Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2024

Thần học thiêng liêng (tiếp theo)



Ý nghĩa sống đạo I: tránh tai họa, lập công quả

Trong Yếu chú (annotations, lời dặn) đầu sách Thần thao, thánh I-nhã dạy ta tùy cơm gắp mắm, cứ theo tâm trạng, khả năng và chí hướng của thụ thao mà biến chế thần thao cho họ. Riêng với kẻ thô lậu và văn hóa thấp, chỉ nên giúp họ suy về hình phạt, luật Chúa cùng với việc lành, việc giữ ngũ quan là đủ. Giảng cao hơn, chắc họ không lĩnh hội được đâu.

Người đến tĩnh tâm hay dự tuần đại phúc hẳn không thuộc phường cùng hung cực ác; và giả như trước đây là thế, thì nay cũng nghĩ lại rồi. Thật thì kẻ tinh tế, có căn cơ thiêng liêng, với ơn Chúa thúc có thể xoay 180 độ. Như trường hợp Augustin bỏ tối ra sáng, hay trường hợp Phaolô, đang là kẻ bắt Chúa bỗng nên sứ đồ của Ngài. Nhưng với phần đông người đời, tội thì không gớm lắm mà thánh cũng thấy xa vời trên mây. Họ chỉ muốn tránh khổ hình hỏa ngục, thế thôi.

Sùng đạo hơn, một số kẻ muốn bớt tội và lập công quả. Lập công quả, theo Phật giáo, mới chỉ là đường của cư sỹ, còn trong tham si, nghiệp quả, luân hồi. Thứ đạo "lập công" (mérites) này không bị Kytô-giáo coi khinh, nhưng nó khiếm khuyết từ căn bản. Khiếm khuyết do đích nhắm là thứ thiên đường đặt bên cạnh Thiên Chúa. Khiếm khuyết do lòng tham: tham hay ham thứ hạnh phúc ấy, chứ chưa có tình yêu vị tha đối với đấng Chí tôn. Vâng, thiên đường đúng Kytô-giáo là bản thân Thiên Chúa, mà Thiên Chúa thì không phải đối tượng ham muốn, mà đối tượng để yêu thương.

Có điều thứ đạo của tham si kia thường vẫn ngỏ cửa về một đạo cao hơn do hướng nhắm của ân sủng khi mà tín đồ không có ý khép lại ở một thứ thiên đường thấp kém như vậy. Dù sao, những tham si còn sót phải được thanh lọc ở thế giới bên kia. Vâng, Nước Chúa là khác hẳn, nên với những ước mơ chưa thoát khỏi hương vị trần, thì tôi chưa thể thuộc trọn về Nước Chúa:

- Nước Ta không thuộc trần gian!
- Hãy để người chết chôn kẻ chết!

Vậy, bằng chánh kiến và đón trước, hãy cố siêu thoát và vươn cao hơn một thứ thiên đường nó là bản sao của thiên đường tại thế. Nghĩa là hiểu đúng ý nghĩa cuộc sống: tất cả vì Thiên Chúa và sự cứu độ trong Chúa, nhờ đức Kytô. Rồi hiểu đúng vai trò "phương thế" của những gì còn lại: cái giúp đi vào hướng ấy thì dùng, còn cái cản ngăn thì từ bỏ. Ngoài ra, phải nhớ kỹ: thân xác không phải là tất cả con người, và sự cứu vãn cho con người nằm ở tinh thần cơ.

Ðể giảm sức trì kéo của xác, ta có thể tạm dùng kỹ thuật của Phật gia: điều hòa hơi thở, rồi nghĩ xem thân xác này gồm những gì. Ắt là nó gồm phèo phổi với tim gan, đầu mình với đít bụng, có chỗ còn khai thối nữa; mà chết rồi, thì trông gớm biết bao. Cũng phân tích xem cuối cùng thì xác thịt là gì. Là một số chất căn bản như C, H, O, N, chúng qua lại không ngơi giữa hai môi trường Trong tôi và Ngoài tôi, chứ chẳng có gì của riêng tôi, chẳng có gì đáng giá lắm. Thế rồi tôi có thể lờ đi từng phần và tất cả, để ham hố không còn chỗ bám, tự nó sẽ tan đi. Tôi cũng làm thế với ngoại vật, với hết thảy những gì tôi quyến luyến, sao để chúng hễ xuất hiện là trôi qua, chẳng có gì cần, có gì quan trọng cả. Theo nhà Phật, chỉ khi giác quan (lục căn) bắt gặp đối tượng (lục trần), thì luồng điện (kích thích) mới phát. Ðây là lúc con mắt thịt chạm thân hình người khác phái, cái mũi thịt chạm mùi thức ăn ngon, cái tai tục tiếp thu tín hiệu của hư danh và thế lực. Bởi vậy, phải ly cách giác quan với đối tượng khi cái tâm chưa vững đủ, đồng thời luyện sao cho cái tâm ấy thành miễn nhiễm đối với những kích thích kia.

Với cùng một mục đích ấy, tu đức học Kytô-giáo khuyên ta niệm về sự chết, thẩm xét, địa ngục, thiên đường. Theo ý tôi, nếu niệm về sự thoảng qua của cuộc đời, ta sẽ thấy dễ và có hiệu quả hơn. Cứ hình dung cảnh xưa xe ngựa, gác tía lầu son, mà nay đó đây chỉ còn cỏ hoang, phế tích, và ta sẽ cảm khái ngâm câu: "Nền cũ lâu đài, bóng tịch dương". Ðây cũng là cảnh hoa phù dung sớm nay còn khoe sắc, chiều về phai nhạt rồi.

Cứ thế mà niệm, và rồi ta sẽ thấy lòng tham dịu, dứt. Mà dứt tham, thì duyên đâu còn để nối lục trần với lục căn, để sinh giận, tiếc và bất an khi những chướng ngại cản đường? Lòng tham trụ ở ba điểm gốc: sở hữu, nhục dục, ý riêng. Vậy để diệt tham, phải chặt cho kỳ được ba gốc ấy. Chặt gốc sở hữu bằng nghèo, ít là trong tinh thần. Chặt gốc nhục dục bằng hãm mình, tiết chế. Và chặt gốc ý riêng bằng "làm ngược" (agere contra). Ðể chánh kiến (thấy rõ sự thực), chúng ta đi vào chánh niệm. Chánh niệm giúp khởi động những tâm tình tốt để chuyển sang việc làm, hầu củng cố những tâm tình nói trên.

Ði đôi với chánh kiến, chánh niệm, chúng ta có thể tiến vào kỵ giới như Phật tử. Phật tử giới bỏ ba tội phạm bằng thân: giới sát, giới đạo (trộm cướp), giới dâm. Lại giới bỏ bốn tội phạm bằng miệng: vọng ngôn (nói láo), ác khẩu, lưỡng thiệt (ăn nói lật lọng), ỷ ngữ (nói hoa mỹ bên ngoài thôi). Sau cùng, giới bỏ ba điều phạm bằng ý: tham, sân, si. Công giáo chẳng thường nói đến những tội "lòng lo, miệng nói, mình làm" đó sao?

Chẳng những giới thập ác, Phật tử còn phải làm ngược lại bằng thập thiện nữa. Thiết nghĩ, thay vì mắc kẹt ở thập ác, chúng ta hãy dồn sức cho thập thiện vì chúng tích cực nên sinh hứng khởi. Vả lại, khi yêu điều lành rồi, thì đâu có ham điều ác đối nghịch nữa.

Vậy hãy tập đánh giá mỗi cái theo đúng giá trị của nó trong tương quan với cứu cánh. Cùng lúc, giữ sao cho tâm luôn ngay chính và siêu thoát, từ ái và trắng trong. Lại phải nói sao cho xứng đáng, hành cho lương thiện, sống cho hợp đạo làm người.

Ý nghĩa sống đạo II:
tinh thần nhiệm vụ, thái độ không vấn vương

Tránh phạt và lập công chưa hẳn là thái độ luân lý đúng nghĩa. Giả như không có thiên đường và hỏa ngục mà vẫn lánh ác làm lành, thì mới là đạo đức chính hiệu. Sống tốt chỉ vì đây là điều tốt, đó là con người chính trực, biết bổn phận làm người.

Ðể chu toàn bổn phận này, phải có giới, có quy. Giới truyền bỏ điều không xứng, quy dạy làm cái đáng làm. Giới dành trước tiên cho kẻ muốn lánh tội, quy dành cho ai muốn vô nẻo ngay hoặc đang tiến đức.

Về tiến đức, thực ra cũng có ba bảy đường tùy thứ động cơ thúc đẩy. Người chỉ muốn làm đủ bổn phận, kẻ khác quảng đại hơn, dám bỏ những gì có quyền giữ, dám làm những cái không buộc làm. Lý do là họ nuôi lý tưởng nên thánh. Nhất là khi hơn thế, họ bị cuốn hút bởi tình yêu.

Trong tiểu đề này, ta đề cập đến hạng người trên, những kẻ sống đạo vì tinh thần nghĩa vụ. Họ là những tâm hồn chính đại quang minh, có sao nghĩ thế, thấy sao nói vậy, đáng sao quyết thi hành đúng, đủ mới thôi. Thường họ rất trung tín với lễ, với luật, và tinh thần trách nhiệm rất cao.

Ðể vững trên hướng thiện này, Phật giáo áp dụng Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh nghiệp.

Chánh nghiệp là hành động theo như đã xét suy, phân định bằng Chánh kiến. Còn Chánh tinh tấn thì đưa Chánh kiến vào đến tim gan, ra đến cuộc sống, tập mãi không thôi, luyện sao cho tâm nên thẳng ngay, trong trắng, và vui yên trong sự lương chính này. Muốn được như vậy, sách Phật dạy phải diệt phiền ưu. Ưu sầu thường tỏa bóng mây đen trên cuộc sống, khiến nhụt chí phấn đấu và phủ mờ tâm tư, khiến tâm không còn đủ trong cho ánh sáng phân định. Kytô-hữu thời đầu quả sống trong niềm an lạc và hứng khởi thiêng liêng (agalliasis, Tđcv. 2.46...), sự hưng phấn mà Phaolô luôn mong mỏi cho mọi tín đồ (Rom. 15.13). Vui vì Thầy đã phục sinh, vui vì tràn trề hy vọng; phấn khởi vì niềm vui và hy vọng ấy sinh ra nghị lực và sự táo bạo, vừa để đi làm chứng dù chết, vừa để leo dốc đạo dù vất vả, khó khăn.

Trong niềm hưng phấn này, hãy luôn nghĩ đến những gì cao quý, để hồn nhờ đó cũng cao đẹp, trắng trong thêm. Nên thánh là đường dốc thẳng ngược, nên không thể vững leo nếu thiếu niềm hứng khởi đó. Hoan lạc và hưng phấn, tôi có ý nói đến niềm hoan hứng sâu xa và thiêng liêng, chứ nếu đây là sự vui nhộn bề mặt thì chúng chỉ kéo ta ra ngoài về hướng những lạc thú; và nếu đây là an tĩnh thụ động khiến ngại đổi thay, thì thái độ cầu an ấy sẽ ngăn cản phiêu lưu bên trong, dấn thân bên ngoài. Một niềm an vui đúng nghĩa siêu nhiên bao giờ cũng thúc đẩy tiến bước, tiến vững, và nó tương tại được với sóng gió và khổ đau.

Ðể tinh tấn hóa cái tâm, thì suy niệm rất cần. Không chỉ niệm các đức, Kytô-hữu còn niệm gương những đức ấy. Và đây là Chúa Yêsu "khiêm và hiền từ trong lòng". Ðây là Ðức Mẹ thuận ý Trời trong tiếng "Xin vâng". Ðây là thánh Phaolô mà "sống là đức Kytô, đấng chết treo thập giá".

Niệm rồi, còn phải luyện nữa, Người ta có thể bắt chước các sa môn Ấn, Phật mà chịu đựng đói khát, dãi dầu nắng mưa, bớt những tiện nghi chúng tăng thịt giảm thần, chịu sỉ nhục để lòng thêm khiêm tốn, tập bỏ ý riêng để thoát khỏi cái Tôi.

Như trên đã nói, kẻ sống vì bổn phận thì bó mình trong những nguyên tắc và luật lệ. Ðúng là bổn phận khách quan luôn "thành thịt" ở luật lệ và nguyên tắc. Và kẻ sống trong khuôn khổ của luật lệ và nguyên tắc thì nói, làm đúng lễ, khuôn, với một thái độ thẳng ngay. Có điều, những quy định khách quan ấy thuộc phạm vi ý tưởng, mà ý tưởng thì chính xác và tổng quát, trong khi thực tại lại thiên hình vạn trạng, biến đổi không ngơi, ranh giới dễ lờ mờ. Vì thế, nếu phải trọng nguyên tắc, thì khi áp dụng vẫn cần uyển chuyển, sao cho thích ứng với những hoàn cảnh khác nhau.

Lại nên nhớ rằng: hình thức chỉ có giá nhờ nội dung, hành động chỉ có giá nhờ động cơ và ý hướng. Bởi thế, phải nhấn vào tinh thần, do đó vì tinh thần, đôi lúc phải để nguyên tắc sau lưng. Vâng, đã siêu thoát thì phải thoát hết, để chỉ một mình Thiên Chúa là cần, và là cần những gì không thể thiếu để giúp ta đạt tới Chúa.

Sống vì bổn phận đã là một sống đạo khá cao, lại vững nữa. Vì kẻ trung thành với bổn phận cũng là kẻ ngay thẳng và có tinh thần trách nhiệm, do đó dễ trưởng thành về mặt nhân bản và đạo đức, khiến cho bước tiến của họ tuy hơi chậm đấy, nhưng không bấp bênh. Họ chỉ cần thêm mấy đức nhu để cho tâm bớt khô, hành động bớt cứng. Và coi chừng cái kiêu dễ bám theo những đức chí cương như vậy.

(Còn tiếp)
- Trích từ tác phẩm "Thần Học Thiêng Liêng" của Lm. Hoành Sơn - Hoàng Sỹ Quý, SJ.

0 nhận xét: