Chủ Nhật, 5 tháng 11, 2017

Hành Trình Tâm Linh: Linh đạo của phong trào Focolare


Linh đạo của phong trào Focolare

Linh đạo của các thành viên Focolare thì hoàn toàn khác biệt. Được khai sinh ở tỉnh Trento nước Ý, trong thời đệ nhị thế chiến, hiện nay phong trào Focolare được truyển bá trên khắp thế giới và tác động, dưới nhiều hình thức, hàng triệu người ở những cấp độ dấn thân rất đa dạng. Phong trào bắt nguồn từ một nhân vật mà hiện nay danh tánh đã được rất nhiều người biết đến: Chiara Lubich. Người ta đã sống linh đạo của bà rất lâu trước khi linh đạo này được đem ra phân tích. Ta có thể tóm tắt nó xoay quanh một số chủ đề chính.


Chúa Giêsu ở giữa chúng ta

Các thành viên Focolare ưu tiên dành một mối ràng buộc quan trọng với sự hiện diện thiết thực và gần gũi của Chúa Giêsu trong thế giới loài người: Gèsu in mezzo, như cách nói của người Ý. Không có gì xa cách với suy nghĩ của họ hơn là tin rằng Ngài vắng mặt khỏi thế giới mà Ngài đã tạo dựng nên và khỏi lịch sử mà Ngài là chủ tể. Chúa là và vẫn là vị Chúa gần gũi, hôm qua cũng như hôm nay. Và “nơi” mà Ngài mạc khải sự hiện diện của mình một cách đặc biệt hơn hết là bí tích Thánh Thể. Phong trào và vị sáng lập ra nó cũng rất yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể. Nếu các thành viên không rước lễ hằng ngày, hoặc ít nữa là rước lễ thường xuyên, thì phong trào sẽ chẳng là gì cả; vì việc rước lễ tạo ra một sự biến đổi tâm linh không thể diễn tả nơi người Kitô khi họ hợp nhất với Đức Chúa của mình:

              Thánh Thể [...] tạo nên một sự hợp nhất của người tín hữu với Thiên Chúa, vượt xa sự hợp nhất của bí tích Thánh tẩy: nó dẫn đến việc đồng hóa về mặt bản thể [assimilation substantielle]. Dĩ nhiên phải hiểu điều này với sự tôn trọng khoảng cách giữa Đấng Tạo Hóa với kẻ được tạo thành. Không có sự trộn lẫn thể lý giữa người rước lễ và Đức Kitô, nhưng có sự đồng hóa huyền nhiệm, tuy thiêng liêng mà có thực, cho phép ta nói rằng có sự đồng hóa “thân thể”.

Nhưng Chúa Giêsu không chỉ hiện diện trong Thánh Thể mà thôi: Ngài cũng còn hiện diện trong người anh em, với người anh em: “Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đó, giữa họ” (Mt 18,20). Một trong những điểm mạnh của phong trào là ở chỗ dựa vào sự tái khám phá tình yêu của Thiên Chúa hiện diện giữa những người tụ họp nhân danh Ngài. Là hệ quả của điều này, tình yêu thương huynh đệ như cũng được tái khám phá và giữ những chiều kích mới. Như vậy đoàn sủng tình yêu thương huynh đệ là một trong các dữ kiện nền tảng của các thành viên Focolare: “Tình yêu thương anh em của chúng ta là điều răn căn bản. Bất cứ hành vi nào nếu được thực hiện bởi tình yêu thì đều có giá trị. Không có tình yêu thương với anh em của chúng ta, mọi sự chúng ta làm đều rỗng tuếch.”

Sự hợp nhất

Hơn nữa, như có một huyền nhiệm ở trong tình yêu huynh đệ này. Thật vậy, không nên bám vào những mối quan hệ hời hợt bên ngoài, nhưng hãy đạt tới vùng sâu thẳm của người đang ở trước mặt tôi. Nói cách khác, cần phải “tạo sự hợp nhất” với người ấy. Ở đó chúng ta chạm đến một ân sủng nền tảng của phong trào: sự hợp nhất. Chiara Lubich hoàn toàn rõ ràng về điểm này:

              Ơn gọi đặc thù của chúng ta là hợp nhất; đó chính là đặc trưng của phong trào Focolare. Những khái niệm khác, những cách nói khác có thể diễn tả theo một lối khác, chỉ trong một từ, rất thần thiêng và tráng lệ, những cách thức khác nhau để đến với Thiên Chúa... Nhưng đối với chúng ta, hợp nhất là lời tóm tắt linh đạo của chúng ta. Lời này chứa đựng nơi mình mọi thực tế siêu nhiên khác, mọi điều răn khác, mọi thực hành và mọi thái độ tôn giáo khác.

Sự hợp nhất này, trước hết và rất hiển nhiên, là sự hợp nhất với Đức Kitô vốn đang được cụ thể hóa trong bí tích Thánh Thể. Nhưng đó cũng còn là sự hợp nhất với người anh em, trong sự hợp nhất này sự hiện diện của Đức Kitô sắp được tỏ lộ:

              Nếu chúng ta được kêu gọi để đi đến sự hợp nhất, thì đối với chúng ta, con đường dẫn đến Thiên Chúa là ngang qua người anh em. Chính bằng lối đi này, đôi khi cũng âm u và tối tăm như một đường hầm, mà ta đạt tới ánh sáng. Thiên Chúa yêu cầu chúng ta trải qua con đường huyền nhiệm này để đến với Ngài.

Như vậy người theo linh đạo Focolare được mời gọi vét rỗng bản thân, theo một cách nhất định, khỏi chính mình, khỏi nền văn hóa, lối suy nghĩ, thế giới nội tâm của mình, để nên “một” với người mà mình đối thoại. Đó là một sự khổ chế triền miên, nhưng ta có thể làm được, vì qua sự lột trần này, chính Chúa Giêsu lớn lên trong con tim mỗi người:

              Đó là thập giá mà chúng ta phải chọn hằng ngày, thập giá tuyệt vời nhất. Nó là sự sống dành cho chúng ta và những người mà chúng ta yêu thương. Nếu được chia sẻ, nó trở nên sự sống ở giữa chúng ta, là Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu bị bỏ rơi

Khi đòi hỏi chúng ta từ bỏ bản thân, Đức Kitô đòi hỏi nhiều lắm, nhưng Ngài có thể đòi hỏi như thế vì chính Ngài là người đầu tiên cảm nghiệm điều này. Trực giác về “Chúa Giêsu bị bỏ rơi” là một điểm khác – trong một phần lớn chưa được xuất bản – của linh đạo và hiện nay là của thần học về phong trào. Đó là một sự lập lại và đào sâu về thần học Thập giá và các hệ quả của nó.

Quả thật, đối với Chiara Lubich, khi Đức Kitô nói, trên Thánh giá: “Lạy Cha, lạy Cha, sao Cha bỏ con?” (Mt 27,46), Ngài chạm tới đáy sâu của sự cô quạnh ở một mức độ khó tưởng:

              Chúa Giêsu bị bỏ rơi là mẫu gương của người nghèo về mặt tinh thần. Sự nghèo khó của Chúa Con, có thể nói, là sự nghèo khó đến độ thiếu vắng Thiên Chúa; Chúa Giêsu không còn nhận thấy sự hiện diện của Thiên Chúa nữa. Chúa Giêsu bị bỏ rơi là mẫu gương của sự từ bỏ và khổ hạnh. Sự đau khổ của Ngài không chỉ ở mặt thể lý – là khổ hình thập giá -, mà linh hồn Ngài cũng sống con đường núi Sọ, vì Ngài phải từ bỏ thực tế thân thương nhất này: sự hợp nhất với Thiên Chúa. Đối với Chúa Giêsu, nó đề cập đích xác tới một sự từ bỏ hoàn toàn Ngôi vị Chúa-Người của Ngài.

Như ta thấy, đoạn văn này, vốn chỉ là một giữa rất nhiều đoạn khác, sẽ còn cần được chú giải dài dòng. Nó đi rất xa. Như vậy, chính vì Chúa Giêsu bị bỏ rơi hợp nhất với con người nơi bí tích Thánh Thể nên Ngài có thể yêu cầu các anh em của mình sống trong tình trạng bị bỏ rơi dẫn đến hợp nhất này.


Tất cả điều này hẳn nhiên đã có những hệ quả, và theo dòng thời gian, phong trào đã cải biến chúng dưới hàng ngàn hoạt động hướng về đại kết, về một “kế hoạch hiệp thông”, v.v. Các hoạt động này đã thay đổi cuộc đời của hàng ngàn người và đã có những hệ quả trên toàn thể Hội thánh, những hệ quả mà các thế hệ tương lai sẽ được hưởng ích lợi.

(Còn tiếp)

0 nhận xét: