18. Phản ứng ra sao? Các phản ứng tốt
18.1. Chúa đang làm gì đây?
Dù thế nào đi nữa, chúng ta hãy giữ bình tĩnh và giờ đây hãy đi xa hơn. Chính đó là nơi Chúa đang chờ đợi chúng ta. Điều xảy ra trước kia chỉ có giá trị dọn sạch đất hoang thôi. Như lời Cha Voillaume nói rõ:
- Trên hết, tôi muốn sao anh em được thuyết phục rằng sự nản lòng, sự nặng nề này trong đời sống tâm linh của anh em, mà anh em cảm thấy bị cám dỗ hoặc ngay cả sự khơi mào của nó trong anh em, không phải là dấu chỉ kết thúc một sự quảng đại nào đó, mà trái lại, là dấu hiệu của một tiếng gọi mới của Chúa. Một chặng đường đã được vượt qua, và lần này sẽ là lần quyết định.
Thật ra, bây giờ chúng ta sắp thực sự và sắp hoàn toàn thuộc về Chúa.
- Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn.
Ga 21, 18.
Nhưng tại sao Chúa Giêsu lại làm điều đó?
Trong Tin mừng của thánh Gioan, một trong những phạm trù mà Đức Kitô dùng để mô tả con người và tình trạng của nó trước mặt Thiên Chúa là sự đối lập “từ trên cao / từ dưới thấp”. Điều này đặc biệt đích xác trong bài phát biểu quan trọng mà Ngài nói với Nicôđêmô. Ngài tuyên bố với ông thế này: "Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra bởi ơn trên" (Ga 3,3); “Ông đừng ngạc nhiên vì tôi đã nói: các ông cần phải được sinh ra bởi ơn trên” (Ga 3,7); "Đấng từ trên cao mà đến thì ở trên mọi người; kẻ từ đất mà ra thì thuộc về đất và nói những chuyện dưới đất. Đấng từ trời mà đến thì ở trên mọi người; Người làm chứng về những gì Người đã thấy đã nghe, nhưng chẳng ai nhận lời chứng của Người” (Ga 3, 31-32).
Chúng ta không đủ nghiêm túc khi xem xét các đối lập này. Chúng ta sẽ dễ dàng đặt mình vào số những người “sống tâm linh”, những người biết đôi điều về cái gọi là cuộc sống “từ trên cao”. Nhưng sự đối lập vẫn còn đó, trong thực tế, chúng ta không hoàn toàn “từ trên cao”. Và, vào một ngày đẹp trời, dần dần hoặc đột ngột, một tình huống đau đớn lộ ra, thậm chí nó có thể biểu hiện như một cơn khủng hoảng thật sự, như ta đã thấy ở trên.
Cơn khủng hoảng này là một sự lột bỏ vĩ đại. Chúng ta đã làm việc nhiều cho Chúa. Chúng ta quen với từ ngữ và thực tế của việc hoán cải rồi. Ấy thế mà dường như chúng ta không thể đạt tới lý tưởng thánh thiện của mình được nữa! Chúng ta thật sự không còn gì cả. Chúng ta đã trao ban nhiều lắm, đã đặt cược vào Chúa nhiều lắm! Chúng ta đã từ bỏ nhiều lắm! Và Chúa đã hứa với chúng ta rất nhiều điều, ngay trên mặt đất này! Thật sự là mắt chúng ta đã thấy các việc kỳ diệu của Chúa. Thế nhưng giờ đây, sau tất cả điều đó, chúng ta đang ở trong ngõ cụt. Các lời hứa hẹn của Chúa đâu rồi?
Đúng thế, các lời Chúa hứa đang bước vào một giai đoạn hiện thực hóa mới, còn sâu xa hơn nhiều. Chúng ta sắp chuyển từ bình diện làm sang bình diện là, từ bình diện của hoạt động để được nhìn nhận sang bình diện sống trong chân lý. Quả thật, đây chính là lúc chúng ta đạt tới đáy sâu của tội lỗi chúng ta, như lọt vào trong một cơn choáng váng, một hố sâu thăm thẳm. Nhưng giờ đây cũng chính là lúc Chúa đưa chúng ta trở vào trong mối thâm tình với Ngài. Chính đây là lúc chúng ta trải nghiệm lòng thương xót của Chúa. Như vị cha xứ miền quê của Bernanos nói: “Tất cả là hồng ân”. Và ân sủng lớn nhất mà chúng ta có thể nghiệm thấy trong cuộc sống, còn lớn hơn cả ơn thành công, lớn hơn cả ơn đức hạnh, chính là ơn của lòng Thương xót, chính là ơn cứu độ.
Đó chính là thời điểm chúng ta sắp chấp nhận, không phải để tự cứu mình, mà là để mình được cứu, và được cứu chỉ thuần túy do ân sủng mà thôi. Kinh nghiệm này là hiển nhiên không thể tránh được trong lộ trình nên thánh. Hẳn nhiên, đó không phải là điều mới mẻ. Người ta đã luôn nói với chúng ta về điều đó, chúng ta đã luôn biết về nó. Nhưng giờ đây chúng ta trải nghiệm nó một cách căn bản nhất. Chúng ta sắp cởi cái áo choàng khốn khổ của mình (“Giêrusalem, Giêrusalem, hãy cởi bỏ chiếc áo sầu buồn của ngươi đi!”) và mặc lấy y phục trắng của ơn cứu độ.
Thật ra, điều mà chúng ta làm, chính là kinh nghiệm của Thánh giá. Trong phần đầu của cuộc đời chúng ta, Thánh giá hiện diện, nhưng nói chung, Thánh giá không hiện diện ở hàng đầu. Ở đó, Thánh giá mang trọn vẹn sức nặng của nó. Thế mà kinh nghiệm của Thánh giá có hai khía cạnh. Trước hết, đó là một cái chết. Và là một cái chết thật sự. Chúng ta không chết đi cho một điều gì đó, mà chúng ta chết đi cho chính mình. Và rồi Thánh giá là vinh quang. Thánh giá ban sự sống. Ban thế nào? Vì chúng ta chấp nhận lòng thương xót của Thiên Chúa. Một cách nào đó, khi chấp nhận lòng thương xót này, chúng ta làm cho Thánh giá hoạt động. Hãy luôn nhớ lại rằng nỗi đớn đau khắc khoải lớn nhất của Chúa Giêsu tại Ghếtsêmani, như Ngài đã thố lộ với thánh Magarita-Maria, là lo sợ rằng Thánh giá của Ngài thành vô dụng, rằng lòng thương xót của Ngài chẳng được ai chấp nhận. Và ta không chấp nhận Thánh giá vì trong thâm tâm ta tưởng rằng mình sắp thoát khỏi nó với cái mà mình đang có trong tay. Rồi đến lúc ta nhận ra rằng mình sẽ chẳng thoát ra khỏi nó được. Không còn có thể ảo tưởng nữa. Chỉ còn cách, theo gương Têrêsa bé nhỏ, nhào vào vòng tay thương xót đang chìa ra cho chúng ta. Và bấy giờ, chúng ta phục sinh trong một cuộc sống mới với Thiên Chúa.
Một ngày kia, Chúa Giêsu nói với thánh Magarita-Maria rằng: “Con đã không cho Ta mọi sự. – Lạy Chúa, có mà, con đã cho Ngài tất cả! – Không, con đã không cho Ta tội lỗi của con.” Tất cả nằm ở chỗ đó. Khi ta đã cho đi tội lỗi của mình, ta cảm nhận như một cuộc “tái sinh”, như Tauler từng nói. Ta bước vào trong một cuộc sống mới, cuộc sống mà Chúa đã hứa với Nicôđêmô. Bấy giờ, ta thật sự được sinh ra “từ trên cao”.
18.2. Chúng ta phải làm gì?
Việc đầu tiên phải làm là đối mặt với thực tế. Và thực tế, ở thời điểm này, chính là tội lỗi của chúng ta, là tất cả những gì mà chúng ta chưa hoán cải. Chúng ta là như vậy đó. Sau bao năm cố gắng, chúng ta vẫn còn bấy nhiêu điều phải hoán cải. Nếu chúng ta chạy trốn việc đó, chúng ta sẽ không đi xa hơn được. Đừng biến nó thành một thảm kịch, nhưng phải có can đảm nhìn thẳng vào nó.
Carl Gustav Jung nói rằng, trong phần đầu tiên của cuộc đời, con người tự xây dựng bản thân dựa theo một dự phóng trên chính mình, theo một hình ảnh của mình, theo một lý tưởng mà mình muốn thể hiện và cá nhân hóa. Lý tưởng này xuất phát từ học vấn, từ chính con người họ, v.v... Thật ra nghĩ như thế cũng là việc thường tình. Ông gọi nó là persona (nhân cách). Lý tưởng này cũng là chiếc mặt nạ và là sự phòng vệ chống lại những tấn công từ thế giới bên ngoài. Nhưng thật ra, mỗi người trong chúng ta đều có một mặt tối. Điều này cũng là thường tình. Bóng tối này được tạo nên bởi “những khía cạnh tâm lý của con người, một phần đã bị dồn nén, một phần thì không được sống hoặc được sống rất ít...” Có một thời khắc bóng tối này xuất hiện trong cuộc đời. Nếu chúng ta chấp nhận nó, bấy giờ chúng ta trở nên những con người đích thực. Chúng ta không còn sống để được người khác công nhận, nhưng chúng ta chấp nhận mọi chiều kích của con người chúng ta, và chúng ta trở nên tự do.
Việc thứ nhì phải làm, là đừng nhìn vào chính mình, nhưng nhìn Chúa Giêsu. Đó đồng thời là kết quả của một quyết định, một nỗ lực, và trên hết đó là một ơn Chúa ban cho. Ta biết rằng mình đầy tội lỗi, nhưng bây giờ ta đi xa hơn nữa. Một cách nào đó, ta xoay quanh chính mình.
Việc thứ ba phải làm, là chấp nhận Thánh giá. Đừng làm lớn chuyện vì đau khổ. Thánh giá là vinh quang, Thánh giá cứu rỗi chúng ta. Chắc chắn hãy chấp nhận rằng chúng ta là những tội nhân, nhưng là những tội nhân “được thương xót”. Thánh giá, là nơi cứu rỗi. Hãy thôi sống mà không quy chiếu bản thân về Thánh giá trong một hành vi ca ngợi liên tục, trong một lòng biết ơn triền miên, càng mạnh mẽ hơn khi chúng ta biết rõ hơn nguy cơ mà chúng ta đang gặp.
Thường thì có một chiều kích mới liên kết với Thánh giá: sự dâng hiến, theo Têrêsa nhỏ: dâng hiến những đau khổ và những khó khăn của chúng ta cho việc cứu rỗi các linh hồn. Đối với chị, điều này trao cho Thánh giá ý nghĩa đích thực của nó. Cùng với tuổi tác, xuất hiện những thập giá mới. Nếu được dâng hiến, chúng mang lại cho cuộc sống nhân bản và thiêng liêng của chúng ta một định hướng hoàn toàn khác.
Việc thứ bốn phải làm, là đổi mới khát vọng của chúng ta và đặc biệt là khát vọng nên thánh. Khát vọng, giống như mọi thứ khác, được đổi mới. Chúa Thánh Thần ban chúng lại cho ta. Nếu chúng ta không có khát vọng, hãy cầu xin để có “khát vọng muốn khát vọng”. Không có khát vọng thì chẳng có gì động đậy. Thiên thần Gabrien đã gọi ngôn sứ Daniel là vir desideriorum, người của khát vọng. Đây quả là điều thiết yếu. Lời đáp trả của Chúa phù hợp với tầm khát vọng của chúng ta. Chúa đã nói với thánh Catarina thành Sienna: “Con hãy làm cho mình có khả năng, Ta sẽ trở nên thác nguồn cho con”. Và để làm việc đó, hãy tìm một sự thánh thiện đơn giản, theo cách của Teresa nhỏ.
Việc thứ năm phải làm, là thực hiện những hành vi đức tin. Cho dù ta cảm thấy mình đang ở trong bóng tối mịt mù nhất. Hãy tiến lên trong đức tin trần trụi. Hãy thưa với Chúa thêm một lần nữa rằng ta tín thác nơi Ngài, rằng Ngài có thể hành động, rằng Ngài sắp hành động. Hãy cám ơn Ngài về điều Ngài sẽ làm cho ta. Đừng chấp nhận nản lòng, rầu rĩ. Không ngừng chiến đấu với những tình cảm không bắt nguồn từ Thiên Chúa. Hãy chấp nhận không cậy dựa vào những ơn mà mình có thể cảm giác được.
Việc thứ sáu phải làm, là chấp nhận ý tưởng về cái chết. Chúng ta đang bước vào giai đoạn quyết định của cuộc đời, giai đoạn chuẩn bị cho một cuộc vượt qua lớn lao. Chúng ta muốn vượt qua cánh cửa này trong tư cách là những người thánh thiện. Đúng rồi, để làm việc này, chúng ta hãy nghĩ đến cái chết. Không sợ hãi, không tưởng tượng thái quá. Ý nghĩ này làm cho chúng ta tương đối hóa mọi sự và, thay vì khiến chúng ta rời bỏ hàng ngũ, lại tăng thêm nhiệt huyết cho chúng ta.
TRAO TẶNG BẢN THÂN KHI LÂM TỬ
- Chúng ta được kêu gọi để trao tặng bản thân, không chỉ trong cuộc sống mà còn cả trong cái chết. Là những người con yêu dấu của Thiên Chúa, chúng ta được kêu gọi để làm cho cái chết của chúng ta thành món quà vĩ đại nhất. Là những con trai và con gái yêu dấu của Thiên Chúa, chúng ta phát hiện ra rằng cái chết cho phép chúng ta trải nghiệm một cách trọn vẹn căn tính đích thực của mình là những người con được hết mực yêu thương. Đối với những ai biết rằng mình được tuyển chọn, được chúc phúc và được bẻ ra để trao tặng, cái chết là phương cách tuyệt vời nhất để trở nên tặng vật đích thực cho tha nhân.
* Henri Nouwen (1932-1996) - Thư gởi bạn nói về đời sống tâm linh.
18.3. Chúa ban cho chúng ta các ơn đặc biệt nào trong thời kỳ này?
Ơn chiêm niệm – Đây có thể là ơn quan trọng nhất. Cho tới lúc ấy, chúng ta thực hiện những hành vi thờ lạy, chúng ta dành ra những thời gian để cầu nguyện. Bây giờ, nếu chúng ta vẫn trung thành với các cam kết cầu nguyện, chúng ta thật sự trở nên những người thờ lạy trong chính con người mình, trong thái độ nội tâm thường xuyên của mình, hoặc trở nên những “kinh nguyện sống động” như Marthe Robin từng nói về một vị linh mục. Chúng ta ở trong một “trạng thái” thờ lạy, như Chúa Giêsu đã không ngừng ở trong trạng thái thờ lạy trước mặt Chúa Cha, như Pierre Goursat “tiêu hao bản thân trong việc thờ lạy”, vì ông thường xuyên ở trong trạng thái này. Đừng sợ khi dùng chữ “đời sống chiêm niệm” để nói về thời kỳ này,cho dù ta vẫn còn hành động. Đôi khi người ta dùng lối nói “những tu sỹ Cát Minh giữa đời”.
Ơn nhân từ, tử tế, khoan dung – Khi ta không còn gì để bảo vệ, khi ta không còn muốn tự xác định vị trí của mình, làm cho người khác biết đến mình, với cái giá phải trả là nỗ lực quá mức, thì ta được tự do. Thiên Chúa giải phóng con tim và ban lòng nhân từ đích thật. Thật là tốt đẹp biết bao khi thấy một số vị tiền bối mà cái nhìn và thái độ chỉ gồm toàn nhân từ, thông cảm, niềm nở mà thôi. Thế giới hiện tại, đang sống trong lo âu và xung đột, cần đến lòng nhân từ. Nếu các bậc tiền bối không tỏa lan lòng nhân từ ra chung quanh, thì sẽ không có ai sống lòng nhân từ ấy. Lòng nhân từ là một trong các biểu hiện tinh tế nhất của đức ái. Đây chính là lúc làm cho điều răn thứ nhất nhập thể trong điều răn thứ nhì.
Tình yêu mới mẻ đối với tha nhân này được đáp trả cho chúng ta một cách tốt đẹp. Chúng ta trở nên dễ bị tổn thương hơn, chúng ta ít tự vệ hơn, ít tỏ ra ta đây hơn, nhưng bù lại, chúng ta cũng được họ nâng đỡ nhiều hơn.
Ơn phục vụ mới – cởi mở hơn, tự do hơn, cho không hơn. Ta như được đổi mới trong khiêm nhượng. Kể từ đó, ta không còn sợ các việc phục vụ khiêm hạ nhất nữa. Ta đi tới nơi nào tha nhân cần, chứ không đi tới nơi mà ta tưởng rằng tha nhân cần ta. Thật hết sức ngạc nhiên. Thường là như một cuộc sống mới đang bắt đầu vậy.
(Còn tiếp)
Kinh Việt - Trầm Tĩnh Nguyện lược dịch và đánh thêm số đề mục từ tác phẩm "L’itinéraire de la vie spirituelle" của Bernard Peyrous.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét