PHẦN D: BƯỚC TIẾN VÀ THANG BẬC
THỜI TIẾT SỐNG ÐẠO
NHỮNG THÁI ÐỘ VÀO ÐẠO
Linh Mục Hoành Sơn, SJ, Việt Nam
Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan
Ðã là cây, thì không thể không mọc lên từ một mảnh đất và tăng trưởng nhờ chất đất ở đấy, dù đất có được bón tốt từ những gì lấy từ ngoài vào. Ðất nói đây là khí chất của anh, đi đôi với văn hóa, giáo dục và giới tính. Từ ngoài đến, ân sủng phải biến đổi tất cả từ gốc, nhưng ân sủng lại hành động với những cái đã sẵn có tự nhiên nơi anh. Bởi thế mới phải đặt ra ở phần A vấn đề này.
Có điều cái nền tảng là con người tự nhiên cũng chẳng bất biến đâu. Nó thay đổi với thời gian, bé trẻ khác, lớn già lại khác. Cho nên, cách sống đạo của trẻ thơ không thể y hệt với của ông (bà) lão.
Việc sống đạo lại dễ gặp khủng hoảng mạnh khi đụng đầu với tai ương cũng như lão-bệnh-tử. Ðứng trước những thử thách lớn, lắm khi bất ngờ ấy, làm sao đứng vững đây? Nhất là lợi dụng được? Chết cũng ở đó, mà tái sinh cũng nhờ đó luôn. Nên cần sức viện trợ mạnh từ Chúa và những chuẩn bị gấp từ bây giờ.
Dù trên thửa đất hay trong hoàn cảnh nào, thì phản ứng và hậu quả vẫn khác xa nhau từ người này sang kẻ nọ, do ân Chúa cố nhiên, mà cũng do mức độ quảng đại của ta nữa. Nghĩa là vừa có phần của đồng vốn ký thác, vừa có cách sinh lời từ đồng vốn này. Anh muốn đem chôn nén bạc hay dùng nó sinh lời đây? Anh buôn bán nhỏ thôi hay lao đầu vào công việc với tham vọng thật lớn? Thiên Chúa vốn rộng rãi sẽ chẳng chịu thua anh về sự hào phóng đâu.
Thời tiết do tuổi
Do thân xác mà con người thuộc thiên nhiên, nên đổi thay với thời tiết. Mùa xuân chả hạn là mùa dễ động xuân tình, khiến dù trẻ hay già, dù nữ hay nam, nếu muốn tự chủ và tiến đức, cần biết liệu gió giong buồm.
Mỗi cuộc đời thường cũng trải qua một vòng xuân hạ thu đông như thế. Trẻ thì lập xuân ở ấu thời và xuân phân ở tuổi cập kê. Lớn thì hạ chí lúc "tam thập như lập" và vào thu khi trán nhăn có vết. Ðây cũng là khi kinh nghiệm có dư, mà dũng khí không còn đủ cho những cuộc phiêu lưu mới. Vậy hãy lao vào các giấc mơ nên thánh khi chưa quá muộn. Dĩ nhiên, có những người trẻ lâu hơn tuổi, cũng như ơn Chúa có sức "cải lão hoàn đồng" thiêng liêng. Có điều đây là trường hợp khác thường, nghĩa là chẳng thường xảy ra. Bởi thế, vẫn cứ nên tùy tuổi mà đổi cách sống đạo.
Với trẻ thơ, thì mẫu mực của chúng là mẹ, rồi cha, rồi thầy cô. Nên bài giảng cho chúng chính là tấm gương sống động của những vị ấy. Tiên sa Lisieux học cầu nguyện bằng cách ngắm ông Martin cầu nguyện. Và cảm nghiệm được tình Cha Trời qua tình cha dưới thế, khiến chị phát khóc mỗi khi xướng "Lạy Cha...". Bởi thế, trách nhiệm của ba má là trách nhiệm cực lớn. Trách nhiệm làm gương tốt trước tiên, kế đó trách nhiệm chọn cô thầy, bạn chơi, nhà trường cho con cái. Chọn cả đồ chơi, sách đọc và phim coi nữa. Ðể dạy trẻ yêu Chúa, họ phải sốt sắng nguyện cầu. Ðể dạy trẻ đức thành, phải tránh điều dối trá. Ðể dạy trẻ trung tín, thì phải biết giữ lời. Ðể dạy trẻ lòng nhân, hãy thương xót kẻ khốn cùng và đối xử tốt với con mèo con chó.
Lúc trẻ tới tuổi ương ương, hãy bớt ra lệnh và tìm cách thuyết phục. Ðối với chúng, đây là lúc phải bắt đầu học giáo lý, đọc truyện thánh và gia nhập một đoàn thể. Khả năng hy sinh và hăng say nên thánh đã có ngay từ tuổi lên mười, như với cậu bé Saviô, cậu Stanislas Kotska. Ðến tuổi mười bốn, Stanislas đã vững một lối sống. Dù bị chế diễu và hành hạ, cậu quyết không đi vào con đường ăn chơi như chúng bạn và anh em. Hơn thế, cậu dám đổi áo quý tộc lấy áo nông phu khi trốn nhà ra đi tầm đạo, vừa ăn xin vừa cuốc bộ suốt 600 cây số đến Ðức, rồi 1200 cây số đến Rôma để vô Dòng Tên, bất chấp những đe dọa của gia đình. Cậu đã có gan phiêu lưu của một người trẻ, sự kiên trì và chín chắn của một người lớn, cũng như sự hướng nội của một người đứng tuổi.
Quả thật, cái thánh chẳng hề đợi tuổi, trừ tuổi thơ, có lẽ. Thanh thiếu niên dễ cầu bằng múa hát, vì họ còn hướng động. Nhưng nhiều bạn dù rất trẻ vẫn có thể nhập thiền hoặc chìm đắm trong suy chiêm, thậm chí đạt huyền nghiệm. Có điều đối với phần đông, họ nên khai thác điểm mạnh của họ là hoạt động, dấn thân. Họ có thể niệm suy và lấy làm mẫu sống một đức Yêsu nay đó mai đây vì hạnh phúc của loài người. Hoặc một Phan sinh Xavier chết gục trong chờ đợi trước cửa ngõ cánh đồng truyền giáo Trung quốc. Hoặc một cha Damien nên cùi với người cùi, một mẹ Tiên sa Calcutta dẫn đầu cả một đạo quân đông đảo của lòng nhân và vị tha.
Người trẻ đã năng động còn lạc quan nữa, nên sống với ngày mai hơn là với hiện tại. Vậy họ hãy phát triển đức Vọng và sống vì một lý tưởng. Họ có thể hướng về ngày mai của một thế giới tình thương để đấu tranh chống hận thù và kỳ thị như Gandhi và Martin Luther King. Họ có thể hướng về điểm cánh chung của sự hoàn thành Vương quốc Chúa khi xả thân loan Tin mừng.
Theo Guy Lescanne, thì người trẻ hôm nay không ưa thần tượng cho bằng những người mẫu (modèle), không thích làm bản sao cho ai khác, mà muốn có gì, thành gì riêng nữa. Nên hãy giúp họ noi gương thôi, chứ đừng rập khuôn. Giúp họ suy nghĩ để tự tìm ra con đường mình và tự rèn lấy một nhân cách. Vâng, muốn phiêu lưu vào con đường nên thánh, nhất là thánh dấn thân, thì phải bắt đầu ngay khi còn trẻ.
Quả thật, lúc đã về già, tuy tính trầm lại đấy, nhưng cái gan lại bé đi. Gặp nhiều thất bại rồi, người ta dễ sinh yếm thế. Và người ta nghĩ về quá khứ trong tiếc nuối, nghĩ về cái chết trong ưu phiền. Ðây là lúc nên suy về ý nghĩa cuộc đời và đắm chìm trong cầu nguyện. Ðể tin tưởng và lạc quan lên, hãy nghĩ nhiều đến hạnh phúc Thiên quốc và nhìn Thập giá dưới ánh sáng Phục sinh.
Tương lai của người già là ở đám trẻ con cháu họ. Với cháu con đông đúc và nên người, họ sẽ an tâm nhắm mắt, thấy rằng tuy chết, vẫn như sống tiếp phần nào. Nếu đan sỹ và tông đồ không có con theo xác thịt, họ vẫn có con theo Thần khí. Vâng, dù biết hay không, họ đã góp công khó nhọc sinh ra cho Chúa những người con. Mai ngày trên Thiên quốc, hai bên sẽ nhận ra nhau và mối tình sẽ đằm thắm. Vậy dù già hay gần chết, người ta luôn có một tương lai để hướng về, và đây là tương lai của dòng tộc thiêng liêng. Họ có thể quan tâm đến đám người mà trong đời họ từng đã giúp. Quan tâm cả đến những kẻ mà họ có thể sinh ra cho Chúa dù trong tình trạng khốn khổ hôm nay bằng nguyện cầu và hy sinh chấp nhận vòng xoay bệnh lão tử.
Những hoàn cảnh-giới hạn
Ðây là những hoàn cảnh cùng cực mà người người phải trải qua, như sự chết và những rủi ro, như sự cô đơn và tội lỗi theo danh sách của Karl Jaspers.
Chúng ta hãy nói đến lão-bệnh-tử và đau khổ. Những cú sốc mạnh nhất bắt gặp ở đó, những cú sốc dai dẳng chúng rình rập trên từng bước đi. Có thể nói, chúng là thành phần tất yếu và quan trọng của cuộc sống, do đó cũng là thành phần không bao giờ thiếu của sống đạo. Làm sao đây để bước đi vẫn bình ổn dù với những cơn đất động liên hồi, có khi tới bảy tám độ Richter? Làm sao đây để địa chấn càng khủng khiếp thì đức tin càng vững và sức sống dồi dào? Phục sinh chỉ hừng lên từ bóng mây thập giá nếu thập giá được chấp nhận và khéo lợi dụng.
Hãy bắt đầu với cái chết. Chết là điểm tới của bệnh, lão, trong khi khổ đau là cái chết của tâm hồn.
Theo Martin Heidegger, thì sống là Hiện hữu-vì-sự chết. Hiện hữu của ta chìm sâu giữa thời gian, nên sống là Có-đó (da-sein), tức bị ném giữa dòng đời trong cô đơn (déréliction), trong lo hoảng (angoisse). Sống là vươn tới, nên cũng là lo tới (souci). Có điều đây là vươn tới cái chết hay phủ định cái sống, phủ định hiện hữu.
Ðứng trước vực thẳm hư vô mà con người bước dần vào, thường khi vì sợ mà nó trốn lẩn giữa đám đông vô danh của Người ta (on), vừa cố quên cái chết, vừa cố trốn khỏi cái chính mình. Một hiện sinh không trung thành với ý nghĩa của nó: Ðể nên xứng đúng (authentique), nó cần đến ý thức và quyết định. Ý thức hay giác ngộ về ý nghĩa và hướng tới của cuộc sống; quyết định tự đón trước (anticiper) định mệnh nói trên. Và đây là vén màn che kín nó để trở về với chính mình.
Nếu Heidegger cho rằng hiện hữu vọt lên từ hư không, thì Phật giáo lại lấy hư không làm cốt lõi của hiện hữu. Tuy hư không là nội dung của cả không gian bên ngoài và không gian bên trong tôi, nhưng do tham si, tôi lại coi tất cả là có thật: có thật cái ngã nó đang ham muốn, có thật luôn những đối tượng mà nó mong chiếm đoạt. Do đó mà sinh khổ. Khổ vì sự hiện hữu của cái Tôi nó tham mà chưa được, nó sân khi mất đi. Khổ nữa vì cái ngã bị đồng hóa với xác, mà xác thì điêu đứng vì lão bệnh tử, điêu đứng ngay từ khi "đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra".
Theo "Phật gia Tây phương" Schopenhauer, thì chỉ có Ý muốn - sống mù quáng nó nằm chơ vơ đó, chứ kẻ (cá thể) muốn thì không. Do cái Ý muốn chẳng thuộc ai này mà nảy sinh Tình yêu, cái tình nó là mồi nhử cho người ta lao đầu vào việc bảo vệ giống nòi, như những chú thiêu thân dại dột vậy.
Cho nên, giải pháp Phật giáo là ra khỏi si mê bằng ý thức đúng, tức Chánh kiến. Nhà sư sẽ tự nhủ: Tôi đâu phải xác thân, nên chết đâu phải là tôi. Và ông sẽ nhìn thẳng vào khổ đau và cái chết bằng cặp mắt bàng quan, miễn nhiễm.
Ðâu là ý nghĩa đúng Kytô-giáo của sự sống và sự chết? Vâng, đâu mới là "chánh kiến" của chúng ta?
Kytô-giáo không nói: Tôi không phải xác thân. Nhưng Kytô-giáo có thể nói: Tôi không chỉ là xác thân, mà còn có gì cao hơn xác thân nhiều. Nhờ đó, cú sốc của sự chết đã bớt tầm khủng khiếp của nó.
Kytô-giáo cũng khuyên "đón trước" cái chết bằng chấp nhận và hiến dâng. Vả lại, Kytô-giáo không coi cái chết là tận kết, do đó ngõ cụt, nhưng là cửa mở vào phục sinh nhờ đòn bẩy Thánh giá Chúa. Dưới ánh sáng mầu nhiệm chữ Thập này, cái chết tuy còn là hoàn cảnh - giới hạn đấy, nhưng giới hạn ấy đã được gài mìn để nổ tung khi đức Kytô dùng cái chết để phủ định nó. Cái chết không là ngõ cụt nữa, mà đường đi; không còn sinh tuyệt vọng, mà hy vọng. Cái chết đã cùn đi phần nào sự sắc nhọn của nó. Tôi nói "phần nào" thôi, vì dẫu sao, chúng ta còn sống trong sự tranh tối tranh sáng của đức tin. Ngay đến Tiên sa Avila, dù đau đớn ghê gớm lúc cảm nhận ngày về (với Chúa) còn xa, thế mà đôi lúc vẫn phát run trước ý tưởng chết. Còn với Tiên sa Lisieux trước lúc chết, thì đây là "đêm tối hư vô", "hấp hối thuần túy", "không một dấu vết của an ủi".
Có điều nếu đức tin mạnh, thì sự chết cũng bớt phần ảm đạm. Do đó để chuẩn bị cho nó, ta phải nuôi dưỡng đức tin ngay từ bây giờ. Ðể củng cố đức tin, phải cầu ơn và niệm suy. Cũng cần nhìn thẳng vào cái chết để "đón trước" nó. Và đấy là đi vào "chánh kiến". Sự thực về cái chết đang đến khi được nhận ra sẽ cảnh tỉnh những ai còn nhiều ham hố và giúp họ tìm ra ý nghĩa Kytô-giáo của cả sự sống lẫn sự chết. Vâng, sống ở đời không phải là toàn sống. Và đường cứu độ phải đi qua thánh giá để tới phục sinh. Vâng, dù nghĩ đến sự chết và thập giá, một Kytô-hữu đúng danh phải liên hệ chúng với phục sinh và thăng vinh, nhờ đó sống và tăng trưởng trong đức Vọng.
Có điều đừng hình dung phục sinh như một trở về với cái xác dưới dạng hôm nay, và thăng vinh như một thiên đường kiểu tại thế, tức hạnh phúc bình thường không bóng mây đau khổ. Ðây là thứ cõi Tiên hay Thiên mà Phật giáo còn đặt trong vòng tham si và trong cõi luân hồi. Do thái giáo xưa cũng vọng tưởng một thiên đường tại thế, một Nước Chúa giữa trần gian như thế. Và như thế lắm Kytô-hữu hôm nay mơ tưởng một sống lại trong thân xác cũ, một bất tử theo nghĩa kéo dài, một thiên giới với đầy đủ tiện nghi. Họ chưa thật sự chết đi với thế gian này để xứng đáng với một sự sống khác hẳn, sự sống trong Ðấng là Khác viết hoa, Khác hoàn toàn. Một luyện ngục cần đến mai sau sẽ giải thoát họ khỏi bóng mây và vấn vương ấy.
Không ai chối rằng, vì đấng là Tinh thần đã nhập thể, nên mặt đất cũng thoảng mùi da thịt đấng Chí tôn. Có điều, để hoàn tất việc cứu thế, Ngài phải đi vào sự chết để mở đường cho ta bước sang một sự sống đổi khác. Vậy cứ yêu sự sống này, nhưng yêu tùy vào (en fonction de) một sự sống khác hẳn mai sau.
Chẳng những đón trước (anticiper) cái chết vì chết là đường đi, mà còn đón trước vì đây là biểu hiện tình yêu nữa. Vì yêu ta, Chúa đã chết để cứu ta. Ðến lượt ta vì yêu Chúa, sẵn sàng chết đi với Chúa, chết vì Chúa. Chẳng những chấp nhận chết, Marie de l'Incarnation còn sẵn lòng "sa hỏa ngục" để thượng tôn đức công minh của Thiên Chúa, khi mà hỏa ngục quả xứng với tội con người. Bắt chước nữ tu rất thánh ấy, ta cũng có thể chấp nhận cái chết với tất cả lo sợ và khốn khổ kèm theo như điều thích xứng với ta, mà chỉ xin giữ lại cho ta tình thân của đấng đã yêu ta đến cùng tận.
Nhờ thái độ Ðón trước này (đối với cái chết), từ thế thụ động ta đã chuyển sang chủ động. Ðây là Tri mệnh và Thuận thiên mệnh, là đi con đường Chúa Yêsu để thành bà con với Chúa (Mc.3.35) trong giây phút quyết định của cả cuộc đời. Vâng, đây là lúc hoàn thành mình, như Rahner nghĩ. Thành ác hay thiện vĩnh viễn là do chết dữ hay chết lành đấy. Ta càng vững đi hơn khi chính Chúa đã đi vào sự chết của ta, cùng với ta. Nếu khi ta khổ, có Chúa khổ với ta, thì khi chết cũng vậy nếu ta chấp nhận nó vì Ngài. Ðồng hành với ta trong sự chết, Chúa để lại dấu hiệu đồng hành ấy ở phép Xức dầu bệnh nhân và Thức ăn đường Thánh thể. Dìm mình vào cái chết của Chúa bằng ký hiệu huyền tích, ta dễ vượt qua triền gốc gập ghềnh của lão bệnh tử nhờ sự đồng hành của Chúa và sức mạnh vọt lên từ thập giá Chúa.
* * *
Nếu giờ chết là phút giây gấp gáp trong đó ít ai bình tĩnh nổi, khiến nhẫn chịu được đã là tốt rồi, thì trong lão bệnh và khổ đau, người ta thường không đến nỗi hụt hơi như thế. Vậy ở đây, con người dễ chủ động hơn và tác chiến có kế hoạch được. Cái đáng lẽ là địa ngục cho con người, hãy biến nó thành lò luyện cho Tín vọng ái. Bằng cách đón trước, tức sẵn sàng, thậm chí ước ao. Tùy thái độ thụ hay chủ động ấy, cũng như tùy mức tin yêu như động cơ, mà bộ mặt thiêng liêng biến đổi.
Ý thức và quyết đón trước những hoàn cảnh-giới hạn của cuộc đời, đó là thái độ đúng xứng và hiện sinh đúng phận. Nếu ý thức đủ sáng và đón trước đủ chân thành, thì không khỏi đụng bể đầu trước một cái chết như ngõ cụt phi lý theo cách nhìn của Heidegger. Vâng sự "lo đến" (souci) sẽ thành vô nghĩa, khi mà cái anh quan tâm chỉ là ngõ cụt.
Sự hanh thông mà hy vọng phục sinh tạo nên cũng không phải là lối thoát bằng ảo tưởng. Do cái chết của Thầy, những hoàn cảnh-giới hạn kia đã mở về Vô hạn rồi. Niềm đau vẫn còn đó, nhưng dưới bóng râm thập giá, nó đã dịu đi, khiến người ta có thể đạt được sự bình an của Chúa.
Nếu suy như thế và cầu nguyện rồi, mà nỗi đau vẫn mạnh hơn niềm tin, thì ta có thể đi vào một thư giãn tâm lý. Ta có thể để mặc "nước đổ lá khoai", mặc cho các ý nghĩ và tình cảm chúng đến rồi chúng đi, và lòng sẽ êm lại để đức tin hiện tỏ.
Ðứng trước lão bệnh, người ta cảm thấy bớt gay cấn hơn là đứng trước cái chết. Nhưng chết, người ta chỉ chết một lần thôi, chứ bệnh thì nối tiếp không ngơi, và lão triền miên không dứt. Bệnh hay lão đều khổ cả, và khi khổ dai dẳng, người ta khó bình tĩnh được.
Ngoài bệnh thân ra, còn có bệnh tâm. Tâm bệnh càng trị khó, và gây phiền cho xung quanh cũng nhiều. Bệnh còn hy vọng chữa khỏi, chứ tật thì bất trị, khiến nhân phẩm bị xung quanh hạ thấp và đương sự sống trong bóng tối dày đặc, không tương lai. Vâng, hãy hình dung một người cụt chân cụt tay hay mặt mày dị dạng, một người điếc, đui, câm hay ngây dại suốt đời...: Làm sao để họ tìm thấy chút sinh thú hầu sống nốt quãng "đời thừa" đây?
Ngoài tật bệnh ra, còn cả trăm thứ khổ khác, như đói nghèo, bị xa lánh, khinh khi, thành trẻ mồ côi hay bị người tình phụ rẫy. Rồi những tai ương bất thần ập đến, như đất động, núi lửa phun, như hỏa tai, bão lụt, đất truồi, như chạy giặc, trộm cướp, v.v... Biết bao cảnh tang tóc và chia ly diễn ra hằng ngày khắp nơi trên thế giới, khiến dù không trong cuộc cũng cảm thấy cuộc sống đáng buồn và quá bấp bênh. Làm sao đây để giữa mịt mờ, vẫn còn thấy đốm sao hy vọng? Làm sao đây để khi sóng gió vùi dập vẫn vững được mái chèo? Nhất là làm sao để biến những tai họa ấy thành cơ may nên thánh?
Lúc mà trong tôi còn nhiều ham hố, hãy lợi dụng những bi cảnh để giải bớt vấn vương. Bằng khi cay đắng đã tràn ly, thì nên nghĩ tới điều vui, kẻo căng quá nhỡ sinh "stress". Ðây không phải cái vui của dật lạc hay cái quên trong ly rượu, khói phù dung, mà sự an ủi của Ðấng đã tới chia sẻ với ta kiếp sống phù du này, kể luôn sự chết. Nếu như thế, mà vẫn không tan đám mây, thì hãy cầu cứu đến một hai giải trí lành mạnh. Ðây là vài bản nhạc êm vui, chứ không kích động, một phim truyện đầy tình người, chứ không đầy bạo lực, khiêu dâm. Tiếp đến là vào thiền để tâm an. Hay nguyện cầu để có thể khóc.
Sau khi căng thẳng giảm dưới mức báo động rồi, tôi bắt đầu lợi dụng thương đau để tiến. Bằng cách tuân ý Chúa, cố nhiên. Thêm một bước, bằng cách hiệp thông với Chúa trong mầu nhiệm Vườn dầu, trong hướng đi đồng cứu chuộc. Có Chúa bên tôi, tôi bớt sợ, bớt lo. Có Chúa với tôi, sẽ được nhiều an ủi. Có Chúa nơi tôi, sức chiến hẳn dồi dào.
(Còn tiếp)
- Trích từ tác phẩm "Thần Học Thiêng Liêng" của Lm. Hoành Sơn - Hoàng Sỹ Quý, SJ.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét