ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 2
CHƯƠNG 8
KHÔNG GÌ TRONG GIỚI TỰ NHIÊN
CÓ THỂ TRỰC TIẾP GIÚP NÊN MỘT VỚI THIÊN CHÚA *
Chương này bàn tổng quát về việc không thụ tạo nào và cũng không nhận thức nào có thể là phương thế trực tiếp giúp nên một với Thiên Chúa.
1 - Trước khi bàn đến phương thế riêng và tương xứng giúp nên một với Thiên Chúa, tức là đức tin, thiết tưởng nên chứng minh rằng không một thụ tạo nào, không một tư tưởng nào có thể là phương thế thích hợp giúp trí hiểu nên một với Thiên Chúa. Hơn thế nữa, tất cả những gì trí hiểu có thể thâu đạt, nếu gắn bó vào nó thì thay vì nên phương tiện cho trí hiểu, nó sẽ thành chướng ngại. Trong chương này, chúng ta sẽ chứng minh tổng quát, sẽ nói riêng từng điểm, bàn xuống hết mọi nhận thức mà trí hiểu có thể tiếp nhận do bất cứ một giác quan nào, hoặc bên trong hoặc bên ngoài, cùng với những bất lợi và thiệt hại các nhận thức bên trong hoặc bên ngoài có thể gây cho nó nếu nó không gắn bó trực tiếp vào phương thế thích hợp là đức tin.
2 - Nên biết rằng theo một qui tắc triết học, tất cả mọi phương thế đều phải xứng hợp với mục đích, nghĩa là phải có một sự phù hợp và giống nhau nào đó với mục đích, đủ để đạt được mục đích người ta theo đuổi. Xin nêu một ví dụ: Muốn đi tới một thành phố, nhất thiết phải lên đường, là phương tiện dẫn tới thành phố ấy, nối kết ta với thành phố ấy. Một ví dụ khác: Muốn nối kết lửa với củi, cần dùng nhiệt lượng làm phương tiện, phải hun nóng củi tới một độ nóng nào đó để nó nên giống hệt và tương ứng được với lửa. Nếu không dùng phương thế xứng hợp là nhiệt lượng, mà lại dùng những phương thế khác không thích hợp, chẳng hạn như khí, nước hoặc đất... thì sẽ không thể nào củi nên một được với lửa. Cũng tựa như người ta chỉ có thể đi được tới một thành phố nếu biết đi qua con đường thích hợp nối kết với thành phố ấy. Do đó, để trí hiểu nên một được với Thiên Chúa trên cõi đời này, cần phải dùng phương thế nào nối kết được với Ngài và có được sự tương tự, giống với Ngài nhất.
3 - Về điểm này, phải lưu ý rằng giữa tất cả các thụ tạo, thượng đẳng cũng như hạ đẳng, không một thụ tạo nào có thể là phương thế gần gũi nối kết được với Thiên Chúa, hoặc có thể tương tự được với hữu thể Ngài. Mặc dù, theo lời các nhà thần học, mọi thụ tạo đều qui về Thiên Chúa cách nào đó và đều là dấu vết về Ngài nhiều hay ít tùy theo mức độ hoàn thiện của bản thể chúng, giữa Thiên Chúa và các thụ tạo ấy không có một sự tương ứng hay một sự giống nhau nào theo yếu tính. Ngược lại, giữa hữu thể Thiên Chúa và các thụ tạo ấy là một khoảng cách vô tận. Do đó trí hiểu không thể nào đạt đến Thiên Chúa nhờ phương tiện các thụ tạo, trên trời hay dưới đất, vì không có sự tương ứng hay giống nhau nào cả. Bởi đó, khi bàn về các thụ tạo trên trời, vua Đavít đã nói: "Không một thần linh nào sánh kịp Ngài, lạy Chúa" (Tv 85/86,8). Qua kiểu nói “thần linh”, tác giả muốn hiểu về các thiên thần và các linh hồn thánh thiện. Trong thánh vịnh 76/77,14, ông lại viết: "Lạy Thiên Chúa, đường lối Ngài quả là thánh thiện, có thần nào cao cả như Thiên Chúa?". Dường như ông muốn nói: Lạy Chúa, con đường để đến với Chúa là một con đường thánh, tức là con đường của đức tin tinh tuyền. Thật vậy, có Thiên Chúa nào khác cao cả đến thế? Tức là: có thiên thần nào có bản tính cao cả như Thiên Chúa, hay có vị thánh nào có vinh quang cao cả như Chúa đến độ có thể là con đường xứng hợp và đầy đủ giúp đạt đến Chúa? Cũng chính vua Đavít khi nhắc đến mọi vật cả trên trời dưới đất, còn nói: "Chúa tuy thật là cao cả, nhưng vẫn nhìn đến kẻ thấp hèn, kẻ tự mãn tự cao, từ xa Ngài đã biết" (Tv 137/138,6). Có nghĩa là: Thiên Chúa rất cao cả trong hữu thể Ngài, Ngài thấy mọi vật dưới đất này thật thấp kém so với bản tính siêu việt của Ngài, còn những điều trên cao, tức là các thụ tạo trên trời, thì Ngài thấy và biết chúng từ rất xa. Cho nên tất cả mọi thụ tạo đều không thể nào dùng làm phương thế xứng hợp cho trí hiểu để đạt tới Thiên Chúa.
4 - Cũng y như vậy, tất cả những gì trí tưởng tượng có thể bày ra và trí hiểu có thể tiếp nhận hoặc hiểu được trên đời này, đều không thể nào dùng làm phương tiện trực tiếp giúp nên một với Thiên Chúa. Cứ xét theo lẽ tự nhiên, trí hiểu không thể nào hiểu được một vật nếu nó không lọt vào dưới những dạng thức và hình ảnh do các giác quan thể chất đem lại; mà như đã nói, các vật này cũng không thể nào dùng làm phương thế dẫn đến sự nên một với Thiên Chúa; mà đã như thế cả trí tuệ tự nhiên của ta cũng bất lực. Còn nếu nói về trí hiểu siêu nhiên, theo khả năng có thể được ở đời này, thì phải biết rằng trí hiểu của ta bao lâu còn ở trong nhà tù thân xác thì không sẵn sàng cũng không có khả năng tiếp nhận một hiểu biết rạch ròi về Thiên Chúa, vì sự hiểu biết này không dành cho những người còn sống ở trần gian, phải chết đi mới nhận được, còn nếu không thì đành chịu thua. Vì thế, khi Môsê nài xin một sự hiểu biết rạch ròi kiểu ấy, Thiên Chúa đã trả lời rằng ông không thể thấy Ngài: "Người phàm không thể thấy Ta mà vẫn còn sống" (Xh 33,20). Thánh Gioan cũng nói: "Chưa bao giờ đã có ai thấy Thiên Chúa" (Ga 1,18) hoặc điều gì tương tự như Ngài. Thánh Phaolô (1Cr 2,9) cũng nhắc lại lời ngôn sứ Isaia (64,4): "Mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới". Vì thế, Môsê không dám lại nhìn bụi gai đang bốc cháy, nơi Thiên Chúa đang hiện diện (Cv 7,32); ông biết rõ rằng trí hiểu của ông không thể nào suy xét được về Thiên Chúa cho xứng hợp với những gì ông đã cảm nhận về Thiên Chúa. Sách cũng có chép rằng ngôn sứ Êlia, tổ phụ của chúng ta, khi ở trên núi đã che mặt lại trước sự hiện diện của Thiên Chúa (1V 19,13). Ngài làm như vậy có nghĩa là ngài đặt trí hiểu vào tình trạng tăm tối, bởi vì không dám dùng một phương tiện thô hèn mà chạm đến một thực tại cao cả đến thế. Ngài thấy rất rõ rằng bất cứ điều gì ngài suy xét hoặc hiểu được cách đặc biệt, cũng đều rất xa vời và khác với Thiên Chúa.
5 - Như thế, không có một nhận thức hay một sự tiếp thu siêu nhiên nào ở đời này có thể dùng làm phương thế trực tiếp dẫn đến sự nên một tình yêu cao sâu với Thiên Chúa. Bởi vì, như đã nói, tất cả những gì trí hiểu có thể biết, những gì lòng muốn có thể nếm, những gì trí tưởng tượng có thể tạo ra, tất cả đều rất khác biệt và không xứng hợp với Thiên Chúa. Đó là điều ngôn sứ Isaia đã giúp ta hiểu tài tình trong lời sau đây: "Các ngươi cho Thiên Chúa giống tựa ai vậy? Các ngươi lấy gì tương tự để đem so với Ngài? (Có phải các ngươi lầm) như thợ đúc sắt đã đúc một pho tượng, thợ kim hoàn thì dát vàng và thợ rèn rèn những xà tích bạc?" (Is 40,18-19). Thợ đúc sắt ám chỉ trí hiểu, mà chức năng là tạo nên các ý niệm và gạn lọc chúng khỏi đống sắt của những hình ảnh biểu thị và hoang tưởng: Thợ kim hoàn ám chỉ lòng muốn, vốn có tài tiếp nhận đủ các loại vui thú được thứ vàng là tình yêu gây ra; thợ bạc ám chỉ dạ nhớ và trí tưởng tượng; cũng như thợ bạc không thể trình bày Thiên Chúa bằng những lá bạc, thì dạ nhớ và trí tưởng tượng cũng không thể diễn tả Thiên Chúa bằng những ghi nhận và hình ảnh biểu thị của chúng. Như thế có nghĩa là: Trí hiểu với những ý niệm của chúng không thể quan niệm nổi điều gì sánh được với những hoan lạc và dịu ngọt nơi Thiên Chúa; cả dạ nhớ cũng không thể đặt nổi vào trí tưởng tượng những ghi nhận và hình ảnh diễn tả được Ngài. Như vậy, rõ ràng là không một điều gì trong các ghi nhận ấy có thể là phương thế trực tiếp đưa dẫn đến với Thiên Chúa. Để lại gần Thiên Chúa, nên loại trừ các ánh sáng của trí hiểu hơn là tận dụng chúng; và để lại gần tia sáng thần linh hơn thì nên để mình mù lòa và đi trong tăm tối hơn là mở mắt.
6 - Đó là lý do khiến cho sự chiêm niệm (là phương thế giúp trí hiểu nhận được sự hiểu biết cao xa nhất về Thiên Chúa) được gọi là thần học nhiệm giao, tức là khoa học về sự khôn ngoan giấu kín của Thiên Chúa; thật vậy, sự khôn ngoan này được giấu kín ngay cả với trí hiểu đang tiếp nhận nó. Và vì thế, thánh Điônisiô gọi nó là tia tăm tối. Còn ngôn sứ Barúc thì nói về nó rằng: "Chẳng ai trong họ đã biết đường khôn ngoan, họ đã chẳng thấy những lối đi của nó" (Br 3,23). Vậy, muốn nên một với Thiên Chúa, nhất định trí hiểu phải chịu mù tối trong tất cả mọi nẻo đường mà nó có thể vươn tới. Ông Aristốt nói rằng: “Đôi mắt loài dơi phản ứng thế nào trước ánh sáng mặt trời, là thứ ánh sáng hoàn toàn khiến nó bị tối tăm, thì trí hiểu của chúng ta cũng như thế trước ánh sáng rất chói ngời nơi Thiên Chúa, Đấng hoàn toàn là tăm tối đối với chúng ta”. Ông còn nói thêm rằng: “Những thực tại nơi Thiên Chúa càng cao cả và sáng chói thì đối với chúng ta lại càng xa lạ và tăm tối”. Thánh Tông đồ cũng quả quyết như vậy, khi nói rằng: "Chính những điều cao cả nơi Thiên Chúa, lại được loài người biết đến ít nhất" (x. 1Cr 2,8).
7 - Chúng ta sẽ không xong được đề tài này nếu cứ muốn nêu hết mọi chứng từ và lý lẽ có sức minh chứng rõ ràng rằng chẳng có một thụ tạo nào hoặc tư tưởng nào có thể dùng làm thang cho trí hiểu trèo lên tới vị Thiên Chúa cao cả ấy. Ngược lại, nên biết rằng nếu trí hiểu muốn sử dụng tất cả các vật thụ tạo, hoặc một số nào trong đó, làm phương thế gần gũi đưa đến sự nên một với Thiên Chúa, thì không những sẽ gặp trở ngại trên bước đường leo lên đỉnh núi ấy, mà còn có nguy cơ mắc phải nhiều sai lầm và cạm bẫy.
Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét