BƯỚC TIẾN THIÊNG LIÊNG
VÀ NHỮNG GIAI ÐOẠN
Linh Mục Hoành Sơn, SJ, Việt Nam
Prepared for internet by Vietnamese Missionaries
in Taiwan
Ðâu là hướng đi và những bước tiến
Siêu nhiên là chính tự
nhiên được biến cải vượt mình, nên đời sống siêu nhiên cũng dịch biến như đời
sống tự nhiên. Ðã nói đến dịch biến, thì phải có tiến có thoái, có cao có hạ.
Mà tiến thoái và cao hạ, thì phải có tiêu chuẩn để đánh giá, đỉnh cao để hướng
về. Mà hễ tiến tới và đo lường được, thì cũng có thể chia tiến trình thành
những giai đoạn khác nhau. Vì những giai đoạn ấy được sắp xếp trước sau so với
điểm khởi và đích tới, nên chúng cũng làm nên những thang bậc mà đỉnh cao là
toàn thiện.
Vậy xét theo lý, thì phải
có bước tiến khi đã xác định xong hướng tiến. Xác định được hướng tiến và bước
tiến sẽ biết lúc này ta đang ở đâu, còn bao xa để tới đích, rồi liệu cách đi
thêm nữa.
Con người sinh ra trong bùn
nhơ tội lỗi (Tv. 50.7), nên cái mà nó khao khát là sự trắng trong. Có lẽ vì thế
nên ước mong thầm kín đã ngầm được gửi gấm ở nguyên tiêu Ðại mẫu đồng trinh,
rồi từ đó ở lòng tôn sùng đức Maria vô nhiễm thai và trọn đời tinh tấn.
Nếu Kytô-giáo hôm nay nhấn
vào đồng trinh và vô nhiễm, thì Phật giáo lại đề cao Vô dục (a-kâma). Ðối với
sự trắng trong, nếu đồng trinh là biểu hiện thể lý và vô nhiễm nói lên thực
trạng bây giờ, thì vô dục lại nhấn vào khả năng miễn nhiễm của lòng ta.
Thật ra, sự vô dục hay siêu
thoát cũng được đề cao trong đời tu Kytô-giáo dưới những cái tên như Bất thụ
cảm (a-patheia), từ bỏ (renoncement, abnégation), không vấn vương (détachement).
Và nếu Phật giáo cho rằng chân lý sẵn đây rồi, chỉ cần gạt bỏ tham si, là thấy
ngay, tức giác ngộ, thì Kytô-giáo cũng coi thánh thiện đã có mầm nơi ân sủng,
khiến chỉ cần lấy đi những cản trở, thì Thần khí vào cuộc sẽ hoàn thành tác
phẩm ngay. Như thế, phải chăng nên thánh cốt ở Dọn sạch và Vét rỗng?
Vả nữa, Chúa đến là để diệt
tội và diệt cái chết thiêng liêng vốn là hậu quả của nó, nên xem ra được giải
thoát khỏi tội, thành vô nhiễm hay miễn nhiễm đối với tội là điều Chúa nhắm cho
ta khi giáng trần và chịu chết.
Có điều hình như Vô nhiễm
và Vô dục chỉ là điều kiện hay hậu quả của một ân huệ tích cực hơn. Vì không
những chết, Chúa còn phục sinh trong một sự sống khác hẳn. Và theo thánh
Phaolô, nếu Chúa không sống lại, thì tin cũng thành vô ích (1Cor. 15.17). Do
đó, việc tái sinh trong nước và Thần khí mới là đích thật của cái chết cứu
chuộc.
* * *
Một quan điểm khác về thánh
thiện, nó thường ngự trị trong đầu của khá nhiều tín hữu đạo đức: Nên thánh là
lập công, là tích góp công đức (mérites) (Công Giáo Việt xưa dịch Mérites là
Công nghiệp).
Vì công đức, người ta đọc
hết tràng hạt này đến tràng hạt kia. Vì công đức và ơn toàn xá, người ta viếng
đi viếng lại nhà thờ, mỗi lần đọc sáu kinh Lạy Cha, Kính mừng, Sáng danh. Vì
công đức, người ta năng đi lễ, chịu lễ, cúng tiền vào nhà thờ... Một thánh
thiện số lượng, và nên thánh bằng tính cộng, tính nhân! Y như các Phật tử luôn
miệng "A di đà...", cúng dường chư tăng, công đức xây bảo tháp...!
Với Phật giáo, thứ đạo tích góp ấy là của tục gia thôi, chứ kẻ xuất gia thì
không màng tới bao giờ.
Tu sỹ Kytô-giáo, ngoài việc
đếm kinh và đếm việc lành ra, còn cố sống đạo hạnh nữa. Nhưng dường như đức
hạnh cũng được xem như thành quả của việc tích góp các việc thiện và thiêng
liêng. Thật ra, không thiếu kẻ cho rằng: Thánh là do ân sủng. Có điều chính ân
sủng cũng được coi là sở hữu, với số lượng ít hay nhiều, do đó được tích góp,
bằng những lần chịu lễ, viếng Thánh Thể chẳng hạn.
Nói cho đúng, ân sủng là vô
thường, lại thiêng liêng nữa, nên không do tích lũy mà thành, không do công tôi
mà có được đâu. Ân sủng hoàn toàn do sự quảng đại của Chúa. Ân sủng lại là
chính Chúa đang yêu tôi, là chính tôi được cải hóa bởi tình yêu này. Nên vấn đề
không còn là số lượng và sở hữu nữa. Vâng, thánh là con người tôi nó thánh.
Thánh thiện là giá trị (valeur): giá trị thiêng liêng của một con người. Là
"giá trị", nên đây là vấn đề phẩm cách (dignité), không do tích góp
mà nên. Của một con người, nên đây là vấn đề hiện hữu, chứ không phải sở hữu.
(Coi thêm K. Rahner, Eléments de théologie spirituelle, tr.10).
Do đó, thánh thiện không
nằm ở chỗ tôi thấy mình giàu lên, dù giàu bằng của cải thiêng liêng, bằng đức
tính, bằng ân sủng (ở chỗ được coi như sở hữu). Mà ở chỗ tôi thấy mình thật
nghèo, chẳng có gì hết. Ðây là "Hư kỳ tâm", "Thanh bần trong tâm
hồn", mà trên nền tảng (rỗng) ấy xây dựng lâu đài Chúa và kho tàng không
mối mọt của ta.
* * *
Nhà tu xưa quen đặt thánh
thiện ở huyền nghiệm. Cũng như Samâdhi và Giác ngộ trong Phật giáo ấy mà. Thật
ra, ngay Phaolô cũng đề cao con đường tri thức khi nói đến sự lớn lên trong
Chúa nhờ gia tăng trong hiểu đạo (Eph. 4.15; Col. 1,10; 2Cor. 10.15). Và Phêrô
cũng chung một quan điểm (1Ph. 2.2; 2Ph. 3.18). Xem như đỉnh cao của hiểu đạo
đã thành một với đích cuối của phát triển: đạt tầm vóc đức Kytô ở độ sung mãn
của Ngài.
- "... làm sao để cuối
cùng rồi tất cả cũng đạt tới sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự hiểu biết
Con Thiên Chúa, đạt tới tình trạng hoàn thiện, tới tầm vóc đức Kytô trong sự
sung mãn của Ngài" (Eph. 4. 13).
Như thế, phải chăng sự hiểu
Chúa làm nên thánh thiện? Hay sự hiểu biết ấy chỉ tiến cùng chiều với thánh
thiện thôi, như điều kiện hay biểu hiện tất yếu của nó?
Thế nhưng về thánh thiện,
Phaolô cũng nói nhiều đến sống tốt, đến việc nên giống Chúa và thành một với
Ngài. Phải chăng mức thánh ấy tùy vào độ đồng hóa kia?
Thêm vào đấy, để nên một
với Chúa và cùng "giống" với Ngài, Chúa lại đưa ra một điều kiện,
xướng lên một nguyên tắc:
- Mẹ Ta và anh chị em Ta,
đó là kẻ thi hành ý Cha Ta!
Ðấy là Thuận Thiên. Không
phải Thuận Thiên để nên giống Chúa, vì Thuận
Thiên là giống Chúa, là cùng dòng giống với Ngài. Thước
đo không còn là Biết nữa, mà là cách sống, cách hành động: Thi hành ý Cha! Vậy
nên thánh thuộc phạm vi đời sống, và thánh là chính con người thánh, đã thành
"con người thiêng liêng", tức theo dạng Thần khí (1Cor. 2,13-3.1;
Gal. 6.1). Con người dạng Thần khí là kẻ sống theo sự hướng dẫn của Thần khí,
được đặt hoàn toàn dưới tác động của Ngài, do đó nhu thuận tối đa, nghĩa là
Thuận Thiên hết mức, nhờ đó thành bà con với đức Kytô. (Xem thêm Fr. Roustang,
Une initiation à la vie spirituelle, tr. 181-182).
Vậy trong ý nghĩ thầm kín
của Phaolô, thánh thiện bao trùm toàn cuộc sống, từ tri đến hành, chứ không
phải của tri suông, dù do ảnh hưởng giáo dục, ông hay nhấn vào tri thức. Nhưng
thử hỏi quan trọng nhất là yếu tố nào đây: tri thức hay hành động, hoặc chính
con người chúng ta? Và đâu là vị thế của mỗi yếu tố trong tương quan với nhau?
Trước khi đưa ra một giải
đáp, chúng ta hãy tìm xem trong truyền thống, cộng đồng Dân Chúa đã nghĩ thế nào.
Truyền thống với tiến trình nên thánh
Dù đặt đức Ái lên chỗ tối
cao, dù nói nhiều đến sự sống mới, xem ra Phaolô vẫn mải mê với tri nghiệm
(sofia, gnôsis). Chắc vì ông là tử đệ Platon, cũng như mọi trí thức như ông
thời ấy, dù trong Do thái-giáo hay Kytô-giáo cũng vậy. Ngoài Platon-thuyết, sau
này còn ảnh hưởng Manès-thuyết nữa. Dù chống lại nghiệm tri chủ nghĩa
(gnosticisme), các giáo phụ vẫn chia sẻ với họ cùng một khuynh hướng: hướng trí
thức, và một số quan điểm. Cũng do đó, mà ngay khi bắt đầu phác họa lý thuyết
về tiến trình nên thánh, họ đã đặt nghiệm tri làm đích tới và đỉnh cao.
Với Clément thành phố
Alexandria, kẻ nghiệm tri thấy điều huyền ẩn, vô sắc tướng. Nên để huyền tri,
phải khử bỏ ngôn từ. Cố nhiên là phải luyện đức nữa. Thế nhưng đức hạnh thuộc
"con đường hành động" (voie des oeuvres), mà con đường này chỉ là cửa
dẫn vào "con đường nghiệm tri" (voie de la gnose) thôi. "Con
đường nghiệm tri" rồi sẽ được gọi là "đời sống chiêm" (vie
contemplative), để chỉ kẻ chiêm hay nghiệm tri mới là kẻ toàn thiện
(perfectus), vượt trên hẳn kẻ tin vốn là kẻ chưa thấy. Thật ra, kẻ nghiệm tri
cũng là và luôn là kẻ đức hạnh nữa, vì đức hạnh là hậu quả và giãi sáng của
nghiệm tri.
Rõ ràng hơn, Origène và
Evagre miền Pont chia đời sống thiêng liêng thành hai giai đoạn, với giai đoạn
trước là hành (pratique), giai đoạn sau là tri (gnose). Hành là đời sống đức
hạnh nó dọn đường cho huyền tri như đích điểm. Sự dọn đường ấy được coi như một
tu tập tâm lý nó đặt nền trên một lý thuyết vừa thần học vừa siêu hình học. Ðây
là trường học Apatheia, Bất thụ cảm, mà mục tiêu là biến tâm hồn thành trơ như
đá trước những tác động từ ngoài. Có lẽ đây cùng loại với cái mà Phật, Ấn giáo
gọi là Bình, chẳng còn phân biệt thân sơ, ưa ghét gì nữa. Có thế mới tập trung
được sức mạnh cho chiêm ngưỡng, cho huyền tri Thiên Chúa, nhất là ở gốc nguyên
thủy của Ngài: Một thể vô thanh vô danh.
Hành, hay Thực hành
(pratique) cũng được chia thành nhiều giai đoạn, nhưng đây là một phân chia
theo lý, theo thang cấp các đức tính, mà đỉnh là đức Ái, cố nhiên. Vâng, một
phân chia theo lý, tức hình thức thôi, không đếm xỉa đến chuyển biến tâm lý tự
nhiên, dù là của con người thiêng liêng nơi chúng ta. Lại dù đức Ái cũng chỉ
thuộc Thực hành, nên ở ngưỡng cửa dẫn vào huyền thức. Chỉ huyền thức mới kết
hiệp ta với Lời, nhờ đó cho ta dự vào tri thức ẩn tàng trong Ðại trí đấng Tối
cao.
Với Grégoire thành phố
Nysse, ta có một học thuyết về thang bậc đời sống thiêng liêng. Có điều đây
cũng chỉ là thang bậc huyền tri, mà huyền tri là thấy Chúa trực tiếp nơi tấm
gương đã thành trong sáng của linh hồn. Kế đó, Giả- Denys thuộc Aéropage phát
minh lý thuyết nổi tiếng sau này về Tam đạo (nói về ba giai đoạn và ba cấp):
thanh đạo (katharsis), minh đạo (fotismos), toàn hiệp đạo (teleiôsis-henôsis),
với cùng một hướng đi và đích nhắm là nghiệm tri.
Với Augustin, đệ tử Tân
Phaton-phái của trời Tây, thì bước tiến về toàn thiện cũng là bước lên trong
tri nghiệm, từ cái đa dạng hình của thế giới đến sự trong suốt vô sắc thanh của
Siêu việt thể. Cũng có lúc Augustin phác họa một thang cấp khác, với thước đo
là Tình yêu. Và đây là tình yêu khởi sự (incipiens), tình yêu đang tiến
(proficiens), tình yêu lớn, tình yêu hoàn thành (perfectus). Hay dưới những
danh hiệu khác: tình yêu thoát thai, tình yêu được nuôi dưỡng, tình yêu tăng
cường, tình yêu hoàn thành (accompli) (Về học thuyết các giáo phụ trên đây,
chúng tôi nói theo Viller- Rahner: Ascese und Mystik in der Vãterzeit - Khổ
hạnh và huyền nhiệm thời giáo phụ - được tóm tắt trong K. Rahner, élements de
théologie spirituelle, tr.13tt.). Lược đồ này rồi sẽ được khai thác vào thời
trung cổ, cùng với lược đồ của Giả-Denys Aéropage.
Ðúng là vào thời trung cổ,
đã tái xuất giang hồ cả hai lược đồ của Giả-Denys và của Augustin, với ít nhiều
đổi thay về từ ngữ, khá nhiều đổi thay về nội dung. Cái thang bốn cấp nay rút
lại còn ba: Incipiens, Proficiens, Perfectus (Xx. Tôma, S. Th. IIa IIae, q. 24,
a.9; q. 183, a.4). Hai lược đồ dắt nhau mà đi, cùng với ba bước cả. Lắm khi nội
dung còn thấm sang nhau, để cùng biến đổi với nhau, đến nỗi Perfectus thành kẻ
huyền tri, và Hiệp đạo thành đỉnh cao đức Ái.
Thật ra, ba bước
Khởi-Tiến-Thành hồi trước mới chỉ là những cái vỏ hình thức không nội dung. Nội
dung được mang vào, nhất là từ thế kỷ XIII, thời cực thịnh của kinh viện, tức
tư tưởng "nhà trường" (Schola - école - là trường học. Nên Théologie
scholastique đáng lẽ phải dịch là Thần học học viện. Mà thật ra, nó có môi
trường hoạt động là các đại học). Theo Bonaventura, thì ở bước Khởi, người ta
mới chỉ biết Chúa qua môi giới sự vật hữu hình vốn là hình ảnh Chúa. Ở bước
Tiến, người ta thấy Chúa trong linh hồn nó là hình ảnh thiêng liêng và hằng cửu
của Ngài. Còn ở bước Thành, Thiên Chúa được gặp trong huyền tri, ở đó con người
được biến cải trong đấng đáng kính yêu. Ðây là giai đoạn được Bonaventura gọi
là "phút giây huyền nhiệm... thật bí ẩn", đỉnh cao nhất của tiến
trình thiêng liêng, đỉnh cao được Yoan Thánh giá gọi bằng cái tên "Hôn
phối thiêng liêng", mà đường tới là Vét rỗng, Bóc trần qua những đêm tối
thử thách: đêm tối giác cảm nó lấy đi chỗ dựa cảm tính, đêm tối tinh thần nó
bắt ta phải nhắm mắt đưa chân bằng một đức tin trần trụi.
Cả Yoan Thánh giá lẫn Tiên
sa Avila đều là bậc thầy về chiêm niệm trong đời sống đan tu. Họ nói bằng kinh
nghiệm nhưng trong đường hướng cũ. Cái mà họ quan tâm nhất vẫn là suy chiêm và
huyền nghiệm. Họ cũng nói đến tu thân bằng từ bỏ và luyện đức, nhưng họ chỉ đề
cập đến đạo đức trong liên đới với nghiệm tri.
Yoan Thánh giá nói theo lược đồ Khởi-Tiến-Thành, mà đỉnh cao là sự
hiệp nhất với Chúa trong huyền nghiệm. Ðể tiến cao trong huyền nghiệm, cũng là
trong hiệp nhất, cần phải được thanh luyện hoài hoài bằng từ bỏ và đêm tối.
Tiên sa Avila chia tiến trình nên thánh thành bảy cung phòng (từ
ngoài vào trong) hay Bốn cấp tưới nước (xét theo sự dễ dàng và công hiệu). Sự
hiệp nhất với Chúa đi cùng chiều với các cấp huyền tri. Thật ra, chiêm cũng cần
đến hành (như hãm mình) để hỗ trợ. Hành (hay thực hành) có thể làm tiến cao kha
khá (vâng, kha khá thôi) dù không có chiêm, nhưng không thể chiêm mà không thực
hành (Con đường toàn thiện, ch. 4). Thật ra, hễ có chiêm, người ta cũng có đức
như hiệu quả của chiêm (ch. 17).
0 nhận xét:
Đăng nhận xét