân tâm rồi suốt một đời, hay cả đến bao thế hệ cũng không kiến tạo nên được cái chi có giá trị, có tinh thần bền bỉ. Vì thiếu hướng nên không thể lâu, thiếu lâu làm sao đi xa, không đi xa thì làm chi có sáng soi nồng cháy. Xét đến cá nhân cũng thế: không thiết học, vì cái học có chi đâu mà thiết nên thời gian lãng phí hết vào những chuyện nhảm, tin tức.Vì vậy tìm ra một hướng đi cũng là tìm ra được nguồn mạch vui sống hăng say an tĩnh và bình thản. Có an tĩnh mới có lự, tức là lo liệu chu đáo về những công việc mình làm, mới hòng đắc tức là thành công. Đại học nói: “Tri chỉ nhi hậu hữu định. Định nhi hậu năng tĩnh, tĩnh nhi hậu năng an. An nhi hậu năng lự. Lự nhi hậu năng đắc” 知止而后有定。定而后能静。静而后能安。安而后能慮 。慮而后能得。(Đại học 1, chữ Hán)

Nói thật ra có lẽ không ai chối sự thiết yếu cần phải định hướng cũng như cần phải có hòa hợp thống nhất. Tuy nhiên muốn là một chuyện mà làm được, biết làm cách nào là chuyện khác.

Trong giảng khóa này chúng ta sẽ cố đóng góp vào việc đó bằng đưa ra một ít phân biệt, vì có phân biệt mới dọi được ti sáng vào cái cảnh “hỗn mang chi sơ, vị phân thiên địa” đang bao trùm nền học vấn cũng như văn hóa hiện nay.

Cần phải có nhiều nhận xét phân biệt rành rẽ về những vấn đề đang đặt ra cho thời đại, mới trông đẩy sát tới bờ hoạt động cách hữu hiệu. Nếu chỉ dừng lại ở những câu chung khái quát, thì không sao đạt được giải pháp hữu hiệu. Người ta đã nói cả từ trăm năm rồi về sự cần phải tổng hợp Đông Tây, điều đó càng ngày thấy càng bách thiết mà sao vẫn chưa làm được, ấy vì còn chưa đi vào tận nền móng.

Có một điều lạ là ai cũng mong mỏi tổng hợp, nhưng hễ nói đến thì như có một sự e ngại, đề phòng hoặc đả kích. Đâu là lý do của thái độ kỳ lạ đó? Khi xem kỹ lại thì do sự thiếu nhận thức sâu xa về ý niệm thống nhất, thứ đến là tiêu chuẩn học hành rất lờ mờ. Vì thế chúng ta sẽ phân tích kỹ hai ý niệm then chốt về thống nhất mà ta cần phải phân biệt với đồng nhất 

2.Thống nhất với đồng nhất

Đồng nhất là thái độ do nguyên lý nhị nguyên: lấy một bỏ một, chấp nhận tất cả hoặc không chấp nhận gì, ou tout ou rien, không có giải pháp thứ ba- “tertium non datur” ta quen gọi là “diệt tam”== “tiers exclu” vì người theo óc nhị nguyên thường có thái độ độc chuyên, độc hữu (exclusif) bắt mọi người nghe theo y như nhau kiểu “Thượng đồng” của Mặc Địch, của Phát xít. Phát xít Đức nói “mục đích nền giáo dục quốc xã là làm cho 80 triệu người Đức trở thành 80 triệu tác động phản đáp theo lối nhìn đời và xử sự của Adolf Hitler”. Đó là một lối đồng nhất hóa con người.

Con người sống với nhau cần phải có đồng nhất nếu không thì đời sống công cộng tan vỡ liền. Đường phải tránh một chiều tay trái hay tay phải: ai cũng phải tuân theo. Đến 9 giờ tối ai cũng phải vặn radio nhỏ lại, nếu không sẽ làm mất giấc ngủ người bên và tỏ ra thiếu giáo dục. Việc công dân ai cũng phải chu toàn v.v... những ích lợi này thiết thực quá không ai chối cải được nổi và đó chỉ là kỷ luật.

Nhưng khi biến nó thành độc hữu để choán chỗ tinh thần: như suy tư, tín ngưỡng tự do thì đó là vượt biên giới cần thiết của kỷ luật để biến nó ra đồng nhất rất tai hại cho con người. Con người là giống lưỡng thê: một chiều sống trong xã hội còn chiều sâu tinh thần, tình cảm cần được tự do. Vì thế mà người ta không thể chịu nổi đường lối đồng nhất (massification), và ngày nay mỗi khi nói đến thống nhất thì phản động tự nhiên là e ngại đề phóng. Chính vì thiếu nhận thức về thống nhất hoặc vì thống nhất phần nhiều chỉ có tiếng còn trong thực chất là đồng nhất, nên hễ nói đến thống nhất thì tất nhiên là chống đối là phản động. Nhưng trong triết lý hễ đã phản động thì đến 99% là đi sang cực đoan ngược hẳn lại tức đa phương (pluralisme) với tâm trạng mèo bỏng sợ tro lạnh và do đó dễ đề cao một sự tự do tuyệt đối bất chấp đời sống thực tại trên bình diện xã hội. Muốn đưa tự do của tinh thần áp dụng cả vào đời sống cụ thể. Thế là rơi sang cực đoan khác tuy chống đối lại cực đoan đồng nhất, nhưng cả hai vì là chống đối nhau, nên cùng ở trên một bình diện nhị nguyên là chọn một bỏ một.

Lấy thí dụ về hòa nhạc mà nói thì đồng nhất bắt mọi người phải cử một bài theo nhịp của một nhạc trưởng. Từ sự hợp lý đó sẽ đi đến chỗ bắt mọi người phải dùng một nhạc khí như nhau, thế là quá đáng, liền khởi lên một phản ứng trái hẳn lại đòi cho mỗi người được tự do sử dụng thứ nhạc khí ám hợp cho tài năng, sở thích của mình. Đây là một sự hết sức hợp lý, nhưng từ chỗ hợp lý đó lần sang đến yêu sách đòi mỗi người cử một bài riêng, theo một tiết điệu tự do. Và thế là trở thành mớ âm thanh hỗn loạn. Đấy là một hình ảnh cho dễ hiểu, trong thực tế chẳng ai đòi như vậy. Tuy nhiên trong triết lý lại xảy ra như thế. Nói chung thì khối cộng sản đi theo lối đồng nhất, khối tự do theo lối đa phương. Còn hòa âm của thống nhất chưa tìm ra được, hay có rất nhiều nhưng toàn là thống nhất có cái tên, còn trong thực chất thì là đồng nhất, thí dụ “thống nhất” của Hegel hay của Karl Marx.

Một nền thống nhất chân thực phải hội được những điểm sau đây: 

+ Thừa nhận cho mọi khuynh hướng được tồn hữu, bao lâu hướng đó không có tính cách độc hữu. Vì nếu khuynh hướng độc hữu thắng thế, thì sẽ thi hành đồng nhất đối với mọi khuynh hướng khác.

+ Quy định cho mỗi khuynh hướng một ngôi vị (sách Xuân Thu gọi là định phận) nghĩa là một sự quan trọng tương đối, nghĩa là đối với toàn thể cuộc sống.

+ Tất cả phải tuân theo một nhịp điệu tức là những ước lệ cần thiết vừa đủ cho đời sống công cộng có thể tồn tại. Chỗ này thì Cộng sản đi quá. Thế giới tự do thường bất cập

Điều đó được minh chứng rõ rệt hơn nữa trong khoa học cơ khí. Bất cứ ai đã xem qua lịch sử khoa học cũng nhận thấy rằng: mỗi một bước tiến bộ, mỗi một phát minh sáng chế đều là hậu quả của rất nhiều tri thức tinh thuần không mang lại lợi ích gì hết. Người tìm ra là tìm ra rồi phát minh đó bị xếp vào tủ, nằm trơ trọi có khi cả hàng trăm năm không dùng vào được việc gì. Nhưng nếu thiếu những cái tri thức thuần tri thức thì khoa học đã không tiến được bước nào, nều đòi sự biết nào cũng phải đưa tới một phát minh ơn ích thì khoa học đã chết từ lâu rồi. Đó là những lý do rất xác đáng nên nó đã làm hạ giá chữ học hành xuống đến độ bị coi như là cái gì cản trở đường tiến hóa của những dân còn bám lấy cái hành trong cái học. Đây là một quan niệm tuy không minh nhiên hóa, hay chính vì không bộc lộ rõ ra nên đã gây một ảnh hưởng rõ rệt vào đường học vấn của chúng ta. Bởi thế cần phải được mổ xẻ kỹ lưỡng. Trước hết chúng ta chấp nhận rằng cần có cái biết thuần tri thức, nhưng ta nên phân biệt ba loại hành: là cưỡng hành, lợi hành và an hành.

Cưỡng hành là làm vì bị cưỡng ép thuộc pháp hình: không làm thì bị hình phạt.

Lợi hành làm vì lợi thuộc đợt thành công, ăn làm.

An hành là làm vì nghĩa vì thấy đáng làm thì làm.

Và khi ta nói học hành là ta nhằm vào cái hành ở đợt ba này, ít ra khi nói về triết lý nhân sinh, và lúc đó không những cái hành đó cũng cao như sự bỡ ngỡ vô vị lợi (étonnement désintéressé) của triết lý Platon, mà còn có phần cao hơn là khác. Bởi vì sự bỡ ngỡ thăm hỏi của Platon xét về phương diện vô vị lợi thì đã vượt qua khỏi đợt lợi hành rồi, nhưng chưa đi tới độ tiền diện kinh nghiệm tức hiện tiền trực thị với vật, một thứ kinh nghiệm tinh dòng đến nỗi không còn lạ lẫm tra hỏi nữa, nhưng đã tới đợt an nhiên không ngỡ ngàng vì đã liễu hiểu, đã đi guốc vào lòng sự vật, mà Nho giáo kêu là “cách vật” rồi. Thế nghĩa là đã vượt qua đợt ngỡ ngàng tra hỏi. Người ta chỉ tra hỏi khi chưa đủ quen thuộc, chưa thấu suốt, và do đó còn kém hơn “an hành”. Bởi an hành bao hàm sự thấu triệt không còn chi đủ làm bỡ ngỡ nên chỉ còn hành một cách an nhiên không bận tâm tra hỏi nữa.

Thứ đến cần phân biệt hai bình diện một là hiện tượng của khoa học thực nghiệm hai là bình diện triết lý. Đó là hai bình diện khác hẳn nhau: ở bình diện hiện tượng thì bất cứ tri thức nào cũng có giá trị tự nội, vì nó là cái biết cụ thể kiểm soát được và dầu chưa thấy có lợi ích gì, nhưng ít nhất nó cũng là một tri thức. Ngược lại trong triết lý nếu không có hành đi theo thì không lấy chi làm cứ điểm đặng phân giải hơn thua. Cho nên người ta chỉ coi là tri thức thật, tri thức có nền tảng, có giá trị những tư tưởng giàu khả năng nâng cao tâm hồn, cởi mở lý trí, khơi dậy mọi năng lực trong con người và vì thế ta gọi là chân lý nóng. Ngược với chân lý nguội, thường xoay quanh sự vật và thường chỉ là sự thích thú của nhà chuyên môn, hoặc làm thỏa mãn óc tò mò nhưng không đủ gây sôi động trong tâm hồn. Những chân lý nguội vì thế khi ra ngoài phạm vi chuyên môn của nó thì mất giá trị vì không có tiêu chuẩn kiểm chứng, nên thường chỉ là những ý nghĩ bâng quơ thiếu nền móng như những vấn đề giả tạo.

Theo ý nghĩ trên tiền nhân ta quen nói học hành, nghĩa là chỉ có cái học thiết cận vào thân tâm, cái học giúp cho con người biết tu thân, biết sống, biết tổ chức đời sống xã hội, biết lối cai trị tốt hơn hết; sao cho con người ngày thêm trung thực với bản tính của mình thì đó mới là triết lý có giá trị và mới đáng học.

Tóm lại cái học chỉ có giá trị khi là chân thực. Muốn đo lường mức độ chân thực thì trong phạm vi hiện tượng có thể kiểm soát bằng những hiệu quả hay là sự minh hiển khách quan, hoặc máy móc tinh tế, còn trong triết lý thì phải có hành đi theo để bảo đảm cho tính cách trung thực của nó.

Hơn thế nữa phải là “An hành” mới là triết lý, còn như cưỡng hành đã có công an cảnh sát, lợi hành đã có tiền tài danh vọng, nghĩa là hai thứ hành này đã quá nhiều rồi, và nhân loại đang muốn đi xa hơn hai đợt đó trong vận hội mới?

Quả thế, giai đoạn cưỡng hành kể như thuộc thời mông muội: làm vì sợ trời đánh, thánh vật kể như đã qua và đang chuyển sang giai đoạn lợi hành đi kèm theo thời quyền pháp lợi lộc. Làm theo lệnh của quyền bính của pháp luật thì có lợi, được hưởng quyền này nọ ân trạch kia khác như Mặc Địch hứa hẹn đe loi, và cái gì không có lợi nhãn tiền thì không cho làm như nhạc, thơ, lễ, văn học.

Đó cũng là tâm trạng mà con người đại chúng quen sống cho tới hiện nay. Họ căn cứ trên những nền luân lý cấm đoán với cho phép: (permis et défendu) ai phạm thì phải hình phạt này vạ nọ, ai theo thì đuợc ơn ích kia khác. Tuy nhiên nhân loại đang trở mình để cho mỗi ngày thêm đông đảo người hơn biết tiến đến giai đoạn an hành. Jung viết trong quyển L'homme à la découverte de son âme (p.37): “La grande révolution du siècle== tout au de là prend place ici-bas”, cuộc đảo lộn lớn lao của thế kỷ này là các giá trị đặt ở “xa xôi” được đưa vào gầm trời này, và ta có thể nói thêm sẽ đặt vào lòng con người và gọi là “an hành”.

An hành là cách hành động độc lập vô vị lợi, khác với cưỡng hành ngoại khởi. Với cưỡng hành chủ thể bị sai sử do một chủ thể bên ngoài cho tới độ làm lấn át hết quyền định đoạt của người làm. Còn ở lợi hành thì tác giả hướng ra ngoại vật chứ không hướng nội, nên không phải là tác động nằm vùng. Cả hai trường hợp đều bao hàm sự mất quyền (cưỡng-hành) hoặc sự nghèo nàn bất túc, nghĩa là không đủ tự lực tự cường và vì thế dễ sinh ra sự nghiêng ngả hoặc về phía năng hoặc về phía sở. Nếu nghiêng sang bên Năng cũng gọi là chủ thể thì đẻ ra những thuyết có tính cách duy chủ thể == subjectivisme như thí dụ duy tâm. Nếu nghiêng sang phía sở cũng gọi là “đối tượng” thì đốc ra duy đối tượng== objectivisme thí dụ duy vật. Đó là những bệnh trạng của nhị nguyên, bao giờ cũng chọn một bỏ một, không đi tới tổng hợp, mà chỉ biết có giản lược, tức cũng là đồng nhất vật.

Muốn tổng hợp cần vươn tới bậc an hành, cũng gọi là “cung hành” như câu nói “cung hành quân tử” 躬行君子L.N.VII 32 tức là người tự trọng mình, tự mình, tự tìm ra nơi mình đủ túc lý để làm việc, không cần quy chiếu đến cái chi khác.

Khổng Tử nói: “về văn chương học thuật thì hoặc giả ta cũng bằng người, nhưng đạt tới độ “cung hành quân tử” thì ta chưa có được”. Bởi vì cung hành là đợt rất cao, rất trong trinh không gì sai khiến được chủ thể, cũng như chủ thể không hướng ra ngoài. “Quân tử tố kỳ vị nhi hành, bất nguyện hồ kỳ ngoại” T.D.14. Người quân tử chiếu theo địa vị mình mà làm chứ không cầu ở ngoài. Ở ngoài là thiên hay địa, nhưng ở lại với mình, đi vào thâm cung sẽ gặp địa vị con người gọi là “tố kỳ vị” hiểu theo nghĩa siêu hình là nơi gặp gỡ đất trời, cho nên cung hành cũng gọi được là “hành động lưu ngũ” khi hiểu chữ ngũ theo ngũ hành nghĩa là nơi đất trời giao hội: trời ba đất hai, “tham thiên lưỡng địa”. Hai cộng với ba là năm, nên mới nói lưu ngũ là lưu lại nơi “thiên địa chi giao” tức là nhân vậy. Nói kiểu khác đó là hoạt động của văn hóa uyên nguyên khi hiểu chữ văn là thập tự nhai đặt dưới bộ đầu.

Khi nói đến Văn Vương thì không nên nghĩ đến cá nhân Văn Vương nhà Chu cho bằng là một mẫu người lý tưởng đã đạt tới chỗ đất trời giao hội, đạt tới đợt an hành. Trung Dung viết: “Văn Vương chi sở dĩ vi văn dã, thuận diệc bất dĩ” T.D.26, 文王之所以文也。纯亦不已. Điều làm cho Văn Vương đạt nổi chữ văn là thuần khiết và do đó không ngơi nghỉ.

Nói “thuần hay tinh dòng” là hiểu đã đạt độ “cung hành” không còn bị ngoại vật sai sử như vì lợi, vì sợ hãi nhưng là an hành như một “Nhơn Hoàng” an nhiên tự tại ung dung. Chính vì thế không chú trọng đến đối tượng sang hèn to nhỏ, và văn hóa Viễn Đông không chia ra việc hèn hạ và việc cao trọng như trong xã hội cổ La Hy: việc hèn để cho nô lệ, việc sang trọng để cho người thong dong. Viễn Đông không chủ trương thế bao giờ.

Do đó cũng không đặt vấn đề có hay không có vạn vật, vũ trụ có thật hay chỉ là mộng suông, có cái này hay không có sự kia là những vấn đề đã gây chia rẽ trầm trọng cho đến tận ngày nay và triết học Âu Châu đều cố găn thoát ra. Triết lý Nho giáo đã tránh được điểm này: không trùng trình ở chỗ tranh luận có hay không có, nhưng đã đi thẳng vào hành động, và vì thế là một nền triết rất giàu chất tổng hợp. Nhất thứ khi hành động đó lại là an hành thuần khiết cho nên “bất dĩ” không ngơi nghỉ, không ngơi nghỉ vì không lệ thuộc vào ngoại vật. Vì khi lệ thuộc ngoại vật thì sẽ rất chóng sẹp. Thế kỷ 19 nhân loại tràn ngập hy vọng lạc quan trong bầu không khí tưng bừng tiếp đón những xe hơi, tàu điện, tàu bay. Cho rằng những phát minh này sẽ đem lại hạnh phúc toàn vẹn cho loài người.

Nhưng từ sau hai thế chiến, người ta lâm vào cảnh bơ vơ lạc lõng, coi đời như cái chi phi lý, vô nghĩa. Và văn chương tràn ngập những thao thức buồn chán, băn khoăn. Tại sao lạc quan chóng biến ra bi quan. Thưa chỉ vì lối lạc quan kia dựa trên những ngoại vật, cũng y như những loại ý hệ vì còn dựa trên đối tượng, nên phạm vi ảnh hưởng rất eo hẹp (chạm tới 1% ý thức) và cũng không sống lâu hơn được nửa thế kỷ. Đó chẳng qua vì chưa đạt tới an hành.

Nếu thật là an hành thì sẽ không ngơi nghỉ nên lâu, lâu nên sáng, sáng nên đi xa. Đi xa nên rộng dầy. Rộng dầy nên cao sáng. Cao sáng thấu trời. Rộng đầy khắp đất. T.D.26

Đó là cực tả cái hiệu nghiệm của tác động lưu ngũ của an hành tức là tác động có sức tổng hợp vô biên. Rộng như đất cao như trời cũng bao quát hết. Đấy phải là tiêu chuẩn lý tưởng của chúng ta. Chúng ta khỏi cần thay đổi tiêu chuẩn học hành mà chỉ cần đào sâu, và sẽ thấy trong hai chữ đó một giải pháp kiên cố. Giải pháp này còn được bàn dài rộng nơi khác. Cho nên chữ hành không phải chỉ có nghĩa là làm, bảo làm là làm như trong luân lý thông thường, hoặc khoa công dân, hay phép xã giao. Nhưng nó bao hàm một nền móng siêu hình, một đạo thuật hành vi là nền tảng của triết lý Nho giáo, cũng là triết lý của Tác, của Tài, của “Ngũ hành” khi hiểu ngũ là cái gì siêu hình vượt ra ngoài những ích dụng nhỏ bé để lan tỏa khắp trời cùng đất.

Biết được giá trị của tiêu chuẩn ẩn trong hai chữ học hành như thế rồi, bây giờ chúng ta dùng nó làm thước để đi đo mấy nền văn hóa có liên hệ đến ta, để lựa chọn những yếu tố có khả năng làm giàu cho cái di sản tinh thần cố hữu đó đặng trùng tu nền thống nhất văn học.

Lm. Kim Định
(Trích trong tác phẩm "Định hướng văn học")
Nguồn: http://www.dunglac.org/index.php?m=module2&v=chapter&id=71&ib=202&ict=2793

0 nhận xét: