Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2024

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 2 - Chương 5: Bản chất sự nên một

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 2

CHƯƠNG 5
BẢN CHẤT SỰ NÊN MỘT *

Chương này dùng lối so sánh để giải thích rõ về bản chất sự nên một giữa linh hồn và Thiên Chúa.

1 - Qua những gì đã trình bày trước đây, hẳn bạn đọc đã hiểu được đôi phần điều chúng tôi muốn hiểu qua cách nói “sự nên một giữa linh hồn với Thiên Chúa”, và nhờ đó bạn sẽ hiểu dễ hơn về những gì chúng tôi sắp nói về việc ấy. Lúc này chúng tôi không có ý bàn về những cách phân chia cũng như từng phần của vấn đề, bởi vì nếu không thì sẽ chẳng bao giờ kết thúc được với những chuyện thế nào là sự nên một theo trí hiểu, theo lòng muốn cũng như theo dạ nhớ, thế nào là sự nên một mau qua và sự nên một bền bỉ theo mỗi quan năng vừa nói, và sau cùng, thế nào là sự nên một mau qua và sự nên một bền bỉ theo cả ba quan năng ấy cùng một lúc. Những chuyện ấy chúng tôi sẽ bàn rải rác trong tập này, khi thì vấn đề nọ, khi thì vấn đề kia. Vả lại đó không phải là những chuyện cần nói ngay mới hiểu được những gì chúng tôi sắp trình bày ở đây. Tốt hơn, sẽ giải thích mỗi vấn đề khi đến lúc của nó, khi đang bàn đến chính những nội dung của từng vấn đề, ta sẽ có ngay trước mắt những ví dụ sống động gắn liền với nó. Lúc ấy người ta sẽ dễ chú ý, dễ hiểu rõ từng vấn đề hơn và sẽ phê phán đúng hơn.

2 - Ở đây tôi chỉ xin bàn về sự nên một toàn diện và bền bỉ mà theo bản thể của linh hồn và theo các quan năng của nó ở tình trạng những thói quen thường xuyên bám lấy sự nên một trong tăm tối; còn ở tình trạng đã lộ hiện, thì với ơn Chúa giúp chúng tôi sẽ nói sau và sẽ cho thấy làm sao ở đời này chúng ta không thể có được sự nên một bền bỉ theo các quan năng mà chỉ có được sự nên một mau qua.

3 - Vậy, để hiểu được bản chất sự nên một đang bàn đây, cần biết rằng nơi hết mọi linh hồn, kể cả linh hồn của người tội lỗi nhất trên thế giới, Thiên Chúa vẫn cư ngụ trong đó và nâng đỡ nó theo bản thể. Đó là cách nên một luôn có giữa Thiên Chúa và thụ tạo, nhờ đó Ngài gìn giữ cho chúng được tồn tại; đến nỗi, nếu thiếu sự nên một ấy của Ngài, chúng sẽ lập tức bị hủy diệt và không tồn tại nữa. Như thế, khi nói đến sự nên một giữa linh hồn với Thiên Chúa, chúng ta không có ý nói về sự nên một theo bản thể kiểu đó, là chuyện lúc nào cũng có, nhưng là nói đến sự nên một tạo biến đổi, biến linh hồn nên Thiên Chúa, là điều không phải lúc nào cũng có nhưng chỉ xảy ra khi linh hồn được nên giống Thiên Chúa nhờ tình yêu. Chính vì thế ta gọi đây là sự nên một do giống nhau, trong khi sự nên một kia là do yếu tính hoặc do bản thể. Sự nên một kia là theo tự nhiên, còn đây là sự nên một siêu nhiên, một điều chỉ có được khi nào ý muốn của linh hồn và ý muốn của Thiên Chúa, hòa hợp nên một với nhau. Không còn một điều gì trái ngược, không hòa hợp với ý Thiên Chúa, linh hồn sẽ được biến đổi biến nên Thiên Chúa nhờ tình yêu.

4 - Không những dứt bỏ những điều trái ngược đã lộ hiện, linh hồn còn dứt bỏ cả những điều còn ở trong tình trạng một xu hướng hay thói quen; không những phải tẩy trừ những hành vi bất toàn hữu ý mà cả những thói quen về bất cứ một điều bất toàn nào cũng phải diệt trừ. Bởi lẽ mọi thụ tạo cũng như mọi hoạt động và tài khéo của thụ tạo đều không phù hợp với bản tính Thiên Chúa và không vươn được tới đó. Vì thế, linh hồn phải tự lột bỏ hết tất cả những gì là thụ tạo cũng như các hoạt động và tài khéo của nó, có nghĩa là từ khả năng hiểu biết đến nếm hay cảm đều phải lột bỏ hết để loại trừ hết tất cả những gì khác biệt và không hòa hợp với Thiên Chúa, và nhờ đó, có thể mặc lấy sự tương đồng với Thiên Chúa. Cần phải lột bỏ hết, để chẳng còn chút gì nơi linh hồn không phải là ý Thiên Chúa và nhờ đó nó được biến đổi nên Thiên Chúa. Như thế, mặc dầu Thiên Chúa luôn hiện diện trong linh hồn để ban phát và bảo tồn sự hiện hữu tự nhiên cho nó, không phải lúc nào Ngài cũng thông ban cho nó sự hiện hữu siêu nhiên. Điều này vốn chỉ được thông ban nhờ tình yêu và ơn thánh, tuy nhiên không phải mọi linh hồn đều ở trong tình yêu và ơn thánh. Còn những linh hồn có tình yêu và ơn thánh thì đâu phải ở cùng mức độ như nhau. Mỗi linh hồn ở một mức độ tình yêu hơn kém khác nhau. Do đó, linh hồn nào càng tiến xa trong tình yêu, cũng như linh hồn nào càng hòa hợp ý mình với ý Thiên Chúa, Thiên Chúa càng tự ban mình cho nó nhiều hơn. Linh hồn nào có được ý muốn hòa hợp và tương đồng toàn diện thì được nên một toàn diện và biến đổi nên Thiên Chúa cách siêu nhiên. Vì lẽ đó, như đã giải thích, linh hồn nào càng khoác trên mình nhiều thụ tạo và những tài khéo riêng, hoặc do quyến luyến hoặc do thói quen, càng ít có điều kiện để được để được nên một như thế, vì nó không dành chỗ cho Thiên Chúa trọn vẹn để Ngài biến đổi nó sang siêu nhiên. Cho nên, linh hồn cần tự cởi bỏ những điều trái ngược và khác biệt tự nhiên ấy đi, để Thiên Chúa, Đấng đang ban mình cho nó cách tự nhiên, cũng sẽ ban mình cho nó cách siêu nhiên nhờ ơn thánh.

5 - Đó là điều thánh Gioan đã muốn giúp ta hiểu khi ngài nói: "Họ không do máu huyết mà sinh ra, cũng không phải do ý của xác thịt, cũng không phải do ý của nam nhân, nhưng chính do bởi Thiên Chúa mà được sinh ra" (Ga 1,13). Hình như ngài muốn nói: Thiên Chúa ban quyền trở nên con cái Ngài (tức là quyền biến đổi nên Thiên Chúa) chỉ riêng cho những ai không sinh bởi máu huyết, tức là bởi sự nên một thể chất tự nhiên, hoặc bởi ý muốn của xác thịt, tức là bởi sự tự do tùy hứng theo tài khéo hoặc khả năng tự nhiên, cũng không phải do ý muốn của nam nhân (điều này bao gồm mọi dạng, mọi cách xét đoán và suy luận dựa trên trí hiểu). Ngài không ban cho bất cứ ai trong những người vừa nói được quyền nên con cái Thiên Chúa, nhưng chỉ ban cho những ai sinh bởi Thiên Chúa. Tức là Ngài chỉ ban cho những ai đã chết đi đối với tất cả những gì là con người cũ và đã tái sinh nhờ ân sủng để vươn mình lên tới siêu nhiên, và nhận lấy nơi Thiên Chúa ơn tái sinh và ơn làm con, vượt hẳn mọi điều người ta có thể tưởng nghĩ. Bởi lẽ như chính thánh Gioan cũng có nói: "Ai không sinh lại bởi nước và Thánh Thần thì không thể vào được Nước Thiên Chúa" (Ga 3,5). Được tái sinh nhờ ơn Thánh Thần tức là có một linh hồn giống với Thiên Chúa trong sự thanh khiết, không pha trộn một chút bất hảo nào; và nhờ đó mà có thể được biến đổi cách tinh ròng, được nên một với Thiên Chúa mà dự phần vào bản tính Ngài, mặc dù chưa phải là một sự nên một theo yếu tính.

6 - Để hiểu rõ hơn, bạn hãy hình dung một tia sáng mặt trời đang đập vào cửa kính. Nếu cửa kính bị phủ đầy một lớp tì vết hoặc hơi nước dày đặc, tia sáng sẽ không thể nào khiến nó rực sáng và hoàn toàn chuyển hóa thành ánh sáng, như trong trường hợp nó tinh tuyền và sạch hẳn các tì vết ấy. Nó càng lắm sương mù và tì vết, ánh sáng càng ít khiến nó được rực rỡ; ngược lại, nó càng tinh sạch, ánh sáng càng làm nó chói chang. Không phải do tia sáng nhưng là do tấm kính. Nếu nó hoàn toàn tinh sạch và trong suốt, tia sáng sẽ giúp nó trở nên rực rỡ và biến đổi đến độ trông nó có vẻ như chính tia sáng và cũng chiếu tỏa cùng một ánh sáng như chính tia sáng ấy. Dĩ nhiên, dù giống tia sáng, tấm kính vẫn mang một bản chất khác với tia sáng, nhưng có thể nói rằng tấm kính ấy là tia sáng, hoặc là ánh sáng, vì nó thực sự thông phần với tia sáng hay ánh sáng ấy. Linh hồn cũng tương tự như tấm kính, ánh sáng Thiên Chúa luôn luôn xâm nhập vào đó, hay như đã nói trên, ánh sáng ấy vẫn luôn cư ngụ trong đó, ánh sáng thần linh của hữu thể Thiên Chúa.

7 - Yêu Thiên Chúa là vì Thiên Chúa mà hành động để tự lột trần và tước bỏ hết những gì không phải là Thiên Chúa, tự tẩy trừ hết mọi lớp màn che và mọi tì vết của thụ tạo, tức là biết giữ cho ý muốn mình được hoàn toàn nên một với ý muốn Thiên Chúa. Khi linh hồn biết nhường cho Thiên Chúa như thế, nó liền được chói sáng và biến đổi nên giống Thiên Chúa, và Thiên Chúa thông ban cho nó hữu thể siêu nhiên của Ngài, đến nỗi nó có vẻ như là chính Thiên Chúa và có được điều mà chính Thiên Chúa có. Khi Thiên Chúa ban cho linh hồn hồng ân siêu nhiên ấy, linh hồn được nên một với Thiên Chúa mật thiết đến nỗi tất cả mọi sự của Thiên Chúa và của linh hồn đều nên một trong một cuộc biến đổi nhờ dự phần. Dĩ nhiên, mặc dù đã được biến đổi, hữu thể tự nhiên của nó vẫn phân biệt với hữu thể của Thiên Chúa như trên, cũng y như tấm kính khi được tia sáng chiếu soi, vẫn phân biệt hẳn với tia sáng.

8 - Bởi đó ta thấy rõ rằng phương thế dẫn đến sự nên một với Thiên Chúa, như đã nói ở trên, không phải là việc linh hồn hiểu biết, nếm, cảm hoặc tưởng tượng về Thiên Chúa, hoặc là một điều gì khác tương tự, nhưng là sự tinh tuyền và tình yêu, tức là sự trần trụi và nhẫn nại hoàn toàn đối với mọi sự vật chỉ vì Thiên Chúa mà thôi. Không thể có sự biến đổi hoàn toàn nếu không có sự tinh tuyền hoàn toàn, cho nên tùy theo mức độ tinh tuyền mà sẽ có được sự nổi bật, sự tỏa sáng và sự nên một giữa linh hồn với Thiên Chúa nhiều hay ít, và như tôi đã nói, sẽ không có được sự nên một hoàn toàn nếu linh hồn không hoàn toàn rực sáng và trong suốt.

9 - Để hiểu thêm, bạn có thể hình dung một tấm hình nổi rất hoàn chỉnh, với nhiều nét đặc sắc phi thường và những lớp men rất tế nhị tinh vi, mà một số nét tinh xảo đến độ khó phân biệt hết những vẻ tế nhị và tuyệt hảo của nó. Trước tấm hình ấy, một người có cặp mắt ít sáng sủa tinh anh, sẽ thấy được ít điểm đặc sắc tế nhị, còn người có cặp mắt tinh anh hơn sẽ thấy được ở đó nhiều nét đặc sắc và hoàn hảo. Nếu ai khác còn có cặp mắt sắc sảo hơn nữa sẽ thấy nhiều điều hoàn hảo hơn nữa; và sau cùng, một người có khả năng thị giác sáng chói và trong suốt nhất sẽ còn thấy được những điểm đặc sắc và hoàn thiện gấp bội. Đó là một bức hình có biết bao điều kỳ thú để xem, dù đã khám phá được nhiều điều rồi, vẫn còn nhiều điều khác để khám phá nữa.

10 - Chúng ta cũng có thể nói tương tự như thế về cách các linh hồn cảm nhận Thiên Chúa khi họ được chiếu sáng và biến đổi. Tùy theo khả năng, mặc dù có thể đã đạt tới sự nên một với Thiên Chúa, không phải mọi linh hồn đều ở một mức độ bằng nhau, nhưng sẽ theo mức độ Thiên Chúa muốn ban cho mỗi người. Đó cũng là cách người ta được nhìn thấy Thiên Chúa ở trên trời, kẻ nhiều người ít, tuy nhiên tất cả đều thấy Thiên Chúa và đều toại nguyện, vì ai nấy đều được đầy ắp khả năng tiếp nhận của mình.

11 - Vì thế, ta có thể gặp thấy ở đời này có những linh hồn ở bậc hoàn thiện với sự bình an và yên nghỉ ngang nhau, và mỗi linh hồn đều mãn nguyện. Dù rằng thể linh hồn này có thể được nâng cao hơn linh hồn khác, nhưng tất cả đều mãn nguyện như nhau bởi vì khả năng tiếp nhận của họ đều được no phỉ. Còn linh hồn nào không đạt tới sự tinh tuyền mà khả năng nó đòi hỏi, sẽ chẳng bao giờ đạt được bình an và thỏa mãn đích thực; bởi lẽ nó đã không đạt được đến chỗ biết lột bỏ và làm trong sạch các quan năng của mình, là điều cần thiết để đạt được sự nên một đơn giản.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

0 nhận xét: