Chủ Nhật, 25 tháng 6, 2017

Hành Trình Tâm Linh - Chương 4: Sự tiến bộ trong đời sống tâm linh


CHƯƠNG 4: SỰ TIẾN BỘ TRONG ĐỜI SỐNG TÂM LINH

Một trạng thái mới của tinh thần

- Trong các giai đoạn mà bây giờ chúng ta đề cập tới, chúng ta thật sự ở ngay giữa đời sống tâm linh, chúng ta tiến vào trong các nơi cư trú mật thiết của lâu đài, ở đó chúng ta thật sự biết được - dẫu rằng một cách tuần tự - chủ nhân của ngôi nhà. Ngài đã dẫn chúng ta vào trong mối thâm tình của Ngài. Để diễn tả đôi điều về mối thâm tình này, Kinh thánh đã nhờ tới ngôn ngữ của tình yêu như ta thấy trong sách Diễm ca.

- Trong phần mà bây giờ chúng ta đề cập đến, chúng ta phải cảnh giác với hiện tượng huyền bí giả tạo. Việc này thường xảy ra. Nó hệ tại ở việc ưu đãi quá đáng cho vùng cảm tính mà không nhận ra rằng mối quan hệ thiêng liêng với Chúa thì thuộc về trật tự của cái “tôi sâu xa”.

- Vả lại, vì Chúa biết rõ điều này, Ngài khiến những sự thanh luyện cần thiết xảy đến đúng lúc. Mọi việc ấy được trải qua bởi một tình yêu càng lúc càng sâu xa hơn.

- Trong giai đoạn này của đời sống tâm linh, chúng ta càng lúc càng chắc chắn hơn về tình yêu và hoạt động của Chúa, vì chúng ta trải nghiệm điều này.

- Chắc chắn, có những tăm tối mới xảy đến, nhưng chúng hoàn toàn khác với những tăm tối của tội lỗi, của nghi ngờ và của sự thiếu vắng lòng tin. Các khó khăn không ngăn cản niềm vui, và dần dần niềm vui sẽ thống trị.

- Chuyển động gần giống như sau: Thiên Chúa nắm quyền điều khiển các hoạt động. Để làm việc này, với sự đồng ý của chúng ta, Ngài đến ở tận nơi sâu thẳm linh hồn ta, nơi cái “tôi sâu xa” của ta. Dần dần, Chúa Thánh Thần càng trở nên chủ nhà hơn. Từ trung tâm này, Thiên Chúa sẽ lần lần “xâm chiếm” các vùng khác của con người. Ngài tiến hành từ trung tâm ra ngoại biên. Ngài “thần hóa” và, nói chính xác hơn, Ngài “Kitô hóa” toàn thể con người càng lúc càng nhiều hơn.

4. Những nơi Cư trú Thứ Bốn: cất cánh

4.1. Tuôn đổ Thần Khí

- Rồi một ngày kia, có một điều gì đó xảy ra trong đời sống tâm linh. Mối quan hệ với Chúa hoàn toàn thay đổi đến độ như một thế giới khác mở ra. Hơi giống như thể Trời chạm tới đất vậy.

- Thiên Chúa bày tỏ sự hiện diện của Ngài một cách mới mẻ và hiển nhiên. Ngài ở đây, trước mặt tôi, trong tôi, nơi tôi. Tôi không thấy Ngài bằng cặp mắt thể xác, nhưng sự hiện diện của Ngài rõ ràng đến độ tôi không thể nghi ngờ. Sự hiện diện này có một sức mạnh không thể tin được. Ta được thỏa mãn khôn tả, bùng nổ niềm vui, và như được nâng lên khỏi chính mình. Ta có cảm giác như đã đến bờ, đã tìm được sự sống thật.

- Việc đó không do suy luận hoặc do trí khôn mà ra. Nó vượt rất xa điều ấy. Các quan năng hoạt động thuộc về một trật tự khác, chúng nằm ở tâm điểm của linh hồn, chính giữa lòng cái “tôi sâu xa”. Cặp mắt linh hồn thức dậy. Tôi có khả năng nhìn thấy một vũ trụ mới, và tôi biết nó một cách chắc chắn.

- Thường thì xảy ra một cuộc gặp gỡ: tôi “gặp” Chúa Giêsu. Tôi biết Ngài là ai, Ngài thật sự trở nên “một ai đó” đối với tôi. Ngài không hiện ra với tôi, nhưng tôi không cần Ngài phải hiện ra: hiệu quả đối với tôi dường như giống nhau thôi.

- Tôi vượt qua giai đoạn đức tin dựa trên suy luận để tiến đến đức tin “nhìn thấy” (một cách tương đối), trải nghiệm, hưởng nếm. Từ ngữ “nhập thể” mang một ý nghĩa trọn vẹn đối với tôi. Thánh Thể mặc lấy một chiều kích hoàn toàn mới trong đời tôi và trở nên hết sức thu hút.

- Đôi khi, Chúa Giêsu hiện diện không rời ta cả ngày lẫn đêm. Thể xác ta ngủ, nhưng cặp mắt linh hồn luôn tỉnh thức. Khi ta thức dậy, và Chúa Giêsu ở đó rồi!

- Kinh nghiệm gặp gỡ với Chúa Giêsu thường xảy ra trong giờ khắc hiện tại. Đôi khi – ít xảy ra hơn – là một cuộc gặp gỡ với Chúa Cha, Ngài mở lối cho ta tiến vào cuộc sống thiêng liêng đích thực. Đôi khi là Chúa Thánh Thần tỏ mình ra. Đôi khi chính Thiên Chúa tỏ bày sự hiện diện của Ngài mặc dù các Ngôi không tỏ mình một cách đặc thù như thế.

- Cuộc đời tôi hoàn toàn bị đảo lộn. Nó sẽ không bao giờ giống như trước nữa. Tôi được hoàn toàn đổi mới tự trong sâu thẳm. Tôi vui hưởng một sự bình an chạm đến tận đáy con người tôi: tương tự như một cái hồ bình an được thiết lập trong nơi thâm sâu của linh hồn tôi mà không điều gì có thể khuấy động nó được.

- Sự sợ hãi có thể gắn liền với hỏa ngục hoặc với những nguy hiểm khi tiếp xúc với Chúa biến mất. Ta không còn sợ chết nữa, ta thật sự không còn sợ điều có thể xảy ra trong cuộc đời này nữa. Chắc chắn là hệ thần kinh và óc tưởng tượng vẫn chưa hoàn toàn bị thuyết phục. Nhưng trong nơi sâu thẳm ta biết rằng Chúa là chủ và mọi sự xoay quanh thiện ích của những người yêu mến Thiên Chúa.

- Một hiệu quả nữa của việc gặp gỡ Chúa là lòng quảng đại mới mẻ. Việc trao hiến bản thân được đổi mới. Tôi sẵn sàng trao ban tất cả. Không có gì tỏ ra khó khăn đối với tôi, vì Chúa Giêsu ở cùng tôi và Ngài không ngừng trợ giúp tôi.

- Hiệu quả tức thời thứ ba của việc gặp Chúa là niềm vui. Đây không còn là niềm vui mang tính nhân loại, niềm vui mà đôi khi là kết quả của một sự cố gắng, nhưng chính là niềm vui của Chúa Giêsu tràn ngập tâm hồn và trọn vẹn con người. Ta có cảm tưởng như khám phá ra những chân trời mới của tình yêu, bỏ lại đàng sau mọi điều mà ta đã biết cho đến lúc này.

- Những người khác nhận thấy có một điều gì đó. Thế mà không ai có thể thật sự hiểu được điều ấy nếu họ không trải qua kinh nghiệm này. Bởi vậy những người chung quanh bị phiền nhiễu. Nếu ta có ý định giải thích, các phản ứng thường là nghi ngờ, đôi lúc là phủ nhận hoặc ghen tị. Đôi khi người ta tin rằng tôi bị bất bình thường, nhất là ban đầu, khi sự đảo lộn mạnh đến nỗi tôi có thể thay đổi từ ngữ và thái độ. Nếu tôi không được giúp đỡ, tôi có thể tự nghĩ là mình kỳ cục. Thế nhưng tôi không thể phủ nhận việc Chúa Giêsu đang ở đó, trong cuộc đời tôi, Ngài đang hiện diện và đang hoạt động. Nếu dự thi về đức hạnh, chắc chắn tôi không phải là người khá nhất. Tuy nhiên, điều đó đã xảy đến cho tôi.

- Kinh nghiệm này có thể xảy ra cho người đã bước theo Chúa trong một thời gian dài. Thánh Teresa Avila nói: “Chúng ta đừng nói về giờ khắc mà Chúa vui lòng ban cho điều ấy: đó chính là ý muốn của Ngài, thế thôi.”

- Tuy nhiên chúng ta hãy nói rằng nếu ta nhận được sự “tuôn đổ Thần Khí” mà không có cuộc sống Kitô hữu xứng hợp trước đó, thì cuộc sống này sẽ được sắp xếp đâu vào đó trong thời gian tiếp theo. Sẽ xảy ra như một sự phục hồi ở phần nền móng. Không một ai được miễn chuẩn về đức hạnh và nỗ lực, dẫu cho ngay lúc bắt đầu hành trình, người ấy tạo được một kinh nghiệm mạnh mẽ. Người ấy phải làm việc một cách nghiêm túc không nản chí, và đôi khi phải mất nhiều thời gian để củng cố điều mà mình đã nhận được ngày hôm đó. Đối với những người khác, là những người đã khổ công để đặt các nền móng cho đời sống Kitô hữu, việc gặp gỡ Chúa này không phải là kết quả bắt buộc của tiến trình, nhưng nó soi sáng một cách tuyệt vời các thời gian chuẩn bị trước đó.

4.2. Chuyển sang tình trạng thụ động

- Một trong những biểu hiện ngoạn mục nhất của sự gần gũi mới mẻ của Chúa là việc chuyển từ tình trạng hoạt động sang thụ động: Thiên Chúa nắm quyền điều khiển các hoạt động và tôi, tôi theo Ngài.

- Ta tiến vào một thế giới mới, là thế giới của Thiên Chúa, ở đó Ngài là chủ. Ngài sẽ càng lúc càng đòi hỏi ta đồng thuận với Ngài, từ bỏ bản thân, để Ngài hoạt động trong ta.

- Đối với những người chung quanh, nếu ta không cẩn mật với các trạng thái nội tâm này, ta có thể làm cho họ lo lắng.

- Ta chuyển từ sơ đồ quen thuộc: “Xem, xét, làm”, sang sơ đồ: “Cầu nguyện, phân định, vâng phục”. Tình trạng thụ động không phải là thoái thác, cũng chẳng phải là ảo tưởng. Trái lại, đó là đón nhận một sức mạnh và một ánh sáng làm cho hoạt động này có mãnh lực nhất. Đây chính là lúc Thiên Chúa dùng con người để thực hiện những điều trọng đại, vì lúc ấy công trình của Ngài có thể diễn ra theo ý Ngài muốn.

- Ta chuyển từ công trình làm cho Chúa sang công trình của Chúa. Lắng nghe tiếng Chúa, hướng đôi tai tâm hồn về Chúa trở nên thái độ hàng đầu trong hoạt động.

- Điều ấy mang lại rất nhiều ơn ích, nhưng không phải là việc dễ làm. Trong thế giới của chúng ta, chúng ta không được giáo dục để làm như vậy, và dù sao thì con người vốn có xu hướng không phù hợp với chiều hướng ấy. Đó là lý do khiến Chúa sắp dạy dỗ chúng ta qua những phương thế mà chúng ta sẽ thấy ở phần sau.

4.3. Sự đảo lộn trong đời sống cầu nguyện

- Đời sống cầu nguyện cũng không tránh khỏi sự xáo trộn chung, vì đây chính là nơi tiếp xúc ưu tiên với Thiên Chúa. Việc cầu nguyện trở nên dễ dàng hơn, như được Chúa ban cho; ta rút ra được niềm hạnh phúc lớn lao từ đời sống cầu nguyện, vì ta không cần cố gắng mà vẫn “cảm nghiệm” được Chúa ở gần bên và tỏ mình ra cho ta.

- Trong việc cầu nguyện, chiều kích thụ động trở nên cốt yếu. Trước đó, việc cầu nguyện được tổ chức, được cơ cấu. Ta biết mình muốn làm gì; đến cuối giờ cầu nguyện, ta có thể kiểm soát điều mà ta đã suy nghĩ. Bây giờ, không còn như thế nữa. Việc cầu nguyện không xuất phát từ chúng ta nữa mà được Chúa trực tiếp ban cho ta. Ta ngạc nhiên đến nỗi vào buổi đầu, đôi khi ta không dám gọi đó là cầu nguyện: “Chẳng xảy ra điều gì trong lúc tôi cầu nguyện cả.”

- Ta cảm thấy rất sung sướng trong những lúc cầu nguyện như thế, và chúng có khuynh hướng kéo dài thêm trong suốt cả ngày! Ta như không ngừng ở trước mặt Chúa, tiếp xúc với Ngài, nói chuyện với Ngài liên tục nhưng không lắm lời, và ta cũng nhanh chóng nghe lời Ngài nói với ta. Nhờ cầu nguyện mà, dù không cố gắng, ta lập được một sự bình an dịu ngọt, một trạng thái an tĩnh nội tâm. Thánh Teresa Avila gọi đó là “nguyện ngắm an tĩnh”.

- Lạ lùng thay, việc cầu nguyện đôi khi như xuyên qua bên kia tư tưởng. Ta thấy rõ là bây giờ chính đáy sâu linh hồn được chạm tới, chứ không còn chỉ là trí khôn hay trí tưởng tượng mà thôi đâu. Trong khi cầu nguyện, đôi khi tư tưởng vuột mất. Ta có thể lo ra chia trí, “ta nghĩ đến chuyện khác”. Ta rất ngạc nhiện về điều này. Bấy giờ ta bắt đầu có kinh nghiệm như mình đang ở trong hai thế giới khác nhau: thế giới nhân loại và thế giới thần linh. Trong trạng thái này, vì thiếu kinh nghiệm, ta tự đặt ra nhiều thắc mắc và ta có thể rất lo lắng về mình.

- Thế nhưng không có sự chia cắt đích thực ở trong con người, không có nguyên nhân nào gây ra điều đó; ta chỉ đơn giản khám phá một vùng mới trong con người của ta: cái “tôi sâu xa”.

- Thật ra, có thể có một cuộc chiến đấu thiêng liêng trong việc này. Để làm chậm bước của chúng ta tiến về phía Chúa, ma quỷ làm cho chúng ta lo lắng. Nếu chúng ta bình tâm, ma quỷ rút lui và việc chống lại hoạt động của nó càng làm chúng ta tiến nhanh hơn nữa.

- Trên đây tôi đã nói rằng việc cầu nguyện này dường như không lệ thuộc vào tư tưởng, nó vượt lên trên tư tưởng. Chính vì vậy mà đôi khi ta quay trở lại với những hình thức cầu nguyện rất đơn giản, thậm chí chúng có vẻ như một sự thụt lùi nữa. Chẳng hạn như ta thôi không suy niệm một cách có hệ thống, vì ta không còn khả năng để làm như thế nữa, và ta sẽ chỉ đơn giản là lần chuỗi hoặc đọc kinh mân côi thôi. Lời cầu nguyện này với Đức Maria có thể tỏ ra là “sơ khai”, ta không suy nghĩ về mọi điều ta đọc, nhưng ta biết rất rõ là con tim ta luôn tỉnh thức và lời kinh tuôn ra một cách nhẹ nhàng và liên tục.

- Tất cả việc này là do Chúa ban. Nếu ta cố ép mình, ta sẽ không đạt được kết quả tốt. Phải để cho Chúa hành động “không thô bạo và không ồn ào”. Ta cứ sắp xếp ý muốn, hướng cái nhìn nội tâm lên Chúa hết mức của ta, và đừng vật lộn với tư tưởng của mình làm gì.

4.4 Các ân ban của Chúa Thánh Thần và các đoàn sủng

- Khoa thần học thiêng liêng nói rằng, ở cấp độ sống nội tâm này, ta chuyển từ giai đoạn chủ động xây dựng nhân đức sang giai đoạn (tương đối) thụ động sống theo các ân ban của Chúa Thánh Thần.

- Các nhân đức luân lý là những nề nếp tâm lý mà chúng ta tạo ra cho mình qua các nỗ lực và việc lập đi lập lại, dù rằng Thiên Chúa đã hiện diện trong nỗ lực ấy rồi.

- Các ân ban của Chúa Thánh Thần là một món quà thuần túy của Thiên Chúa chứ không phải vì ta có công trạng gì xứng đáng, bởi vậy ta không cần cố gắng để đạt được chúng. Ta chỉ cần lưu tâm và sẵn sàng để đón nhận và sống các ân ban ấy mà thôi.

- Các ân ban này tỏ lộ như một cách thức hiện diện mới của Chúa trong linh hồn ta. Chúng được ban cho ở tầm mức của cái “tôi sâu xa” và từ đó lan tỏa ra  các vùng khác mà chúng dần dần chiếm ngự. Không phải là chúng ta chẳng phản kháng ít nhiều đâu.

- Các ân ban của Chúa Thánh Thần làm cho ta trở nên mềm mỏng một cách đặc biệt, và giúp ta mau mắn vâng theo các gợi hứng của Thiên Chúa.

- Theo truyền thống từ thời Cựu ước, có bảy ơn của Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên, ta đừng quá tách biệt chúng ra. Thật ra, các ân ban của Chúa Thánh Thần không chỉ là những quà tặng, nhưng là chính Thiên Chúa. Chúng được ban cho ta cùng với đức ái, với tình yêu.

- Các ân ban của Chúa Thánh Thần, cắm rễ trong bí tích rửa tội, được ban cho một cách sung mãn trong bí tích thêm sức. Nhưng sự đổ tràn Thần Khí làm cho các ân ban này hoạt động, khiến chúng phát sinh hiệu quả, ban cho chúng sức mạnh, tính cách hiện tại và sự hiển nhiên mới mẻ. Thánh Phaolô nói đến các hoa trái của Chúa Thánh Thần trong thư Galata 5,22-23.

- Sự hiện diện năng động của Chúa Thánh Thần trong linh hồn thường kèm theo sự hiện diện của những đoàn sủng. Thậm chí một số đoàn sủng có hình thức rất thiêng liêng. Đó là trường hợp của các đoàn sủng thường xảy ra trong Hội thánh tiên khởi, được thánh Phaolô nêu lên nhiều lần, và hiện nay ta vẫn thấy xảy ra trong phong trào Canh tân đoàn sủng.

- Tuy nhiên, chớ lẫn lộn các ân ban của Chúa Thánh Thần với các đoàn sủng. Các ân ban đi xa hơn và tiến sâu hơn các đoàn sủng. Một đời sống tâm linh chỉ xây dựng trên các đoàn sủng mà thôi thì có thể ngoạn mục nhưng lại thiếu gốc rễ sâu xa. Nếu một ngày kia các đoàn sủng này mất đi thì đời sống tâm linh sẽ còn lại gì?


- Điều thiết yếu là đức ái được tăng triển. Chính vì vậy mà chúng ta phải luôn đề phòng để khỏi phán xét đời sống nội tâm của những người khác. Một số người không có khả năng để diễn đạt bản thân. Nhưng tôi chắc chắn rằng có những cụ bà nhỏ nhắn mà sẽ không ai đề cập tới nhưng chúng ta sẽ thấy họ vượt trên chúng ta trong Nước Trời mai sau.

(còn tiếp)

0 nhận xét: