Thứ Ba, 3 tháng 12, 2024

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 1 - Chương 13: Cách xử sự

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 1

CHƯƠNG 13
CÁCH XỬ SỰ *

Bàn về cách thế và phương tiện phải sử dụng để tiến vào đêm giác quan.

1 - Bây giờ xin nêu vài ý kiến để bạn biết và có thể tiến vào đêm giác quan. Muốn đạt mục đích này, cần biết rằng linh hồn thường tiến vào đêm giác quan bằng hai cách: hoặc chủ ý hoặc thuận tình. Chủ ý là tất cả những gì linh hồn có thể làm và thực sự đích thân làm để tiến vào đó, mà chúng tôi sẽ bàn trong những ý kiến dưới đây. Còn thuận tình là khi linh hồn không làm gì cả, chỉ có Thiên Chúa hành động trong nó, còn nó chỉ xử sự như người bị động. Về cách này chúng tôi sẽ nói trong cuốn thứ tư (tức Đêm dày) khi bàn về những người mới bắt đầu tiến trên đường tâm linh. Ở đó, với ơn Chúa giúp, tôi sẽ dành cho họ nhiều ý kiến dựa trên những điểm bất toàn đầy dẫy họ thường vấp phải trên con đường ấy, cho nên tôi sẽ không nói rộng ở đây. Lại nữa, đây không phải chỗ thích hợp, vì lúc này chúng ta chỉ bàn về những nguyên nhân khiến cho cuộc vượt qua này được gọi là đêm, về bản chất đêm này ra sao, và nó có mấy phần. Tuy nhiên, để khỏi quá ngắn ngủi và để độc giả không mất nhiều phần lợi ích vì không được cống hiến ngay một phương dược hoặc một lời khuyên giúp vượt qua tăm tối của các mê thích, ở đây cũng xin trình bày tóm tắt phương thế sẽ nói sau này. Tôi cũng sẽ làm như thế ở đoạn kết của cả hai cuốn sau, tức là khi nói về các nguyên nhân khác của đêm này, điều mà khi được ơn Chúa giúp, tôi sẽ bàn ngay.

2 - Những lời khuyên dưới đây về việc chiến thắng các mê thích thật vắn tắt và ít ỏi, nhưng thiết tưởng càng cô đọng lại càng ích lợi và hiệu nghiệm. Do đó, người nào thật tình muốn thực hiện thì không cần các lời khuyên khác nữa, bởi vì các lời khuyên này đã gồm tóm tất cả.

3 - Lời khuyên thứ nhất là hãy thường xuyên khao khát bắt chước Chúa Kitô trong hết mọi sự, tự uốn nắn theo khuôn mẫu cuộc đời Ngài, nghiền ngẫm cuộc đời Ngài thật kỹ để biết mà bắt chước, và trong hết mọi sự sẽ xử sự như chính Ngài xử sự.

4 - Lời khuyên thứ hai là, để thực hiện điều trên đây cho tốt, bất cứ sự thích thú nào mời mọc giác quan, nếu không nguyên vì danh dự và vinh quang Thiên Chúa, thì hãy từ bỏ và khai trừ vì lòng yêu mến Chúa Giêsu Kitô, là Đấng khi sống ở trần gian này đã không có cũng chẳng muốn có một sở thích hoặc ước muốn nào khác hơn là thi hành ý muốn của Cha Ngài, ý muốn mà Ngài gọi là của ăn, là lương thực của Ngài (x. Ga 4,34). Xin nêu một ví dụ. Tôi có một dịp được nghe thật thích thú về những điều chẳng quan hệ gì tới việc phục vụ Thiên Chúa, tôi sẽ không màng thích thú cũng không màng nghe. Hoặc nếu tôi thấy khoái cảm khi nhìn xem những điều không giúp tôi nghĩ đến Thiên Chúa hơn, tôi sẽ không màng sự thích thú ấy và sẽ không nhìn những điều ấy. Hoặc nếu có dịp được thích thú trong lời nói hay trong bất luận chuyện gì khác, tôi cũng xử sự tương tự như thế. Hãy làm cho mọi giác quan đều bị thất nghiệp mỗi khi có thể làm được như thế; còn nếu không thể được thì ít ra đừng ước ao thưởng thức những điều ấy, dù chúng cứ tuôn đến trong ta. Và như thế, ta cần sớm cố gắng giết chết các giác quan và khiến chúng nên vô cảm đối với sở thích ấy, tựa như chúng đã chìm trong tăm tối. Nếu biết chăm lo như vậy, chẳng bao lâu ta sẽ tiến bộ nhiều.

5 - Vậy, muốn giết chết và bình định bốn mối xúc cảm tự nhiên - là vui thỏa, hy vọng, sợ hãi và đau đớn - để cho sự bình lặng của chúng phát sinh những ơn lành khác nữa, cần áp dụng phương dược toàn diện sau đây, là nguyên nhân của công trạng đích thực và những nhân đức lớn:

6 - Ước gì linh hồn luôn chăm chú quay hướng về:
- Không phải cái dễ hơn, nhưng là cái khó hơn,
- Không phải cái ngon ngọt hơn, nhưng là cái nhạt nhẽo hơn;
- Không phải cái thích thú hơn, nhưng là cái không thích thú mấy;
- Không phải sự an nghỉ, nhưng là sự nặng nhọc;
- Không phải niềm an ủi, nhưng là sự phiền muộn;
- Không phải cái hơn, nhưng là cái kém;
- Không phải cái cao hơn, quý hơn, nhưng là cái thấp hơn và bị khinh chê hơn;
- Không phải phía muốn đôi điều, nhưng là về phía không muốn gì cả;
- Không nhằm cái khá hơn trong các sự vật trần gian, nhưng nhằm cái tệ hơn, và khao khát vì Đức Kitô mà lao vào sự hoàn toàn trần trụi, trống không và nghèo khó đối với hết mọi sự ở trần gian.

7 - Cần phải ôm lấy những việc ấy với cả tấm lòng và phải cố gắng ép lòng muốn theo đó. Nếu biết tận tình thực hiện các điều ấy, thì chỉ trong ít lâu người ta sẽ tìm thấy nơi chúng một niềm hoan lạc và an ủi lớn lao, khi người ta thực hiện cách trật tự và khôn ngoan.

8 - Những điều nêu trên, nếu được thực hiện cẩn thận, đã đủ để đi vào đêm giác quan. Tuy nhiên, để dồi dào hơn, chúng tôi xin nói thêm một cách thao luyện dạy cho ta biết giết chết đam mê của xác thịt, đam mê của con mắt và sự kiêu hãnh về sức sống [Nguyên văn “. . . và sự kiêu hãnh về của cải” (1Ga 2,16)], là những điểm thánh Gioan nói là hiện đang thống trị trong thế gian, và tự chúng, phát sinh hết mọi mê thích khác.

9 - Thứ nhất, khi hành động, hãy cố gắng sao để tự khinh chê mình và ao ước cho hết mọi người làm như thế.
      Thứ hai, khi nói, hãy cố gắng sao để tự khinh chê mình và ao ước hết mọi người làm như thế.
      Thứ ba, khi suy nghĩ, hãy cố gắng sao để tự khinh chê mình và ao ước hết mọi người làm như thế.

10 - Để kết luận về những ý kiến và quy luật này, thiết tưởng nên ghi lại đây những lời đã ghi nơi hình vẽ Đường Lên Núi Cát Minh ở đầu sách này. Những lời này chỉ dẫn về việc lên đỉnh núi là cao điểm của ơn nên một. Một đàng, chúng bàn đến những điều thuộc tâm linh và bên trong, nhưng một đàng cũng nói về phần tâm linh còn bất toàn theo cảm giác và bên ngoài, như đã có chỉ rõ trên hai con đường ở bên cạnh đường hoàn thiện. Và do đó, ở đây chúng ta hiểu theo bình diện khả giác; rồi trong phần thứ hai của đêm này, chúng ta sẽ hiểu theo bình diện tâm linh.

11 - Những ý kiến ấy như sau:
- Để đạt tới chỗ thỏa mãn trong mọi sự, đừng tìm thích riêng một điều gì.
- Để đạt tới chỗ chiếm hữu tất cả, đừng muốn chiếm hữu một chút gì của bất cứ điều chi.
- Để đạt tới chỗ là tất cả, đừng muốn được là một chút gì trong bất cứ điều chi.
- Để đạt tới chỗ biết tất cả, đừng tìm biết một chút gì trong bất cứ điều chi.
- Để đạt tới chỗ không còn cảm nếm, hãy đi qua nơi bạn không nếm.
- Để đạt tới chỗ không còn biết, hãy đi qua nơi bạn không biết.
- Để đạt tới chỗ không còn chiếm hữu, hãy đi qua nơi bạn không chiếm hữu.
- Để đạt tới chỗ bạn không là, hãy đi qua nơi bạn không là.

12 - Phương thế để khỏi ngăn cản cái tất cả:
- Khi bạn dừng lại ở một điều gì đó, là bạn không còn lao mình vào tất cả.
- Bởi vì, để đi từ tất cả đến tất cả, bạn phải bỏ mình về tất cả trong tất cả.
- Và một khi bạn đạt tới chỗ có tất cả, phải làm sao để có mà chẳng muốn gì.
- Và nếu bạn muốn có một điều gì trong tất cả, thì bạn không còn hoàn toàn có được kho tàng của bạn trong Thiên Chúa.

Chính trong sự trần trụi ấy, linh hồn tiến trên đường tâm linh tìm được sự an tĩnh và nghỉ ngơi. Thật vậy, khi nó không ao ước gì, thì từ bên trên không có gì làm nó mệt và từ bên dưới không có gì áp bức nó, vì nó ở ngay tại tâm điểm sự khiêm nhường của nó; còn khi nó ao ước một điều gì thì nó sẽ mệt mỏi nơi chính điều ấy.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

0 nhận xét: