Thứ Năm, 21 tháng 9, 2017

Hành trình tâm linh: Một vài thí dụ về ơn gọi


Một vài thí dụ về ơn gọi

Để thuyết phục chúng ta tốt hơn, tôi muốn đưa ra ở đây một vài thí dụ về các hành trình tâm linh vừa mới đây thôi. Dĩ nhiên là chúng ta có thể tìm thấy hằng chục thí dụ như thế.

Pierre-Bienvenu Noailles (1793-1861):
Trao ban lại cho thế giới ân sủng của Thánh Gia

Pierre-Bienvenu sinh vào thời Cách mạng Pháp, trong một gia đình làm nghề buôn bán ở Bordeaux đã bị chiến tranh hủy hoại. Dù đã được rửa tội nhưng ông không được hưởng nền giáo dục Kitô giáo, và ông chỉ được rước lễ lần đầu khi đã hai mươi tuổi. Việc này đã đánh dấu một cuộc hoán cải thật sự. Trước đó sứ mạng của ông đã được tỏ lộ trên bình diện thuần túy nhân bản: ông có nhân cách của người chỉ huy, và ngay cả là người sáng lập, với một đầu óc tổ chức được nhiều người khác trong các xí nghiệp của ông noi theo.

Đêm trước khi được rước lễ lần đầu, trong nhà thờ chính tòa Bordeaux, Pierre-Bienvenu đã nhận được ơn thần bí đầu tiên, như một loại tuôn đổ Thần Khí, đã đưa ông vào thẳng trong một thế giới khác: “Đó là đêm trước ngày ân phúc, trong khi dừng lại trước nhà nguyện Mont-Carmel ở Saint-André, ông đã nhận được từ Thiên Chúa một ơn đến độ ngay lập tức mọi ảo tưởng của thế gian tan biến đối với ông, hạnh phúc từ trời tràn ngập linh hồn ông đến nỗi ông tưởng chừng như mình đã thật sự rời khỏi mặt đất.” Ba năm sau, khi đến Paris để học luật, ông vào nhà thờ Saint-Sulpice và, trước tượng Mẹ Đồng Trinh ở cuối nhà thờ, ông nhận được ơn gọi làm linh mục. Tiếng gọi đó chấm dứt cuộc tranh luận mà dường như ông đã đặt ra cho bản thân về điểm này: “Đó là cú dứt điểm. Tôi đã nghe tiếng Mẹ, Ngài gọi tôi, chỉ cho tôi con đường, tôi đã hiểu mọi sự.” Từ ngày đó, ông biết Đức Trinh Nữ Maria là ai và, bằng kinh nghiệm của mình, ông đã hiểu được sự trải rộng bao la của tình yêu, của quyền năng, của sự quan tâm mà Mẹ dành cho chúng ta. Sau đó ông sẽ không ngừng làm chứng về điều này.

Thời gian ở chủng viện bao gồm một giai đoạn thanh luyện triệt để. Ông ngã bệnh và người ta tin rằng ông sắp chết. Nhưng đó cũng là thời gian mà, còn rất trẻ, ông đã nhận được sứ mạng của mình. Vào năm 1818, khi đang cầu nguyện trong nhà nguyện của các hội viên Xuân Bích ở  Lorette, tại Issy-les-Moulineaux, ông nhận được một cuộc “tiếp xúc” huyền nhiệm với Gia Đình Thánh của Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh Giuse. Ông đã hiểu rằng các Ngài như thể một Tiểu Ba Ngôi trên trần thế, một sự phát sinh của tình yêu Ba Ngôi, lặp lại một điều gì đó về tình yêu của Tam Vị thần linh. Ông đã hiểu rằng ân sủng của đời sống Thánh Gia có thể được ban tặng lại thêm một lần nữa và một ngày kia nó sẽ được thể hiện bởi một công trình mà ông sẽ lập ra, nơi đó tinh thần yêu thương và gia đình sẽ được mang ra sống lại thêm một lần nữa.

Trở lại Bordeaux, ông mau chóng khám phá ra rằng kế hoạch của Thiên Chúa đang được thực hiện qua ông rất nhanh. Hiệp hội Thánh Gia khởi sự từ 1820. Ngày 3 tháng hai 1822, trong nhà nguyện của hiệp hội ở Bordeaux, Chúa Giêsu hiện ra trong Mình Thánh cho một số người và chúc lành cho họ. Việc chúc phúc lạ lùng này, là đối tượng của một cuộc điều tra theo giáo luật, còn nhấn mạnh hơn nữa sự hiện diện của Thiên Chúa trong công trình mới khai sinh. Cha Noailles thật sự là một người thực hành các ý muốn của Thiên Chúa.

Bốn mươi năm sau, khi Cha Noailles qua đời, hiệp hội có đến hàng chục ngàn thành viên. Đây là một trong các hội độc đáo nhất và canh tân nhất của mọi thời kỳ. Cha đã dựng nên nó với tài khéo, lòng kiên trì và một tình yêu của thánh nhân và thiên tài. Chắc chắn cha là một trong các tâm hồn vĩ đại của một thời kỳ gồm nhiều tâm hồn vĩ đại, và chắc hẳn là một trong những tâm hồn độc đáo nhất.

Trong trường hợp của Cha Noailles, ta khó định rõ ba giai đoạn của đời sống nội tâm, vì cha vốn rất kín đáo về điểm này. Tuy nhiên chúng ta hãy nhớ rằng cha được trao ban sứ mạng rất sớm và cha đã dành trọn đời mình để hoàn thành sứ mạng đó.


Pierre Goursat (1914-1991): xây dựng lại đền thờ của Chúa.

Hành trình của Pierre Goursat thì hoàn toàn khác. Chắc chắn ông là một trong những người sẽ góp phần canh tân Hội thánh ở Pháp – và ngay cả bên ngoài nước Pháp nữa – trong hậu bán thế kỷ XX.

Đó là một người dân Paris kiêu hãnh, mặc dù gia đình ông có gốc gác tỉnh lẻ. Cha ông đã bỏ rơi mẹ ông cùng với hai đứa con còn thơ ấu. Ông giữ lâu trong tim mình vết thương của một người cha vắng bóng. Ông đã được mẹ và bà ngoại, là hai phụ nữ Kitô giáo siêng năng làm việc và rất yêu mến Trái Tim Chúa Kitô, nuôi dạy. Khi ông mười hai tuổi, Bernard là đứa em trai mà ông rất ăn ý đã chết trong vòng vài giờ. Việc này đã xâu xé ông một cách khủng khiếp. Kế đó ông đã có một thời kỳ nghiên cứu thẩm mỹ và trí tuệ khiến ông lìa xa đức tin và trở nên kiêu căng. Thế nhưng, lúc mười chín tuổi, bị mắc bệnh lao, ông phải nghỉ học và đến một nhà điều dưỡng ở cao nguyên Assy, trong vùng Alpes. Người thiếu nữ mà ông yêu thương cũng mắc cùng chứng bệnh và đã chết. Pierre rơi vào ngõ cụt và nổi loạn, rồi một ngày kia ông có cảm giác là Bernard đang hiện diện và nói với ông: “Anh không còn nghĩ nhiều về em nữa, vì lòng tự kiêu đã tóm lấy anh rồi.” Ông quỳ xuống chân giường, cầu nguyện, hoán cải một cách triệt để. Pierre đã gặp Chúa. Ông đã tự nhủ rằng hôm đó mình đã nhận được như một sự tuôn đổ Thần Khí. Bấy giờ ông hiểu rằng mình được kêu gọi để cầu nguyện thờ lạy, sống độc thân và loan báo tin Mừng. Đó là vào năm 1933.

Trở lại Paris, Pierre đã loan báo Tin Mừng trong nhiều nơi khác nhau và dưới các hình thức rất đa dạng. Lúc xảy ra thế chiến thứ hai, trong khi người ta thúc đẩy ông hướng tới chức linh mục, một trong những bạn gái của ông khiến ông gặp hồng y Suhard, tổng giám mục Paris, là người vốn ôm ấp ý tưởng Phúc Âm hóa thế giới đang rời xa Kitô giáo và là một trong các nguồn mạch của Vatican II. Ngài đã ảnh hưởng nhiều đến Pierre.

Thời chiến tranh cũng là thời của ân sủng mới làm nền tảng cho Pierre. Vào một ngày năm 1944, ông bị một lính Đức theo dõi ngay trong nhà của ông và khi sắp bị phát hiện thì ông nghe một tiếng nói của Đức Trinh Nữ Maria trong tâm hồn ông: “Hãy yên lòng, con được cứu thoát.” Bởi phép lạ, ông đã không bị phát hiện. Sự hiện diện của Đức Maria đã tạo nên trong đời ông một dấu ấn mới của lòng tín thác, của sự dịu dàng và của sự gần gũi đầy hiệu nghiệm của Thiên Chúa.

Sau chiến tranh, Pierre tiếp tục cuộc đời thờ lạy, sống nghèo, cầu nguyện rất nhiều, với một tình trạng sức khỏe mong manh. Ông làm việc như một nhà phê bình điện ảnh và trình bày tư tưởng của Hội thánh ở đó. Ông về hưu năm 1970.

Vào thời điểm ấy, ảnh hưởng của đạo Công giáo trong thế giới điện ảnh đang xuống dốc. Người ta đang ở giữa cơn khủng hoảng của Hội thánh. Pierre muốn loan báo Tin Mừng, nhưng xã hội lại chạy trốn Thiên Chúa. Cuộc đời ông đã không thành công. Ngược lại, ông đã cầu nguyện và thờ lạy rất nhiều. Vào thời kỳ đó, ông đang ở đâu trong đời sống tâm linh của ông? Ở cấp độ nào? Làm sao biết được? Nhưng trong thinh lặng của việc thờ lạy, ông đã có nhiều thời giờ đặt nền móng cho những gì sẽ xảy ra sau đó mà chính ông cũng không ý thức được. Kinh nghiệm tràn trề của ông về Hội thánh và về con người cũng đã chuẩn bị bản thân ông. Ông đã có những nét phác thảo cho sứ mạng của mình kể từ khi ông được hoán cải. Nhưng chính sứ mạng của ông thì vẫn chưa được mở ra cho ông.

Sau đó phong trào Canh tân đoàn sủng đến Pháp (1972). Bấy giờ Pierre gặp được Chúa Thánh Thần như một ngôi vị. Việc này đã mang lại cho ông niềm vui và trao cho ông một hy vọng mới về tương lai của Hội thánh. Cùng với Martine Laffitte (nay là Martine Catta), ông gầy dựng ở Paris một trong các nhóm cầu nguyện đầu tiên của phong trào Canh tân. Từ năm người vào 1972, số thành viên của nhóm này đã lên đến năm trăm người vào 1973. Ông dần dần khai sinh Cộng đoàn Emmanuel. Sau những ngần ngại, cuối cùng Pierre gặp Marthe Robin và ông chấp nhận làm người phụ trách cộng đoàn. Ông đảm nhiệm công việc này cho đến khi bệnh tình trở nặng vào năm 1985.

Pierre trao ban tối đa bản thân trong một thời gian khoảng mười hai năm mà thôi. Nhưng ông thật sự có tài trong việc sáng lập, lắng nghe các tiếng gọi của Thần Khí, chuyên chăm đào tạo các thành viên tiên khởi của cộng đoàn, tránh hết các trở ngại này đến các trở ngại khác, mở rộng việc Phúc Âm hóa ra mọi hướng, cắm neo các môn sinh của mình trong kinh nguyện, đấu tranh để phong trào Canh tân không ra khỏi Hội thánh và để Hội thánh vui lòng đón nhận phong trào. Có lẽ tầm quan trọng của ông sẽ ngày càng tăng thêm theo thời gian. Chắc chắn ông sẽ được kể vào trong số các nhà sáng lập vĩ đại của thời ấy.

Tuy nhiên, làm sao vẽ lại con đường thần bí của ông? Thật khó nhận biết được, vì Pierre hoàn toàn không ý thức gì về điều này. Ông đã sống trong một sự nghèo khó nội tâm và ngoại giới. Đôi khi ông từng nói: “Chừng nào ta không hiểu được rằng ta đều là những người nghèo cả, thì chúng ta vẫn còn thiếu một điều gì đó thiết yếu.” Nhưng ông nhìn việc ấy một cách rất tích cực, vì ông đúng là người có tâm trí hết sức tích cực. Ông không thấy được linh hồn mình, con mắt nội tâm của ông bị che khuất, và ký ức của ông cũng thế. Ông vụng về khi tự diễn tả và không có những đặc sủng rõ ràng, trừ ra đặc sủng trong việc phân định. Ông không có sức khỏe và rất thường đi qua mà không ai nhận ra.

Nhưng nhờ vậy mà ông không còn tìm kiếm bản thân mình nữa, ông trở nên rất trong suốt với ơn Chúa, sẵn sàng với tha nhân, và dường như không giữ lại cho mình bất cứ sự gì. Trái lại, ta thấy rõ là ông luôn sống trước Thánh Thể và nhờ Thánh Thể. Chính từ đó mà Thiên Chúa tương thông với ông. Ông sống trong Chúa Thánh Thần, Đấng mà ông biết rõ. Càng lúc ông càng biết dâng hiến bản thân. Ông sáng lập huynh đoàn Thập giá vinh quang, một tổ chức cuối cùng trong lòng Emmanuel, gồm những người muốn hiến dâng các đau khổ của mình, nêu rõ chiều kích dâng hiến và kết hợp với Chúa Giêsu trên Thánh giá, nơi mà ông đã đạt tới. Tất cả cho Hội thánh mà ông sủng ái và cho phong trào Canh tân Kitô giáo mà ông trút cạn sức lực.

Chúng ta đang đứng trước một nhân vật quan trọng, chết trong danh tiếng thánh thiện dư đầy, nhưng hành trình của ông thì lại bí nhiệm. Ngược lại, chúng ta biết rằng sứ mạng của ông được hé lộ dần dần: loan báo Chúa Giêsu trong thế giới ngày nay, hoặc nói theo một cách khác, xây dựng lại đền thờ của Thiên Chúa. Chính trong quan điểm sống mới mẻ này mà mọi đoàn sủng và mọi ân huệ của Thiên Chúa đã được ban cho ông.

(Còn tiếp)

0 nhận xét: