Chủ Nhật, 13 tháng 4, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 3 - Chương 28: Nơi những điều tốt về luân lý (tiếp theo)



ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 3

CHƯƠNG 28
NƠI NHỮNG ĐIỀU TỐT VỀ LUÂN LÝ (tiếp theo)


7 - Tệ hại thứ năm là người ta sẽ dừng lại trên đường hoàn thiện. Do đã gắn bó với cái thích thú và ủi an nơi các việc mình làm, nhiều người thường nản lòng và mất kiên nhẫn khi không còn thấy thú vị nơi những việc đang làm và đang tập luyện. Thông thường khi Thiên Chúa muốn cho ai tiến bộ Ngài sẽ cho họ bánh khô là thứ bánh dành cho người muốn nên hoàn thiện và đòi họ thôi dùng thứ “sữa” của con nít. Ngài thử sức họ và thanh tẩy cái mê thích trẻ con của họ để họ có thể thưởng thức thứ thực phẩm dành cho người lớn.

Thế nhưng những người ấy lại thường nhụt chí và mất kiên trì bởi không tìm được thứ hương vị cũ nơi các công việc của họ. Đây chính là ý nghĩa tinh thần của lời trong sách Giảng viên: "Những con ruồi chết làm thối dầu thơm" (Gv 10,1). Một khi thấy cần phải hãm mình chịu khó, họ liền “chết” đối với các việc lành của họ, nghĩa là họ bỏ bê công việc và đánh mất sự kiên trì vốn là chỗ ẩn náu cho sự êm dịu tâm linh và an ủi nội tâm của họ.

8 - Tệ hại thứ sáu là họ thường lầm lạc khi coi trọng các việc vừa ý họ hơn các việc họ không thấy thích thú. Họ ca tụng và quí chuộng các việc vừa ý họ và khinh chê các việc kia. Tuy nhiên thường thì những công việc đòi hãm mình chịu khó nhiều hơn, nhất là khi người ta chưa tiến xa trên đường hoàn thiện, vẫn đẹp lòng Thiên Chúa hơn và quí giá trước nhan Ngài hơn, bởi chúng đòi người ta phải bỏ mình hơn, còn những công việc đem lại an ủi thì có thể sẽ rất dễ khiến người ta tự tìm mình. Như ngôn sứ Mikêa đã nói: "Việc họ làm xấu xa họ lại cho là tốt" (Mi 7,3). Sở dĩ thế là vì họ tìm tự thỏa mãn nơi các việc họ làm chứ không nhắm làm hài lòng duy một mình Thiên Chúa.

Điều tệ hại này hiện đang thống trị nơi đám người sống theo tâm linh cũng như đa số loài người, và nó quả là lớn lao không thể kể xiết! Khó mà tìm được lấy một người làm điều lành chỉ nguyên vì Thiên Chúa chứ không chút nào vì được sự an ủi và thích thú nâng đỡ hoặc vì được kẻ khác kính nể.

9 - Tệ hại thứ bảy là nếu không dập tắt được thứ vui thỏa hão huyền nơi các công việc luân lý, người ta sẽ mất khả năng đón nhận định hướng và những lời khuyên cần cho những gì họ đang phải làm. Sự bạc nhược do quen làm việc theo cái thúc đẩy của sự vui thỏa hão huyền đã trói buộc họ, cho nên hoặc họ chẳng xem trọng lời khuyên của kẻ khác, hoặc dù có thấylời khuyên ấy hữu ích họ cũng chẳng muốn làm theo, bởi không đủ can cảm để làm.

Những người như thế sẽ rất nguội lạnh về lòng mến Chúa yêu người. Chính sự yêu mình do vui thỏa với những việc nói trên đã làm cho họ bị nguội mất lòng mến.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Thứ Bảy, 12 tháng 4, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 3 - Chương 28: Nơi những điều tốt về luân lý (tiếp theo)

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 3
CHƯƠNG 28
NƠI NHỮNG ĐIỀU TỐT VỀ LUÂN LÝ (tiếp theo)

5 - Tệ hại thứ tư phát xuất từ tệ hại vừa nói, là họ sẽ chẳng được Thiên Chúa ban thưởng bởi vì ở đời này đã chỉ tìm vui thỏa và an ủi, lợi lộc về danh dự hay về những thứ khác từ các công việc mình làm. Chúa Cứu Thế bảo rằng "họ đã nhận được tiền công rồi" (Mt 6, 2). Như thế, họ sẽ bị bỏ lại một mình, trơ trụi với công việc lao nhọc và bị tủi hổ chẳng nhận được một phần thưởng nào cả.

Thiệt hại này gây cho loài người chúng ta biết bao khốn nạn. Tôi cho rằng phần lớn các công việc mà người ta làm trước mắt thiên hạ, nếu chẳng đầy tì vết hoặc chẳng giá trị gì thì cũng đều bất toàn trước nhan Thiên Chúa, bởi chúng không siêu thoát khỏi các thứ lợi lộc và sự kính nể của người đời. Thật vậy, làm sao có thể đoán định khác về một số công trình và đài tưởng niệm mà một số người đã thực hiện? Liệu họ có muốn làm những sự việc trên nếu chúng chẳng đem lại cho họ danh dự và sự nể trọng của thiên hạ? Nếu nơi những đền đài ấy danh tánh, dòng họ hoặc quyền uy của họ không được lưu truyền? Thậm chí họ còn đặt huy chương và chiến bào của họ vào các giáo đường như thể họ muốn đặt mình vào thay cho các ảnh tượng mà có lẽ mọi người đều quì gối! Nơi những công trình ấy, có thể nói rằng một số người đã tôn thờ bản thân hơn là tôn thờ Thiên Chúa! Điều chúng ta nói đây quả là đúng thực nếu như số người kia đã thực hiện các công trình của họ vì những lý do vừa nêu, mà nếu không thì hẳn họ đã không làm.

Tuy nhiên ngoài những cá nhân thuộc loại tồi tệ nhất đã nêu, còn biết bao kẻ khác đang rơi vào tệ hại này nơi các công trình của họ bằng nhiều cách thức khác nhau! Trong số những người này, kẻ thì muốn thiên hạ ca tụng họ về công trình ấy, kẻ thì muốn thiên hạ cảm ơn mình, kẻ khác thì muốn kể lại những chuyện ấy và thích thú vì kẻ nọ người kia thậm chí cả thế giới đều biết đến các công trình của họ. Đôi khi họ muốn những của họ bố thí hoặc những gì họ làm đến tai người thứ ba để thiên hạ biết rõ hơn, còn một số khác thì muốn được tất cả những gì đã nêu. Đây chẳng qua chỉ là chuyện “khua chuông gõ mõ” mà những kẻ háo danh vẫn thường làm, theo như lời Chúa Cứu Thế đã nói trong Tin Mừng (x. Mt 6,2). Chính vì thế, họ sẽ chẳng nhận được từ nơi Thiên Chúa một phần thưởng nào về các công việc họ làm.

6 - Để tránh tệ hại ấy, người ta cần che giấu các công việc mình làm hầu chỉ duy một mình Thiên Chúa nhìn thấy, chẳng nên mong được ai chú ý tới. Không những phải che giấu chúng đối với kẻ khác, người ta còn phải che giấu chúng đối với chính mình nghĩa là không được thỏa chí về chúng hoặc xem chúng là điều đáng giá, theo đúng tinh thần lời Chúa dạy: "Chớ gì tay trái của ngươi không biết được việc tay phải ngươi làm" (Mt 6,3), chẳng khác nào Chúa nói: Đừng dùng đôi mắt vật chất và xác thịt mà đánh giá công việc tâm linh ngươi đang thực hiện. Bằng cách ấy, người ta sẽ tập trung sức mạnh của lòng muốn vào Thiên Chúa và công việc của họ sinh được hoa trái trước nhan Ngài. Nhờ đó người ta sẽ không phí “công sức” mà trái lại gặt hái được “công trạng” lớn. Đây chính là ý nghĩa câu nói của ông Gióp: "Nếu tôi lặng lẽ để cho lòng bị lôi cuốn và đưa tay lên miệng mà hôn, thì đó cũng là tội ác đáng trừng phạt" (G 31,26-28). Bàn tay ở đây ám chỉ công việc đã làm và miệng ám chỉ cái lòng muốn vui thỏa nơi công việc đó. Như chúng tôi đã nói, đây là sự thỏa mãn với chính mình, nên Gióp mới nói: “Nếu lòng tôi thầm kín vui thỏa thì quả đây là một điều gian ác và chối bỏ Thiên Chúa”; nghĩa là Gióp muốn nói ông chẳng hề lặng lẽ thích chí cũng không lặng lẽ thỏa lòng.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Thứ Sáu, 11 tháng 4, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 3 - Chương 28: Nơi những điều tốt về luân lý

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 3

CHƯƠNG 28
NƠI NHỮNG ĐIỀU TỐT VỀ LUÂN LÝ

Chương này bàn về bảy thiệt hại có thể gặp phải khi để cho lòng muốn được vui thỏa nơi những điều tốt về luân lý.

1 - Người ta có thể rơi vào bảy thứ thiệt hại do vui thỏa hão huyền về các việc thiện và thói quen của mình. Các tệ hại này có tính tâm linh, vì thế chúng rất hiểm độc.

2 - Tệ hại thứ nhất là tính hão huyền, kiêu căng, chuộng hư danh và tự phụ. Thường thì người ta không thể vui thỏa về các công việc của mình mà lại không quí chuộng chúng. Từ đó sinh ra tính khoe khoang và những tính khác như những gì được nói về gã biệt phái trong Tin Mừng: Y cầu kinh và tự tán tụng trước Thiên Chúa bằng cách khoe mình đã ăn chay và làm nhiều việc lành khác (x. Lc 18,12).

3 - Tệ hại thứ hai thường gắn liền với tệ hại thứ nhất, đó là tính đoán xét. Người ta đoán xét kẻ khác bằng cách so sánh này nọ, cho rằng kẻ khác là xấu xa bất toàn, hành vi và việc làm của kẻ khác không tốt như mình. Chẳng những họ xem thường kẻ khác trong lòng mà đôi khi còn thốt ra ngoài miệng. Gã biệt phái nói trên cũng mắc khuyết điểm này khi thốt lên trong lời cầu nguyện của gã: "Con tạ ơn Chúa vì con không như những người khác: trộm cướp, bất công, ngoại tình" (Lc 18,11).

Thế là trong chỉ một động tác y đã rơi vào hai thứ tệ hại trên: Vừa tự tán dương mình vừa khinh chê kẻ khác.

Đó cũng là điều nhiều người thời nay thường làm: “Tôi chẳng giống người kia, tôi không hề làm chuyện này chuyện kia, như ông kia bà nọ đã làm”. Nhiều người còn tệ hơn gã biệt phái. Gã này không những chê bai kẻ khác mà còn chỉ thẳng vào một cá nhân: "Tôi không như tên thu thuế kia!" Còn những người nọ không dừng lại ở hai thái độ ấy mà còn tỏ ra phẫn nộ, ghen tức khi thấy người ta khen ngợi kẻ khác, khi kẻ khác làm tốt hơn hoặc trổi vượt hơn mình.

4 - Tệ hại thứ ba là do chăm chú tìm cái lý thú nơi các việc mình làm nên người ta thường chỉ làm những việc nào khiến mình thích thú và được ca ngợi. Như thế, theo lời Chúa Kitô tất cả những gì họ làm chỉ "cốt cho thiên hạ xem thấy" (Mt 23,5), chớ không phải vì lòng yêu mến Thiên Chúa.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.

Thứ Năm, 10 tháng 4, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 3 - Chương 27: Niềm vui từ các nhân đức (1) (tiếp theo)

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 3

CHƯƠNG 27
NIỀM VUI TỪ CÁC NHÂN ĐỨC (1) * (tiếp theo)

4 - Dù có vui thỏa theo hướng thứ nhất trên đây, vui thỏa về những điều tốt luân lý và các việc lành mình thực hiện được xét về mặt thế tục, người Kitô hữu vẫn không được dừng lại ở mức mà dân ngoại dừng lại. Đôi mắt linh hồn của dân ngoại không vượt qua được những chuyện mau qua của cõi phù sinh này. Còn các Kitô hữu, nhờ được ánh sáng đức tin soi dẫn, luôn hy vọng vào cuộc sống vĩnh cửu; thiếu đức tin ấy, mọi sự ở đời này và đời sau sẽ chẳng giúp ích gì cho họ. Vì thế, người Kitô hữu chỉ được vui thỏa về sự chiếm hữu và thực thi những điều tốt luân lý ấy chủ yếu và duy nhất theo hướng thứ hai, tức là làm mọi việc vì lòng yêu mến Thiên Chúa, để chúng đem lại cho họ sự sống vĩnh cửu.

Như thế, người Kitô hữu chỉ được lưu tâm và vui thỏa vì đã dùng các thói quen và nhân đức của họ để phục vụ và tôn vinh Thiên Chúa. Nếu không nhìn theo hướng ấy, các nhân đức sẽ không là gì trước nhan Thiên Chúa. Hãy xem mười trinh nữ trong Tin Mừng. Cả mười người đều giữ lòng trinh khiết và làm nhiều việc thiện, nhưng năm người trong bọn họ đã chẳng vui thỏa theo hướng thứ hai, tức là chẳng nâng sự vui thỏa nơi những điều ấy lên với Thiên Chúa. Họ đã sử dụng chúng theo hướng thứ nhất, tức là vui thỏa hão huyền chỉ vì có được những điều tốt ấy. Vì thế họ đã bị loại ra khỏi thiên đàng, chẳng hề được Đức lang quân biết ơn hay tưởng thưởng gì cả. (Mt 25,1-12). Lắm người thời xưa đã có được nhiều nhân đức và làm nhiều việc lành và lắm Kitô hữu thời nay cũng đang có được các nhân đức và đang làm những chuyện vĩ đại. Thế nhưng những thứ ấy sẽ chẳng giúp họ đạt tới sự sống đời đời nếu họ không mưu cầu vinh quang và danh dự cho một mình Thiên Chúa nơi các điều đó.

Như vậy, người Kitô hữu có vui thỏa vì làm được nhiều việc lành hoặc đã noi theo những tập tục đáng khen chính là bởi họ đã làm những điều ấy vì yêu mến Chúa chứ không vì nguyên do nào khác. Phần thưởng dành cho kẻ làm những điều tốt lành ấy chỉ nhằm phục vụ Thiên Chúa lớn lao chừng nào thì trước nhan Chúa sự tủi hổ dành cho kẻ làm các điều ấy vì những động cơ khác cũng lớn lao chừng nấy.

5 - Muốn cho niềm vui nơi những điều tốt luân lý được hướng về Thiên Chúa, người Kitô hữu phải xác tín rằng giá trị các việc lành của họ như chay tịnh, bố thí, hãm mình, cầu nguyện vv... không hệ tại số lượng hay phẩm chất của chúng mà hệ tại tình yêu mến Thiên Chúa được thể hiện nơi đó. Như thế các việc này sẽ càng cao cả hơn khi ta làm với một lòng yêu mến Thiên Chúa tinh tuyền trọn vẹn hơn; và cũng là khi ta ít muốn tìm sự vui thỏa, an ủi hoặc tán dương ở đời này cũng như đời sau. Ta không được để lòng mình dừng lại nơi cái thích thú, an ủi và ngọt ngào cũng như các lợi ích khác vốn thường đi kèm với việc tập luyện và các việc tốt lành khác, nhưng hãy dồn sự vui thỏa vào Thiên Chúa, khát khao dùng chúng để phụng sự Ngài. Nhờ thanh tẩy lòng muốn, giữ mình khỏi tìm vui thỏa nơi những điều thiện luân lý, họ âm thầm khao khát chỉ làm thỏa lòng một mình Thiên Chúa và vui thích với những việc tốt lành ấy. Ta sẽ chẳng quan tâm hay thích thú điều gì khác ngoài danh dự và vinh quang Thiên Chúa. Như thế, tất cả sức mạnh của lòng muốn liên quan đến những điều tốt luân lý ấy ta đều dồn hết vào Thiên Chúa.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Thứ Tư, 9 tháng 4, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 3 - Chương 27: Niềm vui từ các nhân đức (1)

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 3

CHƯƠNG 27
NIỀM VUI TỪ CÁC NHÂN ĐỨC (1) *

Chương này bàn về bản chất những điều tốt về mặt luân lý, tức là loại thứ tư, và về việc lòng muốn có thể được phép vui thỏa nơi những điều ấy cách nào.

1 - Loại điều tốt thứ tư có thể khiến cho lòng muốn vui thỏa là điều tốt về mặt luân lý. Những điều tốt về mặt luân lý ở đây được hiểu là các nhân đức và thói quen về mặt luân lý, việc tập luyện một nhân đức nào đó hay việc thực thi bác ái, việc tuân giữ luật Thiên Chúa, sự khôn ngoan ở đời và mọi sự tập luyện để có được bản tính và khuynh hướng tốt.

2 - Như thế, một khi đã được sở hữu và tập luyện, có lẽ những điều tốt về mặt luân lý này đáng cho lòng muốn vui thỏa hơn bất cứ loại nào trong ba loại nói trên. Người ta có thể vui thỏa về những điều tốt ấy vì một trong hai lý do sau đây hoặc do cả hai lý do hợp lại, hoặc vì các điều ấy vốn tốt lành hoặc vì chúng là phương thế mang lại điều tốt cho ta.

Chúng ta đã thấy rằng việc chiếm hữu ba loại điều tốt nói trên chẳng đáng để cho lòng muốn vui thỏa. Tự chúng, chúng chẳng có gì tốt lành, cũng chẳng mang lại điều tốt lành cho ai, bởi chúng rất dòn mỏng và chóng qua. Nói rõ hơn, chúng chỉ sinh ra nhiều đau đớn muộn phiền sầu não trong tâm trí. Mặc dù chúng cũng đáng để người ta vui thỏa đôi chút theo hướng thứ hai, tức là vì có thể vận dụng chúng để đến với Thiên Chúa, tuy nhiên chuyện này cũng rất bấp bênh, bởi như chúng ta thường thấy, chúng có thể gây thiệt hại hơn là lợi ích cho người sử dụng chúng.

Còn những điều tốt về mặt luân lý thì ngay với lý do thứ nhất, tức là bản chất chúng vốn tốt, chúng đã đáng cho người sở hữu chúng vui thỏa đôi chút, vì chúng đem lại an bình thư thái, lý trí được sử dụng trật tự và đúng đắn, mọi hoạt động ăn khớp với nhau. Xét về phương diện phàm nhân, người ta không thể đạt được điều gì tốt hơn chúng ở đời này.

3 - Nói theo góc độ nhân loại, các nhân đức tự chúng đáng được yêu mến và quí chuộng cho nên người ta có thể vui thỏa cách chính đáng vì mình sở hữu chúng. Người ta cũng có thể thực hành các nhân đức ấy, vì tự bản chất chúng vốn tốt và còn mang lại điều tốt cho người ta, cả trên bình diện nhân bản lẫn trần thế. Theo cách này và vì lẽ ấy, các triết gia, các hiền giả và lãnh chúa thời xưa đã quí chuộng, ca tụng và cố gắng sở hữu và thực hành các nhân đức. Vì còn là lương dân, họ tìm cách đạt được và thực hành các nhân đức chỉ vì những lợi ích vật chất, trần thế và tự nhiên mà họ biết các nhân đức sẽ đem lại cho họ. Dù vậy không những họ gặt hái được những điều tốt và tiếng tăm về mặt vật chất, mà còn được Thiên Chúa chúc lành, vì Ngài vốn yêu mến tất cả những gì là tốt lành, cả nơi những người bán khai và dân ngoại. Như lời trong sách Khôn Ngoan, Thiên Chúa là Đấng "chẳng hề ngăn cản bất cứ công việc lành nào" (Kn 7,2), Thiên Chúa ban cho họ được gia tăng tuổi thọ, danh dự, chủ quyền và bình an như Ngài đã từng làm cho dân Rôma vì dân này đã chấp hành luật lệ tốt. Chính Ngài đã qui phục hầu như toàn thể thế giới cho họ, trả cho họ phần thưởng vật chất vì những phong tục tốt của họ mặc dù, do còn chưa chịu tin Ngài, họ không thể lãnh phần thưởng đời đời.

Thiên Chúa rất yêu quí những điều tốt về mặt luân lý này nên Ngài rất mực hài lòng về Salômôn nguyên vì một việc ông xin Ngài ban cho ông được khôn ngoan để có thể giáo hóa dân chúng, cai trị họ cách công minh và dạy họ những phong tục tốt lành. Chính Thiên Chúa đã phán với Salômôn rằng bởi lẽ ông đã không xin Ngài ban của cải và danh dự, nhưng lại xin được ơn khôn ngoan vì mục đích trên, nên Ngài đã ban cho ông điều ấy và cả những thứ ông không xin Ngài, đến nỗi về điều này Salômôn vượt trội tất cả các vị vua trước và sau ông (x. 1V 3,11-53).

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Thứ Ba, 8 tháng 4, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 3 - Chương 26: Lợi ích khi biết khước từ (tiếp theo)



ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 3

CHƯƠNG 26
LỢI ÍCH KHI BIẾT KHƯỚC TỪ (tiếp theo)

6 - Do đó, với kẻ đã tinh tuyền, thì mọi sự dù cao hay thấp, đều sinh ích lợi và giúp thêm tinh tuyền hơn nữa; ngược lại, kẻ ô uế thì dù gặp chuyện cao hay thấp, lớn hay nhỏ, đều tự rút lấy cái xấu xa từ sự ô uế của chúng. Ai không lướt thắng được sự vui thỏa theo mê thích sẽ không hưởng được cái thanh thoát, cái vui thỏa nơi Thiên Chúa giữa đời thường qua trung gian các thụ tạo của Ngài. Ai không còn sống theo giác quan thì mọi hoạt động thuộc các giác quan và các quan năng của họ đều được hướng tới sự chiêm niệm Thiên Chúa. Quả thực, theo nền triết học lành mạnh, “hoạt động của mỗi vật luôn phù hợp với hữu thể hay nếp sống của nó”. Nếu linh hồn nào đã biết hãm dẹp nếp sống thú tính để sống đời tâm linh thì nhất định sẽ cùng mọi sự thảnh thơi tiến đến Thiên Chúa, bởi lẽ mọi hành vi và chuyển động tâm linh của người ấy đều tuôn trào từ sức sống tâm linh. Do đó, nhờ trái tim tinh tuyền, người ấy sẽ tìm được nơi mọi sự cái nhận thức về Thiên Chúa đầy vui vẻ, dịu ngọt, trong trắng, tinh khiết, đầy tâm linh, nhẹ nhàng và trìu mến.

7 - Từ những gì nói trên, tôi suy ra nguyên tắc sau đây: Cần phải chối bỏ sự vui thỏa và sự thích thú nơi những điều tốt khả giác ngõ hầu kéo linh hồn ra khỏi nếp sống cảm giác cho tới khi tập cho giác quan quen với sự thanh tẩy khỏi sự vui thỏa khả giác, đến nỗi ngay từ chuyển động đầu tiên, họ đã rút ra được những lợi ích nói trên (tức qui hướng mọi vật về cho Thiên Chúa ngay). Phải sợ rằng, vì chưa phải là thuần tâm linh, từ những thứ vui thỏa ấy người ta sẽ rút ra sự thỏa mãn và sức mạnh cho giác quan hơn là cho tinh thần. Phải sợ rằng sức mạnh khả giác sẽ lấn lướt khiến nhục dục được dưỡng nuôi, củng cố và sẽ lớn mạnh thay vì giảm sút. Như lời Chúa Cứu Thế đã phán: "Sự gì sinh bởi xác thịt là xác thịt, sự gì sinh bởi tâm linh là tâm linh" (Ga 3,6). Cần nghiền ngẫm đào sâu lời ấy vì nó rất đúng. Ai chưa diệt trừ được cái thích thú với những điều khả giác thì chớ mong vận dụng được nhiều sức mạnh và hoạt động của giác quan để phục vụ tâm linh. Năng lực linh hồn sẽ tăng mạnh nhờ sự loại bỏ sức mạnh khả giác, nhờ sự dập tắt những vui thỏa và mê thích đối với những điều khả giác hơn là nhờ sự vận dụng chúng như người ta mong muốn.

8 - Không cần nêu ra đây những ơn lành của vinh quang đời sau Chúa dành cho những người chối từ sự vui thỏa này. Chỉ cần nhắc đến những đặc điểm thể chất của vinh quang ấy, chẳng hạn sự nhanh nhẹn và sáng chói, sẽ tuyệt vời hơn nhiều so với những kẻ đã lạm dụng sự vui thỏa ấy. Hơn nữa, vinh quang cốt yếu của linh hồn họ sẽ cao vượt hơn nhiều, bởi lẽ vinh quang ấy tỉ lệ với tình yêu họ dành cho Thiên Chúa, là tình yêu đã giúp họ chối bỏ những thú vui khả giác ấy. Như lời thánh Phaolô: Mỗi sự vui thỏa chốc lát chóng tàn mà họ đã chối từ sẽ "làm nên nơi họ mãi mãi một sức nặng vinh quang khôn lường" (2Cr 4,17).

Tôi sẽ không nói thêm ở đây những lợi ích khác về luân lý, về vật chất cũng như tâm linh đi kèm với sự khước từ những vui thỏa này, bởi khi đề cập các sự vui thỏa khác trước đây tôi đã nói rồi. Chỉ xin nói rằng những ích lợi ấy thuộc cấp độ siêu việt hơn, bởi lẽ những sự vui thỏa khả giác gắn chặt với bản tính tự nhiên hơn, cho nên khi chối bỏ chúng người ta gặt hái được một sự tinh tuyền thâm sâu hơn.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Thứ Hai, 7 tháng 4, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 3 - Chương 26: Lợi ích khi biết khước từ



ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 3

CHƯƠNG 26
LỢI ÍCH KHI BIẾT KHƯỚC TỪ

Chương này bàn về những lợi ích tâm linh và vật chất linh hồn có được khi khước từ sự vui thỏa nơi những điều khả giác.

1 - Chối bỏ sự vui thỏa nói trên đây, linh hồn sẽ thu gặt được nhiều lợi ích kỳ diệu cả về phương diện tâm linh 
lẫn vật chất.

2 - Lợi ích thứ nhất: nhờ rút khỏi sự vui thỏa nơi những điều khả giác, linh hồn tu chỉnh lại bản thân, giảm bớt sự chia trí đã mắc phải do dùng giác quan vô độ. Họ lắng lòng tập trung vào Thiên Chúa; giữ vững các nhân đức đã đạt được. Nhân đức lớn mạnh và linh hồn tiến nhanh.

3 - Lợi ích tâm linh thứ hai linh hồn đạt được nhờ chẳng muốn tìm vui thỏa nơi điều khả giác quả là tuyệt vời. Có thể nói rất thật rằng từ chỗ ham nhục dục họ trở nên người tâm linh, từ thú vật trở thành loài có lý trí, và hơn nữa, từ phận người tiến tới trạng huống thiên thần, từ chỗ là người phàm dưới đất thành thần linh thượng giới. Thật vậy, những kẻ tìm vui thích nơi các vật khả giác và đặt sự thỏa mãn của họ vào đó thì chỉ đáng gọi bằng những thứ chúng ta đã nói, là: nhục dục, thú tính và vật chất vv... Ngược lại, khi biết vượt lên trên những sự vật khả giác ấy, họ đáng được gọi bằng những tước hiệu cao quí, là: sống theo tâm linh, thuộc về thiên giới vv...

4 - Điều này thật hiển nhiên. Theo lời thánh Tông đồ (Gl 5,17), việc vận dụng các giác quan và sức mạnh của nhục dục mâu thuẫn với sức mạnh và việc thao luyện tâm linh cho nên hễ sức mạnh của bên này yếu kém và suy nhược đi thì bên kia sẽ tăng lên, bởi không còn đối thủ cản ngăn việc tăng trưởng nữa. Do đó, chính khi làm cho tâm linh nên hoàn thiện (tâm linh tức phần thượng đẳng của linh hồn vốn thường chiêm ngắm Thiên Chúa và thông giao với Ngài) người ta sẽ đáng nhận được tất cả những thuộc tính nói trên bởi nó đã kiện toàn trong những điều tốt và ân huệ tâm linh và thiên giới được Thiên Chúa ban. Thánh Phaolô đã minh chứng về cả hai loại người nói trên (1Cr 2,14-15), ngài gọi con người nhục cảm, tức con người chỉ lo sử dụng lòng muốn mình vào những vật khả giác, "là thú vật, không thấu hiểu được các vấn đề thuộc về Thiên Chúa", còn người biết nâng lòng muốn lên với Thiên Chúa thì ngài gọi là "con người sống theo Thần Khí, xét đoán được mọi sự" (1Cr 2,14). Và như thế ở đây linh hồn rút được mối lợi diệu kỳ là tư thế sẵn sàng để lãnh nhận những điều tốt của Thiên Chúa và các ân huệ tâm linh.

5 - Lợi ích thứ ba là sự hưởng nếm và vui thỏa của lòng muốn đối với những sự vật trần thế lại được tăng lên vô hạn, như lời Chúa Cứu Thế đã phán: "Ngay ở đời này họ sẽ được hoàn lại gấp trăm lần" (Mt 19,29). Thành thử nếu bạn từ chối một sự vui thỏa, Thiên Chúa sẽ ban cho bạn gấp trăm ngay ở đời này, cả về tâm linh lẫn vật chất. Ngược lại, nếu chiều theo một sự vui thỏa dành cho những sự vật khả giác nói trên, bạn sẽ phải chịu cả trăm nỗi phiền muộn và cay đắng. Từ đôi mắt đã được thanh tẩy khỏi những sự vui thỏa của thị giác, linh hồn được hưởng sự vui thỏa tâm linh, nhìn điều gì, dù thuộc phạm vi thần linh hay thế tục, cũng thấy lòng hướng lên Thiên Chúa. Từ thính giác đã được thanh tẩy khỏi những vui thỏa khi nghe chuyện này chuyện nọ, linh hồn sẽ được hưởng sự vui thỏa tâm linh lớn gấp trăm, vì nghe điều gì, dù thuộc phạm vi tâm linh hay phàm tục, cũng đều thấy lòng hướng lên Thiên Chúa. Nơi các giác quan khác đã được thanh tẩy, cũng y như thế. Như xưa, lúc còn trong tình trạng “ngây thơ vô tội”, tất cả những gì ông bà nguyên tổ chúng ta đã xem, đã nói, đã ăn... trong vườn địa đàng đều giúp họ vui sướng gấp bội khi chiêm ngắm Thiên Chúa, bởi phần khả giác đã được qui phục và tuân theo lý trí. Cũng thế, người nào giác quan đã được thanh tẩy khỏi mọi sự vật khả giác và phục tùng lý trí thì ngay từ rung động đầu tiên đã nhận được cái thích thú của sự chú tâm chiêm ngắm Thiên Chúa đầy ngọt ngào.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Chủ Nhật, 6 tháng 4, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 3 - Chương 25: Nơi điều tốt khả giác (tiếp theo)

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 3

CHƯƠNG 25
NƠI ĐIỀU TỐT KHẢ GIÁC (tiếp theo)

6 - Sự vui thỏa nơi xúc giác thích mân mê những vật thể mềm mại còn mang lại nhiều tệ hại độc địa hơn, khiến các giác quan dễ lệch lạc và dập tắt mất năng lực tâm linh. Từ đó, nó sẽ phát sinh ra thói xấu gớm ghiếc là sự nhu nhược và kích động tùy theo cường độ sự vui thỏa đó. Nó tạo ra tính ham nhục dục, khiến tâm linh thành yểu điệu và nhút nhát, giác quan lừa dối, sẵn sàng phạm tội và gây ra tệ hại; nó làm lòng đầy sự vui thỏa và hoan lạc hão huyền, buông lỏng miệng lưỡi, thả cho mắt mặc sức dòm ngó, làm mê hoặc và cùn nhụt các giác quan khác tùy theo cường độ của sự mê thích. Nó cản trở, khiến trí phán đoán bị tắc nghẽn, vì chỉ còn dựa trên những sự điên rồ và ngu dốt tâm linh đồng thời đẻ ra sự buông lỏng và hay thay đổi về mặt luân lý. Tâm hồn bị tối tăm và bạc nhược khiến người ta sợ hãi cả khi chẳng có gì đáng sợ. Đôi khi sự vui thỏa ấy còn gây ra một tâm linh hỗn độn và tính vô cảm nơi lương tâm và tâm trí. Từ đó nó khiến cho lý trí bị suy nhược nhiều và đi tới chỗ không còn biết cách tiếp nhận hoặc trao ban lời khuyên bảo, không còn khả năng lĩnh nhận những điều tốt về mặt tâm linh lẫn luân lý, trở thành vô dụng như một cái bình vỡ.

7 - Tất cả các tệ hại nêu trên đều phát xuất từ thứ vui thỏa chúng tôi đã nói, nặng nhẹ khác nhau tùy người, tùy cường độ của sự vui thỏa cũng như tùy sự dễ dãi, sự yếu nhược, tính hay thay đổi của từng người. Một số tính khí thì chỉ với một dịp nhỏ, vẫn phải hứng chịu nhiều thiệt hại hơn những kẻ khác bị rơi vào dịp hệ trọng hơn.

8 - Cuối cùng, sự vui thỏa thuộc loại xúc giác này có thể dẫn đến đủ thứ xấu xa và tệ hại do tìm vui thỏa nơi những điều tốt tự nhiên như chúng tôi đã đề cập. Tôi không muốn nhắc lại ở đây, đồng thời cũng không bàn đến nhiều thiệt hại khác do sự vui thỏa ấy mang tới chẳng hạn sự bỏ bê việc linh thao và hãm mình đền tội, bị nguội lạnh và thiếu sùng mộ đối với việc lãnh nhận Bí tích Hòa giải và Thánh Thể.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Lời tha thứ dịu dàng




LỜI THA THỨ DỊU DÀNG

Câu chuyện về người phụ nữ ngoại tình được kể lại trong Tin mừng theo thánh Gio-an 8,1-11 là một trong những câu chuyện nói lên cách ứng xử tuyệt vời của Chúa Giê-su, phát xuất từ tấm lòng khoan dung nhân ái đối với kẻ có tội.

Bài Tin mừng này cho chúng ta thấy hình ảnh một Đức Giê-su trầm tư, ít nói; khác hẳn với hình ảnh của một Đức Giê-su dõng dạc hùng hồn trong khi giảng dạy hay khi tranh luận với những kẻ tự xưng là thánh thiện đạo đức, là khôn ngoan thông thái trong dân. Các thái độ tương phản này phần nào cho chúng ta thấy cá tính của Đức Giê-su: Ngài rất kiên quyết khi quảng bá và đấu tranh cho sự thật, nhưng đồng thời cũng rất dịu dàng và rất khoan dung đối với những ai nhận ra thân phận hèn yếu của mình.

Khi bị bắt, người phụ nữ ngoại tình đã cầm chắc cái chết trong tay, vì Luật Mô-sê đã qui định hễ ai phạm tội ngoại tình thì phải bị ném đá cho đến chết. Chị bị bắt quả tang tại trận, không cách gì chối cãi được. Tội của chị đáng chết. Đúng ra những kẻ bắt chị đã có thể thi hành án xử mà không cần phải dẫn chị đến với Chúa Giê-su, nhưng đây là một cơ hội hiếm có để họ cho Chúa Giê-su vào tròng, hầu có thể tố cáo Ngài. Khi bị các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đi, lòng chị vẫn không mảy may hy vọng thoát chết, vì tội của chị đã rành rành. Và có lẽ chị cũng chẳng biết họ muốn dẫn chị đi đâu nữa. Chị chỉ biết chắc một điều là mình sẽ phải chết. Chết ở nơi đây, hay chết ở nơi kia thì có khác gì nhau đâu! Chị bước đi, chẳng nói chẳng rằng, như một cái xác không hồn. Mà thật sự chị sắp trở thành một cái xác không hồn trong khoảnh khắc nữa thôi, nếu không có sự xuất hiện của một người đàn ông mà dân chúng gọi là Thầy Giê-su.

***

Họ dẫn chị đến trước mặt Ngài, bắt chị đứng ở giữa, rồi bắt đầu phiên xử. Các kinh sư và người Pha-ri-sêu đã nắm chắc phần thắng trong tay. Họ hài lòng vì mình bắn một mũi tên mà được cả hai con chim, đáng bõ công cho họ rình rập săn đuổi! Người đàn bà thì đã nắm chắc phần thua ngay từ đầu trận. Chỉ còn Chúa Giê-su. Ngài đang nghĩ gì và Ngài sẽ làm gì trong cái thế gọng kìm này?

Đối diện với Chúa Giê-su là một phụ nữ tuyệt vọng chờ chết. Tội chị rành rành ra đấy. Đối với con người thì đã là vô phương cứu chữa. Nhưng may mắn thay cho chị, trước mặt chị là Đấng được mệnh danh là “Chiên Thiên Chúa”, là “Đấng xóa bỏ tội trần gian”. Ngài xót thương cho số phận bi đát của chị. Ngài muốn cứu chị khỏi án chết trước mắt, và nhất là Ngài muốn cứu chị khỏi án chết muôn đời mai sau. Ngài sẽ cứu chị, đồng thời Ngài cũng sẽ cho những kẻ muốn ám hại Ngài một cơ hội nhìn lại bản thân họ: Chị ta xấu thật đấy. Nhưng không chừng các ông lại còn xấu xa hơn chị bội phần! Tội chị thì ai cũng thấy, vì chị ta không khéo che đậy. Còn tội các ông thì thiên hạ ít người nhận ra, bởi các ông khéo tô son trát phấn cho chúng. Đã đến lúc các ông phải nhìn lại mình rồi đấy!

Chúa Giê-su im lặng suy nghĩ. Ngài cúi xuống lấy tay viết lên mặt đất để khỏi đưa ra lời phán quyết. Ngài không ngây thơ rơi vào bẫy của các kinh sư và người Pha-ri-sêu như họ tưởng. Chuyện đơn giản, hóa ra chẳng giản đơn tí nào! Họ nóng lòng thúc giục Chúa Giê-su lên tiếng. Thôi được, nếu các ông muốn tôi nói, thì hãy nghe đây: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.”

Các kinh sư và người Pha-ri-sêu không ngờ cuộc diện lại thay đổi đột ngột đến thế. Từ chỗ nắm dao đằng cán, bây giờ họ lại phải nắm lấy lưỡi dao do chính mình đưa ra, không khéo lại đứt tay chảy máu. Thế là hỏng bét! Ai khôn hồn thì chuồn sớm. Họ lần lượt bỏ đi, không kèn không trống!

Chỉ còn lại hai người trên hiện trường. Chúa Giê-su và người phụ nữ. Đấng có quyền tha tội và người đã lỡ lầm phạm tội. Chúa Giê-su ngẩng nhìn lên. Người phụ nữ hồi hộp chờ đợi. Đây là người cuối cùng có thể kết án chị. Nếu có chết, chị cũng chẳng giận hờn gì. Nhưng không, không có lời kết án nào cả, mà chỉ là một câu nói dịu dàng: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?” và một câu nói nhẹ nhàng tiếp theo: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa.”

***

Lạy Chúa Giê-su, Chúa thật là tuyệt diệu. Chúa đã không cần nói lời tha tội cho người phụ nữ ngoại tình. Với tấm lòng nhân ái bao dung và hết sức xót thương, Chúa đã hiểu thấu tình cảnh tuyệt vọng của chị. Tội của chị đang đè nặng lên chị. Chị quá thấm thía hậu quả của nó. Không thấm thía sao được khi vì phạm tội mà phải đứng kề bên cái chết. Chúa thật là tế nhị khi không xoáy thêm vào nỗi đau của chị. Đối với kẻ ngoan cố, Chúa thật là cứng rắn. Còn đối với chị, Chúa thật là dịu dàng biết bao. Chúa biết chị cần những lời động viên nhẹ nhàng hơn là những lời giáo huấn dài dòng. Chúa đã đáp ứng cho thân xác rũ rượi và con tim tan nát của chị.

Lạy Chúa, xin ban cho con một trái tim nhạy cảm, một trí óc sáng suốt, những lời nói chân tình và những hành động tế nhị, để con có thể giúp đỡ những anh chị em của con trong những lúc họ sa cơ lỡ bước. Xin cho con biết ứng xử một cách linh hoạt tuỳ theo từng đối tượng mà con tiếp xúc, để họ tìm thấy nơi con một sự cảm thông có thể giúp họ đứng lên và tiếp tục tiến bước trên đường đời. Amen!

Thứ Bảy, 5 tháng 4, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 3 - Chương 25: Nơi điều tốt khả giác

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 3

CHƯƠNG 25
NƠI ĐIỀU TỐT KHẢ GIÁC

Chương này bàn về những thiệt hại linh hồn phải chịu một khi để cho lòng muốn được vui thỏa nơi những điều tốt khả giác.

1 - Trước hết, nếu linh hồn không đặt mình vào tăm tối, không dập tắt sự vui thỏa có thể nảy sinh từ các sự vật khả giác, không qui nó về Thiên Chúa thì sẽ gặp phải mọi thứ tệ hại chung mà chúng tôi đã nói, phát sinh do bất cứ thứ vui thỏa nào khác, tức là từ những sự vật khả giác. Những tệ hại ấy là: lý trí bị tăm tối, tâm linh bị nguội lạnh và chán chường... Đặc biệt phải nói rằng thứ vui thỏa này còn có thể khiến linh hồn trực tiếp rơi vào nhiều tệ hại cả về mặt tâm linh, thể chất lẫn khả giác.

2 - Thứ nhất, do chẳng chịu chối bỏ sự vui thỏa nơi các thụ tạo hữu hình để tiến lên với Thiên Chúa, người ta có thể tiếp tục rơi vào sự hão huyền trong tâm, lơ đãng trong trí, lòng ham hố vô trật tự, tính thiếu lương thiện, buông xuôi cả nội tâm lẫn bên ngoài, nhơ uế trong tư tưởng, và tính ghen tỵ.

3 - Sự vui thỏa vì nghe những chuyện vô ích sẽ trực tiếp đưa đến tưởng tượng bị lệch lạc dẫn đến tính nói hành, tính ghen tuông, xét đoán bừa bãi, tư tưởng hỗn độn và tự đấy sẽ nảy sinh ra hằng loạt những tệ hại gớm ghiếc khác.

4 - Sự vui thỏa với những hương vị dịu dàng sẽ khiến ta ghê tởm kẻ nghèo khổ, là điều đi ngược với giáo lý Chúa Kitô, ngược với tinh thần phục vụ, lòng không thuận phục trong những điều khiêm nhường, vô cảm tâm linh, ít nhiều tùy theo mức độ mê thích.

5 - Sự vui thỏa với các món ăn ngon sẽ trực tiếp làm phát sinh ra tính tham ăn và say sưa, giận dữ, bất hòa, thiếu bác ái với cận nhân và những kẻ nghèo khổ, tựa gã giàu trong Tin Mừng ngày nào cũng yến tiệc linh đình trước mắt anh chàng nghèo khổ Lazarô (Lc 16,19). Từ đó sẽ phát sinh những hỗn loạn thể xác, các tật bệnh và những xung động xấu xa do sự gia tăng những khích thích của thói ham nhục dục. Điều ấy cũng trực tiếp tạo ra sự ươn lười thậm tệ, tắt mất niềm hâm mộ các thực tại tâm linh đến nỗi người ta không còn khả năng hưởng nếm hoặc lưu tâm suy luận đến chúng nữa. Sự vui thỏa này cũng tạo nên sự lệch lạc nơi các giác quan khác cũng như nơi tâm hồn, đưa đến chỗ bất mãn đối với nhiều việc.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Thứ Sáu, 4 tháng 4, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 3 - Chương 24: Những điều tốt thuộc cảm tính (tiếp theo)

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 3

CHƯƠNG 24
NHỮNG ĐIỀU TỐT THUỘC CẢM TÍNH (tiếp theo)

5 - Vì thế, tôi muốn đưa ra đây một quy tắc giúp nhận biết khi nào các hoan lạc giác quan nói trên mang lại lợi ích và khi nào không. Nếu mỗi lần nghe một điệu nhạc, thấy những gì đẹp mắt, ngửi được mùi hương thơm dịu, nếm những vị lạ hoặc có được vuốt ve âu yếm tinh tế nào đó, mà ngay lập tức, ngay từ rung động đầu tiên lòng muốn đã hướng nhận thức và tâm tình lên Thiên Chúa, và nghiệm thấy chính nhận thức này đem lại thích thú hơn là cái nguyên nhân khả giác đã gây nên thích thú ấy, đồng thời thấy hương vị khả giác gây thích thú chỉ vì động cơ ấy, thì đúng là dấu hiệu cho thấy họ đang thu lượm được lợi ích từ những hoan lạc nói trên và ấn tượng khả giác đã giúp ích cho tâm linh. Trong trường hợp này, ta có thể sử dụng những yếu tố khả giác ấy bởi chúng phục vụ cho các mục đích mà vì đó Thiên Chúa đã tạo ra và ban chúng cho ta, tức là, nhờ chúng người ta được nhận biết và yêu mến Thiên Chúa nhiều hơn.

Ở đây nên hiểu rằng những người rút được cái kết quả tâm linh tinh tuyền đang nói đây, thường không ao ước nó và cũng không bận tâm tới nó. Tuy nhiên khi nó xuất hiện, họ sẵn lòng tiếp nhận vì nó mang lại cho họ niềm hoan lạc nơi Thiên Chúa. Như thế, họ chẳng nhọc công tìm kiếm nó và nếu nó có xảy đến với họ, lòng muốn của họ lập tức để nó qua một bên và hướng về Thiên Chúa.

6 - Dù các “duyên cớ” khả giác này giúp họ đến với Thiên Chúa, những người ấy ít bận tâm đến chúng, vì tâm linh họ đã đạt tới chỗ mau mắn hướng mọi sự về Thiên Chúa. Họ đã bị cuốn hút, được nuôi dưỡng và được no thỏa bằng Thần khí Thiên Chúa, đến nỗi chẳng còn điều gì bên ngoài lôi cuốn được họ hoặc có thể khiến họ thèm khát. Nếu họ có ước ao điều gì để giúp họ nâng hồn lên với Thiên Chúa thì lập tức sau đó họ cũng gạt nó qua một bên, quên ngay, chẳng lưu tâm gì đến nữa.

Những ai không cảm nhận được sự tự do tâm linh như vậy đối với những sự vật và những thích thú khả giác nói trên, và để cho lòng muốn dừng lại tìm vui thỏa nơi chúng, nhất định chúng sẽ gây tác hại. Họ cần phải từ khước chúng. Mặc dầu theo lý mà xét, họ cũng muốn nhờ chúng giúp họ đến với Thiên Chúa nhưng chắc chắn chúng sẽ gây cản trở hơn là giúp đỡ bởi họ mê thích vui hưởng chúng dựa theo yếu tố khả giác, họ chỉ tìm sự thích thú hợp với khuynh hướng của họ, vì thế sẽ thiệt hại nhiều hơn lợi ích. Khi thấy mình bị sự mê thích những chuyện giải trí như thế thống trị, ta phải dẹp bỏ ngay, bởi sự mê thích ấy càng mạnh, ta càng bất toàn và yếu nhược.

7 - Vậy, trước bất cứ sự thích thú nào thuộc giác quan, dù là tình cờ dù là chủ tâm, người sống theo tâm linh chỉ được hưởng dụng nó vì Thiên Chúa bằng cách nâng sự vui thỏa của linh hồn lên cùng Ngài. Có thế, sự vui thỏa này mới trở thành hữu dụng, sinh ích và hoàn hảo. Cần nhớ rằng sự vui thỏa mà không kèm theo sự chối bỏ và hủy diệt như thế đối với mọi thú vui khác, dù nó liên can đến những điều có vẻ rất cao nhã, nó cũng chỉ là hão huyền, vô ích và ngăn cản không cho lòng muốn được nên một với Thiên Chúa.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Thứ Năm, 3 tháng 4, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 3 - Chương 24: Những điều tốt thuộc cảm tính

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 3

CHƯƠNG 24
NHỮNG ĐIỀU TỐT THUỘC CẢM TÍNH

Chương này bàn về những điều tốt loại thứ ba mà lòng muốn có thể lấy làm vui thỏa. Về bản chất và phân loại các điều ấy đồng thời đưa ra phương thế giúp nâng lòng muốn lên với Thiên Chúa bằng cách tự thanh tẩy khỏi sự vui thỏa này.

1 - Tiếp theo đây xin bàn tới loại thứ ba trong những điều tốt có thể khiến lòng muốn vui thỏa, tức là những điều tốt thuộc cảm tính. Những điều tốt thuộc cảm tính chúng tôi nói đến ở đây bao gồm tất cả mọi thứ ở đời này, mọi thứ có thể đập vào các giác quan bên ngoài như thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác cũng như đập vào quan năng bên trong của óc tưởng tượng suy luận. Nói tắt là tất cả những gì thuộc về các giác quan thể chất, cả bên trong lẫn bên ngoài.

2 - Để thanh tẩy lòng muốn và giúp nó chối từ không tìm vui thỏa nơi các đối tượng khả giác ấy, đồng thời biết nhờ chúng mà hướng lòng lên với Thiên Chúa, cần nhắc lại một sự thật đã nói tới nhiều lần. Ấy là, cảm quan nơi phần hạ đẳng của con người mà chúng ta đang bàn không biết và không thể biết được đích thực về Thiên Chúa. Mắt không thể xem thấy Thiên Chúa hoặc sự vật gì giống như Ngài, tai không thể nhận ra tiếng Thiên Chúa hoặc thanh âm nào giống Ngài, mũi không thể nào ngửi thấy được một mùi thơm dịu dàng đến thế, lưỡi không thể nếm được một vị đậm đà cao nhã đến thế, xúc giác cũng không thể cảm nhận được một sự vuốt ve âu yếm tế nhị và khoan khoái đến thế, hoặc bất cứ thứ gì giống thế. Không hình thể hình dạng nào biểu thị được Thiên Chúa để cho tư tưởng hoặc trí tưởng tượng có thể nắm bắt được, như lời nói của ngôn sứ Isaia: "Điều mắt chưa hề xem, tai chưa hề nghe, lòng chưa hề tưởng nghĩ tới" (Is 64,4; x. 1Cr 2,9).

3 - Cần lưu ý rằng: Các giác quan có thể lãnh nhận được thích thú và hoan lạc hoặc từ phía tâm linh (nhờ vào một sự thông giao nào đó mà chúng nhận được từ Thiên Chúa nơi nội tâm) hoặc từ những sự vật bên ngoài. Như tôi nói, phần cảm giác của con người không thể biết được Thiên Chúa dù qua nẻo tâm linh hay nẻo giác quan. Phần cảm giác vốn bất lực, chỉ có thể nhận lãnh yếu tố tâm linh theo cách thức khả giác và cảm tính mà thôi. Do đó, quả là hão huyền khi để cho lòng muốn dừng lại tìm vui thỏa nơi những thú vị phát sinh từ một trong hai nhận thức ấy, vì ít nhất điều này sẽ gây cản trở khiến lòng muốn không tập trung năng lực vào Thiên Chúa, không đặt sự vui thỏa của nó nơi một mình Ngài. Ta chỉ có thể làm trọn được điều ấy khi biết thanh tẩy lòng muốn và đặt nó vào tăm tối, không còn tìm vui thỏa nơi những điều tốt loại ấy cũng như những điều khác tương tự.

4 - Tôi đã rất cố ý khi nói rằng quả là hão huyền nếu sự vui thỏa dừng lại nơi bất cứ sự nhận thức nào được đề cập ở trên. Bởi lẽ một khi lòng muốn cảm thấy thú vị về điều nó nghe, thấy hay sờ mó, mà không ngừng lại ở đó nhưng tự nâng mình lên tới Thiên Chúa khiến điều đã nhận thức trở nên một động lực và sức mạnh cho lòng muốn, thì quả là điều rất tốt đẹp. Lúc đó chẳng những không phải tránh né những xúc cảm ấy, khi chúng gây nên lòng sùng mộ và nguyện cầu, mà trái lại, còn có thể, và thậm chí còn phải vận dụng chúng để thao luyện trên đường nên thánh. Quả thật, vẫn có những linh hồn nhờ các đối tượng khả giác mà được lôi cuốn mạnh mẽ tới Thiên Chúa.

Tuy nhiên cũng phải rất cẩn trọng trong việc này và phải nhìn kỹ các hậu quả thu được. Lắm lúc nhiều người sống theo tâm linh đã chạy theo những thú vui giác quan ấy vịn cớ là chúng giúp cầu nguyện và buông mình cho Thiên Chúa, nhưng rút cuộc đã thành chuyện giải trí chứ không phải cầu nguyện, tìm tự thỏa mãn hơn là làm đẹp ý Thiên Chúa. Ý hướng có vẻ là vì Thiên Chúa nhưng kết quả thu lượm được cho thấy đây chỉ là chuyện giải trí của giác quan, người ta chỉ gặt được sự yếu nhược bất toàn hơn là một nghị lực thôi thúc và quy phục lòng muốn vào Thiên Chúa.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Thứ Tư, 2 tháng 4, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 3 - Chương 23: Nơi những điều tốt tự nhiên (3)

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 3

CHƯƠNG 23
NƠI NHỮNG ĐIỀU TỐT TỰ NHIÊN (3)

Chương này bàn về những lợi ích linh hồn đạt được nhờ không chiều theo vui thỏa nơi những điều tốt tự nhiên.

1 - Kéo lòng mình ra khỏi thứ vui thỏa nói trên, linh hồn sẽ hưởng được nhiều lợi ích. Ngoài việc dọn lòng yêu mến Thiên Chúa và tập được các nhân đức khác, linh hồn còn trực tiếp tạo cho mình lòng khiêm nhường và lòng yêu thương mọi người nói chung. Vâng, một khi không còn bị quyến luyến với bất cứ ai do những điều tốt tự nhiên hào nhoáng gạt gẫm, linh hồn được tự do và trong sáng để yêu hết mọi người như Thiên Chúa muốn họ được yêu mến. Ta biết rằng chẳng ai đáng được yêu trừ phi người ấy có đức hạnh. Nếu ai vì động lực này mà yêu, chính là yêu như Thiên Chúa yêu và lòng sẽ cảm thấy rất mực tự do. Nếu tình yêu ấy có pha chút gắn bó thì sự gắn bó với Thiên Chúa còn lớn lao hơn. Khi tình yêu này càng tăng triển, tình yêu mến Thiên Chúa càng tăng thêm và khi lòng mến Thiên Chúa tăng, tình yêu tha nhân cũng tăng theo. Chúng đều phát xuất từ cùng một duyên cớ lý lẽ, đó là tình yêu nơi Thiên Chúa.

2 - Việc chối bỏ thứ vui thỏa nói trên còn mang lại một lợi ích tuyệt hảo khác là giúp ta thực thi và tuân giữ lời khuyên của Chúa: "Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ chính mình" (Mt 16,24). Linh hồn không thể nào từ bỏ được chính mình nếu còn tìm vui thỏa nơi những điều tốt tự nhiên ấy. Hễ ai còn có phần chăm chút coi trọng bản thân thì chưa từ bỏ chính mình và chưa bước theo Chúa Kitô được!

3 - Một lợi ích khác phát sinh do việc khước từ sự vui thỏa nói trên là sự đại tịnh đại an trong linh hồn: Khi loại trừ hết những tư tuởng lông bông, linh hồn sẽ giữ cho giác quan được lắng đọng, cách riêng là đôi mắt. Một khi không còn tìm vui thỏa nơi đó, linh hồn sẽ không muốn ngắm nhìn cũng không muốn để cho các giác quan khác dính vào đó kẻo bị lôi cuốn và trói buộc phải lãng phí thời giờ tuởng nghĩ đến đó. Như thế linh hồn sẽ thành con rắn khôn ngoan biết "bịt tai chẳng thèm nghe tiếng người dụ rắn, người thạo nghề thôi miên" (Tv 57,5-6). Nhờ canh giữ được những cổng ngõ của linh hồn là các giác quan, nguời ta sẽ giữ được và gia tăng sự bình an và tinh sạch của linh hồn mình.

4 - Còn một lợi ích khác không kém quan trọng dành cho những nguời đã tiến bộ trong việc khuớc từ thứ vui thỏa nói trên. Các đối tượng và những nhận thức thiếu lành mạnh không gây được ấn tượng ô uế đối với họ như đối với những kẻ vẫn còn vui thỏa chút ít với chúng. Như thế sự cắt bỏ và chối từ cái vui thỏa ấy sẽ đem đến cho nguời sống theo tâm linh sự tinh tuyền cả linh hồn lẫn thể xác, tức cả nơi tâm trí lẫn giác quan, họ sẽ có được sự tương hợp thần thiêng với Thiên Chúa, biến cả linh hồn lẫn thể xác họ trở nên một đền thờ xứng đáng của Chúa Thánh Thần. Sự tinh tuyền ấy không thể có được nếu lòng họ vẫn còn tìm vui thỏa nơi những vẻ tốt lành và duyên sắc tự nhiên. Ở đây, chẳng cần phải có sự ưng thuận hay hồi tuởng đến điều ô uế mới khiến linh hồn và giác quan thành nhơ nhớp, chỉ cần tìm vui thỏa trong nhận thức đối với một điều như thế cũng đủ khiến linh hồn và giác quan thành ô uế. Như lời sách Khôn Ngoan: "Thần khí thánh là thầy dạy dỗ, luôn tránh thói lọc lừa, rời xa những lý luận ngu dốt, và ghê tởm những chuyện bất công tức là những tư tưởng không được thượng tầng lý trí qui hướng về Thiên Chúa" (Kn 1,5).

5 - Lại còn một lợi ích tổng quát khác nữa. Ngoài việc được giải thoát khỏi các tệ hại nói trên, người ta còn tránh được vô số chuyện hão huyền và mất mát khác cả về mặt tâm linh lẫn trần tục, nhất là khỏi rơi vào chỗ tự hạ thấp phẩm giá, điều vốn thường xảy đến cho những kẻ tự hào và vui thỏa với những cái tự nhiên ấy nơi chính họ hoặc nơi người khác. Bởi thế, những ai không quí chuộng những chuyện như thế mà chỉ quí chuộng những gì làm đẹp lòng Thiên Chúa mới thực sự là người khôn ngoan và cẩn trọng.

6 - Từ những lợi ích trên còn phát sinh ra một lợi ích cuối cùng. Ta sẽ có được một tâm hồn quảng đại, rất cần cho việc phụng sự Thiên Chúa. Ấy là sự tự do tâm linh giúp ta lướt thắng các cám dỗ dễ dàng, vượt qua được các thử thách và tiến xa trên các nhân đức.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Thứ Ba, 1 tháng 4, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 3 - Chương 22: Nơi những điều tốt tự nhiên (2) (tiếp theo)

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 3

CHƯƠNG 22
NƠI NHỮNG ĐIỀU TỐT TỰ NHIÊN (2) (tiếp theo)

3 - Tuy nhiên hãy trở lại điều tệ hại thứ hai nói trên. Tệ hại này hàm chứa nơi nó vô số tệ hại khác, mặc dù ta không thể dùng bút mực hay lời nói để diễn tả cho rành rẽ hết. Những tệ hại ấy quá rõ. Làm sao không nhận ra được những tệ hại lớn lao phát sinh do việc đặt sự vui thỏa vào cái duyên dáng và sắc đẹp tự nhiên? Mỗi ngày ta đều nghe thấy xảy ra biết bao chuyện bi thảm chỉ vì lý do ấy! Biết bao vụ giết người, bao chuyện ô nhục, bao vụ phỉ báng, bao vụ phá sản, bao vụ ghen tương và tranh chấp, bao vụ ngoại tình hãm hiếp và thông dâm; bao người thánh thiện bị té ngã, đến nỗi người ta ví họ với "một phần thứ ba của các tinh tú trên trời bị đuôi con cựu xà xô xuống đất" (Kh 12, 4), với "khối vàng ròng bị mất vẻ bóng sáng ban đầu vì rơi vào bùn nhơ", với những người danh giá quí phái của Sion từng khoác y phục vàng ròng giờ bị coi như bình đất vỡ tan tành (x. Ac 4,1-2).

4 - Có chỗ nào mà thứ nọc độc của tệ hại này không lan tới? Và có ai không từng uống nhiều ít nơi cái chén mạ vàng của mụ đàn bà Babylon trong sách Khải Huyền? (x. Kh 17,3). Sự kiện mụ leo lên ngồi trên con mãnh thú khổng lồ bảy đầu và mười triều thiên cho ta hiểu rằng khó người nào dù quí phái hoặc dân dã, thánh thiện hay tội lỗi mà không bị mụ cho uống rượu của mụ, và bị mụ khuất phục trái tim một cách nào đó, như lời đoạn ấy về mụ sau đây: "Vua chúa trần gian đã làm chuyện gian dâm với nó, và những người sống trên mặt đất đã say vì thứ rượu là sự gian dâm của nó" (Kh 17,2).

Mụ bá chủ muôn nước kể cả các chức vụ tối cao và lừng danh trong đền thánh và cả chức tư tế thần linh, bằng cách đặt cái chén ghê tởm của mụ vào tận nơi thánh (x. Đn 2,27). Hầu như khó tìm được một dũng sĩ nào không bị mụ cho uống ít nhiều thứ rượu trong chén mụ tức là sự vui thỏa hão huyền nói trên. Bởi đó mới có lời nói rằng: “Tất cả vua chúa trên mặt đất đều hóa say sưa vì thứ rượu này”. Thật rất ít người, cả trong những người thánh thiện nhất, không bị mê hoặc và bị quyến rũ cách nào đó bởi của uống “hoan lạc” và cái thích thú của sắc đẹp và nét duyên dáng tự nhiên.

5 - Cần chú ý đến cụm từ “họ đã say” nơi bản văn. Bởi vì, chỉ cần nhắp một chút thứ rượu hoan lạc này lập tức trái tim người ta bị trói buộc và si mê khiến lý trí trở thành tăm tối, y hệt những người say rượu vậy. Đến nỗi, nếu người ta không dùng ngay tức khắc một thứ thuốc giải độc để hóa giải cho nhanh thì sự sống của linh hồn sẽ bị lâm nguy. Bởi lẽ sự yếu nhược tâm linh sẽ tăng lên và đưa đến cho linh hồn một đại họa đến nỗi, khác nào Samson sau khi mắt bị chọc thủng và bộ tóc mang sức mạnh buổi đầu bị cắt, linh hồn sẽ thấy mình bị dồn ép, bị thành tù nhân của quân địch, phải quay cối xay đá và rồi có lẽ sẽ phải chết cái chết thứ hai của Samson, chết cùng với lũ quân thù của ông ta (x. Tl 16,19¬31). Xưa Samson đã tác hại về thể lý, còn ngày nay nhiều người chuốc phải tệ hại này về mặt tâm linh do uống phải rượu của niềm vui thỏa nói trên. Rồi quân địch sẽ đến nói với linh hồn trong cơn ê chề của nó, những lời mà bọn Philitinh đã nói với Samson: "Chẳng phải ngươi đã từng phá vỡ những cạm bẫy kiên cố, đã từng xé toạc hàm sư tử, từng giết ngàn quân Philitinh, từng phá tung các cổng thành và từng tự giải thoát khỏi tất cả thù địch của ngươi đấy sao?...

6 - Để kết luận, chúng ta hãy đưa ra những liều thuốc giải cho thứ độc dược này. Ngay khi lòng ta cảm thấy bị lôi cuốn tới sự vui thỏa hão huyền của những điều tốt tự nhiên ấy, cần phải nhớ rằng vui thỏa về bất cứ điều gì ngoài việc phụng sự Thiên Chúa chỉ là hão huyền và sẽ gặp phải hiểm nguy tệ hại biết bao. Hãy xem xét kỹ tệ hại các thiên thần từng gánh chịu vì thỏa lòng phỉ chí về nét đẹp và những điều tốt tự nhiên của mình nên đã bị đẩy xuống vực thẳm địa ngục. Hãy nhớ chính cái hão huyền ấy hằng ngày vẫn đang gây ra biết bao tệ hại cho nguời ta như thế. Bởi thế, phải kịp thời sử dụng cái phương dược mà thi sĩ Ovide đã khuyên những kẻ mới bắt đầu vấn vương sự vui thỏa nói trên: "Hãy vội vàng áp dụng phương dược này ngay từ đầu, nếu để các tai họa đủ thời gian tăng trưởng trong lòng rồi, thì phương dược thuốc men kể như đã quá muộn" (Ovide Remedia Amoris I, 91-92). Nhà hiền triết cảnh cáo: "Nhìn rượu làm chi: rượu màu đỏ hồng, óng ánh trong ly, rồi trôi xuống cổ. Nhưng rốt cuộc, rượu như rắn cắn, như nọc độc hổ mang" (Cn 23,31-32).

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Thứ Hai, 31 tháng 3, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 3 - Chương 22: Nơi những điều tốt tự nhiên (2)

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 3

CHƯƠNG 22
NƠI NHỮNG ĐIỀU TỐT TỰ NHIÊN (2)

Chương này bàn về những thiệt hại linh hồn phải gánh chịu khi để cho lòng muốn đặt sự vui thỏa nơi những điều tốt tự nhiên.

1 - Phần lớn thiệt hại và lợi ích tôi đang trình bày nơi những sự vui thỏa này đều chung cho mọi thứ vui thỏa, đều là hậu quả trực tiếp của một vui thỏa nào đó hoặc của sự khước từ cái vui thỏa ấy. Vì thế, ở mỗi loại, tôi đều nói đến cả hại và lợi vốn cũng có nơi các loại khác.

Tuy nhiên, chủ ý của tôi là nói lên những thiệt hại và lợi ích riêng biệt theo từng loại vui thỏa do thái độ chiều theo hay khước từ của linh hồn. Tôi gọi những thiệt hại và lợi ích ấy là riêng biệt bởi chúng nảy sinh trực tiếp và chính yếu từ một loại sự vui thỏa nào đó, đang khi chỉ gián tiếp và thứ yếu từ một loại sự vui thỏa khác.

Chẳng hạn sự nguội lạnh tâm linh trực tiếp phát sinh từ mọi loại và mỗi loại vui thỏa do đó, tệ hại này là chung cho cả sáu loại vui thỏa tôi sẽ nói. Còn tà dâm là một tệ hại riêng biệt, chỉ đi theo sự vui thỏa nơi những điều tốt tự nhiên thuộc thể xác mà chúng ta đang bàn.

2 - Như vậy khi linh hồn tìm vui thỏa nơi những điều tốt tự nhiên, sẽ có những tệ hại tâm linh và thể chất phát sinh trực tiếp và hữu hiệu nơi linh hồn, được thu gọn vào sáu loại chính như sau:

Thứ nhất là thói ham danh, tự phụ, kiêu căng và khinh người. Ta không thể dành cho một vật sự trìu mến trổi vượt mà lại không xem nhẹ các vật khác. Ít ra cũng có một sự chê bai các vật khác vì theo lẽ tự nhiên, khi coi trọng một vật gì, trái tim sẽ rút lui khỏi những sự vật khác để tập trung vào sự vật được quí chuộng. Rồi từ chỗ thực sự xem thường ấy, người ta dễ dàng rơi vào chỗ khinh chê một số sự vật khác một cách riêng biệt hay chung chung, không những trong lòng mà còn biểu hiện nơi đầu miệng lưỡi bằng những câu nói: "Người này chẳng như người kia, người nọ; sự này chẳng được như sự nọ, sự kia... ".

Tệ hại thứ hai là kích thích giác quan tìm thỏa thích, vui khoái điều nhục cảm, dâm ô.

Tệ hại thứ ba là khiến người ta rơi vào chỗ thích được nịnh bợ với những lời tán tụng hoa mỹ giả dối hão huyền như lời ngôn sứ Isaia: "Ôi dân Ta, những kẻ dẫn dắt ngươi làm ngươi lạc hướng, đường lối ngươi đi, chúng làm cho rối loạn!" (Is 3,12). Những lời khen ngợi nét duyên dáng và sắc đẹp có thể là chân thực, nhưng rất hiếm khi nó không để lại một điều tệ hại ẩn giấu nào đó hoặc khiến người được ca tụng rơi vào sự thỏa mãn vui sướng hão huyền, dẫn đến những tình cảm và ý hướng bất toàn.

Tệ hại thứ tư mang tính tổng quát, bởi lý trí và trí phán đoán trở thành quá cùn nhụt và khi tìm vui thỏa đối với của cải trần tục càng thêm cùn nhụt hơn. Bởi lẽ những điều tốt tự nhiên còn thân thiết với người ta hơn những điều tốt trần tục. Những điều tốt tự nhiên gây ra một ấn tượng hiệu lực hơn, mau chóng hơn và cuốn hút mãnh liệt hơn. Do đó, lý trí và trí phán đoán không còn được tự do nhưng hóa thành mù mịt do niềm vui thân thiết ấy kích động.

Từ đó phát sinh tệ hại thứ năm là sự lo ra chia trí hướng về các loại thụ tạo.

Rồi từ đây lại phát sinh ra sự nguội lạnh và yếu đuối về mặt tâm linh là tệ hại thứ sáu. Đây là một tác hại chung và thường tiến rất xa đến độ khiến người ta chán ngấy và buồn bực đối với những chuyện thuộc về Thiên Chúa, thậm chí còn ghê sợ!

Do tìm thứ vui thỏa này, thế nào người ta cũng đánh mất đi cái nhiệt tình đích thật ít ra ở vào bước đầu. Nếu lúc này còn chút nhiệt tình nào thì cũng sẽ nặng phần cảm tính và rất thô thiển, ít mang tính tâm linh, ít sâu lắng. Nó tập trung vào thích thú cảm giác hơn là sức mạnh tâm linh. Tinh thần trở nên thấp hèn yếu nhược đến mức chẳng dập tắt được cái thói quen của thứ vui thỏa như thế. Chỉ nguyên việc có thói quen bất toàn ấy đủ ngăn cản nhiệt tình đích thật, cho dầu người ta không ưng thuận các động tác của sự vui thỏa ấy. Tinh thần sống trong sự yếu nhược của giác quan nhiều hơn trong sức mạnh của tâm linh. Mỗi khi dịp tội xảy đến, tinh thần sẽ thấy rõ mình chưa được hoàn thiện và mạnh mẽ. Tôi không phủ nhận rằng nhiều nhân đức vẫn có thể cùng tồn tại với những thứ bất toàn đáng kể, nhưng nếu không chịu dập tắt thứ vui thỏa này thì không thể nào có được thứ tâm linh sâu lắng, tinh tuyền và ý nhị, bởi lẽ nơi đây "xác thịt" đã làm chủ và chống lại thần khí (x. Ga 5,17); vậy mặc dù tâm linh không nhận thấy được mình bị thiệt hại tới mức nào thì ít ra mối tệ hại ấy vẫn kín đáo gây ra một sự lo ra chia trí nào đó.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 3 - Chương 21: Nơi những điều tốt tự nhiên

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 3

CHƯƠNG 21
NƠI NHỮNG ĐIỀU TỐT TỰ NHIÊN

Chương này bàn về sự hão huyền khi lòng muốn tìm vui thỏa nơi những điều tốt tự nhiên, và về cách vượt qua chúng mà hướng đến với Thiên Chúa.

1 - Những điều tốt tự nhiên ở đây gồm: sắc đẹp, duyên dáng, ngoại hình và mọi ưu điểm khác nơi thân xác cũng như các ưu điểm nơi linh hồn gồm trí thông minh, sự cẩn trọng và những điểm khác thuộc phần lý trí.

Người ta không được vui thỏa vì mình hoặc người thân của mình có được những ưu điểm ấy mà hãy cảm tạ Thiên Chúa vì Ngài đã ban cho những điều ấy để nhờ đó người ta nhận biết và yêu mến Thiên Chúa nhiều hơn. Quả là hão huyền và giả dối khi chỉ biết vui thỏa vì có được những ưu điểm nói trên, bởi theo lời vua Salômôn: "Duyên dáng là giả dối, sắc đẹp là hão huyền, chỉ phụ nữ nào biết kính sợ Thiên Chúa mới đáng ca ngợi" (Cn 31, 30). Qua câu nói ấy Salômôn muốn dạy rằng đúng ra người ta phải dè chừng những tài khéo tự nhiên này bởi do chúng, người ta dễ lãng quên tình yêu mến Thiên Chúa vì một khi bị chúng lôi cuốn, người ta dễ bị rơi vào hão huyền và lầm lạc. Bởi thế, Salômôn cho rằng duyên dáng thể chất là giả dối vì nó lừa gạt người ta lạc đường và lôi kéo người ta vào những bất xứng do sự vui thỏa hão huyền và sự khoái chí về mình hay về người có cái duyên dáng ấy. Còn sắc đẹp là hão huyền, vì nó khiến cho những người quí chuộng và vui thỏa nơi nó sa ngã đủ cách. Người ta chỉ được phép vui thỏa nếu nhờ đó mà mình hoặc người khác phụng sự Thiên Chúa được nhiều hơn. Song tốt hơn, người ta hãy dè chừng và lo sợ để những ân huệ và duyên dáng tự nhiên ấy khỏi làm cớ khiến mình xúc phạm Thiên Chúa, dán mắt vào chúng với lòng tự phụ hão huyền hoặc quyến luyến vô độ.

Những ai có được những ân huệ ấy phải cẩn thận và sống đoan trang để khỏi vì sự phô bày hão huyền của mình mà nên dịp cho người khác phải xa lìa Thiên Chúa dù là trong phút chốc. Những duyên dáng và ân huệ tự nhiên ấy thường kích thích và gây dịp tội cho cả người chủ lẫn người ngắm nhìn chúng, đến nỗi hiếm có ai không bị chúng ràng buộc bằng một sợi dây trói nào đó. Chúng tôi đã từng thấy có những người yêu đường tâm linh khi có được những nét duyên sắc ấy, đã phải cầu xin Thiên Chúa biến họ thành xấu xí đi, kẻo nên dịp nên cớ cho kẻ khác rơi vào một thứ vui thỏa hoặc quyến luyến hão huyền nào đó.

2 - Vậy người sống theo tâm linh phải thanh tẩy và làm cho lòng muốn nhắm mắt lại với sự vui thỏa hão huyền ấy, xác tín rằng vẻ đẹp và các ân huệ tự nhiên khác chỉ là bùn đất, chúng phát sinh từ đất và sẽ trở về đất; duyên dáng, thanh lịch chỉ là khói, là khí của trái đất này. Phải xem và đánh giá chúng như thế để khỏi rơi vào chỗ hão huyền. Qua những điều tốt lành trần tục ấy, cần nâng tâm hồn lên với Thiên Chúa trong sự hân hoan vui thỏa, bởi lẽ chính Thiên Chúa là toàn thể sự duyên dáng mĩ miều ở mức ưu việt, vô cùng trổi vượt trên hết mọi loài thụ tạo. Như lời Thánh Vịnh: "Ngài thay chúng khác nào thay áo, nhưng chính Ngài tiền hậu y nguyên; tháng năm Ngài vẫn triền miên" (Tv 101,27). Như thế, trong tất cả ân huệ tốt lành ấy nếu ta không biết nâng sự vui thỏa lên với Thiên Chúa thì sẽ luôn luôn bị lầm lạc hoặc ảo tưởng. Đây là điều mà Salômôn muốn ám chỉ khi nói đến sự vui thỏa nơi loài thụ tạo: "Tôi tự nhủ: Cứ đến đây, ta sẽ cho ngươi thử hưởng thú vui và nếm mùi hạnh phúc. Thế nhưng cả cái đó cũng chỉ là phù vân" (Gv 2,1). Thế thì, tại sao ta lại để cho lòng mình bị thụ tạo mê hoặc?

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 3 - Chương 20: Của cải trần tục (2) (tiếp theo)

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 3

CHƯƠNG 20
CỦA CẢI TRẦN TỤC (2)* (tiếp theo)

3 - Như vậy khi không tìm vui thỏa bằng chiếm hữu của cải thì lại được vui thỏa như kẻ làm chủ tất cả; còn khi vui thỏa với thái độ chiếm hữu của cải đời này, người ta đánh mất cái thú vị về mọi thứ nói chung. Một bên do chẳng có gì cả nơi lòng mình nên lại có được tất cả cách rất thong dong, hoàn toàn tự do như lời thánh Phaolô đã nói (x. 2Cr 6,10); còn bên kia vì dính bén lòng muốn vào chúng nên chẳng có mà cũng chẳng đạt được gì. Của cải chiếm đoạt tâm hồn họ và giam hãm họ trong khổ hình như nô lệ. Do đó, người ta càng muốn vui thỏa nơi các thụ tạo ngần nào càng khiến trái tim bị trói buộc và tù hãm phải thêm âu lo và dằn vặt ngần ấy.
Người thanh thoát thì lúc cầu nguyện hay những lúc khác đều chẳng phải áy náy lo âu, không bị mất thời giờ, dễ hồi tâm và thu tích dư dật ơn thiêng. Còn người dính bén thì chỉ mất giờ loay hoay với xiềng xích đang trói buộc và cầm tù họ. Dù cố gắng mấy họ cũng không thể thoát khỏi xiềng xích ấy chốc lát.

Như vậy, thoạt khi vừa thấy mình nghiêng chiều về sự vui thỏa với các thụ tạo, người sống theo tâm linh phải biết kiềm chế ngay bằng cách nhớ lại nguyên tắc chúng ta đang theo ở đây. Nguyên tắc ấy là, chẳng nên vui thỏa về điều gì khác hơn là phụng sự Thiên Chúa và mưu tìm vinh quang danh dự cho Thiên Chúa trong tất cả mọi sự; quy hướng mọi sự vào mục đích duy nhất ấy, luôn xa lánh sự hão huyền và không bao giờ tìm kiếm sự vui thỏa và an ủi nơi cái hão huyền.

4 - Rút vui thỏa khỏi loài thụ tạo còn có một lợi ích khác rất lớn lao và quan trọng là để trái tim được tự do dành cho Thiên Chúa. Đây là bước chuẩn bị đầu tiên để sẵn sàng lãnh nhận mọi hồng ân Thiên Chúa muốn thực hiện cho linh hồn, bằng không, Thiên Chúa sẽ chẳng thực hiện. Các hồng ân ấy lớn lao đến nỗi, ngay cả về mặt trần tục, nếu vì yêu Chúa và vì sự hoàn thiện Tin Mừng mà từ bỏ một sự vui thỏa thì Chúa sẽ bù lại gấp trăm ngay ở đời này, như Ngài đã hứa trong Tin Mừng (Mt 19,29; Mc 10,30).

Mà dầu không có được những lời lãi ấy, thì tận thâm sâu lòng mình, người sống theo tâm linh vẫn phải dập tắt những nỗi vui thỏa nơi loài thụ tạo ấy vì chúng khiến Thiên Chúa buồn lòng. Tin Mừng cho thấy chỉ nguyên việc gã giàu có nọ hí hửng vui thỏa vì tích lũy được của cải cho nhiều năm cũng đủ khiến Thiên Chúa thịnh nộ, đòi hắn phải tính sổ linh hồn ngay trong đêm ấy (x. Lc 12,20). Như thế, phải tin rằng mỗi lần chúng ta vui thỏa hão huyền, Thiên Chúa đều nhìn thấy và tuyên cáo một hình phạt và một sự cay đắng nào đó mà chúng ta đáng phải chịu. Hình phạt phát sinh từ sự vui thỏa hão huyền ấy cay đắng gấp trăm lần cái thích thú mà sự vui thỏa ấy mang lại. Trong sách Khải Huyền thánh Gioan nói về thành Babylon: "Nó đã phô trương vinh quang và sống xa hoa bao nhiêu, thì hãy giáng khổ hình và tang tóc cho nó bấy nhiêu" (Kh 18,7). Bản văn không bảo hình phạt sẽ nặng nề hơn niềm vui, nhưng đương nhiên là thế, bởi lẽ những thú vui ngắn ngủi ở đời này vẫn mang lại cực hình vĩnh cửu. Bản văn ấy còn giúp ta hiểu rằng không điều gì mà không có một hình phạt riêng của nó. Đấng sẽ "trừng phạt một lời nói bông lơn" (x. Mt 12,36) hẳn nhiên sẽ không tha thứ cho một sự vui thỏa hão huyền.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 3 - Chương 20: Của cải trần tục (2)

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 3

CHƯƠNG 20
CỦA CẢI TRẦN TỤC (2)*

Chương này bàn về những lợi ích linh hồn có được nhờ tránh xa sự vui thỏa nơi của cải trần tục.

1 - Người sống theo tâm linh phải lo sao cho trái tim và sự vui thỏa của mình đừng dính bén vào một của cải trần tục nào kẻo sự dính bén ấy sẽ tăng dần, từ ít đến nhiều, từ mức này đến mức khác; khởi đầu chỉ là chuyện nhỏ, đến cuối thành chuyện lớn, khác nào một tia lửa đủ thiêu hủy một trái núi và ngay cả toàn thế giới. Đừng chủ quan nghĩ rằng mình chỉ dính bén chút ít, chưa cắt ngay bây giờ về sau cắt vẫn được. Thế nhưng, nếu bạn không có can đảm cắt đứt khi sự dính bén còn yếu và mới ở bước đầu, làm sao bạn dám nghĩ mình sẽ cắt được khi sự dính bén đã lớn mạnh và ăn rễ sâu hơn? Trong Tin Mừng Chúa có nói: "Người nào bất trung trong việc nhỏ cũng sẽ bất trung trong việc lớn" (Lc16,10). Ai tránh cái nhỏ sẽ không bị rơi vào cái lớn hơn. Tuy nhiên ngay trong cái nhỏ vẫn có hiểm nguy lớn bởi nó đã tạo được vết nứt trên tường rào của trái tim. Người ta thường nói: “Khởi đầu một sự việc tức hoàn tất nó được một nửa rồi”. Vua Đavít cũng cảnh báo: "Dầu cho có dư dật của cải chúng ta cũng đừng đặt tâm hồn mình nơi chúng" (Tv 61,11).

2 - Dù không vì Thiên Chúa hoặc vì sự hoàn thiện Kitô giáo đòi hỏi, chỉ nguyên những lợi ích trần tục và tâm linh cũng đáng cho người ta hoàn toàn giải thoát lòng mình khỏi sự vui thỏa đối với những của cải nói trên. Như thế không những tránh được những thiệt hại nói ở chương trước mà còn đạt được sự thanh thoát, là một trong những điều kiện chính yếu để nên một với Thiên Chúa, và là nhân đức không thể đi đôi với lòng ham hố.
Ngoài ra, người ta còn đạt được sự tự do tâm linh, lý trí được sáng suốt, thư thái, an tịnh, cậy trông vào Thiên Chúa, thuận phục Thiên Chúa và lòng muốn sẵn sàng tuân theo lời Ngài.

Hơn nữa, càng siêu thoát khỏi các thụ tạo người ta càng được vui thỏa và thoải mái nơi chúng hơn. Người ta không thể có được điều ấy nếu như cứ nhìn ngắm chúng với lòng quyến luyến muốn chiếm hữu. Não trạng chiếm hữu là một sợi dây trói buộc, ghì kéo tinh thần người ta xuống đất và không để cho lòng họ mở rộng. (2Cr 6,11).

Một khi chẳng dính bén đến loài thụ tạo, người ta sẽ nhận thức rõ về chúng để nhận định đúng các sự thật liên can đến chúng về phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên. Do đó, cách họ vui hưởng những điều tốt lành trần thế khác hẳn so với cách của những kẻ gắn bó với chúng, đồng thời họ được hưởng những ơn ích và thuận lợi lớn hơn nhiều. Họ vui hưởng chúng theo bản chất đích thực của chúng còn những người kia thì theo sự giả trá của chúng. Một bên theo cái tốt hơn, bên kia theo cái xấu hơn. Một bên theo cái chính yếu, bên kia còn để cho giác quan dính bén cho nên chỉ theo được cái phụ tùy. Bởi giác quan không thể nào nắm bắt hay vượt quá giới hạn cái phụ tùy, còn tâm linh một khi được thanh tẩy khỏi áng mây và các thứ phụ tùy, sẽ thấu đạt sự thật và giá trị các sự vật, là đối tượng của nó. Sự vui thỏa nơi thụ tạo tựa áng mây làm tăm tối trí phán đoán, bởi lẽ sự vui thỏa có ý thức đối với loài thụ tạo bao giờ cũng ẩn chứa cái ý chiếm hữu từ bên trong. Sự vui thỏa mang tính đam mê bao giờ cũng hiểu ngầm là, nơi tâm hồn, người ta đã thường xuyên chiếm hữu những điều ấy. Như thế, việc chối bỏ và thanh tẩy một sự vui thỏa như thế sẽ làm cho trí phán đoán được sáng suốt tựa bầu khí trở nên thanh trong khi mây tan biến.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Thứ Năm, 27 tháng 3, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 3 - Chương 19: Của cải trần tục (tiếp theo)

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 3

CHƯƠNG 19
CỦA CẢI TRẦN TỤC * (tiếp theo)

8 - Mức độ thứ tư của tệ hại gây mất mát này được ghi nơi câu cuối của trích dẫn nêu trên: "Nó đã xa lìa Thiên Chúa, Núi Đá độ trì nó" (Đnl 32,15). Người ta rơi xuống đây từ mức độ thứ ba vừa đề cập. Vì mê của cải trần tục, linh hồn kẻ ham hố chẳng còn lưu tâm đến lề luật Chúa. Nó xa lìa Thiên Chúa cả nơi dạ nhớ, trí hiểu và lòng muốn. Nó quên bẵng Thiên Chúa như thể Ngài không phải là Thiên Chúa của nó. Sở dĩ thế là vì linh hồn đã tạo nên những thần tượng bằng vàng bạc và của cải trần tục, như lời thánh Phaolô: "Tính tham lam đồng nghĩa với tôn thờ ngẫu tượng" (Cl 3,5). Mức độ thứ tư này đưa người ta đến chỗ lãng quên Chúa, thay vì hướng hết tâm hồn về Thiên Chúa, họ thật sự đặt hết tâm huyết vào vàng bạc như thể không có một vị Chúa Tể nào khác ngoài vàng bạc.

9 - Thuộc về mức độ thứ tư này là những kẻ không ngần ngại bắt những chuyện siêu nhiên phục vụ cho các sự vật trần tục như phục vụ chúa tể của họ. Đúng ra họ phải làm ngược lại, tức là qui những thứ ấy về Thiên Chúa, nếu họ thực sự coi Ngài là Thiên Chúa của họ. Trong số những người này có Balaam, kẻ đã đem bán những ân sủng được Thiên Chúa ban cho (Ds 22,7). Cả Simon phù thủy cũng thuộc số này. Ông ta tưởng có thể đánh giá ân sủng Thiên Chúa bằng tiền bạc và muốn dùng tiền mua ơn Chúa (Cv18,18-19). Ông ta nghĩ tiền bạc rất giá trị và có thể tìm được người sẵn lòng đổi ân sủng để lấy tiền.

Thời nay có rất đông người thuộc về mức độ này, theo hàng ngàn cách khác nhau. Lý trí bị mù quáng do lòng tham, họ đánh giá các thực tại tâm linh cách rất lệch lạc. Họ phụng sự tiền bạc chứ không phụng sự Thiên Chúa. Họ chạy theo sự thúc giục của tiền bạc chứ không phải của Thiên Chúa. Họ coi trọng giá trị tiền bạc hơn giá trị và phần thưởng Thiên Chúa ban. Bằng nhiều cách thế, họ biến tiền bạc thành vị thần chính yếu và đích nhắm của họ. Thiên Chúa không còn là cùng đích của họ nữa.

10 - Thuộc về mức độ sau cùng này còn phải kể đến tất cả những linh hồn coi trọng của cải trần gian đến nỗi coi đó như là chúa của mình và không ngần ngại hy sinh cả mạng sống khi thấy rằng thứ chúa ấy của họ phải tạm thời giảm bớt đôi chút. Họ đâm ra tuyệt vọng và tự sát vì những mục đích tồi tệ, và tự đưa tay chỉ cho thấy thứ tiền công thảm bại nhận được do sự phục vụ vị thần của ho. Một khi họ chẳng còn hy vọng kiếm được chút gì nơi “thần tài”, ông thần này liền ban cho họ sự tuyệt vọng và cái chết. Còn những kẻ mà y không dẫn đến tai họa chung cục chết chóc này thì y cũng khiến họ dở sống dở chết trong những nỗi khổ tâm lo lắng và nhiều điều khốn nạn khác. Y loại trừ sự vui thỏa khỏi tâm hồn họ và chẳng để một điều tốt lành nào lóe sáng cho họ trên cõi dương trần. Những kẻ bất hạnh ấy phải liên lỉ nộp sự nghiêng chiều của họ cho thần tài như nộp thuế. Họ lao nhọc vì nó, dính bén với nó đến tận cái tai ương cuối cùng là sự diệt vong. Đó là điều nhà hiền triết đã cảnh báo: "Người giữ của lại chuốc họa vào thân" (Gv 5,12).

11 - Cũng thuộc về mức độ này là những kẻ mà thánh Phaolô bảo rằng: "Vì họ không thèm nhận biết Thiên Chúa, nên Ngài đã để mặc họ theo trí óc lệch lạc mà làm những điều bất xứng" (Rm 1,28). Sự vui thỏa lôi kéo con người vào tất cả tai họa ấy khi họ đặt sự vui thỏa vào các của cải như là mục tiêu tối hậu.

Còn phần những kẻ chỉ bị thiệt hại ít hơn thì họ vẫn rất đáng thương bởi sự vui thỏa trên đây khiến linh hồn họ lùi xa trên nẻo đường của Thiên Chúa. Vì thế, Vua Đavít đã nói: "Đừng sợ chi khi có kẻ phát tài, hoặc cửa nhà tăng thêm vẻ phong lưu" nghĩa là đừng ghen tị với kẻ khác vì nghĩ rằng họ hơn mình bởi vì "khi chết, nó đâu mang được cả, kiếp vinh hoa chẳng theo xuống mộ phần" (Tv 48,17-18).

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)